fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Phần III

PHẦN III

Vài Suy Nghĩ về Tình Trạng Chính Trị Hiện Tại của Nước Mỹ

Trong những trang dưới đây tôi sẽ không trình bày những gì ngoài những sự thật đơn giản, những lý luận dễ hiểu, và những lý lẽ thông thường, chứ không có những lời phi lộ để dẫn dắt độc giả, ngoại trừ một yêu cầu là người đọc đừng mang theo định kiến và thiên kiến mà sẽ ảnh hưởng đến sự suy luận, để tự quyết định cho chính mình và nhìn nhận cho đúng bản chất của con người và mở rộng tầm nhìn của mình cho tới tương lai.

Nhiều sách vở đã viết về cuộc tranh đấu giữa nước Anh và Mỹ. Học giả đủ mọi thành phần đã tham gia vào cuộc tranh luận, từ nhiều động cơ khác nhau, theo nhiều kiểu khác nhau; nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả mong muốn, và giai đoạn tranh luận đã kết thúc. Vũ khí, phương tiện cuối cùng, đã được chọn lựa cho cuộc thi đua này. Nhà vua đã từ chối không nghe những thỉnh cầu của dân thuộc địa, và người dân thuộc địa đã chấp nhận sự thách thức này.

Ta đã từng nghe kể về chuyện Ngài Pelham,  đã quá cố (một đại thần và thủ tướng có khả năng nhưng cũng không thiếu khuyết điểm), khi bị tấn công tơi bời tại Viện Bình dân rằng những chính sách của ông chỉ là tạm thời mà thôi, đã phán rằng “nhưng những chính sách này CŨNG ĐỦ KÉO DÀI ĐẾN HẾT THỜI ĐẠI CỦA TA.” Nếu một ý tưởng hèn kém và nguy hại đến chết người như vậy lại là ý tưởng chỉ đạo cho cuộc thi đua đang xảy ra hiện nay tại các thuộc địa, thì hậu thế sẽ nhớ đến tên tuổi của tiền nhân với lòng khinh bỉ.

Mặt trời chưa bao giờ chiếu rọi trên một chính nghĩa sáng ngời hơn cuộc đấu tranh của chúng ta như bây giờ. Đây không phải chỉ là công việc nội bộ của một thành phố, một quận, một tỉnh, hay một nước, mà là cả một lục địa—ít nhất cũng gồm một phần tám vùng đất mà con người sinh sống được. Đây không phải là vấn đề của một ngày một buổi, một năm, hay cả một thế hệ mà, những gì xảy ra trong  cuộc đấu tranh này, sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ mai sau, và không nhiều thì ít, sẽ ảnh hưởng đến cả khi tận thế. Bây giờ là lúc chúng ta gieo hạt giống cho sự liên minh, cho danh dự, và niềm tin của lục địa Mỹ châu. Một sự rạn nứt nhỏ nhất [giữa chúng ta] trong lúc này cũng giống như ta dùng đầu kim khắc chữ lên vỏ cây non, vết thương trên vỏ cây này sẽ lớn lên theo ngày tháng và hậu thế sẽ nhìn rõ đó là những mẫu tự gì.

Khi vấn đề đã biến chuyển từ lý luận sang vũ trang, ta đã tiến sang một lãnh vực mới của chính trị; một lối tư duy mới đã nảy sinh. Tất cả những kế hoạch, và đề nghị nọ kia trước ngày 19 tháng Tư, nghĩa là trước ngày những hành vi thù nghịch khởi đầu, cũng giống như những khoản đã được ghi nhận trong nông lịch  của năm ngoái, dù đúng đắn và chính xác, đều đã bị lỗi thời và không còn giá trị gì nữa cả. Tất cả những gì mà người ủng hộ, thuộc cả hai phía của vấn đề, đưa ra đều bị chấm dứt ngay tại một điểm. Đó là sự liên minh với Anh quốc: Sự khác nhau duy nhất giữa hai phe là cách thức để đạt được sự liên minh này. Một bên đề nghị dùng vũ lực, một bên đề nghị hòa hoãn, hữu nghị. Nhưng cho đến nay, phe thứ nhất đã thất bại, còn phe thứ hai không còn muốn ủng hộ nữa.

Nhiều người đã bàn về những lợi điểm của sự hòa hợp hòa giải mà, giống như một giấc mơ đẹp đẽ, đã tan biến và để lại cho ta thực tế hiện có. Điều phải làm là ta nên xem xét lý luận của phía bên kia, và tìm hiểu cặn kẽ những tổn thất vật chất mà những thuộc địa đã phải chịu đựng và sẽ phải chịu đựng, nếu còn tiếp tục có quan hệ mật thiết và lệ thuộc vào Anh quốc: Ta phải nghiên cứu tỉ mỉ mối quan hệ và sự lệ thuộc này, trên những nguyên lý cơ bản của tự nhiên và lẽ thường, để nhận định [một cách rõ ràng] những điều gì ta có thể tin tưởng được, nếu tách ra khỏi Anh quốc, và điều gì ta nghĩ là phải xảy ra, nếu còn lệ thuộc vào nước Anh.

Tôi đã nghe một số người khẳng quyết rằng, vì nhờ vào mối quan hệ đã có với Anh quốc nên Mỹ đã từng phát triển thịnh vượng, rằng mối quan hệ này là điều kiện cần thiết cho hạnh phúc tương lai của Mỹ, và sẽ luôn mang lại cùng kết quả tốt đẹp như vậy. Nói như vậy thật là ngụy biện, cũng tỷ như ta cho rằng bởi vì đứa bé được nuôi lớn lên bằng sữa nên nó sẽ không cần đến ăn thịt, hoặc là hai mươi năm đầu của cuộc đời chúng ta sẽ là tiền lệ cho hai mươi năm sau đó. Nhưng ngay cả nếu cho những điều này là đúng đi, thì tôi cũng sẽ trả lời ngay rằng, có thể nước Mỹ đã phát triển thịnh vượng còn nhiều hơn thế nữa, nếu không có thế lực Âu châu nào dính vào nội tình nước Mỹ. Nước Mỹ được thịnh vượng nhờ ở thương nghiệp, nhờ ở cung cấp những nhu yếu cho đời sống, và sẽ luôn có thị trường khi nào người ở Âu châu còn cần ăn uống.

Nhưng Anh quốc đã bảo vệ chúng ta, một số người nói như vậy. Thực ra phải nói là nước Anh đã độc chiếm nước Mỹ qua sự bao che của mình và bảo vệ lục địa này bằng cái giá chính chúng ta phải trả, cũng như nước Anh sẽ sẵn sàng bảo vệ nước Thổ-nhĩ-kỳ vì cùng một động cơ là bảo vệ mậu dịch và thống trị.

