Nam Chi chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh
Không còn nghi ngờ gì nữa, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) sẽ chính thức đưa Trung quốc gia nhập hoàn toàn vào hệ thống mậu dịch thế giới. Không giống bất cứ thỏa ước nào khác, đặc điểm duy nhất của WTO là nó có một hệ thống giải quyết tranh chấp vững vàng, có tên gọi là Ban Giải Quyết Tranh Chấp (the Dispute Settlement Body (DSB), được WTO giao quyền phân xử những tranh chấp giữa các nước hội viên và quan trọng hơn nữa là thi hành những phán quyết đã đưa ra. Cứ xem từ trước tới nay nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa hề chấp nhận quyền tài phán của một cơ quan quốc tế nào, nói chi tới việc thi hành những phán quyết bất lợi cho họ, nay họ chịu chấp nhận Cơ Quan Giải Quyết Tranh Chấp (DSB) thực quả là một cam kết lớn lao. Hiểu như thế, WTO đã có một tác động chưa từng có tới quy tắc Thượng Tôn Luật Pháp.
Nguyên tắc pháp lý căn bản của WTO
Mặc dù rất nhiều nguyên tắc có thể trích dẫn từ thỏa ước của WTO, những điều sau đây là nổi bật nhất:
- Giảm mức thuế quan, một điều khoản hiển nhiên khỏi giải thích.
- Thương mại công bình, cấm xuất khầu phá giá hoặc được nhà nước trợ cấp (Các điều khoản 6 và 16 của Hiệp Định Chung Về Thuế Quan và Thương Mại (GATT)
- Tính trong sáng, đòi hỏi các nước hội viên phải ban hành và bảo vệ một cách minh bạch các luật lệ, qui ước, quyết định tư pháp và hành chính liên quan tới thương mại.
- Chống đối xử phân biệt, bao hàm nguyên tắc đối xử đồng đều, cấm việc xem các sản phẩm ngoại nhập tệ hơn các sản phẩm nội hóa của người trong nước (nationals) về phương diện thuế má, lệ phí, cũng như các luật lệ và điều kiện khác (điều khoản thứ 13 của GATT). Đó chính là viên đá nền tảng của WTO vốn gây nhiều tranh cãi giữa các nước hội viên của WTO.
Tác động của WTO
Tất cả những nguyên tắc pháp lý trên đây của WTO sẽ góp phần hình thành và phát triển tinh thần Thượng Tôn Luật Pháp ở Trung quốc. Một hậu quả trực tiếp của việc giảm thuế quan là tăng cường giao dịch thương mại giữa Trung quốc và thế giới. Tất cả các thành viên trong dây chuyền giao dịch sẽ đòi hỏi để tác quyền và quyền lợi về kinh tế của họ được bảo vệ tốt hơn trong hệ thống pháp lý của Trung quốc. Việc giám mức thuế quan cũng đòi hỏi tăng cường cạnh tranh và cải tiến các xí nghiệp quốc doanh, và tôi hy vọng điều này sẽ làm giảm bớt tham nhũng và bảo vệ công bình hơn tất cả các thành viên trong thị trường, dù là tư doanh hay quốc doanh, do người nước ngoài hay người trong nước làm chủ.
Ảnh hưởng của việc giảm mức thuế quan đối với nguyên tắc Thượng Tôn Luật Pháp tuy có vẻ xa và gián tiếp, nhưng ba nguyên tắc kia (mậu dịch công bình, tính trong sáng và đối xử đồng đều) chắc chắn sẽ có hiệu quả trực tiếp và tức thời hơn.
Công cuộc cải cách kinh tế đang diễn ra ở Trung quốc chủ yếu là sự biến đổi từ một nền kinh tế do trung ương qui hoạch thành một nền kinh tế thị trường. Trong trình tự chuyển hóa này, điều cốt lõi là vạch ra những lĩnh vực nào sự can thiệp của nhà nước là không cần thiết, cũng như có kế hoạch chuyển giao những lĩnh vực đó cho thị trường hay thành phần tư nhân để chi phí của nhà nước và các cá nhân liên hệ ở mức vừa phải. Nguyên tắc mậu dịch công bình (chống bán phá giá và nhà nước trợ cấp) theo WTO, nhằm làm lỏng tay nhà nước trong hoạt động mậu dịch, sẽ giúp cho Trung quốc chuyển đổi qua kinh tế thị trường dễ dàng hơn. Rồi sẽ đến lúc nền kinh tế thị trường tự nó đòi hỏi phải có tinh thần Thượng Tôn Luật Pháp.
