fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Tự Do Luận

LỜI GIỚI THIỆU

Tự Do Luận là một trong hai cuốn sách tạo nên rất nhiều tranh cãi trong học giới khi ra đời trong thế kỷ thứ mười chín. Cuốn thứ nhất là Tuyên ngôn Cộng sản do Karl Marx viết năm 1848 và lý thuyết cộng sản ngày nay đã bị chứng minh là một chủ thuyết không tưởng và hầu như đã đi vào quên lãng. Tự Do Luận, trái lại, được John Stuart Mill viết năm 1858 và đã tạo nên biết bao cuộc tranh luận, ủng hộ cũng có mà chỉ trích cũng có cho đến tận hôm nay. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nước Nhật khi canh tân đã tìm cách dịch những tác phẩm về khoa học, văn học, và triết học của Tây phương sang tiếng Nhật. Riêng Tự Do Luận đã được dịch sang tiếng Nhật, ít nhất là tám lần qua các năm 1871, 1895, 1914, 1925, 1946, 1947, 1967, và 1971 (Trần Văn Thọ, 2011).

Tác phẩm Tự Do Luận gồm có năm chương. Trong chương Dẫn nhập Mill xác định đề tài của tiểu luận là tác phẩm này chỉ bàn về tự do xã hội và dân sự cùng với vấn đề muôn thuở là xã hội có thể áp đặt một cách hợp pháp quyền lực nào trên những cá nhân mà thôi. Lược qua sự phát triển của khái niệm tự do từ thời cổ Hy-lạp, La-mã, và Anh quốc, Mill lập luận rằng tự do có nghĩa là  “một sự che chở đối với bạo quyền của giới cai trị. Giới cai trị và kẻ bị trị đương nhiên ở vào những vị trí đối nghịch nhau.” Quyền lực chính trị được coi là điều xấu xa nhưng cần thiết (le mal necessaire), quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm; cho nên, người dân phải tìm cách giới hạn quyền lực chính trị bằng cái gọi là “những quyền tự do chính trị.” Nếu người lãnh đạo chính trị vi phạm những quyền tự do này, người dân có quyền nổi lên để chống lại. Còn một phương pháp khác là dùng những giới hạn của hiến pháp để cho những quyết định của người lãnh đạo phải có sự đồng ý của nhân dân hay qua đại biểu của họ. Sự tiến hóa này dẫn đến việc thành lập chính quyền theo đại biểu, có nghĩa là viên chức chính quyền được bầu ra và có thể bị triệu hồi  “viên chức khác nhau của Quốc Gia phải là những người được họ chọn hoặc bầu ra để làm việc, những người được họ ủy quyền mà họ muốn bãi chức lúc nào cũng được. Họ cho rằng, chỉ với cách đó, họ mới có thể an tâm là không bao giờ bị chính quyền hiếp đáp.”

Tuy nhiên, Mill nhận thức được rằng còn có một sự chuyên chế khác không kém nguy hiểm; đó là sự chuyên chế của số đông (tyranny of the majority):

những từ ngữ như “chế độ tự trị” hay “quyền của người dân cho dân” không diễn tả được tình trạng thật sự của vấn đề. Những “người dân” cầm quyền không hẳn luôn luôn là những người đồng bọn với những người bị trị; và cái “chế độ tự trị” nói trên kia không phải là mỗi người tự cai trị mình mà là mỗi người bị cai trị bởi tất cả những người kia. Hơn thế nữa, ý muốn của dân chúng trên thực tế là ý muốn của đa số hay là của thành phần hoạt động nhất trong dân chúng; của đa số hay của những kẻ thành công trong việc áp đặt mình là đa số; vậy có thể rằng, dân chúng muốn áp bức một phần trong bọn họ; và đây là một sự lạm dụng quyền lực mà ta phải đề phòng, cũng như phải đề phòng chống mọi sự lạm dụng quyền lực khác.

