Làm thế nào để bảo vệ nó chống lại thù trong giặc ngoài
Erin Baggott Carter, Brett L. Carter và Larry Diamond
Hai năm trước, chế độ dân chủ của Hoa Kỳ phải đối mặt với một thử thách chưa từng có khi những người ủng g thống Donald Trump tìm cách đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử của ông—có nhóm bằng các mưu toan phi pháp, nhóm khác bằng một cuộc tấn công bạo lực vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Kể từ điểm thấp lịch sử đó, nền dân chủ Mỹ đã bắt đầu hoạt động tốt hơn và triển vọng của nó bắt đầu được cải thiện. Cuộc bầu cử năm 2022 đã được tiến hành thành công và những người phản đối bầu cử cực đoan đã thua ở các bang do dự quan trọng như Arizona và Pennsylvania. Ủy ban Đặc biệt Hạ viện để Điều tra Cuộc Tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ đã ghi lại một cách chính thức các cuộc bạo loạn nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 và vai trò xúi giục của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump. Ở Brazil và Pháp, các ứng cử viên có sự cam kết đáng ngờ vào chế độ dân chủ đã bị đánh bại trong các cuộc bầu cử tổng thống, và các cuộc bầu cử hòa bình được tổ chức ở Colombia.
Trong khi đó, các chế độ độc tài mạnh nhất thế giới đang gặp khó khăn. Cuộc chiến do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trương và tiến hành một cách thảm hại tại Ukraine đã phá tan huyền thoại về một Mátxcơva đang trỗi dậy. Nỗ lực của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và cường quốc có ảnh hưởng nhất đã sụp đổ do sự quản lý yếu kém tồi tệ của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với đại dịch COVID-19. Bong bóng bất động sản của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên là 20%, đàn áp khu vực tư nhân do động cơ chính trị và nợ chính quyền địa phương càng ngày càng lớn đã khiến cho hậu thuẫn trong nước của Tập Cận Bình suy giảm thêm.
Mặc dù Bắc Kinh và Mátxcơva đang suy yếu, nhưng họ vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ. Các vấn đề trong nước của họ càng trở nên tuyệt vọng, họ càng cần phải làm mất uy tín của các hệ thống cai trị khác và bôi nhọ các đối thủ dân chủ của họ. Chính vì lý do này mà Bắc Kinh và Mátxcơva đang tiến hành một cuộc chiến thông tin sai lệch toàn cầu nhằm khai thác và gia tăng sự mong manh của nền dân chủ Mỹ. Ở Trung Quốc và Nga, cuộc chiến thông tin sai lệch này nhằm mục đích ngăn chặn các yêu cầu cải cách dân chủ bằng cách làm nền dân chủ kiểu phương Tây mất uy tín. Trên toàn cầu, cuộc chiến này tìm cách thành lập và hỗ trợ các chính phủ thân thiện, chống lại quan điểm ngày càng tăng rằng việc quan hệ với Bắc Kinh và Mátxcơva sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho dân trong nước, và cuối cùng tạo ra một trật tự quốc tế mới, rời rạc, đặt “chủ quyền quốc gia” quan trọng hơn nhân quyền.
Nhược điểm của các nền dân chủ phương Tây lại tiếp tay cho Bắc Kinh và Mátxcơva trong mưu toan này. Trump tiếp tục thách thức tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020 và ông có thể sớm phải đối mặt với các cáo buộc hình sự. Hai năm tới Điện Capitol [Quốc hội Mỹ] có thể bị chi phối bởi tình trạng bế tắc, các mưu toan đòi điều tra hoặc luận tội có tính cách phe đảng, và những toan tính mới có tính cách bới bèo ra bọ nhằm làm suy yếu, thay vì khôi phục, niềm tin vào quá trình bầu cử của Mỹ. Phương tiện truyền thông xã hội vẫn là luồng nước cống đầy thông tin sai lệch và thuyết âm mưu, và những nỗ lực của các tổ chức để làm dịu nội dung đã không thỏa đáng. Cuộc tấn công vào sự thật càng ngày càng trở nên tồi tệ với sự phát triển nhanh chóng của phần mềm AI, có khả năng tạo ra các tin giả, trong đó các nhân vật nói và làm những điều họ chưa bao giờ nói hoặc làm. Tất cả những điều này là những phương tiện vô cùng lợi hại cho hai siêu cường về thông tin sai lệch trên thế giới là Trung Quốc và Nga. Nội dung càng đáng tin cậy thì tuyên truyền càng có tính cách thuyết phục.
