fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Vấn đề Tái phối trí Chính sách Phát triển Kinh tế Việt Nam

Chu Văn Nguyên

 

1.Giới thiệu

Sự tăng trưởng và phát triển của mỗi nền kinh tế, dù đã phát triển, hay trên đà phát triển, hoặc đang chuyển đổi trên thế giới đã trải qua nhiều thăng trầmtrong những thập niên qua. Kết quả là mỗi nền kinh tế đã chứng kiến những cú sốc và rối loạn cả nội bộ lẫn bên ngoài trong giai đoạn này. Trong nội bộ, mức độ đầu tư và tiêu thụ không hợp lý cũng như những chính sách kinh tế không thích nghi là những yếu tố gây nên bất ổn. Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài thông thường là chiến tranh,  cách mạng, tỷ lệ tăng trưởng dân số, chuyển giao công nghệ, thay đổi cũng như sự cởi mở của nền kinh tế, hay sự lan lây từ các cuộc khủng hoảng phát khởi tại các nền kinh tế khác trên thế giới.

Những biến động trong hoạt động kinh tế đã dẫn đến sự thay đổi một cách chuyển hoán về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong các chu kỳ kinh tế.  Keynes (1936) lập luận rằng chính quyền cần phải sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài chính công để điều tiết các thăng trầm trong hoạt động kinh tế hầu đưa các biến số kinh tế vĩ mô về quỷ đạo dài hạn của chúng.  Chính sách tài chính công sử dụng thuế khóa và thu chi ngân sách của chính phủ, trong khi chính sách tiền tệ sử dụng mức lãi suất hoặc số lượng tiền tệ lưu hành để đảm bảo sự tăng trưởng và ổn định kinh tế. Mặc dù chính sách tiền tệ và tài chính công có quá trình hiệu ứng khác nhau, chủ đích của hai chính sách đều nhằm ổn định sinh họat kinh tế.

Từ những năm cuối của thập niên 1930, kỹ thuật tài chính công do Keynes  đề xuất đã đóng một vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế thị trường. Bắt đầu từ thập niên 1960, những thay đổi trong điều kiện kinh tế quốc tế dẫn đến hiện tượng thâm hụt ngân sách liên tục của nhiều chính phủ trong các nền kinh tế toàn cầu. Mishkin (1995) cho rằng  một phần vì ngại thiếu hụt ngân sách và một phần vì nghi ngờ chính quyền  có thể sử dụng chính sách tài chính công một cách kịp thời để đạt được kết quả mong muốn; vì vậy, chính sách tài chính công đã mấtđi vị thế của nó. Do đó, trách nhiệm ổn định tổng sản lượng quốc nội (GDP) và lạm phát phần lớn do chính sách tiền tệ.

Những nền kinh tế đang chuyển tiếp trong thời đại toàn cầu hóa, chẳng hạn như tại Việt Nam và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, đã theo chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu như là động cơ chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP của họ. Trong khi chiến lược phát triển này có thể là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế tại các nền kinh tế vừa được kỷ nghệ hóa như Nam Hàn và Nhật Bản, nó cũng là đầu mối của các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và sự lan lây nguy hiểm của chúng, chẳng hạn như sự lan lây của các cuộc khủng hoảng do nợ được bảo đảm bởi các thế chấp dưới tiêu chuẩn tại Mỹ và công khố phiếu ấn hành bởi các quốc gia Âu Châu với tỷ số công nợ trên tổng sản lượng quốc nội quá cao. Trong thực tế, các cuộc khủng hoảng liên tiếp tại Hoa Kỳ và Âu Châu đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc trầm trọng. Giảm kim ngạch xuất khẩu cùng với hậu quả liên hệ của nó buộc Việt Nam và Trung Quốc phải xét lại và tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy  mức tiêu dùng quốc nội  như là là động cơ mới để chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP. Để cổ động cho sự tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế này, guồng máy tuyên truyền nhà nước Việtnam đã rao giảng khẩu hiệu “dùng hàng nội là yêu nước” trên hệ thống truyền thanh, truyền hình quốc gia và biểu ngữ khắp đường bắt đầu từ năm 2009.

Nguy cơ và tổn phí của vấn đề tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế đo lường bằng mức độ đình trệ của quá trình phát triển kinh tế, gia tăng thất nghiệp, giảm thiểu mức độ gia tăng GDP và ngay cả giảm thiểu GDP, đưa đến giảm phúc lợi xã hội phát xuất từ hai nguyên nhân sau đây: chính sách và chiến lược phát triển kinh tế là quá trình dẻo-cứng (putty-clay) và mức độ liên hệ giữa mức độ thay đổi tiêu dùng quốc nội và thay đổi GDP.

