Những Giới hạn về Quyền của Xã hội Đối với Cá nhân
Vậy thì đâu là giới hạn chính đáng của quyền tối thượng của một cá nhân trên chính mình? Quyền của xã hội bắt đầu từ nơi nào? Bao nhiêu phần đời sống con người được dành cho cá tính và bao nhiêu phần được dành cho xã hội? Cả cá tính lẫn xã hội sẽ nhận được phần tương xứng dành cho mình nếu mỗi thành phần lưu ý đến những gì đặc biệt liên hệ đến chính mình. Phần đời sống liên hệ đến cá nhân sẽ thuộc về cá tính; phần đời sống liên hệ đến xã hội sẽ thuộc về xã hội. Tuy rằng, xã hội không được xây dựng trên một khế ước, và tuy rằng, ta đâu có ích lợi gì khi bày đặt ra một khế ước để từ đó suy diễn ra những bổn phận đối với xã hội; mỗi người nhận được sự che chở của xã hội đều phải trả ơn cho xã hội về những lợi ích ấy. Vì sống trong xã hội, nên mỗi người bắt buộc phải có một cách cư xử nào đó đối với những người khác. Việc đầu tiên là không làm tổn hại đến quyền lợi của người khác; hay nói đúng hơn là một số quyền lợi người đó được xem như có quyền hưởng, hoặc do pháp luật quy định hoặc do một sự thỏa thuận ngầm. Việc thứ hai là người đó phải đảm nhận phần công việc và phần hy sinh (được quy định một cách công bằng) cần thiết để bảo vệ xã hội chống mọi sự xúc phạm và quấy nhiễu. Xã hội có lý do chính đáng để áp đặt mọi biện pháp chế tài bằng mọi giá đối với những ai từ chối làm tròn bổn phận của mình. Nhưng đó không phải là tất cả những gì xã hội có thể làm. Hành vi của một người có thể làm tổn hại đến người khác, hay tỏ ra thiếu quan tâm đến phúc lợi của người khác nhưng nó không xâm phạm đến những quyền lợi đã được ấn định. Và như vậy, kẻ vi phạm có thể bị công luận kết án chứ không phải bởi luật pháp. Chừng nào mà cách cư xử của một người làm tổn hại đến quyền lợi của kẻ khác, xã hội có quyền phán xét lối cư xử ấy; và vấn đề xét xem một sự can thiệp như vậy của xã hội có lợi ích cho phúc lợi của mọi người hay không, là một đề tài được mở rộng cho mọi cuộc tranh luận. Nhưng, không có lợi ích gì đặt ra vấn đề ấy khi cách cư xử của một người không ảnh hưởng đến ai khác ngoài chính đương sự; hay khi cách cư xử ấy ảnh hưởng đến người khác nếu những người này thích như vậy (với điều kiện những người này là những người trưởng thành và có đầy đủ lý trí). Trong tất cả mọi trường hợp, ta hoàn toàn có tự do về mặt luật pháp cũng như về mặt xã hội để hành động và hứng chịu mọi hậu quả.
Thật là một sự hiểu lầm lớn lao nếu thuyết nêu trên được xem như đưa ra để bảo vệ một sự thờ ơ ích kỷ, theo đó, con người không lưu ý chút nào đến lề lối cư xử của người khác, và chỉ chú tâm đến phúc lợi của mình khi quyền lợi của mình bị đụng chạm. Ta cần nhiều nỗ lực không vụ lợi hơn chứ không phải ít hơn để khuyến khích việc làm tốt đối với tha nhân. Lòng tốt bất vụ lợi có thể tìm ra nhiều phương cách hầu thuyết phục người khác hơn là việc dùng roi vọt, về nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Tôi là người cuối cùng trong việc đánh giá thấp những đức tính riêng biệt của một con người. Các đức tính cá nhân chỉ có một tầm quan trọng thứ yếu và đứng sau các đức tính xã hội. Vai trò của giáo dục chính là giúp phát triển cả hai loại đức tính ấy. Nhưng ngay cả giáo dục cũng tác động qua sự tin tưởng và sự thuyết phục, cũng như qua sự cưỡng bách; và khi thời kỳ giáo dục đã qua, thì chỉ bằng sự tin tưởng mà các đức tính riêng biệt được gieo vào con người. Người ta phải nương vào nhau để biết đâu là tính tốt, đâu là cái xấu, và khuyến khích nhau chọn cái trước và tránh cái sau. Họ nên luôn luôn thúc đẩy nhau trong việc sử dụng những tài năng cao quý nhất, cũng như hướng dẫn tình cảm và chủ đích của họ về những việc làm khôn ngoan chứ không về những việc điên rồ, về việc nâng cao chứ không phải hạ thấp những đối tượng thưởng ngoạn. Nhưng, không một người nào hay một tập thể nào có thể nói với một người đã trưởng thành rằng, vì quyền lợi của anh ta, anh ta không được xây dựng đời mình theo hướng anh ta đã chọn lựa. Anh ta là người có quan tâm nhiều nhất đến hạnh phúc của mình; sự quan tâm của một người lạ không có giá trị gì so với sự quan tâm của chính anh ta – trừ phi người đó có một sự gắn bó cá nhân mạnh mẽ đối với anh ta. Sự quan tâm của xã hội đối với anh ta trên khía cạnh cá nhân (ngoài lề lối cư xử của anh ta đối với kẻ khác) chỉ là một phần gián tiếp; còn về vấn đề tình cảm và cảnh ngộ, một người nam hay nữ bình thường nhất biết cách cư xử tốt hơn ai hết. Sự can thiệp của xã hội trong mục đích hướng dẫn những phán đoán và chủ đích của một người trong việc riêng của anh ta luôn luôn dựa trên những phỏng đoán tổng quát có thể hoàn toàn sai lầm; nhưng dù có đúng chăng nữa, chúng cũng không thể áp dụng một cách sai trái bởi những ai ít quen thuộc với những trường hợp đặc biệt, ví dụ như bởi những người đứng quan sát từ bên ngoài. Vậy nên, trong lãnh vực những việc liên hệ đến con người, Cá Tính có môi trường hoạt động riêng rẽ. Trong lề lối cư xử giữa con người với nhau, các lề luật tổng quát phải được tuân theo để ai cũng biết mình mong muốn cái gì; nhưng trong các vấn đề riêng rẽ, cá tính của mỗi người nên được bộc phát một cách tự do. Những người khác có thể cho người nào đó – hay bắt buộc người đó phải nghe theo – những lời khuyên nhủ để giúp anh ta phán đoán, hay những lời khuyến khích để anh ta nâng cao ý chí, nhưng chính người đó mới là người có quyết định tối hậu. Tất cả những sai lầm mà người đó phạm phải khi chống lại các lời khuyên nhủ và khuyến khích ấy chỉ là một sự tai hại nhỏ so với sự kiện những người khác bắt buộc anh ta làm theo những gì mà họ cho là tốt.
