Ernest Renan (1882)
Hôm nay tôi xin phân tích với quí vị một ý tưởng tuy có vẻ rõ ràng nhưng lại rất có thể bị hiểu lầm một cách nguy hiểm. Hình thức các xã hội của nhân loại rất đa dạng. Hãy xem khối tập hợp khổng lồ của các người tại Trung Quốc, Ai Cập hay vương quốc Babylonia ngày xưa, hoặc các bộ tộc dân Hebrews và Arabs, như tại thành phố đã có trước đây là Athens hay Sparta, và cộng đồng của rất nhiều lãnh thổ trong đế quốc Carolingian . Những cộng đồng đó đều không có một tổ quốc mà chỉ được gắn bó với nhau bằng những mối liên hệ về tôn giáo như trường hợp của những người Israelites và Parsees; các quốc gia như Pháp, Anh và đa số những tiểu quốc có chủ quyền hiện nay tại Âu Châu; những liên hiệp quốc như Thụy Sĩ, hay Mỹ và các mối liên hệ như chủng tộc hay ngôn ngữ đã được thiết lập giữa các ngành của các dân tộc German và Slav. Mỗi một cộng đồng đã hay vẫn tồn tại; và sẽ có những hậu quả tai hại nhất nếu người ta lẫn lộn cộng đồng này với bất cứ một cộng đồng nào khác. Vào thời cách mạng tại Pháp người ta thường tin rằng những thể chế thích hợp cho những thành phố nhỏ và độc lập như Sparta và Rome, có thể được áp dụng cho những quốc gia lớn có tới 30 hay 40 triệu người. Ngày nay có một lỗi lầm trầm trọng hơn: đó là chủng tôc đã bị lẫn lộn với quốc gia, và người ta gán cho những tập thể trên căn bản nhân chủng hay nhóm ngôn ngữ cũng có chủ quyền như các dân tộc thực sự hiện hữu.
Chúng ta hãy làm cho những vấn đề nan giải đó trở thành chính xác hơn một phần nào, bởi vì chỉ cần lẫn lộn một đôi chút về nghĩa của các từ khi chúng ta bắt đầu tranh luận thì rút cục có thể đưa tới những sai lầm tệ hại nhất. Điều tôi muốn đề nghị rất tế nhị, cũng tương tự như việc thực hiện một cuộc giải phẫu sinh vật hãy còn sống để nghiên cứu. Tôi sẽ coi những sinh vật hãy còn sống giống như những sinh vật đã chết. Tôi sẽ giữ một thái độ tuyệt đối bình thản và vô tư.
Từ khi đế quốc La Mã suy vong hay từ khi đế quốc Charlemagne tan rã, đối với chúng ta Tây Âu hình như đã được chia thành những quốc gia. Một số quốc gia đó trong một vài thời kỳ đã tìm cách giữ ngôi vị bá quyền đối với các quốc gia khác nhưng rốt cục đã không thành công lâu. Trong tương lai khó có thể một nhân vật nào sẽ thực hiện được những điều mà Charles V, Louis XIV, và Napoleon I đã không làm được. Sự thành lập của một đế quốc giống như đế quốc La Mã mới hay một đế quốc Carolingian mới là điều không thể có được. Âu Châu đã bị phân chia nhiều đến nỗi bất cứ một mưu toan nào nhằm thống trị tất cả sẽ làm phát sinh ngay một liên minh. Và liên minh này sẽ khiến cho các quốc gia có quá nhiều tham vọng trở về cái biên giới tự nhiên của nó. Một thế cân bằng đã được thiết lập từ lâu. Trong nhiều thế kỷ sắp tới Pháp, Anh, Đức, và Nga dù họ có làm gì đi chăng nữa thì vẫn sẽ còn tiếp tục là những đơn vị riêng lẻ trong lịch sử. Những nước đó là những quân cờ then chốt trên một bàn cờ mà trong đó tầm quan trọng và kích thước của những ô vuông trên bàn cờ sẽ luôn luôn thay đổi nhưng sẽ không bao giờ lẫn lộn với nhau.
Từ ‘quốc gia’ theo nghĩa của nó là một từ tương đối mới trong lịch sử. Xã hội ngày xưa không có từ đó. Ai Cập, Trung Quốc và vùng Chaldea cổ xưa không phải là những quốc gia. Đó là những tập hợp được lãnh đạo bởi con của thần Mặt Trời (Thái Dương tử) hay con của Trời (Thiên tử). Cả Ai Cập lẫn Trung Quốc đều không có những công dân theo nghĩa thường hiểu. Trong thời cổ người ta có các nền cộng hòa, các vương quốc thành thị, các liên hiệp của các cộng hòa địa phương và đế quốc, nhưng các chính thể đó không thể được coi là quốc gia theo như chúng ta hiểu hiện nay. Athens, Sparta, Tyre và Sidon là những trung tâm nhỏ có tinh thần ái quốc đáng kính phục nhưng đó chỉ là những đô thị có một diện tích tương đối giới hạn. Gaul, Tây Ban Nha và Ý trước khi bị sáp nhập vào đế quốc La Mã cũng là một tập hợp các bộ tộc thường liên minh với nhau nhưng không có những thể chế trung ương và không có các triều đại. Đế quốc Assyrian , đế quốc Ba Tư , và đế quốc của Alexander Đại đế cũng không phải là quốc gia nữa. Chưa bao giờ có những người gọi là quốc dân Assyrian, và đế quốc Ba Tư chỉ là một cơ cấu phong kiến rộng lớn. Không có một nước nào có thể nói nguồn gốc của mình được xuất phát từ những cuộc phiêu lưu vĩ đại của Alexander Đại đế mặc dầu cuộc phiêu lưu đó đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử về văn minh.
Đế quốc La Mã gần với nghĩa của một quốc gia hơn. Sự thống trị của người La Mã tuy lúc bắt đầu rất khắc nghiệt nhưng về sau cũng được dân chúng ưa thích bởi vì nó đã đưa đến một điều lợi lớn là chấm dứt chiến tranh. Đế quốc La Mã là một sự liên kết khổng lồ và được coi là tượng trưng cho trật tự, hòa bình và văn minh. Vào những giai đoạn cuối của đế quốc, các vĩ nhân, các giám mục sáng suốt, và giai cấp có trình độ học thức đã có một ý niệm thực sự về Pax Romana , và điều này đã được giữ vững trước sự hỗn loạn đáng đe dọa của những dân tộc man ri. Nhưng đế quốc đó – lớn gấp hơn 12 lần nước Pháp ngày nay – không thể được coi là một quốc gia theo nghĩa hiện đại. Sự phân chia giữa vùng phía đông và phía tây của đế quốc là điều không thể tránh được, và những nỗ lực để lập ra một đế quốc tại Gaul vào thế kỷ thứ III cũng không thành công nữa. Thực ra chính những sự xâm lăng của tộc Germanic đã du nhập vào thế giới cái nguyên tắc mà về sau này đã trở nên một căn bản thực sự tồn tại của khái niệm dân tộc.
Điều mà dân tộc German đã thực sự thực hiện được qua những cuộc xâm lăng lớn trong thế kỷ thứ V cho tới những cuộc chinh phục cuối cùng của dân tộc Norman vào thế kỷ thứ X là gì ? Các cuộc xâm lược đó không tạo ra những sự thay đổi về nòi giống nhưng đã áp đặt những triều đại và giới quý tộc quân sự lên những phần tương đối khá lớn của đế quốc cũ về phía tây – Đế quốc Frank – là phần đế quốc đã được đặt tên theo tên của kẻ xâm lăng [dân tộc Frank]. Đây là nguồn gốc của France, Burgundy và Lombardy và sau đó Normandy. Đế quốc Frank đã mở rộng quyền kiểm soát nhanh đến nỗi trong một thời gian nó đã tái lập lại sự thống nhất của miền tây, nhưng sau đó đã bị tan rã hoàn toàn vào khoảng giữa thế kỷ thứ IX. Sự phân chia của Verdun trước đó được coi là bất biến, và từ đó Pháp, Đức, Anh, Ý, và Tây Ban Nha, qua những đường lối quanh co và hàng ngàn sự thăng trầm, đã trở thành những quốc gia như chúng ta thấy phát triển hiện nay.
