fbpx

Xã Hội Dân Sự

Một thế giới mới của quyền lực

 Jack Duvall

Jack Duvall, một nhà lãnh đạo xã hội dân sự có tầm vóc quốc tế, có trụ sở tại Washington D.C, hiện nay là Cố vấn Cao cấp và Giám đốc Sáng lập của tổ chức Trung tâm Quốc tế về Xung đột Bất bạo động, một tổ chức giáo dục tư nhân, phi lợi nhuận. Ông tự nhận mình là một người dân chủ cấp tiến chống lại mọi hình thức đàn áp con người. Trong dịp phát động mối quan hệ đối tác mới về sự Phản kháng Dân sự, ông đã chọn chủ đề cho bài xã luận trong tuần này là “Một Thế giới của sự Phản kháng Dân sự.” Ông viết như sau:

 “Sự phản kháng dân sự” không phải chỉ có những sự phản đối, biểu tình tuần hành và bất tuân sân sự. Những chiến thuật này chỉ là những chiến thuật trong hàng trăm những chiến thuật tạo thành một cái kho tồn trữ những chiến lược chính trị độc lập để giúp cho người dân của bất kỳ nước nào hoạch định, sao cho cùng với nhau, họ có thể hoạt động để giành chiến thắng cho những quyền của họ, để đạt được công lý, chấm dứt nạn tham nhũng và những sự lạm dụng quyền hành khác, và thiết lập hay cải cách dân chủ. Sự thất bại của nhiều chính quyền trong việc việc thi hành những quyền căn bản và tôn trọng những lời hứa của kẻ cầm quyền đã khiến người dân, trên khắp thế giới, phải đòi hỏi bằng những phương tiện khác qua đó không những họ có thể đòi hỏi, mà còn có thể thúc đẩy những thay đổi họ mong muốn.

Chào mừng các bạn đến với nơi lưu trữ đầu tiên trực tuyến một tập hợp sống gồm những bài viết và tham luận về sự phán kháng dân sự mà mọi người ở mọi nơi đều có thể truy cập. Tôi và những bạn đồng sự được tổ chức openDemocracy mời thiết lập phần này trên website của họ, để làm một diễn đàn trao đổi tư tưởng, thào luận và học hỏi về phản kháng dân sự, và chúng tôi rất vui khi làm việc này. Chúng tôi tin rằng phản kháng dân sự là chứng cớ hiện tại rõ rệt nhất của sự nổi lên mới mẻ của cơ quan xã hội-chính trị đang được thành hình song song với những cơ chế của quyền lực nhà nước: bầu cử chính trị, thảo luận nghị trường và cả những hành động của hành pháp, như một phương tiện qua đó người dân có thể tổ chức và đòi hỏi phải giải quyết những khiếu kiện của họ hầu đạt được những phúc lợi công của xã hội.

Sự thất bại liên tục hay theo từng chu kỳ của những chính quyền—dù họ có ủng hộ những lý tưởng xứng đáng hay không—khi không thi hành những quyền căn bản và tôn trọng những lời hứa hẹn của kẻ cầm quyền, của những chính quyền trên cả thế giới, đã buộc người dân tìm lấy những phương tiện khác qua đó không những họ có thể đòi hỏi, mà còn thúc đẩy cho những thay đổi mà họ mong muốn xảy ra.

Chủ đề của những bài viết trong tuần lễ đầu khai trương là phạm vi và sự đa dạng của thế giới phản kháng dân sự. Chúng tôi muốn bắt đầu kéo tấm màn đang che một thực tế mới: có hàng trăm những phong trào bất bạo động đang hoạt động và những chiến dịch đấu tranh cho quyền và cải cách và chống lại sự lạm quyền và đàn áp của chính quyền, và những phong trào, chiến dịch này đang bắt rễ, đạt được lực kéo, và đang gia tăng về số lượng, đến nỗi dường như hiện nay không có một xã hội nào mà sự phản kháng dân sự không được sử dụng trong bất kỳ một ngày nào.

