fbpx

Những Bài Diễn Văn Kinh Điển

Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm – MLK

Martin Luther King, Jr.

Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, mà tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả.” (Lu-ca 11: 5-6)

 

Mặc dù câu chuyện ngụ ngôn này liên quan đến sức mạnh của sự cầu nguyện liên lỷ, nhưng cũng có thể được dùng làm căn bản cho sự suy tư của chúng ta về nhiều vấn đề thời sự và vai trò của hội thánh khi phải đối phó với những vấn đề này. Lúc đó là nửa đêm trong câu chuyện ngụ ngôn; nó cũng là nửa đêm trong thế giới của chúng ta, và bóng tối quá dày đặc đến nỗi ta hầu như không còn biết tìm đâu ra phương hướng.

Đó là lúc nửa đêm ngay trong trật tự xã hội hiện nay. Trên nền trời quốc tế những nước đang tranh giành với nhau trong một cuộc thi đua lớn lao và gay gắt để đạt vị trí tối thượng. Hai cuộc thế chiến đã xảy ra trong vòng một thế hệ, và những đám mây đen của một cuộc chiến nữa đang vần vũ một cách rất nguy hiểm trên đầu chúng ta. Người ta ngày nay có vũ khí nguyên tử và hạt nhân, những vũ khí mà chỉ trong vài giây có thể tiêu diệt hoàn toàn những thành phố lớn trên thế giới. Nhưng cuộc chạy đua vũ trang vẫn đang tiếp diễn và những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vẫn nổ ra trên bầu khí quyển, cùng với một viễn tượng u tối là bầu không khí mà chúng ta đang thở đây sẽ bị nhiễm độc phóng xạ từ những vũ khí này rơi xuống. Liệu những hoàn cảnh và vũ khí như thế này sẽ đưa nhân loại đến chỗ tận diệt chăng?

Khi phải đối diện với lúc nửa đên trong trật tự xã hội, chúng ta vẫn thường trong quá khứ hướng về khoa học để xem có cứu được chúng ta không. Và thật là kỳ diệu! Trong nhiều trường hợp khoa học đã cứu chúng ta. Khi chúng ta ở giữa đêm tối của sự hạn chế về thể chất và sự bất tiện nghi của vật chất, khoa học đã đưa chúng ta đến ánh bình minh của sự tiện nghi về vật chất và thể chất. Khi chúng ta ở trong màn đêm và bị què quặt vì sự ngu dốt và mê tín, khoa học đưa chúng ta đến rạng đông của tâm trí khai mở và tự do. Khi chúng ta ở vào lúc nửa đêm của bệnh tật, của những trận dịch bệnh kinh khiếp, khoa học đã qua những phương pháp phẫu thuật, vệ sinh, và thuốc men thần kỳ đã đem lại tia nắng sáng sủa của y khoa, giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ và mang lại cho ta sức khỏe tốt hơn và đời sống an ninh hơn. Đó cũng là điều tự nhiên khi chúng ta tìm đến khoa học trong cái ngày mà những vấn đề của thế giới đang trở nên quá kinh khiếp và sắp xảy ra.

Nhưng than ôi! Khoa học không thể cứu chúng ta, vì ngay cả những khoa học gia cũng bị lạc lối giữa nửa đêm trong thời đại của chúng ta. Thật ra, khoa học đã trao cho ta chính cái khí cụ đe dọa mang đến sự tự hủy diệt của vũ trụ. Như thế con người thời này đang đối diện với lúc nửa đêm trong trật tự xã hội đầy thê lương và đáng kinh sợ.

