fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 9

Dân chúng (tiếp theo)

 

Thiên nhiên đã đặt ra những kích thước cho tầm vóc một con người viên mãn, ngoài các kích thước đó thì con người hoặc là to lớn như những kẻ khổng lồ hoặc nhỏ thó như những chú lùn, cũng như vậy, để cho thể chế một quốc gia được tốt nhất thì phải đặt những giới hạn sao cho cho thể chế đó không quá lớn để cho việc cai trị gặp khó khăn, và không quá nhỏ để không thể tự bảo tồn. Trong mọi cơ cấu chính trị có một sức mạnh tối đa không thể vượt qua được, vì nếu nó cứ tăng trưởng thì nó sẽ mất sức mạnh đó đi. Mối liên hệ xã hội càng lan rộng thì nó càng lỏng lẻo đi, và một cách tổng quát, một quốc gia nhỏ thì, [tính theo tỷ lệ giữa kích thước và sức mạnh,] mạnh hơn một quốc gia lớn.

Có cả ngàn lý do để hậu thuẫn cho điều nói trên. Trước hết, khoảng cách càng xa thì sự cai trị càng khó, giống như một vật sẽ cân nặng hơn ở đầu một đòn bẫy dài. Việc cai quản ở những nơi càng xa thì càng nhiều tốn kém; vì mỗi thành phố có một nền hành chánh riêng của mình, và người dân ở đó đóng góp mọi chi phí; mỗi địa hạt lại có một nền hành chánh riêng và dân chúng lại phải đóng góp vào; rồi thì đến tỉnh bang, đến cấp chính quyền lớn hơn, các thống đốc, các phó vương; càng lên cao thì người dân lại càng phải đóng góp nhiều; sau hết nền hành chánh tối cao đè bẹp tất cả. Mọi sự đóng góp liên tục này làm người dân kiệt quệ, họ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn nếu họ chỉ bị cai trị bởi một cấp trên thay vì nhiều cấp. Ngoài ra, đâu còn tài nguyên để sử dụng khi khẩn cấp; và khi cần đến nó thì quốc gia luôn luôn ở bên bờ bị tiêu diệt.

Đó chưa phải là hết: không những chính phủ sẽ kém mạnh đi và kém nhanh nhậy khi áp dụng luật pháp, hay ngăn ngừa các phiền hà về hành chánh, chỉnh đốn các vụ lạm quyền, và ngăn chận các mưu toan dấy loạn nẩy mầm ở các chỗ xa xôi; mà còn làm cho dân chúng ít có thiện cảm với nhà cầm quyền hơn vì họ có bao giờ gặp người lãnh đạo đâu; và cũng ít yêu mến quốc gia hơn, vì đất nước trong mắt họ cũng mênh mông như thế giới [xa lạ]; họ cũng ít thương mến đồng bào hơn vì phần lớn đối với họ là người xa lạ. Cũng cùng một luật lệ nhưng lại không thể áp dụng đồng bộ cho những tỉnh có phong tục khác nhau, có khí hậu và địa lý khác nhau, và như thế không thể có được một chính quyền đồng nhất; [còn nếu làm ra] luật lệ khác nhau thì lại chỉ làm cho người dân nói chung thêm bối rối, vì cùng sống dưới sự cai trị của một chính quyền sao luật chỗ này lại khác chỗ kia. Cũng cùng là bà con qua liên hệ gia đình (cưới hỏi), nhưng vì luật lệ khác nhau, người dân không hiểu đâu mới thật sự là di sản của mình. Còn như tập trung đám người đông đúc không hề quen biết nhau lại, tại trung tâm hành chánh thì tài năng bị chôn vùi, đức hạnh không được biết đến và tệ nạn không bị trừng phạt. Các nhà lãnh đạo, bị tràn ngập bởi công việc, không tự mình xét đoán được chuyện gì, họ để quốc gia cho các viên chức cai quản. Sau hết, các biện pháp cần áp đặt để duy trì quyền lực cho chính phủ-một quyền mà các viên chức ở những nơi xa xăm muốn tránh không thi hành hay chỉ làm để thủ lợi riêng-đã làm tiêu hao tất cả nghị lực của dân chúng, cho nên không còn lại gì để tạo hạnh phúc cho dân chúng; và may ra chỉ còn chút đỉnh để bảo vệ họ khi cần. Vì vậy một cơ cấu quá lớn cho thể chế của nó sẽ tự sụp đổ và bị đè bẹp bởi chính sức nặng của mình.

Còn nữa, quốc gia phải có một nền móng vững chắc để có sự ổn định, để chống với các xáo trộn mà nó không thể tránh được, và để từ đó có thể phát huy các nỗ lực cần thiết để duy trì sự sống còn; bởi vì tất cả các dân tộc đều chịu một loại lực ly tâm làm cho chúng luôn luôn chống đối nhau và có khuynh hướng bành trướng qua đất của nước láng giềng, y như các cơn lốc xoáy của Descartes.[a] Vậy nên nước yếu có thể bị nước lớn nuốt trọn; và gần như là không nước nào có thể sống còn trừ trường hợp tự đặt mình vào một vị thế cân bằng với tất cả, để cho áp lực từ mọi phía được cân bằng.

Vậy thì các nhà làm chính trị phải vô cùng khéo léo để lựa chọn, giữa các lý do để bành trướng và lý do để thu nhỏ lại, cái trung dung thích hợp nhất để quốc gia được sống còn. Nói một cách tổng quát, các lý do để bành trướng, hướng ra ngoài và tương đối, phải tùy thuộc vào các lý do để thu nhỏ, hướng vào trong và tuyệt đối; việc đầu tiên là phải thành lập ra một thể chế lành mạnh dựa trên sức mạnh của một chính phủ tốt hơn là dựa trên tài nguyên của một vùng đất rộng lớn.

Ta có thể thêm rằng đã có nhiều quốc gia mà sự cần thiết đi xâm chiếm nằm trong thể chế của họ, và để sống còn, họ bị bắt buộc phải bành trướng không ngừng. Có thể rằng họ tự mãn nguyện về sự cần thiết may mắn này; nhưng nếu ngẫm nghĩ lại thì đi kèm với sự bành trướng có giới hạn này là một sự sụp đổ không tránh khỏi.

 

Ghi chú

[a] Descartes (1596-1650) là một bác học thời Phục hưng, ông vừa là một triết gia, nhà toán học, vật lý và thiên văn học, cũng là người nói câu bất hủ: “tôi tư duy nên tôi hiện hữu.” Ông cũng là cha đẻ ra hệ tọa độ trực chuẩn cho môn hình học giải tích. Về thiên văn học, Descartes đưa ra thuyết “Lốc xoáy,” theo thuyết này thì vũ trụ chứa đầy những vật thể dưới nhiều dạng khác nhau và quay cuông theo những cơn lốc xung quanh mặt trời. (HVCD).