fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tuyên ngôn Độc lập: Theo tôi, đến từ Hi lạp

Những ý tưởng cấp tiến đằng sau Tuyên ngôn Độc lập không phải là điều mới

JAMES PERON

Những ngôn từ xúc động trong Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson nói rằng tất cả mọi người được ban cho các quyền không thể chuyển nhượng. Đối với Jefferson, các quyền đó đã có trước khi chính quyền được thiết lập và chức năng của chính quyền là “bảo vệ các quyền đó”. Nhưng chính ông đã nói rằng những ngôn từ vang dội của ông không thể hiện một ý tưởng mới: “Mục đích của Tuyên ngôn Độc lập không phải là tìm ra những nguyên lý mới, những luận cứ mới chưa bao giờ được nghĩ đến, hay không đơn thuần là nói những điều trước đây chưa bao giờ được nói; mà đặt lẽ thường của vấn đề này trước nhân loại, bằng những ngôn từ đơn giản và rõ ràng để có được sự tán thành của họ, và để chứng minh chúng ta đúng trong lập trường độc lập mà chúng ta buộc phải lựa chọn. Bản tuyên ngôn này cũng không nhằm vào sự độc đáo của nguyên lý hay [khích động] tình cảm, nó cũng không được sao chép từ bất cứ văn bản nào trước đây, nó được tạo ra nhằm thể hiện tinh thần của người Mỹ.” [1]

Jefferson đã nói đúng. Các Nghị quyết của Thành phố Boston (1772) nói rằng tất cả mọi người có các quyền tự nhiên và “Trong các quyền tự nhiên của các thuộc địa có các quyền đó. Thứ nhất là quyền được sống; Thứ hai là quyền tự do; Thứ ba là quyền sở hữu; cùng với quyền ủng hộ và bảo vệ chúng theo cách tốt nhất mà họ có thể.” Tuyên ngôn về các quyền của bang Virginia (1776) tuyên bố rằng “tất cả mọi người… có các quyền hiển nhiên nhất định… ấy là quyền được sống và quyền tự do, với phương tiện để thủ đắc và sở hữu tài sản.”

Những nhà cách mạng Mỹ đã nói về các quyền tự nhiên và các luật tự nhiên. John Dickinson vào năm 1766 đã lập luận rằng các quyền đó, “không được thêm vào cho chúng ta trên tấm da thuộc[1] và được đóng dấu để ấn chứng.” Thay vào đó, “Chúng được sinh ra cùng chúng ta, tồn tại cùng chúng ta, không thể bị tước đoạt khỏi chúng ta bởi bất cứ quyền lực nào của con người mà không lấy đi cuộc sống của chúng ta. Nói ngắn gọn, chúng được đặt cơ sở trên những nguyên tắc bất biến của của lý trí và công lý. [2]

Ethan Allen đã nói rằng “tri thức về tự nhiên là sự hiển lộ của Thượng Đế… [mà con người] có được thông qua lý trí.” [3] Một số nhà khai quốc lỗi lạc nhất là những người theo phái Thần luận[2] tin rằng có một Đấng Sáng Thế linh thiêng, nhưng Ngài đã rút khỏi công việc của con người sau hành động sáng tạo của mình. Tuy vậy, Đấng Sáng Thế đã sắp đặt một vũ trụ có trật tự với các luật tự nhiên mà con người có thể hiểu được. Thông qua lý trí, các luật tự nhiên có thể được nhận thức, và một khi các luật tự nhiên được con người hiểu, các quyền tự nhiên tự động sinh ra. Nhà sử học Paul Conkin của Đại học Wisconsin, trong cuốn sách “Những Chân lý Hiển nhiên” (“Self-Evident Truths”), đã mô tả những niềm tin thần luận của những người như Adams, Jefferson, và Madison:

