fbpx

Đức Dục

Tại Sao Đức Tính Mạnh Mẽ Lại Cần Thiết Để Sống Một Đời Sống Tốt Lành?

Mortimer Adler, Ph.D.

 

Khi xem xét vấn đề mà một cá nhân phải giải quyết, ta cần phải xét luôn những hoàn cảnh mà cá nhân đó bị ảnh hưởng bởi thời vận–cả xấu lẫn tốt. Trước khi bàn về cách thức giải quyết vấn đề này như thế nào, ta cần làm sáng tỏ những từ ngữ này.

Nói đến thời vận tức là nói đến bất kỳ khía cạnh nào của đời sống mà nằm ngoài tầm kiểm soát của ta–những điều xảy đến cho chúng ta, những chuyện tình cờ xảy đến cho ta, cả xấu cũng như tốt. Nói đến vận rủi, tôi muốn nói đến những chuyện tình cờ hay hoàn cảnh có ảnh hưởng tai hại hay không thuận lợi cho việc tạo dựng một đời sống tốt đẹp cho bản thân. Còn vận may, tức là những điều ngược lại–những hoàn cảnh hay chuyện tình cờ khiến cho đời sống của ta trở nên thuận lợi.

Trong một chương trước, ta thấy rằng cuộc đời của một người có thể bị hủy hoại ngay từ lúc sơ sinh hay thơ ấu vì những điều cực kỳ không may xảy ra. Không phải người ta chỉ bị xui xẻo từ khi thơ ấu mà còn có thể gặp nhiều vận rủi lớn lao lúc ở vào tuổi trung niên hay tuổi già xế bóng. Những điều rủi ro cực độ đều có tác dụng hủy hoại. Ta cũng có thể thấy được có những người bị ảnh hưởng tai hại, điều mà ta thường nói là “bị hư” vì lúc nhỏ đã được vận may [hay cha mẹ] nuông chiều quá mức. Sự thái quá này có lẽ sẽ không có tác dụng tai hại khi người đó đã lớn, nhưng có quá nhiều sự may mắn vẫn có thể là một sự trở ngại nghiêm trọng trong việc phát triển nhân cách, vì những sự may mắn này đều mang tính chất cám dỗ cao độ. Một người làm việc lao động vất cả mà chỉ đủ sống thì chắc chắn sẽ bị cám dỗ với những ý tưởng rong chơi hay nằm ngủ cả ngày. Còn về cực bên kia, những người sống trong nhung lụa hay có phương tiện để sống xa hoa thì cũng bị những sự cám dỗ mạnh mẽ khác có ảnh hưởng xấu đến đời sống của người đó; những sự cám dỗ của xa hoa cũng tác động mạnh mẽ như sự túng thiếu đối với cuộc đời của kẻ không may.

Những hoàn cảnh bình thường, theo tôi, là những hoàn cảnh nằm ở giữa hai cực của vận may và vận rủi. Còn những hoàn cảnh bất thường là những hoàn cảnh có khuynh hướng thiên về một trong hai cực nhưng không quá độ đến nỗi không ai có thể vượt qua được những trở ngại do các hoàn cảnh như vậy gây ra.

Như vậy, ở đây ta có một vấn nạn. Nếu sống một đời sống tốt[1] trong những hoàn cảnh bình thường đã khó, và lại còn khó hơn khi gặp hoàn cảnh bất thường, thì người ta có được những phương sách nào tự trong bản thân mình để đối phó với những ảnh hưởng quá độ do vận may và vận rủi mang lại. Ở đây ta không bàn đến những trường hợp quá độ vượt quá sức con người bình thường.

Mặc dù tôi không cho rằng lẽ thường[2] có thể giúp ta có câu trả lời thích hợp cho vấn nạn này, điều mà tôi muốn nói là những giải pháp do lẽ thường đưa ra chắc chắn là thích hợp và khá là thỏa đáng. Nếu ta thấy những giải pháp do lẽ thường đưa ra có chỗ được thỏa đáng, có lẽ vì những điều mà lẽ thường hướng dẫn thì dễ hiểu hơn là dễ làm.

