fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Mười Phủ quyết hay nhất của các tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ

LGT. Thể chế dân chủ pháp trị được xây dựng trên hai khái niệm căn bản: quyền lực được tách biệt và được kiểm soát và cân bằng. Hiến pháp Hoa Kỳ đã thiết lập quyền phủ quyết để cho hành pháp và lập pháp có thể kiểm soát lẫn nhau. Bài viết dưới đây trình bày 10 phủ quyết hay nhất của các tổng thống Mỹ.

Phủ quyết là một trong số những đóng góp nổi tiếng nhất mà chế độ Cộng hoà cổ La mã trước đây 25 thế kỷ đã để lại cho thế giới.Đây là 10 trong số các phủ quyết hay nhất

Lawrence W. Reed

Tổng thống James Garfield đặt tên con chó cưng của ông là Veto. Đó là một con chó đen khổng lồ giống Newfoundland nhưng đáng yêu, nặng khoảng 50 kg, Quốc hội hiểu ý: một dự luật bất hợp hiến sẽ được đưa vào ngay chuồng chó của Tổng thống. (Đáng tiếc là không có dự luật nào bị như vậy, vì tổng thống Garfield chỉ tại chức có 5 tháng)

Quyền phủ quyết (veto) là một công cụ đáng kính đã có từ lâu tại nhiều quốc gia có chính thể cộng hòa. Cùng với giới hạn nhiệm kỳ, phân quyền, habeas corpus[1], và các quy định khác, phủ quyết đã là một đóng góp lịch sử mà nền Cộng hòa La Mã để lại cho thế giới từ 25 thế kỷ trước. Từ veto có nguồn gốc từ tiếng La tinh, có nghĩa là “Tôi cấm!”

Người La Mã thời trước kiên quyết kìm hãm tham vọng của những người mê quyền lực đến nỗi họ cho phép diễn đàn của viện dân cử có quyền bác bỏ dự luật của Thượng viện, và họ cho hai viên chức cao cấp nhất trong chính quyền (consuls) có quyền bác bỏ quyết định lẫn nhau. Phủ quyết giúp kìm hãm các nhà lập pháp quá khích và gìn giữ nền Công hòa trong gần 500 năm. .

Cảm hứng từ những người La Mã, ngay từ lúc đầu các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã đưa quyền phủ quyết của Tổng thống vào trong quyền quy định bởi Hiến pháp – trong Điều 1, Đoạn 7. Tổng thống có thể ngăn chặn một biện pháp không cho trở thành luật bằng cách gửi lại cho Quốc hội dự luật không ký nội trong 10 ngày sau khi Quốc hội đã thông qua (“regular veto” – phủ quyết bình thường) hoặc chỉ không ký dự luật sau khi Quốc hội hoãn họp (“pocket veto”). Phủ quyết bình thường có thể bị vô hiệu hóa, nhưng chỉ khi nào cả hai viện có được đa số 2/3 số phiếu. Từ thời tổng thống George Washington, chỉ có 7% trong số 2572 lần phủ quyết là thật sự bị vô hiệu hóa.

Trong tạp chí National Interest, số ngày 8 tháng 6 năm 2014, tác giả Robert W. Perry nhận xét ,

Phủ quyết của tổng thống là một trong những khoản hàng đầu trong Hiến pháp để ngăn ngừa các hoạt động của Quốc hội đi quá giới hạn quy định trong văn bản lập quốc. Thật vậy, các vị tổng thống thường chỉ phủ quyết các vấn đề mà các vị cho là có tính cách hiến pháp.

Thêm vào lập luận trên căn bản hiến pháp, vào các năm 1830, tổng thống Andrew Jackson còn thêm một biện minh khác cho việc dùng phủ quyết, đó là duy trì quyền của tổng thống để giữ sự cân bằng thích hợp giữa ngành hành pháp và lập pháp  trong chính quyền.

Một phủ  quyết của tổng thống thường có kèm theo một thông điệp giải thích lý do của tổng thống bác bỏ dự luật. Có thông điệp rất ngắn nhưng cũng có thông điệp dài lê thê hàng trang có thể đọc rất chán nhưng cũng có khi là những tuyệt tác phẩm đáng dẫn chứng. Theo tôi, những thông điệp hay nhất là những thông điệp bảo vệ quyền cá nhân, và từ khước tra khảo Hiến pháp cho tới khi Hiến pháp khai ra những quyền mà nó không bao giờ muốn cho chính quyền có.

Do đó, sau đây là 10 vụ phủ quyết mà tôi cho là đứng hàng đầu trong lịch sử các tổng thống Hoa Kỳ.