Than ôi, ta đã để cho những định kiến cổ xưa dẫn dắt sự suy nghĩ của ta quá lâu, và đã phải hy sinh quá lớn lao cho những sự mê tín này. Ta đã từng khoe khoang về sự bảo vệ của nước Anh, mà không để ý rằng, động cơ của sự bảo vệ này là quyền lợi chứ chẳng phải vì có sự quyến luyến gì giữa mẫu quốc và thuộc địa cả. Anh quốc không bảo vệ chúng ta chống lại kẻ thù của chúng ta vì quyền lợi của chúng ta, mà để chống lại những kẻ thù của nước Anh, vì quyền lợi của nước Anh. Họ là những kẻ thù mà chẳng có sự tranh chấp gì về bất cứ vấn đề gì với chúng ta, nhưng sẽ luôn là kẻ thù của chúng ta vì cớ của nước Anh. Hãy để cho nước Anh khoe với mọi người cái quyền của họ đối với lục địa này, hay lục địa này quẳng đi sự lệ thuộc vào nước Anh và chúng ta vẫn có được sự hòa hoãn với Pháp và Tây-ban-nha nếu hai nước này có chiến tranh với Anh quốc. Những đau khổ do cuộc chiến tại Hanover gây ra là một ví dụ cảnh tỉnh chúng ta về mối quan hệ với Anh quốc.

Gần đây tại quốc hội có người còn cho rằng những thuộc địa [là những thực thể riêng rẽ], chẳng có mối quan hệ gì đến nhau cả, ngoại trừ mối quan hệ chung với mẫu quốc Anh; nghĩa là Pennsylvania, Jerseys, và các tiểu bang khác là những tiểu bang “anh em” với nhau vì có chung một mẫu quốc. Đây thiệt là một lối lý luận lòng vòng để chứng minh quan hệ bà con, nhưng lại là cách ngắn nhất và đúng nhất để chứng minh quan hệ thù địch, nếu tôi có thể nói như vậy. Nước Pháp và Tây-ban-nha đã chưa bao giờ và có lẽ sẽ chẳng bao giờ trở thành kẻ thù của chúng ta là những Người Mỹ, nhưng sẽ coi ta là kẻ thù, nếu ta là thần dân của nước Anh.

Nhưng nước Anh là mẫu quốc của chúng ta, một số người nói vậy. Nếu thế thì đối với nước Anh, đó là điều còn đáng hổ thẹn hơn nữa, bởi vì ngay cả đối với ác thú thì “hùm dữ còn không nỡ ãn thịt con,” trong những sắc dân man dã anh em còn không đánh lẫn nhau; thành ra cái lập luận “mẫu quốc” này, nếu đúng, chỉ làm cho Anh quốc bị sỉ nhục thêm mà thôi. Còn nếu lập luận này không đúng hoặc chỉ đúng một phần, thì cụm từ Mẫu Quốc đã bị nhà vua và đám quan lại ãn bám sử dụng một cách mập mờ dưới danh nghĩa của Giáo hội La-mã khiến cho những kẻ nhẹ dạ có một thành kiến sai lạc về vấn đề này. [Ta phải thấy rằng] Châu Âu, chứ không phải nước Anh, mới là mẫu quốc của Mỹ. Vùng đất Tân Thế giới này đã trở thành chốn dung thân của những người đã bị bách hại vì yêu chuộng tự do dân sự và tôn giáo từ khắp mọi miền của Âu Châu [chứ không phải chỉ ở nước Anh]. Từ Âu châu họ đã vượt thoát, không phải từ vòng tay yêu thương, dịu dàng của một người mẹ hiền, mà từ sự tàn bạo và ác nghiệt của một con quái vật. Đối với nước Anh, điều này vẫn còn đúng, vì chính nhà độc tài đã xua đuổi những người di dân đầu tiên ra khỏi nước Anh vẫn còn tiếp tục xua đuổi hậu duệ của họ.

Tại miền đất nới rộng của quả đất này, chúng ta (người Mỹ) đã quên đi cái giới hạn chật hẹp ba trăm sáu mươi dặm  (phần đất nới rộng của Anh quốc) và đã mở rộng tình hữu nghị trên diện rộng với những nước theo Thiên Chúa giáo tại Âu châu và đã chinh phục được cảm tình của họ.

Thật là thú vị khi nhận thấy rằng con người, qua những mối quan hệ thường xuyên với nhau được mở rộng, có thể dần dà vượt qua được những định kiến địa phương. Thí dụ một thị trấn của Anh quốc được chia thành những làng hay giáo khu, và một người sinh ra tại giáo khu này sẽ tự nhiên có những quan hệ với những người cùng sống trong giáo khu đó (vì quyền lợi của họ có liên hệ đến nhau), và xem nhau là láng giềng, những người cùng làng. Nếu hai người cùng làng gặp nhau ở một nơi xa quê hơn chút nữa, thì họ gọi nhau là người cùng tỉnh; còn nếu họ đi ra nước ngoài, thì họ sẽ quên đi sự phân biệt cùng làng, cùng tỉnh, mà gọi nhau là đồng bào. Còn tại một nước ngoại quốc ở Âu châu, thì vì tình lân l‎‎y‎ họ sẽ gọi nhau là người Anh. Cũng theo thể ấy, tất cả những người Âu châu gặp nhau ở Mỹ, hay tại bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này đều là đồng bào của nhau, vì các nước Anh, Hà-lan, Đức, hay Thụy-điển, khi so sánh với cái tổng thể [lục địa Âu châu], thì ở cùng một chỗ trên diện rộng hơn, và những sự phân chia làng mạc, phố xá, thị thành khác biệt không còn ‎ có ý nghĩa gì hết. [Còn đối với nước Mỹ], chưa tới một phần ba cư dân là hậu duệ của dân Anh. Vì thế, tôi bác bỏ lập luận cho rằng nước Anh là mẫu quốc của Mỹ và từ ngữ này vừa sai lầm, ích kỷ, nhỏ nhen và chật hẹp.

Nhưng cứ giả sử rằng chúng ta đều là hậu duệ của người Anh đi, điều đó thực sự có ý nghĩa gì mới được chứ? Chẳng có ‎nghĩa gì cả. Nước Anh đang lộ mặt là kẻ thù và hành vi này đã khiến cho tên gọi mẫu quốc chẳng còn ‎nghĩa lý gì hết: Và những ai cho rằng bổn phận chúng ta là phải hòa giải, thì lập luận đó thật là lố bịch. Ông vua đầu tiên của nước Anh, người tạo nên dòng vua hiện nay (Chinh phục Vương William) là người Pháp, và một nửa số những người ngang hàng với nhà vua cũng thuộc dân Pháp; như thế, theo cùng một lý‎ luận, ta phải cho rằng nước Anh nên được nước Pháp cai trị.

Nhiều người cũng đã bàn về sức mạnh khi được kết hợp lại giữa Anh quốc và các thuộc địa, rằng khi liên kết lại thì sự kết hợp này có thể thách thức cả thế giới. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết; trong chiến tranh không có gì là chắc chắn cả, và ngay cả lập luận này cũng chẳng có ‎ nghĩa gì hết; vì lục địa này sẽ không bao giờ phải chịu đau khổ vì bị mất người đi đánh nhau cho Anh quốc ở Á, Phi, hay Âu châu.