Chính sách và chiến lược phát triển kinh tế là một quá trình dẻo-cứng như quá trình sản xuất đồ gốm. Quá trình sản xuất đồ gốm bắt đầu với nguyên liệu cơ bản là đất sét. Do đó, nghệ nhân có thể tạc nắn bất cứ hình thể nào, như: chén, đĩa, tượng thần thánh, cũng như muôn loài cầm thú, hay mọi mẩu mã mỹ thuật nào khác, một cách dễ dàng. Trong thời gian gò nặn, nếu nghệ nhân hay ai đó không hài lòng với sáng tác mà nghệ nhân tạo tác, các sản vật ấy có thể được nhồi lại và nguyên liệu đất sét có thể dùng để tạo tác các sản phẩm đồ gốm khác. Tuy nhiên, một khi các sản vật do nghệ nhân gò nặn đã được nung thành đồ gốm và nếu nghệ nhân hay ai đó không hài lòng với sáng tác mà nghệ nhân tạo tác, thì toàn bộ công trình và nguyên liệu sẽ bị phí đi.

Chính sách và chiến lược phát triển kinh tế cũng theo cùng quy luật dẻo-cứng này, đó là trong quá trình quy hoạch, tư bản, nhân lực và tài nguyên quốc gia có thể sử dụng ̣để kiến tạo cơ sở hầu triển khai bất cứ kế hoạch phát triển nào. Tuy nhiên khi quá trình triển khai đã hòan tất và kế hoạch đã được thực thi thì cơ sở và kiến tạo từ tư bản, nhân lực và tài nguyên quốc gia trở thành cố định; thế nên, nếu chính sách và kế hoạch phát triển bị tái phối trí thì số lượng  tư bản, nhân lực và tài nguyên quốc gia đã sử dụng có thể sẽ bị tổn thất trầm trọng vì sự khó khăn khi chuyển chúng sang quá trình sản xuất khác. Mức độ tổn thất trong thực tế tùy thuộc vào mức độ khác biệt giửa quá trình sản xuất nguyên thủy mà tư bản, nhân lực và tài nguyên quốc gia đã được dùng để triển khai và quá trình sản xuất do kết quả của sự tái phối trí.

Về vấn đề mức độ liên hệ giữa tăng trưởng của mức độ tiêu dùng nội địa và tổng sản lượng quốc nội, cơ bản của lý thuyết kinh tế vĩ mô do Keynes  đề xuất là mối quan hệ nhân quả giữa tăng trưởng tiêu thụ và tăng trưởng GDP. Lý thuyết này xác quyết một quan hệ nhân quả hai chiều, tối thiểu theo ý nghĩa của Granger (Clive W.J. Granger đoạt giải Nobel kinh tế năm 2003), giữa tăng trưởng của tiêu thụ và GDP. Xin vui lòng ghi nhận nơi đây rằng quan hệ nhân quả Granger không phải là một mối quan hệ nhân quả thông thường. Granger (1969) lập luận rằng  quan hệ nhân quả Granger dựa hoàn toàn trên khả năng dự đoán của một chuỗi số, chẳng hạn như w. Nếu chuỗi số y nào đó chứa thông tin có thể giúp dự đoán w, và nếu thông tin này không được chứa trong một chuỗi số khác, thì yđược cho là Granger nhân tạo quả w. Ngoài ra, nếu x2 Ganger nhân tạo quả x1, nhưng x1 không Granger nhân tạo quả x2; thì liên hệ Granger này được gọi là nhân quả Granger một chiều  từ x2 đến x1, hoặc x2 là ngoại sinh từ x1. Nếu x2 Ganger nhân tạo quả x1, và x1 cũng Granger nhân tạo quả x2; thì liên hệ Granger này được gọi là nhân quả Granger hai chiều.

Ngoài tổn phí do đặc tính dẻo-cứng của chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, để  cho công cuộc tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy mức tiêu dùng quốc nội như là  động cơ mới để chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP của Việt Nam và Trung Quốc thành công, tối thiểu phải có nhân quả Granger một chiều  từ thay đổi tiêu thụ quốc nội đến thay đổi GDP.

Để nắm bắt lập luận này, xin ghi nhận rằng hơn 75,00 % của tổng sản lượng quốc nội ̣tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới được sử dụng cho tiêu dùng (trong năm 2013, tỷ số này của Việtnam, Trung Quốc, Nhật, Pháp, Anh, Đức và Mỹ theo thứ tự như sau: 69,30%; 48,20%; 81,70%; 79,50%; 84,80%, 75,20%; và 83,20%) và  Keynes lập luận rằng nguyên nhân chính cho nạn thất nghiệp dẫn đến sụt giảm tổng sản lượng quốc nội là do giảm tiêu dùng trong nền kinh tế. Thế nên, khi nền kinh tế bị đình trệ, giới hữu trách phải dùng chính sách tiền tệ và tài chính công do Keynes đề xuất để kích thích mức cầu, mà phần lớn của mức cầu là mức cầu để tiêu dùng, trong nền kinh tế quốc gia hầu đưa tổng sản lượng quốc nội về quỹ đạo dài hạn của nó.

Phần còn lại của bài viết được tổ chức như sau. Phần kế tiếp tóm lược lịch sử phát triển kinh tế cận đại và các công trình nghiên cứu thực nghiệm đó đây; phần tiếp theo tóm tắt các tính năng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam; phần kế báo cáo kết quả thực nghiệm; phần cuối cung cấp một số nhận xét để kết luận.