Lúc nửa đêm trong hoàn cảnh tập thể của con người cũng tương ứng với lúc nửa đêm trong đời sống nội tại của mỗi người. Đó là lúc nửa đêm trong trật tự tâm trí của con người. Ở mọi nơi những nỗi sợ điếng người dằn vặt người ta ban ngày và ám ảnh họ vào ban đêm. Những đám mây đen của trầm uất và lo lắng treo lơ lửng trên bầu trời tâm trí của con người. Con người ngày nay đang bị xáo trộn về tình cảm nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử của nhân loại. Những khu bệnh tâm thần trong bệnh viện của chúng ta giờ đây đông nghẹt người, và những nhà tâm lý học nổi tiếng của chúng ta là những bác sĩ chuyên môn về phân tâm học. Những cuốn sách bán chạy hàng đầu về tâm lý mang những tựa đề như Con người tự chống lại mình, Cá tính thần kinh rối loạn trong thời đại chúng ta, Con người hiện đại đi tìm linh hồn. Những cuốn sách bán chạy hàng đầu về tôn giáo là những cuốn mang tựa đề như Bình an trong tâm tríBình an trong linh hồn. Những giáo sĩ được nhiều người ưa chuộng giảng những bài giảng êm ái như “Làm thế nào để được hạnh phúc” và “Làm thế nào để được thư giãn.” Một số những giáo sĩ này đã bị cám dỗ bởi sự nổi tiếng và dám sửa điều răn của Chúa Jesus thành: “Các con hãy đi vào trong thế giới, hãy giữ cho đừng bị cao huyết áp, và rồi ta sẽ cho các con một cá tính được điều chỉnh đúng đắn.”  Tất cả những điều này cho thấy đây là lúc nửa đêm trong đời sống nội tâm của mỗi người.

Đây cũng là lúc nửa đêm trong lãnh vực đạo đức. Lúc nửa đêm màu sắc mất đi sự khác biệt và trở nên một sắc xám buồn thảm. Những nguyên lý đạo đức đã mất đi tính đặc thù của nó. Đối với con người hiện đại thì sự tuyệt đối đúng và sai chỉ là sự phản ảnh của những gì đa số đang làm. Đúng và sai trở nên tương đối như thích và không thích và là phong tục của một cộng đồng nào đó. Chúng ta đã, trong vô thức, áp dụng thuyết Tương đối của Einstein, dùng để mô tả đúng đắn cái vũ trụ vật chất này, vào lãnh vực luân lý và đạo đức.

Nửa đêm là giờ khắc khi con người đang cuống quýt tìm cách để tuân theo Điều Răn thứ Mười Một;[1] đó là “Các ngươi đừng để bị bắt.” Theo quy luật đạo đức của lúc nửa đêm, thì tội trọng là bị bắt và đức hạnh cao nhất là đừng để bị bắt. Theo quy luật này thì việc nói láo là chuyện chấp nhận được miễn hồ phải biết nói láo cho thật giỏi. Theo quy luật này thì ăn cắp cũng là chuyện chấp nhận được, và nếu kẻ ăn cắp là kẻ có chức vị, thì nếu có bị bắt chỉ bị kết tội là biển thủ, chứ không phải là ăn cắp. Sự thù hận, căm ghét cũng được cho phép, nếu người ta che giấu sự căm ghét dưới lớp áo của tình thương yêu để cho sự căm ghét có được cái vẻ ngoài của yêu thương. Khái niệm của Darwin về sự sinh tồn của những kẻ thích nghi nhất đã bị thay thế bởi cái triết lý sinh tồn của kẻ lưu manh nhất. Cái tình trạng tâm lý này đã dẫn đến sự sụp đổ thê thảm của những tiêu chuẩn luân lý, và tình trạng suy đồi đạo đức trong lúc nửa đêm càng tệ hại thêm.

Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn, thế giới của chúng ta ngày nay cũng vậy. Bóng tối sâu thẳm của lúc nửa đêm bị gián đoạn vì âm thanh của tiếng gõ cửa. Hàng triệu người đang gõ trên cánh cửa của giáo hội. Trong đất nước này danh sách những người theo đạo dài hơn bất cứ lúc nào. Hơn 115 triệu người là tín hữu, ít nhất là trên giấy tờ, của hội thánh này hay nhà nguyện nọ thuộc Do-thái giáo. Con số này cho thấy có sự gia tăng một trăm phần trăm kể từ năm 1929, dù dân số chỉ tăng có ba mươi mốt phần trăm.

