Tyler Brandt
Bạn hình dung một xã hội tự do là như thế nào?
Đó phải chăng là một xã hội không tưởng nửa chủ nghĩa tư bản, nửa vô chính phủ, nơi mà các cá nhân được tự do vác nguyên khẩu súng trường tự động AK 47s xả đạn bắn vào mẫu khai thuế 1040 EZ trên cánh đồng trồng cần sa của mình? Đó phải chăng là một xã hội hài hòa không phải tuân theo các kế hoạch tập trung quan liêu, nơi mà người ta được tự do buôn bán và tham gia vào hoạt động thương mại? Đó phải chăng là căn hộ của riêng bạn, nơi không ai kêu la bắt bạn rửa chén?
Những yếu tố nào là cần thiết để tồn tại trong một xã hội tự do? Nó có phải là sự tin cậy, tính độc lập, lòng khoan dung hay hòa bình? Nó có phải là tinh thần thượng tôn pháp luật và sự chiến thắng của các quyềntự do tự nhiên?[1] Nó có phải là sự vắng bóng của cưỡng bách?
Vài câu hại não cho vui, nhưng tôi muốn hỏi bạn để góp thêm một cách nhìn. Không thể có một xã hội tự do mà không có một tinh thần trách nhiệm đúng mức.
Tôi biết là mình có vẻ như đang lên lớp dạy đời, nhưng hãy cứ nghe đã, được chứ?
Sự Thiếu vắng Tinh thần Trách nhiệm Là sự Hỗn loạn
Tự do và trách nhiệm là hai thứ không thể tách rời. Thoạt nghe, điều này có vẻ là một nghịch lý khi mà trách nhiệm là một sự kìm hãm cố hữu đối với tự do. Đã nói đến trách nhiệm là không có sự linh động và tự do tự tại. Tuy nhiên, những người thực sự muốn có tự do thì cũng muốn kèm theo sự tự chịu trách nhiệm.
Nếu họ không mang trên vai gánh nặng trách nhiệm, thì thế giới sẽ biến thành một nơi đầy hỗn loạn.
Khi mỗi người trở thành chủ nhân của chính mình, người đó cũng phải chấp nhận rằng những hành động mà họ thực hiện sẽ mang đến những hệ quả thực sự. Rằng anh ta sau đó sẽ phải chọn lựa một cách cẩn trọng với những hành động mà họ thực hiện với tư cách họ là người chịu trách nhiệm cho những hệ quả đó. Nếu không có một tinh thần trách nhiệm đúng đắn, những người có tinh thần tự quyết và tự định hướng sẽ không thể tạo nên một xã hội phồn vinh.
Phải mang trên vai gánh nặng của hệ quả buộc mỗi cá nhân nhận lấy sức nặng của riêng họ và tạo dựng mỗi góc của thế giới riêng của họ thành một nơi tốt đẹp hơn.Nếu họ không nghiêng vai nhận lấy trách nhiệm, thì thế giới sẽ biến thành một nơi đầy hỗn loạn, một nơi chẳng có gì đáng sống. Hiểu theo nghĩa này trách nhiệm là một thành tố cần thiết của tự do.
Trách nhiệm là Sự chọn lựa
F.A. Hayek dành cả một chương để nói về trách nhiệm và tự do trong cuốn sách Hiến pháp của Tự do của mình. Ông tuyên bố rằng “Tự do và trách nhiệm không thể tách rời.” Ông triển khai tuyên bố này với sự khẳng định,
Một xã hội tự do sẽ không tự vận hành và tồn tại trừ khi các thành viên nhận thức đúng đắn rằng mỗi cá nhân chiếm một vị trí mà ở đó những kết quả có được là từ hành động của anh ta và nhận rằng nó là do hành động của chính anh ta. Cho dù cái mà cuộc sống có thể mang đến cho cá nhân đó chỉ là những cơ hội và cho dù kết quả cho những nỗ lực của anh ta có có phụ thuộc vào vô vàn những sự tình cờ, thì anh ta cũng phải định hướng dứt khoát sự tập trung của mình đến những trường hợp mà anh ta có thể kiểm soát, coi chúng là những thứ duy nhấtthật sự quan trọng.
