fbpx

Tiểu Luận Dân Chủ

Tính chất Phi-tự do của Xã hội Dân chủ Cổ Hy-lạp

Bo LI

Perspectives, Vol. 1, No. 1

Theo Giáo Sư Robert Dahl, một trong những nhà lý luận về dân chủ nổi bật nhất của thời nay, xã hội dân chủ hiện đại khởi đầu từ bốn nguồn gốc: xã hội dân chủ trực tiếp thời Cổ Hy Lạp, chủ nghĩa cộng hòa giữa các thành quốc La Mã thời Trung Cổ và Phục Hưng, lý thuyết và sự áp dụng thực tiễn của chính quyền đại nghị, và khái niệm bình đẳng chính trị. Tiểu luận này xin giới thiệu đến độc giả vài khái niệm căn bản và các thể chế của xã hội dân chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đó là xã hội dân chủ thời Cổ Hy Lạp. Qua bài viết, tôi cũng mong đưa ra nhận xét phê bình mô hình xã hội dân chủ cổ điển.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, sự hình thành của chế độ dân chủ thật là hiếm hoi, và các nhà bình luận trước đây thảy đều chỉ trích lý thuyết và sự thực thi của xã hội dân chủ. Thật vậy, mãi đến nửa thế kỷ hai mươi mới có sự nhất trí đồng lòng về sức thu hút của quan niệm và thể chế xã hội dân chủ. Nền dân chủ Cổ Hy Lạp là trường hợp ngoại lệ của sự khan hiếm xã hội dân chủ trong lịch sử nhân loại.

Vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên, biến đổi chính trị vĩ đại xảy ra tại các thành quốc Hy Lạp. Sự thay đổi ấy là một biến đổi dựa trên dân chủ, và Giáo Sư Dahl ví tầm quan trọng của sự kiện này với “sự phát minh ra vòng bánh xe hoặc cuộc khám phá ra Tân Thế Giới.” Thời ấy Hy Lạp không chỉ là một nước, mà là kết hợp giữa một số thành quốc độc lập (tiếng Hy Lạp gọi là “polis”). Athens được mô tả là thành quốc với xã hội dân chủ sáng tạo và tinh vi nhất.

Lý tưởng và mục tiêu chính trị của nền dân chủ Athen cổ điển là gì? Trong cuốn sách “Chính Trị Luận” nổi tiếng của ông (sáng tác vào khoảng 335 và 323 trước công nguyên), Aristotle phân tích rằng nguyên tắc cơ bản của một xã hội dân chủ cổ điển là quyền tự do. Theo Aristote, quyền tự do bao gồm hai thứ: (1) “cai trị và phục tùng” và (2) “sống theo mình chọn lựa.” Theo như thế, quyền tự do và sự bình đẳng kết nối chặt chẽ. Trên thực tế, yếu tố thứ nhất của quyền tự do, “cai trị và phục tùng,” dựa trên khái niệm căn bản về sự bình đẳng, cái Aristotle gọi là “bình đẳng theo  con số” (đối lại với “bình đẳng theo giá trị”). “Bình đẳng theo con số” có nghĩa là quyền cai trị được phân chia đồng đều giữa tất cả mọi người, bất kể khả năng, giá trị hay sự giàu có của mỗi cá nhân. “Hiểu theo trên, thì sự bình đẳng là nền móng thiết thực và cũng là nền móng đạo đức của quyền tự do” (David Held).

Tuy nhiên, theo định nghĩa của Aristotle về quyền tự do, yếu tố thứ nhất tiềm tàng mâu thuẫn với yếu tố thứ hai. Sự tôn trọng triệt để chủ nghĩa bình đẳng chính trị có thể gây hại đến quyền tự do của cá nhân để có thể “sống theo mình chọn lựa.” Người theo chế độ dân chủ cổ điển tin rằng phải có giới hạn trong sự chọn lựa của một cá nhân, sao cho sự sử dụng quyền tự do của người này không gây trở ngại một cách phi lý đến quyền tự do của những người khác. Miễn sao mỗi công dân có cơ hội “cai trị và phục tùng,” sự rủi ro bởi bình đẳng chính trị sẽ được giảm bớt và cả hai yếu tố của quyền tự do sẽ được thực hiện. “Và thế, theo suy nghĩ của Aristote, thể chế dân chủ cổ điển đòi hỏi quyền tự do và quyền tự do đòi hỏi sự hoàn toàn bình đẳng chính trị – một vấn đề khiến ông ta biểu lộ nhiều dè dặt rất đáng quan tâm về chủ nghĩa dân chủ” (Held). Sau đây, chúng ta sẽ bàn luận sâu hơn về hiểm nguy khi có sự bình đẳng ở tầm quá khích.

