Nghịch lý của sự đàn áp tại Trung quốc
Lester R. Kurtz[1]
Chính quyền Trung quốc giống như tất cả các chính quyền khác đang lúng túng tìm cách đối phó với những kẻ thù của họ. Đây là một vấn đề cốt lõi mà tất cả các chính thể chuyên chế đều phải giải quyết. Việc Ủy ban Nobel trao giải thưởng Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba rõ ràng được coi là một sự sỉ nhục đối với quyền lực của Trung quốc và đã đưa các người bất đồng chính kiến trong nước lên tầm mức quốc tế. Đối với một chế độ không cần phải đếm xỉa tới nguyện vọng của dân chúng thì không có gì bực mình hơn là thấy bạn và những người bên ngoài vinh danh những người công dân của mình đã lên tiếng chống đối chế độ. Tội của ông Lưu là ông ấy là một nhân vật then chốt trong việc công bố Hiến chương 08 (2008) kêu gọi dân chủ hóa, mô phỏng theo Hiến chương 77 của Tiệp và Slovak và là màn giáo đầu cho cuộc Cách mạng Nhung đã khiến cho chính quyền Cộng sản của nước này bị lật đổ năm 1989.
Đứng về phương diện của chính quyền chuyên chế, những người bất đồng chính kiến nội bộ rất có thể dễ giải quyết: bỏ vào tù, thủ tiêu họ, đầy họ biệt xứ hay xử án họ. Tuy nhiên không dễ mà có thể bịt miệng một ủy ban có uy tín như là Ủy ban Nobel chứ đừng nói là tới một tập thể mơ hồ mà người ta gọi là cộng đồng quốc tế. Lẽ dĩ nhiên đó là lý do tại sao giáo sư Lưu đã được trao giải thưởng. Thông điệp của ông đã được phóng đại một cách khiến cho những người trong nước không thể không để ý tới. Trong một thế giới đã thu hẹp như một làng thì những sự tranh chấp không thể nào ngưng ở trong biên giới của một nước. Nhà nước đã có những nỗ lực cô lập những người bất đồng ý kiến trong nước nhưng nỗ lực này luôn luôn thất bại và những nhà chống đối khôn khéo đã có những quan hệ tốt đối với giới truyền thông thế giới và những đồng minh then chốt ở ngoài nước.
Minky Worden của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới đã ghi nhận rằng những chính sách mới đây của Trung quốc, nhằm đối phó với những người bất đồng ý kiến, là “giết gà dọa khỉ,” nói một cách khác gieo rắc sự sợ hãi để kẻ khác phải phục tùng bằng cách trừng phạt công khai một người để làm gương. Nạn nhân bị đưa ra làm vật tế thần trong trường hợp này là nhà tranh đấu cho nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Trước kia ông là giáo sư văn chương tại Đại học Sư phạm tại Bắc kinh. Ông bị bắt giam năm 1989 sau khi đã ủng hộ cuộc biểu tình phản đối của sinh viên tại Thiên an Môn. Năm 2008, ông cùng với 2000 công dân Trung quốc khác ký một bản hiến chương đòi chấm dứt chế độ độc đảng và tôn trọng nhân quyền và dân chủ tại Trung quốc. Ông là một trong nhiều người đã được đưa ra để làm gương cho thấy là chính quyền không dung tha những kẻ bất đồng ý kiến. Ông bị bỏ tù để răn đe những người phạm tội chống đối tương tự.
Tuy nhiên đàn áp những người chống đối là một điều có nhiều rủi ro và thường có những ảnh hưởng bất lợi, đổ dầu thêm cho phe chống đối, thường khiến cho chế độ mất chính danh và có khi lại tạo ra những thành phần muốn ly khai khỏi những định chế quyền lực. Đó là nghịch lý cơ bản của hành động chống đối (Smithey và Kurtz 1995). Tuy nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung hoa cho tới nay hãy còn may mắn với chính sách đàn áp hơn phần lớn các chế độ khác và Trung quốc đã thành công trong việc đập tan đối lập ngay từ lúc mới phát sinh, điển hình là cuộc tàn sát tại Thiên An môn năm 1989 (Kurtz forthcoming; Nathan 2001). Trong khi đó những cuộc đối kháng khác đã tiếp sức cho những cuộc nổi dậy và những phong trào rộng lớn xảy ra tại những nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực phát ra từ những hành động có vẻ thành công đó vẫn tiếp tục làm nhơ bẩn hình ảnh của Trung quốc và đã ảnh hưởng tới vấn đề địa lý, chính trị của Trung quốc như đã xảy ra năm 1989. Tiếp theo cuộc tấn công các sinh viên không võ khí tại Thiên an môn, một làn sóng chống đối vĩ đại đã lan tràn tới cả khối Sô viết và tạo cảm hứng cho những người chống đối, đồng thời cũng làm cho Mikhail Gorbachev cảm thấy e ngại và lúng túng. Tổng thống Liên Xô đã ở trong tư thế đơn độc giương cao lá cờ Cộng sản, trong khi đó phải cố gắng củng cố chính danh bằng cách chủ trương những cải cách dân chủ và kinh tế đi xa hơn bất cứ những điều gì mà các sinh viên tại Thiên an môn đã đòi hỏi chính phủ họ.