Ở đây chúng ta thấy tại sao tinh thần trách nhiệm là điều kiện cần thiết của tự do. Nhưng tại sao chúng ta thậm chí lại muốn sống trong một xã hội mà ở đó các cá nhân bị buộc phải nhận lấy trách nhiệm? Sao ta không nên để các cá nhân tự quyết định lấy con đường mình đi? Sẽ chẳng tốt hơn hay sao nếu sống trong một thế giới mà một ông vua triết gia[2] sẽ quyết định những giá trị đạo đức và vai trò mà người ta nên thực hiện, vì thực tế là một số người thậm chí không có khả năng để tự chịu trách nhiệm với bản thân họ? Về điều này, Hayek nói:
Điều này không có nghĩa là một người sẽ luôn được cho là là người quyết định sáng suốt nhất về những gì là tốt cho anh ta; nó có nghĩa rằng chúng ta không bao giờ có thể dám chắc ai đó hiểu biết về anh ta hơn chính anh ta và rằng chúng ta mong sao tận dụng hết khả năng của những ai mà có thể đóng góp gì đó cho nỗ lực chung là khiến môi trường phục vụ cho những lợi ích của con người.
Đó là lý do vì sao ta nên áp dụng tự do và trách nhiệm một cách nghiêm túc. Dù cho một người có thể không biết được điều gì là tốt nhất cho anh ta, thì ngoài anh ta ra không ai biết rõ hơn được. Điều đó có nghĩa là chúng ta cứ để các cá nhân tự quyết định làm sao để sử dụng khả năng của họ một cách tốt nhất có thể để phục vụ tốt hơn cho xã hội.
Trách nhiệm và Lợi thế So sánh
Tinh thần trách nhiệm giúp cho con người tăng thêm nhiều lợi thế so sánh. Đó là, ta cứ để mọi người trau rèn những kỹ năng và khả năng độc đáo của mình để sau này đem ra sử dụng ở một lĩnh vực cụ thể của cuộc sống. Bạn có thể là một nhạc sỹ xuất chúng, một thợ mộc tài hoa, một học giả, hay một nhà thiết kế đồ họa cũng như bao nghề nghiệp khác. Kinh tế học căn bản cho rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu các nước giao thương một cách tự do những hàng hóa mà họ có khả năng tốt nhất để cung ứng, vậy thì sao lại không mang luận lý này áp dụng với các cá nhân?
Hayek cũng nói,
Niềm tin rằng sự thành công [của một người] phụ thuộc hoàn toàn vào chính anh ta có lẽ là động cơ thực tế có sức ảnh hưởng nhất đến mức độ thành công của hành động; trong khi một người mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh về những thất bại của mình, thì anh ta dường như sẽ càng trở nên bất mãn và chẳng làm nên trò trống gì.
Trách nhiệm tự thân khiến con người ta luôn trau rèn những kỹ năng, đức hạnh, và năng lực cho tốt nhất. Nếu thiếu trách nhiệm tự thân thì chẳng thể có trách nhiệm chung. Còn nếu đã xác định là cha chung, thì chẳng có ai mà buồn khóc cả. Đó là một xứ sở của sự trì trệ. Nếu ta muốn có một xã hội hiệu năng, thì hãy để cho tự do và tinh thần trách nhiệm được tồn tại.
Tinh thần trách nhiệm Dẫn tới Đời sống Học tập và Có ý nghĩa
Niềm tin rằng thành công phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn cũng là cách tốt nhất để học tập. Đó là niềm tin rằng tinh thần trách nhiệm sẽ giúp bạn học hỏi từ những hậu quả của hành động của mình.Nếu chúng ta không mang tinh thần trách nhiệm trong những việc mình làm, dù chúng đúng hay sai, ta sẽ không học cách thay đổi cách hành xử để thay đổi kết quả mang lại.