Ngoài ra, thách thức thế giới để được cái gì chứ? Kế hoạch của chúng ta là thương mại, và mục tiêu này khi được thực hiện tốt đẹp, sẽ bảo đảm cho ta một nền hòa bình và hữu nghị với toàn cõi châu Âu. Đó chính là vì quyền lợi của châu Âu khi có nước Mỹ trong vai trò một thương cảng tự do [mà nước nào cũng đến giao dịch được]. Như thế vì mậu dịch, nước Mỹ sẽ luôn luôn được bảo vệ, và vì không có nhiều mỏ qu‎‎‎ý kim như vàng và bạc sẽ giúp cho nước Mỹ không bị xâm lấn.

Tôi dám thách những người cổ vũ nhiệt thành cho sự hòa giải với Anh quốc chỉ cần đưa ra được một lợi ích duy nhất mà lục địa này sẽ thu hoạch được khi liên kết với Anh quốc. Tôi lập lại sự thách thức này, không có một ích lợi nào hết. Hoa màu của chúng ta  sẽ bán được giá tại bất kỳ thị trường nào tại Âu châu, và những hàng hóa nhập cảng ta muốn mua ở đâu tùy theo ‎của ta.

Nhưng những sự thiệt hại và bất lợi mà ta phải chịu do sự kết hợp này mà ra, thì lại vô số kể; và bổn phận của ta đối với cả nhân loại nói chung, cũng như với cá nhân chúng ta nói riêng, dạy cho ta một điều là phải từ chối sự liên minh này: Bởi vì, bất kỳ một sự thần phục nào, hay lệ thuộc nào vào nước Anh, cũng có khuynh hướng đưa lục địa này dính vào  những cuộc chiến hay tranh chấp ở Âu châu; và khiến cho ta phải xích mích với những nước mà lẽ ra đang muốn có giao hảo hữu nghị với ta, và ngược lại, đối với những nước này ta cũng chẳng có phiền hà hay tức giận gì cả. Vì Âu châu là thị trường mậu dịch của chúng ta, ta nên có những quan hệ toàn phần với mọi nước, thay vì chỉ có một số nước nào đó. Chính vì quyền lợi thực sự của Mỹ mà ta nên tránh xa những xung đột tại Âu châu; những xung đột mà tự những nước này chỉ có thể gây ra, chừng nào mà họ còn lệ thuộc vào nước Anh và bị Anh quốc dùng như quả cân đối trọng trên cán cân chính trị của nước Anh.

Âu châu là một lục địa có quá nhiều vương quốc trải qua bao nhiêu đời nên khó lòng sống hòa bình với nhau lâu dài, và khi nào chiến tranh xảy ra giữa nước Anh và bất kỳ nước nào tại Âu châu, thì sự mậu dịch của Mỹ sẽ bị tiêu hủy, chỉ vì mối quan hệ với Anh quốc. Cuộc chiến sắp tới có thể sẽ không có kết quả như cuộc chiến lần này, và nếu kết quả không được như vậy, thì những kẻ cổ vũ cho hòa giải bây giờ, sẽ lại mong ước là phải chi hồi đó tách ra cho xong. Con đường trung lập là con đường an toàn hơn là dính vào trong cuộc chiến. Tất cả mọi lý luận hợp lẽ hay tự nhiên đều kêu gọi phải tách rời khỏi Anh quốc. Máu của những người đã hy sinh, tiếng kêu than của thiên nhiên đều đã lên tiếng “Đây chính là lúc phải tách ra.”  Ngay cả khoảng cách mà Đấng Tạo Hóa đặt giữa nước Anh và Mỹ là một bằng chứng mạnh mẽ và tự nhiên cho thấy rằng quyền uy của nước này áp đặt lên nước kia không phải là ‎ý định của Tạo Hóa. Thời điểm mà lục địa Mỹ được tìm ra củng cố thêm cho l‎ập luận này, và cách thức những người di dân đến đây khiến cho lập luận này tăng thêm sức mạnh. Phong trào Cải cách đạo Tin Lành  xảy ra ngay sau khi lục địa Mỹ châu được tìm ra, như thể Đấng Toàn Năng đã ban ân huệ mở đường cho những người bị bách hại vì tôn giáo có chốn dung thân, khi nguyên quán quê hương không còn cho họ cơ hội sống trong tình hữu nghị và an ninh nữa.

Quyền uy của nước Anh đối với lục địa này, hiểu theo nghĩa quyền uy của một chính quyền, trước sau gì cũng phải chấm dứt: Và những người suy nghĩ sâu xa không thể có được niềm vui thực sự khi xem xét sự thật rõ ràng và đau lòng: cái mà ta gọi là “hiến pháp hiện tại” chỉ là giải pháp tạm thời. Là phụ huynh, ta không thể có được niềm vui nào hết khi biết rằng cái chính quyền này sẽ không tồn tại được lâu dài để bảo đảm những gì ta muốn giao truyền lại cho hậu thế của mình. Và cùng một cách l‎ập luận, vì ta đang để lại món nợ to lớn cho con cháu chúng ta, thì ta cũng phải làm việc để trả món nợ đó, nếu không, ta đã sử dụng món nợ đó một cách nhỏ mọn và bần tiện. Để tìm ra con đường thực hiện bổn phận của ta một cách đúng đắn, ta phải nắm tay con cháu ta cùng đi với ta và nhắm tới đời sống tương lai xa hơn, và ở chốn đó ta sẽ thấy  triển vọng của tương lai mà hiện nay ta không thấy được vì một số những thành kiến và sợ hãi đã che khuất đi.

Mặc dù tôi sẽ rất cẩn thận để không đưa ra những lời tấn công không cần thiết, tuy thế tôi vẫn có khuynh hướng tin rằng tất cả những ai đang tán thành lý thuyết hòa giải với Anh quốc, có thể được gom vào trong một nhóm gồm những người như sau: Những người có dính dáng đến quyền lợi cá nhân, những người này không thể tin được; những người yếu đuối, tức là những người không thể nhìn xa; những người có thành kiến, tức là những người không muốn nhìn; và một số người trung dung, không quá khích lắm nhưng luôn nghĩ tốt cho Âu châu hơn là thực tế cho thấy. Và trong số người nay, chỉ cần quyết định của một sự nghị luận thiếu suy xét kỹ lưỡng, sẽ gây ra nhiều thảm họa cho lục địa này hơn là cả ba nhóm kia cộng lại.

Thật là may mắn cho những ai được sống cách xa nơi xảy ra chuyện não lòng vì cái ác chưa được đem đến tận cửa để cho họ có thể cảm nhận được tính bấp bênh của quyền sở hữu tài sản của người Mỹ. Nhưng hãy để cho trí tưởng tượng đưa chúng ta trong thoáng chốc đến vùng Boston, nơi mà sự bất hạnh và tồi tệ đang xảy ra sẽ cho ta sự khôn ngoan và dạy cho ta phải mãi khước từ cái quyền lực mà ta không thể tin cậy được. Những người dân của thành phố kém may mắn đó, là những người, chỉ vài tháng trước thôi đang sống một đời sống nhàn tản và sung túc, còn bây giờ họ không có lựa chọn nào khác hơn là ở lại và chịu đói khát, hay ra đi và phài ăn xin. Nếu họ tiếp tục ở lại thành phố, họ sẽ chịu nguy hiểm vì làn đạn của quân bạn, và bị lính tráng cướp bóc nếu rời thành phố. Trong điều kiện hiện tại, họ là những tù nhân không có hy vọng được cứu chuộc, và khi cuộc tổng tấn công nhằm giải phóng thành phố của họ, họ sẽ là những người dân bị kẹt giữa cơn cuồng nộ của cả hai quân đội.