***

Trước hết hãy bàn về vận rủi, tức là những điều có ảnh hưởng tai hại hay không thuận lợi đến việc tạo dựng một đời sống tốt cho mỗi cá nhân. Những điều này gồm có bệnh hoạn triền miên hay bị tàn tật; không có khả năng kiếm được việc làm đàng hoàng để sinh sống mà không phải vì lỗi của mình;[3] bị thương tật đến thể chất do kẻ khác hay xã hội gây ra; bị cô đơn hay mất đi người thân hay bạn bè, vì lý do này hay lý do khác; những ảnh hưởng trên đời sống cá nhân vì chiến tranh, bạo loạn, và bất ổn xã hội; và sau cùng là ảnh hưởng của một nền văn hóa mà những giá trị của nó–những điều được đề cao và những điều bị coi thường–lại tương phản với cách sống của một người để qua đó tạo dựng một đời sống tốt lành.[4]

Tôi đã không liệt kê trong danh sách này những rủi ro từ sơ sinh, và từ thuở thiếu thời bởi vì đó là những điều xảy ra trước khi một người bắt đầu đương đầu với những vấn nạn mà những rủi ro này gây nên cho người đó; tỉ như, không được học hành đàng hoàng, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, trời cho tư chất kém. Tuy nhiên, những rủi ro này, ta cũng nên để ý tới, với điều kiện là, những rủi ro này, cũng như những rủi ro khác sẽ xảy ra trong thời gian sau của cuộc đời, không quá khắc nghiệt đến nỗi không thể vượt qua được.

Nhưng người ta đối phó với vận rủi như thế nào? Câu trả lời theo lẽ thường là bằng sức mạnh của đức tính. Tiếng La-tinh của từ này là fortitudo, theo tiếng Việt là “nghị lực.” Nói nôm na, nghị lực là sức mạnh đạo đức hay ý chí để vượt qua mọi trở ngại. Có hai lý do để gọi nghị lực là sức mạnh thuộc về “đạo đức” hơn là sức mạnh “thể chất.” Sức mạnh thể chất của một người, phần lớn là do trời cho, dù người ta có thể tập luyện làm cho nó tốt hơn chút ít, nhưng đó không phải là điều mà người đó tự ý mình đạt được. Sức mạnh đạo đức, ngược lại, thuộc về phạm vi của những điều mà người ta có thể đạt được bằng ý muốn và nỗ lực cá nhân. Lý do thứ hai và cũng là lý do sâu xa hơn khi gọi nghị lực là “sức mạnh đạo đức” nằm ở chỗ mục đích nó được sử dụng là gì. Nghị lực có ý nghĩa đạo đức chỉ khi nào người ta dùng nó để vượt qua những trở ngại làm cản trở sự xây dựng đời sống tốt lành cho cá nhân của họ.

Ta cũng thường thấy–rủi thay việc này xảy ra rất thường–là có người có ý chí vượt qua những trở ngại ngăn chặn sự thành công của họ, nhưng mục đích lại không phải là xây dựng một đời sống tốt mà là một đời sống xấu xa của tội ác, của lười biếng, của ăn chơi, một đời sống đầy rẫy những xa hoa nhưng lại thiếu đi những điều tốt đẹp khác. Y cũng tỏ ra cho mọi người thấy có cùng nghị lực hay đức tính của một người tốt, và quyết vượt qua trở ngại để đạt được mục đích. Xét về ý chí, hai người giống nhau, nhưng ta không coi người đó là người đạo đức, chỉ vì nghị lực đó không được dùng để nhắm đến mục đích xây dựng đời sống tốt. Đó chỉ là món hàng giả của nghị lực, thiếu đi phẩm chất đạo đức.

Giả sử đời sống của một người mà hoàn toàn không bao giờ gặp phải những nghịch cảnh nghiêm trọng, thì liệu người đó có cần phải có nghị lực để sống một đời sống tốt hay không? Nếu không  phải vậy, thì lẽ thường và kinh nghiệm thông thường đã chứng minh là ở một mức độ nào đó, nghị lực là một tố chất thiết yếu trong tiến trình xây dựng thành công một đời sống tốt.

Câu trả lời này tương đối đầy đủ, nhưng chưa hoàn toàn. Lẽ thường không chỉ dẫn cho ta cách phát triển nghị lực tới mức độ cần thiết để đối phó với những nghịch cảnh mà ta gặp phải. Về phương diện này không một ai biết rõ đức tính được tạo thành như thế nào để chỉ dẫn lại cho người khác đang cần được hướng dẫn, kể cả đó là cha mẹ, thầy cô, hay chính cá nhân người đó tìm ra phương sách để rèn luyện, dù ai cũng hiểu là nghị lực là điều cần có. Kết quả, đương nhiên, là một tình trạng hoàn toàn không thể chấp nhận được, nhưng chưa có ai, theo tôi biết, tìm ra phương thức để cải sửa.

