fbpx

Xã Hội Dân Sự

Vai trò của Kỹ thuật Truyền thông và Thông tin trong “Mùa xuân Ả rập”: Các suy diễn từ Mùa Xuân Ả rập cho vùng ngoài Trung Đông

Ekaterina Stepanova

Viện Kinh tế Thế giới và Giao tế Quốc tế (IMEMO), Viện Hàn lâm Khoa học Nga

 

Làn sóng biểu tình phản đối lan tràn tại Trung Đông vào đầu năm 2011 đã làm nổi bật vai trò của các kỹ thuật truyền thông và thông tin (ICT) hiện đại và các công cụ cũng như các mạng điện tử truyền thông xã hội. Ảnh hưởng của các kỹ thuật này đã lan tràn trên khắp thế giới tới cả các nước phát triển cũng như đang phát triển, tuy dưới những hình thức khác nhau. “Mùa xuân Ả Rập” đã cho thấy hiện tượng các hình thức vận động quần chúng phản kháng về kinh tế và chính trị đã được trợ giúp bởi các mạng lưới truyền thông xã hội, nhất là về mặt tổ chức và thông tin. Nhưng hiện tượng này cũng cho thấy một số giới hạn lớn trong việc rút ra những “bài học trực tiếp” để áp dụng trong những bối cảnh các vùng hay bối cảnh xã hội chính trị khác nhau.

Bối cảnh Trung Đông

Trong các cuộc biểu tình phản đối “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, các mạng lưới truyền thông xã hội đã giữ một vai trò quan trọng đưa đến sự tan rã rất nhanh chóng của cả hai chế độ tại Tunisia và Ai Cập. Đồng thời nó cũng đóng góp vào công cuộc vận động xã hội chính trị tại Bahrain và Syria. ICT và truyền thông xã hội đã có liên quan rất ít với các yếu tố xã hội chính trị và xã hội kinh tế đằng sau phong trào phản kháng. Tại Ai Cập, sự cách biệt xã hội chính trị giữa thiểu số cai trị và đa số dân chúng đã tới một mức nguy hiểm, và nhiều chuyên gia về tình hình trong vùng đã dự đoán sớm muộn sẽ có một cuộc nổi loạn. Tuy nhiên sự kiện vụ khủng hoảng đã xảy ra sớm hơn thay vì muộn hơn, ngay sau vụ biểu tình phản đối tại Tunisia, phần lớn là do hậu quả của các hành động bắt đầu qua ICT và các mạng truyền thông xã hội. Các cuộc biểu tình phản đối được khởi động bởi một phong trào trên Facebook được chủ trương bởi “Phong trào Thanh niên 6 tháng 4.” Phong trào này đã được hàng chục ngàn tiếng nói hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết phản đối các chính sách của chính quyền. Trong hơn 10 năm qua, các dụng cụ thông tin và truyền thông nhanh chóng ngay lập tức qua Internet có nhiều kích thước khác nhau đã trở nên dễ ở trong tầm tay của nhiều người (có thể tiếp cận bằng broadband với chi phí $8 đồng một tháng).Theo bộ Kỹ thuật Truyền thông và Thông tin (MCIT) của Ai Cập, tại Ai Cập có hơn 17 triệu người dùng internet (vào tháng 2 năm 2010), một sự gia tăng vượt bực là 3691% từ con số 450.000 người vào tháng 12 năm 2000, và 4 triệu người dùng Facebook. Tổng số này bao gồm 160.000 người bloggers, trong đó 30% tập trung vào chính trị.

Đặc điểm của phần lớn các người hay sử dụng ICT là các thanh niên thành thị tương đối có học thức, đó cũng là đặc điểm chính của những người biểu tình chống chính quyền đầu tiên vào tháng Giêng đã đưa tới một phong trào quần chúng lớn hơn sau đó. Nói chung, sự đóng góp của các loại truyền thông xã hội rất quan trọng trong việc thực hiện hai chức năng: (a) tổ chức các người biểu tình và (b) phổ biến thông tin về các cuộc biểu tình, bao gồm cả việc quảng bá ra quốc tế các yêu cầu của các người biểu tình (Người ta nói rằng Facebook đã áp đảo cả Al Ja zeeza trong tốc độ phổ biến thông tin).