Những người có tâm tính tiêu cực thường bỏ qua những sự xúc phạm mà nước Anh đã gây ra cho dân Mỹ, và vẫn còn hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra, sẽ có khuynh hướng đề nghị như sau: “Hãy lại đây. Chúng ta lại trở thành bạn như cũ, dù đã có xung đột với nhau.” Nhưng ta hãy xét xem những nhiệt tình và xúc cảm của con người, và đem cái lý thuyết “hòa hợp, hòa giải” ra thử nghiệm trên thực tế, rồi cho tôi biết là ta còn có thể yêu thương, tôn vinh và phục vụ trung thành đối với một thế lực mà đã từng gây máu lửa chiến tranh trên đất nước của mình hay không? Nếu [sau khi vấn tâm] mà thấy không thể làm được, thì kêu gọi “hòa hợp, hòa giải” chỉ là tự đánh lừa mình. Và càng kéo dài thì giờ bao nhiêu, thì ta lại càng gây ra thêm tai hại cho hậu duệ của của chúng ta. Mối quan hệ trong tương lai với nước Anh mà ta không thể yêu mến hay tôn trọng, là mối quan hệ gượng ép và thiếu tự nhiên, và được tạo nên chỉ vì sự tiện lợi của hiện tại, sẽ chẳng bao lâu lại quay trở lại tình trạng còn tồi tệ hơn tình trạng lúc ban đầu. Nhưng nếu bạn cho rằng bạn có thể quên những bạo động đã từng xảy ra, tôi sẽ hỏi bạn, Nhà của bạn có bị đốt cháy không? Tài sản của bạn có bị tiêu hủy hay phá hoại trước mắt bạn không? Vợ và con bạn có bị cơ cực vì thiếu mái nhà để ở và miếng cơm để ăn không? Cha mẹ hay con cái bạn có bị quân Anh giết chết không? Và chính bạn cũng chỉ là kẻ sống sót đã bị bầm dập? Nếu bạn không trải qua tình cảnh này, thì bạn không thể phán xét những người trong cuộc. Còn nếu bạn đã trải qua những cảnh này mà vẫn còn có thể bắt tay với những kẻ sát nhân, thì bạn không xứng đáng là chồng, cha, bạn hữu, hay những tước vị bạn đã có nữa. Bạn có tấm lòng của kẻ hèn nhát và tinh thần của kẻ bợ đỡ mà thôi.

Đây không phải là gây ra khích động hay cường điệu hóa vấn đề, nhưng hãy để những xúc cảm và tình cảm mà tự nhiên ai cũng có để cảm nhận, những tình cảm mà nếu không có thì ta sẽ không thể nào thực hiện được những bổn phận hay hân hưởng những hạnh phúc của đời sống. Tôi không có ý đưa ra những hình ảnh ghê rợn nhằm mục đích xúi giục trả thù, nhưng để đánh thức mọi người thức giấc từ những giấc ngủ mê nguy hiểm đến chết người, để chúng ta có thể cùng định rõ một mục tiêu cố định. Không phải sức mạnh của Anh quốc hay Âu châu có thể chinh phục được nước Mỹ, chính nước Mỹ để cho người khác chinh phục vì sự nhút nhát và diên trì của mình. Mùa đông hiện tại sẽ có giá trị bằng một thời đại, nếu ta biết lợi dụng thời cơ, nhưng nếu để cho mất đi hay xao lãng hoặc thờ ơ, thì cả lục địa sẽ cùng chịu vận rủi, và lúc đó ta sẽ chịu sự trừng phạt xứng đáng, bất kể ta là ai, là gì, hay ở đâu, vì đã để mất một mùa quá quý báu và hữu ích.

Lập luận cho rằng lục địa này có thể vẫn là thuộc địa của bất cứ thế lực nên ngoài nào là một lập luận mâu thuẫn với luận lý, với quy luật chung của thiên nhiên, và với tất cả những bài học lịch sử của thời xưa. Ngay cả những kẻ lạc quan nhất của nước Anh cũng không nghĩ như vậy. Sự khôn ngoan của con người, dù có được vận dụng đến đâu đi chăng nữa, thì trong lúc này, cũng không thể đưa ra một kế hoạch hay hơn là phải phân cách Anh và Mỹ, chỉ có như vậy thì mới có thể  dành cho nước Mỹ có được ít ra là một năm sống trong an toàn. Sự hòa hợp, hòa giải, bây giờ chỉ là một giấc mơ ngụy biện mà thiên nhiên đã cắt đứt mối liên hệ, và không có kỹ xảo nào [về lý luận] có thể thay thế. Vì như Milton đã khôn ngoan nhận xét, “không bao giờ sự hòa hợp, hòa giải thực sự có thể phát triển được nơi vết thương căm thù chí tử đã bị đâm quá sâu.”

Mọi biện pháp kín đáo tìm kiếm hòa bình đã không mang lại hiệu quả nào cả. Những lời cầu nguyện của chúng ta đã bị bác bỏ trong khinh miệt; và chỉ thuyết phục chúng ta thấy rõ rằng không có gì tâng bốc lòng kiêu căng hay củng cố sự ngoan cố của những ông Vua cho bằng sự thỉnh cầu liên tục của thần dân—và không có điều gì khác hơn hai điều này khiến cho những ông Vua tại châu Âu trở thành quân chủ độc đoán: Hãy xem Đan-mạch và Thụy-điển là hai thí dụ. Do đó, vì chẳng còn biện pháp gì khác hơn là đánh nhau, cho nên, xin Ơn Trên phò hộ, chúng ta nên đi đến sự phân cách sau cùng, và đừng để cho thế hệ kế tiếp trở nên những kẻ sát nhân, nhân danh cái danh xưng đã bị vi phạm và vô nghĩa là cha-con.

Còn cho rằng người Anh sẽ chẳng bao giờ tìm cách thống trị nước Mỹ nữa là nói chuyện hão huyền và vô ích, như ta đã từng nghĩ khi đạo luật stamp-act bị hủy bỏ, nhưng một hay hai năm qua đi không lừa được chúng ta, cũng như ta có thể  giả định là những nước mà đã từng bị đánh bại trong một cuộc xung đột, sẽ chẳng bao giờ nhắc lại cuộc xung đột đó.