2.Lịch sử phát triển kinh tế và các công trình nghiên cứu khác

2.1.  Lịch sử phát triển kinh tế cận đại

Sau thế chiến II,  thế giới đã bị sốc bởi sự tàn phá gây ra do cuộc xung đột. Phản ứng này đã dẫn đến sự hình thành các tổ chức UN/Bretton Woods trong năm 1944-45. Trong thế kỷ 20, nhiều lý thuyết và chiến lược phát triển kinh tế đã được áp dụng để phát triển kinh tế hầu xoa dịu các đau khổ của con người trên khắp thế giới: kế hoạch Marshall cho Châu Âu, việc tái thiết Nhật Bản, các kế hoạch phát triển kinh tế tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Đến nay, các lý thuyết và chiến lược phát triển kinh tế có thể được phân thành hai nhóm: chiến lược hướng nội và  chiến lược hướng ngoại. Nền tảng lý thuyết cho chiến lược phát triển hướng nội  là  trường phái do Keynes đề xuất (Singer, 1998.)  Trường phái này biện luận rằng chính phủ phải hổ trợ nhập cảng máy móc, thiết bị, và phát triển lực lượng lao động hầu công nghiệp hóa nền kinh tế. Các lý thuyết gia hàng đầu của trường phái này là Sir Hans W. Singer và Raúl Prebisch. Thế nên, chiến lược hướng nội còn thường được gọi là giả thuyết Prebisch-Singer. Giả thuyết này là nền tảng của nhiều chính sách phát triển ở châu Mỹ Latin trong thập niên 1950.

Lý thuyết kinh tế tân cổ điển là nền tảng lý thuyết của chiến lược phát triển hướng ngoại, là sản phẩm trí tuệ của các tổ chức Bretton Woods. Chiến lược phát triển nàythường được gọi là chiến lược phát triển đồng thuận Washington. Chiến lược phát triển hướng ngoại chủ trương rằng tất cả các nền kinh tế nên tập trung vào phát triển lĩnh vực xuất khẩu trong quy trình phát triển của họ. Chiến lược này đã dẫn đến sự tăng trưởng khối lượng mậu dịch quốc tế theo cấp số nhân, gia tăng tính di động của vốnđầu tư quốc tế, cũng như gia tăng kết nối gần gũi hơn giữa các nền kinh tế toàn cầu trong ba thập niên qua. Trong khi chiến lược phát triển này có thể là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế trên toàn thế giới; nó cũng tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự lan lây nguy hiểm của các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, chẳng hạn như sự lan lây của cuộc khủng hoảng phát xuất từ các khoảng nợ tài trợ bất động sản cho người vay không đủ tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ và tiếp theo là cuộc khủng hoảng công khố phiếu tại Châu Âu.

2.2.  Các công trình nghiên cứu khác

Quan hệ nhân quả giữa tiêu thụ và tăng trưởng GDP là nền tảng cơ bản mà lý thuyết kinh tế vĩ mô căn cứ vào để triển khai chính sách. Mặc dù lý thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng liên hệ giữa tiêu thụ tổng hợp và GDP, tối thiểu, là một quan hệ nhân quả hai chiều theo nghĩa của Granger, nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ nhân quả hai chiều này thì rất là hạn chế. Guisan (2001) nghiên cứu nhân quả giữa tiêu thụ và GDP tại 25 trong số 34 quốc gia của  tổ chức hợp tác và phát triển, OECD (Organization for Economic Cooperation and Development, gọi tắt là OECD) từ năm 1960 đến năm 1997 và báo cáo rằng quan hệ nhân quả Granger giữa tiêu thụ và GDP chỉ hiện hữu tại một số nền kinh tế;  tuy nhiên, vắng bóng tại các nền kinh tế đang phát triển khác trong số các quốc gia này. Guisan (2004) điều tra mối quan hệ nhân quả Granger giữa tiêu thụ và GDP trong hai nền kinh tế Mexico và Hoa Kỳ và phát hiện rằng mối liên hệ này hiện hữu tại đây.

Gần đây, Gomez-Zaldivar và Ventosa-Santaularia (2009) tiếp tục điều tra quan hệ nhân quả giữa tiêu thụ và GDP tại Mexico và Hoa Kỳ. Các tác giả này không tìm thấy bằng chứng về quan hệ nhân quả  giữa  tiêu thụ và GDP tại Mexico; nhưng, trong trường hợp của Hoa Kỳ, các tác giả này tìm thấy mối liên hệ này hiện hữu tại đây. Mishra (2011) điều tra mối quan hệ năng động giữa chi tiêu và tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ trong giai đoạn 1950-2008 và tìm thấy một quan hệ nhân quả một chiều từ chi tiêu đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, tác giả báo cáo rằng không có quan hệ nhân quả Granger ngắn hạn giữa hai biến số kinh tế vĩ mô trên.