Suốt trong “Mùa xuân À rập,” phản ứng của chính quyền trong việc sử dụng mạng lưới xã hội với mục đích theo dõi các cuộc đàn áp và tuyên truyền ở mức tối thiểu so với Iran trong các năm 2009 và 2010. Ngược lại các nỗ lực để ngăn chặn việc sử dụng internet đã vượt qua rất nhiều các biện pháp của Iran để cản trở việc dùng internet trong các cuộc biểu tình năm 2009. Trong khi chính quyền Tunisia chặn một số luồng, đặc biệt nhắm vào một số mạng làm công việc phối hợp cuộc chống đối, thì phản ứng của chính quyền Ai Cập lại rất khắt khe tới mức chưa từng có trong lịch sử của Internet. Sau khi đã chặn Twitter và Facebook, chính quyền đã trực tiếp ra lệnh cấm tất cả các công ty lớn không được cung cấp dịch vụ internet. Các công ty Telecom Egypt, Vodafone/Raya, Link Egypt, Etisalat Misr, và Internet Egypt đều phải tuân theo. Kết quả là 93% của các địa chỉ internet cũng như các mạng lưới đều đã bị ngưng hoạt động. Tuy nhiên sự ngăn cấm chưa từng có như vậykhông phải là hoàn toàn: cả hai luồng fiber-optic giữa Âu Châu tới Á Châu qua Ai Cập và luồng Noor Group/Telecom Italia do tổ chức chứng khoán Ai Cập và các công ty khác sử dụng đã không bị ngăn chặn, có lẽ là với hi vọng có thể mở lại thị trường chứng khoán ngay sau khi đã dẹp xong các vụ biểu tình. Tuy nhiên, sự ngăn chặn internet và các dịch vụ điện thoại lưu động cũng đã gây ra những trở ngại lớn lao ảnh hưởng tới nền kinh tế và mức độ đánh giá khả năng trả nợ của Ai cập.

Như vậy, việc ngăn chặn internet tại Maghreb vào đầu năm 2011 cho thấy một chính quyền cương quyết có thể tạm thời đóng internet khắp trong nước trong một thời gian. Nhưng mặt khác cũng cho thấy rằng chiến lược này không còn có hiệu lực ngày nay khi trên thế giới có rất nhiều loại mạng ICT. Hơn nữa cái giá phải trả về mặt kinh tế và uy tín của hành động ngăn chặn đã cao hơn nhiều các điều mà các chính quyền tưởng là có lợi khi đã lấy lại được quyền kiểm soát. Sự ngăn chặn đó đã làm nảy sinh các giải pháp kỹ thuật mới như là dùng các dùng router/path đa dạng, IP proxy servers, và Google’s voice to-Twitter applications.

Ngoài Trung Đông: các điều suy diễn và các giới hạn tổng quát

Các biến cố năm 2011 tại Trung Đông đi ngược lại những điều hoài nghi của nhà báo kiêm tác giả Malcolm Gladwell[1]và nhà văn và blogger Evgeny Morozov[2]và đã cho thấy các mạng lưới thông tin và truyền thông có thể giúp thúc đẩy công cuộc thay đổi xã hội. Không có một vùng, một quốc gia hay một chính thể nào có thể tiếp tục tránh khỏi các ảnh hưởng gây ra bởi kỹ thuật thông tin và truyền thông đối với các phong trào xã hội và chính trị. Tuy hoàn cảnh chính trị của sự bất mãn của quần chúng trong phần lớn vùng Trung đông có những đặc điểm chính riêng biệt cho từng nước, từng vùng nhưng ảnh hưởng của các kỹ thuật dựa trên mạng và các công cụ truyền thông xã hội đã vượt ra khỏi vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển.