Tôi không muốn nói rẳng, tình cảm mà ta có đối với một người không thể bị ảnh hưởng bởi những tánh tốt hay tánh xấu của người đó. Việc này không thể xảy ra, cũng như không nên mong muốn nó xảy ra. Nếu một người có những đức tính xuất sắc dẫn dắt anh ta đến thành công thì anh ta đáng được hâm mộ. Người đó hẳn tiến gần đến mức độ toàn thiện của nhân loại. Ngược lại, nếu người đó thiếu sót những đức tính ấy, thì sẽ không được ta cảm phục. Có một mức độ điên rồ, một mức độ của cái có thể gọi là sự thấp kém hay sa đọa của thị hiếu (những từ này có thể bị phản đối), việc này không đáng làm cho ta gây thương tổn đến người có thói xấu ấy nhưng chúng nhất thiết và hiển nhiên làm cho người đó bị xa lánh, hay trong những trường hợp cực đoan, bị khinh bỉ: một người có đầy đủ những tính tốt không thể nào không có những cảm nghĩ đó. Tuy không làm thương tổn đến ai, một người có thể có một lề lối cư xử bắt buộc ta phải phán đoán, cho anh ta là một kẻ ngu đần và có một bản chất hèn kém: và như vậy, cách phán đoán này sẽ làm cho anh ta hài lòng. Vậy, ta nên cảnh cáo người đó về những hậu quả tai hại có thể gặp phải sau này. Thật là một việc tốt nếu phép lịch sự hiện nay cho ta làm việc ấy nhiều hơn nữa, và một người có thể nói một cách thành thật với người láng giềng rằng, anh ta phạm lỗi mà không sợ bị xem là thô lỗ hay tự phụ. Ta cũng có quyền hành xử nhiều cách khác nhau khi ta có sự bất mãn với một người nào đó; ta làm như vậy không phải để đàn áp cá tính của anh ta nhưng để bày tỏ cá tính của mình. Ví dụ, chúng ta không bị bắt buộc phải giao du với người đó; ta có quyền tránh né người đó, tuy rằng không nên làm như vậy một cách quá lộ liễu vì ta có quyền giao du với những người thích hợp hơn. Ta có quyền, và có thể đó là một bổn phận, cảnh cáo những người khác về anh ta, nếu ta cho rằng, hành vi hay lời nói của anh ta có thể gây tổn hại cho họ. Với những công việc không có tính cách bắt buộc, ta có thể chọn giúp những người khác thay vì anh ta, trừ những việc có khả năng giúp anh ta cải thiện. Một người có thể nhận những sự trừng phạt nặng nề từ những người khác vì những lỗi lầm trực tiếp liên hệ đến chính mình; nhưng, những sự trừng phạt ấy phải là hậu quả hiển nhiên của các lỗi lầm đã gây ra chứ không phải được áp dụng chỉ với mục đích trừng phạt. Một người có tính hấp tấp, bướng bỉnh, tự phụ; một người không thể sống với những phương tiện vừa phải, không thể từ bỏ những ham mê tệ hại; một người đi tìm những thú vui xác thịt; một người như vậy phải biết rằng, mình có một chỗ đứng thấp kém dưới mắt những người khác và không được ai xem trọng. Nhưng, con người ấy không có quyền than phiền về việc bị đối xử như vậy trừ phi anh ta được họ ưu ái bởi những giao du xã hội tốt, và như vậy, anh ta nhận được sự giúp đỡ của họ mà không bị ảnh hưởng vì những lầm lẫn của chính mình.
Điều mà tôi muốn đoan chắc là khi ta có nhận xét không tốt đối với người nào, thì những nhận xét ấy chỉ nên nhắm vào phần cư xử và cá tính liên hệ đến người đó; những nhận xét nêu trên không nên ảnh hưởng đến những quan tâm của người khác trong mối quan hệ với anh ta. Những hành vi gây tổn hại cho người khác phải được xem xét trong một chiều hướng khác. Sự xâm phạm vào quyền lợi của người khác; những mất mát và tổn hại gây cho người khác khi quyền lợi của mình không bị thương tổn; sự lừa dối và sự tráo trở khi đối xử với người khác; những sự lợi dụng thiếu công bằng hay thiếu độ lượng, ngay cả vì ích kỷ mà né tránh không bảo vệ người khác để họ khỏi bị tổn thương: đó là tất cả những hành vi đáng bị chê bai về phương diện đạo đức, và trong những trường hợp trầm trọng, đáng bị trừng phạt. Nhưng không những các hành vi ấy, và ngay cả những ý thức dẫn dắt đến những hành vi ấy cũng là vô đạo đức, đáng bị chê bai, ngay cả làm cho ta ghê tởm. Những khuynh hướng dã man, sự hiểm độc, sự ganh tị (một thói xấu phi xã hội và ghê tởm nhất), sự đạo đức giả, sự thiếu thành thật, sự nổi giận không có lý do chánh đáng, sự oán giận không cân xứng với nguyên nhân, sự thích thú đàn áp người khác, sự ham muốn chiếm đoạt phần hơn về mình (Pleonexia[1] của người Hy Lạp), sự kiêu ngạo trước việc mất thể diện của người khác, lòng ích kỷ chỉ nghĩ đến cá nhân và quyền lợi của mình trước hết và sự quyết định không phân minh để có lợi cho mình: đó là những thói hư tật xấu về mặt đạo đức của một tính tình có nền đạo đức xấu xa, ghê tởm, khác với những khiếm khuyết cá nhân nói trên kia; những khiếm khuyết cá nhân này thật sự không phải vô đạo đức hay độc ác dù ở một mức độ cao, chúng có thể là dấu hiệu của một sự ngu đần, một sự thiếu sót về phẩm chất cá nhân hay của sự tự trọng, nhưng chúng chỉ bị đạo đức kết tội khi chúng làm cho ta quên lãng bổn phận của mình đối với người khác, một việc mà mỗi cá nhân phải tự lo lấy. Cái được gọi là bổn phận đối với chính mình không phải là một bổn phận xã hội, trừ khi hoàn cảnh làm cho chúng cùng một lúc trở thành bổn phận đối với người khác. Bổn phận đối với chính mình khi nó đi quá sự thận trọng, có nghĩa là sự tự trọng hay sự phát triển cá nhân; và ta không có trách nhiệm về hai đức tính ấy đối với đồng loại, vì lẽ ta không thể bị đổ trách nhiệm về cái tốt mà ta làm cho nhân loại.
Sự phân biệt giữa việc mất thể diện của một người vì thiếu thận trọng hay thiếu tự trọng và sự chê trách mà người đó phải nhận lãnh vì đã xâm phạm đến quyền lợi của người khác, không phải chỉ là một sự phân biệt trên danh từ. Có một sự khác biệt lớn lao cả về mặt tình cảm lẫn về cách cư xử của chúng ta đối với một người, tùy theo khi người ấy làm phật lòng chúng ta trong những việc mà ta cho rằng, ta có quyền kiểm soát, hay trong những việc mà ta biết ta không có quyền đó. Nếu ta không bằng lòng về một người nào đó, ta có thể bày tỏ sự bất mãn của chúng ta, hay chúng ta có thể tránh xa một người hay một sự việc mà ta không thích; nhưng các việc ấy không cho phép ta gây khó khăn cho đời sống của họ. Ta phải nghĩ rằng, họ đã hay sẽ nhận lãnh một sự trừng phạt về những sai lầm của họ. Nếu họ làm hư hỏng đời sống của họ, đó không phải là một lý do để ta làm cho nó trở nên tệ hại hơn nữa; thay vì trừng phạt, tốt hơn là ta nên tìm cách làm cho sự trừng phạt ấy trở thành nhẹ hơn bằng cách chỉ cho họ làm sao tránh hay sửa đổi các lỗi lầm ấy. Một người như vậy có thể làm cho chúng ta thương hại hay chê trách, nhưng không thể làm cho chúng ta tức giận hay oán hận; chúng ta không nên xem họ như kẻ thù của xã hội; điều tệ nhất mà chúng ta có thể cho phép mình làm là để mặc họ, nếu không muốn tỏ lòng tốt đối với họ bằng sự lưu ý của chúng ta. Nhưng, ta sẽ có thái độ khác hơn nếu người đó vi phạm những luật lệ nhằm bảo vệ đồng loại trên mặt cá nhân hoặc tập thể. Những hậu quả tai hại do những hành động của người đó không ảnh hưởng đến anh ta, nhưng ảnh hưởng đến người khác; và xã hội, với tư cách là người bảo vệ cho tất cả các thành viên của mình, phải đáp ứng lại; và mục đích cố ý trừng phạt anh ta, phải làm cho anh ta đau đớn, và phải chắc chắn rằng, các biện pháp trừng phạt đủ nghiêm khắc. Trong một trường hợp, kẻ phạm lỗi được đưa ra trước chúng ta, và chúng ta không những phải phán đoán mà còn phải trừng phạt bằng cách này hay cách khác. Trong trường hợp khác, việc gây đau khổ cho người phạm lỗi không phải là việc của chúng ta, trừ khi các đau khổ ấy ngẫu nhiên đến từ việc chúng ta sử dụng tự do để hoàn thành công việc của chúng ta; một sự tự do mà ta cũng phải dành cho người ấy khi anh ta làm công việc của mình.