Nguyên tắc trong sáng, mặc dầu chỉ giới hạn trong lề luật thương mại của WTO, cũng bao hàm một số yếu tố nòng cốt của qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp, như đã nêu ra trong diều khoản 10.3 của GATT:
- Mỗi thành viên của thỏa ước phải điều hành một cách đồng nhất, vô tư, và hợp lý những luật pháp, điều lệ, phán quyết như đã được nêu ra trong đoạn 1 của điều khoản này (đòi hỏi phải phổ biến nhanh chóng để các nước tham gia mậu dịch có thể thông hiểu).
- Mỗi thành viên trong thỏa ước phải duy trì hoặc thiết lập ngay, tùy hoàn cảnh thực tế, những tòa án, thủ tục pháp lý, hành chánh, hòa giải, nhằm mục đích, ngoài nhiều việc khác, kịp thời duyệt xét và điều chỉnh những biện pháp hành chánh liên hệ tới vấn đề thuế quan. Những tòa án và thủ tục ấy sẽ độc lập với cơ quan hành chánh có nhiệm vụ thi hành, và những phán quyết ban ra cũng sẽ được các cơ quan đó áp dụng và trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho họ làm việc.
Những diều khoản đó trong WTO xem ra rất giống những sách giáo khoa trường luật bàn về vấn đề Thượng Tôn Luật Pháp. Như ta đã thấy, WTO không những đòi hỏi tính trong sáng và tiếp cận với luật pháp, nó còn kêu gọi phải có một sự giám sát pháp lý, cả hai diều đó đều là những yếu tố căn bản của qui tắc Thương Tôn Luật Pháp.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử hoặc đối xử đồng đều, như nhiều học giả đã nêu ra, trước hết là sẽ khuyến khích doanh thương Trung quốc ở cấp địa phương dẹp bỏ những trở ngại dưới nhiều hình thức do chính sách bảo vệ và thiên vị và tiếp đến cũng sẽ tiến hành dẹ p bỏ những trở ngại tương tự đối với các công ty ngoại quốc. Đa số những hình thức bảo vệ hoặc thiên vị đang tồn tại không thể biện minh được về phương diện kinh tế, cũng như đứng trên quan điểm Thượng Tôn Luật Pháp. Đó là những biệt đãi không chính đáng và không thể kiểm soát được của nhà nước, một quá trình thường có tính cách bí mật, độc đoán và tùy tiện. Để cải tiến tinh thần cạnh tranh của doanh thương Trung quốc trên thị trường thế giới, chính phủ Trung quốc cần phải phá bỏ các trở ngại do chính sách bảo vệ và thiên vị. Nếu trước đây không có đủ động cơ khuyến khích và áp lực, thì hiện nay WTO đang thiết lập một thời hạn cuối cùng cho Trung quốc, bằng cách đòi hỏi phải thực hiện chính sách trong sáng và đối xử công bình. Ở đây, lại một lần nữa ta thấy các lực lượng thị trường và sự cạnh tranh, do WTO đưa vào Trung quốc, sẽ đem lại cho qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp một cơ hội tốt hơn để nẩy nở tại nước này, bởi vì cả hai bên, chính quyền cũng như người dân, sẽ phải vạch ra một ranh giới pháp luật ở giữa họ, đúng theo qui luật của các lực lượng thị trường.
WTO đòi hỏi phải có giám sát pháp lý
Nếu không có giám sát pháp lý độc lập thì qui tắcThượng Tôn Luật Pháp sẽ trở thành một khẩu hiệu rỗng tuếch cho xã hội, thay vì là thực tế có thể thành tựu được cho cá nhân công dân, dù cho hiến pháp và luật lệ có qui định bất cứ quyền hạn nào. Điều tối quan trọng của sự giám sát pháp lý độc lập là ở chỗ cá nhân công dân cần có một phương cách độc lập để đòi hỏi sự áp dụng luật pháp bình đẳng và công minh. Nếu người dân cảm thấy rằng nhà nước đã vượt quá ranh giới pháp lý giữa hai bên thì sự giám sát pháp lý là phương tiện cần thiết (nếu không nói là duy nhất) của người dân. Không có giám sát pháp lý, hoặc nếu giám sát pháp lý không độc lập thì rất khó bảo đảm cho mọi thành viên trong xã hội, gồm cả thường dân, nhà nước và viên chức của chính quyền, tuân thủ qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp.
