Không phải mô hình chính quyền nào cũng thích hợp với mọi quốc gia
Tự do [chính trị], vì không phải là một loại cây trái sinh sôi được ở mọi khí hậu, nên không phải dân tộc nào cũng với tới được. Càng suy ngẫm về nguyên lý này của Montesquieu,[1] ta càng thấy nó đúng; càng chống lại nó chừng nào thì lại càng tạo thêm cơ hội để có thêm những bằng chứng mới xác nhận nó.
Trong tất cả mọi chính quyền, cơ cấu công cộng tiêu thụ mà không sản xuất gì cả. Vậy thì những sản phẩm này từ đâu đến? Từ lao động của các thành viên của nó. Các nhu cầu của cơ cấu công cộng được cung cấp từ số thặng dư của các sản phẩm do mỗi cá nhân tạo ra. Từ sự việc này ta thấy rằng một nhà nước dân sự chỉ tồn tại được khi mà sự lao động của con người sản xuất ra nhiều hơn nhu cầu của họ.
Nhưng không phải ở nước nào số thặng dư cũng giống nhau. Ở một số nước, số thặng dư này rất lớn; ở các nước khác, ở mức trung bình; ở chỗ khác nữa thì là số không; và ở vài nước không những thừa mà lại còn bị thiếu nữa. Mối tương quan giữa sản phẩm và sự sinh sống tùy thuộc vào sự thuận lợi của khí hậu, vào phương thức lao động phù hợp với đất đai, vào bản chất của các loại sản phẩm, vào sức mạnh của dân chúng, vào mức tiêu thụ ít hay nhiều, và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác tạo nên mối tương quan này.
Mặt khác, không phải là tất cả mọi chính quyền đều có cùng một bản chất: có chính quyền ăn nhiều của công hơn các chính quyền khác, và sự khác biệt giữa chúng được căn cứ trên nguyên lý thứ hai này: các đóng góp công cộng càng ở xa nguồn cung cấp thì chúng càng nặng nề. Gánh nặng này không nên được đo lường bằng số thuế má, nhưng bằng con đường mà chúng phải đi về đến nơi xuất phát. Khi sự lưu thông này nhanh chóng và được tổ chức tốt, vấn đề trả ít hay nhiều không quan trọng; dân chúng luôn luôn giàu có và, về phương diện tài chánh, mọi việc đều tốt đẹp. Ngược lại, dù dân chúng có đóng thuế ít đến đâu đi nữa, nếu sự đóng góp ít ỏi này không trở lại cho dân chúng, thì vì phải cho ra không ngừng nên dân chúng sẽ bị kiệt quệ: cho nên quốc gia không bao giờ thịnh vượng và dân chúng luôn luôn chỉ là những kẻ ăn mày.
Từ đó có thể nói rằng, khi khoảng cách từ dân chúng đến chính quyền càng gia tăng, thì sự đóng góp càng nặng nề: vì thế, trong nền dân chủ, dân chúng mang một gánh nhẹ nhất; với chính quyền quý tộc gánh nặng hơn và trong nền quân chủ gánh nặng nhất. Cho nên quân chủ chỉ thích hợpvới nước giàu; quý tộc cho các nước trung bình về diện tích và của cải; và nền dân chủ cho các nước nhỏ và nghèo.
Thật ra, càng suy nghĩ, chúng ta càng thấy rằng sự khác biệt giữa các quốc gia tự do và các vương quốc như thế này: trong các quốc gia tự do mọi thứ đều được sử dụng cho lợi ích công cộng; trong các vương quốc, quyền lực công và quyền lực tư luôn tranh giành lẫn nhau, và khi quyền lực bên này tăng lên thì bên kia phải kém đi; rốt cuộc, thay vì cai trị để làm cho thần dân có hạnh phúc, các nhà độc tài lại làm cho dân chúng khốn cùng để cai trị họ.
Rồi, ta thấy, trong mỗi khí hậu, có những yếu tố thiên nhiên mà theo đó ta có thể chọn một loại chính quyền thích hợp với khí hậu đó, và ngay cả loại dân chúng nào sẽ thích hợp với khí hậu nào.Ở những nơi đất đai hoang vu và khô cằn, nơi mà ở đó các sản phẩm làm ra không bõ với công sức lao động bỏ ra, thì nên để hoang, không nên trồng trọt, hoặc chỉ dành cho dân mọi rợ; ở những nơi mà sức lao động chỉ sản xuất vừa đủ để sống thì nên để dân man rợ ở-nơi đó không thể xây dựng được một xã hội chính trị. Ở các nơi mà ở mức thặng dư sản phẩm trên sức lao động được kha khá thì thích hợp cho dân tự do. Còn ở những nơi có đất đai rộng lớn và phì nhiêu, làm ít mà đạt được nhiều sản phẩm, thì nơi đó thích hợp với chính quyền quân chủ, để cho số dư của các sản phẩm thừa của dân chúng có thể thỏa mãn cho sự xa hoa của vua chúa: bởi vì tốt hơn hết là để cho sự dư thừa này được tiêu thụ bởi chính quyền hơn là để cho cá nhân phung phí. Tôi biết rằng có những ngoại lệ; nhưng chính ngoại lệ đó chứng thực định luật này, chóng hay chầy, các ngoại lệ này sẽ tạo ra các cuộc cách mạng để khôi phục lại trật tự tự nhiên.
