fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

CÁ TÍNH CỦA PUBLIUS: TÁC GIẢ CỦA LUẬN CƯƠNG LIÊN BANG (Federalist Papers)

Nông Duy Trường

Ngày nay chúng ta đều biết Luận cương Liên bang, gồm 85 luận cương do Alexander Hamilton, James Madison và John Jay trứ tác dưới cùng một bút hiệu “Publius,”[1] trong khoảng thời gian từ tháng Mười 1787 đến tháng Năm, 1788.[2] Người dân Mỹ không biết căn cước thực của Publius mãi cho đến khi những Luận cương này xuất hiện dưới ấn bản tiếng Pháp vào năm 1792. Mặc dầu ta không thể biết được công chúng lúc đó có nghi ngờ rằng Publius có phải là một người hay không, nhưng âu cũng là điều hợp lý khi đặt câu hỏi liệu những tính cách khác nhau của ba tác giả này có được phản ảnh qua bài viết của họ? Để trả lời câu hỏi này trước hết ta sẽ xem xét cá tính—tổng hợp của gia thế, đức tính, và lối sống của các tác giả—được thể hiện như thế nào qua văn phong; và thứ hai, vì trong số ba tác giả và 85 luận cương này, Hamilton là tác giả viết nhiều nhất (51 bài), Madison (29 bài) và Jay (5 bài), ta sẽ tập trung vào những bài do Hamilton và Madison viết.

Hamilton xuất thân là dân thành thị và là một di dân, ông không có quan hệ gì với bất cứ tiểu bang nào. Ông cũng là một người quốc gia nhiệt thành ủng hộ quan điểm xây dựng một chính quyền quốc gia (trung ương) mạnh. Madison, ngược lại, xuất thân từ gia đình địa chủ, danh gia thế phiệt của tiểu bang Virginia, có thiên hướng trung thành với quyền của tiểu bang. Không những khác biệt nhau về xuất thân và gia thế, hai tác giả còn khác nhau xa về tính tình.[3] Hamilton là một người hướng ngoại, nhiệt thành, đầy năng lực và cảm xúc, trong khi đó Madison là một người hướng nội, kín đáo và dè dặt.[4] Với những sự khác biệt về tính tình và xuất thân như vậy, ta có thể nghĩ rằng những bài xã luận của họ cũng sẽ phản ánh sự khác biệt về cá tính. Thế nhưng, trái lại, khởi đi từ Luận cương đầu tiên đến luận cương cuối cùng, bắt đầu với Luận cương thứ nhất qua đó Hamilton trình bày những điểm chính sẽ được thảo luận, cả hai tác giả đều thể hiện sự hài hoà trong lý luận và văn phong.

Trong 14 luận cương đầu tiên, hai tác giả thay phiên nhau giải thích cho công chúng những lợi điểm của bản hiến pháp mới, từ việc duy trì an ninh nội bộ đến sự ổn định mậu dịch với nước ngoài. Sau Luận cương số 9 do Hamilton viết ngày 21 tháng 11, 1787, Madison viết tiếp Luận cương số 10 vào ngày 22 tháng 11; đây là một trong vài luận cương nổi tiếng nhất trong 85 bài (đây cũng là luận cương đầu tiên do Madison chấp bút). Madison tiếp tục chủ đề Hamilton đã trình bày ở Luận cương 9—“Một liên bang bền vững sẽ trở nên cực kỳ quan trọng cho nền hòa bình và tự do của các tiểu bang như một hàng rào cản chống lại những phe nhóm và sự nổi dậy trong nước” (trg. 38)[5]—với Luận cương 10: “[Liên bang] có khuynh hướng phá vỡ và kiểm soát sự bạo động của phe nhóm” (trg. 43).

Tương tự như vậy, sau khi Hamilton phân tích tỉ mỉ về những lợi điểm kinh tế của liên bang trong số 13, Madison, trong số 14, bắt đầu trình bày về những lợi điểm của một chế độ cộng hòa mở rộng như sau: “liên bang là sự cần thiết [để hình thành] bức tường thành ngăn chận sự nguy hiểm đến từ nước ngoài, là tác nhân bảo vệ hòa bình giữa chúng ta, và là người giám hộ những lợi ích thương mại và những lợi ích chung” (trg. 63). Madison cũng nhắc cho độc giả rằng trong những luận cương trước (dù ông không thực sự viết những luận cương này) là ông đã phản bác những sai lầm trong lý luận của phe Anti-federalist.

Tưởng cũng cần ghi nhận là trong 14 luận cương đầu tiên, Madison chỉ viết có hai bài, và cả hai bài đều được viết sau bài của Hamilton. Trong mạch văn của những luận cương này, người đọc có cảm giác đó là dòng chảy tư tưởng liên tục, liền mạch của một người mà kiến thức, trí tuệ, và lý lẽ hấp dẫn cả nước một cách tha thiết.

Hơn thế, từ luận cương thứ 15 do Hamilton viết, Madison bắt đầu đóng góp thường xuyên hơn vào công trình này. Trong những luận cương từ số 15 đến 22, Hamilton và Madison thay nhau đưa ra những nhược điểm của bản Hiến chương hiện hành (Articles of Confederation). Trong Luận cương 17, Hamilton bảo đảm với công chúng rằng, “sự kiện những cơ quan liên bang có khuynh hướng lạm dụng quyền hành là điều không thể xảy ra” (trg, 84). Trong ba luận cương kế tiếp số 18, 19, và 20, Madison phân tích những bài học lịch sử từ thời cổ Hy-lạp tới Liên bang Đức, tới Liên hiệp Hà-lan để đưa ra những luận chứng cho lập luận của những bài luận cương trước đó.