Như vậy, cái đặc điểm rõ nhất của những quốc gia này là gì? Đó là sự tụ hội của các dân tộc hợp thành các quốc gia đó. Trong các nước vừa nói tới không có gì giống như những điểm mà chúng ta đã thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại đó người Turks, Slavs, Greeks, Armenians, Arabs, Syrians, và Kurds ngày nay vẫn còn có những sự khác biệt như thời kỳ mà họ đã bị chinh phục. Hai hoàn cảnh then chốt đã giúp cho việc thành hình kết quả này. Điều thứ nhất, sự kiện là dân tộc Germanic đã theo đạo Thiên Chúa ngay từ khi họ có tiếp xúc lâu dài với các dân tộc Hy Lạp và Latin. Khi kẻ chinh phục và những kẻ bị chinh phục đã có cùng một tôn giáo, hay khi kẻ chinh phục đã theo tôn giáo của kẻ bị chinh phục thì hệ thống Thổ Nhĩ Kỳ – nghĩa là sự phân biệt tuyệt đối các con người trên căn bản tôn giáo không còn xuất hiện nữa. Hoàn cảnh thứ nhì là hoàn cảnh trong đó kẻ chinh phục đã quên chính ngay ngôn ngữ của mình. Những con cháu của Clovis, Alaric, Gundebald, Alboin, và Roland đã nói tiếng La Mã. Sự kiện này lại chính là hậu quả của một đặc điểm quan trọng khác đó là những người Franks, Burgundians, Goths, Lombards, và Normans không có những phụ nữ cùng giống với họ. Trong nhiều thế hệ những lãnh tụ chỉ thành hôn với các phụ nữ người Germany nhưng các thứ phi của họ đều là người Latin, và các nhũ mẫu cho con cái của họ cũng là người Latin. Bộ tộc này nói chung đã kết hôn với các phụ nữ Latin, nghĩa là từ khi dân Franks và dân Goths đã đặt chân vào vùng La Mã thì ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ của dân Goths không tồn tại được lâu. Tại nước Anh tình trạng không phải như vậy bởi vì chắc chắn là những người xâm lăng Saxons đã mang theo các phụ nữ của họ; dân Celtic đã bỏ chạy, thêm vào đó tiếng Latin không còn, hay thực ra chưa từng bao giờ, là ngôn ngữ chính tại nước Anh. Nếu tiếng Pháp cổ đã được phổ biến tại Gaul vào thế kỷ thứ V thì Clovis và thần dân của ông ta đã không từ bỏ tiếng Đức để dùng tiếng Pháp cổ.
Kết quả then chốt của tất cả các tình trạng này là mặc dầu dân Đức xâm lăng có những thói quen dùng võ lực tàn bạo nhưng cái khuôn mẫu mà Đức đã áp đặt, qua nhiều thế kỷ đã là khuôn mẫu thực sự của nước France [Pháp]. France đã trở thành tên chính thức của một nước mà tại đó chỉ có hầu như một thiểu số rất nhỏ là người Frank. Vào thế kỷ thứ X, trong bản hùng ca đầu tiên phản ánh trung thực tinh thần của thời đại đó, thì tất cả cư dân ở France đều là dân Pháp. Ý tưởng này đã trở thành hiển nhiên đối với Gregory of Tours đến nỗi tuy dân Pháp gồm những chủng tộc khác nhau nhưng điều này đã không được các văn sĩ và thi sĩ Pháp nhận thấy sau thời Hugh Capet . Sự khác biệt giữa dân quí tộc và nông nô đã được phân biệt hết sức rõ ràng nhưng không bao giờ thể hiện sự khác biệt về chủng tộc. Sự phân biệt đó biểu hiện qua sự khác nhau về lòng dũng cảm, về phong tục và trình độ giáo dục. Tất cả những yếu tố đó đều coi là di sản. Người ta không nhận ra rằng tất cả những yếu tố đó đều phát sinh từ cuộc chinh phục. Cái hệ thống sai lầm nhờ đó các nhà quí tộc nhận được các danh tiếng là những đặc quyền của được vua ban vì đã phục vụ quốc gia. Tất cả mọi người có công đều được nhà vua phong là quí tộc và được coi như là một giáo điều ngay từ thế kỷ thứ XIII. Tình trạng như vậy cũng đã xảy ra trong hầu hết tất cả các cuộc chinh phục của dân Norman. Sau một hai thế hệ thì kẻ xâm lược Norman không còn phân biệt được với phần lớn các dân mà họ đã chinh phục, mặc dầu ảnh hưởng của họ cũng không kém sâu xa so với cuộc chinh phục. Phe chinh phục đã cho thần dân của nước bị chinh phục quan niệm về quí phái, về tập quán của giới quân sự, và lòng yêu nước mà những người dân bản xứ chưa từng biết.
Quên lịch sử – tôi có thể nói là do một sự sai lầm về lịch sử – là một yếu tố then chốt trong sự khai sinh ra một quốc gia. Chính vì vậy tiến bộ trong nghiên cứu lịch sử thường tạo ra điều nguy hiểm cho [nguyên tắc để định nghĩa] một dân tộc. Thực vậy, tìm hiểu về lịch sử cho thấy những hành động bạo lực đã xảy ra trong nguồn gốc của tất cả những sự hình thành có tính cách chính trị, mặc dầu những hành động bạo lực đó đã đưa tới những hậu quả tốt đẹp. Tất cả các cuộc thống nhất luôn luôn được thực hiện bằng bạo lực. Sự hợp nhất của miền bắc nước Pháp với miền Midi nam nước Pháp là hậu quả của những cuộc tàn sát và khủng bố kéo dài gần một thế kỷ. Mặc dầu vua nước Pháp lúc bấy giờ, và tôi có thể mạnh dạn nói nhà vua là một nhân vật hoàn hảo nhất, đã tạo ra sự thống nhất qua một thời gian lâu dài. Nhưng nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng đã làm cho vị vua đó hoàn toàn mất uy tín. Cái quốc gia mà ông đã tạo ra đã nguyền rủa ông, và cho tới ngay bây giờ chỉ có những người có văn hóa mới biết một vài điều về những giá trị và thành tích trước đó của ông.
