fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tiến Trình Từ Dân Chủ Đến Chuyên chế xảy ra như thế nào?

Các quân chủ của thời quá khứ và những nhà bạo quyền trong hiện tại vẫn mãi mãi từ chối các giới hạn về quyền lực chỉ huy của họ và luôn luôn đàn áp những người dưới quyền kiểm soát của họ.

Richard M. Ebeling

 

Hầu hết trong ba thế kỷ qua, những ý tưởng của tự do và dân chủ đã được đan xen  trong tâm trí của cả bạn lẫn thù của một xã hội tự do. Việc thay thế chế độ quân chủ tuyệt đối bằng “chính phủ-đại biểu cho các lựa chọn qua lá phiếu của dân chúng đã được coi là một bộ phận cốt yếu của sự tiến bộ về tự do ngôn luận và báo chí, của quyền được thành lập hội đoàn một cách tự nguyện và ôn hòa  cho những mục đích chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, và quyền bảo vệ cá nhân khi chính quyền đi quá giới hạn. Nhưng những gì sẽ xảy ra khi lời kêu gọi cho nền dân chủ trở thành một màn hỏa mù cho sự độc tài của đa số và trao đổi chính trị của những phe nhóm lợi ích đặc biệt nhắm vào đặc quyền và thủ lợi?

Trong thế kỷ 18 và 19 vừa qua, những chiến sĩ của nền tự do, trong đó có nhiều người tin tưởng vào và chiến đấu cho một chính phủ-đại biểu đuợc dân chúng bầu ra, thường bày tỏ mối quan tâm sợ hãi rằng “dân chủ” chính nó có thể trở thành một mối đe dọa cho tự do của người dân mà chính phủ lẽ ra phải bảo vệ họ.

Khác Biệt giữa Độc tài của Thiểu S Độc tài của Đa S

Trong khảo luận nổi tiếng của mình, On Liberty, (1859), nhà triết học xã hội người Anh John Stuart Mill đã cảnh báo rằng sự độc tài có thể có ba hình thức: sự độc tài của thiểu số, của đa số, và của phong tục và truyền thống. Chế độ độc tài của thiểu số được đại diện bởi chế độ quân chủ tuyệt đối (một chế độ độc tài của một cá nhân) hoặc một đầu sỏ (một chế độ độc tài của số ít người). Sự độc tài  của phong tục và truyền thống có thể tạo ra áp lực tâm lý và xã hội đối với các cá nhân hoặc nhóm nhỏ cá nhân để tuân theo định kiến ​​và suy nghĩ hẹp hòi của các cộng đồng rộng lớn, những người đe dọa và kìm hãm suy nghĩ cá nhân, sự sáng tạo hoặc những hành vi lập dị (nhưng ôn hoà).

Mill cũng khẳng quyết rằng trong khi nền dân chủ trong lịch sử là một phong trào vĩ đại cho tự do của nhân loại, thì phần lớn trong quá khứ, đa số là các chế độ độc tài và nguy hiểm do các vị vua, chúa đã cai trị rất tàn nhẫn và áp bức khi tại vị. Tại thời điểm của những bạo quyền và phong kiến, các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, quyền được thành lập hội đoàn và sở hữu tài sản cá nhân có thể bị tước đoạt, ép buộc những người bị cô lập thành con cờ hay tù nhân chính trị cho một phe nhóm cai trị có số lượng đa số trong một quá trình bầu cử. (Xem các bài viết của tác giả, của “John Stuart Mill and the Three Dangers to Liberty”“John Stuart Mill and the Dangers of Unrestrained Government”)

Các Giới hạn Hiến pháp  Hạn chế những gì Độc tài Đa Số có thể làm thông qua các đại diện do họ bầu ra

Vì lý do này, nhiều nhà triết học và cải cách xã hội vĩ đại trong những năm 1700 và 1800 thường  khẳng định rằng bởi vì sự tự do và độc tài là con dao hai lưỡi của chế độ dân chủ, cho nên cần phải kiềm chế quyền lực trực tiếp hay gián tiếp của chính phủ thông qua các hiến pháp thành văn  và bất thành văn  để hạn chế những gì Đa Số có thể làm thông qua các đại diện được họ bầu ra. Do đó, trong trường hợp của nước Mỹ, vai trò và tầm quan trọng của Đạo luật Dân quyền và Mười Tu chính Đầu Tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ là một thí dụ điển hình.