Một thế giới của sự Phản kháng Dân sự

Ta có thể thấy bằng chứng trực tiếp của sự bành trướng của phản kháng dân sự trên toàn cầu qua những sự đấu tranh bất bạo động đa dạng được tường thuật qua những bài viết trong tuần lễ đầu tiên của chuyên mục openDemocracy: những cuộc đấu tranh đang tiếp diễn, theo từng giai đoạn, cho tự do và dân chủ thực sự tại Syria và Ai-cập trong gần ba năm vừa qua; một cuộc đấu tranh phản kháng quy mô chống lại sự khoan dầu dùng kỹ thuật fracking tại Canada; một cuộc đấu tranh tại Mexico của dân bản địa để bảo vệ vùng đất thiêng của họ trước sự khai thác của những công ty khai mỏ liên-quốc; sự phản kháng đang gia tăng chống lại những chính sách lao động bất công và sự không tôn trọng quyền của người dân tại Trung Hoa; và những hoạt động dân sự mới phát triển đang diễn ra ở Nam Phi chống lại việc nhà nước dùng lực lượng quân sự tại những nơi khác ở châu Phi.

Trong những tuần và những tháng tới, trên chuyên mục này, các bạn sẽ thấy những bài viết về những sự phản kháng dân sự đang xảy ra tại Azerbaizan, Bahrain, Belerus, Cambodia, Ethiopia, Iran, Morocco, Palestine, Sudan, Tibet, West Papua, Tây Sahara, và Zimbabwe. Chúng ta sẽ theo dõi cải cách về hệ thống kinh tế, chính trị hay môi trường tại những nước đã có nền dân chủ như Ba-tây, Bulgaria, Hy-lạp, Nigeria, Nga, Tây-ban-nha, Thổ-nhĩ-kỳ và Hoa Kỳ. Cũng quan trọng không kém là những chiến dịch đang tiếp diễn đấu tranh cho công lý, quyền của người thiểu số, và nữ quyền tại Afghanistan, Indonesia, Pakistan, Saudi Arabia và hơn một nửa những nước châu Phi; cùng với những chiến dịch địa phương đấu tranh cho quyền của người bản địa ở Bolivia, Guatemala, Honduras, Ấn-độ và Phi-luật-tân.

Nhiều phong trào và chiến dịch này cùng có những nét năng động chung như là một mô hình đấu tranh chính trị:

  • Kêu gọi và vận động sự tham gia của những người dân thường thể hiện qua sự biểu lộ sự khao khát có những thay đổi sâu sắc, và gắn kết sự kiên cường của quần chúng với những chiến lược hành động cụ thể.
  • Tạo ra một loại không gian chính trị mới trong xã hội, bằng cách tổ chức phản kháng qua nghệ thuật, giáo dục, thương mại, và ngay cả thể thao.
  • Thách thức tính chính danh của chính quyền, của những kẻ cầm quyền hay những định chế có vẻ ngoài chăm lo cho những mục đích tốt nhưng thực ra đang phản bội là niềm tin của công chúng.
  • Làm xáo trộn những hoạt động của kẻ cầm quyền và những định chế từ khước không chịu lắng nghe hay trả lời những đòi hỏi của quần chúng mà còn đe dọa hay đàn áp.
  • Làm gia tăng cái giá mà chính quyền phải trả cho sự chuyên chế, tham nhũng và

bất tài bằng cách phổ biến sự phản kháng ra khắp xã hội, tạo ra căng thẳng và chia rẽ sự trung thành của lực lượng quân đội và an ninh, và bằng cách tổ chức những cuộc tẩy chay và những biện pháp chế tài khác nhắm vào những kẻ nắm quyền hay những định chế lạm quyền.