Chỉ nhờ sự tương phản đó mà chúng ta mới nhận thấy những luật vĩ đại của lịch sử Tây Âu. Nhiều nước đã không thực hiện được điều mà Hoàng đế nước Pháp đã thực hiện, một phần qua bạo quyền và một phần do chính sách cai trị nghiêm minh của ông những yếu tố đó đã đưa tới những kết quả đáng thán phục. Dưới triều đại của Crown of Saint Stephen dân Magyars và dân Slavs vẫn còn là hai dân tộc khác biệt nhau như trước đó 800 năm. Thay vì đã hòa hợp những thành phần dân tộc khác nhau trong vương quốc của mình thì triều đình Hapsburg đã duy trì sự khác biệt của các dân tộc đó và thường còn khuyến khích họ chống đối nhau. Chẳng hạn tại Bohemia, dân Tiệp và dân Đức đã chồng chất thành những thành phần khác biệt chẳng khác gì dầu và nước trong một cái ly. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ để phân chia các chủng tộc theo tôn giáo đã có những hậu quả trầm trọng hơn bởi vì nó đã gây ra sự suy vong của đế quốc phương Đông. Nếu tìm hiểu về các thành phố như Salonika hay Smyrna thì chúng ta sẽ thấy 5 hay 6 cộng đồng khác nhau và mỗi cộng đồng đều có lịch sử riêng của họ và họ không có gì tương đồng cả. Tuy nhiên điều cốt yếu của một quốc gia là tất cả các cá nhân có rất nhiều điểm tương đồng, và đồng thời có một yếu tố khác nữa là họ cũng quên rất nhiều điều. Ngày nay không có một người công dân Pháp nào biết được là họ là dân Burgundian, dân Alan, dân Taifale, hay Visigoth. Tuy nhiên, mọi người công dân Pháp phải quên đi những sự tàn sát tại Saint Bartholomew , hay những cuộc tàn sát đã diễn ra trong vùng Midi [nam nước Pháp] vào thế kỷ thứ XIII. Tại nước Pháp không có tới mười gia đình có thể đưa ra những bằng cớ chứng minh họ là những người có nguồn gốc người Frank, và nếu có đưa ra những chứng cớ, thì phần lớn những chứng cớ đó là sai lầm. Nguyên nhân là có rất nhiều các liên minh không được biết tới đã làm rối loạn hệ tộc của các gia đình đó.
Quốc gia hiện đại, do đó, chỉ là kết quả của lịch sử đã được hình thành do một loạt các yếu tố hội tụ với nhau. Đôi khi thống nhất đã được thực hiện bởi một triều đại như tại Pháp. Đôi khi thống nhất đã được thực hiện bởi ý muốn trực tiếp của các tỉnh [province] như trường hợp của Hoà Lan, Thụy Sĩ và nước Bỉ. Đôi khi sự thống nhất do kết quả của các hoạt động cố ý của toàn thể dân chúng; các hoạt động này đã thắng, dù muộn màng, những sự thay đổi phù phiếm của chế độ phong kiến như trong trường hợp của nước Ý và nước Đức. Tất cả những sự hình thành một quốc gia này luôn luôn có những lý do rất sâu xa. Trong những trường hợp như vậy, các nguyên tắc đã xuất phát từ những sự ngạc nhiên bất ngờ. Chẳng hạn, như vào thời đại của chúng ta, chúng ta thấy nước Ý đã thống nhất sau khi bại trận, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đã bị tan vỡ sau chiến thắng của chính họ. Mỗi một thất bại đã giúp cho chính nghĩa của Ý. Mỗi một sự chiến thắng lại đưa Thổ Nhĩ Kỳ tới sự suy vong; bởi vì nước Ý là một quốc gia còn Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài vùng Tiểu Á, không phải là một quốc gia. Nước Pháp có thể nhận vinh quang của họ qua cuộc cách mạng của Pháp và tuyên bố là một quốc gia đã tự được lập ra. Chúng ta [người Pháp] cũng không nên lấy làm phật lòng nếu thấy các nước khác cũng bắt chước chúng ta làm như vậy. Chính nước Pháp đã thành lập ra nguyên tắc của một quốc gia. Nhưng quốc gia là gì ? Tại sao Hoà Lan lại là một quốc gia trong khi đó Hanover , hay Grand Duchy of Parma , lại không phải là quốc gia? Làm sao Pháp vẫn tiếp tục là một quốc gia, trong khi đó nguyên tắc tạo ra quốc gia đó đã mất? Tại sao Thụy Sĩ có 3 ngôn ngữ, 2 tôn giáo và 3 hay 4 chủng tộc khác nhau lại là một quốc gia? Trong khi đó Tuscany là một vùng rất thuần nhất thì lại không là một quốc gia. Tại sao nước Áo chỉ là một nước (state) chứ không phải là một quốc gia (nation) ? Nguyên tắc về quốc gia khác với nguyên tắc về chủng tộc như thế nào? Đây là những điểm mà những người biết suy nghĩ phải xác định để bớt thắc mắc. Các sự việc trên thế giới này hầu như không được hướng dẫn bởi những cách suy luận như vậy. Tuy nhiên có những người cần mẫn đều mong muốn đưa ra lý do nào đó cho các vấn đề này và giải tỏa bớt những điều mơ hồ mà những các trí óc thông minh hời hợt đã mắc vào.
II
Giả dụ chúng ta tin vào một vài lý thuyết gia chính trị thì một quốc gia trên hết là một triều đại, thay mặt cho những cuộc chinh phục trước đó; cuộc chinh phục đó mới đầu được công nhận và sau đó đã được đại đa số quần chúng quên lãng. Theo các nhà lý thuyết nói trên, sự tập hợp của các địa phương do các triều đại tạo ra bằng chiến tranh, bằng hôn nhân, bằng hiệp ước đều kết thúc thành một triều đại đã tạo ra quốc gia đó. Quả thực là đa số các quốc gia hiện đại đều đã được thành lập bởi những dòng họ có nguồn gốc phong kiến đã liên hiệp với nhau qua các cuộc hôn nhân để sáp nhập các lãnh thổ và, theo một nghĩa nào đó, lãnh thổ đó đã thành một trung tâm điểm để quy tụ. Biên giới của nước Pháp vào năm 1789 không có những biên giới tự nhiên hay cần thiết. Cái vùng rộng lớn mà triều đại House of Capet đã thêm vào giải đất hẹp có được qua sự phân chia của Verdun thực ra một sự đắc thủ riêng tư của triều đại này. Trong thời gian có những sự thủ đắc về đất đai đó, không có một ý niệm gì về biên giới thiên nhiên hay quyền của một quốc gia hay ý nguyện của một địa phương. Tương tự như vậy, sự thành lập liên hiệp England, Ireland, và Scotland cũng là sự kiện của một triều đại. Nước Ý đã tồn tại như vậy trước khi trở thành một quốc gia bởi vì trong số các triều đại trị vì tại Ý, không có một triều đại nào trước thế kỷ hiện tại có thể tự coi là trung tâm của sự hợp nhất đó. Có một điều rất lạ là nhờ hòn đảo Sardinia, ít người biết tới và cũng không phải là đất của Ý, mà triều đại Savoy đã nhận được vương tước. Hòa Lan – qua một quyết định dũng cảm – đã tự tạo ra. Tuy nhiên Holland đã nhờ có liên hệ hôn nhân mật thiết với triều đại House of Orange và sự kết hợp này sẽ rất mong manh một khi nó bị suy yếu .
Tuy nhiên quy luật đó có hoàn toàn đúng không? Chắc hẳn là không rồi. Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, những nước tự lập thành một tập hợp bằng cách kết nạp các thành viên kế tiếp nhau, không dựa trên cơ sở một triều đại. Tôi sẽ không thảo luận về vấn đề này đối với nước Pháp bởi vì tôi cần phải biết được tất cả những bí mật trong tương lai mới làm được việc đó. Tôi chỉ muốn nói rằng một quốc gia uy hùng như vậy đã có được nguyên tắc chặt chẽ đến nỗi sau khi triều đại của quốc gia tan rã thì quốc gia đó vẫn tiếp tục đứng vững. Hơn nữa, thế kỷ thứ XVIII đã thay đổi hết tất cả. Sau hàng bao nhiêu thế kỷ suy đồi, nhân loại đã phục hồi cái tinh thần của thời trước, trở lại tinh thần tự tôn và tư tưởng về những quyền của con người. Các từ ‘tổ quốc’ và ‘công dân’ đã lấy lại được những ý nghĩa trước đó. Do đó một cuộc giải phẫu táo bạo nhất trong lịch sử đã được thực hiện và đã thành công. Ta có thể ví cuộc giải phẫu đó như một cuộc giải phẫu trong khoa sinh lý học để hoàn toàn phục hồi một cơ thể đã bị mất khối óc và trái tim.