Tu chính án Thứ nhất nêu rõ ràng và dứt khoát rằng “Quốc Hội sẽ không được làm luật mà có thể hạn chế một số quyền tự do cá nhân, bao gồm  ngôn luận, báo chí, tôn giáo, hội họp ôn hoà và khiếu kiện chống lại hành động của chính phủ.” Thật vậy, mỗi một trong mười Tu chính Đầu Tiên được thành lập để đặt ra một số hạn chế trong việc sử dụng quyền lực chính trị để xâm phạm hoặc từ chối các khía cạnh khác nhau của quyền lợi cá nhân liên quan đến cuộc sống, quyền tự do và tài sản của công dân.

Sự mơ hồ về ngôn ngữ, lý giải và thay đổi lập trường thường dẫn đến những cuộc tranh luận và bất đồng về những gì và làm thế nào những quyền tự do cá nhân đó được hiểu và bảo đảm. Nhưng ý nghĩa và thông điệp cơ bản cần được xem xét vượt ra ngoài mọi nghi ngờ: có những khía cạnh đối với cuộc sống và quyền của cá nhân con người mà chính phủ, ngay cả một chính phủ đa số, không được và không thể giới hạn, vi phạm hoặc từ chối.

Các vị vua của thời quá khứ và những nhà độc tài trong hiện tại vẫn mãi mãi từ chối các giới hạn trên quyền lực để ra lệnh và cưỡng bách những người dưới quyền kiểm soát của họ, cấm đoán cả lời nói và hành động của những người đang bị họ thống trị. Họ lý giải cho sự tuyên xưng quyền lực không bị hạn chế bằng cách cho đó là quyền thiêng liêng của đấng quân vương, tự cho mình có  quyền thể hiện ý chí của toàn dân thông qua quyền lực tối cao của một bạo chúa.

Tự do cho cá nhân là “Có Tự Do”  đối với Tự do cho xã hội  là “Mất Tự Do”  

Một trong những mánh khóe ngôn ngữ lớn của những người cộng sản và người trong xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 20 là cố gắng phân biệt các quyền “tự-do-giả-tạo,” hay tự do “tư sản,” trái ngược với các quyền “tự-do-thực-sự” hay tự do cho xã hội.  Tự-do-giả-tạo là những quyền tự do cá nhân,  được thể hiện trong Đạo luật Dân quyền, được gắn nhãn là quyền tự do tiêu cực, nó chỉ đơn thuần bảo vệ một người chống lại sự xâm lược và ép buộc của người khác. “Tự-do-tích cực” hay tự do “xã hội” đòi hỏi phải có kế hoạch, có kiểm soát và có phân phối của chính phủ để đáp ứng nhu cầu của mọi người chứ không phải vì lợi nhuận được tạo ra theo sự hướng dẫn sản xuất và sự chia sẻ thu nhập và sự phân chia tài sản giữa các thành viên trong xã hội chủ nghĩa cho bình đẵng theo theo khái niệm “công lý phân phối.”

Tự do cá nhân chỉ yêu cầu mỗi người tôn trọng cuộc sống, tự do và thành thực mua bán tài sản với người khác và anh ta tuân theo quy tắc hòa bình và tự nguyện trong tất cả các giao dịch với người khác. Ngoài điều này ra, chúng ta có quyền tự do sống cuộc sống cá nhân theo ý chúng ta,  có quyền đeo đuổi quan niệm cá nhân về giá trị, ý nghĩa và mục đích của chúng ta trong việc giao thiệp và giao dịch với người khác.