3.Nền kinh tế Việt Nam

Quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với một chương trình cải cách rộng rãi, được gọi là ” đổi mới” sau khi đất nước này đã trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn và khủng hoảng kinh tế. Cơ bản của chương trình cải cách là cái gọi là  “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”  Khẩu hiệu này có nghĩa là một mô hình kinh tế tư với quyền lực chính trị duy nhất là Đảng Cộng Sản. Một thập niên sau cuộc đổi mới, GDP của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển nhanh chóng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 6,9% trong giai đoạn 1996-2000 và tăng tốc đến 7,5% hàng năm trong các năm 2001-2005.  Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này chỉ đóng ở mức trung bình 5,8 % trong giai đoạn 2009-2013 và IMF dự đoán sẽ là 5,7 % vào các năm 2014-2018, nếu nền kinh tế Việt Nam có thể cung cấp tư bản và các nhu cầu khác mà sẽ được bàn đến sau đây.

Tuy nhiên, qua sự tăng trưởng nhanh chóng này, nền kinh tế Việt Nam đã tiêu thụ một số lượng rất lớn vốn tư bản và tài sản vật chất; ví dụ, các chương trình quốc tế hỗ trợ phát triển đã tài trợ $15,00 tỷ dollars trong thời gian 2001-2005. Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút hơn 14.000,00 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với ngân khoản gần $210,00 tỷ dollars cam kết đầu tư vào cuối năm 2012 (Vương và Napier, 2013). Để mô tả nền kinh tế Việt Nam, Kim (2008) trích dẫn tuyên bố của ông Klaus Rohland, giám đốc chương trình Việt Nam của Ngân Hàng Thế Giới từ năm 2002 đến 2007 rằng “Trong 15 năm qua, không có quốc gia nào khác trên thế giới  đã  phát triển nền kinh tế của nó đến mức độ như thế và nhanh như vậy.”

Hơn nữa,Vương và Napier (2013) đã minh thuyết rằng nền kinh tế đang nổi lên của Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu không hiệu quả, lãng phí tài nguyên và tư bản đo bằng tỷ lệ “tỷ số vốn đầu tư trên GDP.” Ví dụ, tỷ lệ này đã liên tục tăng nhanh trong ba giai đoạn quan trọng: 34,9% từ năm 1996 tới năm 2000; 39,1% trong giai đoạn 2001-2005 và 43,5% trong giai đoạn 2006-2010. Vương và Napier cho rằng những gia tăng lũy tiến này là dấu hiệu cho thấy rằng Việt Nam cần thêm nguồn tài nguyên khan hiếm để tài trợ cho tăng trưởng và nhu cầu này cũng gia tăng lũy tiến. Trong khi đó,  nguồn tài nguyên khan hiếm này  ngày càng khan hiếm hơn  tại Việt Nam, nhất là khi quốc gia này trở thành một quốc gia với lợi tức trung bình. Thế nên, nếu cứ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển kinh tế hiện thời mà không thể thỏa mản điều kiện khó khăn này, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị kiệt sức.

Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính, chính quyền đã cung cấp một lượng tín dụng to lớn cho nền kinh tế;  một thí dụ minh chứng là trong thập niên 2000-2010 số lượng tín dụng đã gia tăng với mức đáng kinh ngạc là 1.370,00 %, trong khi GDP chỉ tăng gấp đôi trong cùng thập niên. Trong những lãnh vực khác, tài sản vật chất khan hiếm, chẳng hạn như đất, bất động sản, quặng mỏ đã không được sử dụng một cách hữu hiệu. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động một cách vô cùng tắc trách làm thất thoát tài nguyên và tư bản quốc gia; ví dụ, các doanh nghiệp chính thức vay mượn hơn $60,00 tỷ dollars nhưng tạo ra tổng thị trường giá trị vốn chủ sở hữu chỉ có $33,00 tỷ dollars (Vương, 2012).

Lý thuyết kinh tế vĩ mô nêu rõ ràng rằng sự phụ thuộc vào tín dụng để tài trợ cho tăng trưởng sẽ tạo ra lạm phát cao. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Sự tăng trưởng tín dụng nói trên dẫn đến lạm phát cao trong thập niên 2000-2010, cao điểm với mức 23,00% trong năm 2008. Áp lực lạm phát buộc cơ quan tiền tệ quốc gia thắt chặt thị trường tín dụng đẩy tỷ lệ lãi suất cho tín dụng lên đến 25,00%. Các chi phí tín dụng cao dẫn đến  sự phá sản hoặc lặng lẽ đóng cửa hoạt động của hơn 100.000,00 doanh nghiệp từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012. Hầu hết các doanh nghiệp thất bại là doanh nghiệp tư nhân bởi vì họ không nhận được trợ cấp của chính phủ hoặc đặc quyền vay mượn từ các ngân hàng nhà nước. Các doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa chiếm từ 15,00%  đến 25,00%  tổng số doanh nghiệp Việt Nam (Vương, 2012.)

Đồng thời, lý thuyết kinh tế vĩ mô triển khai tại các nền kinh tế thị trường phát triển căn cứ vào nhân quả Granger hai chiều giữa tăng trưởng tiêu thụ quốc nội và tăng trưởng GDP. Bằng chứng của sự hiện hữu của nhân quả Granger hai chiều là những biện pháp kích cầu thường mang lại kết quả mong muốn là gia tăng tổng sản lượng quốc nội  và giảm tỉ số thất nghiệp tại các nền kinh tế này. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế đang phát triển, điều tra thực nghiệm quan hệ nhân quả tại những nơi đây rất là hạn chế và kết quả cho thấy rằng ngay cả nhân quả Granger một chiều từ tăng trưởng tiêu thụ quốc nội đến tăng trưởng GDP chỉ hiện hữu tại một số nền kinh tế và vắng bóng tại các nền kinh tế đang phát triển khác.