Tình trạng xói mòn dân chủ ở Hoa Kỳ có lợi cho Bắc Kinh và Mátxcơva và làm dân chủ mất uy tín. Nếu nền dân chủ Hoa Kỳ còn đưọc coi là tấm gương có khả năng truyền cảm hứng cho những người khác, thì nó phải được củng cố ngay tại trong nước. Chỉ khi đó, Washington mới có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến giành quyền lực mềm toàn cầu.
BÔI NHỌ DÂN CHỦ
“Chế độ độc tài nào cũng có những quy tắc nhất định,” nhà bất đồng chính kiến người Nga lưu vong Garry Kasparov, hiện là chủ tịch của Tổ chức Nhân quyền, từng nhận xét. Trong số những điều quan trọng nhất là “đừng bao giờ tiết kiệm tiền cho cảnh sát hoặc tuyên truyền.” Quy tắc này làm ngôi sao định hướng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh đang đi tiên phong trong nỗ lực giám sát toàn diện bằng kỹ thuật số và Mátxcơva đã tăng cường đàn áp để ngăn chặn sự phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng tất cả các chế độ độc tài đều cần phải có ít nhất ở một mức độ nào đó hoặc là sự ủng hộ hoặc sự mặc nhận của quần chúng. Khi công dân đánh giá hoạt động của chính phủ, họ so sánh nó với chính phủ của các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh và Mátxcơva dành khoảng 1/5 công việc tuyên truyền trong nước về các chính phủ nước ngoài. Họ đả kích nền dân chủ kiểu phương Tây là tham nhũng, không đáp ứng ý dân và không đáng được người dân hy sinh và tuyên bố rằng nền dân chủ “thực sự” tồn tại ở nước nhà.
Đây là lý do đầu tiên giải thích tại sao sự xói mòn dân chủ ở Hoa Kỳ lại có lợi cho cả Bắc Kinh và Mátxcơva: nó cung cấp nội dung cho hoạt động tuyên truyền trong nước của họ. Ở trong nước, luận điệu của Putin về chính trị quốc tế có ba chủ đề lớn: suy thoái dân chủ ở phương Tây, thất bại trong chính sách đối ngoại của phương Tây và sự suy giảm của trật tự trong thế giới tự do. Trong năm 2016 và 2017, Trump xuất hiện trong 80% tổng số tin tức quốc tế trong nước Nga. Truyền thông nhà nước thích thú trước những dự đoán của ông rằng cuộc bầu cử năm 2016 sẽ có gian lận, đưa tin về sự phân cực của cử tri Hoa Kỳ và cho rằng hậu quả có thể trở nên bạo lực. Sau thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016 của Trump, truyền thông của Nga đã suy đoán rằng “các thế lực đứng sau Hillary Clinton” có thể thay đổi kết quả. Họ có ý nói là các cuộc bầu cử ở Mỹ đang bị gian lận và có thể dễ dàng bị xâm phạm.