Thượng Đế đã công bố tất cả các luật cần thiết cho trật tự chính trị trong tự nhiên, và làm cho chúng khả tri đối với người thường, và đặt ra những chế tài cần thiết với những hệ quả thảm khốc nếu tránh né hay bất tuân các luật này. Lời kêu gọi của các quyền tự nhiên hướng đến quyền lực thiêng liêng, cách thức mà Thượng Đế định ra vạn vật. Nhưng lời gọi này không mù quáng; mà trái lại. Hầu hết mọi nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng từ Locke[3] trở đi đã thừa nhận lòng nhân từ thần thánh, hay nói theo Franklin,[4] là Thượng Đế muốn con người hạnh phúc và do đó trao cho họ phương tiện để tìm hạnh phúc. [4]

Quan điểm này được nhiều người theo chủ nghĩa tự do cổ điển của thời kỳ Khai sáng chia sẻ. J. Salwyn Schapiro đã nói rằng những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển “thấy thế giới được cai trị một cách nhân từ bởi các luật tự nhiên khách quan.” [5] Ông đã nói luật tự nhiên là “một ý tưởng cũ”, nhưng nó được dùng làm một phép thử vàng cho tính chính đáng của trật tự hiện hữu của chính quyền và xã hội.” Trong “các vấn đề con người, cũng như trong các vấn đề của tự nhiên, đã có sẵn luật tự nhiên có thể được khám phá bởi phương pháp nghiên cứu khoa học.” [6]

Nguồn gốc Hi Lạp

Trong xã hội phương Tây, Conkin đã ghi nhận, “Các lý thuyết về luật tự nhiên xuất phát từ triết học Hi Lạp. Plato và Aristotle đã khắng định không những có một trật tự logic chính thống trên thế giới mà còn có cả một mục đích vốn đã tồn tại trong vạn vật. Tự nhiên có nghĩa là cả trật tự và mục đích. Vũ trụ của Aristotle là một khối bao la của những khát vọng, của những thực thể có ý thức đang chuyển dịch tới sự hoàn hảo của chính chúng và, theo một ý nghĩa nào đó, cố gắng mô phỏng những thực thể ở tầng cao hơn trong một chuỗi những hoạt động nhằm vươn tới một tâm trí toàn hảo, tức là nguồn hấp dẫn vạn vật về hướng đó.

Con người, bằng trí tuệ của mình, có thể nắm bắt chân lý bản thể trong các mục đích, có thể hiểu cấu trúc của vũ trụ. Quan trọng hơn, con người có thể hiểu chính mình, nắm bắt bản chất của chính mình, nhận thức cái tốt cao cả nhất của chính mình.” [7] Luật tự nhiên của người Hi Lạp và của những nhà khai quốc là luật được nắm bắt và được hiểu bằng lý trí.

Khái niệm về luật tự nhiên của Hi Lạp về sau được Thomas Aquinas lồng vào tư tưởng Cơ đốc giáo phương Tây, nhưng nó xuất phát bên ngoài thần học. Conkin nói, “Đối với Aristotle, luật tính và mục đích [cả hai] vốn có trong thực tại, tự nó, là vĩnh hằng và không phải là sản phẩm của trí tuệ sáng tạo.” Triết gia Dòng Tên Thomas E. Davitt đã ghi nhận rằng “Nếu từ ‘tự nhiên’ có nghĩa bất cứ gì, nó nói tới bản chất của một người, và khi được sử dụng với từ ‘luật’, từ ‘tự nhiên’ phải nói tới sự sắp xếp được biểu lộ trong xu hướng của bản chất của người đó, mà không nói tới gì khác. Do đó, theo ngữ nghĩa của cụm từ này, không có gì mang tính tôn giáo và thần học trong ‘Luật Tự nhiên’ của Aquinas.” [8] Luật gia theo phái Tin lành, Hugo Grotius, đã bảo vệ ý niệm về luật tự nhiên trong tác phẩm “Bàn về Luật Chiến tranh và Hòa Bình” (“De Jurre Belliac Paciss” [tiếng Anh: “On the Law of War and Peace“]) của ông, trong đó, ông đã nói các lý thuyết về luật tự nhiên như thế “sẽ có một mức độ hợp lý ngay cả khi chúng ta chấp nhận điều không thể được chấp nhận mà không sợ mang tiếng xấu, rằng, Thượng Đế không hiện hữu.” [9] Đối với nhiều người, ý tưởng về luật “tự nhiên” được sử dụng để phân biệt với luật “siêu tự nhiên”. Thuật ngữ đầu là sản phẩm của lý trí, thuật ngữ sau là sản phẩm của niềm tin. Lý trí đòi hỏi sự nghi vấn trong khi niềm tin đòi hỏi sự tuân phục. Nghi vấn đòi hỏi sự tự do trong khi sự tuân phục đòi hỏi uy quyền mà thôi.