Ta hãy luôn luôn tách biệt các quy luật chung ra khỏi các nguyên nhân cá biệt, vì các nguyên nhân này có thể ảnh hưởng đến các quy luật. Nếu tất cả các nước thuộc miền Nam theo thể chế cộng hoà, và miền Bắc với quốc gia chuyên chế, thì quy luật này cũng vẫn đúng, ít nhất là về phương diện khí hậu, đó là, sự chuyên chế thích ứng với khí hậu nóng, sự man rợ với các nước có khí hậu lạnh, và một chính quyền tốt với các khí hậu ôn hòa. Tôi cũng thấy rằng, nếu ta chấp thuận quy luật này, có thể có những sự bất đồng ý kiến khi áp dụng nó, vì cũng có thể có các xứ lạnh rất phì nhiêu, và có xứ nóng ở đó không thể trồng trọt được. Nhưng khó khăn này chỉ xảy ra cho những ai không xem xét vấn đề dưới mọi khía cạnh. Như tôi đã nói, [khi bàn đến việc hình thành một chính thể] chúng ta phải tính luôn đến các yếu tố lao động, sức mạnh, mức tiêu thụ, vân vân.
Ta hãy lấy hai miếng đất rộng bằng nhau, một miếng đem lại lợi tức năm, miếng kia mười. Nếu dân chúng miếng đất thứ nhất tiêu thụ bốn và miếng thứ hai tiêu thụ chín, thì mức dư thừa của miếng thứ nhất là một phần năm và miếng thứ hai là một phần mười. Tỷ lệ của mức dư thừa đó vậy là tỷ lệ nghịch với mức sản xuất, và miếng đất chỉ sản xuất năm có một mức dư thừa hai lần lớn hơn miếng sản xuất mười.
Nhưng không có vấn đề một sự sản xuất gấp đôi, và một các tổng quát, tôi không nghĩ rằng lại có ai đó đánh đồng sự phì nhiêu của các nước có khí hậu lạnh với các nước có khí hậu nóng. Tuy nhiên, giả sử rằng có sự đồng đều như vậy: thí dụ, ta hãy đặt nước Anh ngang hàng với Sicily, và Ba Lan ngang hàng với Ai Cập – xa hơn về phía nam ta có Phi Châu và Ấn Độ; xa hơn về phía bắc không có gì cả. Để đạt được sự cân bằng về sản xuất, có sự khác biệt nào trong sự trồng trọt? Ở Sicily, chỉ cần cào đất; ở Anh con người phải cực nhọc hơn biết bao! Ở đâu mà cần phải có nhiều lao động hơn để cùng có một mức sản xuất, ở đó mức dư thừa phải ít hơn.
Ngoài ra, ta nhận thấy rằng, cũng cùng một số người, nhưng ở các xứ nóng, người ta lại tiêu thụ ít hơn. Khí hậu đòi hỏi người ta ăn uống vừa phải để được mạnh khỏe: ở nơi đó, dân Âu Châu muốn sống như ở nước mình thì sẽ bị chết hết vì kiết lỵ và ăn không tiêu. Chardin có nói rằng: “Chúng ta là những con thú ăn thịt, những con chó sói khi so sánh với dân Á Châu. Có người cho rằng sự điều độ của dân Ba-Tư là do nơi đất nước đó không có trồng trọt nhiều; nhưng tôi tin tưởng rằng xứ ấy ít thực phẩm hơn vì dân chúng có nhu cầu ít hơn. Nếu sự thanh đạm của họ là kết quả của sự trơ trụi của đất đai, thì chỉ có dân nghèo là ăn ít, nhưng tất cả mọi người đều ăn ít như vậy, lại nữa, tùy theo sự phì nhiêu của đất đai, dân chúng ăn ít hay nhiều tùy theo các vùng; nhưng người ta nhận thấy sự thanh đạm ấy có trong toàn cõi xứ sở. Dân chúng rất tự hào về lối sống của mình, cho rằng ta chỉ cần nhìn nưóc da của họ để phải công nhận rằng lối sống ấy tốt hơn hẳn lối sống của người dân công giáo. Đúng vậy, dân Ba-Tư có một nưóc da tốt: da của họ đẹp, mịn màng, trong khi nước da của dân Armenians, một sắc dân lệ thuộc và sống theo kiểu người Âu Châu, thì bị sần đỏ, và thân thể của họ thì thô kệch và nặng nề!!”
Ta càng đến gần đường xích đạo thì dân chúng càng sống đạm bạc. Dân chúng rất ít đụng đến thịt; họ thường ăn gạo, bắp, kê và sắn. Ở Ấn Độ có hàng triệu người mà thức ăn không tốn hơn một xu một ngày. Ngay tại Âu Châu, ta có thể nhận thấy các khác biệt về ăn uống giữa dân miền Bắc và miền Nam. Một người Tây Ban Nha có thể sống một tuần bằng bữa ăn tối của một người Đức. Ở các nước mà con người ăn nhiều, có sự xa hoa về các vật liệu tiêu dùng. Ở Anh, sự xa hoa là một bàn đầy thức ăn; ở Ý, ta có thể ăn thỏa thuê đồ ngọt và có cả hoa bày biện trên bàn.