Du khách đến thăm Xô-viết, một đất nước mà chính sách của nhà nước tuyên xưng là vô thần, đã kể lại rằng những nhà thờ tại Xô-viết hiện nay không những đã chật cứng, mà con số những người đi nhà thờ tiếp tục gia tăng. Phóng viên Harrison Salisbury của tờ New York Times đã viết rằng những viên chức Cộng sản rất bực bội khi thấy có quá nhiều những người trẻ ngày càng biểu lộ sự quan tâm đến giáo hội và tôn giáo. Sau bốn mươi năm nỗ lực đàn áp tôn giáo, hệ thống của đảng Cộng sản đang phải đối diện với một sự thật không thể chối cãi được là hàng triệu người đang gõ cánh cửa của giáo hội.

Ta không nên quá chú trọng vào sự gia tăng số lượng. Và đừng nên để những con số này làm cho ta bị lẫn lộn giữa sức mạnh thuộc linh và số lượng đông đảo. Một sự gia tăng về lượng không tự động đem lại sự gia tăng về phẩm. Con số đông đảo tín đồ có ghi danh không nhất thiết là đại biểu sự dốc lòng tin vào đấng Ki-tô. Hầu như bao giờ cũng vậy, một thiểu số tận tụy và sáng tạo đã làm cho thế giới tốt hơn. Nhưng dù cho sự gia tăng về số lượng tín đồ không nhất thiết phản ảnh một sự gia tăng đồng bộ về quyết tâm tuân thủ các quy tắc đạo đức, hàng triệu người này cảm thấy hội thánh cho họ một câu trả lời trước những mù mờ hỗn tạp đang bao quanh đời sống của họ. Hội thánh cũng là một dấu ấn quen thuộc khi kẻ lữ hành mệt mỏi đến lúc nửa đêm. Đó là một ngôi nhà nằm đó đã bao năm qua, một ngôi nhà mà kẻ lữ hành lúc nửa đêm hoặc là gõ cửa xin vào hay từ chối không vào. Một số người quyết định không vào. Nhưng nhiều người đã đến và gõ cửa, họ đang tìm trong tuyệt vọng một miếng bánh nhỏ để giúp họ qua lúc khó khăn.

Kẻ lữ hành xin ba ổ bánh mì. Người đó cần miếng bánh của đức tin. Trong một thế hệ có biết bao nhiêu sự thất vọng khổng lồ, người ta đã mất niềm tin nơi Thượng đế, nơi con người, và ở tương lai. Nhiều người cảm nhận như William Wilberforce,[2] khi ông nói năm 1801 là “Tôi không dám lấy vợ-tương lai quá bấp bênh,” hoặc như William Pitt[3] năm 1806 đã nói, “Hầu như chẳng còn tồn tại điều gì quanh chúng ta ngoài sự đổ nát và tuyệt vọng.” Gữa cơn thất vọng sâu xa, nhiều người đã van xin miếng bánh của đức tin.

Người ta cũng có một sự khao khát sâu xa cho miếng bánh của hy vọng. Trong những năm đầu tiên của thế kỷ này nhiều người đã không thèm đến loại bánh này. Những ngày mà lần đầu tiên con người có điện thoại, xe hơi, và máy bay đã tạo cho họ một sự lạc quan rạng rỡ. Họ thờ phụng tại ngôi đền của sự tiến bộ tất yếu. Họ tin rằng mỗi thành tựu mới của khoa học sẽ nâng con người lên đến tầng cao của sự toàn hảo. Nhưng rồi một chuỗi những bi kịch xảy ra và làm lộ ra bản chất ích kỷ và hư hỏng của con người; sự kiện này được minh họa bởi một sự thật rõ ràng đến rợn người qua câu câu nói của Ngài Acton: “Quyền lực làm hủ bại, và quyền lực tuyệt đối dẫn đến hủ bại tuyệt đối.” Sự khám phá đáng sợ này đã dẫn tới một trong những sụp đổ trầm trọng của sự lạc quan trong lịch sử, Nhiều người đã kết luận là đời sống chẳng có ý nghĩa gì. Một số khác đồng ý với triết gia Schopenhauer rằng đời sống là một sự đau khổ dằng dặc với một kết thúc đau thương, và đời sống là một bi hài kịch được diễn đi diễn lại mà chỉ có chút ít thay đổi về cảnh trí và trang phục. Những người khác rên lên như Macbeth của Shakespear rằng cuộc đời “chỉ là một câu chuyện do một thằng ngốc kể, đầy những âm thanh và cuồng nộ, nhưng chẳng nói lên điều gì cả.”

