fbpx

Những Bài Diễn Văn Kinh Điển

Sức mạnh của Bất Bạo Động

Martin Luther King, Jr.

June 04, 1957

Ngay từ lúc khởi sự đã có một triết lý ủng hộ việc tẩy chay vùng Montgomery, đó là triết lý phản kháng bất bạo động. Truyền đạt phương thức này đến người khác luôn luôn là một vấn nạn, bởi vì ngay từ đầu phương pháp này đối với số đông quần chúng nó chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi đã phải mở các cuộc họp đại chúng để giải thích về bất bạo động cho cộng đồng của những người chưa bao giờ nghe nói về triết lý này và trong nhiều trường hợp họ không tán thành phương pháp đó. Chúng tôi đã họp một tuần hai lần vào các ngày thứ Hai và thứ Năm, đã  lập một viện nghiên cứu về bất bạo động và sự thay đổi xã hội. Chúng tôi đã phải giải thích rõ ràng rằng sự phản kháng bất bạo động không phải là một phương pháp đấu tranh hèn nhát. Nó là phương pháp kháng cự. Nó không phải là một phương pháp thụ động mụ mẫm và tự mãn trong suy tàn. Người phản kháng bất bạo động hành động chính đáng khi phản đối những điều ác mà người đó đang chống lại  cũng như một người phản đối dùng bạo lực, nhưng không dùng bạo lực. Phương pháp này là phương pháp ôn hòa về thể chất, nhưng mạnh mẽ tích cực về tinh thần.

Không làm nhục nhưng để Thuyết phục

Một điều nữa mà thật sự chúng tôi phải truyền đạt, đó là người phản kháng bất bạo động không tìm cách để làm bẽ mặt hoặc đánh bại các đối thủ, nhưng để chiếm được tình thân hữu và sự thông cảm. Điều này luôn luôn là một lời kêu gọi mà chúng tôi phải trình bày trước dân chúng rằng mục tiêu của chúng tôi không nhằm đánh bại cộng đồng da trắng, không làm nhục cộng đồng da trắng, nhưng để chiếm hữu tình bạn của tất cả những người đã phạm phải tội ác trong chế độ này trước đây. Mục đích của bạo lực hoặc hậu quả  của bạo lực là sự cay đắng. Kết quả của bất bạo động là hòa hợp và tạo ra một cộng đồng yêu thương nhau. Một cuộc tẩy chay, tự thân nó không bao giờ là một điểm kết thúc. Nó đơn thuần chỉ là một phương tiện đánh thức cảm giác xấu hổ trong những kẻ đàn áp, nhưng cuối cùng là hòa giải, đích đến là sự cứu rỗi.

Rồi thì, chúng tôi cũng phải nói rõ rằng người phản kháng bất bạo động chỉ nhằm tấn công hệ thống xấu xa hơn là tấn công những cá nhân, những người vì hoàn cảnh bị kẹt  trong chế độ đó. Và đây là lý do tại sao tôi nói từ lần này đến lần khác rằng cuộc đấu tranh ở miền Nam không phải là sự căng thẳng giữa người da trắng và người da đen. Cuộc đấu tranh này đúng hơn là giữa công lý và bất công, giữa sức mạnh của ánh sáng và quyền lực của bóng tối. Và nếu như có chiến thắng, nó sẽ không phải là một chiến thắng đơn thuần cho năm mươi ngàn người da đen. Trái lại nó sẽ là một thắng lợi cho công lý, một chiến thắng cho thiện ý, một chiến thắng cho nền dân chủ.

Một điều cơ bản nữa chúng tôi đã bắt buộc phải vượt qua, đó là phản kháng bất bạo động cũng là một vấn đề nội tâm. Nó không chỉ tránh  bạo lực bên ngoài hoặc bạo lực nhắm vào thân thể mà còn tránh được bạo lực tinh thần bên trong con người nữa. Và vì thế, triết lý cốt lõi của phong trào,  là triết lý về tình yêu thương. Quan điểm này cho rằng con đường duy nhất  để thay đổi  nhân loại một cách cơ bản và kiến tạo một xã hội chúng ta mong muốn là giữ được sự yêu thương ở tâm điểm trong đời sống của chúng ta. Hiện nay những người từng hỏi tôi từ đầu ý tôi muốn nói gì theo cái nghĩa tình yêu đó và bằng cách nào mà tôi có thể thuyết phục họ yêu thương những người tìm cách triệt hạ và  chống lại họ; làm thế nào ông có thể yêu những người như thế? Và tôi đã phải giải thích rõ rằng tình yêu  trong ý thức cao nhất không phải là một thứ tình cảm uỷ mị, thậm chí không phải là một thứ tình cảm thân mật.