#10: George Washington Luật đầu tiên Phân bổ số Đại biểu năm 1792 (first Apportionment Act of 1792)

Bất cứ việc sử dụng phủ quyết nào của tổng thống đầu tiên lẽ dĩ nhiên đều có ý nghĩa đặc biệt bởi vì nó có giá trị là tiền lệ trong việc xác định thẩm quyền của tổng thống. Trong 8 năm tại chức tổng thống Washington chỉ phủ quyết có hai lần, nhưng lần phủ quyết này rất hay.

Hiến pháp quy định là Quốc hội phân chia ghế trong Hạ viện theo dân số. Dự luật đầu tiên được chuyển tới bàn giấy của Washington đề nghị một đại diện cho mỗi 30,000 người trong mỗi tiểu bang. Nhưng đặc biệt: tám tiểu bang có số dân còn lại lớn nhất sau khi chia dân số cho 30,000 được thêm một dân biểu. Như vậy lẽ dĩ nhiên là có lợi cho các tiểu bang lớn vào lúc đó và sẽ có khuynh hướng làm ảnh hưởng của phe chủ trương liên bang trong các tiểu bang lớn nhiều hơn của tiểu bang nhỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao và tổng thống tương lai Thomas Jefferson khuyên tổng thống bác bỏ dự luật và đòi Quốc hội phải phân chia không có rắc rối và thiên vị. Bộ trưởng Ngân sách Alexander Hamilton muốn gia tăng quyền của liên bang và thúc dục tổng thống thông qua dự luật. Washington đã khôn ngoan nghe theo Jefferson.

Một dự luật thay thế khác mà tổng thống ký năm đó phân chia số ghế cho mỗi 33,000 người (thay vì là 30,000 người) trong mỗi tiểu bang, đây là một tỷ số chính xác hơn và tránh được sự lừa dối có tính cách phe phái.

Hai tổng thống kế vị Washington là John Adams (một nhiệm kỳ) và Thomas Jefferson (hai nhiệm kỳ) không phủ quyết lần nào.

#9: Franklin Roosevelt và dự luật Bonus Bill

Trong số các tổng thống, FDR giữ kỷ lục về phủ quyết, tổng cộng 635 lần. Nhưng lẽ dĩ nhiên đó là vì tổng thống ở tại chức hơn 3 nhiệm kỳ. Kỷ lục cho một tổng thống làm hai nhiêm kỳ vẫn là cùa Grover Cleveland, tổng thống bác 584 dự luật – nhiều hơn số phủ quyết của tất cả các tổng thống cộng lại. Khác với Cleveland, một số lớn các phủ quyết của FDR là các dự luật đáng lẽ tổng thống phải phê chuẩn.

Như câu ngạn ngữ ‘đồng hồ hư cũng chỉ đúng giờ hai lần trong ngày,’[2] đôi khi FDR cũng làm đúng. Một lần đúng là khi tổng thống bác bỏ môt dự luật đề nghị tiền hưu bổng quá lố cho cựu quân nhân, gọi là Bonus Bill năm 1935. Một mưu toan mua phiếu của người đi bầu ngay trong đảng của tổng thống, dự luật này sẽ gia tăng rất lớn một cách vô lý tiền trợ cấp của chính phủ liên bang cho các cựu quân nhân và thân nhân Thế chiến I.

Trong thông điệp phủ quyết, FDR đưa ra nhiều điểm biện minh cho hành động của ông. Quốc hội đã cung cấp nhiều quyền lợi cho cựu chiến binh. Tổng thống giải thích trong vòng 10 năm tới, theo luật hiện hành, chính quyền liên bang sẽ chi cho cựu chiến binh $13.5 tỷ, “một số tiền bằng ¾ của tất cả chi phí đóng góp trong Thế Chiến, và trong 10 năm nữa thì các cựu chiến binh mới có trên 50 tuổi” Bonus Bill sẽ phải chi thêm hàng tỷ đô la nữa.

Có vài dân biểu ủng hộ dự luật nói là chi tiêu thêm sẽ kích thích nền kinh tế (như tiền ở trên trời rơi xuống). Nhưng FDR trả lời,

Của cải không phải tự nhiên mà có, mà cũng không được phân phối công bằng theo phươg pháp đó. Chính phủ, cũng như cá nhân, rốt cục phải có nghĩa vụ chính đáng đối với của cải được tạo ra bằng công sức của con người khai thác tài nguyên thiên nhiên. Cho đến nay nước nào áp dụng hình thức đáp ứng các nghĩa vụ theo đường lối mà dự luật đề nghị đều phải chịu những hậu quả tai hại.