Ngược lại, khái niệm về sự tự do “tích cực” hay “xã hội” đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp và liên tục của quyền lực chính trị trên từng cá nhân,.  Guồng máy chính trị sẽ ra lệnh hoặc cấm cản từng cá nhân, cho phép họ có thể hành động như thế nào, khi nào, ở đâu và những gì mọi người có thể hành động và giao thiệp với những người khác. Họ có quyền chỉ đạo và đưa ra những mục đích nhất định được họ coi là tốt đẹp và công bằng. Tất cả hành động của mỗi cá nhân  được thực hiện và phục vụ cho lợi ích cộng đồng, xã hội hay quốc gia như được xác định và thực thi bởi chính phủ.

Joseph Stiglitz cáo buộc  rằng nền Dân Chủ đang bị tấn công

Trong thời đại của chúng ta, một trong những mánh khóe chính trị được áp dụng bởi những người đề xướng công bằng xã hội và những người ủng hộ phân phối quyền hành là khẳng định rằng những gì họ kêu gọi và đòi hỏi về chính sách kinh tế và xã hội của chính phủ thực sự là ý chí dân chủ của đa số, và bất kỳ sự phản đối hay phản kháng nào đối với nó là một minh chứng cho thấy người đó là đối thủ của nền dân chủ, và do đó, là kẻ thù của tự do và xã hội tự do.

Một ví dụ về ý kiến trên là một bài báo gần đây, “Dân chủ Hoa Kỳ trên Bờ vực”, do nhà kinh tế học nổi tiếng và người đoạt giải Nobel, Joseph E. Stiglitz, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia ở New York viết. Theo Stiglitz, một loạt các quyết định của Tòa án Tối cao gần đây chứng minh rằng nền dân chủ đang gặp nguy hiểm ở Mỹ.

Ông nhắc lại một cáo buộc nay đã cũ mèm rằng chúng ta không sống trong một nền dân chủ bởi vì người ngự trị hiện tại của Tòa Bạch Ốc chỉ giành được ít hơn ba triệu phiếu so với đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Việc Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử theo quy tắc Đại cử tri đoàn vốn đã và đang được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ bị gạt sang một bên và đưa ra lời buộc tội ngầm rằng bản thân Hiến pháp là một thể chế chống dân chủ. Tuy nhiên, người ta tự hỏi liệu Joseph Stiglitz  sẽ trở về thời ăn lông ở lổ với cái đầu cúi thấp nếu kết quả năm 2016 đã đưa bà Hillary Clinton vào Tòa Bạch Ốc với đa số Đại cử tri đoàn giống như khi Trump đã giành được đa số Đại cử tri đoàn. Tôi nghi rằng ông ta sẽ không đưa ra lời buộc tội ngầm như thế.

American Express và cạnh tranh thị trường

Gần đây khi Stiglitz lần đầu tiên chỉ trích chống lại chủ nghĩa “tư bản phi dân chủ”  cũng là khi Tối Cao Pháp Viện  đưa ra quyết định ủng hộ American Express về sự yêu cầu của công ty này đến các cửa hàng buôn bán và các dịch vụ khác yêu cầu họ sử dụng thẻ tín dụng của American Express mặc dù họ không giảm giá cho người mua khi khách hàng sử dụng những thẻ tín dụng khác với lệ phí thấp hơn lệ phí của họ. Stiglitz coi phán quyết của tòa án này là sự chống cạnh tranh một cách không công bằng dẫn đến thất thu cho nhà buôn và người tiêu dùng – thiểu số trục lợi đa số.