Hoạt động kinh tế tại Việt Nam mang một hình thái riêng biệt của một nền kinh tế đang chuyển tiếp. Theo the Heritage Foundation, chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2014, đo lường mức độ nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, xếp Việt Nam thứ 119 trong tổng số 174 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về mức độ tự do kinh tế, Việt Nam được xếp hạng thứ 148 trong số 178 quốc gia và vùng lãnh thổ và 32 trong số 42 nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà mật độ của các chính thể độc tài cao nhất trên thế giới, trong năm 2015. Trong các bảng xếp hạng này, cấp bậc càng thấp thì quốc gia càng ít tham nhũng hoặc ít độc quyền.

Những đặc điểm riêng biệt của nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra một môi trường tham nhũng có hệ thống và không trong sáng với cam kết một nhà nước độc đảng, nơi mà kiểm soát kinh tế và chính trị được trao cho một nhóm nhỏ các cá nhân. Những yếu tố này đưa đến sự phân phối không đồng đều của tổng sản lượng quốc nội, trong đó chỉ có một số nhỏ cá nhân có liên hệ mật thiết với các quan chức của đảng sẽ trở nên giàu có trong khi phần lớn dân số sống trong nghèo đói.Qua thời gian, thành phần giàu có, với hầu như không mức giới hạn về mãi lực của tài sản của họ, sẽ phát triển thị hiếu cho hàng hoá sang trọng đó là hàng ngoại. Tính đàn hồi của nhu cầu của họ cho các loại hàng hóa sang trọng này thường là rất thấp.

Nếu ai trong người Việt hải ngoại có dip bay trên những chuyến bay giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng như Hồng Kông, Thái Lan và nhất là Singapore sẽ có cơ hội chứng kiến các quan chức, mệnh phụ phu nhân, và các cô, cậu ấm trong các chuyến mua sắm hàng ngoại tại các lân bang này. Trong khi chờ những chuyến bay về lại Việt Nam, các quan chức, các mệnh phụ phu nhân, và các cô, cậu ấm đem hóa đơn ra để kiểm soát và khoe nhau những món hàng đắt giá mà họ vừa mua trong chuyến mua sắm. Sản phẩm các cô hay cậu ấm mua trị giá từ năm bảy trăm đến vài nghìn Mỹ Kim, trong khi “chiến lợi phẩm” của các quan chức và các mệnh phụ phu nhân có đến vài chục nghìn đô Mỹ. Đây là những sản phẩn sản xuất tại ngoại quốc, do nhân công ngoại quốc; thế nên, trị giá của chúng không được chiết tính vào GDP của Việt Nam.

Hơn nữa, hiện tượng phân phối không đồng đều của tổng sản lượng quốc nội và với văn hóa Á Châu chú trọng đến tiết kiệm, cũng như sản phẩm tiêu dùng sản xuất tại các quốc gia khác trong vùng và nhập cảng vào Việt Nam, nhất là nhập cảng lậu, cũng như sản phẩn tiêu thụ cao cấp “xách tay” từ Bắc Mỹ và Âu Châu có thể đưa đến sự vắng bóng ngay cả nhân quả Granger một chiều từ thay đổi tiêu thụ quốc nội đến thay đổi GDP. Sự vắng bóng này sẽ giảm đi xác suất thành công của kế hoạch tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy mức tiêu dùng hàng quốc nội trong nước như là là động cơ mới để chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP tại Việt Nam. Thế nên, tái cân bằng nền kinh tế rất có thể là vấn đề vô cùng tốn kém và rất khó nắm bắt cho Việt Nam.

 

4.Kết quả thực nghiệm

Để giải đáp nghi vấn trên hầu lượng giá xác suất thành công của kế hoạch tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, người viết dùng phương pháp trắc nghiệm do Toda và Phillips (1993) đề xướng đểnghiệm sát thực nghiệm nhân quả Granger năng động ngắn hạn và phương pháp được đồng thời giới thiệu bởi Toda và Yamamoto (1995) và Dolado và Lütkepohl (1996) để trắc nghiệm nhân quả Granger dài hạn trong nền kinh tế chuyển tiếp của Việt Nam. Quá trình nghiên cứu này sử dụng dữ kiện của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2013 do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lưu trữ.

Kết quả của quá trình nghiên cứu thực nghiệm nhân quả Granger cho thấy sự vắng bóng của mối quan hệ năng động ngắn hạn, cũng như dải hạn, ngay cả chỉ nhân quả Granger một chiều từ thay đổi tiêu thụ quốc nội đến thay đổi GDP trong nền kinh tế đang chuyển tiếp của Việt Nam (báo cáo chi tiết về công trình thực nghiệm này bao gồm cả kết quả thống kê trong bài “Dynamics between Vietnamese Real Consumption and Economic Growth,” được trích dẫn  trong phần tài liệu tham khảo.)