Trong khuôn khổ luật pháp của Trung quốc hiện nay, tòa án được phép giám sát các biện pháp hành chánh được thi hành, nhưng không giám sát các luật lệ hoặc qui định hành chánh dù cho chúng trái với hiến pháp hoặc những pháp lệnh cao hơn. Việc “giám sát pháp lý” kiểu này rõ ràng là có vấn đề — sự bảo vệ quyền tư pháp bị giảm thiểu khi người dân và xí nghiệp, vì sợ vi phạm các qui ước và luật lệ hành chánh liên hệ, đã chọn không áp dụng những pháp quyền mà đáng lý ra họ phải được hưởng. Kết quả là trong quá trình thực thi quyền hạn của mình, người dân và xí nghiệp phải gánh chịu nhiều phiền toái, điều này làm suy giảm những quyền cá nhân của người dân và tăng phí tổn dịch vụ cho các xí nghiệp.
Thế rồi bây giờ có WTO, thỏa ước quốc tế này được xem như có uy lực pháp lý cao hơn những luật lệ và qui định mâu thuẫn nhau căn cứ vào những Cương Lĩnh Dân Luật của Trung quốc. Bởi vì tổ chức WTO nhằm ban cấp quyền hạn cho các nước hội viên chứ không phải cho cá nhân hay xí nghiệp, nên việc các tòa án Trung quốc có trực tiếp áp dụng thỏa ước WTO để giải quyết những mâu thuẩn như thế hay không, chỉ còn là vấn đề tranh cãi trên lý thuyết. Tuy nhiên, về mặt thực tế, nếu một mâu thuẩn như thế không được giải quyết ờ Trung quốc, người ta sẽ khiếu nại để WTO giải quyết. Như thế, muốn tránh những kiện cáo bất lợi cho Trung quốc ở cấp WTO, và tránh chính trị hóa những tranh chấp thương mại giữa các nước hội viên, giám sát pháp lý phải được chấp nhận ở Trung quốc và được nới rộng để bao hàm không những “biện pháp hành chánh cá biệt” mà còn cả những luật lệ và qui định nữa.
Như đã bàn thảo trên đây, WTO đòi hỏi phải có giám sát pháp lý độc lập, ít ra là trong những vấn đề thương mại. Ngoài sự đòi hỏi như thế đúng theo nguyên tắc trong sáng (Điều khoản 10 của GATT) đã trích dẫn trên đây, Điều khoản 13 trong thỏa ước chống phá giá cũng kêu gọi phải có giám sát pháp lý:
Mỗi nước hội viên nào mà luật pháp quốc gia có qui định những biện pháp chống phá giá đều phải duy trì những thủ tục hoặc tòa án pháp lý, tài phán, hành chánh nhằm mục đích, ngoài những việc khác, kịp thời duyệt xét các biện pháp hành chánh liên quan đến những quyết định tối hậu cũng như duyệt lại những quyết định thể theo ý nghĩa của Điều 11. Những tòa án và thủ tục như thế phải độc lập với các cơ quan chính quyền có trách nhiệm về những vấn đề được quyết định hoặc duyệt xét.
Tương tự như nguyên tắc trong sáng, đòi hỏi thiết yếu ở đây không phải là thể thức cùa tòa án, vốn có thể là pháp lý, tài phán hoặc hành chánh, mà chính là tính độc lập của tòa án phải được các nước hội viên duy trì. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều biết rằng tư pháp sẽ có tư thế hơn bất cứ ngành nào khác của nhà nước để hành xử một cách độc lập và chuyên nghiệp, nếu nó được cung cấp cơ hội để làm việc đó. Không may, trái với việc thành lập một cơ quan tư pháp độc lập theo đúng qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp, việc thông qua gần đây Bộ Luật của Trung Quốc (15, tháng 3, năm 2000) rõ ràng phủ nhận quyền giám sát pháp lý của ngành tư pháp. Thay vào đó, việc giải quyết những mâu thuẫn giữa các luật pháp và qui định được giao cho Ủy Ban Thường Trực Quốc Hội (ngành lập pháp) và Hội Đông Quốc Gia (ngành hành pháp). Do đó, việc thiếu phương cách hữu hiệu và trong sáng của ngành lập pháp và hành pháp để giải quyết những mâu thuẫn trong một thời hạn qui định khìến cho tôi phải chỉ trích, chưa nói chi đến tính thiếu độc lập.