Đây là vấn đề đối với các chính sách phúc lợi xã hội, hành động cứu trợ hệ thống ngân hàng, hay các tình huống khác có liên quan đến sự bất ổn về tâm lý xã hội. Những lợi ích mang lại thì mơ hồ đâu đâu, trong khi phí tổn thì hiển nhiên trước mắt. Nó khiến cho các công ty và người ta thất bại hết lần này đến lần khác, chỉ để tiếp tục chạy theo việc kiếm tìm những lợi íchđược đảm bảo. Chẳng có gì lạ khi những hệ thống của chúng ta kém hiệu quả; không ai chịu trách nhiệm cho sự thất bại cả. Một xã hội được xây dựng dựa trên tinh thần trách nhiệm [của cá nhân] với những thiếu sót của chính mình là cái duy nhất chúng ta có thể học, và bằng việc học tập, chúng ta được thúc đẩy để tạo nên những thành quả tốt đẹp hơn cho chính chúng ta, vàtừ đó, hệ thống cũng tốt đẹp hơn.
Hơn nữa, tinh thần trách nhiệm không chỉ có ích trong việc học tập và xây dựng những xã hội có hiệu suất cao, nó còn là cái mà như Tiến sĩ Jordan B. Peterson gọi là “điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.”
Cuộc đời có ý nghĩa khi sống có trách nhiệm. Bạn càng mang trên mình nhiều trách nhiệm, cuộc đời bạn càng có ý nghĩa. Mức độ trách nhiệm mà bạn tự nguyện ôm vào mình càng cao, cuộc sống của bạn sẽ càng giàu có.
Thế đó. Cuộc sống của bạn phải chăng thiếu ý nghĩa? Cuộc sống của bạn phải chăng toàn điều phù phiếm? Phải chăng bạn đang oán giận? Hãy thử phương thuốc lành mang tên Trách nhiệm của Tiến sĩ Peterson. Phương thuốc này có thể kéo bạn khỏi vết mòn trầm uất mà bạn mắc kẹt ở đó suốt thời gian qua và cho bạn thấy ánh sáng cuộc đời. Việc nhận lấy trách nhiệm nghĩa là nhận lấy điều gì đó đáng để chịu đau khổ, nó có nghĩa là có một vị trí trong đời sống con người, nó có nghĩa là mang đến vẻ đẹp cho thực tại toàn những héo hắt lụi tàn của cuộc sống hỗn mang .
Tượng đài Tinh thần Trách nhiệm mà Frankl đề xuất
Bạn còn chưa tin vào sự quan trọng của tinh thần trách nhiệm? Để tôi cho bạn thấy tấm gương nhà tâm thần học, tác giả đáng kính, và là người sống sót sau cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã, Viktor Frankl. Frankl sinh ra ở Vienna năm 1905. Ông vào Đại học Vienna học y dược và sau đó nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh và tâm lý.
Năm 1942, Frankl bị đẩy đến Khu ghetto Theresienstadt. Ở đó, ông dành thời gian làm công việc của một bác sỹ tâm thần giúp các bạn tù vượt qua những đau khổ và bi kịch của cuộc sống giam cầm. Ông sau đó bị đưa đến trại tập trung Auschwitz[3] rồi một số nơi khác cho đến khi được giải thoát vào tháng Tư năm 1945.
Sau thời gian ở các trại tập trung, trải qua sự đau khổ khốn quẫn và những hố sâu đen tối cùng cực mà con người có thể chịu đựng, ông đã viết cuốn sách Đi tìm Lẽ sống. Trong cuốn sách, ông kể về những trải nghiệm của bản thân nhưng cũng nói về việc làm sao để có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong lúc gánh chịu đau khổ. Ông nói về tinh thần trách nhiệm như một phần của vấn đề nan giải đó. Frankl đã tin vào sức mạnh của tinh thần trách nhiệm mãnh liệt đến nỗi ông thậm chí đã đề xuất ý tưởng về một “tượng đài tinh thần trách nhiệm.”
Tự do, tuy nhiên, không phải là cái duy nhất cần có. Tự do chỉ là một phần của câu chuyện và là một nửa của sự thật. Tự do chỉ là mặt tiêu cực của cái mà mặt tích cực của nó là tinh thần trách nhiệm. Trên thực tế, tự do có nguy cơ trở thành sự tùy tiện nếu không được đặt trong các chuẩn mực của tinh thần trách nhiệm. Đó là lý do tại sao tôi lại đề nghị là Tượng Nữ thần Tự do ở Bờ Đông [nước Mỹ] nên được đối trọng bởi Tượng đài Trách nhiệm ở Bờ Tây [nước Mỹ].