Tình Yêu Agape – Tình Yêu Hy Sinh

Ngôn ngữ Hy Lạp sử dụng ba từ nói về tình yêu. Từ [thứ nhất] nói về  ái tình. Ái Tình là một loại tình yêu có tính chất thẩm mỹ. Tình yêu đó đến với chúng ta là một thứ tình yêu lãng mạn và nó đại diện cho tất cả vẻ đẹp của tình yêu. Nhưng khi chúng ta nói đến yêu thương những người chống lại chúng ta, chúng ta không nói đến  ái tình . Ngôn ngữ Hy Lạp còn nói về Philia (tình bằng hữu) và đây là một loại tình yêu tương hỗ giữa bằng hữu với nhau. Đây là một thứ tình yêu có giá trị, và quan trọng. Tuy nhiên khi chúng tôi nói đến yêu thương những người chống đối bạn và những người tìm cách để triệt hạ bạn, chúng tôi không nói về  ái tìnhhoặc Philia. Ngôn ngữ Hy Lạp cho ra một từ khác và đó là agape. Agape[1] là sự thông cảm, sáng tạo, có thiện ý cứu rỗi tất cả mọi người. Các nhà Thần học Kinh Thánh sẽ nói đó là tình yêu của Thượng Đế hoạt động trong tâm trí của loài người. Đó là một thứ tình yêu tràn đầy không mong đền đáp. Và khi bạn bước vào tình yêu ở mức độ này, bạn bắt đầu yêu thương người khác không phải vì họ dễ thương, không phải vì họ làm những điều quyến rũ chúng ta, nhưng bởi vì Thượng Đế yêu thương họ và ở đây chúng ta yêu những con người làm hành động xấu xa trong khi đó chúng ta ghét những hành động xấu xa người đó làm. Đó là loại tình yêu làm tâm điểm của phong trào mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện trong vùng đất phía Nam – tình yêu agape.

Sức mạnh Bí ẩn Trong Vũ Trụ Vận hành cho Công lý

Tôi hoàn toàn ý thức về một thực tế như thế này là có những người tin tưởng vững chắc vào bất bạo động, nhưng lại không tin là có một Thượng Đế, nhưng tôi nghĩ rằng đối với những người tin vào phản kháng bất bạo động thì  họ cũng tin rằng, bằng cách nào đó, vũ trụ  dưới một  hình thể nào đó, đứng về phía công lý. Họ tin rằng có điều gì đó đang thể hiện trong vũ trụ, dù ta có gọi nó là một quá trình vô thức, hay như một động lực nguyên thuỷ,[2] hay chính là Thượng Đế trực tiếp. Có điều gì đó trong vũ trụ đang thể hiện vì công lý, vì vậy tại Montgomery chúng tôi linh cảm rằng khi  đấu tranh, chúng tôi đã đồng hành cùng vũ trụ. Và đây là một trong những điều liên kết con người lại với nhau, với niềm tin rằng vũ trụ đang đứng về phía công lý.

Thượng Đế đã ban ơn để khi những người nam và nữ trên khắp thế giới đấu tranh chống lại các chế độ xấu xa độc ác, họ sẽ đấu tranh bằng tình yêu trong trái tim họ với ý muốn tốt lành khoan thứ. Tình yêu Agape nói rằng bạn phải tiếp tục đấu tranh bằng sự tự chế khôn ngoan và hợp lý, bình tĩnh, nhưng bạn phải tiếp tục hoạt động. Chúng ta có một cơ hội lớn ở Hoa Kỳ để xây dựng nơi đây một quốc gia vĩ đại, một quốc gia nơi mà tất cả mọi người sống với nhau như anh em và phẩm cách và giá trị của mọi nhân cách được tôn trọng. Chúng ta phải tiếp tục tiến đến mục tiêu đó. Tôi biết rằng một số người nói rằng chúng tôi phải đi chậm lại. Họ đang viết thư cho những anh em ở phía Bắc, lôi kéo những người da trắng có thiện chí và kêu gọi người da đen tiến chậm lại, rằng các bạn đang  đẩy quá nhanh. Họ đang nói chúng tôi phải chấp nhận một chính sách ôn hòa.  Nếu ôn hòa mang ý nghĩa hoạt động với sự kiềm chế khôn ngoan và mức độ vừa phải thật bình tĩnh, vậy thì ôn hòa là một đức tính tuyệt vời mà tất cả những người thiện chí phải tìm cách đạt được trong giai đoạn căng thẳng trong quá trình chuyển đổi này. Nhưng nếu ôn hòa có nghĩa là chậm lại trong hoạt động cho công lý và quy phục trước sự bốc đồng và tùy hứng của những người đang bảo vệ cái hiện trạng suy tàn này, thế thì ôn hòa là một thói xấu thảm thương mà tất cả những người có thiện chí phải lên án. Chúng ta phải tiếp tục tiến lên. Lòng tự trọng của chúng ta đang bị đe dọa; uy tín của đất nước chúng ta đang bị đe dọa. Quyền công dân là một vấn đề đạo đức bất diệt, nó có thể quyết định số phận nền văn minh của chúng ta trong cuộc đấu tranh ý thức hệ với chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta phải tiếp tục hoạt động với sự kiềm chế khôn ngoan, với tình yêu thương, và với nhân phẩm và kỷ luật thích đáng.