Các bức tường đã sụp đổ năm 1989 — lẽ dĩ nhiên ngoại trừ bức Trường thành của Trung quốc nhưng mà là bức tường Bá linh và những cơ cấu không có hình thức xây cất khác của các sự kiểm soát của chế độ chuyên chế. Khi chủ tịch của Đông Đức là Erich Honecker kêu gọi một giải pháp để giải quyết sự bất mãn của người Đức vào năm 1989 thì chính người đứng đầu lực lượng an ninh của ông đã từ chối. Ngoại trưởng của Gorbachev đã chính thức tuyên bố là Moscow sẽ giải quyết theo “đường lối của bài ca của Sinatra” (“I did it my way”) khi có những sự bất ổn xảy ra tại Đông Âu sau vụ Thiên an môn. Liên xô sẽ không đưa quân vào để ủng hộ cuộc đàn áp những phe nổi dậy ở trong khối Xô viết.
Từ 1989 cho tới nay, con đường đi xuống của những cách giải quyết của các chính quyền đối với những người bất đồng ý kiến đã khiến cho cộng đồng quốc tế không tin vào chính quyền Trung quốc và họ muốn kiếm một người anh hùng của phe chống đối. Ủy ban giải Nobel của Na uy đã tìm kiếm một nhân vật tranh đấu Trung quốc đúng để trao giải thưởng và theo như thành viên của ủy ban là Geir Lundestad đã nói: “chính quyền Trung quốc đã giúp chúng tôi giải quyết vấn đề .” Ngày 25 tháng 12, 2009 Trung quốc đã kết án giáo sư 11 năm tù và ngay lập tức ông Lưu Hiểu Ba đã trở thành, không những là một người, mà là một nhân vật hàng đầu đại diện cho nhân quyền và ông ta cũng trở nên một biểu tượng toàn cầu về nhân quyền. Sự đàn áp của chính quyền đã làm cho giáo sư Lưu trở thành một anh hùng quốc tế. Thay vì bắt ông ta phải im lặng, chính quyền đã làm cho ảnh hưởng của ông ta thêm lớn lao.
Trong khi ngồi trong phòng tại một khách sạn tại Nam kinh vào đêm mà ủy ban Nobel công bố tin này, bà Ying Chan (Trần Uyển Oánh) là khoa trưởng của trường Báo chí và Truyền thông tại đại học Xán Đầu đã theo dõi những phản ứng không chính thức nhưng rất mạnh mẽ tại Trung quốc qua điện thoại Blackberry và laptop của bà. Bà ghi nhận: “ Trong quá khứ trong các chế độ toàn trị, các nhà chống đối phải họp một cách lén lút, nhưng tại đây tôi đang theo dõi hoạt động của những người có tư tưởng phóng khoáng mà tôi không hề quen biết vào ngay lúc họ đang làm gì mà không cần phải đi ra khỏi khách sạn. Trong thời đại của những microblog, mỗi một dụng cụ truyền tin cầm tay hay một máy điện toán là một đài phát thanh tin tức, một điểm nối kết của một mạng thông tin rộng lớn”(Chan 2010).
Thứ trưởng ngoại giao Trung quốc là Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải) bấy giờ đe dọa trả đũa các quốc gia nếu họ gửi đại diện tới Oslo để tham dự lễ trao giải cho giáo sư Lưu. Ông Thôi Thiên Khải hỏi họ có muốn can dự vào trò chơi chính trị để thách thức hệ thống tư pháp của Trung quốc không, hay họ muốn phát triển một quan hệ hữu nghị thực sự với chính quyền Trung quốc và nhân dân Trung quốc trong một thái độ có trách nhiệm? Nếu họ làm lựa chọn sai lầm thì họ phải chịu trách nhiệm.” Một cách vô tình, ông Thôi Thiên Khải đã chuyển một nhân vật chống đối trong nước thành một hiện thân quốc tế cho nhân quyền. Lẽ dĩ nhiên đối với các nước khác, cũng không dễ gì để có thể làm ngơ trước sự đe dọa của Trung quốc; và chúng ta đã thấy các nhà ngoại giao Pháp, Anh và các nước khác đã lúng túng tìm cách để tránh né vấn đề này bởi vì họ cảm thấy khó xử khi phải lấy lòng khối quyền lực kinh tế mới này. Họ không thể nào bỏ qua được những hiệp ước thương mại lợi lộc đối với Trung quốc là nơi mà chính quyền là đối tác có quyền ký kết các thỏa ước. Tuy nhiên họ cũng không thể nào đặt họ vào trong tình trạng khó xử dưới con mắt của những người chủ trương nhân quyền trên thế giới và trong nước.
