fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 7

Chương VII

Cũng có một số cơ cấu chính trị được một số người khác đề nghị; trong số này một số là các nhà nghiên cứu tài tử, những người khác là triết gia hoặc chính trị gia. Những cơ cấu do họ đề nghị cũng gần giống như các cơ cấu đã được thiết lập trong quá khứ hoặc đang hiện hữu, và không giống như cả hai cơ cấu do Plato đề nghị. Cũng chẳng có ai đưa ra các đề nghị mới mẻ như tạo lập một cộng đồng vợ chung, con chung, hay là tổ chức các bữa ăn chung cho phụ nữ: các nhà lập pháp bắt đầu bằng những nhu cầu thiết yếu của đời sống. Theo quan điểm của một số người, việc quy định tài sản là điểm chính yếu và là vấn đề đưa đến cách mạng. Phaleas, người xứ Chalcedon, nhận ra điều nguy hiểm này, và là người đầu tiên khẳng định rằng mọi công dân nên có tài sản bằng nhau. Ông nghĩ rằng điều này có thể được thực hiện không khó lắm tại những thuộc địa mới thành lập, nhưng lại là điều khó khăn khi một nước đã được thành lập lâu rồi; và cách ngắn nhất để hoàn thành mục đích mong muốn là những người giàu chỉ được cho chứ không được nhận của hồi môn, và người nghèo được nhận chứ không cần phải cho của hồi môn. Trong cuốn Luật Pháp, Plato cho rằng, trong một chừng mực nào đó, người dân nên được quyền tích trữ của cải, và như tôi đã trình bày, không cho phép người dân được sở hữu quá năm lần mức quy định tối thiểu. Thế nhưng những người lập ra những luật lệ như vậy thường hay quên rằng khi ấn định một mức tài sản nào đó, thì cũng phải ấn định luôn số con cái; chỉ vì nếu có nhiều con hơn số tài sản được quy định, thì điều luật đó phải bị vi phạm. Bên cạnh sự vi phạm luật lệ đó, một điều tệ hại khác sẽ xảy ra khi người giàu biến thành kẻ nghèo khó; những người mà tài sản bị thiệt hại chắc chắn sẽ khuấy động cách mạng. Các chính trị gia lão thành đã nhận thức được ảnh hưởng của việc bình đẳng hóa tài sản trên xã hội chính trị. Solon và các chính trị gia khác không cho phép cá nhân được sở hữu quá nhiều đất đai theo ý muốn, và còn có những đạo luật cấm bán điền sản: thí dụ như trong xứ Locris,[1] người dân xứ này không được bán điền sản nếu không chứng minh được rõ ràng là đã gặp vận rủi [về tài chánh]. Ngoài ra còn có những luật lệ buộc người dân phải bảo toàn nguyên vẹn phần đất mà họ được trao truyền (nghĩa là không được bán bớt đi một phần đất đai). Những đạo luật như vậy ta có thể tìm thấy ở đảo Leucas, và khi luật lệ này bị hủy bỏ đã khiến cho cơ cấu chính trị trở nên quá dân chủ, vì ai cũng có thể trở thành viên chức cai trị [khi điều kiện (đất đai) xác định tư cách đại biểu đã bị hủy bỏ].                       