Vâng, đây cũng là vị tổng thống sau đó đã tiếp tục chi tiêu hoang phí như anh lính say rượu. Tuy nhiên, đặc biệt lần này, cái đồng hồ hỏng của tổng thống đã chỉ đúng giờ với cái đồng hồ treo tường.

#8: Andrew Johnson quan niệm về thể thức bãi nhiệm các viên chức bổ nhiệm

Say sưa hay không[3], tổng thống Andrew Johnson ít được nhắc tới. Tuy nhiên, việc ông phủ quyết Tenure of Office Act năm 1867 (mà Quốc hội bác bỏ) hoàn toàn là đúng và về sau cũng được xác nhận. Tổng thống đáng được khen ngợi về hành động này, mặc dầu ông là tổng thống thường bị bôi nhọ, phần lớn không đúng.

Khi tổng thống Cộng hòa Abraham Lincoln mời ông Johnson của đảng Dân chủ – nhưng ủng hộ thống nhất – vào cùng một liên danh tranh cử với chủ trương Đoàn kết Toàn quốc năm1864, Lincoln hy vọng là sự lựa chọn đó sẽ giúp ông tái đắc cử và xây dựng sự đồng thuận để phục hồi liên bang sau trận chiến. Lincoln đã đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng không đạt được mục tiêu thứ hai. Một viên đạn[4] đã đặt Johnson vào Nhà Trắng năm 1865, và sau đó quan hệ của Johnson với một Quốc hội không thân thiện đã không có gì là êm thắm.

Johnson phủ quyết dự luật nhưng Quốc hội phản bác.

Để làm trở ngại, phe cứng rắn đưa ra một lập trường khó chấp nhận chống lại miền Nam sau thời kỳ nội chiến bằng cách thông qua đạo luật Tenure of Office Act. Đạo luật này quy định là tổng thống không được bãi nhiệm một viên chức (như bộ trưởng) đã được bổ nhiêm với sự chấp thuận của Thượng viện trừ phi Thượng viện chấp thuận sự bãi nhiệm.

Hiến pháp quy định rõ viên chức nào do tổng thống bổ nhiệm và viên chức nào do tổng thống bổ nhiệm cần sự chấp thuận của Thượng Viện. Nhưng Hiến pháp không nói gì về thể thức bãi nhiệm các viên chức này. Suy diễn một cách hợp lý, ta có thể cho rằng tổng thống có thể bãi nhiệm một viên chức trong ngành hành pháp và đệ trình Thượng viện tên người thay thế để được chấp thuận. Nếu không thì làm sao tổng thống có thể thi hành chính sách nếu có một viên chức thừa hành bất tài, ngoan cố, không có thiện cảm?

Johnson phủ quyết đạo luật nhưng Quốc hội bác. Khi Tổng thống cách chức Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, phe chống đối Tổng thống trong Quốc hội đã phản đối là bất hợp lệ, mặc dầu Stanton đã được Lincoln bổ nhiệm và mắc lỗi bất tuân thượng lệnh. Tiếp theo là biểu quyết truất phế tổng thống trong Hạ viện nhưng bị thua vì thiếu một phiếu, Thượng viện không thể kết tội được và Johnson tiếp tục cho hết nhiệm kỳ. Đạo luật được hủy vào năm 1887 và một đạo luật tương tự được ban hành trong những năm 1920 nhưng bị Tối Cao Pháp viện cho là bất hợp hiến.

#7: Calvin Coolidge và Trợ cấp Nông nghiệp

Người bạn tôi và là nhà sử học mà tôi hâm mộ, Burton Folsom, coi việc tổng thống thứ 30 bác bỏ luật McNary-Haugen Farm Relief Act là một trong những phủ quyết đích đáng nhất trong số 50 lần phủ quyết của tổng thống. Tôi đồng ý. Thực ra Coolidge bác bỏ tới hai lần. Xin xem bài phân tích của Burt tại đây[5].

Dù đạo luật có lợi cho nông dân, nhưng nó lại hại cho những người khác.

Dự luật McNary-Haugen đáng lẽ sẽ đổ một số tiền không lồ của chính quyền liên bang vào ngành nông nghiệp, nhưng Coolidge trì hoãn được ít lâu. Nhưng chưa đầy mười năm sau, rốt cuộc chúng ta lại có một chính sách tệ hại hơn với đạo luật kỳ cục và bất hợp hiến Agricultural Adjustment Act của Franklin Roosevelt.