Hội nhập châu Âu cũng là một mục tiêu tuyên truyền trong nước của Putin, và coi là một công cuộc do giới thượng lưu thúc đẩy. Người Nga được cho biết liên minh châu Âu áp đặt một “hệ tư tưởng tân tự do” đối với những người châu Âu bình thường và không thích hợp với “các giá trị truyền thống” của “nền văn minh châu Âu.” Giới thượng lưu này phục tùng Hoa Kỳ chứ không phục vụ người dân châu Âu. Vì muốn làm hài lòng Washington họ đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và nhiều cuộc khủng bố. Theo cách nói của Mátxcơva, sự thống trị của Washington cũng tạo ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và đã làm suy yếu nền kinh tế châu Âu. Những người hùng — được mô tả trong cuộc đấu tranh cho linh hồn của châu Âu đều là các đảng cực hữu theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu—“thách thức chế độ độc tài của nền dân chủ tự do” và giải thoát “những người đồng hương của họ khỏi Brussels.” Liên minh châu Âu là “ngôi nhà giấy” sẽ sớm sụp đổ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có một cách tiếp cận khác. Mặc dù nó thường nói với người dân Trung Quốc rằng nền dân chủ đã tồn tại ở Trung Quốc, nhưng nó không đưa tin chi tiết về chính trị bầu cử quốc tế, vì sợ rằng điều đó nhắc nhở người dân về việc họ không có quyền bỏ phiếu. Thay vào đó, nó tập trung vào tình trạng tham nhũng và khả năng cai trị tồi tệ của Washington. “Dân chủ bầu cử ở Hoa Kỳ” — Nhân dân Nhật báo (báo chính thức của ĐCSTQ), nhận xét năm 2017—là “một cuộc thi đốt tiền giữa các ứng cử viên, mỗi người đều phục vụ cho giới thượng lưu tài phiệt.” Vì các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều dựa vào những người ủng hộ tài chính giống nhau, nên “các lập trường tranh cử đang dần trở nên giống nhau.” Không có sự khác biệt thực sự về chính sách, “người ta dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc đả kích cá nhân hơn là tranh luận về chính sách” và “dư luận công chúng ít ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ.” Trong khi đó, tình hình trong nước ngày càng bi đát. Dịch bạo lực súng đạn ở Mỹ chiếm 5% trong nội dung tin quốc tế của báo Nhân Dân từ năm 2016 đến năm 2017. Sau sự lây lan của COVID-19, tờ báo nói với độc giả rằng “dịch bệnh đã vượt ngoài tầm kiểm soát và trở thành thảm kịch cho con người vì chính phủ Hoa Kỳ phản ứng một cách vô trách nhiệm.” Về vấn đề chủng tộc, những lời cảnh báo của Nhân dân Nhật báo gần như theo thuyết hiện sinh: “Kỳ thị chủng tộc đang xé nát nước Mỹ.”
Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ cũng nhấn mạnh những nhược điểm của các nền dân chủ khác. Mặc dù ít khi đưa tin về chính trị của Đài Loan, vì làm như vậy có thể gợi ý rằng nền dân chủ có thể hoạt động ở đại lục, nó thường rêu rao rằng “Chính trị trong nước của Hàn Quốc là một mớ hỗn độn.” Trong năm 2016 và 2017, nó tập trung nhiều vào việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì tội tham nhũng. Nhưng, giống như ở Mátxcơva, trọng tâm tường thuật chính của ĐCSTQ là những thất bại của nền dân chủ Mỹ.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bắc Kinh và Mátxcơva tạo ra các luận điệu tuyên truyền không chỉ cho công dân của họ mà còn cho khán giả toàn cầu. Tính đến năm 2015, Bắc Kinh đã phân bổ hơn 10 tỷ đô la hàng năm cho các hoạt động tuyên truyền toàn cầu của mình. Năm 2011, chính phủ Nga đã chi ít nhất 380 triệu USD cho báo Russia Today (RT). Bắc Kinh và Mátxcơva đầu tư mạnh vào công tác tuyên truyền cho khán giả nước ngoài vì họ cần các chính phủ thân thiện ở nước ngoài nếu họ muốn củng cố vị thế chính trị của họ ở trong nước, và cuối cùng là khôi phục lại trật tự quốc tế thời sau Chiến tranh Lạnh. Đây là lý do tại sao cuộc chiến thông tin xuyên tạc đã lan rộng ra toàn cầu: để giúp cho chế độ chuyên chế được an toàn trên thế giới.
Mong muốn này củng cố công cuộc tuyên truyền toàn cầu của Nga và Trung Quốc. Để đối phó với các biện pháp trừng phạt trong nhiều năm và sự mở rộng của NATO sang Đông Âu, Mátxcơva ủng hộ bầu chọn các chính trị gia phương Tây ít tin tưởng vào dân chủ và những người sẽ ngấm ngầm theo Nga. Mátxcơva cũng quan tâm đến việc đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các mỏ vàng của châu Phi, vốn được sử dụng để che chở chính phủ của Putin khỏi các biện pháp trừng phạt trong thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc có mục tiêu tương tự. Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Bắc Kinh được thúc đẩy bởi các mục tiêu trong nước của ĐCSTQ cũng như bởi các tham vọng địa chính trị của Tập Cận Bình. Nó nhằm mục đích kích thích nhu cầu nước ngoài cho ngành công nghiệp trong nước và cung cấp một cách chi tiêu cho dự trữ ngoại hối. Cả Bắc Kinh và Mátxcơva đều muốn phân chia Internet thành các lĩnh vực thông tin quốc gia dễ định hình và kiểm duyệt hơn, đồng thời xé nát các quy tắc quốc tế về nhân quyền và pháp quyền. Mục tiêu chung của họ là tạo ra một trật tự quốc tế mới thúc đẩy lợi ích trong nước và tham vọng toàn cầu của họ đằng sau những tuyên bố giả tạo về “chủ quyền quốc gia.”
