THE FEDERALIST PAPERS
Luận Cương về Thể chế Liên Bang
LỜI GIỚI THIỆU
Trong lịch sử dựng nước của các dân tộc trên thế giới, Liên bang Hoa Kỳ là một quốc gia đầu tiên có cơ may thiết lập một thể chế chính trị hoàn toàn do người dân chọn lựa ngay từ những buổi đầu dựng nước. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thể chế Cộng hòa Liên bang Hoa Kỳ được quy định trong bản Hiến Pháp nguyên thủy vẫn còn trường tồn cho đến ngày nay. Những nguyên tắc chỉ hướng được xác định trong bản hiến pháp này đã được nhiều nước trên thế giới dùng làm mẫu mực, vì phản ảnh được ước vọng căn bản của con người, là được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Bản Hiến Pháp Liên bang Hoa Kỳ được soạn thảo trong một hoàn cảnh đặc biệt, vào lúc người dân sống tại 13 đơn vị lãnh thổ thuộc địa Bắc Mỹ của Anh Hoàng đang phải chiến đấu chống lại ách thống trị của Đế Quốc Anh. Kể từ khi được soạn thảo xong, vào ngày 17 tháng Chín 1787- sáu năm sau khi cuộc Cách mạng giành Độc lập thành công – cho đến khi được phê chuẩn bởi tiểu bang cuối cùng là Rhode Island vào ngày 29 tháng Năm 1790, bản Dự thảo Hiến Pháp Liên Bang Hoa Kỳ đã phải trải qua những giai đoạn tranh luận gay go giữa hai quan điểm hoàn toàn khác biệt nhau về vai trò và cơ cấu tổ chức guồng máy chính quyền trung ương để điều hành công việc quốc gia.
Trong các hội nghị quy tụ đại biểu của 13 đơn vị lãnh thổ cựu thuộc địa của Anh Hoàng tại Bắc Mỹ để thảo luận và thông qua Dự thảo Hiến pháp nói trên, những cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng đối chọi nhau về cơ cấu và vai trò của chính quyền liên bang tương lai đã diễn ra quyết liệt. Một số lớn đại biểu các cựu thuộc địa cổ võ cho việc thành lập một chính quyền trung ương mạnh ở cấp liên bang, trong khi đó, một số đại biểu khác cũng đã cực lực chống đối giải pháp này. Theo những người sau, thể chế liên hiệp tiểu bang là giải pháp thích hợp và dễ điều hành hơn do phạm vi lãnh thổ thu hẹp trong một vài tiểu bang nối liền với nhau về địa lý.
Dư luận quần chúng tại các lãnh thổ cựu thuộc địa này cũng chia ra theo hai khuynh hướng khác biệt nói trên. Đối với một số người dân của 13 thuộc địa Bắc Mỹ tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại Đế quốc Anh Hoàng, cuộc cách mạng giành độc lập vào năm 1776 tiêu biểu cho một cuộc chiến đấu chống lại chế độ thực dân độc tài để giành quyền tự do sinh hoạt và định đoạt tương lai của người dân.
Nhóm chống đối thể chế liên bang được gọi là nhóm Anti-federalists. Nhóm này muốn bảo vệ quyền lực của các chính quyền địa phương tại mỗi đơn vị lãnh thổ cựu thuộc địa, vì cho rằng việc thành lập một chính quyền liên bang mạnh với nhiều quyền hạn sẽ đi ngược lại với mục tiêu cuộc cách mạng giành độc lập. Nhóm này cho rằng một chính phủ liên bang mạnh cũng sẽ trở thành một hình thức tổ chức chính trị bóp nghẹt quyền tự do của người dân. Nhóm này còn chống việc thiết lập thể chế liên bang vì không chấp nhận những nghĩa vụ đi kèm như thuế má và các bổn phận do chính quyền trung ương này ấn định đối với người dân cư ngụ trong từng lãnh thổ cựu thuộc địa, vốn trước đó vẫn được hưởng quyền tự trị về chính trị.
