fbpx

Xã Hội Dân Sự

Xã Hội Dân Sự

LỜI GIỚI THIỆU

 

Xã Hội Dân Sự là gì? Câu hỏi này lại được các học giả về chính trị đặt ra trong hai thập niên vừa qua khi làn sóng dân chủ thứ ba tràn lên trong những thập niên cuối của thế kỷ 20. Sở dĩ các nhà nghiên cứu chính trị đặt vấn đề xã hội dân sự vì trong tất cả các nước chuyển hóa sang dân chủ đều luôn luôn có sự hiện diện của một “xã hội dân sự” sinh động. Từ đó xã hội dân sự trở thành một đề tài nghiên cứu để xem có tương quan “nhân quả” nào giữa các hoạt động của xã hội dân sự và tiến trình dân chủ hóa hay không. Trong chiều hướng đó, Học Viện Công Dân tuyển dịch các tài liệu, tiểu luận liên quan đến xã hội dân sự nhằm tạo cơ hội cho độc giả Việt Nam tiếp cận các tư tưởng, lý luận về xã hội dân sự của Tây phương, đồng thời cũng góp phần xây dựng cơ sở tài liệu cho lý luận và thực hành xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.

Khái niệm xã hội dân sự đã được các triết gia về chính trị thuộc thời kỳ Khai Sáng ở Âu châu sử dụng, và khái niệm này đã theo thời gian mà thay đổi cho đến ngày hôm nay. Các tư tưởng gia như Hobbes, Locke, Rousseau dùng xã hội dân sự (civil society) để chỉ một trạng thái xã hội khi con người đã bắt đầu sống quần tụ với nhau, khác với trạng thái thiên nhiên (state of nature). Xã hội càng phát triển thì lại càng nẩy nở thêm nhiều sắc thái và bộ phận khác nhau; do đó, các nhà tư tưởng thuộc thế kỷ 19 và thế kỷ 20 như Hegel, Marx, Gramsci, Diamond, v.v… đều có những khái niệm không giống nhau, và không thể thống nhất về một định nghĩa cho xã hội dân sự. Tuy nhiên, các học giả thuộc thế kỷ 20 đều đồng ý trên mẫu số chung sau đây của xã hội dân sự. Đó là sự hiện hữu của một lãnh vực công nằm giữa nhà nước, thị trường, và cá nhân. Chính trong lãnh vực công này (public sphere) mà các công dân hoạt động “nhằm biểu tỏ các mối quan tâm, tư tưởng, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu chung có tính chất hỗ tương, kiến nghị với nhà nước và buộc các viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trong công vụ” (Diamond, 1994).

Theo Brian O’Connell, chủ tịch sáng lập của Independent Sector, lãnh vực công là miền hội tụ của 5 thành tố sau: Thành tố đầu tiên là các cá nhân, tiêu biểu cho quyền lợi riêng tư. Thành tố thứ hai là cộng đồng bao gồm gia đình, làng xóm, chùa chiền, các hội đoàn, vân vân; cộng đồng là nơi các cá nhân sinh hoạt và phát triển và cũng là nơi đại diện cho các quyền lợi tập thể. Cộng đồng chưa phải là xã hội dân sự; tuy nhiên cộng đồng và gia đình tạo nên một hệ thống giá trị căn bản về đạo lý và văn minh chung cần thiết cho đời sống của xã hội. Thành tố thứ ba là chính quyền. Thành tố này, thật đáng ngạc nhiên thay, lại thường bị bỏ sót trong các định nghĩa về xã hội dân sự. Chính quyền là một thành tố thiết yếu của xã hội nói chung và của xã hội dân sự nói riêng, vì chính quyền có thể giúp phát triển hay làm cản trở sự phát triển của xã hội dân sự. Thành tố thứ tư là sự tham gia tự nguyện; thành tố này chính là cốt lõi cho hoạt động của xã hội dân sự và thường hay bị lẫn lộn với xã hội dân sự. Thành tố cuối cùng là lãnh vực thương mại. Thành tố này có vẻ trái ngược với xã hội dân sự, vì chúng ta thường nghĩ đến các hoạt động vô vị lợi của các tổ chức thiện nguyện, trong khi nói đến thương mại là nói đến các hoạt động sinh lợi. Tuy vậy để có thể hoạt động được hữu hiệu mọi tổ chức thiện nguyện đều cần một số các phương tiện để hoạt động mà không tùy thuộc vào nhà nước, và từ đâu các tổ chức này có được phương tiện tài chính, nếu không từ lãnh vực thương mại? O’Connell nhận xét thêm: “Có rất nhiều công ty thương mại không có tí lương tâm xã hội gì cả, nhưng những công ty nào đã chấp nhận và chu toàn trách nhiệm xã hội đều có những đóng góp quý báu cho phẩm chất của cộng đồng và xã hội dân sự.”[1]

Civicus, Liên hội Quốc tế Các Tổ chức Xã hội Dân sự, định nghĩa xã hội dân sự là lãnh vực, ở bên ngoài gia đình, nhà nước, và thị trường, nơi người dân kết hợp hoạt động nhằm thăng tiến các lợi ích chung. [2] Như vậy các học giả cũng như các nhà hoạt động cho xã hội dân sự đều đồng ý về sự hiện hữu của một lãnh vực công và sự tham gia sinh hoạt của công dân nhằm thăng tiến lợi ích chung cho xã hội. Thành tố quan yếu nhất của xã hội dân sự, do đó, chính là mỗi công dân, ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với bản thân và xã hội, tự nguyện tham gia vào các sinh hoạt hầu giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.

Hoạt động của các tổ chức thiện nguyện (NGO), hoạt động nổi bật nhất và thường bị đồng hóa với xã hội dân sự, giúp công dân quan tâm hơn đến các vấn nạn xã hội, giúp tăng cường và củng cố các kiến thức, đạo đức và kỹ năng sinh hoạt tập thể, và qua đó trở nên những người công dân có trách nhiệm và tích cực tham gia vào các hoạt động mang lại lợi ích cho tập thể.

Học Viện Công Dân, một lần nữa, ước mong những tài liệu được tuyển dịch về kiến thức và phương thức sinh hoạt hữu hiệu về xã hội dân sự sẽ góp phần xây dựng cơ sở tài liệu cho lý luận và thực hành xã hội dân sự tại Việt Nam. Mọi ý kiến, đóng góp xin liên lạc về info@icevn.org [1]

Bản quyền của tất cả những tác phẩm, tài liệu được phiên dịch sang Việt ngữ và đăng tải trên website của Học Viện Công Dân thuộc Học Viện Công Dân. Mọi sử dụng, trích hoặc dùng lại tại nơi khác xin liên lạc với Học Viện và ghi rõ nguồn http://www.icevn.org

Ghi Chú

[1] Brian O’Connell, Civil Society – the Underpinnings of American Democracy, trang14-23. NH: Nhà Xuất bản Tuft University Press, 1999.

[2] CIVICUS, World Alliance for Citizen Participation gồm hơn 1000 tổ chức hội viên và cá nhân tại 110 nước trên thế giới. Định nghĩa này được sử dụng chính thức cho tài liệu nghiên cứu vê Chỉ số Xã hội Dân sự (CSI-Civil Society Index), trong đó Việt Nam là một trong 9 nước tham gia khảo sát. Website của CIVICUS tại www.civicus.org [2]