Ở Châu Phi, quan điểm về Trung Quốc đã trở nên kém thuận lợi hơn khi sự nối kết với Trung Quốc ngày càng sâu đậm. Thành tích của Mátxcơva ở châu Phi thậm chí còn tồi tệ hơn. Các đặc vụ Nga đã giúp chính phủ chuyên chế, giúp đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng và thực hiện các hành động tàn bạo, bao gồm vụ thảm sát giết chết 380 người trong 4 ngày ở Mali vào tháng 3 năm 2022. Những cuộc tấn công thực sự như vậy nhằm vào chủ quyền quốc gia hiếm khi được phổ biến trong các quốc gia có thu nhập thấp, trong khi đó tuyên truyền của Trung Quốc và Nga phổ biến thông tin sai lạc về những vi phạm của phương Tây. Sự mất cân bằng tai hại này cần được khẩn cấp điều chỉnh.
Tại các nền dân chủ phương Tây, chính phủ Putin ủng hộ các chính trị gia bao gồm Trump ở Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa bản địa Marine Le Pen ở Pháp và cựu phó thủ tướng theo tư tưởng bài ngoại Matteo Salvini ở Ý. Putin cũng ủng hộ Brexit ở Vương quốc Anh và đảng cánh hữu Alternative for Germany. Những cá nhân và phong trào chính trị này hoài nghi về trật tự quốc tế sau Chiến tranh Lạnh và không ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài—và, trong một số trường hợp, về dân chủ ở trong nước. Mátxcơva thậm chí còn trắng trợn hơn trong việc hỗ trợ các chính phủ đối tác ở “miền Nam toàn cầu” [các nước nghèo, kém phát triển], sản xuất phim hành động, dựng biển quảng cáo, cung cấp tài chính cho cuộc tranh cử và tiến hành các chiến dịch truyền thông xã hội tương tự.
Dấu ấn truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh lớn hơn của Mátxcơva. Ngoài các hoạt động truyền thông xã hội, Bắc Kinh còn điều hành các đài phát thanh tiếng Anh, in nhiều tờ báo tuyên truyền, cung cấp nội dung miễn phí cho các tờ báo địa phương và thậm chí đã mua hoàn toàn lập trường của các tổ chức truyền thông hàng đầu. Tuyên truyền của Bắc Kinh cổ võ “Giấc mộng Trung Hoa” và tuyên bố rằng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ—chẳng hạn như vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và cuộc diệt chủng đang diễn ra đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương—là những cáo buộc hư cấu do các chính phủ phương Tây phổ biến nhằm làm suy yếu Trung Quốc.
Thật dễ dàng để loại bỏ cuộc chiến thông tin sai lệch toàn cầu. The Washington Post tuyên bố vào năm 2017 “Nếu Russia Today là bộ phận tuyên truyền của Mátxcơva, thì nó không làm tốt công việc của mình.” Nhưng bằng chứng cho thấy khác. Tại Hoa Kỳ, ảnh hưởng RT khiến người Mỹ ủng hộ việc Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu. Ở Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, tuyên truyền của ĐCSTQ đã được chứng minh là làm giảm sự ủng hộ đối với nền dân chủ. Tại 19 quốc gia trên khắp thế giới, thông điệp của ĐCSTQ đã được chứng minh là làm tăng gấp ba số người coi “mô hình Trung Quốc” là vượt trội so với nền dân chủ tự do kiểu Mỹ.
TÌNH TRẠNG CỦA CÁC QUỐC GIA DÂN CHỦ
Tình trạng của nền dân chủ Mỹ vừa là mối quan tâm trong nước vừa là vấn đề an ninh quốc gia. Trung Quốc và Nga — những đối thủ độc đoán chính của Hoa Kỳ—đã và đang lợi dụng (và làm trầm trọng thêm) sự chia rẽ và khó khăn trong nền dân chủ của Hoa Kỳ để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo toàn cầu. Để giành lại lợi thế, Hoa Kỳ phải vừa chỉnh đốn nền dân chủ của chính mình vừa củng cố lại tiếng nói của mình cho nền dân chủ trên toàn cầu. Dân chủ phải vào thế công.