Còn đối với những vấn đề của chính quyền, nước Anh không có đủ sức mạnh để đối xử công chính với lục địa này: Công việc sẽ chẳng bao lâu trở nên nặng nề, rắc rối, nước Anh khó lòng mà quản trị được với một mức độ thuận tiện khả dĩ chấp nhận được qua một sức mạnh ở quá xa và chẳng biết gì về những người Mỹ cả. Nếu họ không chinh phục được ta, thì họ sẽ không thể cai trị chúng ta. Nếu cứ mỗi lần nước Mỹ có chuyện gì hay kiến nghị gì, thì lại phải luôn luôn đi ba hay bốn ngàn dặm [sang Anh], rồi đợi bốn hay năm tháng mới có câu trả lời, và câu trả lời lại cần có năm hay sáu văn thư giải thích nữa, cả tiến trình này trong vài năm sẽ cho thấy nó là một tiến trình ấu trĩ và dại dột—Có lúc điều này thích hợp, nhưng cũng có lúc thích hợp hơn để chấm dứt tình trạng đó.

Những hòn đảo nhỏ không có khả năng để tự bảo vệ, là những mục tiêu chính đáng để cho những vương quốc bảo hộ; nhưng có điều rất phi lý khi cho rằng một lục địa có thể bị một đảo quốc cai trị vĩnh viễn. Trong thiên nhiên chưa có thí dụ nào cho thấy có một vệ tinh mà lại to hơn hành tinh chính của nó, như Anh và Mỹ, khi so với nhau, đảo ngược lại trật tự của thiên nhiên, ta thấy hiển nhiên là hai nước thuộc về hai hệ thống khác nhau: nước Anh là ở Âu châu, còn Mỹ nằm trong lục địa của chính mình.

Tôi ủng hộ cho thuyết phân cách và độc lập không phải vì bị xui khiến bởi những động lực như danh vọng, đảng phái, hay bất mãn; tôi được thuyết phục theo chủ thuyết này một cách rõ ràng, tích cực, và cẩn thận vì rằng đó chính là vì quyền lợi thực sự của lục địa này, rằng những đề nghị nào khác chủ trương phân cách và tuyên bố độc lập, chỉ là những biện pháp vá víu, không thể mang lại hạnh phúc lâu dài,—nghĩa là để lưỡi kiếm lại cho con cháu của ta, và chùn bước ở cái thời điểm mà, chỉ cần cố gắng một chút nữa thôi, đi xa thêm một chút thôi, cũng đủ để hoàn lại cho lục địa này sự vinh quang của trái đất.

Vì nước Anh chưa thể hiện một khuynh hướng nào thiên về thỏa hiệp, ta có thể tin chắc rằng không có điều khoản nào được nước Anh đề nghị lại đáng để cho ta chấp nhận, hay tương đương với tài sản và xương máu đã được ta đổ ra.

Cái mục đích, mà ta đang đấu tranh để giành lấy, nên có phần cân xứng tương ứng với những phí tổn phải chi ra. Việc trục xuất North  hay dẹp bỏ những hội kín đáng khinh bỉ, không phải là việc đáng cho ta phải tiêu phí hàng triệu đồng. Một sự gián đoạn thương mại tạm thời là một điều bất tiện, có lẽ cũng đủ để cân bằng với sự hủy bỏ tất cả những đạo luật đã bị ta thán, nếu những sự hủy bỏ này đã được thi hành. Nhưng nếu cả lục địa cùng cầm lấy vũ khí, nếu mọi người đều là lính chiến, thì đó sẽ là cuộc chiến không đáng chỉ để chống lại một viên quan đáng khinh nào đó. Các bạn độc giả ơi, chúng ta chịu hao tốn cỡ này chỉ để bãi bỏ những đạo luật thôi ư? Vì chỉ cần ước lượng ta cũng thấy đó là một sự rồ dại để phải trả bằng cái giá của Bunker Hill  để hủy bỏ đạo luật, thay vì cho đất nước [độc lập]. Như tôi vẫn hằng quan niệm rằng sự độc lập của lục địa này, là một sự kiện mà chẳng chóng thì chày, cũng phải xảy ra, cho nên từ khi lục địa phát triển một cách nhanh chóng cho đến khi trưởng thành như bây giờ, thì sự kiện này chẳng còn xa nữa. Vì thế khi thái độ thù địch xảy ra, thì chẳng đáng bõ công cho ta nữa để mà tranh luận về một vấn đề mà thời gian đã giải quyết rồi; trừ phi ta muốn chứng tỏ sự nghiêm chỉnh của mình; còn nếu không, thì hành vi đó cũng phí phạm giống như khi ta đem cả tài sản đất đai và nhà cửa ra kiện cáo trước tòa chỉ để cấm không cho người thuê, mà giao kèo thuê mướn với ta đã hết hạn, không được vào khu đất của ta nữa. Không có ai thiết tha với sự hòa hợp, hòa giải hơn tôi, trước khi biến cố định mệnh và chết chóc ngày 19 tháng Tư năm 1775 xảy ra.  Nhưng khi tin tức về trận chiến được loan truyền, tôi sẽ không bao giờ còn chấp nhận cái thái độ của nhà vua Anh quốc khi biểu lộ sự cứng rắn nhưng làm ra vẻ buồn rầu của vị Pharaoh Ai cập; tôi khinh thường kẻ khốn nạn đó, kẻ mang cái danh vị hão là cha của muôn dân mà có thể không rung động mảy may khi nghe tiếng rên xiết của con dân đang bị giết hại, và có thể ngủ yên khi máu của người dân đã thấm ướt linh hồn của mình.

Nhưng cứ cho rằng những vấn đề này đã xảy ra rồi, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Tôi xin trả lời, đó là sự suy tàn của lục địa Mỹ châu. Vì nhiều lý do sau đây.

THỨ NHẤT. Cái quyền cai trị vẫn còn nằm trong tay nhà vua, và cái quyền này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ tiến trình lập pháp tại lục địa này. Và vì như nhà đã từng cho thấy ông ta là kẻ thù thâm căn cố đế của tự do, và đã để lộ ra sự khao khát quyền lực độc đoán, thì liệu ông có phải là người sẽ nói với các thuộc địa là “CÁC NGƯƠI SẼ KHÔNG ĐƯỢC BAN HÀNH LUẬT GÌ NGOẠI TRỪ NHỮNG GÌ TA MUỐN” không? Và còn có cư dân nào của lục địa Mỹ châu mà lại có thể quá dốt nát đến nỗi không biết được rằng, căn cứ trên cái hiến pháp hiện hành, thì lục địa này không được tự  làm ra luật mà chỉ tuân theo luật pháp do nhà vua ban hành; và còn có kẻ nào quá khờ khạo đến nỗi không thấy được rằng (căn cứ trên những sự kiện đã xảy ra) y sẽ không phải chịu sự cai quản của luật pháp do lục địa này ban hành, nhưng chính là những luật lệ phù hợp với ý định của nhà vua. Chúng ta có thể bị nô lệ hóa một cách toàn diện vì không có luật pháp tại Mỹ, cũng như vì những luật lệ được tạo ra để cai trị chúng ta từ nước Anh. Sau khi những vấn đề này đã xảy ra rồi (như ta vẫn thường nói) liệu có ai còn chút nghi ngờ nào không về toàn bộ quyền lực của nhà vua sẽ được áp đặt để giữ cho lục địa này càng trở nên thấp kém và hèn mọn chừng nào thì càng tốt chừng ấy? Thay vì tiến về phía trước thì chúng ta lại phải đi ngược lại [dòng tiến hóa], hay cứ phải tranh cãi liên miên [với triều đình] hay dâng lên những kiến nghị lố bịch.—Chẳng phải chúng ta đã lớn mạnh hơn ý muốn của nhà vua, và chẳng phải là nhà vua, từ nay trở đi, muốn chúng ta trở nên yếu kém hơn hay sao? Vấn đề rút lại dẫn đến điểm sau đây. Có phải cái quyền lực ganh ghét với hậu duệ của ta là quyền lực chính đáng để cai trị ta không? Những ai trả lời KHÔNG cho câu hỏi này là những người ĐỘC LẬP, vì sự độc lập không có nghĩa nào khác hơn là, từ nay hoặc chúng ta sẽ tự làm lấy luật pháp cho chính mình, hoặc nhà vua, kẻ thù lớn nhất của lục địa từ trước tới giờ, bảo ta rằng “Không có luật lệ gì cả ngoại trừ những gì ta thích.”