Cũng có sự khác biệt trong xa hoa về quần áo. Ở các xứ với sự thay đổi thời tiết mau chóng và dữ dội, người dân mặc áo quần tốt hơn và giản dị hơn; ở những chỗ mà áo quần chỉ là đồ trang trí và người ta chọn sự làm đẹp hơn là sự tiện dụng, thì áo quần là những xa xỉ phẩm. Tại Naples, mỗi ngày ta có thể thấy đàn ông đi dạo tại phố Pausilippeum mặc áo thêu chỉ vàng và không mang vớ. Sự khác biệt cũng như vậy trong nhà cửa; người ta chỉ nghĩ đến vẻ lộng lẫy khi người ta không sợ gì về thời tiết. Ở Paris và London, ta thích ở trong nhà ấm và đủ tiện nghi; ở Madrid người ta có những phòng khách tráng lệ nhưng cửa sổ lúc nào cũng mở toang và phòng ngủ giống như những ổ chuột.
Ở các xứ nóng, thức ăn có chất lượng và ngon hơn; đây là sự khác biệt thứ ba và sự khác biệt này ảnh hưởng tới sự khác biệt thứ hai nói trên. Tại sao người ta ăn quá nhiều rau ở Ý? Bởi vì chúng có vị ngon và bổ dưỡng hơn. Ở Pháp, rau chỉ được tưới nước, chúng không bổ dưỡng và bị xem thường trên bàn ăn. Rau cải cũng chiếm chừng đó đất và cũng đòi hỏi chừng đó công sức lao động. Có một sự kiện đã được minh chứng rằng lúa mạch của Barbary, trên nhiều khía cạnh thì thua lúa mạch của Pháp nhưng lại cho nhiều chất bột hơn, và lúa mạch của Pháp lại có nhiều chất bột hơn lúa mạch của các nước miền bắc; từ đó ta có thể suy một cách tổng quát rằng có một sự xếp bậc thứ tự như vậy từ xích đạo lên đến Bắc Cực. Nhưng đấy chẳng phải là một sự bất lợi hiển nhiên khi cùng một sản phẩm lại chứa ít chất bổ hơn hay sao?
Từ các nhận định vừa nêu, ta có thể có thêm một nhận định nữa, phát xuất từ các điểm nêu trên mà ra và [đồng thời] xác nhận các điểm ấy. Đó là các xứ nóng cần ít dân số hơn các nước có khí hậu lạnh và có thể nuôi sống một số đông dân hơn; vậy nên có một sự dư thừa gấp đôi làm lợi cho các chế độ chuyên quyền. Một vùng đất có dân số cố định, diện tích càng rộng chừng nào thì việc nổi loạn càng khó chừng đó, vì một hành động nhanh chóng và bí mật không xảy ra được, và bị chính quyền dễ dàng phát hiện ra các mưu toan và cắt các đường liên lạc; nhưng nếu một số đông dân chúng càng tụ họp gần nhau thì chính quyền càng ít có cơ hội tiếm quyền của Hội đồng Tối cao. Các thủ lãnh của dân chúng có thể thảo luận với nhau một cách an toàn cũng như Vua thảo luận trong nội các của mình, và đông đảo dân chúng có thể tụ họp tại các công trường cũng mau chóng như quân lính tụ họp tại các trại của họ. Cho nên lợi thế của chính quyền bạo ngược là hành động trên những khoảng cách lớn. Nhờ có các điểm tụ họp đã được ấn định từ trước, sức mạnh của chính quyền như sức mạnh của một đòn bẩy, lớn theo với khoảng cách[2] . Về mặt khác, sức mạnh của quần chúng chỉ có hiệu quả khi tập trung lại; một khi đã trải rộng ra, nó biến mất đi như thuốc súng rải trên mặt đất, chỉ cháy từng hạt một. Các xứ càng ít dân cư càng thích hợp cho chế độ chuyên chế: các con thú dữ nhất chỉ ngự trị trong các miền sa mạc.
© Học Viện Công Dân 2007
_____
[1] Montesquieu, The Spirit of Laws, XIV
[2] Việc này không trái ngược với cái gì tôi đã nói (Quyển II, chương 9) về các bất lợi của các nước lớn; trong đoạn trên, chúng ta đề cập đến quyền hành của chính quyền đối với các thành viên của mình; trong khi tại đây chúng ta đề cập đến sức mạnh của chính quyền đối với người dân. Các thành viên của chính quyền được rải rộng ra và là những điểm tựa để chính quyền hành động từ xa đối với dân chúng; nhưng chính quyền không có điểm tựa để hành động trực tiếp đối với chính các thành viên của mình. Vậy nên, trong trường hợp này, chiều dài của đòn bẩy lại là điểm yếu của chính quyền, nhưng lại là sức mạnh trong trường hợp khác.