Nhu cầu  trở thành “Bất Thích Ứng”

Tâm lý học hiện đại có một từ có lẽ được sử dụng nhiều hơn so với bất kỳ từ nào khác. Đó là từ “bất thích ứng”. Vậy thì tất cả chúng ta nên tìm cách sống một cuộc sống thích ứng [với hoàn cảnh] để tránh bị loạn thần kinh và tâm thần phân liệt. Nhưng có một số điều trong vòng trật tự xã hội của chúng ta mà tôi tự hào là người bất thích ứng, với điều đó tôi kêu gọi các bạn hãy cùng bất thích ứng. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để thích ứng với chia rẽ [chủng tộc] và phân biệt đối xử. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để thích ứng với tình trạng bạo loạn của đám côn đồ. Tôi không bao giờ có ý định điều chỉnh bản thân mình để  chịu được những kết quả thảm khốc của các phương pháp bạo hành  và chủ nghĩa quân phiệt. Tôi kêu gọi các bạn bất tuân với những điều như thế. Tôi kêu gọi các bạn bất tuân như Amos,[3] người ở giữa những bất công trong ngày ông hô vang lệnh truyền mà nó vẫn vang vọng qua các thế hệ, ” Hãy để cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như dòng nước lớn cuồn cuộn..” Hãy bất tuân như Abraham Lincoln, người đã có viễn kiến rằng quốc gia này không thể tồn tại một nửa nô lệ và một nửa tự do. Hãy bất tuân như Jefferson, một người ở giữa thời kỳ mà cả nước đang chấp nhận chế độ nô lệ đã có thể thốt lên, “Tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng và được Tạo hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Hãy bất tuân như Chúa Giêsu thành Nazareth, người đã ấp ủ một giấc mơ thực hiện tình yêu của Thiên Phụ và tình huynh đệ cho nhân loại.Thượng Đế ban ơn cho chúng ta có thể trở nên bất thích ứng để cho chúng ta có thể vượt ra ngoài, thay đổi thế giới và nền văn minh của chúng ta. Và khi ấy chúng ta sẽ có thể bước đi từ giữa đêm hoang vu lạnh lẽo trong sự vô nhân tính của con người với nhau đến nơi đầy ánh sáng, nơi ấy ánh bình minh chiếu tỏa rực rỡ tự do và công lý.

Michelle Phạm chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Aug 2015

Nguồn: http://teachingamericanhistory.org/library/document/the-power-of-non-violence/

 


[1] Agape theo tiếng Hy-lạp là tình yêu tối thượng, cũng là tình yêu được nhắc đến trong Kinh Thánh; nó không phải là tình bằng hữu, hay tình ái, ngay cả tình chồng vợ, mà là tình yêu có tính chất hy sinh, như Chúa Jesus đã hy sinh trên thập giá để cứu rỗi nhân loại (HVCD).

[2] Martin Luther King dùng cụm từ “unmoved mover” một khái niệm của Aristotle để chỉ động lực nguyên thuỷ làm chuyển động vật chất, nhưng chính nó không chuyển động (HVCD).

[3] Amos là vị Tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước sống vào khoảng năm 750 BC dưới thời trị vì của Jeroboam II (786-746 BCE). Chủ đề chính của ông thường nói về công bằng xã hội, sự toàn năng của Thượng Đế, và sự phán xét của Thượng Đế trở thành yếu tố chính của lời Tiên Tri (chú thích của người dịch).