Nhưng ngay cả khi trong những khoảnh khắc không thể tránh được như vậy, khi tất cả dường như đã tuyệt vọng, con người biết rằng không có niềm hy vọng, thì họ không thể nào sống được, và trong sự tuyệt vọng đau thương đó, họ van nài xin miếng bánh của hy vọng.

Và cũng có sự khao khát sâu xa cho miếng bánh của tình yêu. Mọi người đều ước ao yêu thương và được yêu thương. Kẻ nào cảm thấy mình không được yêu cảm thấy rằng mình là kẻ thừa thãi của cuộc đời. Nhiều điều đã xảy ra trong thế giới hiện đại khiến con người cảm thấy họ là kẻ thừa thãi không thuộc về thế giới đo. Sống trong một thế giới mà càng lúc càng trở thành vô nhân tính, nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy rằng mình chẳng khác gì hơn những con số.  Ralph Borsodi trong một bức tranh độc đáo miêu tả thế giới thời hiện đại, một thế giới mà con số thay thế cho con người, đã viết rằng một bà mẹ thời hiện đại thường được gọi là sản phụ Số 8434 và đứa con của bà sau khi được in dấu tay và dấu chân, trở thành Số 8003, và cái đám tang trong một thành phố lớn kia là một sự kiện trong Căn hộ B được trang hoàng theo hạng B và được Mục sư Số 14 làm lễ cùng với người nhạc sĩ Số 84 hát khúc Số 174. Bị hoang mang trước cái khuynh hướng hạ thấp con người xuống thành những tấm thẻ trong một hệ thống chỉ số mênh mông, con người đang tuyệt vọng tìm kiếm miếng bánh yêu thương.

Khi người đàn ông trong chuyện ngụ ngôn gõ cửa nhà hàng xóm để xin ba ổ bánh mì, ông ta đã nhận được câu trả lời đầy khó chịu của người hàng xóm: “Đừng có làm phiền tôi; tôi đóng cửa rồi. Tôi và các con tôi đi ngủ cả rồi. Tôi  không thể thức dậy và cho anh cái gì đâu.” Người ta đã từng trải qua những sự thất vọng tương tự như vậy biết bao nhiêu lần rồi khi vào lúc nửa đêm đến gõ cửa hội thánh. Hàng triệu người Phi châu hiện đang kiên nhẫn gõ cửa hội thánh Cơ-đốc để tìm miếng bánh của công bình xã hội; tất cả đã bị lờ đi hay được bảo là đợi một lúc nữa, một lúc mà hầu như chẳng bao giờ xảy ra. Hàng triệu người Mỹ da đen, những người đang đói khát miếng bánh của tự do, đã hết lần này đến lượt nọ gõ lên cánh cửa của những hội thánh da trắng, nhưng họ chỉ được chào đón bằng sự thờ ơ lạnh lùng hay đạo đức giả trắng trợn. Ngay cả những người da trắng lãnh đạo tôn giáo, những người có tấm lòng thật sự muốn mở cánh cửa và cung cấp những miếng bánh mì, nhưng thường là vì cẩn trọng hơn là vì lòng can đảm, và có khuynh hướng chọn con đường tiện lợi thiết thực hơn là con đường đạo đức. Một trong những bi kịch đáng hổ thẹn trong lịch sử là chính cái tổ chức mà nhiệm vụ lẽ ra là giải thoát con người khỏi bóng đêm của sự phân chủng sắc tộc lại tham dự vào việc tạo nên và kéo dài cái khoảnh khắc nửa đêm của sự phân chủng.