Nhưng ảnh hưởng của các kỹ thuật đó không hẳn là có tính cách phổ quát hay không có điều kiện.Tuy những người nhiệt tình đã dựa trên kinh nghiệm mới nhất tại Trung Đông để dự phóng là các kỹ thuật đó sẽ được áp dụng trong tương lai vào hoàn cảnh của những vùng trong đó các chính quyền phải trực diện với các áp lực canh tân kinh tế và chính trị. Nhưng những dự đoán đối với các tình trạng tương tự cần phải được thực hiện một cách thận trọng. Ảnh hưởng huy động quần chúng của những kỹ thuật thông tin và mạng truyền thông xã hội mới như một vai trò xúc tác trong các cuộc phản đối xã hội chính trị rộng lớn sẽ thay đổi rất nhiều từ vùng này sang vùng khác tùy theo bối cảnh chính trị . Sự hiện hữu của rất nhiều nguyên nhân gây ra sự phản đối về xã hội hóa chính trị không đủ để cho các kỹ nghệ thông tin và các mạng lưới truyền thông có thể tạo thành một yếu tố xúc tác lớn.

Lý do thứ nhất, phải có một số đáng kể dân chúng có tiếp cận với mạng. Trong tương lai gần, điều kiện này sẽ không thể có được tại một số các nước chưa phát triển và chưa có nhiều mạng internet. Phần lớn các nước Cận Đông, ngoại trừ Iran, không phải đương nhiên sẽ sử dụng được đường lối tranh đấu bằng mạng xã hội vì trong vùng này tình trạng sử dụng internet hãy còn yếu (năm 2010 tại Iraq tỷ lệ dân chúng dùng Internet là 1.1%, tại Afghanistan là 3.4 % so với 21% tại Ai Cập, 34% tại Tunisia, và 88% tại Bahrain).[3]Ngoài vùng Trung Đông tình trạng này cũng đúng cho một số các quốc gia từ Miến Điện tới Somalia.

Đồng thời các diễn biến tại vùng Trung đông từ năm 2011 cũng khiến nguời ta hoài nghi về việc nhất thiết có liên hệ mật thiết giữa phản đối xã hội với sự phổ biến của các mạng lưới sử dụng internet và mạng truyền thông xã hội, cả trong hiện tại lẫn trong tương lai gần. Trong và ngoài vùng Trung Đông, không thấy có sự liên hệ trực tiếp nào giữa mức độ sử dụng internet và các dấu hiệu sử dụng ICT khác (như sự phổ biến của các mạng lưới truyền thông xã hội) đối với khuynh hướng và cường độ của tình trạng phản đối xã hội. Các quốc gia có tỷ số dùng Internet cao nhất (như Bahrain, trong đó 88% dân chúng sử dụng internet, một mức độ cao hơn cả Hoa kỳ) và cả các quốc gia có trình độ sử dụng internet rất thấp (như Yemen và Libya), tại cả hai loại quốc gia này đều đã xảy ra những cuộc biểu tình phản đối xã hội. Tuy nhiên đối với Libya, tình trạng có rất ít hay hầu như không có các mạng lưới truyền thông xã hội và ICT lớn để giúp cho việc tổ chức các cuộc phản đối cũng không làm giảm vai trò của các công cụ truyền thông điện tử cố hữu – như điện thoại di động, tweets, email, video clip – để nhanh chóng thu thập và phổ biến ra thế giới những điều tai nghe mắt thấy về các sự kiện xảy ra trong nước. Một thí dụ khác là Iran, nước đứng đầu trong vùng về chỉ số phát triển ICT và có sự gia tăng nhanh chóng về tỷ số người sử dụng internet trong thập niên vừa qua (với 43.2 % dân Iran sử dụng internet năm 2010, so với tỷ số 42.8 % tại nước Ngavà 31.6 % tại Trung Quốc). Nếu tại Iran trong bối cảnh phong trào phản đối hiện tại hay tương lai không phát triển phong trào chống đối chính quyền dựa trên mạng xã hội thì đó là do các lý do không liên quan gì tới tình trạng phát triển kỹ thuật tại quốc gia này.