Đối với nhóm người này, ngoài mục tiêu tranh đấu để thoát khỏi ách đô hộ của Đế quốc Anh Hoàng, cuộc nổi dậy vào năm 1776 còn mang thêm ý nghĩa một cuộc cách mạng dân chủ dân quyền chống lại lề lối tổ chức và cai trị của giai cấp thống trị do Đế Quốc Anh áp đặt lên các đơn vị lãnh thổ thuộc địa tại Bắc Mỹ. Những người theo quan điểm này cho rằng việc thiết lập một thể chế liên bang không khác gì việc thay thế một chế độ thống trị độc tài hà khắc thực dân, bằng một chế độ thống trị độc tài hà khắc khác, trong đó người dân cũng vẫn sẽ phải chịu đựng những sự hạn chế quyền tự do như xưa.
Mặt khác, số người còn lại, được gọi là nhóm Federalists, lại bảo vệ quan điểm cổ võ cho việc thiết lập một chính quyền liên bang mạnh, có thẩm quyền bao trùm lên trên tất cả các đơn vị lãnh thổ cựu thuộc địa. Nói cách khác, đó là một cuộc tranh cãi sôi nổi giữa một bên cổ võ cho quyền lực của một chính quyền trung ương mạnh, và một bên muốn triệt để bảo vệ quyền tự do của người dân sống trong từng đơn vị lãnh thổ vừa thoát khỏi sự thống trị của chính quyền thuộc địa Anh Hoàng.
Tuy nhiên mẫu số chung của cả hai khuynh hướng trên là nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân chống lại những áp bức của guồng máy công quyền. Do đó, sự khác biệt chỉ nằm trong những phương thức khác biệt hai khuynh hướng đã chủ trương để đưa đến cùng một mục tiêu là bảo vệ hai quyền lợi thiêng liêng của người công dân là được sống tự do và hạnh phúc.
Vào tháng Chín 1787, khi bản Dự thảo Hiến Pháp được chuyển đến các cựu thuộc địa để được thảo luận và phê chuẩn, nhóm Anti-Federalists đã đưa ra quan điểm chống đối việc thiết lập một chính quyền liên bang bằng những bài tham luận được đăng tải trên một số tờ báo xuất bản tại New York. Để phản biện các luận cứ do nhóm Anti-Federalists đưa ra, nhóm Federalists cũng đã cho đăng tải những bài tham luận giải thích và bênh vực quan điểm của họ. The Federalist Papers là một tuyển tập các bài tham luận kêu gọi người dân ủng hộ cho việc phê chuẩn bản Dự thảo Hiến Pháp Liên Bang Hoa Kỳ được soạn thảo vào năm 1787.
The Federalist Papers gồm 85 bài tham luận do ba chính trị gia Hoa Kỳ là Alexander Hamilton, James Madison và John Jay viết. Trong khoảng thời gian từ tháng Mười 1787 cho đến tháng Năm 1788, những bài tham luận này đã được liên tục phổ biến trên một số tờ báo xuất bản tại tiểu bang New York, và nhằm đưa ra những luận cứ ủng hộ việc phê chuẩn bản Hiến Pháp Liên bang Hoa Kỳ 1787. Những luận cứ được trình bầy trong 85 bài tham luận này đã giải thích sự vận hành của bộ máy chính quyền được đề nghị trong bản Dự thảo Hiến Pháp, đồng thời trình bầy và giải thích những biện pháp được đề ra để ngăn cản, cũng như hóa giải, nguy cơ lạm quyền của những người được dân chúng chọn lựa để điều hành guồng máy quốc gia, khi họ hành xử quyền lực chính trị và hành chính trong guồng máy đó. Cả ba tác giả nói trên cùng xử dụng chung một bút hiệu Publius, để tưởng nhớ Publius Valerius Publicola, một chính trị gia và học giả người La Mã đã triệt để bênh vực cho thể chế cộng hòa La Mã.
The Federalist Papers – được tạm dịch là Luận cương về Thể Chế Liên Bang (Luận cương) – được coi như một văn bản có giá trị vào bậc nhất giúp tìm hiểu ưu điểm của việc tổ chức một guồng máy chính quyền cộng hòa hiến định. Cho đến nay, Luận cương vẫn còn được dùng làm một tài liệu nguồn có thẩm quyền nhất để nghiên cứu và tìm hiểu những nguyên tắc căn bản điều hướng sinh hoạt chính trị trong một thể chế cộng hòa hiến định.