Trong lúc nửa đêm kinh khủng của chiến tranh con người đã gõ cửa hội thánh để xin miếng bánh hòa bình, nhưng hội thánh đã nhiều lần làm họ thất vọng. Còn có điều nào làm lộ ra một cách đau khổ vai trò lạc điệu của hội thánh trong bang giao quốc tế thời nay bằng sự chứng kiến của hội thánh trước những cuộc chiến đang xảy ra không? Trong một thế giới đã hóa điên với những cuộc chạy đua vũ khí, với những tình cảm quốc gia quá khích, và những sự lợi dụng của chủ nghĩa đế quốc, hội thánh đã hoặc là ủng hộ những hoạt động này, hoặc là giữ một sự im lặng đáng sợ. Trong hai cuộc thế chiến vừa qua, hội thánh của những quốc gia đã hoạt động như là tay sai của nhà nước, vừa vẩy nước thánh lên những chiến hạm, vừa tham gia vào dàn đồng ca của quân đội mà hát lên rằng: “Ca ngợi Thượng đế và chuyển đạn dược lên.” Một thế giới mỏi mệt đang cầu xin hòa bình một cách tuyệt vọng, vẫn thường gặp hội thánh phê chuẩn về mặt đạo đức cho những cuộc chiến tranh.

Và những người đến với hội thánh để tìm miếng bánh của công bình kinh tế đã bị bỏ trong tình trạng thiếu thốn về kinh tế của lúc nửa đêm đầy chán nản. Trong nhiều trường hợp, hội thánh đã liên kết với những giai cấp thượng lưu, ăn trên ngồi trước và để bảo vệ cho cái tình trạng hiện tại của xã hội đã không còn muốn trả lời tiếng gõ cửa lúc nửa đêm nữa. Hội Thánh Chính thống giáo Hy-lạp tại Nga đã tự liên kết với cái nguyên trạng xã hội và trở nên gắn liền với chế độ độc tài kiểu Sa hoàng đến nỗi không còn thể nào loại bỏ hệ thống chính trị và xã hội hủ nát mà không loại bỏ luôn cả giáo hội này. Đó chính là số phận của mọi tổ chức tôn giáo mà đã tự trở thành đồng minh với cái nguyên trạng xã hội.

Giáo hội phải nhớ rằng mình không phải là chủ nhân hoặc tôi tớ của nhà nước, mà là lương tâm của nhà nước. Giáo hội phải là người hướng dẫn và phê bình chứ không bao giờ là công cụ của nhà nước. Nếu giáo hội không nắm trở lại được lòng nhiệt thành trong chức năng dự ngôn của mình, thì giáo hội sẽ trở thành một loại câu lạc bộ xã hội vớ vẩn, mất đi quyền uy đạo đức và tâm linh. Nếu giáo hội không tham gia một cách tích cực trong cuộc đấu tranh cho sự công bình chủng tộc và kinh tế, thì giáo hội đã để mất đi sự trung thành cố hữu của hàng triệu người và khiến cho họ phải thốt ra là ý chí của giáo hội đã bị tự khô héo. Nhưng nếu giáo hội tự giải thoát được mình khỏi cái cùm bảo vệ nguyên trạng xã hội, và khôi phục lại cái nhiệm vụ lịch sử vĩ đại của mình, và lên tiếng cùng hành động không còn sợ hãi gì hết và kiên trì về những vấn đề công lý và hòa bình, thì giáo hội sẽ nhen ngọn lửa trong trí tưởng và ngọn lửa trong tâm hồn của con người, sẽ làm cho [đời sống họ] phong phú thêm với tình yêu chân lý, công bằng, và hòa bình nồng cháy. Người ta, dù ở gần hay xa, sẽ biết rằng giáo hội là đại biểu của tình yêu giữa anh em vĩ đại và cung cấp ánh sáng cùng bánh mì cho những kẻ lữ hành đơn độc đang đi lúc nửa đêm.