Cuộc Phản Cải cách của Công giáo đã nhấn mạnh lại sự tái khám phá luật tự nhiên của trường phái thần luận của Thomas Aquinas. Tu sĩ Dòng Tên Francisco Suárez là chuyên gia hàng đầu về công pháp quốc tế của cuộc Phản Cách mạng và một trong những luận cứ của ông chống lại Luther, theo J.G. Merquinor, là Luther đã “gạt bỏ luật tự nhiên.” Suárez nhận thấy rằng “quan điểm đen tối về tội lỗi con người” của Luther không tương hợp với ý tưởng cho rằng một xã hội công bằng có thể được tạo dựng trên trái đất. Suárez cũng nhận thấy rằng một luận cứ về luật tự nhiên là hữu ích đối với những người Công giáo sống trong các vùng mà đạo Tin lành chi phối và biện luận cho một “sự trở lại toàn vẹn của viễn cảnh luật tự nhiên.” [10] Tuy nhiên, Suárez không thấy các quyền đó mang tính chủ nghĩa cá nhân cho lắm mà thấy chúng mang tính toàn diện và bị giới hạn bởi khuôn khổ luân lý của xã hội. Giống như Grotiuss, ông chấp nhận rằng “luật tự nhiên không xuất phát từ Thượng Đế với tư cách chủ thể làm luật, bởi nó không phụ thuộc vào ý chí của Ngài” [11]. Theo Mequinor, Grotiuss là người đầu tiên sử dụng các quan điểm về luật tự nhiên “để xây dựng một lý giải mang tính chủ nghĩa cá nhân về xã hội, và ông đã “tái định nghĩa luật tự nhiên tách rời khỏi thần học.” [12]

Aquinas và những giáo sĩ đồng tu của cuộc Phản Cách mạng đã trở lại với những lý tưởng triết học Hi Lạp xưa cũ hơn. Karl Popper, trong “Xã hội Mở và Những Kẻ thù của Nó” (“The Open Society and Its Enemies“) nói rằng “Nền văn minh phương Tây của chúng ta đến từ Hi Lạp.” Điều này có nghĩa là Hi Lạp “đã bắt đầu cuộc cách mạng vĩ đại nhất ấy… sự chuyển đổi từ xã hội đóng sang xã hội mở. [13] Cuộc cách mạng của người Hi Lạp là cuộc cách mạng của những tư tưởng.

Barbara Ward, trong cuốn sách “Đức tin và Sự tự do” (“Faith and Freedom“), viết rằng “Các triết gia Hi Lạp là những người đầu tiên suy nghĩ một cách có hệ thống về những vấn đề của tri thức – của người biết và điều được biết – và nó đã dẫn họ tới niềm tin vào ưu thế của lý trí.” [14] Đối với người Hi Lạp, “trật tự trong tri thức của con người đòi hỏi có một trật tự tương ứng trong thực tại bên ngoài. Một trí tuệ lý tính khó có thể hiểu được một vũ trụ phi lý tính.” Điều này có nghĩa là thế giới bên ngoài là một thế giới chứa các luật duy lý có thể được khám phá bằng lý trí. Điều này không chỉ thay đổi cách con người nhận biết về “các sự thật của tự nhiên” hay khoa học; nó cũng thay đổi cách con người liên hệ với nhau. [15]