Mặc dù ngành lập pháp đáng khen ở chỗ đã làm sáng tỏ trình tự các cấp trong hệ thống luật pháp, và phân định quyền hạn của từng cấp, các điều khoản phủ nhận giám sát tư pháp độc lập là một bước thụt lùi trên đường tiến tới Thượng Tôn Luật Pháp Tôi thành thật hy vọng rằng sự kêu gọi phải có giám sát tư pháp của WTO, về lâu về dài, sẽ đảo ngược xu hướng hiện nay.
Kết luận
Tôi không thấy cơ hội cho nguyên tắc Thượng Tôn Luật Pháp nẩy nở trong một xã hội có nền kinh tế chỉ huy từ trung ương. Lý do không phải là vì ý thức hệ mà vì bản chất của qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp là phải vạch ra một ranh giới pháp lý rõ rệt giữa chính quyền và người dân. Trong một nền kinh tế chỉ huy từ trung ương, nhà nước qui hoạch tất cả, sản xuất tất cả, tiếp nhận tất cả và phân phối tất cả, quả thực không cần thiết vạch ra một lằn ranh giữa chính quyền và người dân, không chỉ về phương diện nhà nước mà cả về phương diện người dân nữa.
Cho nên tôi tin tưởng rằng những lực lượng bên ngoài của thị trường sắp được du nhập vào Trung quốc khi họ gia nhập WTO sẽ đẩy nhanh sự cải cách luật pháp ở Trung quốc để hướng đến Thượng Tôn Luật Pháp. Sự cam kết của Trung quốc đối với những nguyên tắc pháp lý nêu ra trong thỏa ước WTO và việc Trung quốc chấp nhận thi hành những phán quyết của Ban Hòa Giải Tranh Chấp (DSB) đối với họ, mang đầy hứa hẹn rằng qui tắc Thượng Tôn Luật Pháp chưa bao giờ gần gũi với người dân Trung Hoa đến như thế.
© Học Viện Công Dân 2006
_________
Martin Hu là một trong những sáng lập viên của công ty Boss & Young, một hãng cố vấn pháp luật hàng đầu, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung quốc. Ông có hai bằng cấp về luật, LL.B. (Cử Nhân Luật) của Phân khoa Luật thuộc Đại học Vũ Hán và LL.M (Cao học luật) của Đại học Luật Capital tại Ohio, Hoa Kỳ. Từ 1966 đến 1999, ông Hu làm cố vấn cho Tập hợp Điện tử Phillips ở Trung quốc tại Thượng hải. Trước đó, ông hành nghề luật trong 3 năm tại Columbus, Ohio, chủ yếu là trong lãnh vực mậu dịch quốc tế và thuế khóa. Là một luật sư có giấy phép hành nghề ở cả Trung quốc và Hoa kỳ, ông Hu đã thực sự cố vấn cho các nhóm đa quốc gia kinh doanh tại Trung quốc và thường được các cơ quan của chính phủ Trung quốc mời tham khảo về chính sách hành chánh và luật pháp liên quan đến đầu tư. Ông Hu đã viết bài cho một số tạp chí luật pháp và từng giảng dạy Luật Hiện đại về Xí nghiệp ở Đại học Luật Fudan tại Thượng Hải. Ông có chân trong Hội Luật gia Hoa Kỳ và Hội Luật gia Thượng hải và hiện giữ chức chủ tịch Tiểu ban Pháp luật của Phòng Thương mại Anh quốc tại Thượng hải.
Nguồn: The Maureen and Mike Mansfield Foundation:http://www.mansfieldfdn.org/programs/program_pdfs/08hu.pdf