fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tại sao cần đọc các tác phẩm cổ điển về kinh tế?

Peter J. Boettke*

“Nhưng giả dụ quý bạn tin rằng hồi xưa chúng ta đã có những kiến thức mà bây giờ ta đã đánh mất bởi vì những sự sai lầm về tri thức hay là vì chúng ta không có đủ trí nhớ thì câu trả lời sẽ ra sao?”

Tôi có một thư viện về kinh tế khá lớn. Cuốn sách đầu tiên mà ai cũng trông thấy khi bước vào văn phòng làm việc tại nhà của chúng tôi là cuốn Fable of the Bees của Mandeville, sau đó là một tập hợp các tác phẩm của Hume, trong đó có những tác phẩm như Tiểu luận, Lịch sử nước Anh. Sau những tác phẩm của Hume là tới những tác phẩm của Adam Smith, v.v., và cứ vậy đi tiếp theo hành lang và chung quanh phòng thì chúng ta sẽ đi một vòng qua sự tiến triển theo thời gian của “những triết lý về nhân thế,” từ những khoa học tinh thần cho tới những khoa vật lý xã hội, và sau đó ta lại trở lại tới những chỗ có rất nhiều tập sách ở trên kệ cuối cùng dành riêng cho bộ sách Các tác phẩm của James Buchanan.

Tại sao lại giữ những tập sách cũ về kinh tế như vậy? Có lẽ quý bạn có thể suy ra rằng đây là một cái thú sưu tầm sách cổ, nhưng tôi không phải là một người sưu tầm sách. Tôi không đi tìm những cuốn sách còn mới tinh được xuất bản lần đầu tiên. Tôi thường mua các sách bìa giấy hoặc là bìa mềm, và khi tôi tìm sách thì đối với tôi cuốn sách tốt là cuốn sách đã được dùng mà tôi có thể mua với giá một hay hai đô-la. Những sách in lại không đắt tiền của Liberty Fund và Augustus M. Kelley là những loại sách mà tôi thích. Mục đích sưu tầm sách của tôi là để dùng làm ra một cái gì, chứ không phải hoàn toàn có tính cách thẩm mỹ. Thêm vào đó, dù tôi nghĩ rằng môn học nghiên cứu về lịch sử tư tưởng tự nó cũng là quan trọng, nhưng tôi không tự cho tôi chủ yếu là một người nghiên cứu về lịch sử tư tưởng. Nếu tôi có thể dùng từ của mình để mô tả các điều mà tôi đang làm thì tôi có thể nói rằng tôi là một lý thuyết gia về kinh tế và kinh tế chính trị, và đã từng nghiên cứu về kinh tế chính trị áp dụng và lịch sử kinh tế của các nền kinh tế chủ nghĩa xã hội trước đây. Nhưng theo các định nghĩa về nghề nghiệp được dùng hiện nay thì tôi không thể nào là một lý thuyết gia được. Trong cái mức độ tôi trở lại quá khứ để tìm hiểu về kinh tế chính trị, thì chắc tôi phải là một nhà nghiên cứu lịch sử về các tư tưởng.

Có lẽ tôi đang tự dối với mình.  Nếu quý bạn đọc sách cũ, nói chuyện về sách cũ, phê bình và viết về các tác giả đã qua đời từ lâu rồi thì đương nhiên là quý bạn đang nghiên cứu về lịch sử tư tưởng dù quý bạn có muốn nói quý bạn là gì đi chăng nữa. Vâng, điều đó cũng đúng mà cũng không phải là đúng. Cái đó còn tùy thuộc vào cái mục đích mà quý bạn có khi tìm hiểu về lịch sử các tư tưởng trong kinh tế và trong kinh tế chính trị. Lẽ dĩ nhiên, câu trả lời thì dứt khoát là quý bạn đang nghiên cứu về lịch sử tư tưởng nếu quý bạn tin rằng tất cả những cái điều gì hay trong thời xưa thì đã được tìm thấy ngay trong hiện tại, nhưng giả dụ quý bạn tin rằng những kiến thức hồi xưa chúng ta đã có mà bây giờ đã mất bởi vì những sự nhầm lẫn về tri thức hay là vì chúng ta không có đủ trí nhớ thì câu trả lời sẽ ra sao?

Trong lịch sử về tư tưởng kinh tế có nhiều loại tài liệu. Các loại tài liệu này có thể được chia theo những loại như thế này:

Tôn cổ

Ứng dụng

Whig (phe thắng thế)

Doctrinal history
(lịch sử các chủ thuyết)

Rational Reconstruction
(Thuyết Tái lập theo Lý tính)

Contra-Whig

(phe yếu thế)

Dogmengeschichtliche [i]
(lịch sử các giáo điều)

Lost problems
Các vấn đề đã mai một
hagiography
nghiên cứu về thánh

[i] Tiếng Đức có nghĩa là “lịch sử các chủ thuyết.”