Nhưng theo Tòa án Tối cao, không phải tất cả các thẻ tín dụng đều như nhau, và do đó, nó không bắt buộc hay yêu cầu tất cả các công ty phát hành thẻ tín dụng phải tính phí giao dịch giống nhau cho các cửa hàng. Phần lớn hoạt động kinh doanh của American Express, liên quan đến tín dụng không quay vòng, nghĩa là, phần lớn chủ thẻ American Express trả toàn bộ số nợ mỗi tháng. Do đó, American Express không kiếm được thu nhập lãi lâu dài từ hầu hết các khách hàng của mình thông qua các khoản lợi nhuận trả góp.
Các khách hàng của American Express nắm giữ các loại thẻ khác nhau của nhiều công ty với các mức độ,  dịch vụ, đặc quyền và giảm giá khác nhau; trung bình, khách hàng họ có thu nhập cao hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa và dịch vụ khác nhau hàng năm. Do đó, những người mua hàng thanh toán bằng thẻ American Express của họ có khả năng mua nhiều hơn những hàng hóa đắt tiền hơn, kết quả là các doanh thương được lợi nhiều mặc dù họ phải trả phí giao dịch cao hơn cho American Express. Hơn nữa, sự hấp dẫn của nhiều đặc quyền dành riêng cho chủ thẻ của American Express đã cạnh tranh hữu hiệu và đã thúc đẩy các công ty thẻ tín dụng khác giới thiệu các phiên bản riêng của họ về các điểm kiếm tiền, ưu đãi tiền mặt và các dịch vụ tiêu dùng khác cho khách hàng.

Có thể kết luận rằng Stiglitz dường như có một khái niệm từ sách giáo khoa kinh tế nhân tạo về một “cạnh tranh hoàn hảo,” một trong những giả định phi thực tế và rất hời hợt là mỗi doanh nhân đều có một sản phẩm có thể hoán đổi cho nhau giửa các đối thủ của mình trong thị trường chuyên môn nào đó. Tuy nhiên, dù dùng mọi cách để phân biệt sản phẩm của mình với các đối thủ cạnh tranh, đều bị chụp mũ là hành động chống cạnh tranh. Tuy nhiên, khái niệm về cạnh tranh đúng nghĩa là một quá trình liên tục cố gắng cải thiện và phân biệt sản phẩm của bạn với những người khác. Điều này bao gồm cung cấp những gì người tiêu dùng có thể xem xét một sản phẩm tốt hơn có thể bán được nhiều hơn so với đối thủ cạnh tranh chính xác bởi vì nó không được xem giống như của họ. (Xem bài viết của tác giả, “Chủ nghĩa tư bản và sự hiểu lầm về độc quyền.”)
Cuối cùng, không có doanh nhân nào bị bắt buộc phải chấp nhận thẻ American Express như một hình thức thanh toán tại nơi kinh doanh của họ. Và, thực sự, có một số cửa hàng chỉ nhận Visa hoặc MasterCard với mục đích để tránh phí giao dịch cao hơn  khi so sánh với American Express.

Bản chất phi dân chủ của các công đoàn khi công nhân b buộc phải tham gia

Sự chỉ trích thứ hai của Stiglitz liên quan đến một quyết định khác của Tòa án Tối Cao gần đây cho rằng các nhân viên nhà nước và thành phố sẽ không còn bị buộc phải trả các khoản phí bắt buộc cho các công đoàn (và đặc biệt là công đoàn của các giáo viên) khi công nhân không muốn công đoàn  đại diện họ hoặc họ phản đối việc sử dụng quỹ công đoàn  cho mục đích chính trị hay cho vận động chính trị hành lang và vận động bầu cử. Stiglitz đưa ra một số lời chỉ trích chống lại quyết định của Tòa án và  đặc biệt đến những “công nhân ích kỷ” vì họ chọn không trả phí công đoàn mặc dù chính họ là những người được lợi dựa trên các nỗ lực của công nhân có đóng phí nhằm cải thiện điều kiện làm việc và lương bổng cho tất cả các đoàn viên. Stiglitz cũng buộc tội rằng từ chối tham gia vào công đoàn và từ chối trả phí cho công đoàn, cho dù các công nhân viên có muốn đại diện công đoàn và hoạt động chính trị hay không, dều được cho là không dân chủ.

Theo truyền thống của “ngôn ngữ mới” [1] theo George Orwell, Stiglitz uốn cong từ ngữ để khẳng định rằng bắt buộc tham gia công đoàn là có tự do và không tham gia công đoàn là công nhân lợi dụng chủ nhân. Trong một trăm năm qua, các công đoàn lao động, đặc biệt là bắt đầu từ những năm 1930, được trao một quyền hành tương đối để buộc công nhân trở thành đoàn viên vì chỉ là đoàn viên mới có quyền kiếm một số việc làm nhất định và để hạn chế số người có thể tìm được việc làm trong các lĩnh vực khác nhau.

