fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 10

Dân chúng (tiếp theo)

 

Người ta có thể đo lường [sức mạnh] của một cơ cấu chính trị bằng hai cách: hoặc bằng sự rộng lớn của đất đai, hoặc bằng dân số, và giữa hai yếu tố đó, một sự tương quan đúng đắn sẽ tạo nên một quốc gia hùng mạnh thật sự. Con người tạo ra quốc gia, và đất đai nuôi con người; vậy sự tương quan này là có đủ đất đai để nuôi sống người dân và có vừa đủ số dân để cư ngụ trên lãnh thổ. Chính trong cái tỷ lệ này ta có thể tìm thấy sức mạnh tối đa nằm trong dân số; bởi vì lãnh thổ quá rộng lớn, sẽ mang lại khó khăn trong việc bảo vệ nó cũng như trong sự trồng trọt, và có thể sản xuất nhiều hơn nhu cầu; và đó là nguyên nhân của chiến tranh tự vệ. Nếu không đủ đất đai, quốc gia sẽ tùy thuộc vào các nước láng giềng vì [phải nhập cảng lương thực] thiếu thốn [từ nước ngoài], và trong tương lai sẽ xảy ra chiến tranh xâm lược. Bất cứ dân tộc nào, mà địa thế của mình bắt buộc phải lựa chọn giữa thương mại và chiến tranh, là một dân tộc yếu kém: nó tùy thuộc vào các nước láng giềng, và vào các hoàn cảnh [không kiểm soát được]; sự sống còn của một dân tộc như vậy luôn luôn bất trắc và ngắn ngủi. Hoặc là nó phải xâm chiếm các nước khác để thay đổi hoàn cảnh khó khăn của mình, hoặc là bị xâm chiếm và bị tiêu diệt. Một dân tộc như vừa nói, chỉ có thể giữ được tự do bằng cách bành trướng thành một nước mạnh hoặc co rút lại thành một không nước đáng kể.

Ta không thể tính được chính xác mức tương quan giữa sự rộng lớn của đất đai và dân số để xem đâu là sự cân bằng, vì [nhiều lý do khác nhau như] sự khác biệt giữa phẩm chất, độ màu mỡ của đất, các loại sản phẩm, ảnh hưởng của thời tiết, và tánh tình khác nhau của dân ở đó; dân trên đất màu mỡ có thể ăn ít trong khi dân trên đất cằn cỗi lại ăn nhiều. Ta còn phải kể đến mức sinh sản nhiều hay ít, đến các điều kiện thuận lợi hay khó khăn cho mức tăng trưởng dân số, đến tầm mức ảnh hưởng của các luật lệ mà nhà làm luật mong áp dụng. Vậy nhà làm luật không nên dựa trên những gì mình thấy mà trên những gì mình dự đoán; cũng không nên dựa vào tình trạng của dân số hiện tại mà phải tiên đoán mức tăng trưởng của dân số một cách tự nhiên. Cuối cùng có vô số tình huống trong đó các hoàn cảnh địa phương đặc biệt bắt buộc hoặc cho phép một sự bành trướng lãnh thổ lớn hơn là cần thiết, như là sự bành trướng các vùng núi mà ở đó các tài nguyên thiên nhiên – rừng, đồng cỏ – đòi hỏi ít sức lao động, ở đó kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ sinh sản cao hơn là ở miền đồng bằng, và ở đó một vùng đồi núi chỉ cho phép một khoảng đất nhỏ hẹp dành cho sự trồng trọt. Ngược lại, đất đai có thể thu hẹp lại dọc theo ven biển, ngay cả ở các vùng đất đá và cát, bởi vì nghề đánh cá có thể thay thế phần lớn cho sản phẩm của đất đai và con người phải tụ họp đông đảo để chống lại bọn cướp biển; và hơn nữa họ có thể dễ dàng đi chinh phục các thuộc địa để giảm bớt gánh nặng dân số.