Folsom lập luận là dự luật McNary-Haugen “đáng lẽ đã ấn định giá một số nông sản bằng một hệ thống thư lại rắc rối và dân tiêu thụ Mỹ phải chịu trả.” Dù dự luật có lợi cho nông dân nhưng lại hại cho những người khác. Coolidge tuyên bố là “Hành động như vậy sẽ tạo ra một hệ thống thư lại lớn lao đến nỗi không những nó phương hại tới kinh tế mà còn hại tới tinh thần, xã hội và chính trị trong tương lai.”

Chính quyền liên bang đã “giúp” nông dân Mỹ lâm vào tình trạng phá sản trong mấy chục năm bằng một chuỗi các hành động can thiệp liên tiếp. Đáng lẽ chúng ta đã phải nghe theo Silent Cal[6].

#6: Ulysses S. Grant và Dự luật Lạm phát

Tướng Chỉ huy Union Army và tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ dễ dàng là vua phủ quyết trước khi Grove Cleveland làm tổng thống. Tuy không có vị nguyên thủ quốc gia nào trước Grover Cleveland đã triệt tiêu 29 dự luật, nhưng Grant đã tiêu diệt 93 dự luật. Quá trình của ông cho thấy ông không hẳn là một thiên tài về tài chánh, nhưng về vấn đề tiền bạc thì ông đúng.

Grant theo tiêu chuẩn kim bản vị[7] (gold standard) nhưng nhận ra dự luật có hại về vấn đề tiền bạc.

Vào đệ nhị bán thế kỷ thứ 19, có một số người cho rằng gia tăng khối lượng tiền tệ là tốt cho nền kinh tế. Nó giúp cho người có nợ (vì họ được trả nợ bằng đồng đô la đã xuống giá),và kích thích nền kinh tế vì nó gia tăng mức cầu. Không đếm xỉa gì tới tình trạng đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới giá trị của tiết kiệm hay giá của mọi thứ, phe chủ trương lạm phát trong mọi giới xuất hiện và đòi gia tăng khối tiền tệ dù là tiền giấy, bạc, hay kẹo cao su.

Khi cuộc Hoảng loạn năm 1873 xẩy ra Quốc hội chịu thua phe gia tăng tiền tệ và thông qua dự luật “Lạm phát” (đó chính là tên dự luật). Dự luật sẽ đòi Ngân khố phải phát hành ra hàng triệu tờ giấy bạc mới. Grant thuộc phái kim bản vị cổ xưa và thấy dự luật là mối đe dọa thực sự cho nền tài chánh quốc gia – chẳng khác gì dân bán thuốc dạo quảng cáo cho việc giảm giá đồng đô la.

Ngày nay chính quyền liên bang cứ in tiền mà chẳng cần ai biểu quyết hay phủ quyết.

#5: James Madison và việc tách rời Nhà Thờ và Nhà Nước

Tổng thống thứ tư của chúng ta, còn được biết là “cha đẻ của Hiến pháp”, phủ quyết 7 lần trong 8 năm làm tổng thống. Sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Presbyterian, về sau theo đạo Deism[8] [tự nhiên thần luận]. Ông tin rằng điểm cốt yếu cho tự do tín ngưỡng là chính quyền không được can thiệp vào tôn giáo.

Madison bác dự luật nhằm tặng đất công cho nhà thờ Baptist trong vùng Mississippi Territory.

Điều khoản “Establishment Clause”[9] trong Tu chính Hiến pháp Thứ Nhất (First Amendment[10]) nói rất rõ. “Quốc hội không được ban hành luật tôn trọng sự thành lập một tôn giáo, hay cấm tự do tín ngưỡng.” Vì vậy, vào tháng 2 năm 1811, có lẽ suy diễn  thêm câu “ngoại trừ đôi khi” vào trong câu đó, Quốc hội đã thông qua đạo luật “Cho thành lập Protestant Episcopal Church trong thành phố Alexandria trong District of Columbia.” Madison bác bỏ ngay dự luật vì cho là vi phạm điều khoản “Establishment Clause.”

Cũng trong tháng đó, Madison bác một dự luật cấp đất công cho một nhà thờ Baptist tại  Mississippi Territory. Quốc hội vẫn chưa hiểu ý, về sau lại thông qua một đạo luật cho phép “tự do phân phối các bản kẽm để in và khuyến khích in và phân phối miễn phí kinh thánh của các hội Phổ biến Kinh thánh tại Hoa Kỳ.” Tổng thống cũng vứt vào thùng giấy vụn của Nhà Trắng. Hễ thấy vấn đề rắc rối là ông bác bỏ ngay.