Vấn nạn, do đó, theo Mill là làm thế nào để giới hạn sự áp đặt của công luận trên sự độc lập của cá nhân. Mill đả phá lập luận cho rằng có thể có một số luật lệ hay công luận nhất định nào đó có ích cho sự tốt lành của cá nhân; ông cho rằng lập luận này không thể được dùng để biện minh cho sự sử dụng đến sức mạnh cưỡng chế người khác làm điều mà mình nghĩ là đúng. Nguyên lý cơ bản trong lập luận của Mill là  “con người, dù cá nhân hay tập thể, chỉ có thể can thiệp vào sự tự do hành động của người khác trong trường hợp cần thiết để tự vệ. Lý do duy nhất mà cộng đồng có thể viện ra để dùng vũ lực đối phó với một thành viên của mình là để ngăn trở kẻ đó làm tổn thương người khác.” Và “Con người có quyền tối thượng đối với chính mình, thân thể cũng như trí tuệ.”

Mill phân định lãnh vực tự do thích đáng của con người thành ba phạm trù: thứ nhất là lãnh vực thuộc về lương tâm, tự do tư tưởng và ý kiến; thứ hai là sự tự do để hoạch địch đời sống của chính mình theo sở thích và nghề nghiệp; và thứ ba là sự tự do để kết hợp với những cá nhân khác, dưới một sự đồng thuận, để nhằm đạt tới một mục đích mà mục đích này không gây hại cho những người khác.

Chương 2 là chương dài nhất và có lẽ là chương chính trong Tự Do Luận. Tiêu đề của chương này là bàn về tự do tư tưởng và thảo luận. Mill đặt vấn đề là liệu người ta có nên được phép cưỡng bách hay giới hạn sự phát biểu tư tưởng của người khác qua quyền lực của chính quyền hay bằng sức mạnh của chính họ? Nói một cách khác đâu là giới hạn chính đáng của sự áp dụng quyền lực của nhà nước trên quyền tự do tư tưởng? Mill lập luận rằng sự áp đặt quyền lực này không những bất hợp pháp và không chính đáng mà còn tước đi một cơ hội cho nhân loại để biết được rằng điều gì có thể là sự thật, bởi vì con người vốn đã có thể sai lầm và không một ai có thể cho là mình nắm được chân lý và quyết định thay cho nhân loại. Để giải thích tại sao quyền tự do tư tưởng và quan niệm luôn luôn bị nguy hiểm, Mill cho rằng đó là vì con người thường có khuynh hướng tự tin vào sự đúng đắn của mình trong một thế giới luôn luôn có sai lầm. Một sự tự tin như vậy hoàn toàn không có cơ sở. Ngoài ra còn có một lập luận khác biện minh cho sự sử dụng quyền lực chống lại tự do tư tưởng là xã hội có trách nhiệm bảo vệ và phát huy một số niềm tin nào đó mà rất quan trọng cho phúc lợi của cả xã hội. Mill bác bỏ lập luận này vì một lần nữa nó lại được đặt trên một giả định là xã hội không thể sai. Sự giả định này rất nguy hiểm vì một mặt xã hội là một tập hợp của những con người và cho thấy những kẻ nào theo giả định này là những người tin tưởng rất chắc chắn về quan điểm của họ là không sai, và mặt khác là những kẻ đó đang cố tìm cách quyết định thay cho mọi người. Người ta vẫn thường nhân danh là vì phúc lợi công mà gây ra những tai hại khủng khiếp cho nhân loại, như trường hợp của Socrates và của Chúa Jesus.  “Socrates, vị thầy được tất cả các nhà tư tưởng lớn của hậu thế công nhận, là một người mà danh tiếng không ngừng gia tăng từ 2000 năm nay và vượt qua danh tiếng của tất cả các nhân vật vĩ đại cùng quê quán. Socrates đã bị các đồng hương kết án tử hình vì tội bất kính và vô đạo đức.”