Vào thời hoàng kim vào giữa thập kỷ giữa của thế kỷ XX, các công đoàn lao động có thể đóng cửa toàn bộ các ngành công nghiệp thông qua các cuộc đình công, đe dọa hoặc sử dụng bạo lực để ngăn chặn các công nhân không phải là đoàn viên chiếm lấy công việc mà các đoàn viên của họ đang đình công và sử dụng tài chính của các công đoàn để gây ảnh hưởng đến luật lao động.

Sức mạnh chính trị và tài chính của công đoàn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu nhập các khoản phí bắt buộc từ các đoàn viên.

Việc bắt buộc phải tham gia vào công đoàn là một sự độc tài từ một thiểu số công nhân để thao túng tiền lương và phân chia công việc để trục lợi cho một thiểu số này dù họ đang gây bất lợi cho phần lớn lực lượng lao động nói chung. Các thay đổi trong thị trường lao động đã làm giảm lực lượng  đoàn viên của các công ty tư nhân từ hơn 20 phần trăm lực lượng lao động năm 1983 xuống dưới 7 phần trăm vào năm 2017. Mặt khác, ngày nay, đoàn viên làm việc cho chính phủ chiếm hơn 35 phần trăm. Sức mạnh chính trị và tài chính của họ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bắt buộc các khoản phí bắt buộc từ công chức, dù có nhiều công chức thực sự không muốn trả phí và không cần  công đoàn đại diện cho họ.

Có gì dân chủ hơn là cho phép những công nhân tự do bỏ phiếu bầu để chính bản thân họ muốn trở thành một đoàn viên hay không và có phải trả phí hay không? “Đoàn viên ích kỷ” là một lý do mà một số nhà kinh tế và những người ủng hộ chính sách cưỡng ép đã sử dụng từ lâu để biện minh cho các hình thức bắt buộc công nhân phải đóng lệ phí và tham gia công đoàn.

Không có gì ngăn cản các công đoàn, kể cả những công chức, loại trừ những “công nhân ích kỷ” bằng cách thương lượng tiền lương và lợi ích chỉ áp dụng cho các đoàn viên của họ chứ không phải cho những công nhân đã chọn từ chối tham gia công đoàn. Thật vậy, bằng cách này, những “công nhân ích kỷ” kia sẽ nhận ra rằng lợi ích từ việc gia nhập các công đoàn đó có xứng đáng với chi phí tài chính của các khoản phí phải trả từ tiền lương của họ.

Thay vào đó, Stiglitz, từ đỉnh cao Olympia nhìn xuống, nghỉ rằng mình biết rõ sự lựa chọn một cách dân chủ hơn cả  quyết định của những công nhân  bình thường ấy mặc dù chỉ có chính những công nhân đó mới thật sự hiểu rỏ hoàn cảnh và sự lựa chọn thích hợp nhất. Stiglitz chỉ quan tâm đến sự lợi ích giữa chủ nhân và công nhân mà các công đoàn đặt ra, nhưng thay vì cho phép những công nhân đó quyết định xem họ thật sự cần và sẵn sàng trả lệ phí để công đoàn đại diện họ chống lại các chủ nhân hay không, Stiglitz chỉ muốn buộc họ phải tham gia công đoàn. (Xem bài viết của tác giả, “Kinh tế  hóa cho quyền làm việc.”)

Có Tự Do Ngôn Luận hay không khi bắt buộc phải thông tin?

Liên quan đến một trường hợp pháp lý khác, Stiglitz đã phản đối lại quyết định của tòa án khi quan tòa ra quyết định ủng hộ các trung tâm chăm sóc sức khỏe có  giấy phép hành nghề cho các sản phụ khi không bắt buộc họ phải cung cấp cho bệnh nhân các thông tin về các lựa chọn liên quan đến phá thai để họ có thể chọn. Stiglitz lấy làm phẫn nộ khi cho rằng tòa án đã không bắt buộc các công ty phải thông tin cho mọi người. Nói rõ hơn, các cá nhân và tổ chức mà họ đang làm việc không bắt buộc phải tiết lộ các quan điễm và giải pháp khác hay hơn khi họ bất đồng ý kiến với các giải pháp này.