Những bài tham luận trong Luận cương đã giải thích cặn kẽ một số nguyên tắc căn bản quy định việc tổ chức một chính quyền trung ương cho quốc gia mới thành lập tại Bắc Mỹ. Theo ba tác giả của những bài tham luận này, ước vọng căn bản của đa số người dân sống tại những lãnh thổ mới được giải phóng khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh là được sống dưới một chính thể trong đó mọi quyền tự do, cũng như tài sản của người dân, phải được triệt để bảo vệ. Chính thể đó sẽ phải đủ mạnh để có thể bảo đảm an ninh cho người dân chống lại những mối đe dọa nội loạn, cũng như những nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Tuy nhiên, quyền lực của chính thể đó cũng cần phải được kềm chế để tránh xu hướng độc tài, vốn là một mối nguy cơ tiềm ẩn trong bất cứ một chính thể nào, khi mà quyền lực được tập trung vào trong tay một cá nhân, hay một thiểu số thống trị.
Một chính thể hội đủ những điều kiện như trên được định nghĩa là một Chính Thể Tự Do. Chính Thể Tự Do là một thể chế mà trong đó người dân có quyền chọn lựa người đại diện cho mình để điều hành guồng máy quốc gia. Chính quyền Tự do này phải được dựa vào một số nguyên tắc căn bản khả dĩ bảo đảm được những quyền tự do và quyền tư hữu của từng người dân. Dự thảo Hiến Pháp Liên bang Hoa Kỳ chọn lựa hình thức tổ chức thể chế cộng hòa, theo nghĩa người lãnh đạo quốc gia phải do chính người dân chọn lựa để thay mặt họ điều hành một tổ chức lãnh thổ được kết hợp lại với nhau theo hình thức liên bang. Quyền hạn do người dân ủy nhiệm cho chính quyền sẽ phải được phân định rõ ràng và biệt lập và độc lập với nhau, để tránh tình trạng tập trung mọi quyền hạn vào tay một người, hay một nhóm người, có thể đưa đến nguy cơ độc tài.
Nguyên tắc phân quyền (Separation of Powers) giữa Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp được quy định nhằm tránh tình trạng tập trung quyền lực vào tay một cá nhân hay một nhóm người, đồng thời, gia tăng hiệu năng của từng lĩnh vực hoạt động trong bộ máy công quyền. Những biện pháp kiểm soát và cân bằng quyền lực (Checks and Balances) cũng được thiết lập nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng tập và lạm quyền bằng những hình thức kiểm soát và chế tài lẫn nhau giữa các trung tâm quyền lực.
Theo thứ tự trình bầy, 85 bài tham luận trong Luận cương phân tích những chủ đề chính yếu sau đây:
- Về Nhu Cầu thành lập Liên Bang
- Tham luận số 1 đến 14
- Những Thiếu sót của Hiến Chương Liên Hiệp các Tiểu bang
- Tham luận số 15 đến 22
- Ưu điểm của Thể chế Chính trị do Dự thảo Hiến pháp đề nghị
- Tham luận số 23 đến 36
- Đặc điểm của Thể chế Cộng hòa
- Tham luận 37 đến 51
- Quyền Lập Pháp
- Tham luận 52 đến 66
- Quyền Hành Pháp
- Tham luận số 67 đến 77
- Quyền Tư Pháp
- Tham luận 78 đến 83
- Phần Đúc kết
- Tham luận 84 và 85
Công trình chuyển ngữ Luận Cương về Thể chế Liên Bang được người dịch thực hiện theo thứ tự các đề mục chính của các nhóm bài tham luận như trình bầy ở trên.
Phần chuyển ngữ dựa trên công trình so chiếu giữa hai tài liệu nguồn: The Federalist Papers In Modern Language của Mary Webster, ấn bản 2004 tại địa chỉ: https://freedom-school.com/law/federalist-papers-in-modern-language.pdf
Và Federalist Papers đăng tải trên U.S. Library of Congress tại địa chỉ: https://www.congress.gov/resources/display/content/The+Federalist+Papers
Người dịch hy vọng rằng hình thức chuyển ngữ này sẽ cung ứng đến người đọc một cách nhìn bao quát về giá trị của Luận cương trong việc tìm hiểu cách vận hành và các ưu điểm của thể chế Cộng hòa Liên bang Hoa Kỳ.
Houston – Ngày 1 tháng Giêng, 2018
Nguyễn Quốc Cường