***

Hãy xét đến mặt bên kia của vấn đề: một người được hưởng quá nhiều vận may, [nhưng có quá nhiều] những điều tốt lại trở trở nên xấu bởi vì những cám dỗ tiềm tàng–những sự cám dỗ khiến cho người ta dễ dàng phí phạm thì giờ, đắm mình trong khoái lạc nhất thời, hưởng thụ vật chất xa hoa. Nói một cách khác là sống hết ngày này qua ngày khác theo những giây phút vui vẻ, thay vì phải khổ công và vất vả để sống một đời sống tốt. Làm cách nào để cho một người đã hiểu được thế nào là sự khác biệt giữa một đời sống tốt và thời gian vui vẻ, và đã chọn xây dựng đời sống tốt làm mục đích cuộc đời? Làm cách nào để người đó đối phó được với những cám dỗ do vận may quá độ mang lại?

Câu trả lời mà lẽ thường cho chúng ta trong trường hợp này cũng tương tự như trong trường hợp trước; đó là sức mạnh của đức tính, của nghị lực và ý chí. Chỉ có điều là về phương diện này, theo ngôn ngữ thường dùng, đức tính này có một tên khác: không gọi là nghị lực, nhưng gọi là sự tiết độ hay tự chủ. Ta vẫn thường gọi một người tiết độ là người có khả năng tự kiềm chế bản thân để không chiều theo những khoái lạc bất kể thuộc loại nào, hay khi người đó có thể tránh được sự quá trớn khi thu hoạch những điều tự nó tốt, nhưng chỉ tốt khi có chừng mực. (Như thế, một người có tiết độ sẽ không nhận một công việc có lợi tức cao, nhưng phải làm việc quá nhiều giờ đến nỗi không có thì giờ cho những công việc thư nhàn[5]).

Sự tiết độ không phải là sự khắc kỷ, khổ hạnh mà khác rất xa. Tiết độ không có nghĩa là tránh xa những khoái lạc của đời sống; tiết độ không xem thường sự thỏa mãn của vui chơi; không cắt xén hết những sự thoải mái của cuộc sống để dành thì giờ chuyên tâm “tu tập” cho đời sống tốt hơn. Một chân lý của lẽ thường cho thấy rằng, thực ra ta cũng có thể có rất nhiều điều tốt trong đời chứ, nhưng sự tiết độ gồm có ý chí để đối phó với những loại vận may mà sẽ mang lại cho ta quá dư thừa tài vật. Giống như nghị lực, sự tiết độ là sức mạnh của đức tính, và cũng giống như nghị lực, nó là một phần tử của đức hạnh chỉ khi nào nó được rèn luyện và thực hành nhằm xây dựng một đời sống tốt. Và chỉ vì lý do đó mà thôi. Là hai phương diện có tương quan với nhau của đức hạnh, cả hai đức tính này giúp cho người ta có sức mạnh đạo đức cần thiết để sống một đời sống tốt. Nghị lực và sự tiết độ khác nhau ở chỗ: một đằng là thái độ vững chắc đối phó với nghịch cảnh, khó khăn, đau đớn; một đằng là thái độ vững chắc đối với những sự quá độ về hạnh phúc, tài vật, hay khoái lạc do vận may mang lại.

Lý do khiến cho nghị lực trở nên một đức tính thiết yếu cũng áp dụng được trong trường hợp tiết độ, dù trong trường hợp này có thể không rõ ràng cho lắm, vì có nhiều quá những điều may mắn không có vẻ sẽ gây nên đau khổ cho người nhận, như trong trường hợp nghịch cảnh. Tuy nhiên, không có ai trong đời mà lại có thể thoát được sự cám dỗ của khoái lạc hay sự cám dỗ của việc hưởng lạc thú khoảnh khắc (good time) với điều khó khăn hơn là xây dựng đời sống tốt (good life). Như Marcus Aurelius, vừa là đại đế của đế quốc La Mã, vừa là triết gia phái khắc kỷ, đã từng nói, dù là khó nhưng không phải là điều bất khả để “sống một đời sống tốt trong cung điện.”