Do đó chúng ta phải nhận rằng một quốc gia có thể tồn tại mà không cần có một nguyên tắc vĩ đại và ngay cả các quốc gia đã được thành lập bởi một triều đại cũng có thể tách rời khỏi các triều đại đó mà không bị mai một. Các nguyên tắc cổ xưa chỉ nói tới các quyền của các vương tử sẽ không còn được duy trì nữa. Ngoài quyền của các triều đại còn có quyền của một quốc gia. Tuy nhiên, dựa trên tiêu chuẩn nào mà chúng ta sẽ đặt cơ sở cho quyền của quốc gia đó? Quyền của quốc gia đó được nhận định bằng những dấu hiệu gì? Và quyền đó dựa trên những cơ sở cụ thể nào? Căn cứ vào dấu hiệu nào để nhận ra quyền đó? Từ sự kiện cụ thể nào có thể suy ra quyền đó?
1.Nhiều người đã khẳng định rằng quyền đó căn cứ theo chủng tộc.
Các vị đó cho rằng những sự phân biệt giả tạo, hậu quả của chế độ phong kiến hay của các cuộc hôn phối giữa các hoàng tộc, hoặc của các thỏa hiệp ngoại giao trong các thời đại – đã suy tàn. Chỉ có nòi giống của một dân tộc là vẫn còn vững bền và không thay đổi. Điều này tạo nên cái quyền hay tính cách chính danh. Dòng họ Germanic theo lý thuyết tôi trình bày ở đây, có quyền tập hợp lại tất cả những chi rời rạc của bộ tộc Germanic ngay cả khi mà những chi này đã yêu cầu không muốn tập hợp lại. Quyền của các bộ tộc Germanic đối với một địa phương mạnh hơn là quyền của cư dân ở ngay tại các địa phương đó. Vì vậy người ta tạo ra cái quyền nguyên thủy tương tự như quyền thiên định và nguyên tắc định ranh giới quốc gia theo chủng tộc đã thay thế cho nguyên tắc dân tộc. Đây là một điều sai lầm rất lớn. Nếu nguyên tắc đó trở nên nguyên tắc chỉ đạo thì nó sẽ phá hoại nền văn minh của Âu châu. Quyền tiên khởi theo chủng tộc rất hẹp hòi và rất nguy hiểm cho những sự tiến bộ thực sự còn nguyên tắc quốc gia mới là nguyên tắc đúng và hợp lý.
Tôi nhận rằng, trong những bộ tộc và thành phố thời cổ, diện mạo thực sự có một tầm quan trọng. Bộ tộc và thành phố vào thời đó là một gia tộc mở rộng. Tại Sparta và Athens tất cả các người dân đều có quan hệ họ hàng xa gần với nhau. Dân Beni–Israelites và các bộ tộc Ả Rập cũng vậy. Nếu chúng ta đi khỏi Athens, Sparta và bộ tộc Israel sang đế quốc La Mã thì tình trạng lại hoàn toàn khác hẳn. Lúc đầu Đế quốc La Mã được thành lập bằng bạo lực nhưng sau đó đã được duy trì bởi lợi ích chung và cái tập hợp lớn lao của các thành phố và vùng địa phương hoàn toàn khác hẳn nhau đã đánh đổ tư tưởng quốc gia dựa theo chủng tộc. Đạo Ki Tô, có tính cách toàn cầu và tuyệt đối, cũng đã hoạt động hữu hiệu hơn cũng theo chiều hướng đó. Đạo Ki Tô liên minh chặt chẽ với đế quốc La Mã. Và do ảnh hưởng của sự phối hợp hai thành phần không thể so sánh được với nhau này lập luận về chủng tộc đã bị cấm sử dụng trong cách cai trị trong nhiều thế kỷ.
Sự xâm lăng của các dân tộc man ri, tuy có vẻ bất lợi, nhưng cũng vẫn tiến triển theo chiều hướng này. Sự hình thành các vương quốc của dân man ri cũng không căn cứ trên chủng tộc. Ranh giới và hình thù của các vương quốc đó đã được ấn định theo sức mạnh hay ý thích của kẻ xâm lăng. Kẻ xâm lăng hoàn toàn không quan tâm gì tới chủng tộc của dân chúng các vùng bị họ chinh phục. Những điều gì mà La Mã đã tạo ra những khuôn mẫu La Mã thì Charlemagne sửa lại theo khuôn mẫu của mình, nghĩa là một đế quốc duy nhất gồm có các chủng tộc khác nhau. Những người tạo ra sự phân chia của Verdun khi họ thản nhiên kẻ hai dòng dài từ bắc xuống nam cũng không hề quan tâm gì tới nòi giống của các dân tộc ở hai bên các con đường đó. Qua thời Trung cổ, những thay đổi về biên giới đã được thực hiện tương tự như vậy và không để ý gì tới các sự phân chia chủng tộc. Nếu các chính sách của triều đại House of Capet theo đuổi nói chung đã tập hợp các dân tộc dưới danh nghĩa là nước Pháp, gồm có các vùng lãnh thổ của dân Gaul ngày trước thì nguyên do chỉ vì dân các vùng này này đã có khuynh hướng tự nhiên kết hợp với các dân tộc tương tự. Dân Dauphine, Bresse, Provence, và Franche–Comte không còn nhớ gì về nguồn gốc chung của họ. Tới thế kỷ thứ II sau Công Nguyên thì ý thức là dân Gallic [Gaulois] đã mất hẳn. Ngày nay chỉ có các nhà chuyên tâm mới còn nhớ được đặc điểm riêng của dân Gallic [Gaulois].
Những yếu tố về chủng tộc do đó đã không giữ một vai trò gì trong việc thành lập các quốc gia hiện đại. Nước Pháp trước kia gồm các dân Celtic, Iberic, và Germanic. Nước Đức bao gồm dân Germanic, Celtic và Slav. Nước Ý là một quốc gia mà lập luận phân chia theo nguồn gốc chủng tộc rắc rối nhất. Dân Gauls, Etruscans, Pelasgians, và Greeks, ngoài ra còn có các dân tộc khác nữa, đã liên kết lẫn lộn với nhau không thể nào biết được. British Isles [nước Anh] nói chung là một tập hợp của dân Celtic và dân Germanic theo một tỉ lệ rất khó mà biết được.
Sự thực là không có một chủng tộc nào gọi là thuần nhất, và do đó đặt chính trị lệ thuộc vào sự phân tích về chủng tộc là một điều viển vông. Các quốc gia quý phái nhất như nước Anh, nước Pháp và nước Ý là những các quốc gia có sự pha trộn chủng tộc nhiều nhất. Nước Đức có phải là biệt lệ không? Có phải hoàn toàn là một quốc gia là Germanic không? Đây hoàn toàn là một ảo tưởng. Tất cả miền nam nước Đức trước kia là dân Gallic [Gaulois]. Tất cả miền đông nước Đức từ dòng sông Elbe đều là dân Slav. Ngay cả những vùng được coi là thuần chủng có thực vậy không? Chúng ta đang đề cập tới một trong các vấn đề có một tầm quan trọng rất lớn mà chúng ta phải nắm vững để có được một ý tưởng rõ ràng và ngăn ngừa sự ngộ nhận.