#4: James Buchanan’s “Originalism”[11] in 1860

Về vụ này, tôi trích dẫn nguyên văn bài tôi mới viết[12]  “President Buchanan Wasn’t All Bad”:

Năm 1860, Quốc hội thông qua dự luật “trưng dụng đất để đào sâu kênh cho tàu thuyền đi trong vùng St. Clair trong tiểu bang Michigan.” Buchanan bác bỏ với lý do mà các nhà soạn thảo hiến pháp rất hài lòng, Phe ủng hộ nói rằng trợ cấp của chính quyền liên bang có lý do chính đáng là ở trong trách nhiệm của chính quyền “quy định giao thương với nước ngoài và giữa các tiểu bang” Quả thực Hiến pháp có cho Quốc hội có quyền “quy định” một số hoạt động, nhưng Buchanan lập luận đúng rằng điều đó không có nghĩa là có quyền được “tạo ra.” Ông bắt bẻ là “quyền quy định” có bao gồm quyền tạo ra hay kiến thiết không? Nếu nói là đúng thì đã lẫn lộn hai từ mà ai cũng hiểu nghĩa rất rõ. “Quy định” có nhiều mức độ khác nhau tùy theo các vấn đề khác nhau nhưng không bao giờ có nghĩa là có quyền được tạo ra. Quyền quy định nhất thiết đòi hỏi là đối tượng quy định đã phải có rồi mới quy định.

Nói là quyền quy định giao thương tự nó bao gồm cả quyền xây cảng, đào sâu kênh lưu thông tàu bè – nói tóm lại là tạo ra sự cải tiến nội bộ để giao thương được dễ dàng – là mở rộng sang lãnh vực xây cất theo đó chính quyền liên bang có thể lạm dụng quyền chính trị.

Thông điệp phủ quyết đó rất xúc tích và có tính cách tiên liệu. Ông viết “Quả thực là một lãnh vực quyền lực rộng lớn mà nếu áp dụng có thể đưa tới tệ nạn jobbing [bới ra việc làm] và tham nhũng.” Nếu Quốc hội có một thế lực tạo ra mối lợi (như bây giờ) thì dân biểu nào cũng muốn lấy càng nhiều tiền của Ngân khố càng tốt cho khu bầu cử của mình. Sự cám dỗ này không thể tránh được.” Tổng thống cảnh báo về tệ nạn “mua và trao đổi phiếu” để lấy hết tiền của Ngân khố.

Rõ ràng là Buchanan nghĩ như thế nào về những người phóng tay ghi sẵn những dự khoản chi tiêu trong thới đại hiện nay.

#3: Franklin Pierce và những người bệnh tâm thần

Vị tổng thống duy nhất từ tiểu bang New Hampshire, Franklin Pierce, bỏ phiếu phủ quyết 9 lẩn trong thời gian tại chức từ 1853 to 1857. Năm lần bị bác bỏ nhưng lần phủ  quyết hùng hồn nhất đã thắng.

Nếu chính quyền có vai trò bổ túc việc giúp đỡ các người mắc bệnh tâm thần thì tại sao các tiểu bang lại đẩy nhiệm vụ đó cho chính phủ liên bang?

Ngày 3 tháng 5 năm 1854, ông đã hết sức, và viết rất nhiều, để biện minh cho việc bác bỏ dự luật cấp cho các tiểu bang đất của liên bang hay số tiền tương đương “để giúp các người có bệnh tâm thần nghèo.” Trong khi thi hành nhiệm vụ theo Hiến pháp, ông thú nhận là “cảm thấy phải cưỡng lại tình cảm sâu xa trong tim của ông đối với vấn đề muốn thực hiện với mục đích nhân đạo.” Ông e ngại là sẽ bị hiểu lầm và bị phê phán là người không có lòng nhân từ.

Một trong những lý do ông phủ quyết là do chủ trương sâu sắc trong chế độ liên bang, muốn duy trì sự cân bằng giữa Washington và các tiểu bang. Ông khẩn khoản nói, “ Chẳng lẽ chúng ta lại quên mất sự kiện rằng chính quyền liên bang là do các tiểu bang tạo ra chứ không phải ngược lại hay sao?”

Nếu chính quyền có vai trò phụ giúp các nỗ lực tư nhân và các tổ chức để giúp đỡ các người mắc bệnh tâm thần thì tại sao các tiểu bang lại đẩy nhiêm vụ đó cho chính phủ liên bang ở nơi xa? Và ông hỏi, như vậy thì các nguồn giúp đỡ có tính cách từ thiện có bị cạn đi không, nếu chính quyền các cấp cứ xen vào các công việc như vậy?