Thêm vào điều này, trước hết ta cần phải nhận thức rằng ngay cả khi ta không bị ảnh hưởng bởi những điều quá độ của vận rủi hay vận may, ta cũng cần có sức mạnh của đức tính. Ta cần có nghị lực và sự tiết độ để thực hiện kế hoạch xây dựng cuộc đời của mình, chính vì bản kế hoạch này đòi hỏi ta phải cân nhắc những quyền lợi thuộc về khoảnh khắc với những quyền lợi của cả đời. Những khoảnh khắc vui thú, hay khoái lạc trong chốc lát có sức cám dỗ rất mạnh. Ta vẫn dễ dàng muốn có nhiều tài sản hơn là ta cần. Trốn tránh việc khó vẫn dễ dàng hơn là vất vả để làm việc tốt. Cái điều đòi hỏi để thực hiện hành vi đạo đức nhằm đạt đến mục đích ta tìm kiếm–một đời sống toàn diện và tốt vì đời sống đó bao gồm những điều thực sự tốt cho con người, những điều không thái quá, không bất cập–chính là đạo đức và đức tính. Đạo đức và đức tính chính là ý hướng đã được rèn luyện thành tập quán nhắm về đời sống tốt hơn là nhắm vào khoảnh khắc vui chơi, chính là chọn lựa điều thực sự tốt về lâu về dài hơn là những điều có vẻ tốt trong hiện tại.

Như ta đã biết, tất cả mọi khoái lạc đều là những điều tồn tại trong khoảnh khắc, nhưng mang tính chất tức thời và có sức lôi cuốn rất sinh động và trở thành một nguồn lực rất mạnh cạnh tranh với ước muốn xây dựng một đời sống tốt của ta–một mục đích không những xa vời, mà ta còn không biết là sẽ có thể kinh nghiệm qua hay hưởng thụ được đời sống như vậy không nữa, so với những khoái lạc của hiện tại. Ngay cả nếu những hoàn cảnh của đời sống một người là những hoàn cảnh bình thường, thì người đó vẫn cần sức mạnh của đức tính, tức là sự tiết độ, để bỏ qua hay giới hạn lại những khoái lạc tức thời cho cái tốt lớn lao hơn dù có xa vời, tức là cái tốt của cả đời sống. Về một phương diện khác, ngủ, chơi, làm biếng là những điều dễ làm, còn những công việc lúc thư nhàn thì lại khó khăn, đôi khi còn mệt mỏi và đau đớn nữa. Vì kế hoạch để tạo dựng đời sống tốt đòi hỏi ta phải dùng thì giờ rảnh rỗi vào những công việc thư nhàn cũng nhiều bằng hoặc hơn thì giờ để ngủ, để chơi, hay không làm gì hết, cho nên, cái sức mạnh của đức tính–nghị lực–là điều cần thiết để chịu đựng những đau khổ hay khó khăn cần thiết cho việc xây dựng một đời sống tốt thay vì chỉ hưởng thụ những khoái lạc nhất thời theo ngày lại qua ngày.

Điều thứ hai ta cần xem xét liên quan đến việc những người mang bệnh hay suy nhược thần kinh. Những bệnh tật hoặc suy nhược về thể chất mà không có thuốc chữa cũng có thể làm cho ta mất khả năng hay tạo ra một trở ngại không thể vượt qua được trong việc xây dựng một đời sống tốt; những bệnh tâm thần không có thuốc chữa, như bệnh điên cần phải điều trị trong nhà thương mà những cách chữa cũng không làm cho bệnh nhân trở lại bình thường, cũng có những hậu quả tương tự như vậy. Nhưng trong chúng ta, những người không đến nỗi quá xui để mắc những bệnh như vậy, vẫn có thể bị những trường hợp rối loạn thần kinh khiến cho không thể có những sự lựa chọn đúng đắn mà một người đạo đức sẽ làm. Trong trường hợp này, ta không thể vận dụng được ý chí hay sự tự chủ cần thiết để chọn phương thức này thay vì giải pháp nọ hầu giúp ta đạt được đời sống tốt cho bản thân. Phương thức chữa trị trong trường hợp này thuộc về y học chứ không phải là đạo đức, là cách thức chữa trị bằng tâm lý trị liệu chứ không phải là những lời khuyên bảo và khích lệ về đức tính hay đạo đức. Có một số người trong chúng ta cần được giúp đỡ để
vượt qua những trở ngại về tâm thần, những trở ngại có thể khiến cho ta không làm được, hoặc làm cho việc trở thành chủ nhân của chính cuộc đời của mình thêm khó khăn.