Các cuộc thảo luận về chủng tộc có thể kéo dài vô tận bởi vì các nhà sử học chuyên về ngữ văn học và các nhà nhân chủng học chuyên về sinh lý học đều diễn giải từ ‘chủng tộc’ bằng hai cách thức hoàn toàn khác nhau. Đối với các nhà nhân chủng học, chủng tộc có cùng một nghĩa với khoa động vật học, nó có mục đích ghi rõ nguồn gốc thực sự và quan hệ huyết thống. Tuy nhiên nghiên cứu về ngôn ngữ và lịch sử không dẫn tới sự phân chia như sự phân chia trong khoa sinh lý học. Các từ như là giống đầu ngắn (brachycephalic) hay giống đầu dài (dolichocephalic) không có một vị trí nào trong khoa sử học hay khoa ngôn ngữ học. Trong nhóm người đã tạo ra ngôn ngữ và nếp sống của dân Aryan đều có những người thuộc giống đầu ngắn và giống đầu dài. Điều đó cũng đúng đối với nhóm sơ khai đã tạo ra ngôn ngữ và các định chế gọi là Semitic. Nói một cách khác, nguồn gốc động vật học của nhân loại đã có một thời gian lịch sử rất lớn và rất lâu dài trước khi có văn hóa văn minh và ngôn ngữ. Những nhóm Aryan sơ khai, nhóm Semitic sơ khai và nhóm Turan sơ khai không có một sự thống nhất nào về phương diện hình thái học. Những sự định nhóm này là các sự kiện lịch sử đã xảy ra trong một thời kỳ nhất định, có lẽ khoảng từ 15,000 đến 20,000 trước đây. Trong khi đó thì nguồn gốc động vật học của nhân loại đã có từ khi trái đất hãy còn hoang vu. Điều mà người ta được biết về giống Germanic theo ngôn ngữ và lịch sử chắc chắn là một ngành hoàn toàn đặc biệt trong các chủng tộc của nhân loại. Nhưng đó có phải là một ngành theo đúng với nghĩa nhân chủng học không? Chắc chắn là không. Sự xuất hiện của một cá tính đặc biệt của dân Germanic mới chỉ xảy ra chừng vài thế kỷ trước khi có Chúa Giê Su. Ta có thể cho rằng không phải là dân German mới bắt đầu xuất hiện trên trái đất vào thời kỳ này. Trước đó thì họ đã lẫn lộn với dân Slavs trong một khối dân lớn là Scythians và họ không có những cá tính riêng biệt của họ. Một người Anh quả thực là một loại trong toàn thể khối nhân loại. Tuy nhiên loại mà người ta gọi một cách sai lầm là giống Anglo–Saxon thì không đúng bởi vì nó không phải là giống Briton của thời Julius Caesar hay giống Anglo–Saxon của thời Hengist và giống Dane cũng không phải là của thời Canute , cũng không phải là giống Norman của thời William the Conqueror . Nòi giống đó là kết quả của tất cả những yếu tố nói trên. Một người Pháp không phải là một người Gaul, cũng không phải là một người Frank và cũng không phải là một người Burgundian. Thực ra người Pháp đã phát xuất từ cái chảo tả pí lù lớn trong đó có rất nhiều yếu tố đã được nung nấu dưới sự lãnh đạo của vua nước Pháp. Một người bản xứ của Jersey hay Guernsey, về phương diện nguồn gốc, cũng hoàn toàn không khác gì với người Norman ở phía bờ biển bên kia. Vào thế kỷ thứ XI ngay cả những người tinh mắt nhất cũng không thể nào nhận ra sự khác biệt của các dân tộc sống ở hai bên của eo biển giữa nước Anh và nước Pháp. Những hoàn cảnh nho nhỏ tầm thường đã khiến cho Philip Augustus không chiếm tất cả những hòn đảo đó cùng với vùng Normandy. Vì phân cách trong gần 700 năm dân chúng ở các vùng đó đã trở nên không những xa lạ với nhau mà lại còn không giống nhau nữa. Chủng tộc như các nhà nghiên cứu sử hiểu, do đó là một điều được tạo ra rồi cũng được mất đi. Nghiên cứu về nhân chủng là điều quan trọng thiết yếu cho những nhà nghiên cứu quan tâm tới lịch sử của nhân loại. Tuy nhiên khoa học này không thể áp dụng vào chính trị. Nỗ lực theo bản năng đã chế ngự trong việc tạo ra bản đồ Âu Châu không để ý đến yếu tố chủng tộc. Những quốc gia lớn tại Âu Châu là những quốc gia gồm một hỗn hợp các chủng tộc.
Do đó, sự kiện về chủng tộc lúc đầu là thiết yếu nhưng càng ngày càng trở nên bớt quan trọng. Lịch sử nhân loại chủ yếu khác với khoa động vật học và chủng tộc không phải là điều quan trọng nhất như sự khác biệt giữa loài gậm nhấm và loài mèo. Ta không có quyền đi khắp trên thế giới và chọn ra những người theo hình dáng cái đầu của họ và nắm cổ họ lại nói: “Ông/bà là người cùng huyết thống với chúng tôi! Ông/bà thuộc về chúng tôi!” Ngoài những đặc tính về nhân chủng học còn có những yếu tố khác như lẽ phải, công lý, sự thực và những điều chân thiện mỹ là những yếu tố chung cho tất cả mọi người. Chúng ta phải luôn luôn đề phòng, bởi vì chính trị dựa trên căn bản chủng tộc là một điều không bao giờ ổn định. Nếu ngày nay chúng ta dùng nó để chống lại những người khác thì một ngày nào đó ta sẽ thấy chính căn bản chủng tộc đó lại được dùng để chống lại chúng ta. Chúng ta có thể biết chắc không, khi dân German là người đã nâng cao ngọn cờ chủng tộc sẽ không bao giờ thấy một ngày nào đó dân Slavs lại nghiên cứu những tên ở trong các làng trong vùng Saxony và Lusatia , để tìm thấy dòng dõi của những dân tộc Wiltzes hay Obotrites và đòi phải bồi thường cho những cuộc tàn sát và nô lệ hóa khổng lồ mà dân Ottoss đã thi hành đối với tổ tiên của họ. Tốt hơn hết là tất cả mọi người đều phải biết quên như thế nào.
Tôi rất thích khoa chủng tộc học bởi vì đó là một khoa học ít người quan tâm tới. Nhưng trong chừng mực mà tôi muốn khoa học đó phải được tự do thì tôi mong rằng khoa học đó không bao giờ được áp dụng vào chính trị. Trong khoa chủng tộc học, cũng tựa như mọi hình thức nghiên cứu, các hệ thống luôn luôn thay đổi; đó là điều kiện cho sự tiến bộ. Biên cương của các quốc gia do đó cũng thay đổi theo sự thăng trầm của khoa học. Lòng ái quốc cũng sẽ tùy thuộc ít nhiều vào những lý luận tự mâu thuẫn. Người ta có thể trực diện nói thẳng với một người ái quốc “Ông lầm rồi, ông đã đổ máu cho một lý tưởng nào đó. Ông tưởng là chính ông là người Celt, không phải đâu, ông là một người Đức.” Rồi 10 năm sau người ta sẽ nói với ông rằng ông là người Slav. Nếu chúng ta không bóp méo khoa học thì chúng ta cũng cần phải để khoa học ra ngoài cái nhu cầu cần phải có ý kiến về những vấn đề trong đó có dính líu đến nhiều quyền lợi khác nhau. Chúng ta có thể biết chắc chắn rằng nếu chúng ta bắt buộc khoa học phải cung cấp cho ngành ngoại giao những nguyên tắc sơ đẳng thì chúng ta sẽ nhiều lần thấy là khoa học đã phạm những sai lầm hiển nhiên. Khoa học có những điều tốt hơn khác phải làm; chúng ta chỉ cần đòi hỏi khoa học nói cho chúng ta biết sự thật.