 

Với những người e ngại rằng sự sử dụng những chiến lược phản kháng dân sự có thể dẫn đến sự “náo động” (từ mà giới truyền thông dùng để chỉ bất kỳ sự lộn xộn công cộng nào dù đó là bạo động hay bất bạo động) hay “bất ổn” (một cụm từ tiêu biểu của những nhà độc tài dùng để chống lại những sự phản kháng dân sự), tôi xin đặt một câu hỏi: Tại sao khi nhà nước không làm tròn trách nhiệm bảo vệ quyền của người dân, ăn cắp công quỹ, bắt bớ và tra tấn những người bất đồng chính kiến và nhà báo, hay chiếm hữu đất của dân không theo đúng thủ tục, hay khi cả trăm những hình thức đàn áp mà nhà nước và “tay sai” dùng để trấn áp công dân, những hành vi này lại được dung túng mà người dân lại không có tiếng nói? Và khi những mô hình thi đua chính trị đã được thiết lập, như là bầu cử hay khiếu kiện, chỉ là những mô hình bất lực và trống rỗng, tại sao những kẻ tham gia vào những trò hề gian trá đó lại có quyền thiết lập một “sự ổn định” chỉ để phục vụ mưu đồ bám giữ quyền lực cá nhân?

Hành động bất bạo động không thể, bởi định nghĩa của chính từ này, đe dọa hay làm hại đến sinh mạng của bất kỳ ai. Phản kháng bất bạo động là, theo định nghĩa, văn minh, là dân sự vì nó được thể hiện qua hành động tại lãnh vực công, nơi mà ai cũng hiểu, qua hơn 2,500 năm trong những xã hội văn minh nhất được xem là tài sản công cộng của người dân. Sự phản kháng là một hình thức hoạt động công cộng mở rộng cho sự tham dự của nhiều người và không có tính cách đặc quyền hay loại trừ ai, và lại càng không thể bảo là tranh chiến. Do đó, phản kháng dân sự là hành động văn minh và theo thủ tục dân sự của luật pháp, giống như sự kết hợp dân sự giữa hai người trong hôn nhân, hay trong bất kỳ chức năng nào của xã hội dân sự.

Hãy tìm một người mà tin rằng sự phản kháng dân sự là một hành vi kém hợp pháp hơn một nghị định hay chỉ thị của nhà nước, thì có lẽ bạn sẽ thấy đó là một người phát ngôn cho những kẻ cầm quyền, chứ không phải là người mà sự đồng ý của người ấy chính là nền tảng hợp pháp cho quyền lực ấy được dựng lên. Phản kháng dân sự thu hồi lại sự đồng ý đó, và đó là một sự thể hiện tự do dân sự ở nơi mà tự do không được hiện hữu đầy đủ – như phản ứng thô bạo đối với sự phản kháng bất bạo động vẫn thường được nhà cầm quyền thể hiện. Theo cách thu hồi lại sự đồng ý của mình, người dân và phản kháng dân sự có thể tiến hành được công việc của dân chủ trước khi dân chủ được mở ra cho mọi người tham gia.

Chuyên mục này của openDemocracy không đưa ra quan điểm thuộc đảng phái nào, hay một ý thức hệ riêng biệt nào về phản kháng dân sự, cũng như không giới hạn phạm vi của sự phản kháng dân sự sẽ được sử dụng như thế nào. Điều đó tùy vào những người đọc quyết định học, ứng dụng, và nghiên cứu nó. Công việc của chuyên mục này sẽ là đem lại những bộ óc và tác giả lỗi lạc nhất, những tư tưởng và phân tích thâm thúy nhất, để trên một chiếc bàn để mọi người cùng suy nghĩ về một quyền lực mới siêu tuyệt trong sinh hoạt của con người.