Những nhà dân chủ thời Athens thấu hiểu sâu sắc giá trị của công lý, luật pháp, và quá trình pháp lý. “Người dân Athens không mường tượng mình là một cá thể hoàn toàn không có ràng buộc, thế nhưng họ phân biệt rất rõ ràng lằn ranh giữa cái giới hạn bởi sự tùy tiện theo ý muốn của một người dân khác và cái giới hạn bởi đạo luật vốn được công nhận là đúng lý và do đó được dân chúng tự giác tuân thủ” (Sabine). “Nếu luật pháp được cấu tạo đúng cách trong khuôn khổ đời sống người dân thường, thì sẽ khiến người dân tuân theo luật pháp một cách chính đáng” (Held).

Đối nghịch với các quan điểm về tự do sau này, “Đặc điểm của nền dân chủ thời Athens là lòng tin của quần chúng vào nguyên tắc của đức tính công dân: đó là sự cống hiến cho thành quốc cộng hòa và sự lệ thuộc của đời sống cá nhân vào các việc hành chính và ích lợi chung của mọi người.” Trong xã hội đó, không có sự phân biệt về tự do giữa nhà nước và xã hội, giữa quan chức chuyên môn và công dân, hoặc giữa “nhân dân” và chính phủ. “Trong cộng đồng này, công dân có quyền và có bổn phận; nhưng các quyền ấy không thuộc về riêng một cá nhân nào, và những bổn phận đó không bị ép buộc từ một nhà nước chú tâm vào việc duy trì cơ cấu nhằm bảo vệ mục đích cá nhân của người dân. Đúng hơn … cả quyền và bổn phận đều thuộc về của chung” (Held). Khác với thời nay với sự phân tách giữa phạm vi công và tư, trong thời Athens người dân cho rằng được sống trong một “thành quốc chính trị” là điều đáng khát khao nhất, để từng người dân như thể một động vật chính trị đạt được mong ước khi tham gia chính trị và bàn thảo trong diễn đàn công. “Nguyên tắc về chính quyền là nguyên tắc về lối sống: tham dự trực tiếp.” (Held). Những người cai trị cũng sẽ trờ thành người bị trị. Quá trình tự trị một cách trực tiếp và tích cực là lời tuyên ước cơ bản của công dân thời Athens.

Những lý tưởng chính trị thời Athens – như sự bình đẳng giữa mọi công dân, sự tự do, và sự tôn trọng luật pháp và công lý – có ảnh hưởng rất lớn đối với nền tư tưởng chính trị Tây phương, “tuy nhiên có vài tư tưởng chủ yếu không thể trực tiếp trích nguồn từ thời Athens, chẳng hạn như quan niệm tự do hiện đại rằng con người là những ‘cá nhân’ có ‘quyền cá nhân'” (Held).

Nắm bắt được các lý tưởng chính trị nêu trên, giờ đây chúng ta hãy xét đến lãnh vực cơ chế của nền dân chủ cổ điển. Theo Giáo Sư David Held, nền dân chủ Athens có những cơ chế sau đây. Trước tiên, quốc hội của công dân có quyền tối cao, là quyền lực lớn nhất để tiến hành lập pháp và hành pháp. Quốc hội thành lập từ toàn thể nhân dân, bao gồm mỗi và mọi người dân của Athens. Quốc hội họp hơn 40 lần một năm, với số đại biểu quy định là 6000 công dân. Theo khái niệm Athens, “làm công dân” đòi hỏi gánh phần trong nhiệm vụ lập pháp và hành pháp, trực tiếp tham gia vào việc hành chính. Vì thế nền dân chủ Hy Lạp cổ điển được gọi là “dân chủ trực tiếp.”