Tuy nhiên, Hamilton là tác giả viết liên tiếp 13 luận cương tiếp theo, từ số 23 tới số 36. Trong những luận cương này, một mặt Hamilton chứng minh rằng những quyền lực được bản hiến pháp trao cho chính quyền quốc gia, tức chính quyền liên bang, là điều cần thiết để  khắc phục những khó khăn do bản Hiến chương Liên minh các Tiểu bang gây ra, và một mặt (trong số 32) bảo đảm rằng các tiểu bang “giữ lại tất cả chủ quyền tự quyết của tiểu bang” (trg. 156). Là một người được coi là theo chủ nghĩa quốc gia (có nghĩa là chính quyền liên bang), có lẽ cá tính của Hamilton được phản ánh rõ ràng qua những luận văn này.

Sau loạt bài của Hamilton về quyền lực của chính quyền quốc gia, đến lượt Madison viết liên tiếp 17 luận cương, từ số 37 đến số 58, thảo luận về những sự cách tân và thay đổi của bản hiến pháp, cùng những sự khó khăn mà chính quyền mới đang phải đối diện. Nhưng vấn đề quan trọng mà Madison chú trọng vào là liệu Quốc hội Lập hiến có thẩm quyền để kiến tạo bản hiến pháp mới hay không. Madison trả lời câu hỏi này qua Luận cương số 40 với lý luận rằng các đại biểu (đại diện các tiểu bang) vì nhu cầu của tình hình phải thực thi quyền tùy nghi để kiến tạo một chính quyền có khả năng bảo tồn sự liên hiệp giữa các tiểu bang và đáp ứng những nhu cầu của chính quyền mới. Madison tiếp tục thảo luận về những quyền lực của chính quyền và sự phân lập ba ngành của chính quyền trong những luận cương sau đó. Với sự xuất thân của Madison, nhất là sự quan tâm của ông đối với những vấn đề liên quan đến quyền của tiểu bang, ta có thể “cảm” thấy cá tính của ông được thể hiện qua những luận cương này.

Mặc dầu hai tác giả có cá tính khác biệt nhau một cách rõ rệt, như đã trình bày ở trên, độc giả cũng khó lòng phân biệt văn phong cùng lý luận trong những luận cương về chính quyền liên bang, khi cả Hamilton và Madison cùng ủng hộ việc hình thành bản hiến pháp mới và một chính quyền quốc gia mạnh có nhiều quyền lực. Một điều đáng ghi nhận nữa là những bài Luận cương Liên bang được đăng tải trên nhiều tờ báo tại thành phố New York; Hamilton cư ngụ tại thành phố New York, trong khi Madison ở Virginia,[6] và với phương tiện giao thông thời bấy giờ, thật là khó cho cả hai tác giả tham khảo ý kiến của nhau trước khi viết. Do đó, ta có thể kết luận rằng hai tác giả phải rất “tâm đầu, ý hợp” về những chủ đề mà họ đang xiển dương. Tóm lại, Hamilton và Madison có thể có cá tính khác nhau một cách rõ rệt trong đời thường, ngay cả trong quan điểm chính trị, nhưng Luận cương Liên bang xuất hiện trước công chúng như một tác phẩm nhất quán của một người.

———–

[1] Publius là tên của một chính trị gia lỗi lạc xây dựng nên chế độ Cộng hoà La-mã, sau khi đảo chính Lucius Tarquinius Superbus, vị vua cuối cùng của La-mã.

[2] Quốc hội Lập hiến (US Constitution Convention) diễn ra từ tháng Năm đến tháng Chín, 1787 tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Sau khi được soạn thảo xong, bản Hiến pháp phải được 9/13 tiểu bang phê chuẩn (Điều VII, Dự thảo Hiến pháp). New Hampshire (1788) là tiểu bang thứ chín phê chuẩn Dự thảo Hiến pháp. Mãi đến năm 1790 tất cả 13 tiểu bang mới phê chuẩn Bản Hiến pháp. Bản Hiến pháp Mỹ được soạn thảo nhằm xây dựng một thể chế Liên bang (Federalism), một hệ thống chính trị gồm chính quyền liên bang mạnh với nhiều quyền lực và các chính quyền tiểu bang. Những người chủ trương và cổ võ cho chính quyền liên bang được gọi là Federalists, và những người ủng hộ quyền của tiểu bang được gọi là Anti-Federalists. Cả hai phe bút chiến với nhau để tranh luận và thuyết phục đồng bào theo quan điểm của mình. Cũng ví lý do đó mà Luận cương Liên bang ra đời dưới hình thức xã luận đăng trên báo chí. Luận cương Liên bang không những chỉ là những bài xã luận, mà còn là một lý thuyết chính trị  hoàn hảo về chủ nghĩa liên bang.

[3] Lisa Marie De Carolis, “A Biography of Alexander Hamilton,” Chap. 19-22, www: project Rijikuniversiti Gronigen.

[4] George Tindall, “America: A Narrative History.” pp. 327, 329.

[5] Những câu trích dẫn trong bài viết này được trích từ cuốn sách The Federalist do George Carey và James McClellan biên soạn và do nhà xuất bản Kendall/Hunt Publishing Company ấn hành năm 1990.

[6] Khoảng cách từ thành phố New York tới thủ đô Washington vào khoảng 227 dặm (khoảng 365 km). Với phương tiện di chuyển ngày nay, đi hết đoạn đường này phải mất hơn 4 giờ.