Rất nhiều người từ chối không chấp nhận sự phân biệt giữa đời sống riêng tư của một con người và đời sống có liên hệ với những người khác. Người ta có thể hỏi rằng, tại sao mà người khác lại không chú ý đến cách cư xử của một phần tử trong xã hội? Không có ai là một con người hoàn toàn bị cô lập: không thể nào một người lại tự gây hại cho mình một cách nghiêm trọng và lâu dài mà không ảnh hưởng đến những người thân cận, và đôi khi liên hệ đến những người xa hơn nữa. Nếu người đó làm thiệt hại đến tài sản của mình, những người sống nhờ vào đó sẽ trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng; và thường thì tài nguyên của cộng đồng cũng sẽ bị giảm sút nhiều hay ít. Nếu người đó làm suy yếu các khả năng về thể lực và tinh thần của mình, không những anh ta gây hại cho hạnh phúc của những người thân mà còn làm cho anh ta mất khả năng phục vụ đồng loại: anh ta có thể trở nên một gánh nặng cho tình yêu thương và lòng nhân từ của họ; và nếu một lối cư xử như thế xảy ra thường xuyên, đó là một lỗi lầm lớn hơn cho lợi ích chung. Sau hết, nếu những tật xấu và những việc điên rồ của anh ta không làm hại người khác, thì anh ta cũng là một tấm gương xấu; và ta phải bắt buộc anh ta tự kiềm chế, để tránh cho những người khác khỏi trở nên đồi trụy hay lạc lối khi thấy lối xử sự của anh ta.
Và người ta thêm rằng, ngay cả những hậu quả của hành vi xấu chỉ liên hệ đến một kẻ đồi bại vì thiếu suy nghĩ, thì xã hội có nên bỏ bê những người không thích nghi với xã hội không? Nếu ta công nhận rằng, trẻ em và những người vị thành niên phải được bảo vệ chống lại những hành vi của chính mình, thì không phải là xã hội cũng phải bảo vệ những người không có khả năng tự chăm sóc cho mình sao? Nếu cờ bạc, rượu chè, hoang dâm, sự biếng nhác, hay sự ăn ở dơ bẩn là những chướng ngại cho hạnh phúc và sự tiến bộ cũng như một số hay đa số những hành vi bị luật pháp cấm đoán, thì tại sao luật pháp, trong phạm vi những giới hạn được xã hội chấp nhận, lại không đàn áp những tệ hại đó? Và để phụ giúp cho những thiếu sót của luật pháp, dư luận cũng nên khống chế mạnh mẽ các tệ nạn này, và bắt những kẻ vi phạm chịu sự trừng phạt nặng nề nhất. Ta có thể nói rằng, đây không phải là vấn đề hạn chế tính cách cá nhân hay là sự ngăn cấm những thí nghiệm mới mẻ và độc đáo về lối sống. Tất cả những gì ta muốn tránh là những loại thí nghiệm đã được toan tính thực hiện và đã bị kết án từ thuở xa xưa đến nay – những việc mà kinh nghiệm cho thấy rằng, không có lợi ích và không thích đáng cho tính cách cá nhân của bất cứ ai. Ta cần phải có một thời gian thật dài để cho một sự thật về đạo đức hay sự thận trọng đưa ra được củng cố; và người ta chỉ mong làm sao tránh cho những thế hệ sau không lao đầu xuống vực thẳm, một biến cố tai hại đã xảy ra cho bao người đi trước.
Tôi hoàn toàn công nhận rằng, lỗi lầm mà một người tự tạo ra cho mình có thể ảnh hưởng lớn lao đến tình cảm và phúc lợi của những người thân cận, và với một góc độ nhẹ hơn, đến toàn xã hội. Khi vi phạm lỗi lầm đó, khi một người không làm tròn bổn phận rõ rệt được giao phó đối với một hay nhiều người khác, thì trường hợp này không còn là trường hợp cá nhân và phải hứng chịu sự chê bai về mặt đạo đức theo đúng nghĩa của nó. Ví dụ, nếu một người vì tiêu pha quá độ mà không thể trả nợ hay không thể làm tròn bổn phận nuôi nấng gia đình, thì người đó đáng bị chê trách và trừng phạt, không phải vì phung phí quá độ nhưng giản dị chỉ vì thiếu sót bổn phận đối với gia đình hay các chủ nợ. Ngay cả nếu số tiền đó được lấy để đầu tư một cách thận trọng thì về mặt đạo đức, lỗi đó cũng giống như việc George Barnwell đã ám sát ông chú để lấy tiền cung phụng cho tình nhân; nhưng nếu ông ta lấy số tiền ấy để làm ăn, buôn bán, thì người ta cũng treo cổ ông ta. Vả lại, trong trường hợp thường xảy ra, khi một người làm khổ gia đình vì những thói hư tật xấu, người ta có thể khiển trách người đó vì đã độc ác, vô ơn, nhưng người ta cũng khiển trách người đó như vậy nếu anh ta có những thói quen tệ hại gây khổ sở cho những người chung sống hay cho những người, vì liên hệ cá nhân, phải dựa vào anh ta để có một đời sống sung túc, thoải mái. Người nào có thiếu sót, không lưu tâm đến lợi ích, tình cảm của người khác – làm như vậy mà không bị ép buộc bởi một bổn phận khẩn thiết hơn, hay không có một sở thích được chấp nhận để biện minh cho việc mình làm – thì người đó bị chê trách về mặt đạo đức vì sự thiếu sót ấy; nhưng ta chê trách không phải vì nguyên nhân của thiếu sót, cũng như không phải vì những sai lầm riêng tư có thể dẫn đến việc thiếu sót ấy. Cũng như vậy, khi một người, vì lề lối cư xử hoàn toàn ích kỷ, không thể chu toàn bổn phận được quy định rõ ràng, người đó phạm lỗi đối với xã hội. Không nên trừng phạt ai chỉ vì say rượu, nhưng một quân nhân, một cảnh sát viên phải bị trừng phạt vì say sưa trong khi thi hành nhiệm vụ. Tóm lại, khi có một sự tổn hại rõ ràng, hay một sự rủi ro nguy hiểm hiển nhiên cho một cá nhân hay cho quần chúng, trường hợp này không còn nằm trong lãnh vực của tự do nữa mà phải được đặt trong phạm vi của đạo đức và luật pháp.