Cách lý tưởng để tiến tới quyết định trong quốc hội là quyết định dựa trên sự đồng thuận. Chỉ khi nào có vấn đề không thể thông qua thì mới bỏ phiếu biểu quyết. “Biểu quyết vừa là cách để nêu rõ các quyết định khác nhau, vừa là phương thức có tính chất thủ tục nhằm hợp pháp hóa những quyết định khi có những ý tưởng đối nghịch” (Held).

Lời trích dẫn sau đây của Giáo Sư Held mô tả nền sinh hoạt của xã hội dân chủ Athens một cách chi tiết hơn: “Quốc hội quá đông để có thể chuẩn bị chương trình hội họp, phác thảo dự luật, và đón nhận những đề xuất và sáng kiến mới về chính sách. Một hội đồng gồm 500 người đảm nhận trách nhiệm tổ chức và đề nghị các quyết định công; hội đồng này có sự hỗ trợ của một ủy ban được tinh giản gồm 50 người (được bổ nhiệm trong một tháng), dẫn đầu là chủ tịch (chủ tịch chỉ được giữ chức vụ trong một ngày). Tổ chức của tòa án tương tự Quốc Hội. Các sinh hoạt hành pháp của thành quốc được thực hiện bởi các viên chức được gọi là ‘quan tòa,’ tuy nhiên quyền lực của ‘quan tòa’ được khuếch tán vì chức ‘quan tòa’ được giao phó cho từng nhóm gồm 10 người. Gần như mọi ‘quan tòa’ đều được bầu cử với nhiệm kỳ một năm (thường với hạn chế chỉ hai nhiệm kỳ trong đời). Hơn thế, để tránh nguy cơ phát sinh sự độc tài hoặc sự móc nối qua bầu cử trực tiếp, một số phương pháp bầu cử được áp dụng nhằm duy trì sự chịu trách nhiệm của các chính khách và nhà nước một cách đồng đều hơn, chẳng hạn thay phiên chức vụ, bổ nhiệm theo bốc thăm hoặc bỏ phiếu trực tiếp.” (Các Mô Hình Dân Chủ, ấn bản hai, Chương1, trang 21-3).

Trong thành quốc Athens, phạm vi quyền lực của nhà nước bao gồm tất cả mọi vấn đề chung của thành phố. Không có phân biệt quyền lợi giữa người dân thường và các công chức. Ngoại trừ các chức vụ liên quan đến quân sự, không ai được đảm nhiệm cùng một chức vụ hơn hai lần, và nhiệm kỳ của tất cả mọi chức vụ đều ngắn hạn. Công chức thời Athens được trả lương.

Để cho chế độ dân chủ Hy-Lạp cổ điển hoạt động đúng đắn, cần có một số điều kiện quan trọng. Robert Dahl tóm tắt sáu điều căn bản trong trật tự chế độ dân chủ Hy Lạp như sau. Thứ nhất, “công dân phải có sự hòa hợp tương đối đủ về quyền lợi để họ có thể cùng chia sẻ và hành động nhằm đạt lợi ích chung, một lợi ích không đối nghịch với mục tiêu và quyền lợi của cá nhân.” Thứ nhì, cũng phải có sự tương đồng trong một số lãnh vực mà nếu có sự chênh lệch cao thì có thể gây nên bất ổn xã hội và mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích chung (chẳng hạn mức giàu có và thì giờ rảnh rỗi). Thứ ba, “mỗi cộng đồng phải khá nhỏ, tốt nhất là nhỏ hơn cả dân số ba bốn chục ngàn người của thành quốc Athens.” Thứ tư, dân chúng phải có quyền tụ họp và quyết định trực tiếp các vấn đề liên quan đến lập pháp và đưa ra những phán quyết về tư pháp. “Điểu căn bản này thấm sâu trong ý tưởng của người dân Hy Lạp, do đó họ khó mà mường tượng ra một chính quyền đại nghị, và càng không thể chấp nhận rằng nó là một thay thế hợp lý cho thể chế dân chủ trực tiếp.” Thứ năm, sự tự trị không chỉ đòi hỏi người dân dự họp quốc hội, mà còn buộc phải tham gia vào sự điều hành thành quốc. Đa số dân thành Athens làm việc trong chính quyền ít nhất một lần trong đời của mình. Thứ sáu, thành quốc vẫn nên “hoàn toàn tự trị.” Không thể để các nhóm và phe phái tiếm quyền tối cao của Quốc Hội. (Phê Bình về chế độ dân chủ, chương 1, trg. 18-19.)