Bất cứ độc giả nào để ý, có thể nói đây là lý luận biện hộ sắc bén cho việc theo đúng ‘các quyền lực liệt kê” trong Hiến pháp cần phải đọc thông điệp phủ quyết này.

Sau hết, tổng thống đưa ra lập luận khiến cho ngày nay người ta phải vừa cười vừa nhăn mặt. Nếu Quốc hội có quyền giúp đỡ người điên thì chẳng bao lâu Quốc hội cũng cho là có quyền giúp đỡ người không điên nữa. Tổng thống nói sự giúp đỡ đó có thể dưới các hình thức như trợ cấp người ngu ngốc, bệnh cơ thể, hay người nghèo cùng cực. Tổng thống nói tiếp “Dù là trợ cấp cho người ngu ngốc, người bệnh cơ thể hay người nghèo cùng cực thì ta cũng nên nhớ điều này:

Nếu Quốc hội có thể và phải trợ cấp cho những đối tượng như vậy, thì Quốc hội có lẽ và phải cung cấp cho tất cả. Và nếu làm như vậy thì Quốc hội sẽ trả lời ra sao khi, và chắc chắn, sẽ được yêu cầu ban hành những luật tương tự như vậy cho các đối tượng khác?

Chúng ta phải biết rằng trong lịch sử đã có nhiều quốc gia đã tự tiêu ma trong nhà vệ sinh thuế khóa vì chi tiêu hoang phí cho những vấn đề “bác ái” bị chính trị hóa.

#2: Andrew Jackson và Ngân Hàng Dự Trữ Liên bang của thời đại trước

Nếu Woodrow Wilson đã có được một chút xíu sự khôn ngoan của người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ là Andrew Jackson trước ông 80 năm thì Hoa Kỳ đã thoát được tai họa do ngân hàng gây ra như kỳ Khủng hoảng Kinh tế, và sự tuột dốc không ngừng của đồng đô la.

Xuất thân là một người chất phác miền rừng núi và một quân nhân, Jackson không phải là nhà kinh tế, một người trí thức hay một chuyên gia về ngân hàng. Nhưng trong trường hợp này, hiển nhiên là người quân nhân miền rừng đã hoàn toàn đúng. Ngày 10 tháng 7 năm 1832, ông đã phủ quyết dự luật của Quốc hội muốn sửa lại quy chế của Đệ nhị Ngân hàng của Hoa Kỳ, và do đó đã loại các nhà chính trị và các đàn em ưu tú ra khỏi ngành ngân hàng của chính phủ.

Jackson lập luận rằng “sức mạnh thực sự” của một nước và của nền kinh tế tự do “là để cho cá nhân và nhà nước làm việc với nhau, đừng có đặt nhà nước vào vị trí trung tâm, cứ để cá nhân và nhà nước tự do hoạt động trong quỹ đạo riêng của họ.” Ông cảnh báo về những “tệ nạn khổng lồ” cho đất nước bắt nguồn từ việc tập trung quyền lực vào trong tay một “giới có đặc quyền, vừa có quyền lực chính trị vừa có ưu thế về tiền bạc nhờ có quan hệ với chính quyền.”

Sự phủ quyết tạo ra 30 năm ‘ngân hàng hoạt động tương đối tự do’ và phát triển kinh tế đưa Hoa Kỳ thành một quốc gia có tầm vóc quốc tế.

Và bây giờ Giải thưởng Phủ quyết Hay Nhất được trao cho ….

#1: Grover Cleveland và dự luật the Texas Seed Bill

Chính tổng thống giữ kỷ lục về số phủ quyết nhiều nhất trong hai nhiệm kỳ cũng là người được giải thưởng có phủ quyết hay nhất. Có nhiều lý do, như tôi đã viết[13], tổng thống thứ 22 và 24 của chúng ta thực sự là một tổng thống vĩ đại.

Khi Texas bị hạn hán vào giữa thập niên 1880, đa số Quốc hội cho rắng đó là phận sự của liên bang. Thế là dự luật Texas Seed Bill được chuyển tới bàn làm việc của tổng thống Cleveland để bắt các tiểu bang khác góp $10,000 giúp nông dân trong tiểu bang Ngôi Sao Đơn độc.[14] Số tiền này tương đương với ít ra là hai triệu đồng bây giờ.