Ward nói “ý nghĩa này của lý tính và luật đã thấm vào toàn bộ tư tưởng Hi Lạp” và “nằm ở cơ sở của tư tưởng chính trị Hi Lạp.” Trước người Hi Lạp, “Chính quyền có tính cách độc đoán. Những xã hội cổ xưa đã phát triển từ tôn giáo và phép thuật sơ khai”; “chính quyền đã chuyên chế một cách toàn diện, sự cai trị như thể việc riêng của vua hay tu sĩ, tùy nghi và không thể dự đoán.” [16] Nhưng “chế độ chuyên quyền đối với người Hi Lạp là điều đáng bị nguyền rủa và khiển trách” bởi nó “khước từ luật khách quan và khả tri. Một ý tưởng chợt manh nha của một kẻ chuyên quyền thuộc bất cứ thể loại gì đặt con người vào những rủi ro phi lý và không thể dự đoán.” “Chỉ khi chính quyền tuân theo luật…, ta mới có thể nói công dân được tự do.” [17]

Những nhà khai quốc thông thái

Ward nói rằng những khai quốc của nước Mỹ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quan điểm này của Hi Lạp: “Những nhân sĩ ở những nông trại của bang Virginia thông thuộc truyền thống cổ điển và rút ra được từ đó cảm thức về luật. Một số bộ óc hàng đầu trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập là những học trò xuất sắc về tư tưởng về luật tự nhiên, mà một phần của tư tưởng này là sự lắng nghe lại truyền thống cổ xưa của người Hi Lạp, với ý tưởng về công lý[5] – luật vĩnh hằng – nằm ở sự sáng tạo của vũ trụ.” [18]

F. A. Hayek, trong “Hiến pháp về Tự do” (“The Constitution of Liberty”), cũng đã tìm thấy xuất xứ của ý niệm về pháp trị từ người Hi Lạp. Nhưng điều đó hẳn phải được đoán biết. Nếu người Hi Lạp chủ trương luật tự nhiên, họ cũng sẽ chủ trương nguyên tắc của luật ấy. Đây là điều mà Aristotle ngụ ý khi ông nói “[để] luật cai trị thì đúng đắn hơn bất kỳ công dân nào cai trị.” Hayek nói rằng “Aristotle “lên án loại chính quyền trong đó ‘con người, mà không phải luật, cai trị’ và trong đó ‘mọi thứ được quyết định bởi lá phiếu của số đông mà không phải bởi luật'” [19]. Hayek đã cố gắng hết sức, đặc biệt trong bộ sách ba tập “Luật, Pháp luật, và Tự do” (“Law, Legislation, and Liberty”), để phân biệt giữa luật [law] và pháp luật [legislation]. Luật, theo nghĩa Hi Lạp, mang tính tự nhiên và được khám phá ra như các sự kiện khác của tự nhiên, trong khi pháp luật đơn giản là [các quy định] được áp đặt [bởi con người]. Hayek nói rằng tất cả các trường phái về luật tự nhiên tán thành “sự tồn tại của các nguyên tắc mà không phải do bất cứ nhà lập pháp nào lập ra một cách có chủ tâm.” [20] Đó là ý niệm mà những nhà khai quốc kêu gọi trong Tuyên ngôn Độc lập. Họ cảm thấy rằng chính quyền Anh đã xâm phạm các luật tự nhiên như thế và do đó, các luật tự nhiên đã cho thấy cuộc cách mạng của họ là đúng đắn.

Jefferson đã nói đúng. Những ý tưởng cấp tiến của Tuyên ngôn Độc lập không phải là điều mới. Chúng được thấu hiểu bởi những trí thức giỏi nhất của thời kỳ Khai sáng, và trước đó, bởi những người như Thomas Aquinas. Thực vậy, cuộc cách mạng Mỹ, dựa trên các quyền tự nhiên và các luật tự nhiên, là một cuộc cách mạng đã bắt đầu hàng ngàn năm trước bởi những nhà tư tưởng Hi Lạp trong thành phố nhỏ bé Athens.

Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, May 2015

James Peron là chủ tịch của Viện Moorfield Storey, một học viện độc lập chuyên nghiên cứu về sự bình đẳng của các quyền trước phát luật, sự dung thứ xã hội và tự do dân sự. Peron viết cho rất nhiều tạp chí uy tín như Tạp chí Wall Street (ấn bản Âu châu), Reason, và Johannesburg Star. Peron còn là tác giả cuốn sách “Zimbabwe: Cái chết của một ước mơ,” và tiểu thuyết City Limits. Peron là biên tập viên cho hai website “Hôn nhân và Bình đẳng” và Storey Institute blog.

Cước chú của tác giả:

  1. Letter from Thomas Jefferson to Henry Lee, in Paul Ford, ed., The Letters of Thomas Jefferson, vol. 10. (New York: Putnam’s, 1892-1899), p.268.
  2. Bernard Bailyn, The Ideological Origins of the American Revolution (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1967), p. 77.
  3. Ethan Allen, Reason the Only Oracle of Man (Bennington, Vt.: Hasswell & Russell, 1784), p. 30.
  4. Paul Conkin, Self-Evident Truths (Bloomington, Ind.: Indiana University Press, 1974), p. 121.
  5. J. Salwyn Schapiro, Liberalism: Its Meaning and History (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand Company, 1958), p. 17.
  6. Ibid.
  7. Conkin, p. 77.
  8. Thomas E. Davitt, “St. Thomas Aquinas and Natural Law,” in Arthur L. Harding, ed., Origins of the Natural Law Tradition(Dallas: Southern Methodist University Press, 1954), p. 39.
  9. Quoted in Murray Rothbard, The Ethics of Liberty, (Atlantic Highlands, N.J.: Humanities Press, 1982), p. 4.
  10. J.G. Merquior, Liberalism: Old and New (Boston: Twayne Publishers, 1991), p. 20.
  11. Quoted in A.P. d’Entreves, Natural Law (London: Hutchinson University Library, 1951), p. 71.
  12. Merquior.
  13. Karl Popper, The Open Society and Its Enemies, vol. 1 (London: George Routledge & Sons, Ltd., 1945), pp. 151, 153.
  14. 14. Barbara Ward, Faith and Freedom: A Study of Western Society (London: Hamish Hamilton, 1954), p. 38.
  15. Ibid., p. 39.
  16. Ibid., p. 40.
  17. Ibid., p. 41.
  18. Ibid., p. 139.
  19. F. A. Hayek, The Constitution of Liberty (London: Routledge & Kegan Paul, 1960), p. 165.
  20. Ibid., p. 237.

Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/the-declaration-of-independence-its-greek-to-me

 


[1] Khi chưa chế tạo ra giấy, người ta dùng da thuộc (thường là da dê, da cừu, hay da bò con) để viết. [HVCD].

[2] Phái Thần luận (Deism) chủ trương rằng con người có thể biết được Thượng Đế qua lý trí của mình và qua sự quan sát thiên nhiên, chứ không qua những hiện tượng siêu nhiên hay “phép lạ.” [HVCD].

[3] John Locke, một triết gia chính trị nổi tiếng của thời kỳ Khai sang. Tư tưởng chính trị của Locke đặt nền tảng cho chế độ dân chủ và ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nhà khai quốc Mỹ [HVCD].

[4] Benjamin Franklin, chính trị gia lỗi lạc, nhà phát minh (nổi tiếng với ống thu lôi), nhà ngoại giao lão luyện, và là một trong những “quốc phụ” của Mỹ, một trong sáu người ký cả hai văn bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp [HVCD].

[5] Ý tưởng về công lý (the idea of dike): Dike còn được viết là Dicé (đọc theo tiếng Anh là DEE-kay) là tên của nữ thần công lý theo thần thoại Hi Lạp [HVCD].