Nhưng, về vấn đề tổn hại cho xã hội gây ra một cách ngẫu nhiên, hay với ý xây dựng do một hành vi không vi phạm bổn phận nào đối với công chúng, hay không gây ra thương tổn gì cho người khác, thì xã hội có thể chịu đựng được sự phiền phức này vì lợi ích lớn lao của tự do nhân loại. Nếu ta phải trừng phạt những người trưởng thành về lỗi họ không tự săn sóc mình, thì tôi muốn rằng, ta làm như vậy vì lợi ích của họ, chứ không phải giả vờ ngăn cản để họ suy kém khả năng giúp ích xã hội, một việc giả vờ mà xã hội không có quyền làm. Nhưng tôi không tán thành một cuộc tranh luận về việc xem xã hội có phương cách nào khác để giúp đỡ những thành viên yếu kém nhất đạt đến trình độ bình thường trong lề lối cư xử hơn là chờ đợi họ làm một việc phi lý rồi trừng phạt họ về mặt pháp lý hay đạo đức. Xã hội đã có toàn quyền trên những người đó khi họ còn trẻ: xã hội đã có tất cả thời kỳ thơ ấu và niên thiếu của họ để giúp họ có khả năng cư xử một cách có lý trí trong đời sống. Thế hệ hiện tại là chủ cả về giáo dục lẫn về tất cả mọi tình huống của thế hệ sắp tới; thật ra, thế hệ hiện tại không thể làm cho thế hệ tương lai hoàn toàn khôn ngoan và tốt đẹp, bởi vì chính họ thiếu một cách thảm thương về lòng tốt và trí khôn ngoan; và trong những trường hợp cá nhân, những cố gắng tốt nhất không phải là những cố gắng thành công nhất; nhưng, thế hệ hiện tại có khả năng lớn để giúp cho toàn bộ thế hệ đang lên cũng được tốt, nếu không nói là tốt hơn. Nếu xã hội để cho một số lớn thành viên của mình, khi khôn lớn mà vẫn là những đứa trẻ, không có khả năng suy xét theo lý trí về những việc có thể xảy ra trong tương lai, thì xã hội chỉ nên tự trách về những hậu quả sau này. Có trong tay không những tất cả sức mạnh của giáo dục mà cả uy thế của quan điểm được chấp nhận áp đặt trên những trí óc có khả năng tự phán đoán kém nhất, và được giúp đỡ bởi những hình phạt tự nhiên luôn nhắm vào những kẻ bị chán ghét hay bị khinh bỉ bởi những người chung quanh, xã hội đừng vịn cớ cần thêm quyền đưa ra mệnh lệnh và bắt buộc cá nhân phải phục tùng trong lãnh vực các công việc riêng tư, một lãnh vực mà trong đó, theo những nguyên tắc về tư pháp và chính trị, quyền quyết định lẽ ra phải nằm trong tay những người chịu hậu quả của các quyết định ấy. Thêm vào đó, không gì có thể làm giảm uy tín và vô hiệu hoá những phương cách hữu hiệu nhằm gây ảnh hưởng trên lề lối cư xử của con người hơn là việc sử dụng những phương cách tệ hại nhất. Trong số những người mà ta ép buộc phải cư xử một cách thận trọng và tự chế, nếu một số có cá tính mạnh mẽ và độc lập, thì họ chắc chắn sẽ chống đối với cách ép buộc ấy. Không một ai chấp nhận để cho người khác có quyền kiểm soát công việc riêng tư của mình, cũng như những người khác có quyền ngăn cản anh ta làm hại đến công việc của họ; và người ta sẽ dễ dàng xem sự chống đối ấy là sự bộc hiện của một cá tính mạnh mẽ và lòng can đảm khi đương đầu với những người soán vị để cầm quyền, và khi cố ý ra mặt làm ngược lại những việc bị ép buộc phải làm. Người ta đã thấy phản ứng này xày ra dưới thời vua Charles Đệ nhị, khi nền đạo đức gò bó, không khoan dung của Giáo phái Puritan đã gây ra hậu quả là một lối ăn mặc hở hang, thiếu tề chỉnh. Về việc cần thiết phải che chở xã hội đối với gương xấu tạo nên bởi những người đồi bại, thiếu tự chế, sự thật là gương xấu ấy có thể có một hậu quả độc hại, nhất là khi người gây ra nó không bị trừng phạt. Nhưng việc ta nói đến bây giờ là cách cư xử, tuy không làm hại đến kẻ khác, mà lại làm hại cho kẻ gây ra nó; và tôi không biết tại sao những nguời tin tưởng vào việc nói trên lại có thể nghĩ khác hơn rằng, nói chung, thì gương ấy phải bổ ích hơn là có hại; và, trong trường hợp này, tại sao ta không cho rằng, gương này có lợi hơn là có hại, bởi vì khi ta đưa ra trước mặt mọi người cách cư xử sai lầm, ta cũng cho thấy những hậu quả đau khổ và mất thể diện đến từ một lối cư xử vừa bị chỉ trích.
Nhưng, lý lẽ mạnh nhất trong tất cả những lý lẽ được đưa ra để chống với sự can thiệp của quần chúng vào lề lối cư xử hoàn toàn cá nhân, là sự can thiệp ấy luôn luôn không đúng lúc và không đúng chỗ. Về những vấn đề liên hệ đến đạo đức xã hội, về bổn phận đối với người khác, quan điểm của quần chúng – nghĩa là quan điểm của đa số đàn áp – tuy có lúc sai, nhưng nhiều lúc đúng; bởi vì về những vấn đề như vậy, người ta chỉ được yêu cầu phán xét dựa theo quyền lợi của ta, thể theo một số lề lối cư xử có ảnh hưởng đến ta, nếu những lề lối ấy được chấp nhận. Nhưng quan điểm của đa số được áp đặt như luật lệ trên một thiểu số về những vấn đề cư xử riêng tư cũng có thể sai hay có thể đúng, bởi vì trong những vấn đề như vậy, quan điểm quần chúng, trong những điều kiện tốt nhất, có nghĩa là quan điểm của một số người về những gì tốt hay xấu cho những người khác, và trong nhiều lúc, nó cũng chẳng có nghĩa gì cả; quần chúng, với một thái độ hờ hững, nhiều lúc chỉ lưu ý đến sở thích của mình mà bỏ qua niềm vui thích và lợi ích của những người mà họ muốn kiểm soát lề lối cư xử. Nhiều người xem những lề lối mà họ không thích như là những xúc phạm đối với họ và cho rằng, chúng làm tổn hại đến cảm xúc của họ: đó cũng như khi một người có đức tin mù quáng bị tố cáo xem thường các cảm xúc tôn giáo của người khác, phản bác rằng, chính người kia đã xem thường các cảm xúc của anh ta, vì người kia khăng khăng bám giữ tôn giáo và niềm tin của mình. Nhưng có sự tương đương nào giữa cảm xúc của một người đối với quan điểm của mình so với cảm xúc của người khác khi anh ta cho rằng bị xúc phạm vì người kia giữ quan điểm của họ; đó cũng giống như ý muốn của một kẻ cắp định trộm cái ví và ý muốn của người chủ đang giữ nó. Và sở thích của một người là vấn đề riêng tư của người đó, cũng như quan điểm và cái ví của anh ta. Ai cũng có thể dễ dàng tưởng tượng được một quần chúng lý tưởng không can thiệp vào sự tự do lựa chọn của cá nhân về tất cả mọi vấn đề mơ hồ, và chỉ yêu cầu họ đừng có những lối xử sự mà kinh nghiệm của mọi người đã lên án. Nhưng có bao giờ ta được thấy công chúng đặt ra giới hạn cho sự kiểm soát của mình? Hoặc công chúng chỉ lưu tâm đến kinh nghiệm của toàn thể? Khi công chúng can thiệp vào những lối cư xử cá nhân, người ta ít khi nghĩ đến những gì khác hơn là việc phải hành động và cảm nghĩ khác với cách của mình, một việc mà họ cho là vô cùng to lớn; và tiêu chuẩn này, được che đậy dưới một dạng thô sơ, được trình bày với nhân loại như một lời giáo huấn về đạo đức và triết lý bởi chín phần mười những nhà đạo đức và các nhà tư tưởng thích ước đoán. Các vị này dạy chúng ta rằng, mọi việc đúng vì chúng đúng, vì chúng ta cảm thấy chúng đúng. Họ bảo chúng ta nên tìm kiếm trong trí óc và trong tim chúng ta những luật lệ về cách cư xử có tính cách bắt buộc cho chúng ta và cho người khác. Đám quần chúng đáng thương hại có thể làm gì khác hơn ngoài việc áp dụng các huấn thị đó, và nếu có một sự đồng nhất tương đối, thì hãy áp đặt những cảm xúc cá nhân về cái tốt và cái xấu cho toàn thể giới?