Điều này sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào sức mạnh mềm của Mỹ. Kể từ năm 1980, chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ cho ngoại giao quần chúng đạt mức cao nhất là 2,5 tỷ đô la vào năm 1994 (đã điều chỉnh theo lạm phát) và gần đạt đến mức đó vào năm 2010 và 2011. Nhưng kể từ đó, khi những thách thức gia tăng, các nỗ lực của Mỹ đã bị đình trệ, với tổng chi tiêu lên tới chỉ 2,23 tỷ đô la vào năm 2020.
Washington lại phải can dự vào cuộc chiến giành quyền lực mềm toàn cầu, theo cách phản ánh các giá trị của Mỹ. Nó phải truyền tải sự thật và theo những cách thức thu hút và thuyết phục khán giả toàn cầu. Mục tiêu không chỉ là chống lại thông tin sai lệch một cách thuyết phục bằng sự thật mà còn thúc đẩy các giá trị, ý tưởng và phong trào dân chủ. Để chống lại thông tin sai lệch và báo cáo sự thật mà các chế độ chuyên chế đàn áp, cần có nhiều luồng thông tin đáng tin cậy. Hơn nữa, các luồng thông tin đó phải độc lập; chính phủ Hoa Kỳ có thể cung cấp hỗ trợ vật chất, nhưng luồng thông tin này phải hoạt động không có sự kiểm soát về biên tập. Bằng cách đó, họ sẽ được coi là độc lập bởi vì họ thực sự độc lập.
Một điều có thể làm được là đổi Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thành một tổ chức gần giống với British Broadcasting Corporation hơn. Nó phải có sứ mệnh là hoạt động theo mô thức của các giá trị của thử nghiệm dân chủ Mỹ bằng cách cung cấp báo cáo hoàn toàn độc lập về các quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng thắng lợi trong cuộc chiến thông tin đòi hỏi nhiều hơn là sự thật, tính độc lập và tính chuyên nghiệp trong báo cáo. Nó cũng đòi hỏi một mạng lưới truyền thông chất lượng đa dạng và phi tập trung. Các nhà báo địa phương ở các chế độ chuyên chế có tư thế đặc biệt thuận lợi để ghi lại và phổ biến bằng chứng về tham nhũng, vi phạm nhân quyền và các lỗi chính sách nghiêm trọng. Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của mình cần phải nâng cao và trao quyền cho các phương tiện truyền thông địa phương đang bị bao vây và gặp khó khăn trong việc đưa tin và truyền đạt các bình luận phê phán trong hoàn cảnh không có tự do truyền thông. Điều này sẽ cần hàng tỷ đô la tài trợ cho các phương tiện truyền thông công ích trên khắp thế giới (bao gồm cả các phương tiện truyền thông hoạt động trong tình trạng lưu vong), phần lớn quỹ đó sẽ được chuyển qua Quỹ Quốc tế phi chính phủ cho Phương tiện Truyền thông Công ích. Quỹ này là một tập đoàn phi chính trị gồm các quỹ quốc tế có thể tài trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập tại địa phương đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của họ.
Phối hợp với các đối tác dân chủ của mình, Washington cũng nên tìm kiếm những cách thức mới—về mặt công nghệ và địa lý chính trị—để giúp các xã hội khép kín vượt qua kiểm duyệt Internet và giám sát truyền thông xã hội. Khi các công dân trong các chế độ chuyên chế được tiếp cận với thông tin độc lập và trung thực cũng như liên lạc với nhau một cách an toàn hơn, chế độ mà họ đang sống sẽ yếu thế hơn. Tự do thông tin cũng đòi hỏi ngoại giao có sự tham gia và phối hợp giữa các nền dân chủ để đảm bảo rằng các chế độ chuyên quyền không chiếm đoạt các tiêu chuẩn và giao thức toàn cầu đối với Internet. Các công ty truyền thông xã hội cũng phải làm nhiều hơn để chống lại sự thao túng ác ý của các chính phủ nước ngoài đối với nền tảng của họ, ít nhất là bằng cách xác định và ghi rõ các nguồn tin bất cứ khi nào có thể, đồng thời xóa nội dung nguy hiểm và sai lệch trắng trợn nhất. Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác nên củng cố những nỗ lực đó bằng quy định chặt chẽ hơn về phương tiện truyền thông xã hội. Bước đầu tiên là cấm TikTok khỏi các thiết bị của Mỹ.