Khi nói đến tình trạng lè phè, thiếu nghiêm túc trong sinh hoạt của giáo hội, tôi cũng không thể bỏ qua một sự thật là cái vẫn thường được gọi là giáo hội Da đen cũng đã để cho người ta tuyệt vọng lúc nửa đêm. Tôi gọi đó là “cái-gọi-là” giáo hội Da đen vì một cách lý tưởng thì không thể có người Da đen trong một nhà thờ Da trắng.  Đối với những Cơ-đốc nhân Da trắng, đó là một sự hổ thẹn triền miên vì đã tạo ra một hệ thống phân biệt chủng tộc ngay trong hội thánh, và đã gây ra quá nhiều đau thương, sỉ nhục đối với những người Da đen đến thờ phượng đến nỗi họ phải tự tổ chức lấy giáo hội của mình.

Hai loại giáo hội Da đen đã thất bại trong việc cho người lữ hành nửa đêm miếng bánh mì. Đó là loại giáo hội nhắm vào tình cảm của giáo dân, còn loại kia bị đông cứng bởi sự phân biệt giai cấp. Loại giáo hội đầu tiên đã hạ thấp sự thờ phượng xuống thành sự giải trí, chú trọng vào âm lượng hơn là nội dung và lầm lẫn giữa sức mạnh thuộc linh với [sự hào nhoáng] của thể chất. Sự nguy hiểm trong những nhà thờ kiểu đó là tín hữu có thể có nhiều “tôn giáo” ở trên tay, chân hơn là ở trong tâm hồn và linh hồn. Vào lúc nửa đêm, loại nhà thờ này chẳng có sức sống hay phúc âm thích hợp để nuôi những linh hồn đang đói khát.

Loại giáo hội Da đen thứ hai cũng không cho kẻ lữ hành miếng bánh, và đã tạo nên một hệ thống giai cấp, rồi đi khoe khoang về phẩm giá của họ, nào là tín đồ chỉ gồm toàn những nhà trí thức chuyên môn, và đóng kín trong cái khung trưởng giả đó. Trong những nhà thờ như vậy, sự thờ phụng thì lạnh lẽo và vô nghĩa, âm nhạc thì rầu rĩ không khích động được lòng người, còn bài giảng thì chỉ phản ánh những vấn đề thời sự. Nếu vị mục sư nói nhiều quá về Chúa Jesus, hội chúng sẽ cảm thấy vị mục sư đang làm mất “phẩm chất” của bục giảng. Nếu ca đoàn mà hát một bài thánh ca của người Da đen, thì hội chúng cảm thấy giai cấp xã hội của họ bị xúc phạm. Cái loại nhà thờ này đã thất bại một cách thê thảm đến nỗi không nhận ra được rằng sự thờ phụng ở mức độ cao nhất là một kinh nghiệm xã hội trong đó con người ở mọi trình độ đến cùng với nhau để xác nhận sự Nên Một và hiệp nhất dưới Thượng đế. Vào lúc nửa đêm tất cả mọi con người đều bị bỏ lơ bởi vì họ không được giáo dục đầy đủ, hay được cho những miếng bánh đã bị khô cứng bởi mùa đông của ý thức giai cấp bệnh hoạn.

