fbpx

Pháp Trị

Pháp Trị

Lời Giới Thiệu

Thuật ngữ pháp trị ngày càng được sử dụng rộng rãi trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế, từ Liên hiệp quốc đến các tổ chức tài chánh như IMF, WB, ADB, đến các tổ chức phi-chính phủ như Asia Foundation, Ford Foundation, Carnegy Endowment for International Peace, như là một điều kiện cần thiết cho các nước đang phát triển và đi theo kinh tế thị trường. Việt Nam đến năm 2001 cũng bắt đầu xây dựng nhà nước “pháp quyền.”[1] Tuy nhiên, pháp trị và biến thể của nó–pháp quyền, không chỉ thuần tuý là một khái niệm hay lý thuyết trừu tượng của các nhà luật học hay các nhà lý luận chính trị, mà còn là cách sống và nếp suy nghĩ của công dân các nước Tây phương trong gần 2000 năm qua.[2] Do đó, Học Viện Công Dântuyển dịch các tài liệu, tiểu luận liên quan đến pháp trị nhằm tạo cơ hội cho độc giả Việt Nam tiếp cận các tư tưởng về pháp trị của Tây phương, đồng thời cũng góp phần xây dựng cơ sở tài liệu cho lý luận và thực hành pháp trị trong tương lai tại Việt Nam.

Một số các nhà lý luận Trung Hoa và Việt Nam quan niệm một cách đơn giản rằng chỉ cần xây dựng một hệ thống luật lệ cho chặt chẽ và thi hành luật một cách nghiêm túc là đạt được pháp trị. Hàn Phi Tử thường được viện dẫn để minh họa cho quan niệm này: “Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật.” (Hàn Phi Tử. Thiên Hữu Độ).

Tuy nhiên, những nguyên lý do Hàn Phi Tử và phái Pháp gia chủ trương chỉ mới thể hiện được cái mà Tây phương gọi là “Rule by Law” (dụng pháp trị hay pháp quyền), khi chính quyền, mà đại biểu tối cao là nhà vua, biết dùng luật pháp công bằng và rõ ràng để trị dân, chứ Hàn Phi Tử và Pháp gia không giải quyết được vấn nạn trầm trọng của “dụng pháp trị” khi nhà vua phạm pháp hoặc khi nhà vua là một hôn quân. [4] Chưa hết, sau Hàn Phi Tử, Nho gia lại trở thành tư tưởng thống trị xã hội phong kiến. Vấn nạn “dụng pháp trị” lại trở nên trầm trọng hơn nữa với nguyên lý “Lễ bất hạ thứ dân. Hình bất thướng đại phu,” tức là lễ không xuống đến hạng thứ dân, và hình phạt không lên đến đại phu (Lễ Ký). Giai cấp thống trị được mặc nhiên đứng ngoài vòng cương tỏa của pháp luật. Ảnh hưởng này còn tồn tại trong các xã hội Á châu cho đến ngày nay.

Tại Âu châu, nhất là tại Anh quốc, sau khi chuyển từ phong kiến sang đế chế, biến cố lịch sử Magna Carta (Đại Hiến chương) năm 1215 đã mở đường cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử chính trị của nhân loại, khi Vua John bị triều thần (giai cấp quý tộc) buộc phải tuân theo Đại Hiến chương và không được tùy tiện áp dụng quyền hành. Nhà vua cũng bị các điều khoản trong Đại Hiến chương ràng buộc như quý tộc. Nói một cách khác, nhà vua không còn được tùy tiện đứng trên pháp luật như trước nữa. Tuy vậy, trên thực tế, Đại Hiến chương vẫn chỉ là một giao ước giữa giai cấp thống trị với nhau; người dân vẫn còn là thần dân, chứ chưa phải là công dân, mãi cho đến năm trăm năm sau khi Rousseau viết Khế ước Xã hội, và sau khi cuộc Cách mạng Hoa Kỳ thành công, khái niệm công dân và pháp trị (Rule of Law) mới được phát huy, khai triển, và áp dụng rộng rãi tại Tây phương.

Thật vậy, James Madison, trong Luận cương về Liên bang số 51, đã viết: “Nếu con người là thần thánh, thì không cần phải có chính quyền; và nếu thần thánh cai trị con người, thì cũng không cần phải có các phương thức nội tại hay từ bên ngoài để kiểm soát chính quyền.” Nhưng khốn thay, con người lại cai trị con người; và không có gì bảo đảm rằng nhà cầm quyền–cá nhân hay tập đoàn cầm quyền–sẽ luôn luôn chí công, vô tư, sẽ không lạm dụng quyền hành cho quyền lợi cá nhân, gia đình. Madison và nhóm Federalist [5] đã đưa ra một số các giải pháp cho bài toán chính quyền nan giải này; trong đóPháp Trị là một nguyên tắc: tất cả mọi người, kể cả chính quyền, đều nằm dưới pháp luật.

Nguyên tắc Pháp Trị, tuy vậy, cũng chỉ là một nguyên tắc, và không có gì bảo đảm rằng nhà cầm quyền sẽ tự buộc mình phải thượng tôn luật pháp; Madison trong Luận cương về Liên bang cũng đã cảnh báo rằng giải pháp tam quyền phân lập, hệ thống kiểm soát từ bên ngoài hay từ bên trong chính quyền cũng chỉ là những “rào cản bằng giấy”không thể ngăn chặn sự lạm quyền và chuyên quyền của nhà cầm quyền. Pháp Trị thực sự chỉ xảy ra khi mọi công dân ý thức được trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình và tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị và xã hội của đất nước. Pháp Trị phải được thực hành và trở thành một tập quán, một nếp sinh hoạt của xã hội, của quốc gia, từ các hội đoàn dân sự, tư nhân, đến các cơ quan và tổ chức chính quyền.

Một lần nữa, Học Viện Công Dân ước mong các tài liệu được tuyển dịch trong tiểu mục Pháp Trị sẽ góp phần xây dựng cơ sở tài liệu cho lý luận và thực hành pháp trị trong tương lai tại Việt Nam. Mọi ý kiến đóng góp xin liên lạc về info@icevn.org

Ghi chú:

[1] Điều 2 Hiến pháp 1992, tu chính năm 2001; tuy nhiên Nhà nước Việt Nam không định nghĩa rõ ràng thế nào là pháp quyền.
[2] Khái niệm pháp trị (rule of law) có thể được truy nguyên từ thời Cộng hoà La Mã, nhưng mãi cho đến thời Vua John của Anh quốc năm 1215 thì khái niệm này mới được ghi lại thành văn bản và định chế hoá.
[3] Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi, Hàn Phi Tử, trang 365, Văn Hoá tái bản tại hải ngoại.
[4] Sách đã dẫn, trang 197.
[5] Federalist, như tên gọi, gồm những chính trị gia, lý thuyết gia chủ trương xây dựng chính quyền liên bang của Hoa Kỳ, tiêu biểu là Alexander Hamilton, John Jay, và James Madison. Cả ba ký cùng một tên là Publius khi viết các luận cương vận động cho việc phê chuẩn hiến pháp thành lập chính quyền liên bang.

Bản quyền của tất cả những tác phẩm, tài liệu được phiên dịch sang Việt ngữ và đăng tải trên website của Học Viện Công Dân thuộc Học Viện Công Dân. Mọi sử dụng, trích hoặc dùng lại tại nơi khác xin liên lạc với Học Viện và ghi rõ nguồn http://www.icevn.org