2. Những điều chúng ta vừa nói về chủng tộc cũng áp dụng cho ngôn ngữ nữa.
Ngôn ngữ khiến cho người ta kết hợp với nhau nhưng không bắt buộc họ phải kết hợp. Nước Mỹ và nước Anh, các nước châu Mỹ Latin và nước Tây Ban Nha đều nói cùng một ngôn ngữ nhưng không phải hợp thành những quốc gia duy nhất. Ngược lại Thụy Sĩ là một quốc gia rất tốt bởi vì những vị trí địa dư của quốc gia đó đã được thành lập bằng một sự đồng thuận nhưng lại có tới 3 hay 4 ngôn ngữ khác nhau. Trong con người có một điều gì còn siêu việt hơn cả ngôn ngữ, đó là ý chí. Ý chí của Thụy Sĩ là muốn thống nhất. Mặc dầu có những sự khác biệt về ngôn ngữ địa phương’ ý chí đó thật sự đã quan trọng nhiều hơn là những sự thống nhất thường được thực hiện bằng những biện pháp đáng ghê sợ.
Một sự kiện đáng ca ngợi về Pháp là Pháp không bao giờ đòi hỏi có sự thống nhất về ngôn ngữ bằng những biện pháp bắt buộc. Chúng ta không có thể có cùng một tình cảm cùng một tư tưởng và cùng yêu thích một thứ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau à? Tôi đã vừa nói về những điều bất lợi bằng cách khiến cho chính trị quốc tế lệ thuộc vào chủng tộc, các điều bất lợi đó cũng không kém nếu chính trị quốc tế đó cũng bị lệ thuộc vào khoa ngôn ngữ đối chiếu. Chúng ta nên để cho những sự khảo cứu đó hoàn toàn tự do để thảo luận . Chúng ta đừng có pha trộn nó với những vấn đề có hại cho sự trong sáng của các cuộc khảo cứu. Gắn bó tầm quan trọng của chính trị vào ngôn ngữ xuất phát từ các tư tưởng cho rằng ngôn ngữ biểu hiện cho chủng tộc. Điều này hoàn toàn sai lầm. Prussia nơi mà hiện nay chỉ có nói tiếng Đức thì trước kia một vài thế kỷ đã nói tiếng Slav. Tại Walesngười ta nói tiếng Anh. Tại Gaul và Spain dân chúng nói tiếng địa phương nguyên thủy của vùng Alba Longa ; dân Ai cập nói tiếng Ả Rập; có biết bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy mà ta có thể dẫn chứng .
Ngay cả khi ta đi về tận nguồn gốc, ta cũng thấy rằng cùng một ngôn ngữ không có nghĩa là cùng một chủng tộc. Như trường họp của các bộ tộc proto–Aryan và bộ tộc proto–Semitic: ta thấy rằng nô lệ cũng nói cùng một thứ tiếng với chủ nhân, tuy nhiên nô lệ thường không có cùng chủng tộc với chủ nhân. Tôi xin nhắc lại là sự phân chia ngôn ngữ thành các nhóm Indo–European, Semitic, hay các nhóm ngôn ngữ khác tuy khiến cho khoa ngữ văn học đối chiếu có vẻ uyên thâm nhưng lại không tương xứng với sự phân chia trong nhân chủng học. Ngôn ngữ được hình thành qua lịch sử và do đó không cho ta biết người nói ngôn ngữ đó thuộc về giống nào và dù sao cũng không thể kìm hãm sự tự do của con người khi họ quyết định gắn bó chọn đời với một dòng họ nào.
Sự quan tâm chuyên nhất về ngôn ngữ, cũng giống như sự quan tâm quá mức về chủng tộc, có những khuyết điểm và những mối nguy hiểm. Sự quan tâm quá mức đó đã khép kín con người ở trong một nền văn hóa đặc biệt được coi như là văn hóa của dân tộc. Con người tự giới hạn mình và tự khép kín mình. Con người đã rời bỏ bầu không khí sảng khoái mà chúng ta thở ở trong cái bao la của nhân loại để tự nhốt mình trong một thành trì khép kín cùng với những đồng bào của họ. Không có điều gì tệ hại cho tâm hồn như vậy và không có điều gì có thể làm tai hại cho nền văn minh như vậy. Chúng ta không nên rời bỏ nguyên tắc cơ bản là con người là những vật thể có lý trí, đạo đức trước khi con người bị nhốt kín thu hẹp trong một ngôn ngữ nào đó, trước khi đã trở thành một thành viên thuộc nòi giống nào đó và trước khi con người bị lệ thuộc vào một nền văn hóa nào đó. Trước khi có văn hóa của Pháp, của Đức hay của Ý thì đã có một nền văn hóa của nhân loại. Chúng ta hãy xem các nhân vật vĩ đại của thời kỳ Phục Hưng, các nhân vật đó không phải người Pháp, không phải người Ý và cũng không phải người Đức. Các vị đó đã tìm lại trong quá khứ những bí mật của một nền giáo dục chân chính về tinh thần của con người và các vị đó đã hiến tất cả linh hồn và thể xác để tìm hiểu nền văn hóa đó. Quả thực những thành tích của các vị đó thật là vĩ đại.
3. Tôn giáo cũng không thể cung cấp một cơ sở thích hợp cho quan niệm mới về dân tộc nữa.
Lúc nguyên thủy tôn giáo liên hệ mật thiết với chính sự hiện hữu của những tập thể xã hội và những tập thể đó lại là sự nới rộng của một gia tộc. Các nghi lễ tôn giáo là những nghi thức của một gia tộc. Tôn giáo của Athens là sự tôn thờ của chính thành phố Athens, tôn thờ những người sáng lập thành phố trong huyền thoại, tôn thờ những người lập ra những luật và những tập quán của thành phố. Tôn giáo đó không có bao hàm một giáo điều thần học nào cả. Tôn giáo đó, trong một nghĩa mạnh nhất của nó, là tôn giáo của một quốc gia. Một người từ chối không theo tôn giáo đó thì không phải là người Athens. Về cơ bản thì tôn giáo này là sự tôn thờ của thành phố Acropolis đã được nhân cách hóa. Tuyên thệ trước bàn thờ của Aglaurus là tuyên thệ sẽ hy sinh cho tổ quốc. Tôn giáo này cũng tương đương với một hình thức như rút thăm để đi quân dịch, hay sự tôn thờ của lá cờ đối với chúng ta. Từ chối không tham gia vào sự tôn thờ đó cũng tương đương như từ chối thi hành quân dịch trong xã hội chúng ta. Điều đó chẳng khác gì một người tuyên bố mình không phải là một người dân xứ Athens. Từ một góc độ khác, rõ ràng là sự tôn thờ đó không có một ý nghĩa gì đối với những người không xuất thân từ Athens. Không có một nỗ lực nào để cải hóa các người nước ngoài và bắt buộc họ phải theo tôn giáo đó. Những dân nô lệ của thành Athens không theo tôn giáo đó. Sự kiện này cũng tương tự trong một số các nền cộng hòa thời Trung cổ. Người ta không thể được coi như là một thần dân tốt của Venice nếu không tuyên thệ tin tưởng vào thánh Saint Mark; không có thể là thần dân tốt của Amalfitan nếu họ không coi thánh Saint Andrews là cao cấp hơn các vị thánh khác trên thiên đường. Trong những xã hội này những điều mà sau đó đã được coi là khủng bố hay bạo quyền đều được chính thức công nhận và cũng không có những hậu quả nào khác hơn là những tập quán của chúng ta để mừng sinh nhật một tộc trưởng hay mừng năm mới.