5.Kết luận và nhận xét

Sự tăng trưởng và phát triển của mỗi nền kinh tế dù ở mức độ phát triển nào cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong những thập niên qua do điều kiện kinh tế thế giới. Quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với một chương trình cải cách rộng rãi được gọi là ” đổi mới” sau khi đất nước này đã trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn và khủng hoảng kinh tế. Chương trình đổi mới đã là động cơ thúc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 6.9% trong giai đoạn 1996-2000 và tăng tốc đến 7,5% hàng năm trong năm 2001-2005. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này chỉ đóng ở mức trung bình 5,8% trong giai đoạn 2009-2013 và IMF dự đoán sẽ là 5,7 % vào các năm 2014-2018, nếu nền kinh tế Việt Nam có thể cung cấp tư bản và các nhu cầu khác như đã được bàn đến trên đây.

Nền kinh tế Việt Nam đã theo chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu như là động cơ chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP. Qua sự tăng trưởng nhanh chóng nêu trên, nền kinh tế Việt Nam tiêu thụ một lượng rất lớn vốn tư bản và tài sản vật chất.  Gần đây, nền kinh tế đang nổi lên của Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu không hiệu quả, lãng phí tài nguyên và tư bản đo bằng tỷ lệ “tỷ số vốn đầu tư trên GDP.” Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động một cách vô cùng trắc trách làm thất thoát tài nguyên và tư bản quốc gia; ví dụ, các doanh nghiệp chính thức vay mượn hơn $60,00  tỷ dollars nhưng tạo ra tổng thị trường giá trị vốn sở hữu chỉ có $33,00  tỷ dollars. Một yếu tố cần nhưng chưa đủ để cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng là Việt Nam phải cần thêm nguồn tài nguyên khan hiếm để tài trợ cho tăng trưởng và nhu cầu nguồn tài nguyên khan hiếm này gia tăng một cách lũy tiến. Trong khi đó,  nguồn tài nguyên khan hiếm này  ngày càng khan hiếm hơn  tại Việt Nam, nhất là khi quốc gia này trở thành một quốc gia với lợi tức trung bình. Thế nên, nếu cứ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển kinh tế mà Việt Nam đã và đang theo đuổi trong khi không thể thỏa mản điều kiện khó khăn này, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị kiệt sức.

Một động lực khác là các cuộc khủng hoảng liên tiếp tai Hoa Kỳ và Âu Châu đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trầm trọng. Giảm kim ngạch xuất khẩu cùng với hậu quả liên hệ của nó buộc Việt Nam phải xét lại và tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy  mức tiêu dùng quốc nội  như là là động cơ mới để chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP. Chính sách và chiến lược phát triển kinh tế cũng không thóat khỏi quy luật dẻo-cứng như đã nêu trên.

Trong khi đó, nguy cơ và tổn phí của vấn đề tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế đo lường bằng mức độ đình trệ của quá trình phát triển kinh tế, giảm thiểu GDP, đưa đến giảm phúc lợixã hội phát xuất từ hai nguyên nhân sau đây: chính sách và chiến lược phát triển kinh tế là quá trình dẻo-cứng (putty-clay) và mức độ liên hệ giữa mức độ thay đổi tiêu dùng quốc nội và thay đổi GDP.

Kết quả của quá trình nghiên cứu thực nghiệm nhân quả Granger nêu trên cho thấy sự vắng bóng của mối quan hệ năng động ngắn hạn, cũng như dải hạn, ngay cả chỉ nhân quả Granger một chiều từ thay đổi tiêu thụ quốc nội đến thay đổi GDP trong nền kinh tế. Theo ngôn ngữ của Granger thì sự vắng bóng này cho thấy rằng thay đổi tổng sản lượng trong nền kinh tế Việt Nam là ngoại sinh từ thay đổi mức tiêu dùng do chiến lược kích cầu của chính phủ. Kết quả này cũng mang ý nghĩa là vấn đề tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế rất tốn kém và xác suất thành công thì không mấy khả quan.

Hơn nữa, trong thập niên tới, vì yếu tố địa lý chính trị cũng như thái độ gây hấn của Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hoá, Việtnam bị buộc phải hội nhập vào những khu vực thương mại tự do của khu vực và thế giới như Cộng Đồng Kinh Tế, Association of Southeast Asian Nations, gọi tắt là ASEAN); và AEC, (giữa các nước trong khối ASEAN: ASEAN Economic Community, gọi tắt là AEC), Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP (Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là TPP), Hiệp Định Thương Mại Tự Do, FTA, (Free Trade Agreement, gọi tắt là FTA) với Liên Hiệp Âu Châu, EU (European Union, gọi tắt là EU), cũng như dự thảo để hình thành Khu Vực Kinh Tế Toàn Diện, RCEP, (Regional Comprehensive Economic Partnership, gọi tắt là RCEP) giữa những nước trong khối ASEAN và các nước sau  đây ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương: Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ.  Hầu hết các quốc gia nêu trên đều có nền kinh tế tiến bộ và đã được trui rèn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Khi gia nhập vào những khu vực thương mại và tổ chức tự do mậu dịch, mà tổ chức kế tiếp gần như chắc là TPP, và nếu đây là sự thật thì một số ngành sản xuất sẽ có thị trường xuất cảng lớn hơn chẳng hạn như ngành may mặc và phụ tùng xe, v.v… Tuy nhiên TPP với quy định về nguồn gốc của sản phẩm để được hưởng ưu đải thuế quan trong khi khả năng sản xuất và quản trị cả hàng dọc lẫn hàng ngang của hầu hết các doanh nghiệp tư trong nền kinh tế quốc nội không thể đáp ứng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại quốc tham gia vào nền kinh tế Việt Nam.  Đồng thời, quy định này sẽ gia tăng mức đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào Việt Nam. Các sự cố dự đoán trên sẽ tạo cơ hội cho các tham quan trích gép tài sản bất chính, nếu vấn đề tham nhũng không được loại trừ.