Giữa những năm 1970 và 2005 có tổng cộng 67 nước trở nên dân chủ, và trong 50 nước này, động lực chính trị chính thúc đẩy những sự chuyển hóa là một phong trào bất bạo động hay liên minh sử dụng những chiến thuật của phản kháng dân sự, những chiến thuật này sẽ được giải thích trong tài liệu nghiên cứu này. Đây là lịch sử đã được ghi chép lại. Những gì trước mắt là một cánh rừng đầy dẫy những sự đấu tranh và một địa bàn của phản kháng dân sự đang thay đổi bộ mặt của thế giới. Xin hãy cùng khám phá với chúng tôi.

Chúng tôi bắt đầu tuần lễ của chuyên mục phản kháng dân sự trên openDemcracy với phần đầu của hai tiểu luận phân tích hai giai đoạn khác biệt của cuộc đấu tranh phản kháng tại Syria. Hai tiểu luận này do Maciej Bartkowski và Mohja Khah, một nhà hoạt động và giáo dục người Syria chấp bút. Phần I chú trọng vào sự phản kháng bất bạo động, kéo dài gần một năm, chống lại chế độ Assad từ năm 2011-2013, xuất phát từ những thường dân Syria và gia tăng lên gấp nhiều lần trên toàn quốc. Những sự khởi đầu của phong trào dân chủ quần chúng bị thay thế bởi quân nổi dậy có vũ trang được những chính phủ bên ngoài yểm trợ và cuối cùng được những kẻ theo thánh chiến Hồi giáo ngoại quốc trong vùng hay những nơi khác yểm trợ. Điều này xảy ra vì một chuỗi những quan niệm sai lầm về đấu tranh bạo lực. Phần này sẽ được các tác giả phân tích trong Phần II của tiểu luận.

Cũng trong số đầu tiên là một tiểu luận mới, mang tính chất tiên phong của Howard Barrell, giáo sư tại Đại học Cardiff, có nhan đề “Phản kháng Dân sự: Một Không gian Kỳ lạ;” tiểu luận này khảo sát một yếu tố quan trọng của tất cả những phong trào bất bạo động: những nhà hoạt động đã khôn ngoan vận dụng không gian chính trị do họ tạo ra, để không gian này lại bồi đắp thêm phạm vi mới cho sự phản kháng, “một hình thức của ảnh hưởng của lực nhân rộng.” Một sự xung đột bất bạo động chỉ có thể được hiểu đầy đủ từ quan điểm chiến lược, và tiểu luận này sẽ đưa người đọc vào cốt lõi của lập luận này.

Sau đó là tiểu luận của Michael Caster, đưa ra một cái nhìn tổng quát mà tôi cho là hay nhất từ trước đến giờ, mô tả phạm vi và những loại hành động bất bạo động được sử dụng để đòi hỏi nhà nước Trung Hoa phải giải quyết những khiếu nại của người dân. Ngoại trừ trường hợp cuả những nhà bất đồng chính kiến kiên trì và không khuất phục đã được cả nước biết đến, và thường bị nhà nước đối xử khắc nghiệt, phần lớn những hoạt động mà có thể được xếp vào loại phản kháng dân sự, bắt nguồn từ sự nổi giận của người dân trước những chính sách bất công về lao động và nhà cửa, hay trấn áp tự do ngôn luận. Nhưng tác động sâu xa của những hoạt động này nhà nước không thể coi thường, nếu không thì họ đã không tiêu tốn đến 124 tỷ mỹ kim một năm cho an ninh nội bộ. Phần thứ hai của loạt bài hai phần về sự phản kháng tại Syria do Maciej Bartkowski và Mohja Kahf viết, khảo sát những ngộ nhận vẫn thường khích động những phần tử chống đối chế độ nhưng thiếu kiên nhẫn và hiếu chiến đi vào con đường đấu tranh vũ lực – nếu họ không hiểu được sự hữu hiệu tương ứng của đấu tranh bất bạo động. Cuộc xung đột trong hai năm rưỡi vừa qua tại Syria, thê thảm thay, là một thí dụ của điều có thể xảy ra khi những sự ngộ nhận này đương nhiên trở thành căn bản của cuộc cách mạng. Như Maciej và Mohja nhận định, điều này không phải là không tránh được. Sự lựa chọn phương cách đấu tranh như thế nào cho chính nghĩa của nhân dân trong thế kỷ 20 vẫn thường được chọn lựa mà không biết là phản kháng dân sự vận hành như thế nào. Một mục đích khác của chuyên mục này trên openDemocracy là nhằm giải tỏa những ngộ nhận như vậy.