Đàn áp có một vấn đề là nó không thể nào tránh được khỏi sự nhòm ngó của những người khác Thực sự như vậy vì chính Trung quốc muốn ‘giết gà để dọa khỉ.’ Muốn dạy con bằng roi vọt ở trong nhà để có thể thoát khỏi những hậu quả của sự trừng phạt này là một chuyện, nhưng làm việc đó công khai ở ngoài phố trước một đám đông có nhân chứng thì là một chuyện khác. (Tuy nhiên người ta cũng thấy rằng ngay cả khi làm một cách kín đáo trong nhà cũng có những hậu quả bất lợi). Khi những người chứng kiến là đồng minh, là đối tác về ngoại thương, là những kẻ có tiềm năng trở thành đối lập, thì nghịch lý của sự đàn áp sẽ xảy ra. Đó là nó sẽ gia tăng sự chống đối, sẽ giúp tạo thêm những cảm tình viên và sẽ làm yếu thẩm quyền của kẻ đàn áp.
Bằng cách có hành động thù nghịch đối với các đối tác về ngoại thương chỉ vì họ tham dự lễ trao giải tại Oslo thì Trung quốc có thể gặp phải sự chống đối quốc tế đối với chính sách giết gà dọa khỉ trong nước. Khi quốc tế bắt đầu chú ý rất nhiều về những sự hành hạ ở trong nước thì những người nhân dân Trung quốc cũng ở thế mạnh dạn hơn để nói lên ý nghĩ của họ và đồng thời điều này cũng tạo ra những tư tưởng muốn ly khai ở trong các nhân vật ở của hội đồng nội bộ của Trung quốc tức là những viên chức của Trung quốc. Họ muốn khi đi ra ngoài được thực sự trọng vọng thay vì là [đón tiếp bằng] những lễ nghi chiếu lệ. Những người chống đối lại tạo nguồn cảm hứng cho những người chống đối khác, ngay cả đối với những người trong phe quyền lực.
Nhiều tháng sau vụ Thiên an môn, các nhà cai trị Cộng sản tại Mông cổ cũng phải đương đầu với một tình huống gần như tương tự. Sinh viên và các người lao động đã chiếm giữ quảng trường trung tâm của thủ đô đòi cuộc bầu cử sắp tới sẽ phải được tự do tranh cử. Nhưng tại Mông cổ, kết quả lại khác: bộ chính trị bất đồng ý kiến; và phe ôn hòa, thay vì là phe cứng rắn như tại Trung quốc, đã thắng thế, không có sự đàn áp và một cuộc bầu cử tự do đã được tiến hành. Sau vài năm, Mông cổ trở thành một nước dân chủ hoàn toàn hoạt động. Đàn áp không phải bao giờ cũng thắng.
Nhiều người quan sát và những người thực hiện phản kháng bất bạo động theo những đường lối đang thịnh hành trong những phong trào và chiến dịch đòi nhân quyền tại nhiều nước tin rằng Trung quốc hiện nay đang gặp phải sự tranh đấu dân sự ngày càng gia tăng ở trong nước trong đó những người tranh đấu đòi có thêm quyền chính trị cũng như xã hội và kinh tế đã trở nên kiên cường hơn đối với sự khống chế của nhà nước. Sự tham gia của Trung quốc vào cộng đồng thế giới và những nhu cầu Trung quốc cần duy trì một chế độ doanh nghiệp cá nhân và sáng kiến ở trong nước cũng như nhu cầu cần giải quyết những vấn đề xã hội trong nước để có thể vươn lên tới địa vị siêu cường trên toàn cầu. Ước vọng đó đi ngược với lại chính sách đàn áp tự do ngôn luận và các tổ chức dân sự tự quản là những tổ chức cần để khiến cho các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm và giúp sửa đổi hoặc giảm bớt những sự bất bình đẳng và bất công đã làm suy yếu sự chính danh của nhà nước . Nếu không có những tổ chức để kìm hãm tình trạng nhà nước không thèm đếm xỉa tới dân chúng thì chính quyền trở thành một sự trở ngại trong việc thực hiện những giấc mơ của một quốc gia. Rốt cuộc thì dân Trung quốc là những người gìn giữ và thực hiện những giấc mơ đó. Cách họ phản ứng khi phải đối đầu với sự đàn áp liên tục về tự do ngôn luận và tự do tổ chức chắn chắn sẽ quyết định những sự thay đổi chính trị nào sẽ xảy tới tại Trung quốc.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân June 2022
Nguồn: https://www.opendemocracy.net/en/repressions-paradox-in-china/
[1] Repression’s paradox in China – www.opendemocracy.net /lester-r-kurtz/repression%E2%80%99s-paradox-in-china
Lester R. Kurtz là giáo sư xã hội học tại George Mason University. Ông giảng dậy các môn xã hội học đối chiếu về tôn giáo, hòa bình và tranh đấu, phong trào xã hội, phản kháng bất bạo động, toàn cầu hóa, và lý thuyết xã hội Tây phương và ngoài Tây phương.