Nhưng có người sẽ nói rằng nhà vua có quyền phủ quyết tại Anh; dân Anh không thể làm luật mà không có sự đồng ý của nhà vua. Xét về phương diện chính đáng và theo trật tự tự nhiên, thì có một điều rất lố bịch, là một thanh niên 21 hay 22 tuổi (chuyện này vẫn thường xảy ra) lại bảo cho vài triệu người lớn tuổi hơn và khôn hơn mình là ta cấm những quyết định này hay quyết định kia của các ngươi trở thành luật. Về điểm này, tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy, dù tôi sẽ chẳng bao giờ ngưng công việc vạch trần sự ngớ ngẩn vừa nêu, và chỉ trả lời rằng Anh quốc là đất nơi nhà vua ở, còn Mỹ thì không phải như vậy và là một trường hợp hoàn toàn khác. Quyền phủ quyết của nhà vua tại Đây thì nguy hiểm và chí tử hơn ở Anh gấp mười lần, vì tại đó, nhà vua sẽ ít khi nào từ chối một đạo luật khiến cho Anh quốc trở nên có khả năng phòng vệ càng mạnh càng tốt, còn ở Mỹ thì nhà vua chẳng khi nào chịu để một đạo luật như vậy được thông qua.

Mỹ châu chỉ là vật phụ trong hệ thống chính trị của Anh quốc, nước Anh chỉ lưu ý đến điều tốt cho nước Mỹ chỉ trong phạm vi mục đích của họ mà thôi. Do đó vì quyền  lợi, nước Anh sẽ buộc phải kềm hãm sự phát triển của chúng ta nếu những sự phát triển này không giúp cho sự gia tăng lợi thế của nước Anh, hay ít ra là những sự phát triển của ta không làm cản trở sự phát triển những lợi thế của Anh quốc. Đang là một nước đẹp đẽ thế này, ta sắp phải rơi vào tay một chính quyền  cũ kỹ, xin hãy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra! Người ta không thay đổi từ thù sang bạn chỉ vì cái tên thay đổi: Và để chứng minh rằng hòa hợp, hòa giải là một lý thuyết nguy hiểm, tôi quả quyết rằng: Đó chính là chính sách của nhà vua vào lúc này nhằm bãi bỏ những đạo luật hầu cho có thể tái lập sự cai trị của mình đối với các tỉnh. Làm như thế, nhà vua có thể qua những thủ đoạn quỷ quyệt, đạt được mục đích của mình trong dài hạn, mà trong ngắn hạn không thể đạt được qua bạo lực và sức mạnh. Hòa hợp, hòa giải và sự suy vong có quan hệ mật thiết với nhau.

THỨ HAI. Ngay cả trong trường hợp có được những điều khoản tốt đẹp nhất mà ta có thể mong là sẽ đạt được, thì cũng chẳng khác gì hơn là một sự mưu chước mang lại cái lợi tạm thời, hay một loại chính quyền bảo hộ; một loại chính quyền mà không thể tồn tại được khi những thuộc địa đã trưởng thành, lúc đó thì bộ mặt chung và tình trạng chung, trong giai đoạn chuyển tiếp tạm thời sẽ bị xáo trộn và không có gì chắc chắn hết. Những người di dân có tài sản sẽ không lựa một nước mà chính quyền được treo trên đầu sợi chỉ và lúc nào cũng sắp bị đổ sụp vì tranh chấp và bất ổn để định cư; và những người dân hiện đang cư ngụ sẽ vì tình trạng này mà thôi làm việc và [cuối cùng là] bỏ lục địa này mà đi.

Nhưng lập luận có tính thuyết phục trong tất cả những lập luận, là, chỉ có sự độc lập, nghĩa là tạo ra một mô hình chính quyền của chúng ta trên lục địa này, mới có thể giữ được nền hòa bình tại Mỹ châu và tránh cho nó không rơi vào những cuộc nội chiến. Tôi rất sợ sự hòa hợp, hòa giải với Anh quốc trong lúc này, vì với một xác suất rất cao, sự hòa hợp sẽ dẫn tới một cuộc nổi dậy của những người dân Mỹ [mà không chấp nhận hòa hợp] tại một vùng nào đó, và những hậu quả của nó còn có nguy cơ chí tử hơn là sự hiểm độc và ác tâm của Anh quốc.

Hàng ngàn người đã bị hủy diệt vì sự dã man của Anh quốc; (hàng ngàn người khác có lẽ cũng sẽ chịu số phận tương tự). Họ có những tình cảm khác hơn chúng ta là những người không có gì để mà đau khổ. Tất cả những gì họ sở hữu bây giờ là sự tự do, những gì họ có để mà hưởng dụng trong quá khứ bị hy sinh cho sự phục vụ Anh quốc, và bây giờ không còn gì để mất, họ coi khinh sự khuất phục. Thêm vào đó, tâm tình chung của tất cả những thuộc địa đối với chính quyền Anh quốc, cũng giống tâm tình của một người trẻ tuổi sắp trưởng thành, chẳng còn mấy quan tâm đến mẫu quốc nữa. Và một chính quyền mà không thể bảo tồn được sự an bình và trật tự, thì chính quyền đó không xứng đáng được gọi là chính quyền, và trong trường hợp đó chúng ta trả tiền (thuế) mà chẳng được gì hết mà chỉ biết cầu xin xem Anh quốc có thể làm gì với các uy quyền chỉ có trên giấy, nếu có sự bất ổn dân sự xảy ra ngay sau khi hòa hợp, hòa giải! Tôi có nghe một số người, mà có nhiều người trong số này tôi tin là nói mà không suy nghĩ, đã nói rằng họ rất e sợ sự độc lập, vì độc lập sẽ dẫn đến nội chiến. Trong rất nhiều trường hợp, những suy nghĩ ban đầu của chúng ta là thực sự đúng đắn, và đó là trường hợp này; vì để nối kết lại mối quan hệ [với Anh quốc] thì còn đáng ngán ngẩm hơn giành độc lập gấp mười lần. Tôi đứng về phía những người đã chịu đau khổ, và tôi phản đối rằng nếu như tôi bị đuổi khỏi nhà cửa, ruộng vườn, tài sản tôi bị tàn phá, và hoàn cảnh sinh sống của tôi  bị hủy diệt, thì là một người có lý trí, tôi chẳng bao giờ có thể thưởng thức được cái lý thuyết hòa giải, hay tự buộc mình vào trong cái lý thuyết đó.