Ta cũng ghi nhận trong câu chuyện ngụ ngôn này là sau khi bị thất vọng lần đầu tiên, người đàn ông tiếp tục gõ cửa nhà người hàng xóm. Bởi vì cứ tiếp tục nài nỉ, cuối cùng người đàn ông cũng thuyết phục được người hàng xóm mở cửa. Nhiều người tiếp tục gõ cửa giáo hội lúc nửa đêm, dù sau khi giáo hội đã làm họ thất vọng đắng cay, bởi vì họ biết bánh sự sống là ở nơi đó. Giáo hội đang đang bị thử thách để tuyên xưng rằng Jesus, Con của Thượng đế, là hy vọng của nhân loại trong mọi nan đề cá nhân và xã hội của mình. Nhiều người sẽ tiếp tục đến để tìm câu trả lời cho những vấn nạn của cuộc sống. Nhiều thanh niên, khi đến gõ cửa, là những người đã bị bối rối, phân vân trước những sự bất định của đời sống, bị hoang mang vì những sự thất vọng hàng ngày, và vỡ mộng bởi những sự bất nhất của lịch sử. Một số thanh niên này là những người được tuyển từ trường đại học, từ những công việc làm chuyên môn của họ và được trao cho vai trò của người lính. Chúng ta phải cung cấp cho họ những miếng bánh tươi mát hy vọng và chất chứa trong đó là một đức tin rằng Thượng đế có quyền lực đem được cái tốt đẹp ra khỏi điều xấu. Có những người đến sau khi đã bị tra tấn bởi sự gặm nhấm của mặc cảm tội lỗi, kết quả của sự lang thang lúc nửa đêm trong cái gọi là đạo đức tương đối và cái lý thuyết tự-thể hiện. Chúng ta phải đưa họ đến với Đức Ki-tô, người sẽ cho họ miếng bánh tươi mới của sự tha thứ. Có những người gõ cửa đang bị dằn vật vì nỗi sợ cái chết khi họ đang đi trong bóng chiều của cuộc đời họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ miếng bánh đức tin và sự sống đời đời, để họ nhận thức được rằng đời sống trên đất này chỉ là phần mở đầu của một phôi thai trước một sự thức tỉnh mới.

Lúc nửa đêm là cái giờ khiến người ta hoang mang vì đó là lúc khó để giữ vững đức tin. Từ ngữ mà giáo hội có thể nói lên và khiến cho người ta trở nên phấn khích là không có lúc nửa đêm nào sẽ kéo dài mãi mãi. Kẻ lữ hành mệt mỏi lúc nửa đêm xin một miếng bánh nhưng thực ra đang tìm kiếm bình minh. Thông điệp hy vọng của chúng ta là bình minh sẽ đến. Tổ tiên của những người nô lệ đã nhận thức điều này. Họ luôn luôn ý thức đến lúc nửa đêm, vì những ngọn roi da của những người cai và những bục rao bán nô lệ và chia rẽ gia đình họ luôn luôn nhắc cho họ thực tại này. Khi họ nghĩ về bóng tối đau khổ của lúc nửa đêm họ đã hát: “Không ai biết những khổ sở tôi đã chịu…” Bị bao phủ bởi bóng đen khủng khiếp, nhưng tin tưởng ngày mai sẽ đến và họ ngợi ca Thượng đế.

Niềm tin tích cực vào bình minh của họ là niềm hy vọng đang lớn lên và giữ cho những người nô lệ trung tín giữa những hoàn cảnh khắt khe, đau thương nhất.

Đức tin vào bình minh sẽ đến là đức tin vào một Thượng đế nhân lành và công chính. Khi ta tin điều này, ta biết rằng những sự mâu thuẫn của đời sống không phải là chung cục và tất yếu. Kẻ có thể bước qua bóng đêm với một đức tin tỏa sáng rằng mọi sự sẽ được tốt lành cho những người yêu Thượng đế. Ngay cả những lúc nửa đêm không trăng sao tối thăm thẳm cũng sẽ báo hiệu một bình minh của những sự thành tựu lớn.

Khi chúng tôi bắt đầu cuộc tẩy chay xe bus tại Montgomery, Alabama, chúng tôi tự thành lập những chuyến xe “car pool” để những người làm cùng hay gần nhau có thể cùng đi làm. Trong suốt mười một tháng dài, những chuyến xe này rất thành công. Thế rồi Thị trưởng Gayle đưa ra một nghị quyết nhằm cấm mọi loại chuyên chở như vậy. Buổi điều trần được ấn định vào thứ Ba, ngày 13 tháng 11, 1956.

Trong phiên họp hàng tuần định kỳ của chúng tôi được tổ chức ngay đêm trước khi diễn ra điều trần, tôi có trách nhiệm thông báo cho mọi người là chương trình chuyên chở của chúng tôi có thể sẽ bị cấm. Tôi biết rằng bà con đã chịu khổ sở trong gần mười hai tháng trời, nhưng không lẽ bây giờ ta lại bắt họ phải đi bộ đi làm? Và nếu không, thì có phải ta đã thú nhận là sự phản kháng của chúng ta đã thất bại? Đây là lần đầu tiên mà tôi gần như muốn trốn không dám giáp mặt họ.