Ngày thứ ba của tuần lễ khai trương chuyên mục Phản kháng Dân sự trên openDemocracy đưa chúng ta đến lục địa Phi châu, một nơi mà hai xã hội đang trải qua những thách thức nghiêm trọng mang tính chất lịch sử: Ai-cập và Nam Phi. Những phương thức mà người dân Ai-cập và Nam Phi sẽ chọn, hoặc là qua hành động dân sự và phản kháng dân sự, hoặc là im lặng chấp nhận uy quyền của kẻ nắm quyền, sẽ xác định là liệu một nền dân chủ bền vững có thành hình được ở Ai-cập và liệu Nam Phi có thể thoát thai khỏi giai đoạn bạo lực và trở thành một xã hội công chính hay không.

Tại Ai-cập, Sherif Joseph Rizk, nhà hoạt động cách mạng và cũng là một nhà tư tưởng chính trị, hồi tưởng những biến cố đầy náo động của hai năm qua, phân loại sự bùng phát trên đường phố từ ý nghĩa chính trị và sự đòi hỏi của quần chúng đã kéo dài từ lâu cho sự thay đổi cơ bản của xã hội. Sự phản kháng dân sự đã cung cấp một nguồn lực chính trị cho hai điểm ngoặt trong tiến trình này vào năm 2011 và 2013, nhưng sự tái củng cố kiểm soát của quân đội không loại trừ trường hợp có những thay đổi sâu xa hơn từ phía quần chúng.

Ở Nam Phi, học giả và nhà hoạt động xã hội thâm niên Matt Meyer khảo sát những chiến dịch hiện nay đòi hỏi công lý và hòa bình trong xã hội, ghi nhận có sự tham gia đang gia tăng của những người đã từng tranh đấu chống phân biệt chủng tộc, và nghiên cứu xem liệu có thể có cơ hội cho một phong trào hòa bình mà có thể đối phó với “giai cấp quân đội mới ở Nam Phi” đang tiến hành những hoạt động có vẻ vượt quá nhu cầu bảo vệ an ninh của đất nước. Meyer tiên đoán “sẽ có những cuộc biểu tình lớn” song song với đấu tranh chính trị theo quy ước.

Ngày thứ Năm, chúng tôi giới thiệu hai tiểu luận mới về Bắc Mỹ châu.  Hai tiểu luận này đưa ra một nhận định có tính chất hiển nhiên và chiến lược về sự đấu tranh chống lại sự phát triển của công ty nước ngoài đối với tài nguyên thiên nhiên tại địa phương và những sự phát triển này lại được chính quyền địa phương yểm trợ, đi ngược lại ý nguyện của một phần lớn dân địa phương. Thứ nhất, Lilian Palma kể câu chuyện về người Wixáritari, một sắc dân bản địa đang bảo vệ miển đất thiêng của họ, một cách bất bạo động, trước kế hoạch của chính quyền Mexico và một công ty khai thác mỏ của Canada nhằm phát triển [những công trình] mỏ trong vòng 70 dặm của vùng đất thiêng. Sự phản kháng của dân Wixáritari đã gợi nhớ lại phương cách tự-tổ chức của Gandhi và khơi dậy sự ủng hộ của quần chúng ngay tại Mexico. Khẩu hiệu “Đất Wirikuta không có bán” được trưng tại các cuộc biểu tình phản kháng của người Wixáritari. Những hoạt động pháp lý cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn sự khai mỏ tiến hành, nhưng cuộc đấu tranh còn tiếp tục. Thứ hai, nhà hoạt động và huấn luyện Phillippe Duhamel đưa ra một nhận định chi tiết gồm hai phần trong một chiến dịch đã thành công tại Canada mà ông có tham dự; đó là ngăn chặn không cho khoan 20 ngàn mỏ dầu đá phiến, dọc theo sông Lawrence, giữa Montreal và Thành phố Quebec. Sử dụng những hoạt động bất bạo động cổ điển nhằm làm tăng phí tổn kinh tế và chính trị của dự án khoan dầu này, chiến dịch đã phát động một cuộc tuần hành dài 700 km để khơi dậy sự quan tâm của địa phương về [những tác hại của] kỹ thuật khoan dầu “fracking,”[1] và đã thành công khi tạo áp lực cho chính quyền phải đình chỉ những bước kế tiếp trong dự án đào mỏ dầu.