Điểm thứ ba, không phải tất cả các loại ICT và mạng thông tin và xã hội liên hệ đều có một kết quả như nhau. Và các phương tiện này cũng không hẳn tốt hơn các phương tiện thông tin và truyền thông khác như truyền hình vệ tinh và điện thoại di động, trong việc giúp vận động quần chúng hay thông tin cho quần chúng.Tuy các mạng truyền thông dùng cụm từ “cách mạng Twitter” để gọi các biến cố xảy ra tại Trung Đông nhưng số người được xác nhận sử dụng Twitter tại Ai Cập và Tunisia chỉ có khoảng vài ngàn người, và vai trò vận động quần chúng của các micro blogger để thúc đẩy các cuộc phản đối đã được nhấn mạnh một cách hơi quá đáng, so với các kỹ thuật thông tin và truyền thông ICT khác như điện thoại di động, thông điệp qua YouTube và truyền hình qua vệ tinh.

Điểm thứ tư, một hạn chế then chốt đối với hậu quả xúc tác của các công cụ vận động dùng internet không phải là do khả năng của chính quyền có thể khống chế mạng truyền thông xã hội hay giới hạn hoặc ngăn chặn việc sử dụng internet mà là do hệ thống cai trị của riêng nước đó, nhất là về tính cách đại diện và liên hệ của chính quyền đối với quần chúng (dù sự liên hệ này có thể có tính cách dân túy chứ không phải dân chủ). Các mạng ICT mới có thể có những ảnh hưởng quan trọng trong những nước mà giới cầm quyền có rất ít hay không có hậu thuẫn của dân chúng (như trong trường hợp Tunisia và Ai Cập, nhưng không hoàn toàn đúng với trường hợp của Syria, Bahrain, hay Libya, và không đúng đối với các chính thể dân túy như Iran và Venezuela). Nếu một chính quyền không bị xa rời dân chúng nhưng ít ra cũng có một phần hậu thuẫn của quần chúng thì ngay cả những mạng ICT và truyền thông xã hội tiên tiến cũng có những giới hạn đáng kể trong nhũng việc nó có thể thực hiện được.

Sau hết nếu các mạng ICT muốn thành công thì thành phần của những người trẻ tuổi, tương đối có trình độ giáo dục, tức là phần lớn những người thường sử dụng internet, phải là đa số không những trong số người tranh đấu mà còn phải là một thành phần đáng kể trong đại đa số dân chúng. Điều này sẽ loại ra ngoài những vùng Đông Âu và trong vùng giữa Âu Châu và Á Châu là những nơi tỷ số dân chúng thuộc thành phần này đang giảm rất nhiều.

Gắn liền với việc cổ võ chế độ dân chủ của Tây Phương?

Còn một số các giới hạn khác liên quan tới quan điểm thiển cận muốn gắn liền vai trò phát động [quần chúng] của các kỹ thuật truyền thông và thông tin mới và những mạng liên hệ với các lực lượng cổ võ chế độ dân chủ thân Tây Phương tại các nước đang phát triển.

Những điều bao hàm trong vai trò của ICT và các mạng truyền thông xã hội trong bối cảnh của Trung đông đã vượt ngoài các hoàn cảnh tương tự tại các vùng đang phát triển khác. Sự gia tăng càng ngày càng rộng của các kỹ thuật tiên tiến của thông tin và truyền thông cũng như các mạng truyền thông xã hội chắc chắn cũng cho ta thấy rõ những nhược điểm và những cơ hội tại các nước đang phát triển. Đồng thời, cùng một công cụ giống nhau nhưng có thể hoạt động hoàn toàn khác nhau ở trong các nước phát triển và các nước đang phát triển. Cũng như vậy, các công cụ được sử dụng bởi các cơ quan chính quyền cũng như và các đại công ty để chống lại sự tấn công của các phong trào chống đối xã hội cũng sẽ có những sắc thái khác nhau rất nhiều đối với các nền dân chủ đã phát triển và các chế độ chưa hoàn toàn dân chủ cũng như các chế độ chuyên chế (chẳng hạn trường hợp Twitter bị đàn áp bởi chính quyền Mubarak vì phổ biến những cuộc biểu tình chống chính quyền, đồng thời Twitter cũng bị ra lệnh phải ra tòa điều trần vì những tweets liên quan tới Wikileaks).