Mill đưa ra thêm ba lập luận để chứng tỏ sự cần thiết phải có tự do tư tưởng-lập luận thứ nhất đã được trình bày là ý kiến của công luận có thể sai. Lập luận thứ hai cho rằng không những công luận có thể sai, mà ngay cả trường hợp nếu có đúng đi nữa, thì nếu không được tranh luận tự do, thì cái “công luận đúng” đó sẽ trở thành những giáo điều chết. Nếu “sự thật” bị chết thành định kiến, thì người ta sẽ không còn buồn tìm hiểu nữa và không biết cách chống đỡ khi sự thật này bị tấn công. Lập luận thứ ba cho rằng: khi một quan điểm đúng không được tự do tranh luận, thì ý nghĩa của quan điểm đó có thể bị mất. Điều này thường xảy ra trong lịch sử của đạo đức và niềm tin tôn giáo, nhất là những tôn giáo theo Cơ-đốc giáo, khi niềm tin tôn giáo của con người không còn được phản ánh qua hành vi và cách cư xử của họ. Mill viết: “Tất cả những ai tự cho mình là tín đồ Cơ Đốc giáo xem chúng linh thiêng và chấp nhận chúng như những điều luật. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng, không đến một phần ngàn tín đồ hướng dẫn hay đánh giá các hành vi của mình theo các điều luật ấy. Cái gương mẫu họ theo là những tục lệ của xứ sở, của giai cấp hay giáo phái của họ.”

Lập luận thứ tư Mill đưa ra để đề cao sự tự do về quan điểm. Khi có hai lý thuyết trái ngược nhau thì “sự thật” không nằm về phía lý thuyết này hay lý thuyết kia, mà có thể nằm ở một khoảng nào đó ở giữa, hay cả hai quan điểm mỗi bên có một phần sự thật. Sự bất đồng ý hay những quan điểm bị coi là “dị biệt” có thể chứa một phần sự thật mà không được công luận chấp nhận. Thành thử, nếu không có tranh luận, phần sự thật đó có thể bị mất và đó là điều đáng tiếc cho tri thức của nhân loại. Đây là một điểm rất có giá trị khi nêu ra được sự “manh múm của kiến thức” mà ta phải lưu tâm.

Trong Chương 3 Mill cổ xúy cho sự phát huy cá tính và cho rằng đó là một trong những yếu tố của phúc lợi cho xã hội. Mặc dù cá nhân có tự do để bày tỏ những quan điểm của mình dù có bị cho là “quái dị” trái lại với những quan điểm thông thường, nhưng Mill cũng xem xét vấn đề là liệu ta có cho phép những quan điểm đó được thực hành tự do mà không chịu bất kỳ sự trừng phạt nào về pháp lý hay xã hội? Về vấn đề này, Mill tái khẳng định là sự tự do của cả hành động lẫn của tư tưởng phải bị giới hạn để không gây thiệt hại (hành động), hay trở thành những “điều phiền nhiễu” (tư tưởng) cho người khác. Nguyên tắc của Mill là:  “Bất cứ hành động nào, nếu không có lý do hợp lý mà làm hại đến người khác, thì có thể bị kiểm soát, và trong những trường hợp trầm trọng nhất, thì phải bị kiểm soát – bởi sự bất bình của dư luận – hay nếu cần, bởi một sự can thiệp tích cực của công chúng.” Ngoài trường hợp này ra thì mọi lý do đưa đến sự tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng phải được áp dụng luôn cho hành động.