Nếu vào năm 2018, thì sẽ chỉ là cuộc tranh luận về sự keo kiệt. Dù món nợ quốc gia là $20 tỷ tỷ cũng không khiến cho phần lớn các dân biểu nghĩ là có đủ khả năng cho hay không, chứ đừng nói gì tới các điểm khôn ngoan khác. Cleveland đã có một lập trường về nguyên tắc, và tôi không thể nào diễn tả hay hơn chính tổng thống.

Tôi không thấy có sự biện minh xác đáng nào để chấp thuận ngân khoản đó theo Hiến pháp, và tôi không nghĩ rằng quyền lực và bổn phận của chính phủ lại mở rộng tới việc cứu trợ cá nhân đang bị khổ sở nhưng lại không liên can gì tới công ích hay có lợi chung. Tôi nghĩ là cần phải ngăn chặn cái khuynh hướng lan tràn là không tôn trọng giới hạn về quyền lực và bổn phận. Sự ngăn chặn đó cần có để chứng tỏ tuy dân chúng ủng hộ chính quyền nhưng chính quyền không nên ủng hộ dân chúng.

Các bạn thử tưởng tượng coi, đã có vị tổng thống thực sự đọc Hiến pháp và thực sự tin vào lời tuyên thệ theo Hiến pháp. Lấy của người này cho người kia vì thiên ý ư? Nhưng Cleveland lại nói: “Rất tiếc, điều này không có ghi trong Hiến pháp. Hiến pháp để làm gì nếu không tôn trọng Hiến pháp? Nếu ta nhận là điều gì cần phải có trong Hiến pháp thì có thể thức quy định trong Hiến pháp để thay đổi. Nếu trong Hiến pháp không có thì đừng bịa đặt ra mà lại vẫn muốn bảo vệ tự do, chế độ pháp trị và sự hợp lý về thuế khóa.

Quý vị có nghĩ rằng tổng thống nói như vậy là không có quan tâm đến những nông dân nghèo không? Đừng có hiểu lầm như vậy. Tổng thống không những chỉ nghĩ đến hậu quả về thuế khóa cho thế hệ tương lai là thế hệ sẽ phải chịu trả thêm thuế cho những dự luật như vậy mà còn nghĩ tới những nguồn tài trợ đáng tin cậy khác của tư nhân ở trong số chúng ta. Ông không bao giờ tin những luận điệu sai lầm cho là các chính trị gia có tinh thần bác ái nhiều hơn những người đã bầu cho họ. Thông điệp phủ quyết của tổng thống tiếp tục như sau:

Lúc nào chúng ta cũng có thể dựa vào tình thân hữu và lòng nhân từ của đồng bào để giúp dỡ  những người gặp chuyện không may. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong thời gian gần đây. [Trong khi đó,] Viện trợ của chính quyền liên bang trong những trường hợp như vậy sẽ khuyến khích người ta trông đợi vào sự săn sóc có tính cách gia trưởng của chính phủ liên bang và làm yếu tinh thần vững mạnh là đặc tính của dân tộc ta, đồng thời nó lại ngăn cản khuynh hướng của đồng bào ta  dựa vào tình cảm và hành động thân ái của đồng loại và thắt chặt thêm tình nghĩa đồng bào.

Phải có một tinh thần dũng cảm tôn trọng nguyên tắc ngay cả trong thời của tổng thống Grover để cưỡng lại biện pháp như vậy. Ngày nay, nó sẽ đòi hỏi một chủng loại cả công dân lẫn đại biểu quốc hội khác hẳn với chủng loại mà chúng ta đã quá quen thuộc gần đây. Đó là một nhận xét đáng buồn về chúng ta chứ không phải về Tổng thống.

Lẽ dĩ nhiên quyền phủ quyết không chỉ giới hạn đối với chức tổng thống. Các thống đốc tiểu bang cũng có quyền phủ quyết.

“Vì các lý do này chứ không phải vì lý do tôi yêu mèo hơn chim, tôi phủ quyết và không chấp thuận dự luật Thượng viện số 93,” thống đốc Adlai Stevenson của tiểu bang Illinois năm 1949 đã tuyên bố như vậy. Dự luật trước được mệnh danh là “Đạo luật Bảo vệ Chim ăn sâu bọ bằng cách cầm chân Mèo,” nếu được chấp thuận sẽ cho phép phạt các chủ để mèo đi lang thang trong tiểu bang.

Adlai ứng cử tổng thống hai lần nhưng không vào được Nhà Trắng. Nếu ông được bầu làm tổng thống thì ông sẽ thấy một môi trường có nhiều mục tiêu cho ông phủ quyết như ở Illinois.