Nhưng khi vấn đề y học được giải quyết rồi, vấn đề đạo đức vẫn còn đó. Dùng y học để giải quyết tình trạng không có khả năng suy xét đúng sai của một người không có nghĩa là người đó đương nhiên có quyền làm việc sai trái. Một người mà đã được chữa lành chứng bệnh rối loạn tâm thần thì cũng ở trong một hoàn cảnh y hệt như những người may mắn khác không bị bệnh tật như vậy. Cả hai phải, bằng một cách nào đó, vận dụng ý chí, sức tự chủ và nghị lực để chọn những gì thực sự tốt cho mình trên đường dài chứ không phải chỉ những gì có vẻ tốt thuộc về nhất thời.

Điểm thứ ba, ta cần phải thêm vào là nguồn lực nội tại cần thiết để cho một người xây dựng được đời sống tốt lành cho chính mình bao gồm nhiều điều hơn cả sức mạnh của đức tính–còn cần hơn cả sự tiết chế hay nghị lực. Lẽ thường cho ta thấy là có một sức mạnh hay đức tính không thể thiếu được, cái mà ta vẫn thường gọi, khi là “cẩn trọng,” lúc là “khôn ngoan.” Đây là tính bẩm sinh của tâm trí hơn là một đức tính do tập luyện mà thành. Hành động thường xảy ra trong những tình huống đặc thù nào đó, và khi nào mà hành động của ta là những hành động tự nguyện và có tính chất lựa chọn, thì giá trị của những sự chọn lựa khác cũng cần phải được cân nhắc, không những vì những giá trị [và ảnh hưởng] do những chọn lựa này mang lại ngay tức khắc, mà còn ở trên đường dài của cả cuộc đời nữa. Sự cẩn trọng đòi hỏi ta phải cân nhắc những sự chọn lựa có cùng giá trị không phải chỉ vì chúng làm cho ta thỏa mãn và hài lòng trong giây phút hiện tại, mà còn đến ảnh hưởng về lâu về dài của những chọn lựa này.

Cuối cùng, nếu cần thì ta phải nói đi nói lại nhiều lần, rằng những đức tính hay thiên hướng này chỉ có giá trị đạo đức, khi và chỉ khi chúng được áp dụng để tạo dựng một đời sống tốt lành; những đức tính này không thể được công thức hóa thành những luật tắc hướng dẫn cho hành động. Nếu việc thực hiện đức hạnh chỉ là việc áp dụng một tập hợp những quy luật, thì đức hạnh có thể được truyền dạy và người ta có thể học được như học những ngành học hay nghệ thuật khác. Nhưng, như ta đã thấy, thực tế không phải như vậy. Trên phương diện căn bản nhất, tạo dựng một đời sống tốt lành cho bản thân thì hoàn toàn khác với tất cả những ngành nghệ thuật khác mà người học cần có quy luật hướng dẫn. Đúng là ta cần có một kế hoạch cho việc tạo dựng đời sống. Nhưng đó là điểm giống nhau duy nhất giữa việc tạo dựng đời sống tốt và việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật, vì trong nghệ thuật, quy luật về kỹ thuật và thủ tục là những điều cần thiết để thực hiện tác phẩm. Còn trong việc tạo dựng một đời sống tốt, thì đức tính thay thế cho quy luật.

(Trích từ The Time of Our Lives: The Ethics of Common Sense, Chương 7).

© Học Viện Công Dân 2011

Nguồn:
http://www.themoralliberal.com/theradicalacademy/2011/09/01/why-strength-of-character-is-needed-to-lead-a-good-life/

 

 


[1] Trong bài này, Adler không đưa ra định nghĩa thế nào là một đời sống tốt, nhưng dùng lối so sánh, độc giả có thể nắm bắt được ý của tác giả về thế nào là một sống tốt lành.

[2] Lẽ thường (common sense) chỉ những lý lẽ thông thường mà ai cũng có và công nhận đúng, không cần thông qua lý luận hay nghiên cứu.

[3] Bị thất nghiệp vì khủng hoảng kinh tế chẳng hạn.

[4] Thí dụ lối sống “chụp giựt,” “sống chết mặc bay” trong một số xã hội.

[5]  Công việc thư nhàn, Adler muốn nói đến ở đây, là những hoạt động của tâm trí mà Aristotle đã bàn trong Chính Trị Luận,như suy tư về triết học và nhân sinh, v.v…