Cá tính là yếu tố cơ bản và thiết yếu trong việc phát triển tư cách của con người. Một cách tổng quát, khi xã hội được thành lập thì cũng đồng thời hình thành theo những quy luật xử thế được lưu truyền từ đời này sang đời nọ; cho nên, xã hội có khuynh hướng xem thường những hành vi tự phát của cá nhân  là không có giá trị, vì dựa trên sự mặc nhiên tin tưởng là tại sao những quy luật này lại không tốt hết cho tất cả mọi người? Mill công nhận là người ta khi còn bé cần được huấn luyện để tiếp thu những kiến thức đã được tổng hợp từ nhiều đời, nhưng một khi họ đã trở thành người lớn, họ nên có sự tự do để tự mình đánh giá những kinh nghiệm nào họ thấy thích hợp với họ. Khả năng để chọn lựa, theo Mill là một mệnh lệnh đạo đức cao hơn là chỉ làm theo thói quen và tục lệ mà không thắc mắc gì cả. “Một con người không có những ham muốn, những thôi thúc của riêng mình thì không có cá tính, chẳng khác gì một cái máy chạy hơi nước.”

Sự phát triển cá tính là một điều có giá trị vì người ta có thể học được một số điều hay nào đó từ những người “lập dị,” không tuân theo quy ước xã hội. Những người bất đồng ý kiến (với số đông) có thể khám phá ra một điều tốt nào đó mới mẻ mà vẫn giữ được những điều tốt đang hiện hữu. Mill cho rằng ta có thể xem những người lập dị hay bất đồng ý kiến là những thiên tài đóng góp được điều gì mới cho xã hội. “Sự thật, những thiên tài luôn luôn là thiểu số; nhưng muốn có họ, ta cần giữ gìn miếng đất, để trên đó, họ nẩy nở; thiên tài chỉ có thể sinh sống thoải mái trong một bầu không khí tự do.” Thêm nữa, “Nếu một người có chút ít khôn ngoan và kinh nghiệm, phương cách anh ta xếp đặt lối sống của mình là phương cách tốt nhất; không phải tự nó tốt nhất, nhưng vì đó là phương cách riêng của anh ta.” Để chấm dứt Chương 3, Mill kết luận: “Ở bất cứ chỗ nào, sự chuyên chế của phong tục tập quán là một trở ngại cho tiến bộ của nhân loại, bởi vì nó không ngừng chống đối khuynh hướng dẫn đến cái tốt hơn sự thông thường; và tùy theo trường hợp, người ta gọi khuynh hướng ấy là tinh thần tự do, tinh thần tiến bộ, hay tinh thần cải tiến.”

Chương 4 bàn về những giới hạn về quyền của xã hội đối với cá nhân. Mặc dù Mill đồng ý là có những trường hợp sự tự do tư tưởng và cả hành động cần phải được giới hạn. Vấn đề đặt ra ở đây là xã hội có một quyền lực chính đáng khi áp đặt sự kiểm soát trên những cá nhân và quyền làm chủ bản thân của họ hay không, và nếu có thì đâu là giới hạn của quyền lực này? Mill không chấp nhận khái niệm khế ước xã hội, nhưng đồng ý rằng vì những cá nhân nhận được sự bảo vệ từ xã hội, nên cá nhân đã mang một món nợ đối với xã hội, cụ thể gồm có sự tôn trọng quyền của những người khác, chia sẻ gánh nặng bảo vệ xã hội và những thành viên khác được an toàn.  “Xã hội có lý do chính đáng để áp đặt mọi biện pháp chế tài bằng mọi giá đối với những ai từ chối làm tròn bổn phận của mình.” Nói một cách khác xã hội có quyền trên bất cứ lãnh vực nào của hành vi cá nhân mà có ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác. Ngoài ra, “trong tất cả mọi trường hợp, ta hoàn toàn có tự do về mặt luật pháp cũng như về mặt xã hội để hành động và hứng chịu mọi hậu quả.”

Khi nói đến quyền lợi, Mill nhấn mạnh là ông không cổ xúy cho sự ích kỷ của con người chỉ lo cho phúc lợi của mình mà không màng gì đến người khác. “Thật là một sự hiểu lầm lớn lao nếu thuyết nêu trên được xem như đưa ra để bảo vệ một sự thờ ơ ích kỷ, theo đó, con người không lưu ý chút nào đến lề lối cư xử của người khác, và chỉ chú tâm đến phúc lợi của mình khi quyền lợi của mình bị đụng chạm.”

