Eric Schoon và Corey Pech
Hoa Kỳ là một nền dân chủ có khuyết điểm. Đây không phải là một nhận định chủ quan, mà là một đánh giá do Chỉ số Dân chủ hàng năm của tạp chí Economist ấn định cho Hoa Kỳ. Việc hạ cấp từ “dân chủ hoàn toàn” là đỉnh điểm của một thập kỷ sụt giảm xếp hạng, đưa Hoa Kỳ ra khỏi bảng xếp hạng bao gồm Úc, Canada và Vương quốc Anh và đưa Mỹ vào nhóm ngang hàng với Ấn Độ, Botswana và Chile.
Trong nhiều thập kỷ sau những thành công của phong trào dân quyền và việc thông qua Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965, Hoa Kỳ đã có những thành phần cơ bản mà hầu hết các nhà phân tích cho là cần thiết cho một nền dân chủ vận hành tốt. Tuy nhiên, các tổ chức theo dõi mức độ dân chủ trên khắp thế giới nhận thấy rằng những thành phần này đang giảm dần ở Hoa Kỳ.
Để hiểu tại sao nền dân chủ của Mỹ đang suy giảm, chúng ta nên tập trung vào các sự kiện gần đây, chẳng hạn như cuộc suy thoái năm 2008 hoặc các đề án từ tiểu bang nhằm hạn chế quyền bầu cử. Nhưng làm như vậy có nguy cơ nhầm lẫn các triệu chứng của vấn đề với nguyên nhân của nó. Để đi sâu vào những nguyên nhân thực sự dẫn đến sự suy giảm của nước Mỹ, chúng ta nên xem xét những điều kiện đã góp phần vào sự sụp đổ của các nền dân chủ trong lịch sử.
Trên thực tế, thời điểm hiện tại của chúng ta có những điểm tương đồng nổi bật với châu Âu trước Thế chiến thứ hai, khi số lượng các nền dân chủ cũng đang thu hẹp lại thay vì tăng lên. Năm 1959, Seymour Martin Lipset, một trong những nhà lý thuyết nổi bật nhất của thế kỷ 20 về dân chủ, đã xác định hai yếu tố chính rất quan trọng để giải thích sự khác biệt giữa các nền dân chủ ổn định và không ổn định trong thời kỳ này: phát triển kinh tế và tính hợp pháp chính trị.
Khi làm như vậy, Lipset đã ngầm thách thức một số giả định cơ bản mà những “Quốc Phụ”đã đưa ra khi thành lập chính quyền Hoa Kỳ. Trong Luận cương Liên bang số 10, James Madison đã xác định sự cai trị của đám đông[1] và sự xuất hiện của các phe phái chính trị là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của nền dân chủ, và do đó, những người xây dựng Hiến pháp Hoa Kỳ đã cố gắng hạn chế quyền lực của các phe phái bằng cách thiết lập các phương thức kiểm soát và cân bằng trong hệ thống chính trị. Nhưng Lipset tin rằng những biện pháp này không đủ để ngăn chặn sự phân hóa và cai trị của đám đông. Ông cho rằng các phe phái mạnh sẽ thắng thế khi có sự bất bình đẳng kinh tế cực độ, bất kể hệ thống chính trị được thiết kế như thế nào.
Đây chính là điều đã xảy ra ở nhiều nước châu Âu trong những năm 1920 và 1930. Sử dụng các chỉ số về phát triển kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, số bác sĩ, số điện thoại và radio và tỷ lệ nam giới làm nông nghiệp, trong phân tích của mình, Lipset đã chỉ ra rằng có sự khác biệt rõ rệt về mức độ phát triển tổng thể giữa các quốc gia đã có nền chính trị dân chủ không bị gián đoạn kể từ Thế chiến thứ nhất so với những quốc gia bị gián đoạn. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người ở các nước châu Âu duy trì nền dân chủ ổn định cao hơn gấp đôi so với các nước từng trải qua bất ổn.
Mặc dù sự tập trung của Lipset vào sự giàu có và sự phát triển tổng thể của các quốc gia sẽ không thể hiện được sự bất bình đẳng ngày nay, nhưng vào thời điểm ông viết bài này, các nước có nền kinh tế phát triển hơn là những nước có mức độ bình đẳng kinh tế cao nhất trong lịch sử. Do đó, những phát hiện này của Lipset cho thấy sự khẳng định có chứng minh rằng “một xã hội bị phân chia giữa một khối lớn nghèo khổ và một tầng lớp ưu tú nhỏ sẽ dẫn đến chế độ quả đầu[2]… hoặc chuyên chế.”
Ngày nay, đánh giá của Lipset vẫn còn vang vọng. Bất chấp sự giàu có ngày càng tăng trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã trải qua sự gia tăng nhanh chóng về bất bình đẳng kinh tế và giáo dục. Tiền lương ở Hoa Kỳ đã tăng kể từ năm 2000, nhưng nhanh gấp 5 lần đối với những người có thu nhập cao nhất so với những người có thu nhập thấp nhất. Với ít sự bảo vệ của công đoàn hơn và ít sự trợ giúp của chính phủ hơn, nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để kiếm sống, ngay cả khi số lượng triệu phú ở nước này đạt mức cao kỷ lục. Một báo cáo năm 2017 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho thấy khoảng 40% người Mỹ cho biết không thể trang trải khoản chi phí 400 đô la bất ngờ.