Sự tai hại nêu lên ở đây không phải là một trong những tai hại chỉ có trong lý thuyết, và người ta có thể mong đợi tôi đưa ra những trường hợp cá biệt, trong đó, công chúng của thời đại và quốc gia này đã đặt một cách sai lầm những chọn lựa của họ vào đặc tính của các luật lệ về đạo đức. Tôi không viết một luận đề về những sự lầm lạc của cảm xúc đạo đức hiện nay. Đó là một vấn đề quá quan trọng để được thảo luận thêm cho rõ và dưới hình thức minh họa. Tuy nhiên, cần phải có những thí dụ để chứng tỏ rằng, nguyên tắc mà tôi bảo vệ có một tầm quan trọng thực tế và đáng làm cho chúng ta chú ý; và rằng, không phải tôi cố gắng dựng lên một bức rào chống lại những mối tai hại tưởng tượng. Và không khó khăn gì để chứng minh trong nhiều trường hợp, ý muốn nới rộng những giới hạn của cái người ta gọi là cảnh sát đạo đức đến mức nó xâm phạm vào sự tự do hiển nhiên và chính đáng của mỗi cá nhân là một trong những khuynh hướng phổ biến nhất của con người.
Trong thí dụ thứ nhất, ta hãy đề cập đến những ác cảm mà con người ưa thích nẩy sinh ra từ sự kiện những con người có quan điểm tôn giáo khác nhau đã không thực hành các lời giảng dạy, nhất là những lời giảng về những điều phải kiêng kỵ. Lấy một thí dụ tầm thường: không có gì trong niềm tin hay trong cách hành đạo của tín đồ Cơ Đốc giáo làm cho tín đồ Hồi giáo thù ghét hơn là việc ăn thịt heo. Chỉ có một ít hành động mà những tín đồ Cơ Đốc giáo và những người Âu Châu tỏ ra ghê tởm thật sự hơn là những người Hồi giáo ghê tởm lối thỏa mãn cơn đói của họ. Trước hết, đó là một sự xúc phạm đến tôn giáo của họ; nhưng lý do này không thể nào giải thích được mức độ hay loại ác cảm của họ, bởi vì rượu cũng bị Hồi giáo cấm đoán; và nếu tín đồ Hồi giáo thấy uống rượu là một tội lỗi, họ không thấy đó là một cái gì đáng ghê tởm. Ác cảm của họ đối với một “con vật không tinh khiết,” trái lại, có một nét đặc biệt giống như một ác cảm dựa vào bản năng; ý niệm không tinh khiết, một khi thấm vào cảm xúc, luôn tạo ra sự ghê tởm và việc này xảy ra ngay với những người không có thói quen vệ sinh tốt; và cảm xúc mãnh liệt về sự không tinh khiết trong Hồi giáo là một thí dụ đáng chú ý. Bây giờ, ta hãy thí dụ có một quốc gia với đa số dân chúng theo Hồi giáo; đa số này cấm ăn thịt heo trong nước. Sự việc không có gì mới lạ trong các quốc gia Hồi giáo.[2] Phải chăng đó là sự thi hành một cách hợp pháp quyền lực đạo đức của quan điểm quần chúng? Và nếu không phải, thì tại sao? Việc ăn thịt heo là một việc thực sự ghê tởm đối với đám quần chúng ấy; họ thành thật tin rằng, Thần Thánh của họ cấm đoán và thù ghét việc này. Người ta cũng không thể chỉ trích sự cấm đoán ấy như một sự ngược đãi tôn giáo. Ngay từ lúc đầu, sự cấm đoán có thể có tính cách tôn giáo, nhưng đó không phải là một sự đàn áp tôn giáo, vì lẽ không có tôn giáo nào cho việc ăn thịt heo là một bổn phận. Lý do duy nhất có thể chấp nhận được để lên án sự cấm đoán này là, về những vấn đề liên hệ đến sở thích cá nhân và các công việc riêng tư mà quần chúng không nên can thiệp vào.
Ở gần chúng ta hơn, đa số dân Tây Ban Nha xem mọi nghi lễ thờ phụng khác với nghi lễ của Giáo Hội Công giáo La Mã là một sự nghịch đạo quan trọng, một xúc phạm ở mức cao nhất đối với Đấng Tối Cao; và không có một sự thờ phụng công cộng nào khác được phép xảy ra trên đất Tây Ban Nha. Đối với toàn thể dân chúng miền Nam Âu châu, một tu sĩ có vợ không những là vô tôn giáo mà còn là dâm đãng, vô sỉ, thô tục và kinh tởm. Các tín đồ theo đạo Tin Lành nghĩ sao về những cảm xúc rất thành thật này, và về những cố gắng áp buộc những cảm xúc này trên những người không theo Công giáo? Tuy nhiên, nếu có người có lý do chánh đáng để can thiệp vào sự tự do của nhau về những việc không liên hệ đến quyền lợi của kẻ khác, thì ta dựa trên nguyên tắc nào để có thể loại bỏ những trường hợp nêu trên? Hay là ai có thể chê trách những người muốn cấm đoán việc mà họ xem như là một sự xúc phạm dưới mắt Thượng Đế và con người?
Không có cách nào mạnh mẽ hơn để cấm đoán cái mà ta xem như một sự vô đạo đức cá nhân ngoài việc loại bỏ những tập tục ấy theo cái nhìn của những kẻ xem chúng như là chống tôn giáo; và trừ ra trường hợp ta chấp nhận luận lý của những kẻ đàn áp tôn giáo, và nói rằng, ta có thể đàn áp những kẻ khác bởi vì ta đúng, và rằng, họ không thể đàn áp chúng ta vì họ sai; chúng ta phải thận trọng, không nên chấp nhận cái nguyên tắc mà, khi áp dụng cho chúng ta, chúng ta xem đó như là một sự bất công lớn lao.