Lại còn một điều nữa là sự bình đẳng về điền sản dẫn đến trường hợp hoặc là điền sản quá lớn hoặc quá nhỏ; như thế, người dân sẽ hoặc là sống xa hoa hoặc là trong nghèo khó. Như vậy thật rõ ràng là nhà chính trị phải, không những nghĩ đến việc bình đẳng hóa điền sản, mà còn điều chỉnh một số lượng vừa phải nữa. Nhưng ngay cả khi đã quy định một số lượng vừa phải đồng đều cho mọi người, vấn đề cũng vẫn chưa được giải quyết. Bởi vì không phải là sự tư hữu điền sản mà lòng ham muốn của con người mới cần được bình đẳng hóa, và đó là điều bất khả thực hiện, trừ phi luật pháp tạo nên một nền giáo dục đầy đủ cho mọi người dân. Nhưng Phaleas có lẽ sẽ trả lời rằng đó chính là điều ông muốn thực hiện; nghĩa là, một nước không những cần phải có bình đẳng về tài sản, mà còn bình đẳng về giáo dục. Nhưng ông cũng nên nói cho rõ hơn những điều ông muốn nói thực sự nghĩa là gì. Một nền giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người sẽ chẳng có lợi gì hết, nếu nền giáo dục đó dạy người ta tham danh, hoặc tham lợi, hoặc cả hai. Thêm vào đó, những rắc rối xã hội xảy ra không phải chỉ vì bất bình đẳng về tài sản mà còn do bất bình đẳng về danh vọng và chức vụ trong xã hội. Hai sự bất bình đẳng này ngược với nhau. Dân thường tranh cãi vì sự bất bình đẳng về tài sản, còn dân thượng lưu lại tranh cãi vì có sự bình đẳng về chức vụ,[2] như Homer đã từng nói: “Kẻ sang người hèn đều có danh vọng như nhau.”

Có những tội ác gây ra bởi sự thiếu thốn, và Phaleas nghĩ rằng bình đẳng hóa tài sản sẽ là phương thuốc chữa trị, vì bình đẳng hóa tài sản sẽ khiến người ta mất đi sự cám dỗ trở thành kẻ cướp vì đói lạnh. Nhưng sự thiếu thốn không phải là động cơ duy nhất khiến người ta phạm tội. Người ta cũng phạm tội chỉ vì tội ác đem lại cho họ khoái lạc và giải thoát cho họ những ham muốn không được thỏa mãn (bị ám ảnh bởi những ham muốn vượt quá nhu cầu đơn giản của đời thường, họ trở thành những tên tội phạm để giải tỏa những ham muốn này). Người ta cũng phạm tội không những chỉ để giải tỏa những ham muốn đang thôi thúc: họ phạm tội vì một nỗi ham muốn nào đó và phạm tội để thỏa mãn những ham muốn đó để không còn bị đau khổ vì những ham muốn đó dằn vặt.[3]
Như vậy phương pháp nào trị được ba loại tội ác vừa kể? Loại thứ nhất, ta có thể giới hạn tài sản và một số nghề nào đó; còn loại thứ hai, tập cho [dân] có tính tự chủ, tiết độ; còn loại thứ ba, nếu con người muốn tìm những ham muốn nào mà tự nó đem đến khoái lạc, thì chỉ có cách là tìm đến triết học, vì ngoài triết học ra, tất cả mọi khoái lạc đều lệ thuộc vào những điều kiện khác. Một sự thật là những tội phạm ghê gớm nhất được gây ra không phải vì thiếu thốn mà vì thừa thãi. Người ta không trở thành bạo chúa để khỏi bị đói lạnh, [người ta trở thành bạo chúa vì muốn có nhiều của cải hơn nữa]. Đó cũng là lý do tại sao những ai dám hành thích một bạo chúa được người đời ca tụng hơn là giết một tên đạo tặc. Do đó, ta thấy các định chế do Phaleas đề nghị chỉ giải quyết được các tội ác lặt vặt mà thôi.