Đây là điều đầy sức mạnh: nếu một người như Frankl có thể bị khuất phục bởi nỗi tuyệt vọng cùng cực nơi các trại tập trung mà vẫn có thể bước ra với một thái độ lạc quan về ý nghĩa cuộc sống và tinh thần trách nhiệm, thì bạn cũng thế, có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời mình. Hãy thôi đỗ lỗi cho những trắc trở trong đời và nhận lấy, trong khả năng của mình, càng nhiều trách nhiệm càng tốt. Nếu người ta có thể tận mắt chứng kiến những người thân yêu của họ bị bỏ đói đến da bọc xương chỉ để nhận lấy cái chết tức tưởi nơi các phòng hơi ngạt, thì bạn có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào và sống một cuộc đời có mục đích. Đó không phải là điều dễ dàng, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng việc nhận lấy những trách nhiệm nhỏ thôi ngay hôm nay. Đó là triết lý hành động.
Tự do và trách nhiệm là hai điều không thể tách rời. Không chỉ vì tinh thần trách nhiệm là một điều kiện cần cho một xã hội tự do phát triển thịnh vượng, nó sẽ còn giúp bạn trở nên con người tốt nhất có thể. Tinh thần trách nhiệm giúp bạn trau rèn những kỹ năng mà mình giỏi nhất để sau cùng đem ra thi thố với đời. Điều này tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn và một cuộc sống có ý nghĩa. Sống có trách nhiệm cho bạn cảm giác sống có mục đích. Hãy kiến tạo [cho chính mình] một con người tốt đẹp hơn, kiến tạo một đời sống ý nghĩa, và bằng cách đó, bạn sẽ là một phần kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Vũ Văn Duy chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, June 2018
Tyler Brandt tốt nghiệp Cử nhân Chính trị tại đại học UW-Madison. Khi học đại học, Tyler là Đại sứ của FEE, Chủ tịch phân hội YAL và là Nghiên cứu sinh tại Học viện John K. MacIver về Chính sách Công.
[1] Tác giả dùng từ “negative rights” trong bài viết này. Khái niệm về quyền được Isaiah Belin đề xướng năm 1958. Theo Berlin, những quyền “tiêu cực” là những quyền một chủ thể có mà không bị cản trở hay được giúp đỡ của tác nhân bên ngoài; thí dụ như quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng. Từ tiêu cực (negative) được sử dụng để cho thấy là quyền này không cần đến tác nhân bên ngoài. Những quyền này còn được gọi là những quyền tự do tự nhiên. Trái lại là quyền tích cực hay còn gọi là thực chứng (positive rights) . Đây là loại quyền mà chủ thể đòi hỏi một tác nhân nào đó phải cung cấp. Thí dụ, bạn là hội viên Hội Cứu trợ Xe hơi. Khi xe bạn bị hỏng dọc đường, bạn có quyền gọi cho Hội này, và họ có bổn phận phải cung cấp dịch vụ cứu trợ cho bạn; hoặc người dân (chủ thể) có quyền đi bầu người đại diện cho mình, và nhà nước (khách thể) phải cung cấp phương tiện cho người dân đi bầu, như lá phiếu và phòng phiếu. Quyền thực chứng là những quyền được ghi lại bằng văn bản.
[2] Theo Plato, trong tác phẩm Cộng hoà, mô hình nhà nước lý tưởng là mô hình trong đó một triết gia lên làm vua, hay chính nhà vua là một triết gia.
[3]Auschwitz là một trong những trại tập trung và diệt chủng kinh khủng nhất của Đức Quốc Xã trong Đệ nhị Thế chiến. Nhà tù này được thiết lập tại Ba Lan. Con số tù nhân chết tại đây từ 1940-1945 là 1,1 triệu người gồm có Do thái, Ba lan, Soviet, và Romani.