Những thuộc địa đã thể hiện một tinh thần tôn trọng trật tự và tuân phục chính quyền lục địa cao độ, khiến cho mọi người có hiểu biết đều cảm thấy dễ dàng và vui vẻ. Chẳng có ai có thể viện cớ này, cớ nọ—những cớ rất ngớ ngẩn và trẻ con—để biện minh cho sự e ngại của họ về chính quyền lục địa, thí dụ như một thuộc địa sẽ tìm cách vượt trội hơn thuộc địa khác.

Khi không có sự phân biệt nào hết, thì cũng không có sự ưu việt [nào được ghi nhận]; không có chỗ cho sự cám dỗ [hơn thua], nếu có sự bình đẳng hoàn toàn. Tất cả những nền cộng hòa tại Âu châu (và ta có thể nói là) luôn luôn có được hòa bình. Hà-lan và Thụy-sĩ không có chiến tranh, quốc ngoại hay quốc nội: Có một thực tế là những chính quyền quân chủ chẳng bao giờ ngồi yên được; chính cái ngai vàng là sự cám dỗ khiến cho những tên vô lại nổi lên ở trong nước, và mức độ kiêu căng và tự phụ mà luôn luôn hiện hữu trong vương quyền, sẽ ngày càng căng phồng lên và va chạm với những thế lực nước ngoài, như nhiều thí dụ đã minh chứng. Còn một chính quyền cộng hòa, được tạo ra bởi những nguyên tắc thuận theo tự nhiên, sẽ tìm cách thương thảo sự sai lầm.

Nếu thực sự có một nguyên do nào khiến cho người ta e sợ sự độc lập, đó là vì chưa có một kế hoạch nào được thiết lập. Người ta không thấy có lối thoát—vì thế, để mở đầu cho sự thảo luận này, tôi xin đưa ra những gợi ý sau đây, và cũng xin xác nhận với tất cả sự khiêm tốn của mình là tôi không có ý cho rằng những gợi ý này là hay ho nhưng có thể là bước khởi đầu cho một điều gì đó tốt đẹp hơn. Nếu ta có thể thu thập được những ý tưởng rời rạc của nhiều người, thì những ý tường này có thể sẽ tạo thành những chất liệu cho những người khôn ngoan và có khả năng cải biến thành những tư tưởng hữu dụng.

Hàng năm sẽ tổ chức những hội nghị, do một chủ tịch điều hành. Con số đại biểu thì lựa ra gần bằng nhau. Công việc của nghị hội chỉ thuần túy về những vấn đề đối nội, và chịu thẩm quyền của Quốc hội Lục địa.

Mỗi một thuộc địa sẽ được chia thành sáu, tám, hoặc mười đơn vị sao cho thích hợp. Mỗi đơn vị sẽ gửi một số đại biểu tương ứng lên Quốc hội, sao cho mỗi thuộc địa đều có ít nhất là 30 đại biểu. Tổng số đại biểu trong Quốc hội sẽ có tối thiểu là 390 người. Mỗi kỳ họp Quốc hội Lục địa, đại biểu sẽ chọn một chủ tịch theo phương thức sau: trước hết, các đại biểu chọn một  trong tổng số 13 thuộc địa, theo phương cách bốc thăm, và bỏ ra ngoài. Sau đó toàn Quốc hội bầu ra một chủ tịch (bằng lá phiếu) từ trong thuộc địa được chọn ra lúc đầu. Kỳ họp Quốc hội kế tiếp, một thuộc địa lại được chọn ra từ 12 thuộc địa còn lại của kỳ họp trước, và cứ thế tiếp tục để cho toàn thể 13 thuộc địa đều có cơ hội có vị chủ tịch (tổng thống) luân phiên được bầu ra. Và một đạo luật được thông qua chỉ khi hội đủ đa số thỏa đáng là quá ba phần năm số đại biểu Quốc hội—Kẻ nào mà muốn tạo ra bất ổn trong một cơ cấu chính quyền được thiết lập quân bình như vậy, thì kẻ đó xứng đáng bị đày xuống địa ngục với quỷ sứ Lucifer.

Nhưng có một điểm tế nhị đặc biệt là dựa trên cơ sở [quyền lực] nào hay theo cách thức nào để thiết lập quốc hội đầu tiên, nhưng vì cái cơ sở thích hợp nhất và hợp với lý luận nhất mà ai cũng thấy là quyền lực đó phải xuất phát từ một bộ phận trung gian giữa kẻ bị trị và người cai trị, nghĩa là giữa Quốc hội và người dân. Cho nên, hãy triệu tập một Đại hội Lập Hiến Lục Địa, theo phương thức và nhằm mục đích sau đây.

Một ủy ban gồm có 26 thành viên của Quốc hội, nghĩa là mỗi thuộc địa có hai người (13 thuộc địa). Hai thành viên từ mỗi viện của quốc hội, hay từ đại hội toàn tỉnh, và năm đại biểu thuộc quần chúng nói chung được bầu ra từ đại hội toàn tỉnh bởi những cử tri hội đủ tiêu chuẩn đến từ mọi vùng của tỉnh đó, hoặc là để tiện lợi hơn, đại biểu có thể được bầu ra từ hai hay ba vùng có đông dân số nhất. Đại hội, khi được triệu tập theo phương thức này, sẽ được kết hợp bởi hai nguyên tắc lớn là Kiến thức và Quyền lực. Những thành viên của Quốc hội, hay nghị hội, là những người đã có kinh nghiệm về những vấn đề quốc gia, sẽ là những nhà cố vấn đưa ra những lời khuyên hữu ích, và toàn thể đại hội, vì được ủy quyền của toàn dân sẽ có thực sự có tư cách và uy quyền hợp pháp [để quyết định những vấn đề trong đại hội].

Khi những đại biểu họp lại trong Hội nghị, nhiệm vụ của họ là soạn thảo một cái gọi là Hiến Chương Lục Địa Mỹ, hay là Hiến chương của Liên Hiệp các Thuộc Địa; (để đối lại với cái gọi là Đại Hiến Chương của Anh quốc).  [Các đại biểu này sẽ] ấn định con số và cách thức lựa chọn đại biểu cho Quốc hội của Lục địa, đại biểu của quốc hội các thuộc địa, nhiệm kỳ của từng cơ quan và phân định nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan: (Luôn luôn nên nhớ rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở lục địa chứ không nằm ở từng địa phương). Bảo đảm tự do và tài sản cho tất cả mọi người, và trên hết là quyền tự do tôn giáo tuân theo tiếng gọi của lương tâm; và những vấn đề cần thiết khác. Ngay sau khi hoàn thảnh những nhiệm vụ này, thì Hội nghị (lập hiến) này được giải tán, và những cơ quan, nhân sự được lựa chọn theo các điều khoản của Hiến Chương, sẽ là những nhà lập pháp hay thống đốc của lục địa này trong lúc đó: Xin Thượng Đế giữ gìn sự bình an và hạnh phúc cho những người này. Amen.