Ngoài những điều kiện kể trên, ta phải cần thêm một yếu tố khác nữa; tuy rằng yếu tố này không thay thế được các điều nói trên, nhưng nếu không có nó thì tất cả các điều ấy đều vô dụng: đó là sự sung túc và hòa bình trên lãnh thổ; vì trong thời gian mà một quốc gia đang ở trong tình trạng xây dựng – giống như thời gian một tiểu đoàn đang được thành lập – là lúc đơn vị này ít có sức đề kháng nhất và là lúc dễ bị tiêu diệt nhất. Một quốc gia có thể tự vệ một cách hữu hiệu trong lúc loạn lạc nhất, hơn là trong thời kỳ xây dựng nhà nước, là lúc mà mọi người chỉ bận tâm với tư thế của mình hơn là đối đầu với nguy cơ. Nếu chiến tranh, đói kém hay nổi loạn xảy ra vào thời kỳ nguy hiểm này thì nhà nước đó không tránh khỏi bị lật đổ.

Không phải là không có nhiều chính quyền được dựng lên trong những lúc bão tố như vậy, nhưng trong trường hợp ấy thì chính các chính quyền đó lại là những kẻ phá hủy quốc gia. Các kẻ tiếm quyền gây nên hoặc lợi dụng các thời kỳ xáo trộn đó để nhân sự khiếp sợ của quần chúng mà cho thông qua các luật lệ nguy hại, những luật lệ mà dân chúng không bao giờ chấp nhận khi tỉnh trí. Cách chắc chắn nhất để phân biệt việc làm của nhà lập pháp và của bạo chúa là nhìn xem thời điểm luật pháp được ban hành.

Vậy thì dân tộc nào là dân tộc thích ứng cho pháp luật? Đó là một dân tộc đã được kết hợp bằng sợi dây liên hệ hoặc về nguồn gốc, về lợi ích, hay trên một quy ước [đồng thuận với nhau], và chưa bao giờ thật sự mang cái ách luật pháp; một dân tộc không bị ảnh hưởng sâu đậm của tục lệ, dị đoan; một dân tộc không sợ bị áp đảo bởi một cuộc xâm chiếm bất thần; một dân tộc không dính líu với các sự bất hoà của các nước láng giềng và có thể một mình chống cự với mỗi nước hay liên kết với nước này để đẩy lui nước kia; một dân tộc trong đó mỗi người dân có thể được tất cả mọi người biết đến và ở đó không một ai bị bắt buộc phải mang một gánh nặng lớn hơn sức chịu đựng của mình; một dân tộc có thể không cần đến các dân tộc khác, và các dân tộc khác cũng không cần đến họ; [1] một dân tộc không qúa giàu và cũng không qúa nghèo và có thể tự túc được; sau rốt một dân tộc có khả năng kết hợp tính nhất quán [trong đặc tính] của một dân tộc xưa với tính uyển chuyển của một dân tộc mới [sống trong pháp luật]. Điều khó khăn cho việc làm luật pháp không phải là việc thiết lập mà là việc hủy bỏ; và điều này hiếm khi thành công là vì không thể tìm ra được tính chất đơn giản của thiên nhiên cộng với các nhu cầu [phức tạp] của xã hội. Kết hợp được các điều kiện này với nhau là điều khó, vì lý do đó ít quốc gia nào có được một thể chế tốt.

Ở Âu châu còn có một quốc gia có thể thích hợp với pháp luật được: đó là đảo Corse. Dân đảo này đã đoạt lại và bảo vệ sự tự do của mình một cách dũng cảm và kiên trì, và họ đáng được một nhà hiền triết chỉ cho họ cách giữ gìn nó. Tôi có cảm tưởng rằng một ngày nào đó hòn đảo bé nhỏ này sẽ làm cho cả Âu Châu kinh ngạc.

 

 Ghi chú


[1] Trong hai dân tộc láng giềng mà một dân tộc này phải nhờ cậy đến dân tộc kia thì đó sẽ là một tình huống rất khó khăn cho dân tộc thứ nhất, và rất nguy hiểm cho dân tộc thứ hai. Trong trường hợp này một quốc gia khôn khéo nên cố gắng giúp nước kia thoát khỏi sự tùy thuộc này. Nước Cộng Hoà Thlascala, nằm trong đế quốc Mễ Tây Cơ chẳng thà không cần đến muối còn hơn là phải mua muối từ dân Mễ, và từ chối không nhận ngay cả khi được Mễ tặng không. Dân Thlascala đã khôn ngoan thấy cái bẫy che dấu dưới sự hào phóng này. Họ gìn giữ sự tự do của họ, và quốc gia nhỏ bé này, nằm chìm giữa Đế quốc Mễ to lớn, lại là nguồn gốc cho sự sụp đổ của đế quốc này.