Vấn đề phá thai đã và vẫn đang là một trong những đề tài nhạy cảm và gây tranh cãi sâu sắc nhất cho mọi người. Bạn có tin rằng phụ nữ có quyền chọn lựa phá thai hay không?  Bạn có tin vào quyền được làm người của các thai nhi không? Đề tài nóng bỏng này chạm đến đức tin tôn giáo, quyền quyết định và quyền sở hữu cá nhân của một cơ thể riêng tư và một định nghĩa về sự khởi đầu của cuộc sống của một thai nhi. Bất kỳ thỏa thuận chung của xã hội về vấn nạn phá thai vẫn còn nằm xa lắm trong tương lai, và nếu có, cần được đưa ra dựa vào rất nhiều yếu tố, niềm tin cá nhân, đức tin và khoa học.

Để bắt buộc bất cứ ai phải bày tỏ và giải thích về quyết định cho chính mình, cuộc tranh luận này về những gì một người phụ nữ có thể làm hoặc nên làm chỉ có thể bị coi là xâm phạm quyền tự do lương tâm của cá nhân đó. Stiglitz, trên  “tinh thần dân chủ,” liệu có bắt buộc các trung tâm y tế trên, khi cung cấp dịch vụ phá thai và  đồng thời bắt buộc phải cung cấp tài liệu để giảng dạy cho các bệnh nhân của họ về việc phá thai là giết người và là môt tội lỗi mà sẽ đưa người phụ nữ đó xuống địa ngục và vĩnh viển nằm trong vòng tay của ác quỷ?  Và để bày tỏ khái niện dân chủ  này trong niềm tin chân thực, không thiên vị, không bất công về  quyết định này của nữ nhân? Tôi  thật sự nghi ngờ nếu Stiglitz vẫn muốn áp dụng lý luận của mình một cách tương xứng.

Vấn đề này, giống như những vấn đề khác, có rất ít hoặc không liên quan gì đến “quyền tự do dân chủ” được truyền tải bởi Stiglitz trong bài viết của mình. Ông ta chỉ dùng khéo léo dùng ngôn ngữ  để khơi dậy xúc cảm và tình cảm của khái niện dân chủ nơi độc giả để hướng sự chú ý của họ ra khỏi một vấn đề thực sự: liệu quyền tự do lựa chọn cùa cá nhân có bị làm suy yếu hay khước từ trên thị trường hay trong tâm trí bởi sự khẳng quyết của “ý chí đa số”?

“Thuận theo Đa Số” có thật hay chỉ là một màn khói cho một thiểu số sử dụng lời kêu gọi dân chủ để áp đặt yêu cầu của họ lên nhiều người khác, đó là sự phủ nhận và một mối đe dọa đối với những sự lựa chọn ôn hoà và tương tác giữa những cá nhân tự do trong xã hội. Đó là sự sử dụng “dân chủ” như một thứ vũ khí mới nhất chống lại tự do của nhân loại.

Nguyễn Quốc Chính chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân February 2020

 

Richard M. Ebeling là Giáo sư Ưu Tú tại BB&T chuyên môn về Đạo Đức và Lãnh Đạo cho doanh nhân tại thành phố Charleston, Nam Carolina.

Ông là chủ tịch của Quỹ Giáo dục Kinh tế (FEE) từ năm 2003 đến 2008.

Nguồn: https://fee.org/articles/how-democracies-turn-tyrannical/

[1] Trong tiểu thuyết 1984, ấn hành năm 1949, George Orwell miêu tả một xã hội viễn tưởng năm 1984, trong đó chính quyền chuyên chế hiện diện và can thiệp vào mọi sinh hoạt của người dân. Nhà lãnh đạo được gọi là Đại Ca sử dụng một loại “ngôn ngữ mới” đảo ngược ý nghĩa của từ ngữ và đánh tráo khái niệm, v.v.