Nếu có những ai sau này được ủy thác nhiệm vụ này hay cho mục đích tương tự, tôi xin gửi tới họ câu nói sau đây của Dragonetti,  một bình luận gia uyên bác về chính trị: “Cái tri thức của một chính trị gia chỉ cốt ở có một điều là xác định được điểm [cân bằng] chính xác của hạnh phúc và tự do. Những người đó, những người đã khám phá ra cái mô thức chính quyền mà trong đó bao gồm tổng số lớn nhất của những hạnh phúc cá nhân, những người đó xứng đáng được hậu thế biết ơn.”

Nhưng, có người sẽ hỏi, ai sẽ là Vua của nước Mỹ? Tôi xin trả lời. Bạn ơi, nhà vua này ngự trị ở bên trên và không gây ra những sự tác hại như Hoàng gia hung ác của Anh quốc. Nhưng để không mất đi phần trang trọng của thế tục, hãy long trọng chọn một ngày dành riêng ra để công bố Hiến Chương; hãy để Hiến Chương này thay chỗ của luật thánh, lời của Thượng Đế; hãy đặt lên trên đó một vương miện để cho thế giới biết rằng, trong giới hạn của cái chế độ quân chủ mà ta chấp thuận được, thì tại Mỹ LUẬT LÀ VUA. Vì nếu trong những chính quyền tuyệt đối, Nhà Vua là luật, thì ở những nước tự do Luật phải là Vua, và không có ai trên hết nữa. Nhưng để tránh những sự lạm dụng có thể xảy ra, khi nghi lễ công bố Hiến Chương đã chấm dứt, thì cái vương miện này nên được đập tan và rải ra cho quần chúng, tức là những người nắm thực quyền.

Có được một chính quyền do chính mình lập nên là một cái quyền tự nhiên của chúng ta: Và khi ta suy ngẫm một cách nghiêm chỉnh về những sinh hoạt của con người, ta sẽ phải tin rằng sự hình thành một hiến pháp do chính ta soạn thảo sau những thảo luận và cân nhắc đắn đo và điềm tĩnh, khi ta nắm quyền hành, thì đó sẽ là điều khôn ngoan hơn và an toàn hơn gấp ngàn vạn lần nếu ta để mặc công việc trọng đại đó cho vận số và tới đâu thì tới. Nếu ta chểnh mảng trong công việc này, thì một gã Massanello  nào đó, [vì] nắm được sự bất ổn của quần chúng và tụ họp được những kẻ liều mạng và bất mãn để giành lấy quyền lực chính trị, có thể quét sạch mọi tự do trên lục địa này như một cơn hồng thủy. Giả như mà chính quyền Mỹ bị buộc phải trở lại tay của Anh quốc, thì tình trạng còn đang lung lay này sẽ là một điều cám dỗ đối với những kẻ phiêu lưu tuyệt vọng để ra tay thử thời vận [giành lấy chính quyền]; lúc đó Anh quốc làm được gì? Trước khi  nước Anh sẽ nhận được tin báo này, thì sự việc mang tính chất chí tử này có lẽ đã xảy ra xong rồi, và chúng ta sẽ chịu đau khổ như những người dân Anh bất hạnh phải chịu đựng sự đàn áp của những kẻ Chiến Thắng. Những ai mà chống lại sự độc lập bây giờ, các người không biết là mình đang làm gì; các bạn đang mở tung cánh cửa cho sự độc tài chuyên chế chiếm ngự vĩnh viễn, vì tạo ra khoảng trống chính trị. Có hàng ngàn và hàng chục ngàn người đã từng nghĩ rằng đó là một điều vinh quang khi trục xuất được khỏi lục địa này cái quyền lực man rợ và quỷ quái đó, cái quyền lực đã xúi giục những người thổ dân Da Đỏ và dân Da Đen tiêu diệt chúng ta; sự độc hại này chất chứa một tội lỗi kép; đó là đối xử tàn bạo với chúng ta bằng thủ đoạn gian ngoan.

Nói đến chuyện hữu nghị với những kẻ mà lý trí không cho phép ta tin tưởng, và ta phải ghê tởm vì tình cảm của đã bị thương tổn bởi hàng ngàn vết thương do họ gây ra, là điên rồ và dại dột. Mỗi ngày qua đi làm hao mòn thêm chút tình nghĩa nhỏ nhoi còn sót lại giữa ta và họ, và có thể có lý do nào để hy vọng là khi mối quan hệ đã hết thì tình cảm sẽ gia tăng không? Hay là ta và họ sẽ tìm được sự thỏa thuận tốt hơn khi ta và họ có nhiều vấn đề để tranh cãi với nhau không?

Hỡi các anh, những người từng nói với chúng tôi về hòa hợp và hòa giải, liệu các anh có phục hồi lại được cho chúng tôi một thời đã qua? Liệu các anh có hoàn lại được cho gái làng chơi sự ngây thơ ban đầu của họ? [Nếu các anh không làm được việc này, thì] các anh cũng sẽ không thể hòa giải được những xung đột giữa Anh và Mỹ. Mối quan hệ cuối cùng đã bị cắt đứt, người dân Anh đang đưa ra những văn kiện chính thức chống lại chúng ta. Đó là những xúc phạm mà thiên nhiên cũng không thể tha thứ được, nếu thiên nhiên mà dung thứ được những xúc phạm này thì thiên nhiên sẽ không còn là thiên nhiên nữa. Tương tự như thế, liệu một người có thể tha thứ cho kẻ đã cuỗm mất người yêu của mình không, cũng như lục địa này có thể tha thứ cho những kẻ sát nhân Anh quốc hay không? Thượng Đế đã gieo trồng trong chúng ta  những tình cảm không thể dập tắt được cho những mục đích tốt và khôn ngoan. Những tình cảm này là thần bảo hộ cho hình ảnh của Ngài trong tâm trí chúng ta, khiến cho ta khác với một bầy đàn súc vật. Giao ước xã hội sẽ tan rã, và sự công chính sẽ bị nhổ bật gốc khỏi trái đất này, hay chỉ còn lại một sự hiện hữu sơ sài giữa những con người với nhau nếu ta đã chai cứng không còn biết rung động vì tình cảm nữa. Kẻ cướp và những kẻ sát nhân, thường vẫn có thể thoát khỏi bị trừng phạt, nhưng những sự tổn thương gây ra cho tâm tình chúng ta, khiến cho ta phải đòi hỏi công lý.

Hỡi những người yêu mến nhân loại! Những người dám chống đối, không những chỉ sự độc tài, mà còn chống luôn những kẻ độc tài, hãy đứng dậy! Mọi nơi trên cái quả đất cũ kỹ này đã bị sự đàn áp dày xéo. Tự do đã bị săn đuổi trên toàn quả địa cầu. Á châu và Phi châu đã trục xuất tự do—Âu châu đã coi tự do là kẻ lạ, và Anh quốc đã cảnh cáo tự do nên cút xéo khỏi nước Anh. Ôi, hãy đón nhận những người đang lánh nạn, và cùng lúc chuẩn bị một chốn nương thân cho nhân loại.