Lipset cho rằng giáo dục cũng là một biện pháp bảo vệ quan trọng chống lại sự bè phái và thống trị của đám đông. Đó là một trong những lý do phát triển kinh tế thúc đẩy các nền dân chủ: Các nước phát triển hơn có khả năng cung cấp giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, ở đây, Hoa Kỳ cũng đang sa sút, với chất lượng giáo dục giảm sút và bất bình đẳng ngày càng tăng trong trình độ học vấn. Như học giả giáo dục Sean Reardon đã tóm tắt ngắn gọn vào năm 2011: “Khoảng cách về thành tích giữa trẻ em từ các gia đình có thu nhập cao và thu nhập thấp lớn hơn khoảng 30 đến 40% ở trẻ em sinh năm 2001 so với trẻ em sinh 25 năm trước đó”.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng tính chất xem các cơ hội là hàng hóa, cho thấy rằng các cơ hội giáo dục ngày càng phụ thuộc vào sự sung túc và nguồn lực riêng của từng gia đình.
Sau đó, khi nói đến phát triển kinh tế, Hoa Kỳ đang ngày càng tích tụ các điều kiện gây mất ổn định các nền dân chủ trên khắp thế giới trước Thế chiến thứ hai.
Hoa Kỳ cũng không làm tốt các chỉ dấu khác của Lipset về tình trạng sức khỏe của nền dân chủ: tính hợp pháp của hệ thống chính trị. Ông đã xác định các điều kiện cụ thể sẽ luôn làm suy yếu tính hợp pháp của nền dân chủ. Đầu tiên trong số này là cách một xã hội giải quyết những xung đột chính trị lớn. Lipset cho rằng việc không giải quyết được những khác biệt chính trị quan trọng khi chúng nảy sinh làm gia tăng sự phân cực chính trị, bởi vì những khác biệt đó sẽ trở thành xung đột giữa các phe phái.
Thật vậy, phần lớn sự phân cực và thất vọng ở Mỹ có thể liên quan đến việc không giải quyết được sự phân chia cơ bản. Các cuộc tranh luận về quyền phá thai, quyền sử dụng súng, quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe, quyền bầu cử và các vấn đề xã hội quan trọng khác đã diễn ra trong nửa thế kỷ qua theo các đường lối đảng phái ngày càng tăng.
Sự bè phái chính trị không chỉ do thất bại trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hóc búa. Lipset lập luận rằng chính trị chia rẽ phát triển mạnh nhờ sự cô lập về mặt xã hội và trí tuệ, mà các nhà lãnh đạo chính trị có thể thao túng để xây dựng sự ủng hộ. Những nhà lãnh đạo như vậy cần ngăn chặn những người đi theo của họ tiếp xúc với những ý tưởng và câu chuyện không phù hợp với lập luận chính trị của họ. Thật vậy, tuyên truyền và tuyên bố về “tin tức giả” đã tràn lan ở các nước châu Âu trải qua sự suy giảm dân chủ trong những năm giữa cuộc chiến.
Trong bối cảnh của Hoa Kỳ, chúng ta đã thấy những mối đe dọa như vậy đối với tính hợp pháp ngày càng phổ biến hơn trong vài thập niên qua. Theo phân tích năm 2017 của Viện Reuters về thói quen sử dụng tin tức của mọi người trên 37 quốc gia, mức tiêu thụ tin tức của người Mỹ nằm trong nhóm phân cực nhất ở thế giới phương Tây. Nhìn qua lăng kính công việc của Lipset, sự gia tăng của sự phân chia ý thức hệ xung quanh các vấn đề chính trị lâu nay chưa được giải quyết, cùng với sự chia rẽ ngày càng tăng về loại tin tức mà mọi người sử dụng và tin tưởng, đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng tính hợp pháp ở Hoa Kỳ.
Khi đề cập đến sức khỏe của nền dân chủ Mỹ, nghiên cứu của Lipset đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm. Nhưng nó cũng cung cấp một lý do để hy vọng. Bằng cách hướng sự chú ý của chúng ta đến những điều kiện xã hội tương tự đã ảnh hưởng đến sự ổn định của các nền dân chủ châu Âu thế kỷ 20, tác phẩm của ông nhấn mạnh rằng chinh những người công dân đi bầu— không phải thể chế chính trị—là chìa khóa để ổn định và xây dựng lại nền dân chủ. Các thể chế của chúng ta có thể đang suy yếu, nhưng nếu người dân của chúng ta cam kết gắn bó với một hệ thống dân chủ đang hoạt động, thì vẫn có lý do để hy vọng.
Nông Duy TRường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, March 2022
Tác giả:
- Eric Schoon là Phó Giáo sư Xã hội học tại Viện Đại học OhioTwitter
- Corey Pech là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành xã hội học tại Viện Đại học Ohio.
Nguồn: https://www.washingtonpost.com/outlook/2019/03/05/why-is-american-democracy-danger/
[1] Mob rule là cụm từ chỉ sự tham gia chính sự của đám đông, lấy số đông để áp đảo, bất chấp luật lệ hiện hành. Mob rule còn được gọi là ochlocracy hay mobocracy là biến thể dị dạng của dân chủ.
[2] Chế độ quả đầu (oligarchy) là chế độ cai trị bởi một nhóm người.