Trong bối cảnh này, vai trò của Hoa Kỳ đã được chú ý tới rât nhiều vì Hoa Kỳ đã giữ một vai trò của một tác nhân bên ngoài ảnh hưởng tới vùng Trung Đông (tương phản với một vai trò nhỏ hơn và tập trung hơn của một số chính quyền Âu châu như Pháp trong một số vùng tại Trung đông). Có lẽ điều quan trọng hơn cả là tư thế của Mỹ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sử dụng mạng thông tin và mạng xã hội, là nguồn cung cấp và khai triển chính các kỹ thuật liên hệ, và Mỹ đã tự cho mình đứng hàng đầu về chủ trương cổ võ cho tự do trên internet, nhất là ở cấp chính quyền. Đặc biệt, chính quyền của tổng thống Obama đã nâng cao tầm quan trọng của các dự án Tự do trên Internet trên thế giới trong các chính sách ngoại giao của Mỹ và cũng tăng thêm Ngân khoản cho hoạt động này (số tiền chuẩn chi cho các dự án đó vào năm 2010 gia tăng 600% so với năm 2009).

Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy đang có những sự suy nghĩ có tính cách biện chứng trong chính sách của Mỹ đối với những tiến bộ và khó khăn gây ra bởi sự phát triển trong lĩnh vực truyền thông và thông tin. Hậu quả bất lợi này có thể thấy rõ trong những ảnh hưởng gây ra nhiều tranh cãi đối với Hoa Kỳ trong vụ WikiLeaks. Các chính sách của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan đã được tiết lộ rất nhiều trong các tài liệu bị đánh cắp như video và các điện văn tối mật hay mật do WikiLeaks phổ biến. Những sự tiết lộ đó đã làm hại rất nhiều Hoa Kỳ về phương diện ngoại giao và giao tế công cộng dù nó không thực sự ảnh hưởng gì tới chính sách của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, và cũng chỉ có hậu quả giới hạn đối với tình trạng chính trị trong vùng. Kết quả là trên thực tế chính quyền Hoa Kỳ lại trở nên đối thủ chính của WikiLeaks khi phản ứng rất gay gắt đối với những tài liệu do WikiLeaks phổ biến. Làm như vậy chủ trương Tự do trên Internet do Hoa Kỳ đứng đầu bị thất bại lớn về mặt chính trị và mất sự tin tưởng của thế giới (phần lớn các lời chỉ trích này xuất phát từ những giới quan trọng trong cộng đồng Internet và truyền thông, nhất là ở bên ngoài nước Mỹ). Mặt khác, sự xác nhận ủng hộ tự do trên internet của Hoa Kỳ và các nước Tây phương khác sau các cuộc biểu tình tại Trung Đông đã lấy lại những phản ứng thuận lợi. Trong bối cảnh này, sự kết án nghiêm khắc của chính quyền Hoa Kỳ (mới đầu bằng Twitter) đối với việc đàn áp internet và các mạng truyền thông xã hội ngày 28 tháng giêng của Ai Cập, qua tuyên bố chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton phủ nhận vai trò của Hoa Kỳ trong việc cưỡng bách các công ty tư ngưng cung cấp dịch vụ cho WikiLeaks, trong diễn văn về “Tự do trên Internet” của bà ngày 15 tháng 2, có thể được coi như là một thành phần của một chiều hướng chung.

Tuy rốt cục chính quyền Hoa Kỳ cũng bớt gay gắt một chút nhưng việc vẫn đổ lỗi cho WikiLeaks không phải là khâu yếu nhất trong chính sách công khai khẳng định ủng hộ tự do trên internet.Ngay cả những lời tuyên bố thường xuyên của các người tranh đấu bằng internet và của một số chính quyền ngoại quốc nói là chủ trương tự do trên internet của Hoa Kỳ có tính cách thiên vị. Ngay cả sự quan tâm tại nhiều nơi coi sự ủng hộ của Hoa Kỳ là có thể bất lợi cho các lực lượng địa phương vì họ bị coi là không thành thật và thân Tây Phương.