Người ta có thể phản đối rằng, tuy không hợp lý lắm, những ví dụ nêu trên đây không thể xảy ra trên đất nước chúng ta: quan điểm quần chúng không thể đi đến chỗ cấm đoán ăn thịt, hay can thiệp vào cách thức thờ phụng của dân chúng, hay trong việc chấp nhận cho cưới hỏi hay không, dựa theo tôn giáo hoặc sở thích. Tuy nhiên, thí dụ sau đây liên hệ đến một sự xâm phạm tự do mà chúng ta khó có thể tránh được. Bất cứ nơi nào mà tín đồ Puritan[3] đủ mạnh – như ở Mỹ hay Anh quốc dưới thời Cộng Hoà – họ đã cố gắng và thành công lớn trong việc kiềm chế các thú tiêu khiển công cộng hay riêng tư, đặc biệt là về âm nhạc, khiêu vũ, các trò chơi công cộng, tất cả mọi tụ họp để giải trí và kịch nghệ. Trong xứ nầy, luôn luôn có một số đông người lên án các thú tiêu khiển đó, dựa trên quan điểm của họ về tôn giáo và đạo đức; đa số thuộc giới trung lưu, một tầng lớp chiếm ưu thế trong lãnh vực xã hội và chính trị; và ta không thể gạt bỏ khả năng những người ấy, một ngày nào đó, có thể chiếm đa số ở Quốc Hội. Phần còn lại của cộng đồng sẽ phản ứng như thế nào khi thấy các thú tiêu khiển của mình bị ép vào khuôn phép bởi các cảm xúc tôn giáo và đạo đức của những tín đồ khắt khe theo Calvin và theo giáo phái Methodist?[4] Họ có cương quyết muốn rằng, những người ngoan đạo ưa thích xâm phạm vào việc của người khác đừng can thiệp vào việc riêng tư của họ hay không? Đấy chính là cái mà người ta phải nói cho mọi chính phủ, mọi đám quần chúng khi họ có kỳ vọng ngăn cấm những thú vui mà họ lên án. Và nếu nguyên tắc của kỳ vọng ấy được chấp nhận, ta không thể phản đối một cách hợp lý khi đa số hay chính quyền có ưu thế trong nước áp dụng việc nêu trên; và tất cả mọi người đều phải sẵn sàng để thích ứng với khái niệm một Cộng Hoà Cơ Đốc giáo, theo đúng sự hiểu biết của những người đầu tiên đến lập nghiệp trên đất Mỹ; những người này sợ rằng, một ngày nào đó, một giáo phái giống như giáo phái của họ sẽ chiếm lại ảnh hưởng đã bị mất, y như sự trở lại của những tôn giáo mà người ta tưởng rằng đã tàn tạ.
Bây giờ, chúng ta hãy giả sử một trường hợp khác, một trường hợp có thể xảy ra nhiều hơn là thí dụ nêu trước. Người ta thú nhận rằng, trong thế giới tân tiến ngày nay, có khuynh hướng dẫn đến một xã hội theo thể chế dân chủ với sự có mặt hay không của những cơ quan chính trị của quần chúng. Người ta khẳng định rằng, tại Hợp Chúng Quốc, nơi mà khuynh hướng này được thực hiện một cách toàn diện với một xã hội và một chính phủ rất dân chủ, đa số dân chúng không chấp nhận một lối sống quá xa hoa; lối suy nghĩ này có hậu quả như là một đạo luật hạn chế mọi chi phí một cách khá hiệu lực; và ở nhiều nơi trong Liên bang, một người có một tài sản lớn lao khó tìm được cách tiêu xài nó mà không bị dân chúng phản đối. Tuy rằng việc này có thể đã được phóng đại một cách quá đáng, không những nó có thể thực hiện được và có thể xảy ra, mà lại có thể là kết quả của sự kết hợp giữa cảm xúc của quần chúng với quan niệm cho rằng, quần chúng có quyền phủ quyết theo cách những cá nhân tiêu xài tài sản của mình. Bây giờ ta chỉ còn giả sử rằng, có một sự truyền bá rộng lớn những quan điểm về chủ nghĩa xã hội; theo những quan điểm này, dưới mắt của đa số dân chúng, thật là xấu xa nếu ta có một tài sản chỉ lớn hơn một số tiền nhỏ, hay có nguồn lợi tức không đến từ những việc làm chân tay. Nhiều quan điểm dựa theo nguyên tắc tương tự, đã chiếm ưu thế trong tầng lớp thợ thuyền và đã đè nặng một cách ngột ngạt trên những người phải tùy thuộc trước hết vào những quan điểm của giai cấp thợ thuyền, nghĩa là những thành viên của giai cấp đó. Người ta được biết rằng, những người thợ dở, những người chiếm đa số trong nhiều ngành kỹ nghệ, tin tưởng một cách chắc chắn họ cũng phải được hưởng lương bổng ngang hàng với những người thợ giỏi, và không ai – dù ăn lương tính theo khối lượng sản xuất hay tính theo cách nào khác chăng nữa – có thể lãnh lương cao hơn vì có tài khéo hay siêng năng hơn. Và họ sử dụng một loại cảnh sát tinh thần – có khi dựa trên sức mạnh – để đe dọa các thợ giỏi không được lãnh lương cao hơn và các chủ nhân không được phát lương cao hơn. Nếu quần chúng có quyền hạn trên các công việc riêng tư, tôi không thấy tại sao những người thợ đó lại có lỗi, hay tại sao bất cứ cá nhân nào trong một nhóm đặc biệt lại có thể bị khiển trách vì đã muốn có một quyền hạn như vậy trên cách hành động của cá nhân đó, một quyền hạn mà quần chúng muốn áp đặt trên tất cả mọi người.
Nhưng ta hãy ngưng đưa ra những giả thuyết; hiện nay, có những sự xâm phạm thô bạo vào tự do cá nhân; và có những sự xâm phạm lớn lao hơn nữa với sự giúp đỡ của những quan điểm đòi hỏi một quyền vô giới hạn của quần chúng. Không những họ muốn sử dụng luật pháp để cấm đoán tất cả những gì họ cho là xấu, mà để đạt được mục đích ấy, họ còn muốn cấm đoán bất cứ những việc gì họ cho là có hại.
Với lý do để ngăn ngừa sự rượu chè quá độ, dân chúng sống tại một thuộc địa của Anh và một nửa dân số của Hợp Chúng Quốc bị luật pháp ngăn cấm không được dùng các thức uống có rượu, ngoại trừ vì lý do sức khoẻ; bởi vì tóm lại, cấm bán rượu là cấm uống rượu, và tuy rằng, trên mặt thực tế, việc áp dụng sự cấm đoán này không thể thực hiện được, nên nhiều Tiểu bang đã hủy bỏ luật ấy; nhưng nhiều người tự cho mình có lòng nhân đạo, đã hoạt động để có một luật tương tự trên đất nước Anh. Họ lập ra một hội lấy tên là Liên Minh; hội này đã được biết nhiều qua việc trao đổi thư từ giữa viên Thư ký của hội và một số ít người Anh nổi tiếng; những người này cho rằng, quan điểm của một chính trị gia phải được căn cứ trên những nguyên tắc. Mục đích của Lord Stanley là làm tăng niềm hy vọng mà người ta đặt nơi ông; dân chúng nhận thấy nơi ông ta nhiều đức tính hiếm có ở một người hoạt động trên chính trường. Phát ngôn viên của hội Liên Minh trước đó đã “phàn nàn rất nhiều về việc nhìn nhận mọi nguyên tắc có thể bị bóp méo để biện minh cho óc bè phái và sự đàn áp;” nay thì hội cho ta thấy có “một hàng rào rộng lớn không thể nào vượt qua được đã ngăn cách những nguyên