Do đó, vấn đế tái phối trí chính sách phát triển kinh tế cũng như sự sinh tồn và phồn vinh của đất nước sẽ phải đối diện với nhiều thử thách vô cùng cam go trong thập niên tới bởi những sự cố sau đây: (i) nền kinh tế Việtnam tương đối vẫn còn là nền kinh tế tiêu thụ, (ii) phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì rất bé, không có khả năng quản trị và tài chính để cạnh tranh, (iii) doanh nghiêp nhà nước hoạt động một cách vô cùng tắc trách và thiếu khả năng quản trị, (iv) trong khi nạn bè phái và  tham nhũng  tràn lan tạo ra môi trường hoạt động cho các cơ sở sản xuất này vô cùng bất lợi trong đó  hạ tầng cơ sở của nền kinh tế như giáo dục, hệ thống luật pháp, phân khu tài chính, tự do kinh tế quá kém. Những sự cố này đã làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên nặng nề và mất đi tính linh hoạt; do đó,  dù chính quyền có thực sự muốn cải tổ để hiện đại hóa nền kinh tế hầu có thể cạnh tranh trong môi trường mới, quá trình cải tổ cũng có thể cần nhiều thời gian hơn là lịch trình hội nhập mà nhà nước Việtnam đang theo đuổi hay thực tại chính trị và kinh tế thế giới cho phép.

Sự kiện trên đây là một bế tắc cho Việt Nam. Trong điều kiện này, nguồn nhân lực và tài chính của người Việt tại hải ngoại dù có thể tận dụng cũng chỉ có thể trợ giúp chứ không thể là đáp án. Đầu mối của đáp án thuộc phạm trù chính trị khu vực và thế giới, liên quan đến quyền lợi và mục tiêu của chinh sách đối ngoại của các siêu cường hiện nay.  Lịch sử cho thấy rằng sau thế chiến thứ II, tất cả các quốc gia trên thế giới đã cố gắng phát triển nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, chỉ có một số nhỏ các quốc gia thành công.  Chung điểm của các quốc gia thành công như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, và Thái Lan là chúng nằm dọc theo ranh giới phân chia hai khối tư bản và cộng sản. Hơn nữa, địa thế của Việtnam và thời điểm Hoa Kỳ và đồng minh đến và rời vùng đất này cũng không ngoài yếu tố quyền lợi và mục tiêu của chính sách đối ngoại của các siêu cường. Thế nên đáp án cho vấn đề Việtnam ngày nay có thể triển khai bằng cách lý giải những sự kiện trên đây.

Như đã trình bày trên đây, mục tiêu của quá trình nghiên cứu này là xác định nhân quả Granger giữa thay đổi tiêu thụ quốc nội và thay đổi GDP trong nền kinh tế đang chuyển tiếp của Việt Nam để phỏng đoán xác suất thành công của vấn đề tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế tại đất nước này. Nói một cách khác, phương pháp trắc nghiệm sử dụng trong bài viết này chỉ để tìm giải đáp cho nghi vấn “thế nà̀o” chứ không phải “tại sao” về nhân quả giữa thay đổi tiêu thụ quốc nội và thay đổi GDP. Tuy nhiên, đáp án cho nghi vấn “tại sao” thì rất cần thiết cho giới hữu trách trong quá trình triển khai và thực thi chính sác kinh tế quốc gia. Những gợi ý sau đây có thể giúp phần nào trong cố gắng mưu tìm đáp án cho nghi vấn “tại sao.” Trước tiên, cảnh huống thay đổi tổng sản lượng trong nền kinh tế là ngoại sinh từ thay đổi mức tiêu dùng có thế do ảnh hưởng của văn hóa Á Châu chú trọng đến tiết kiệm và sự phân bố không đồng đều của tổng sản lượng quốc nội, trong đó người giàu đi mua hàng ngọai, trong khi người nghèo không đủ khả năng mua.