Khâu yếu nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối vấn đề này là Hoa kỳ tự động gắn liền mạng truyền thông xã hội với chủ trương cổ động dân chủ theo kiểu Tây Phương. Tuy chính quyền Hoa Kỳ (và các chính quyền khác) có thể thất bại khi giữ mối liên kết này nhưng mối liên kết này cũng có trở ngại dưới nhiều phương diện. Bằng cách nhấn mạnh sức mạnh của các kỹ thuật mới trong việc phổ biến các giá trị dân chủ Tây phương, phương thức này đã không để ý tới khía cạnh xã hội kinh tế, cũng như công bằng và bình đẳng trước pháp luật của các cuộc biểu tình phản đối trong thế giới Ả Rập. Các khía cạnh này có thể có liên quan tới, nhưng không hoàn toàn giống, công cuộc cổ võ dân chủ chính trị, nhất là khía cạnh cởi mở của nó. Hơn nữa, tuy là một công cụ hiệu nghiệm của quần chúng để lật đổ một chế độ chuyên chế nhưng chủ trương tranh đấu dựa trên các mạng xã hội có thể không hoàn toàn thích hợp cho không khí cạnh tranh chính trị trong giai đoạn xây dựng đất nước “sau cách mạng”- cải tổ lề lối cai trị và định chế hóa chính trị nói chung – so với các tác nhân có tổ chức và có định chế. Nói một cách tổng quát, các công cụ dựa trên mạng và các kỹ thuật thông tin và truyền thông có thể là một sự trợ giúp mạnh để thúc đẩy các cuộc phản kháng xã hội nhưng các công cụ đó tự nó không phản ánh hoặc chi phối các vấn đề sâu xa hơn (như xã hội chính trị, và các vấn đề dựa trên giá trị và ý thức hệ) và bối cảnh của các cuộc chống đối đó. Các công cụ và các kỹ thuật này được dùng bởi các lực lượng xã hội chính trị khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau từ những tổ chức phi tôn giáo như công đoàn cho tới các nhà cải cách cũng như các phe hồi giáo cực đoan (như tại Bharain và Syria), và các phe khuynh hữu chủ trương dân tộc và dân túy.

Nếu có một thể thức tích cực trong ảnh hưởng của các công cụ dựa trên internet và các mạng truyền thông xã hội trong các biến chuyển mới đây tại Trung Đông thì thể thức đó có liên hệ với công cuộc phổ biến dân chủ Tây Phương ít hơn là việc các công cụ đó đã khuyến khích sử dụng những hình thức tương đối ít bạo động trong các cuộc biểu tình của quần chúng. Ngược lại tại Tunisia và Ai Cập, tình trạng ít sử dụng các mạng xã hội (đặc biệt là tại Libya và Yemen) có khuynh hướng gia tăng bạo động nhiều hơn, mặc dầu có một số các yếu tố khác, trong đó hiển nhiên có mức độ đàn áp của chính quyền, rút cục có thể đã đưa tới bạo động nhiều hơn. Trong bối cảnh này việc sử dụng các kỹ thuật truyền thông và thông tin mới có thể được coi là một cơ sở kỹ thuật mới để khởi động lại hiện tượng các phong trào chống đối bất bạo động của quần chúng. Thề thức này chắc chắn là một thể thức cần phải nghiên cứu bằng kinh nghiệm thực tiễn và điều tra phân tích.

 

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân April 2017

Nguồn tài liệu: The Role of Information Communication Technologies in the “Arab Spring”- IMPLICATIONS BEYOND THE REGION. PONARS Eurasia Policy Memo No. 159 – May 2011

Ekaterina Stepanova – Institute of World Economy and International Relations (IMEMO),

Russian Academy of Sciences – https://www2.gwu.edu/~ieresgwu/assets/docs/ponars/pepm_159.pdf

[1] Malcolm Gladwell, “Small Change: Why the Revolution Will Not be Tweeted,” The New Yorker, October 2010

[2] Evgeny Morozov, “The Net Delusion: The Dark Side of Internet Freedom,” Public Affairs, January 2011

[3] Internet World Stats, “Internet World Stats: Usage and Population Statistics,” 2010 – http://www.internetworldstats.com