Hoa Kỳ cũng phải chấn hưng nền dân chủ của mình. Đã có một số dấu hiệu hứa hẹn rằng đất nước đã bước vào một kỷ nguyên cải cách dân chủ. Nhiều tiểu bang đã hiện đại hóa các thủ tục bỏ phiếu của họ và làm cho việc đăng ký và bỏ phiếu trở nên dễ dàng hơn. Một số đã loại bỏ việc tổ chức bầu cử theo đảng phái và thực hiện các bước để làm cho tài trợ tranh cử minh bạch hơn. Động lực đang tập trung đằng sau các cải cách bầu cử, đặc biệt là bỏ phiếu lựa chọn có xếp hạng (ranked-choice voting, RCV). Theo hệ thống này, các cử tri xếp hạng các ứng cử viên theo thứ tự ưa thích của họ và sau đó, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu bầu, thì các ứng cử viên có thứ hạng thấp hơn sẽ bị loại và ứng viên được nhiêù người ưa thích sẽ được chọn ngay qua một loạt các cuộc bỏ phiếu vòng loại. Thể thức bầu RCV khiến cho việc tranh cử ôn hòa hơn và giúp các ứng cử viên độc lập và của đảng thứ ba có được cử tri nghiêm túc lắng nghe. Sau khi được sử dụng ngày càng nhiều ở cấp thành phố, thể thức bầu cử này đã được các cử tri ở Maine áp dụng vào năm 2016 và 2018, ở Alaska vào năm 2020 và ở Nevada vào tháng 11 năm 2022 (tuy nhiên lần bỏ phiếu mới nhất là vấn đề sửa đổi hiến pháp phải được cử tri chấp thuận trong lần bỏ phiếu thứ hai). Ủng hộ cho RCV cũng đang gia tăng ở Oregon và Minnesota, các bang này có thể sớm trở thành nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng thể thức này trong cuộc bỏ phiếu về cơ quan lập pháp tiểu bang.
Nhưng nền dân chủ Mỹ không an toàn. Dự luật nhằm giảm bớt ảnh hưởng của đồng tiền, tăng cường và mở rộng quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng giằng co đòi thay đổi khu bầu cử (gerrymandering), đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức cho các viên chức được bầu và tăng cường an ninh cho các cuộc bầu cử đã thất bại trong kỳ Đại hội vừa qua và có rất ít triển vọng được thông qua trong kỳ sắp tới. Tồi tệ hơn, nhiều bang đã chuyển sang hạn chế quyền tiếp cận lá phiếu và gây khó khăn hơn cho các nhóm thiểu số bỏ phiếu. Đáng báo động nhất, một số cơ quan lập pháp tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát, đứng đầu là Bắc Carolina, đang tìm cách thiết lập một lý thuyết về “các cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập” cho phép các cơ quan này thay đổi ranh giới khu bầu cử cho có lợi và thậm chí áp đặt các quy tắc bầu cử có lợi cho đảng phái mà không cần sự kiểm tra của tòa án, thống đốc, hoặc tái phân chia khu bầu cử. Hoa Kỳ không thể thách thức các chế độ chuyên quyền trên toàn cầu nếu nền chính trị của Hoa Kỳ thoái hóa thành một tập hợp các tiểu bang độc đảng trong nước. Thành công trong việc chống lại thông tin sai lệch của chế độ chuyên quyền sẽ phụ thuộc vào thành công ở trong nước và vào sự đổi mới của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Trần Lương Ngọc chuyển gữ
© Học Viện Công Dân Jan 2023
Tác giả:
- ERIN BAGGOTT CARTER là Trợ lý Giáo sư tại Khoa Chính trị học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam California và là Chuyên gia Nghiên cứu Hoover tại Viện Hoover tại Đại học Stanford.
- BRETT L. CARTER là Trợ lý Giáo sư tại Khoa Chính trị học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam California và là Chuyên gia Nghiên cứu Hoover tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford.
- LARRY DIAMOND là Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp William L. Clayton tại Viện Hoover và Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp Mosbacher về Dân chủ Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford.
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/united-states/american-democracy-still-danger