Bởi vì con người không sống một mình trong xã hội, và vì thế những hành vi gây hại cho chính mình cũng ảnh hưởng đến những người thân cận hay xa hơn nữa cả về tài sản vật chất lẫn sức khỏe thể chất của họ-những người nghiện ngập chẳng hạn-không còn khả năng phục vụ đồng loại. Và ngay cả khi những hành vi của người đó không gây hại đến ai thì đó cũng là một tấm gương xấu và ta có thể ngăn cấm để khỏi trờ thành gương xấu cho người khác bắt chước. Mill đưa ra một thí dụ là một người vì tiêu xài hoang phí nên không thể trả nổi nợ nần, nhưng “cái tội” mà người đó phạm phải là “không thể trả nợ,” chứ không phải vì lối sống tiêu xài hoang phí, vì lối sống hoang phí đó là một quyết định của cá nhân người đó.

Dù đồng ý là xã hội có đủ thẩm quyền để áp đặt sự trừng phạt về những việc không nên làm của một cá nhân, nhưng Mill nhấn mạnh là xã hội không cần thêm quyền nữa để can dự vào đời sống cá nhân, vì “xã hội đã có toàn quyền trên những người đó khi họ còn trẻ: xã hội đã có tất cả thời kỳ thơ ấu và niên thiếu của họ để giúp họ có khả năng cư xử một cách có lý trí trong đời sống. Thế hệ hiện tại là chủ cả về giáo dục lẫn về tất cả mọi tình huống của thế hệ sắp tới…Nếu xã hội để cho một số lớn thành viên của mình, khi khôn lớn mà vẫn là những đứa trẻ, không có khả năng suy xét theo lý trí về những việc có thể xảy ra trong tương lai, thì xã hội chỉ nên tự trách về những hậu quả sau này.”

Sau chót Mill bàn về vai trò của tôn giáo trong việc ngăn cấm tự do cá nhân và sự áp đặt nếp sống của một cộng đồng hay dân tộc trên một cộng đồng khác: “nhưng tôi không biết có cộng đồng nào lại có quyền bắt buộc một cộng đồng khác phải trở nên văn minh… Nếu văn minh đã chiến thắng tình trạng man rợ khi nó chế ngự thế giới, thì thật là quá đáng nếu ta lo sợ rằng, nó sẽ  sống lại và chiếm lại thế giới văn minh sau khi nó đã bị đánh bại… Để một nền văn minh phải thua trước một kẻ thù đã bại trận, trước hết, nền văn minh ấy phải thoái hóa đến mức cả các giáo sĩ lẫn các nhà tư tưởng lớn hay là bất cứ ai khác cũng không có khả năng hoặc không có ý bảo vệ nó. Nếu tình huống như vậy xảy ra, ta cần phải dẹp bỏ một nền văn minh thoái hoá đó càng sớm càng tốt.”

Chương 5 bàn về những ứng dụng của lý thuyết tự do đã được trình bày ở các chương trên. Trong chương này, Mill tổng kết những lý luận của mình thành hai nguyên lý căn bản. Nguyên lý thứ nhất là cá nhân không có trách nhiệm gì với xã hội về những hành động chỉ liên quan đến họ. Xã hội có thể biểu lộ sự không đồng tình với những hành động này qua “lời khuyên, lời giáo huấn, sự thuyết phục và sự xa lánh: đó là những cách duy nhất để xã hội bày tỏ một cách hợp pháp sự ghét bỏ hay bất đồng ý đối với lề lối cư xử của một cá nhân.” Nguyên lý thứ hai là đối với những hành vi gây thiệt hại cho người khác, thì xã hội có thể trừng phạt cá nhân đó hoặc theo pháp lý hoặc bị xã hội tẩy chay, tùy theo trường hợp. Tuy nhiên, quyền chế tài này cần phải được thi hành một cách hết sức thận trọng, nhất là trong những môi trường có tính cạnh tranh, bởi vì sự thành công của người này có nghĩa là có sự thất bại của người khác, nhưng cái tốt chung của xã hội vẫn được bảo toàn. Xã hội chỉ có thể can thiệp “khi những phương cách đuợc sử dụng để thành công là những phương cách mà quyền lợi chung không thể chấp nhận: đó là sự gian trá, sự lừa lọc và bạo lực.”