Đối với các định chế của Phaleas, còn một điểm nữa khiến tôi không đồng ý. Đó là phần lớn các định chế này được thiết lập để thúc đẩy phúc lợi nội tại của quốc gia, chứ không xét đến mối quan hệ với các nước láng giềng và những ngoại bang khác ở xa hơn. Một chính quyền phải được tổ chức với mối quan tâm đến sức mạnh quân sự; nhưng điều này Phaleas lại chẳng đả động gì đến. Đối với tài sản cũng vậy: không những tài sản phải có đủ dùng cho trong nước mà còn phải có đủ để đối phó với những nguy hiểm đến từ bên ngoài. Tài sản của một nước không nên có quá nhiều để gợi lòng tham khiến nước khác xâm lăng mà mình không đủ sức chống lại; nhưng cũng không nên có quá ít khiến cho không đủ sức để kéo dài chiến tranh ngay cả đối với những nước có lực lượng và đặc tính tương đương. Phaleas không nói gì về điểm này, nhưng ta nên nhớ rằng tài nguyên dồi dào là một lợi điểm. Tài nguyên của một nước nên ở mức mà các nước mạnh lân bang phải cảm thấy là lý do gây chiến với ta hòng chiếm đoạt của cải dư thừa của ta không đủ sức thuyết phục bằng gây chiến khi nước đó có tài nguyên kém hơn. Lịch sử đã có trường hợp minh chứng cho lập luận này. Khi vua Autophradates của xứ Ba Tư chuẩn bị bao vây thành Artenus, thì vua của Artenus là Eubulus nói với Autophradates nên nghĩ lại xem cuộc vây thành như vậy sẽ kéo dài bao lâu và tốn kém như thế nào. Eubulus nói thêm, “Ta sẵn sàng dâng thành ngay lập tức nếu bệ hạ trả một giá tương đương với phí tổn chiến tranh.” Những lời này khiến Autophradates nghĩ lại và bỏ ý định bao vây thành Artenus.

Sự bình đẳng hóa tài sản là một trong những điều giúp cho công dân khỏi tranh cạnh và gây gổ với nhau, nhưng lợi ích về điểm này thì cũng chẳng được là bao. Những nhà quý tộc sẽ bất mãn vì họ nghĩ là họ xứng đáng được hưởng nhiều hơn sự bình đẳng về tài sản. Ta cũng thường thấy đây là điều gây ra loạn lạc và cách mạng. Và lòng tham của con người thì không thể thỏa mãn được. Có lúc hai đồng tiền obol[4] cũng đủ trả công, nhưng khi người ta quen dần với số tiền này, người ta lại muốn được hơn như thế và không biết khi nào là đủ. Bản chất của lòng ham muốn là vô hạn và phần lớn người ta sống chỉ để thỏa mãn những ham muốn này. Sự khởi đầu của cải cách chính trị không phải là bình đẳng hóa tài sản mà là huấn luyện để phần hướng thượng của bản chất con người được nâng cao khỏi những ham muốn, và phần hướng hạ không còn khả năng để chiều theo dục vọng. Ngoài ra, chính sách bình đẳng hóa của Phaleas cũng không được hoàn hảo, vì ông chỉ bình đẳng hóa đất đai, trong khi đó người ta có thể trở nên giàu có nhờ vào nô lệ, gia súc và tiền bạc, và còn vào vô số những động sản khác. Như thế hoặc là những thứ này cũng phải được bình đẳng hóa, hoặc là phải ấn định một giới hạn nào đó, hoặc là cứ để như vậy. Chính sách của Phaleas cũng cho thấy rõ ràng là chỉ áp dụng cho một nước nhỏ, vì như ông đề nghị, thành phần thợ được coi là công bộc chứ không phải là một bộ phận tạo nên công dân của đất nước. Nhưng nếu có một đạo luật quy định giai cấp thợ thuyền là công bộc của đất nước, thì chỉ nên áp dụng cho một thành phần nào đó phụ trách những dịch vụ công cộng mà thôi, như ở Epidamus, hay ở Athens theo như kế hoạch do Diophantus đã từng đề nghị.

Từ những nhận xét trên ta có thể nhận định những đề nghị của Phaleas là đúng hay sai.


[1] Locrian là một sắc dân cổ Hy Lạp thuộc xứ Locris ở miền nam Hy Lạp bây giờ.

[2] Theo Aristotle, chức vụ nên được tưởng thưởng theo khả năng, và như vậy căn cứ trên nguyên tắc bình đẳng theo tỷ lệ. Những ai đã đóng góp công sức cho quốc gia tới mức nào thì đáng hưởng chức vụ tới mức đó (Ghi chú của Barker).

[3] Đoạn này Jovett dịch rất khó hiểu, người dịch đã phải tham khảo thêm bản dịch của Enerst Barker, ấn bản đầu tiên do nhà Oxford University Press, 1958.

[4] Đồng tiền bằng bạc thời cổ Hy Lạp.