Khi buổi chiều đến, tôi thu hết can đảm để nói với họ sự thật. Tuy nhiên, tôi đã cố để kết luận trong hy vọng. “Chúng ta đã đi qua suốt bao nhiêu tháng,” tôi nói, “với một đức tin can cường rằng Thượng đế ở cùng chúng ta trong cuộc đấu tranh này. Bao nhiêu kinh nghiệm của những ngày qua đã chứng thực đức tin này một cách kỳ diệu. Tối nay, ta phải tin rằng một con đường sẽ được mở ra từ những bế tắc.” Nói thế nhưng tôi có thể cảm thấy cơn gió lạnh bi quan đang thổi qua phòng họp. Ánh sáng của hy vọng sắp mờ đi và ngọn lửa của đức tin cũng chỉ còn leo lét.

Vài giờ sau đó, trước mặt quan toà Carter, đại diện thành phố lập luận rằng chúng tôi đang điều hành một “doanh nghiệp tư nhân” mà không có giấy phép. Luật sư của chúng tôi biện hộ một cách sắc bén là việc đi “car pool” được hội thánh Da đen cung cấp miễn phí. Ai cũng thấy rằng quan tòa Carter sẽ phán quyết theo ý của thành phố.

Đến trưa, trong lúc nghỉ giải lao, tôi ghi nhận có tiếng ồn ào trong phòng xử. Thị trưởng Gayle được gọi trở lại phòng xử. Nhiều phóng viên chộn rộn đi vào đi ra. Một lúc sau đó một phóng viên đến bàn nơi tôi ngồi với các luật sư trong tư cách là bị cáo chính. “Đây là quyết định mà ông đang mong đợi. Xin đọc bản thông cáo.”

Vừa lo lắng, vừa hy vọng, tôi đọc những dòng chữ sau đây: “Tối cao Pháp viện Hoa kỳ ngày hôm nay nhất trí phán quyết rằng việc phân ngăn chủng tộc trên xe bus ở Montgomery, Alabama là vi hiến.” Trái tim tôi thổn thức với một niềm vui không thể nào tả nổi. Giờ phút tối tăm nhất của cuộc đấu tranh của chúng tôi đã trở nên giờ phút đầu tiên của chiến thắng. Có một ai đó ở cuối phòng nói lớn: “Thượng đế đã cất tiếng nói từ Washington.”

Bình minh sẽ đến. Sự thất vọng, buồn rầu, và tuyệt vọng phát xuất từ lúc nửa đêm, nhưng bình minh sẽ theo sau. Thi Thiên có nói: “Khóc than  có thể kéo dài cả đêm, nhưng niềm vui sẽ đến khi trời sáng.” Đức tin này chấm dứt sự tích lũy của bao điều tuyệt vọng và đem ánh sáng mới cho những căn phòng tăm tối của bi quan.

© Học Viện Công Dân 2014

http://mlk-kpp01.stanford.edu/index.php/encyclopedia/documentsentry/doc_a_knock_at_midnight/


[1] Martin Luther King đã chơi chữ trong câu này vì Thiên Chúa giáo chỉ có mười điều răn do Thượng đế truyền cho Môi-se.

[2] William Wilberforce (1759-1833) là một chính trị gia người Anh, cũng đồng thời là một nhà từ thiện và là lãnh tụ của phong trào hủy bỏ nạn buôn bán nô lệ trên toàn Đế quốc Anh.

[3] William Pitt (1759-1806) là thủ tướng trẻ nhất của Anh quốc năm 24 tuổi trong nhiệm kỳ thứ nhất, và trở thành thủ tướng một lần nữa từ 1801-1806. Pitt là đồng minh của Wilberforce trong việc vận động đạo luật cấm buôn bán nô lệ.