Phần còn lại của chương này Mill đưa ra những thí dụ cụ thể và cách thức áp dụng những nguyên lý cơ bản vào từng trường hợp. Mill công nhận là có những trường hợp thật không dễ dàng khi áp dụng nguyên lý của ông. Thí dụ, một người phải được cảnh cáo trước về một cây cầu sắp xập, nhưng ta không thể bắt người đó đừng qua cầu, nếu y hiểu rõ ràng về những nguy hiểm tiềm tàng khi vượt qua cây cầu đó mà vẫn muốn đi qua. Một thí dụ khác là nếu kẻ say sưa trở nên bạo động, thì y nên bị cấm không cho uống rượu.

Ngoài ra, người ta có nên được quyền “cố vấn hay xúi giục” kẻ khác làm một điều gì đó không? Theo nguyên lý tự do, Mill nói rằng được chứ, người ta có quyền làm việc đó và xã hội không có quyền cấm người này thuyết phục người kia. Nhưng xã hội có quyền ngăn cấm những người tìm cách thuyết phục người khác để thủ lợi cho mình và đi ngược lại quyền lợi của xã hội. Mill cho rằng “thuyết phục người khác làm bậy để thủ lợi là một điều cực kỳ xấu xa và xã hội có thể áp đặt những giới hạn trên những con người đó,” thí dụ như chủ sòng bạc khuyến khích người ta đến chơi ở những sòng bạc. Còn về sự cưỡng bách giáo dục trẻ em của chính quyền (trong khi vẫn có những phương thức giáo dục khác) dù cha mẹ của những trẻ em này có muốn hay không, Mill cho rằng cưỡng bách giáo dục là điều cần thiết vì “để cho trẻ em bị thất học là một tội ác chống lại xã hội và ngay đối với đứa trẻ, và nhà nước phải có cách để kiểm tra xem trẻ em có thu thập được những kiến thức cần thiết hay không.” Về vấn đề hôn nhân, quan điểm của Mill được coi là khá cấp tiến so với thời đại của ông; đó là nhà nước nên được phép giới hạn hôn nhân chỉ cho những người có thể khả năng cấp dưỡng cho gia đình và có bổn phận tạo cho cho con cái của mình một cơ hội sống trong môi trường bình thường.

Tự Do Luận ra đời đã được 155 năm, nhưng những vấn đề về quyền tự do được đề cập đến trong tiểu luận vẫn còn nguyên tính thời sự. Đâu là giới hạn của quyền lực xã hội và chính quyền trên sự tự do tư tưởng và ngôn luận của cá nhân? “Sự chuyên chế của đa số” cũng vẫn còn tồn tại tại nhiều nước trên thế giới, và những nhà nước chuyên chế vẫn tiếp tục dùng lý luận “vì cái tốt chung” của xã hội mà đàn áp những ý kiến bất đồng. Đối với hơn một phần ba nhân loại, quyền tự do ngôn luận vẫn là một ước mơ xa vời. Những nguyên lý của Mill về tự do tư tưởng và ngôn luận không những chỉ tạo ra một cơ sở để đánh giá về mức độ tự do của một nước, mà còn là một lối sống nhằm thăng tiến sự cởi mở của tâm trí và sự bao dung để chấp nhận những điều khác biệt.

Tháng Tám, 2014

Nông Duy Trường

 

Tài liệu tham khảo:

Trần Văn Thọ. (2011). Dịch thuật và tinh thần cầu học: Khởi động quá trình hiện đại hóa Nhật Bản. Online http://www.giapvan.info/2012/09/dich-thuat-va-tinh-than-cau-hoc-khoi.html