Những điều coi là thực tại Sparta và Athens đã không còn thực trong các vương quốc xuất hiện từ cuộc chinh phục của Alexander, và lại càng không thực trong đế quốc La Mã. Những cuộc khủng bố của Antiochus Epiphanes để bắt dân miền đông phải tôn thờ Jupiter Olympus, những cuộc khủng bố của đế quốc La Mã nhằm duy trì cái gọi là quốc giáo [tôn giáo của quốc gia] đều là những hành động sai lầm có tính cách tội phạm và vô nghĩa. Trong thời đại của chúng ta điều này rất rõ ràng. Không còn có những đám đông quần chúng có những tín ngưỡng hoàn toàn thống nhất. Mỗi người tin và thờ phụng theo hình thức của người đó trong những điều kiện người đó có thể thờ phụng và theo ý muốn của người đó. Không còn tôn giáo của một quốc gia nữa. Một người có thể là người Pháp, người Anh, người Đức và người đó có thể hoặc là theo đạo Gia–tô, đạo Tin lành, đạo Do Thái chính thống hay không theo đạo nào hết. Tôn giáo đã trở thành một vấn đề cá nhân liên quan tới lương tâm của mỗi người. Chia các quốc gia thành các quốc gia theo đạo Gia–tô hay đạo Tin Lành không còn có nữa. Tôn giáo – trước đây 52 năm giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nước Bỉ – đã được duy trì vai trò quan trọng trong các nội cung của các triều đại, nhưng nó đã không còn là một trong những yếu tố quan trọng để xác định biên giới của các dân tộc.
4. Một sự tương đồng về lợi ích cũng bảo đảm một sự ràng buộc mạnh mẽ giữa con người.
Tuy nhiên sự lợi ích đó có đủ để làm thành một quốc gia hay không? Tôi không nghĩ như vậy. Lợi ích tương đồng có thể đưa tới những thỏa thuận về thương mại nhưng tính chất của một dân tộc còn có một khía cạnh tình cảm nữa. Nó vừa là cơ thể nó vừa là linh hồn. Một liên quốc về thuế quan không phải là một tổ quốc.
5. Địa dư hay cái mà người ta gọi là biên giới thiên nhiên
chắc chắn cũng giữ một phần trong việc phân chia các quốc gia.
Địa dư là một trong những yếu tố then chốt của lịch sử. Những dòng sông đã giúp cho các dân tộc di chuyển và những ngọn núi đã ngăn chặn sự di chuyển của các dân tộc. Các dòng sông đã tạo ra sự thuận lợi di chuyển ở trong lịch sử còn những rặng núi đã giới hạn sự di chuyển đó. Tuy nhiên ta có thể nói như một số người tin tưởng là biên giới của một quốc gia như được vẽ trên bản đồ và quốc gia này có quyền phán xét là cần phải phác họa những chỗ nào một cách tổng quát để xác định biên giới đó không? Để tới những trái núi hay những dòng sông nào không? Và do đó đưa ra một biên giới tiên quyết nào không? Tôi không thấy có một lý thuyết nào lại có thể có tính cách võ đoán và nguy hiểm như vậy bởi vì nó cho phép ta biện minh cho mọi cuộc bạo động. Trước hết chúng ta có nên coi các dãy núi và các dòng sông là những cái mà người ta gọi là biên giới thiên nhiên không? Một điều không thể chối cãi được là núi tạo ra sự ngăn cách nhưng các dòng sông thì tạo ra sự hòa hợp. Hơn thế nữa không phải rặng núi nào cũng chia các quốc gia. Rặng núi nào là rặng núi tạo ra sự chia rẽ và rặng núi nào là rặng núi không chia ra sự chia rẽ? Từ thành phố Biarritz nước Pháp lên tới thành phố Tornea ở Phần Lan không có một cửa sông nào có thể thích hợp hơn các cửa sông khác để tạo ra những mốc về biên giới. Nếu lịch sử đã đưa ra những luật như vậy thì con sông Loire, sông Seine, sông Meuse, sông Elbe, hay sông Oder cũng có thể có những tính cách là biên giới thiên nhiên cũng dễ như là dòng sông Rhine. Và do đó đã tạo ra rất nhiều sự vi phạm về quyền căn bản nhất của con người. Đó là ý muốn của con người. Người ta nói về những địa thế chiến lược, tuy nhiên không có điều gì là tuyệt đối cả. Điều hoàn toàn rõ ràng là nhiều sự nhân nhượng đã phải nhường bước cho nhu cầu. Nhưng sự nhân nhượng đó không nên đi quá trớn nếu không thì tất cả mọi người sẽ đòi các vùng đất đai theo lợi ích về quân sự của họ và chúng ta sẽ không ngừng có chiến tranh. Quả thực đất đai và chủng tộc đã không tạo nên một quốc gia. Đất đai tạo ra cái vùng ở dưới, cái nơi có sự tranh chấp và lao động nhưng chính con người mới tạo ra hồn thiêng [sông núi]. Con người giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành sự thiêng liêng mà chúng ta gọi là một dân tộc. Những yếu tố hoàn toàn có tính cách vật chất không đủ để tạo ra hồn thiêng đó. Một quốc gia là một nguyên tắc về tinh thần, là một thành quả của những yếu tố phức tạp sâu xa trong lịch sử . Nó là một gia đình về tinh thần nhiều hơn là một nhóm được quyết định bởi hình dáng địa hình của đất. Bây giờ chúng ta đã tìm hiểu những yếu tố nào đã không thích hợp trong việc hình thành của một nguyên tắc tâm linh như vậy. Đó là những yếu tố như nòi giống ngôn ngữ, lợi ích về vật chất, sự khác biệt về tôn giáo, địa hình và nhu cầu về quân sự. Như vậy thì còn yếu tố gì nữa? Qua những điều chúng ta đã nói ở trên tôi sẽ không cần phải khiến cho độc giả phải đọc lâu hơn nữa.
III
Một quốc gia là một linh hồn, một nguyên tắc tâm linh. Hai điều, trong thực tế là một, tạo thành linh hồn hoặc nguyên tắc tâm linh này. Một nằm trong quá khứ, một trong hiện tại. Một là sự sở hữu chung một di sản phong phú của ký ức; điều kia là sự đồng thuận ngày nay, mong muốn được sống cùng nhau, quyết tâm duy trì giá trị của toàn bộ di sản đã nhận được. Thưa quý vị, con người không làm theo ngẫu hứng. Quốc gia, giống như cá nhân, là đỉnh cao tích lũy của một quá khứ dài những nỗ lực, hy sinh và cống hiến. Trong mọi sự tôn thờ, thờ cúng tổ tiên là hợp lý nhất, vì tổ tiên đã khiến cho chúng ta được như ngày nay. Một quá khứ hào hùng, những vĩ nhân, vinh quang (tôi muốn nói là vinh quang chân chính), đây là vốn xã hội để gây dựng nên ý tưởng quốc gia. Để có vinh quang chung trong quá khứ và có một quyết tâm chung trong hiện tại; cùng nhau thực hiện những hành động lớn, muốn thực hiện tốt hơn nữa hơn nữa – đó là những điều kiện thiết yếu để trở thành một dân tộc. Càng sẵn sàng cùng hy sinh cho một điều gì bao nhiêu, càng cùng chịu đau khổ về điều đó bao nhiêu thì ta lại càng cùng yêu cái đó bấy nhiêu. Ta yêu ngôi nhà ta đã xây và đã để lại cho con cháu. Lời ca mộc mạc trong bài ca của dân Spartan – “Tổ tiên đã khiến chúng ta được như ngày nay, chúng ta sẽ làm như tổ tiên” – đã trở thành bài thánh ca ngắn gọn của tổ quốc.