Hơn nữa, công cuộc tái phối trí chính sách và chiến lược phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy  mức tiêu dùng quốc nội như là động cơ mới để chuyển tải và lèo lái tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ảnh hưởng một cách tích cực đến số lượng và trị giá của các sản phẩm mà các cô ấm,  các cậu ấm, các quan chức và các mệnh phụ phu nhân mua trong những chuyến mua sắm tại các lân bang nêu trên cũng như sản phẩn tiêu thụ cao cấp “xách tay” từ Bắc Mỹ và Âu Châu. Rõ ràng là không nên nghe những gì các ngài nói “dùng hàng nội là yêu nước” mà nên nhìn những gì các ngài làm “thi nhau mua hàng ngoại!” Và đây là những sản phẩm sản xuất tại ngoại quốc, do nhân công ngoại quốc; thế nên, trị giá của chúng không được chiết tính vào GDP của Việt Nam. Do đó, đây có thể là một trong số các lý do để giải thích tại sao GDP là ngoại sinh từ mức tiêu dùng trong nền kinh tế Việt Nam.

Một hệ luận khác để giải thích sự vắng bóng trên có thể là giới nghèo phải mua và tiêu dùng hàng nhập từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vì giá rẻ và một số lượng quan trọng nhập lậu vào Việt Nam. Vì các sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc, do nhân công Trung Quốc, nên không được chiết tính vào GDP của Việt Nam. Hơn nữa, nến hệ luận này là thật, thì Viêt Nam gánh chi phí kích cầu để gia tăng tổng sản lượng quốc nội cũng như cải thiện nạn thất nghiệp cho Trung Quốc.

 

Dưới một dạng nào đó, hay ít nhất là ảnh hưởng kinh tế cúa nó, liên hệ sản xuất và tiêu dùng này giữa Việt Nam và các quốc gia sản xuất hàng hóa tiêu thụ nêu trên mang lại cho chúng ta dư âm của liên hệ kinh tế giữa các đế quốc theo đuổi chính sách thực dân và các thuộc địa trong thời hoàng kim của chủ thuyết kinh tế trọng thương.

Tác giả: Chu Văn Nguyên, Ph.D., phó giáo sư kinh tế và tài chính cũng là Khoa-Trưởng của phân khoa gồm các ngành: kinh tế, tài chính, kế toán, ngoại thương, và điện toán doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo

Dolado, J. J., and Lütkepohl, H. 1996. Making Wald Tests Work for Cointegrated VAR Systems. Econometric Reviews, 15: 369–86.

Gomez-Zaldivar, M., and Ventosa-Santaularia, D. 2009. The Bilateral Relationship between Consumption and GDP in Mexico and the US: A Comment. Applied Econometrics and International Development. 9(1): 77-90.

Granger, C.W.J. 1969. Investigating Casual Relations by Econometric Models and Cross-Spectral Methods. Econometrica, Vol. 37 (3): 424-438.

Guisan, M. C. 2001. Causality and Cointegration between Consumption and GDP in 25 OECD Countries: Limitation of the Cointegration Approach. Applied Econometrics and International Development. 1(1): 39-61.

______________ 2004. A Comparison of Causality Tests Applied to the Bilateral Relationship between Consumption and GDP in the USA and Mexico.  International Journal of Applied Econometrics and Quantitative Studies. 1: 115-130.

Heritage Foundation. 2014, Index of Economic Freedom. Washington, D.C.: Heritage Foundation and the Wall Street Journal.

Keynes, J.M.  1936. The General Theory of Employment, Interest, and Money. New York.

Kim, A.M.  2008. Learning to be Capitalists in Vietnam’s Transition Economy. Oxford University Press, New York

Mishra, P.K. 2011. Dynamics of the Relationship between Real Consumption Expenditure and Economic Growth in India. Indian Journal of Economics & Business, 10(4): 553-563.

Mishkin, F.S. 1995. Symposium on the Monetary Transmission Mechanism. Journal of Economic Perspective, Vol. 9(4): 3-10.

Nguyen, C. V. 2015. Dynamics between Vietnamese Real Consumption and Economic Growth, ELK Asia Pacific Journal of Finance and Risk Management, 2015, Vol. 6(1),

DOI: 10.16962/EAPJFRM/issn.2349-2325/2014.

Singer, H. W. 1998. Growth, Development and Trade. Edward Elgar Publishing Company, UK.

__________. 1993. Prospects for Development.in Trade Transfer and Development. In S. Mansoob Murshed and Kunibert Raffer (eds.) Trade, Transfers and Development. Edward Elgar Publishing Company, UK.

Toda, H. Y., and Phillips, P. C. B. 1993. Vector Autoregressions and Causality. Econometrica, 61: 1367–93.

Toda, H. Y., and Yamamoto, T. 1995. Statistical Inference in Vector Autoregressions with Possibly Integrated Processes.  Journal of Econometrics, 66: 225–50.

Vuong, Q. H. 2012. Vietnam’s economic challenges. Stratfor Global Intelligence. Retrieved February 20, 2013, from http://www.stratfor.com/other-voices/vietnams-economic-challenges.

Vuong, Q. H. and Napier, N. K. 2013.  Resource Curse or Destructive Creation in Transition Turmoil (May 2, 2013). China-USA Business Review, Vol. 12(5):486-493, 2013. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=2260037

 

 

© Học Viện Công Dân, Jan 2016