Còn có thêm một yếu tố để giúp xã hội dân chủ trực tiếp thời Athens điều hành một cách tốt đẹp: muốn có thể tham gia một cách tích cực vào quá trình phán quyết các vấn đề thuộc công chúng, mỗi “ông” (chỉ có phái nam được quyền bỏ phiếu) phải có được đủ thì giờ rảnh rỗi để đi dự các buổi họp Quốc Hội, để tham gia những buổi bàn luận kéo dài, và để làm việc hành chánh. Trong thời Athens, yếu tố này hiện hữu là nhờ có nền kinh tế nô lệ và đội ngũ nội trợ của các bà, nô lệ làm việc thay thế “các ông công dân” (một phần tử đàn ông không thuộc hàng nô lệ) và đàn bà lo việc trong nhà, do đó nhóm đàn ông tự do mới có thì giờ dành riêng cho việc công. Điều mỉa mai là một phần tử trong xã hội Athens có được đặc quyền tự do dân chủ chính là vì có những thành phần không được hưởng tự do dân chủ trong xã hội nói chung: sự tồn tại của nô lệ và việc loại trừ phụ nữ ra khỏi sinh hoạt chính trị là điều kiện cần cho sự tham gia trực tiếp vào việc tự chủ của các những người có tư cách “công dân.”

Một vấn nạn thâm căn của xã hội dân chủ mà thiếu nền tảng hiến pháp thông thường là khi nhiệt tình thiếu lý trí của dân chúng, khi bị những kẻ mị dân hay bạo quyền chuyên chế khuấy động, dễ mang đến nhiều hậu quả tàn khốc. Vấn đề trên được phản ánh rõ rệt trong xã hội dân chủ Hy Lạp cổ điển. Trong thời Athens cổ, không có khuôn khổ tổ chức hay hiến pháp nào đặt giới hạn lên tính phi lý, tính kiêu căng, tình cảm, sự đam mê, v.v. của người dân. Quốc Hội của dân thường nằm dưới sự điểu khiển của một số gia đình máu mặt và có những lúc Quốc Hội thể hiện nhiều vấn đề có liên kết với cảm tính phổ biến không bị gò bó: sự phi lý, sự chuyên chế của đam mê không kiềm chế và sự chuyên chế của đa số. Một trong những thí dụ nổi bật của sự chuyên chế trong dân chủ, hành động bốc đồng và sự bất công là câu chuyện về sáu ông tướng người Athens bị Quốc Hội xử tội chết vào năm 406 T.C.. Vào thời gian đó, thành Athens đạt chiến thắng vẻ vang trong một trận hải chiến, tuy rất nhiều chiến sĩ đã phải hy sinh. Tám tướng lãnh của trận đánh (có hai người không trở về Hy Lạp sau trận chiến) bị buộc tội đã bỏ lính tráng lại trên các chiếc thuyển đang chìm để mặc họ chết đuối một cách không cần thiết. Nhiều người chuyên quyền khuấy động cảm xúc dân chúng, khiến quốc hội vi phạm một vài thủ tục của một phiên tòa công bằng. Sau cùng, sáu vị tướng bị quốc hội xử tử hình, trong khi họ không được xét xử trong một phiên tòa chính thức công bằng và cũng không có cơ hội để biện hộ hay bào chữa. Tuy nhiên, “không lâu sau đó, dân chúng thành Athens hối lỗi và bỏ phiếu đồng ý quy kết những lời tố cáo đầu tiên vào nhóm chuyên chế vì họ đã lừa gạt quốc hội của dân …” (Xenophon). Câu chuyện này “nêu lên sự chịu trách nhiệm của quan chức và công dân trước Quốc Hội” và “quyền điểu khiển các tướng lãnh của dân chúng” tại Athens, tuy nhiên nó cũng miêu tả “nhược điểm của Quốc Hội trước tình trạng bị kích động nhất thời; cái bấp bênh của một số quyết định dựa trên đa số; và nguy cơ bất ổn chính trị toàn bộ khi thiếu đi hệ thống kiểm soát các hành vi có tính cách bốc đồng …. Về sau, hiến pháp Athens được bổ sung với các điều khoản nhắm tăng cường sự kiểm soát và ngăn ngừa những trường hợp đưa đến các quyết định hối hả không thể đảo ngược. Những thay đổi trên nhằm tạo nên cân bằng giữa quyền lực của dân chúng và khuôn khổ hiến pháp để thực thi thủ tục và luật pháp, tuy nhiên không lấy gì làm chắc rằng đấy đã là đủ để đạt được mục đích …” (Held).

