fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 9

Các dấu hiệu của một chính quyền tốt

Khi ta hỏi một các xác quyết rằng chính quyền nào là chính quyền hoàn hảo nhất, ta đặt ra một câu hỏi không thể trả lời được, vì hoặc là câu hỏi này quá mơ hồ, hoặc là có quá nhiều câu trả lời thỏa đáng, cũng nhiều bằng tổng số các tổ hợp của các quốc gia trong những tình trạng tuyệt đối cũng như tương đối.[a]

Nhưng nếu hỏi rằng có dấu hiệu nào cho ta thấy một dân tộc được cai trị tốt hay xấu, thì đó lại là chuyện khác, và vì câu hỏi bây giờ là một sự kiện nên có thể trả lời được.

Tuy nhiên, không có ai trả lời vì ai cũng muốn trả lời theo cách của mình. Thần dân thì ca tụng an ninh công cộng, công dân thì lại ưa chuộng tự do cá nhân; thần dân muốn có bảo đảm về tài sản, trong khi công dân muốn có bảo đảm về nhân-thân; thần dân thì cho rằng chính quyền tốt nhất là chính quyền nghiêm khắc nhất, còn công dân thì lại thích một chính quyền khoan dung. Thần dân muốn tội ác phải được trừng trị, công dân lại muốn tội ác nên được ngăn ngừa; thần dân muốn quốc gia phải được các nước láng giềng e sợ, trong khi công dân chỉ muốn không có ai chú ý đến mình. Thần dân cảm thấy hài lòng khi tiền bạc luân lưu, còn công dân thì chỉ muốn có đủ cơm ăn. Dù rằng ta có đồng ý trên những điều [khác nhau] đó và ngay cả trên những điểm tương đồng, ta có thể tiến gần lại lời giải cho vấn nạn này hay không? Ngay cả khi ta cùng chấp nhận một tiêu chuẩn, liệu ta có cùng đồng ý về cách thức áp dụng tiêu chuẩn này hay không, khi mà các giá trị tinh thần không thể đo lường được một cách chính xác?

Về phần tôi, tôi lại luôn luôn ngạc nhiên khi thấy có một tiêu chuẩn đơn giản mà hoặc người ta không nhận ra, hoặc bị cố ý gạt đi. Mục đích của một sự kết hợp chính trị là gì? Đó là sự bảo tồn và thịnh vượng của các thành viên. Và dấu hiệu chắc chắn nhất của các điều ấy là gì? Đó là dân số và mức độ sinh sản. Vậy đừng tìm kiếm ở đâu khác các dấu hiệu luôn được bàn cãi. Nếu mọi yếu tố khác được coi như bằng nhau, thì một chính quyền tốt nhất, một cách chắc chắn và không còn nghi ngờ gì nữa, phải là một chính quyền có dân số gia tăng và sinh sôi nhiều nhất mà không cần đến các phương tiện trợ giúp bên ngoài như di dân hoặc thuộc địa. Một chính quyền có dân số giảm bớt và chết dần mòn là một chính quyền tệ hại nhất. Hỡi các nhà thống kê, bây giờ là công tác của quý vị: hãy đếm, đo, và so sánh.[1]

© Học Viện Công Dân 2007

Ghi Chú:

[a] Có lẽ Rousseau muốn ám chỉ đến phép đếm hoán vị (permutation) chứ không phải phép đếm tổ hợp (combination) trong câu này. Giả sử có một tập hợp gồm 4 vật thể {a, b, c, d}, thì sẽ có 6 cách để lựa ra tổ hợp gồm 2 vật thể, gồm có {a, b}, {a, c}, {a, d}, {b, c}, {b, d}, và {c, d}. Trong cách chọn lựa này thứ tự vật được chọn không quan trọng, thí dụ {a, b} và {b, a} là 2 tổ hợp giống nhau. Tuy nhiên, nếu thứ tự được chọn là điều quan trọng thì {a, b} và {b, a} sẽ là 2 tổ hợp khác nhau. Trong trường hợp này, từ tập hợp {a, b, c, d}, sẽ có đến 12 cặp hoán vị khác nhau gồm 2 vật thể.

[1] Ta phải đánh giá các thế kỷ trước trên cùng một nguyên tắc để xem thời nào đáng được mến mộ vì đã làm cho nhân loại được thịnh vượng. Người ta đã quá ngưỡng mộ các thế kỷ có sự phát triển của văn học và nghệ thuật, mà không thấu hiểu các mục tiêu bí mật của các nền văn hoá đó và không nhận thấy hậu qủa tai hại của chúng – “một phần của sự nô lệ được những kẻ ngu xuẩn gọi là văn hóa” (Tacitus, Agricola, 31). Có bao giờ chúng ta thấy được, đằng sau các lời hay ý đẹp của những tác phẩm, cái tư lợi sống sượng đã khiến các tác giả nói lên những điều đó không? Không, dù họ nói gì chăng nữa, khi mà một nước bị mất dân, dù nưóc đó danh tiếng đến đâu, thì không phải là mọi việc đều tốt đẹp; và dù một nhà thơ có lợi tức một trăm ngàn đồng cũng không đủ để làm cho thời kỳ của ông ta tốt đẹp nhất. Ta đừng nên quá để ý đến sự ung dung thư thái và sự yên tĩnh bề ngoài của các nhà cầm quyền mà quan tâm hơn đến hạnh phúc của toàn thể quốc gia, nhất là các quốc gia đông dân nhất. Mưa đá tàn phá vài vùng nhưng ít khi gây ra đói kém. Các vụ nổi loạn, các cuộc nội chiến làm cho các nhà cấm quyền bị hoảng loạn, nhưng chúng không phải là nguồn gốc đau khổ chính của nhân dân. Các vụ đó còn có thể cho họ thời gian để thở trong khi các lãnh tụ tranh nhau xem ai có thể áp chế dân chúng. Sự thịnh vượng và các tai hoạ thật sự của con người phát sinh từ điều kiện cố hữu của họ: chính khi mà toàn thể bị đè bẹp dưới ách đô hộ mà mọi việc trở nên suy tàn, và kẻ cầm quyền mặc sức thỏa thuê tiêu diệt, và “chúng tạo ra sự cô đơn, và gọi đó là hòa bình” (Tacitus, Agricola 31). Khi các vụ tranh cãi của các nhà quý tộc làm rối loạn nước Pháp, và khi Ngài Trợ Lý Giám Mục thành phố Paris bỏ dao găm trong túi để đi họp quốc hội, các việc đó không cản trở dân Pháp sống có phẩm cách, thoải mái và tự do; họ tiếp tục làm ăn thịnh vượng và gia tăng dân số. Xưa kia, nước Hy Lạp phồn thịnh trong khi chiến tranh diễn ra hung bạo; máu chảy thành suối mà toàn thể đất nước vẫn đông đúc dân cư. Machiavelli nói rằng dường như giữa các vụ giết người, các sự đấy ải, các cuộc nội chiến, nền cộng hoà của chúng ta lại trở nên mạnh hơn: đức hạnh, đạo đức và tự do của người dân góp sức làm cho quốc gia mạnh hơn là tất cả các sự chia rẽ để làm yếu nó. Một náo động nhỏ làm sức bật cho tâm hồn, tự do làm cho con người thịnh vượng hơn là hoà bình.