fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Đề Mục I

VỀ NHU CẦU THÀNH LẬP LIÊN BANG THỐNG NHẤT

(Tham luận 1 đến 14)

Dẫn Nhập

Vào năm 1776, đại biểu của 13 thuộc địa Mỹ họp lại thành Hội Nghị Đại Biểu đầu tiên để cùng nhau soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, và điều hành cuộc chiến đấu chống lực lượng Đế Quốc Anh Hoàng. Hội Nghị Đại Biểu này, được gọi là “Continental Congress,” trở thành trung tâm quyền lực đầu tiên kết hợp nhân-vật lực của 13 thuộc địa vào trong cuộc chiến chống Đế Quốc Anh. Sau đó, một văn bản mang tên Điều Khoản Liên Hiệp các Tiểu Bang và Đoàn Kết Vĩnh Cửu (Articles of Confederation and Perpetual Union) cũng đã được soạn thảo và thông qua để trở thành hiến chương đầu tiên cho việc thành lập và tổ chức một liên hiệp các cựu thuộc địa Anh Quốc trong suốt cuộc chiến tranh giành độc lập.

Tuy nhiên, trong việc điều hành hoạt động của liên hiệp các cựu lãnh thổ thuộc địa – nay đã trở thành những tiểu bang độc lập – khuyết điểm của các điều khoản được quy định trong văn bản này ngày càng lộ rõ. Những quyết định của cơ cấu chính quyền trung ương phôi thai này thường không nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền tại các tiểu bang, vốn vẫn muốn bảo vệ quyền hạn của địa phương mình. Những khó khăn chính yếu của cơ cấu chính quyền trung ương tập trung vào các lãnh vực như thâu thuế, điều hành ngoại thương và thực hiện một chính sách ngoại giao chung đối với các nước ngoài.

Trong thời kỳ chiến tranh, cũng đã có nhiều cố gắng sửa đổi và bổ xung bản hiến chương liên hiệp này để giải quyết những khó khăn nói trên, tuy nhiên vào thời đó, sự chống đối của các tiểu bang vẫn tiếp tục gây rất nhiều trở ngại cho hoạt động của cơ cấu chính quyền trung ương.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, đại biểu các tiểu bang lại họp lại với mục đích tu sửa những điều khoản trong bản hiến chương. Tuy nhiên, trong lúc thảo luận việc sửa đổi văn bản này, một số đại biểu đã đề nghị nên loại bỏ hẳn văn bản cũ để tiến hành việc soạn thảo một bản hiến pháp hoàn toàn mới để thiết lập một cơ cấu chính quyền trung ương mạnh với những quyền hạn nhất định và rộng rãi hơn.

Vào ngày 17 tháng Chín 1787, bản Dự thảo Hiến pháp được hoàn tất và được đại biểu có mặt bỏ phiếu chấp thuận và được phổ biến đến chính quyền tại mỗi tiểu bang để được thảo luận tại từng địa phương trước khi biểu quyết phê chuẩn.

14 bài tham luận đầu tiên trong Luận Cương về Thể Chế Liên Bang có mục đích trình bầy và giải thích những lợi điểm của một thể chế liên bang với một cơ cấu chính quyền trung ương mạnh, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của một quốc gia thống nhất.