Một vấn đề nữa liên quan đến dân chủ Hy Lạp cổ điển là sự nguy hiểm khi bình đẳng chính trị được áp dụng một cách cứng ngắc. Plato, nhà phê bình nổi tiếng tại Athens, rất bực mình với khái niệm cho rằng quyền tham gia chính trị của mỗi công dân là bằng nhau. Theo Plato, đa số mọi người không có vốn kinh nghiệm hoặc kiến thức cần thiết để quyết định một cách sáng suốt các việc của công. Nếu chúng ta cho phép họ trực tiếp phán quyết, thì một là họ sẽ làm rất tệ, hoặc họ sẽ bị những kẻ chuyên quyền làm lạc lối. Hơn thế, Platon cũng cho rằng “sự lãnh đạo chính trị trong một nền dân chủ bị yếu đi vì phải nhượng bộ cho các đòi hỏi của số đông và vì các chiến lược được dựa trên những gì có thể ‘bán được’. Việc suy xét cẩn trọng, các quyết định khó khăn, những lựa chọn phiền phức bất thường, các sự thật khó ưa thường được né tránh theo nhu cầu cần thiết. Trong một nền dân chủ, người tài giỏi bị cho là thứ yếu, không quan trọng.” (Held). Chót hết, Plato cũng lo rằng hai khái niệm tự do và bình đẳng chính trị “không đi đôi với sự duy trì thẩm quyền, trật tự và ổn định … (bởi vì) sự liên kết trong xã hội bị đe dọa, đời sống chính trị ngày càng trở nên rời rã và chính trị trở thành cuộc thách đố giữa các phe cánh.” Qua nhiều bài viết kế tiếp về chủ đề này, ta sẽ thấy rằng phần lớn những lo lắng của Plato, tuy chưa phải tất cả, đã được giải quyết bằng một xã hội dân chủ dựa trên khuôn khổ hiến pháp và đại biểu.

Ngoài ra, theo giáo sư Dahl dẫn chứng, cũng còn nhiều vấn đề khác liên quan đến dân chủ Hy Lạp cổ điển. Vấn đề thứ nhất là tính loại trừ trong mô hình xã hội này: phụ nữ và nô lệ đều bị loại ra. Ngay cả “những di dân” cũng bị loại trừ, cho dù gia đình họ đã định cư tại Athens từ nhiều thế hệ trước. Như đã nêu trên, vần đề thứ nhì là người dân Hy Lạp không công nhận những quyền lợi không thể chuyển nhượng của cá nhân. Trong một thành quốc dân chủ, “sự tự do có nghĩa là tuân thủ luật pháp và tham gia vào quá trình quyết định, chứ không có nghĩa việc sở hữu các quyền bất chuyển nhượng … Không có giới hạn nào đối với quyền lực của chính quyền, Quốc Hội có toàn quyền can thiệp một cách hợp pháp vào bất cứ sinh hoạt, hành vi nào của dân, miễn sao những quyết định ấy được Quốc Hội cho là hợp lý (Finley). Sau hết, như đã dẫn chứng, sự áp dụng của mô hình dân chủ Hy Lạp vốn bị giới hạn trong những hệ thống cấp nhỏ. Tuy nhiên, dẫu có nhiều vấn đề, nền xã hội dân chủ Hy Lạp cổ điển và những chỉ trích của nó vẫn luôn là di sản để cho thế hệ chúng ta ngày nay và những thế hệ mai sau học hỏi.

Tài liệu tham khảo:

1. David Held, Models of Democracy, Second Edition, Stanford University Press, 1996

2. Robert A. Dahl, Democracy and Its Critiques, Yale University Press, 1989

3. Aristotle, The Politics, The University of Chicago Press, 1984

4. Plato, The Republic, Harmondsworth: Penguin, 1974

Đỗ Như Hằng chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân 2014

Nguồn:http://www.oycf.org/Perspectives2/1_083199/politics.htm