Chiến dịch này có thể thực sự trở thành một mô hình cho hành động chống lại “fracking” tại những nơi khác, và những bài học về chiến thuật và chiến lược của mô hình này đáng để cho ta tìm hiểu cặn kẽ.

Ngày thứ Sáu, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm vào hai nước Syria và Mexico, vì cả hai đều có phong trào của phụ nữ tham gia vào hành động bất bạo động cho quyền của chính họ và quyền của những người cùng làm việc với họ. Thứ nhất, phóng viên Nada Alwadi, người Bahrain, điểm lại câu chuyện của nhiều phụ nữ Syria đã tham gia vào sự phản kháng dân sự từ năm 2011. Nhiều xã hội vẫn còn ngạc nhiên khi thấy những phong trào đấu tranh cho quyền và dân chủ nảy sinh từ những phụ nữ tự-tổ chức và tham gia phản kháng dân sự: điều đó lại càng khiến sự tham gia của họ thêm hữu hiệu. Một nhà hoạt động Syria nói rằng “từ những ngày đầu của sự nổi dậy, tôi thường lái xe qua những chốt chặn của cảnh sát trong y phục phương tây, váy đầm ngắn, và họ chẳng bao giờ nghi ngờ tôi hết. Họ có ấn tượng là chỉ có những người theo đạo Hồi mới là nững người ủng hộ cho phong trào phản kháng dân sự.”

Trong tiểu luận thứ hai, Alice Driver giải thích động cơ thúc đẩy những giáo chức Mexico tham gia tổ chức những cuộc biểu tình to lớn và cắm trại ngay trong thủ đô của Mexico trong tháng Tám và tháng Chín của năm nay (2013) để chống lại những kế hoạch do tổng thống nước này đưa ra nhằm thực hiện trên diện rộng về những sự cải cách giáo dục mà rất nhiều giáo chức không đồng tình. Sự phản kháng dân sự càng ngày càng được tiến hành tại những nước dân chủ đã trưởng thành khi chính quyền hoạt động tùy tiện hay không quan tâm đến tiếng nói của những cộng đồng hay những vùng, miền bị ảnh hưởng bởi những chính sách như thế— tiểu luận này đưa ra một trường hợp khảo sát. Một tham dự viên cuộc phản kháng nói họ muốn “bảo vệ nền giáo dục công, và không phải chỉ vì đó là quyền của giáo chức, mà còn là để bảo vệ cho học sinh của đất nước.”

 

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân Nov 2016

 

Nguồn: https://www.opendemocracy.net/civilresistance/jack-duvall/new-world-of-power-source-and-scope-of-civil-resistance

[1] Fracking (Hydraulic Fracturing) là kỹ thuật khoan dầu tại những mỏ dầu đá phiến, dùng áp suất nước cùng một số hóa chất cực mạnh bơm vào mỏ dầu. Sự sử dụng một lượng nước lớn và hóa chất tạo ra những hậu quả về môi trường; cho nên fracking bị những nhà hoạt động bảo vệ môi trường chống đối.