tắc như vậy với nguyên tắc của hội.” Ông ta tuyên bố: “Tất cả những vấn đề liên hệ đến tư tưởng, quan điểm, lương tâm, nằm ngoài lãnh vực của pháp luật; đối với tôi, tất cả những gì liên hệ đến những hoạt động xã hội, thói quen, sự giao thiệp đều tùy thuộc vào sự tùy tiện của Chính phủ, và như vậy, không tùy thuộc vào cá nhân nên chúng nằm trong lãnh vực của pháp luật.” Ta không thấy đề cập đến một loại hành động thứ ba, khác biệt với hai loại trên, nghĩa là về các hành động và thói quen không có tính cách xã hội, nhưng có tính cách cá nhân; chắc chắn là việc uống rượu nằm trong loại thứ ba này. Việc bán rượu là một hành động thương mại, và hành động thương mại là một hành động xã hội. Nhưng việc xâm phạm tự do bị tố cáo không phải là vì chạm đến tự do của người bán rượu, mà chạm đến tự do của người mua rượu và của người tiêu thụ; bởi vì chính phủ có thể cấm một người uống rượu vang, cũng như có thể làm cho anh ta không mua rượu được. Tuy nhiên, viên Thư ký của hội nói rằng: “với tư cách là một công dân, tôi đòi hỏi quyền làm luật bất cứ ở nơi nào các quyền xã hội của tôi bị xâm phạm bởi những hành động xã hội của người khác.” Và đây là định nghĩa của những quyền xã hội theo viên Thư ký: “Nếu có cái gì xâm phạm đến quyền xã hội của tôi, thì chắc chắn đó là việc buôn bán rượu. Việc ấy phá hủy quyền căn bản về sự an ninh của tôi bằng cách không ngớt tạo nên và khuyến khích những xáo trộn xã hội. Nó xâm phạm quyền bình đẳng của tôi vì nó kiếm được lợi lộc qua việc tạo nên một sự cơ cực mà tôi phải cấp dưỡng bằng thuế của tôi. Nó cản trở sự phát triển tự do đạo đức và trí tuệ của tôi bằng cách gieo rắc những mối nguy hiểm trên đường của tôi và bằng cách làm suy yếu và suy đồi nền đạo đức của xã hội, một chỗ mà tôi có quyền mong mỏi sự trao đổi và giúp đỡ.” Cái lý thuyết về “quyền xã hội” này chưa bao giờ được trình bày một cách rõ ràng như vậy và có thể được tóm tắt như sau: mọi cá nhân có một quyền xã hội tuyệt đối và bắt buộc mọi cá nhân khác phải hành xử trong tất cả mọi việc đúng theo những gì họ phải làm; mọi sự vi phạm, dù nhỏ nhất, là một sự xâm phạm đến quyền xã hội của tôi, và tôi có quyền đòi hỏi pháp luật phải giải quyết việc này. Một nguyên tắc quái gở như vậy thật vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm hơn tất cả mọi sự xâm phạm riêng rẽ đến tự do: không có sự xâm phạm đến tự do nào mà nó không thể giải thích được; nó không nhìn nhận quyền có bất cứ sự tự do nào, có thể trừ ra quyền có những bí mật và không bao giờ hé lộ các quan điểm của mình; bởi vì, ngay khi một quan điểm mà tôi cho rằng có hại, thoát ra khỏi môi một kẻ nào đó, nó xâm phạm đến tất cả mọi “quyền xã hội” mà hội Liên Minh đã trao cho tôi. Thuyết này quy cho toàn thể nhân loại một mối quan tâm về sự hoàn thiện đạo đức và trí tuệ, và ngay cả về thể chất, một sự hoàn thiện mà mỗi người có thể định nghĩa theo tiêu chuẩn của mình.
Sau đây là một thí dụ quan trọng khác về sự xâm phạm bất hợp pháp sự tự do hợp pháp của một cá nhân; nó không chỉ là một mối đe dọa suông mà từ lâu đã có những hậu quả lớn: đó là luật lệ về ngày Sabbath (Chúa nhật). Chắc chắn rằng, tục lệ kiêng cử làm công việc bình thường một ngày trong tuần, trong phạm vi những đòi hỏi của đời sống cho phép, là một việc rất ích lợi mặc dù việc này không bị bó buộc về mặt tôn giáo, ngoại trừ đối với người Do Thái. Và tục lệ này không thể áp dụng nếu không có sự đồng tình của các giới công nhân, chỉ cần vài người làm việc là có khả năng bắt buộc những người khác phải tuân theo; ta có thể chấp nhận việc luật pháp bảo đảm cho mọi người được hưởng tục lệ ấy bằng cách cho kỹ nghệ ngưng hoạt động vào một ngày nào đó. Nhưng sự biện bạch này, căn cứ trên lợi ích trực tiếp mà những người khác nhận được từ việc mỗi cá nhân thi hành luật lệ này, không áp dụng cho những công việc riêng tư khi một người có tự do sử dụng thì giờ rảnh rỗi của mình; ngoài ra, sự biện bạch này cũng không áp dụng cho việc hạn chế hợp pháp đối với các thú tiêu khiển. Thực sự mà nói, sự tiêu khiển của ngưòi này là công việc của người khác; nhưng niềm thích thú – khoan nói đến việc giải trí có lợi ích của đa số – cũng đáng với sự lao động của một số ít, với điều kiện là người công nhân được tự do nhận và từ bỏ việc làm. Công nhân hoàn toàn có lý khi cho rằng, nếu tất cả mọi người làm việc ngày Chúa nhật, thì người ta sẽ có thể làm việc bảy ngày mà chỉ lãnh lương sáu ngày; nhưng chừng nào mà phần lớn công việc bị ngưng trệ, thiểu số người làm việc để cho những người khác giải trí phải được thêm lương tính theo tỷ lệ; và họ không phải bắt buộc làm việc như vậy, nếu họ chọn giải trí thay vì lương bổng. Nếu ta tìm một giải pháp khác cho việc này, ta có thể đặt ra một ngày nghỉ trong tuần cho hạng người đặc biệt này. Vậy nếu, lý do duy nhất còn lại để hạn chế các thú tiêu khiển trong ngày Chúa nhật là vì lý do tôn giáo, một điều luật mà ta khó có thể kháng lại một cách sốt sắng, vì Thánh thần tự lo được khi bị xúc phạm (Deorum Injurae Diis Curae). Việc còn lại là phải chứng minh rằng, xã hội hay bất cứ viên chức nào của xã hội đã được Bề Trên giao cho bổn phận phải báo thù, chống lại mọi sự xúc phạm đến Đấng Toàn Năng. Khái niệm cho rằng, con người phải có bổn phận lo cho người khác được sống một cách ngoan đạo là lý do gây nên tất cả mọi sự đàn áp tôn giáo xảy ra từ trước đến nay; và nếu ta chấp nhận khái niệm ấy, ta sẽ cho rằng, mọi sự áp bức như vậy hoàn toàn đúng. Tuy rằng, cảm xúc xuất hiện trong các cố gắng thường xuyên nhằm ngăn cản xe lửa chạy ngày Chúa nhật, nhằm đóng cửa các Bảo tàng viện, v.v…, không độc ác như cảm xúc của những người đàn áp tôn giáo xưa kia, nhưng ý thức cơ bản về tinh thần cũng như vậy. Chính cái quyết tâm không khoan dung người khác khi họ làm những gì mà tôn giáo của họ cho phép làm, bởi vì tôn giáo của những người đàn áp cấm đoán họ làm như vậy. Đó là sự tin tưởng rằng, Thiên Chúa không những ghét bỏ hành động của kẻ theo tà giáo mà lại còn kết tội chúng ta nếu chúng ta để cho những kẻ ấy tự do hành động.