Tổng thống Donald Trump chưa ký một phủ quyết nào. Tôi hy vọng sẽ có nhiều vụ phủ quyết trước khi tổng thống rời Nhà Trắng. Nếu ông muốn kìm hãm Quốc hội khi Quốc hội vi hiến, tôi tin là sẽ không thiếu cơ hội.

Tôi báo cáo, quý vị quyết định .

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ.

© Học Viện Công Dân, Nov 2018

Lawrence W. Reed

Lawrence W. Reed is là chủ tịch của Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education) và là tác giả của cuốn sách Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction và Excuse Me, Professor: Challenging the Myths of Progressivism.

Nguồn: https://fee.org/articles/the-10-best-presidential-vetoes-in-american-history/?utm_campaign=FEE%20Weekly&utm_source=hs_email&utm_medium=email&utm_content=64797750&_hsenc=p2ANqtz-_asHnBpvcZFttew9bZBLmhxx6N4Ls_KA2-UlU3BEuCTxvBo_aOgY8SeX2QVi_g2775mN-Sa5xFTMoa4lWzVlR4zqsTdw&_hsmi=64797750

[1] Đạo luật Habeas Corpus (bảo hộ nhân thân lệnh) do Nghị viện Anh thông qua năm 1679 (dưới thời trị vì của vua Charles II) –được coi là đạo luật quan trọng trong lịch sử của Anh, cũng như lịch sử pháp luật thế giới –quy định các biện pháp nhằm ngăn chặn việc bắt, giam người trái pháp luật. http://tuanhsl.blogspot.com/2011/03/habeas-corpus-act-1679.html

[2] Nếu đồng hồ bị hỏng lúc 3 giờ chẳng hạn, thì nó cũng  chỉ đúng 3 giờ hai lần, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều.

[3] Tổng thống Andrew Johnson cũng nổi tiếng là “nát” rượu vì sự cố sau đây: Khi đắc cử Phó tổng thống cho tổng thống Abraham Lincoln trong diễn văn nhậm chức ông đã uống khá nhiều rượu để “chữa” một cơn sốt. Kết quả là một bài diễn văn làm cho nhiều quan khách bị phật ý. Khi tỉnh táo, ông là một nhà hùng biện, năng nổ; khi ngà ngà say, ông dễ gây sự với người khác.

[4] Andrew Johnson kế vị chức tổng thống sau khi Abraham Lincoln bị ám sát ngày 14 tháng 4 năm 1865

[5] The Origin of American Farm Subsidies – https://fee.org/articles/the-origin-of-american-farm-subsidies/

[6] “Silent Cal” là Biệt danh của Tổng thống Coolidge vì ông là người trầm lặng, kiên quyết và bình dị.

[7]  Một tiêu chuẩn tiền tệ trong đó đơn vị cơ bản của tiền được ấn định bằng một số lượng vàng, Thí dụ: nếu Hoa Kỳ định giá vàng là $500 một ounce (28.3495 gram), thì $1 đô-la có giá trị bằng 1/500 của một ounce vàng.

– What is the gold standard? | Investopedia https://www.investopedia.com/ask/answers/09/gold-standard.asp#ixzz5XO6csHMA

[8] Deism (tự nhiên thần luận): tín ngưỡng tin có một đấng tối cao tạo ra vũ trụ nhưng đó không can thiệp vào vũ trụ. –  https://www.allaboutphilosophy.org/deism.htm

[9] Establishment Clause không cho phép chính quyền nâng đỡ một tôn giáo này hơn một tôn giáo khác.

[10] First Amendment của Hiến pháp Hoa Kỳ là một phần của Tuyên ngôn Nhân quyền của Hoa Kỳ bảo vệ tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do báo chí và quyền khiếu nại.

[11] Chủ trương giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ theo nghĩa bao hàm trong Hiến pháp từ lúc mới ban hành.

[12] President Buchanan Wasn’t All Bad – https://fee.org/articles/president-buchanan-wasn-t-all-bad/

[13] Grover Cleveland: Một trong những tổng thống vĩ đại của Mỹ – https://fee.org/resources/grover-cleveland-one-of-americas-greatest-presidents/

[14] Texas còn được gọi là tiểu bang Ngôi sao Đơn độc. Lá cờ của tiểu bang Texas gồm có ba màu và ba sọc: xanh nước biển, đỏ và trắng; chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Một sọc doc màu xanh nước biển chiếm 1/3 chiều dài từ bên trái lá cờ. Hai sọc ngang màu đỏ và trắng chiếm ½ chiều ngang, với màu trắng nằm ở trên. Ngôi sao năm cánh màu trắng nằm giữa sọc xanh nước biển, đỉnh ngôi sao hướng lên trên.