Cùng nhau chia sẻ cái di sản vinh quang cũng như đau buồn trong quá khứ, cùng nhau xây dựng ước vọng tương lai, cùng vui, cùng buồn, cùng hy vọng: những điều này còn quý giá hơn nhiều sự cùng có những đồn hải quan, những biên giới chiến lược. Đó là những điều ai cũng hiểu, bất chấp sự khác biệt về chủng tộc và ngôn ngữ. Tôi vừa mới nói về “cùng chịu đựng”, quả thực như vậy, đau khổ khiến ta đoàn kết nhiều hơn vui sướng. Trong những những kỷ niệm lớn của quốc gia, kỷ niệm đau buồn có giá trị hơn chiến thắng, vì nó khiến ta nhận thêm nghĩa vụ và đòi hỏi chúng ta cùng nhau chung lưng đấu cật.
Do đó, một quốc gia là một khối đại đoàn kết, được hình thành bởi những hy sinh mà ta đã đóng góp trong quá khứ và sẵn sàng cống hiến trong tương lai. Nó dự thiết một quá khứ; tuy nhiên nó được tóm tắt trong hiện tại bởi một thực tế cụ thể, đó là sự đồng thuận, và lòng mong muốn thể hiện rõ ràng được tiếp tục một cuộc sống chung. Sự tồn tại của một quốc gia là, xin quý vị cho phép nói một cách bóng bẩy, một cuộc trưng cầu dân ý hàng ngày, cũng như sự hiện hữu của một cá nhân là một sự khẳng định không ngừng của cuộc sống. Điều đó, tôi biết rõ, ít siêu hình hơn quyền thiêng liêng và ít tàn bạo hơn cái gọi là quyền lịch sử. Theo những ý tưởng mà tôi phác thảo cho quý vị, một quốc gia không có quyền gì hơn một vị vua thường nói với một tỉnh: tỉnh thuộc về tôi, tôi đang chiếm giữ tỉnh. Một tỉnh, theo tôi nghĩ, là cư dân của nó; nếu người có quyền phải được hỏi ý kiến tư về một vấn đề như vậy thì đó là cư dân của tỉnh. Một quốc gia không bao giờ có bất kỳ lợi ích thực sự nào trong việc thôn tính hoặc nắm giữ một nước khác trái với ý muốn của nước đó. Nói chung ý nguyện của các quốc gia là tiêu chí chính đáng duy nhất, tiêu chí mà ta phải luôn luôn tôn trọng.
Chúng ta đã đẩy sự trừu tượng siêu hình và thần học ra khỏi chính trị. Như vậy thì còn lại cái gì? Đó là con người, với những mong muốn và nhu cầu của mình. Quý vị sẽ nói với tôi, như vậy về lâu về dài sẽ dẫn đến tình trạng ly khai, chia năm sẻ bẩy, kết quả của hành động phó thác sự sinh tồn của những tập thể sống động đã và có từ lâu này dưới sự chi phối của những ý muốn hay thay đổi và thường thiếu sáng suốt. Sự ly khai – và về lâu dài – sự tan rã của các quốc gia sẽ là kết quả của một hệ thống đặt những sinh vật cũ lệ thuộc vào những ý muốn thường thiếu sáng suốt. Rõ ràng là, trong những vấn đề như vậy, không có nguyên tắc nào phải được áp dụng một cách triệt để. Chân lý thuộc loại này chỉ được áp dụng một cách rất chung chung. Ý muốn của con người thay đổi, nhưng ở dưới các ý muốn đó có gì không thay đổi? Quốc gia không phải là một cái gì vĩnh cửu. Quốc gia nào cũng có lúc bắt đầu và lúc kết thúc. Một liên minh châu Âu rất có thể sẽ thay thế các quốc gia đó. Nhưng đó không phải là định luật của thế kỷ mà chúng ta đang sống. Ở thời điểm hiện tại, sự tồn tại của các quốc gia là một điều tốt, thậm chí là cần thiết. Sự tồn tại của các quốc gia là sự bảo đảm tự do, và tự do sẽ mất đi nếu thế giới chỉ có một luật và chỉ có một chủ.
Qua các quyền lực khác nhau và thường đối nghịch nhau, các quốc gia tham gia vào công việc chung của nền văn minh; mỗi quốc gia là âm thanh của một nốt nhạc trong buổi hòa nhạc tuyệt vời của nhân loại. Suy cho cùng, đó là thực tế lý tưởng cao nhất mà chúng ta có thể đạt được. Đứng riêng lẻ, mỗi quốc gia đều có nhược điểm. Tôi thường tự nhủ rằng một cá nhân có những lỗi lầm mà trong các quốc gia lại được coi là có phẩm chất tốt – những người tham vọng hão huyền, lại thêm tật đố kỵ, ích kỷ, và hay gây gổ, chỉ biết rút kiếm ra mỗi khi bị phật ý – thì cá nhân đó là không thể được tha thứ. Tuy nhiên, tất cả các thói xấu này biến mất trong bối cảnh tổng thể. Nhân loại thật đáng thương, đã phải chịu đựng như thế biết bao! Bao nhiêu thử thách vẫn đang chờ nhân loại! Xin đấng minh triết tối cao dẫn dắt và che chở nhân loại vượt qua muôn ngàn gian nguy trên đường đời!
Thưa quý vị, tôi xin tóm lược như sau. Con người không phải là nô lệ của chủng tộc, của ngôn ngữ, của tôn giáo của mình, cũng không phải là nô lệ của dòng sông cũng như hướng đi của các dãy núi. Một tập hợp lớn của những con người, với tâm trí lành mạnh và trái tim ấm áp, tạo ra ý thức đạo đức mà chúng ta gọi là quốc gia. Chừng nào ý thức đạo đức này chứng tỏ sức mạnh của nó bằng đòi hỏi các cá nhân chịu hy sinh vì lợi ích của tập thể thì quốc gia đó có chính danh và có quyền tồn tại. Nếu có những nghi ngờ liên quan đến biên giới, hãy tham khảo ý kiến dân chúng trong các khu vực đang tranh chấp. Họ phải có quyền lên tiếng trong vấn đề này. Lời khuyên này sẽ khiến cho các nhà chính trị siêu việt mỉm cười. Các vị tự nhận là đại thức giả không bao giờ sai lầm đó – đã dâng hiến cả cuộc đời mình để lừa dối chính mình và những người khác – và, từ đỉnh cao của các nguyên tắc tối thượng của họ, các vị đó đã tỏ lòng thương hại cho những kẻ trần tục như chúng ta. “Tham khảo ý dân à? ! Thật ngây thơ làm sao! Quả thật đó là ví dụ điển hình về những ý tưởng bệnh hoạn của Pháp, muốn thay thế ngoại giao và chiến tranh bằng những cách thức đơn giản trẻ con.” Xin quý vị hãy khoan, chúng ta hãy bỏ qua triều đại của những đấng siêu việt; chúng ta hãy nhẫn nhục chịu sự khinh miệt của kẻ có thế lực. Có thể sau nhiều lần mò mẫm không có kết quả, người ta sẽ trở lại với các giải pháp thực tiễn khiêm tốn của chúng ta. Có khi, tới một lúc nào đó, cách tốt nhất để đúng trong tương lai là chịu nhận mình đã lỗi thời.
–o–o–o–
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, March 2020
Nguồn: http://ucparis.fr/files/9313/6549/9943/What_is_a_Nation.pdf