Tôi không thể cưỡng lại được việc đưa cái ngôn ngữ đầy tính cách đàn áp trên báo chí của xứ này vào số những bằng chứng về việc người ta xem thường tự do của con người – một ngôn ngữ thường được sử dụng mỗi khi đề cập đến cái hiện tượng phi thường rất đáng chú ý của giáo hội Mormon. Người ta có thể nói dông dài về một sự kiện xảy ra rất bất ngờ, đầy lý thú, xảy ra ngoài dự đoán của mọi người: việc tự xưng đó là một sự khải huyền mới và một tôn giáo được xây dựng trên sự khải huyền đó; một sản phẩm của sự lường gạt hiển nhiên mà uy tín của những phẩm cách phi thường nơi người sáng lập cũng không thể binh vực nổi; tôn giáo ấy đã có hằng trăm ngàn tín đồ và đã được dùng làm nền tảng cho một xã hội trong thời đại của báo chí, của xe lửa và của điện tín. Việc đáng làm cho chúng ta chú ý ở đây là việc tôn giáo ấy, cũng như những tôn giáo khác tốt đẹp hơn, có những người tử vì đạo; rằng, vị tiên tri sáng lập viên của tôn giáo ấy đã bị đám đông giết chết vì những lời giảng của mình; rằng, nhiều tín đồ của tôn giáo ấy cũng đã bị mất mạng trong những cuộc bạo động trái luật pháp; rằng, toàn thể cộng đồng của tôn giáo ấy đã bị ép buộc xa rời nơi họ sinh trưởng; nay, khi họ bị xua đuổi đến cư ngụ tại một nơi hẻo lánh giữa sa mạc, thì nhiều người trong xứ nầy tuyên bố công khai rằng, một cuộc viễn chinh chống lại họ là một việc đáng làm (tuy rằng việc này không thuận lợi lắm); và rằng, ta phải dùng sức mạnh để bắt buộc họ tuân theo quan điểm của những người khác. Điều khoản trong giáo thuyết Mormon làm nảy sinh ra ác cảm và tạo nên những phản ứng vượt qua lượng bao dung về tôn giáo là sự cho phép đa thê. Sự kiện này, tuy được chấp nhận cho người Hồi giáo, người Ấn giáo, người Trung Hoa, dường như đã kích động một sự thù ghét không dễ gì bị dập tắt khi áp dụng cho những người nói tiếng Anh và tự cho mình là tín đồ Cơ Đốc giáo. Không ai phản đối quyết liệt luật đa thê của người Mormon hơn tôi, vì những lý do khác, và bởi, thay vì được gom trong nguyên tắc của sự tự do, luật này là một sự xâm phạm trực tiếp đến nguyên tắc ấy; luật này trói một nửa cộng đồng bằng dây xích và miễn cho nửa kia khỏi thi hành bổn phận đối với nửa nói trên. Dù sao chăng nữa, ta phải nhớ rằng, về phía phụ nữ mà ta xem như nạn nhân, liên hệ này có sự tự nguyện cũng như trong mọi cuộc hôn nhân khác. Việc này có thể làm cho ta ngạc nhiên; nó có thể giải thích được bởi các ý tưởng và các tục lệ quen thuộc trên thế giới: phụ nữ được dạy rằng, hôn nhân là một việc cần thiết duy nhất cho họ; vậy nên, điều đó giải thích rằng, nhiều phụ nữ thích lấy một người đàn ông có nhiều vợ hơn là không có chồng. Người ta không đòi hỏi các xứ khác nhìn nhận những cuộc hôn nhân như vậy, hay cho phép một số công dân từ bỏ luật lệ để theo luật đa thê. Nhưng, một khi những người bất đồng ý kiến đã nhận thua trước cảm xúc xa lạ của những người khác – một sự nhượng bộ lớn hơn mức độ mà ta có thể đòi hỏi – một khi họ đã từ bỏ xứ sở – nơi mà chủ thuyết của họ không được chấp nhận – và đến định cư ở một góc xa xôi của trái đất, nơi mà họ là những người tiên phong tạo thành một vùng có thể sinh sống được, thật khó mà ta có thể dựa trên một nguyên tắc nào – nếu không phải là những nguyên tắc của sự đàn áp – để ngăn cấm họ sinh sống dưới những luật lệ mà họ thích, miễn là họ không xâm phạm đến những nước khác và chấp nhận cho những người bất đồng ý kiến với lối sống ở đó được tự do ra đi. Một nhà văn có uy tín của thời đại này, gần đây, đã đề nghị (theo chính những từ ông ta dùng) tổ chức không phải một cuộc viễn chinh vì lý do tôn giáo mà là một cuộc viễn chinh vì lý do văn minh chống lại cộng đồng đa thê này, hầu chấm dứt cái mà ông ta cho là một bước lùi trong tiến trình văn minh. Tôi cũng thấy như vậy, nhưng tôi không biết có cộng đồng nào lại có quyền bắt buộc một cộng đồng khác phải trở nên văn minh. Chừng nào mà các nạn nhân của một luật lệ tai hại không xin sự trợ giúp của một cộng đồng khác, tôi không thể chấp nhận việc những người không có quan hệ gì với các nạn nhân lại có quyền can thiệp và đòi hỏi chấm dứt một tình huống dường như đang làm thoả mãn tất cả mọi bên, với lý do đó là một việc tai tiếng gây xúc phạm cho những người sinh sống cách đó hằng ngàn dặm và không có liên hệ gì với tình huống ấy. Hãy để cho họ gởi những nhà truyền giáo, nếu họ muốn, để thuyết giáo chống luật đa thê đó; và bằng những phương cách vô tư (bắt những nhà truyền giáo giữ im lặng không phải là một phương cách), chống đối với sự lan rộng của những thuyết như vậy ngay giữa lòng dân chúng của họ. Nếu văn minh đã chiến thắng tình trạng man rợ khi nó chế ngự thế giới, thì thật là quá đáng nếu ta lo sợ rằng, nó sẽ sống lại và chiếm lại thế giới văn minh sau khi nó đã bị đánh bại. Để một nền văn minh phải thua trước một kẻ thù đã bại trận, trước hết, nền văn minh ấy phải thoái hóa đến mức cả các giáo sĩ lẫn các nhà tư tưởng lớn hay là bất cứ ai khác cũng không có khả năng hoặc không có ý bảo vệ nó. Nếu tình huống như vậy xảy ra, ta cần phải dẹp bỏ một nền văn minh thoái hoá đó càng sớm càng tốt. Nó chỉ có thể đi từ xấu đến tệ hơn, cho đến khi nó bị hủy hoại và tái sinh lại (như Đế Quốc Tây Phương) bởi những kẻ man rợ mạnh mẽ tràn đầy năng lực.
[1] Pleonixia là một thuật ngữ và khái nệm triết học được Plato và Aristotle sử dụng để chỉ lòng tham, lòng ham muốn những gì thuộc về người khác. (ND).
[2]Trường hợp của dân Parsis ở Bombay là một thí dụ kỳ lạ về vấn đề này. Khi những thành viên khéo tay và đầy óc kinh doanh của bộ lạc kể trên, con cháu của những người thờ phụng lửa ở Ba Tư, bỏ nước trốn các Califes, họ đến vùng Tây Ấn Độ. Các vị vua Ấn Độ chấp nhận cho họ trú ngụ với điều kiện không được ăn thịt bò. Sau đó, các vùng này bị người Hồi giáo xâm chiếm, dân Parsis lại được các chủ mới cho tiếp tục được trú ngụ với điều kiện là không ăn thịt heo. Lúc bấy giờ, việc chấp nhận các điều kiện trên chỉ là một sự thần phục trước vương quyền; sau đó, đã trở thành một bản chất thứ hai; và người Parsis hiện nay kiêng cữ cả thịt bò lẫn thịt heo. Tuy rằng, tôn giáo của họ không đòi hỏi việc kiêng cữ này, nhưng với thời gian, việc kiêng cữ đã trở thành một tập quán của bộ lạc; và ở phương Đông, tập quán là một tôn giáo (ghi chú của Mill).
[3]Puritan: Thanh giáo, một giáo phái Tin Lành ở Anh Quốc vào các thế kỷ 16 và 17. Giáo phái này chủ trương giáo hội Anh Quốc phải xét lại các giáo điều và phải từ bỏ tất cả những gì trong sách Cựu Ước. (ND).
[4]Methodist: thành viên của hội Giám lý, một giáo phái Tin Lành do John & CharlescWesley chủ trương kể từ năm 1729 tại Anh. Trong giáo phái này, các nhà truyền giáo là những nguời thế tục. Sau năm 1739, giáo phái lan rộng ở Anh và Mỹ. Vào năm 1791, giáo phái tách rời khỏi giáo phái Anh Quốc. (ND).