Contemporary
theory construction
(Kiến tạo Lý thuyết Đương đại)

Có loại gọi là tôn cổ hay là có tính cách ứng dụng, có loại do những người đã thắng thế trong các cuộc tranh luận chính viết [gọi là phe Whig[1]], và có loại là do người viết đã bị yếu thế trong những cuộc tranh luận đó [gọi là phe Contra -Whig].

Về “bảng phân loại các loại tài liệu về kinh tế, thì có thể được xếp vào trong bốn vị trí sau đây. Tôi định nghĩa các từ này như sau: (1) Whig là lịch sử viết bởi những người được coi là những nhà trí thức đã thắng trong các cuộc tranh luận then chốt; (2) Contra-Whig là lịch sử đã được viết bởi những người được coi là những nhà trí thức đã bị thua trong các cuộc tranh luận then chốt; (3) Tôn cổ phần lớn là chỉ quan tâm đến những tư tưởng nguyên thủy của các tác giả ; và (4) Thực tế tức là chỉ quan tâm về cái ý định của những người nghiên cứu như thế nào.

Lẽ dĩ nhiên các loại tài liệu đó ít khi thuộc về một trong bốn thể loại thuần túy như tôi vừa nói đến. Chẳng hạn như các loại tài liệu có tính cách thực tế muốn có giá trị đáng tin tưởng về phương diện nghiên cứu, thì các loại sách này cũng phải đạt được những tiêu chuẩn về sự chính xác đối với các loại nghiên cứu, dù  đó là tài liệu thuộc loại thắng thế hay thuộc loại yếu thế. Tuy nhiên đối với mục đích của tôi, điểm quan trọng là tôi coi tất cả tài liệu trong các ô phân loại đó đều đóng góp vào những tác phẩm có giá trị nghiên cứu về lịch sử tư tưởng kinh tế.

Những người chủ trương nghiên cứu lịch sử xã hội trí thức một cách thuần tuý sẽ không vừa lòng với những lập luận của tôi đối với các loại tài liệu có tính cách ứng dụng. Nhưng chính ngành lịch sử trí thức theo môn phái tôn cổ – mà cái mục đích duy nhất là chỉ để xác nhận ý định của các tác giả hay là nêu cao những sự đóng góp đã bị người ta quên của một số nhân vật trí thức thời cổ – cũng sẽ bị người ta cho rằng tuy công việc làm này là một thú tiêu khiển rất hay, nhưng nó không đóng góp gì cho vấn đề giảng dậy kinh tế cho thế hệ trẻ. Cũng giống như nếu một nhà nghiên cứu [kinh tế] có ước vọng học tiếng Latin, hay muốn am hiểu về lịch sử Âu Châu, thì đó cũng là điều hay. Nhưng khi ta xét tới các yêu cầu về kỹ thuật trong vấn đề học hỏi môn kinh tế học hiện đại, thì có lẽ cái thời gian và nỗ lực để học các tư tưởng kinh tế là một cái giá quá đắt [vì đòi hỏi quá nhiều thời giờ. ND]. Đó chính là cái lý do mà các trường dạy kinh tế ở trong các đại học nghiên cứu hàng đầu về kinh tế đã đưa ra để loại bỏ môn lịch sử kinh tế ra khỏi chương trình cơ bản học tiến sĩ về kinh tế trong 25 năm vừa qua.

Lập luận nói rằng là thời giờ bỏ ra để học lịch sử kinh tế là quá phí phạm đã khởi nguồn từ lâu, và có lẽ bắt đầu từ Frank Knight[2] và môn đệ của ông là George Stigler[3]. Knight lập luận rằng tất cả những điều chúng ta có thể biết được khi học về tư tưởng của kinh tế là những sai lầm của những nhà tư tưởng trước kia. Tuy nhiên, theo Knight, biết được những lỗi lầm đó không phải là một sự lãng phí thời gian. Nhưng khi tới Stigler thì cái lập luận này chuyển sang một lối khác. Stigler lập luận rằng tất cả những đóng góp thật sự quan trọng của quá khứ đã được đưa vào trong hiện tại. Những gì chưa được đưa vào trong tư tưởng hiện tại thì không cần biết đến. Lập luận này cũng hợp với cái giả định cơ bản của Stigler về sự hữu hiệu  của sự cạnh tranh thị trường, trong trường hợp này tức là sự hữu hiệu của “thị trường các tư tưởng.” Theo Stigler thì không có lợi ích gì về trí thức khi đọc các tác giả ngày xưa. Tất cả các điểm lợi có được của các tư tưởng đó đều đã được khai thác. Lập luận của Stigler cũng giống như lập luận của trường phái thắng thế, rốt cục coi lịch sử trí thức chỉ là một cái thú tiêu khiển hay đối với một số người, nhưng mà không phải là một công cuộc đáng theo đuổi cho một người có kỳ vọng trở nên một nhà kinh tế.

Dường như đối với Stigler thì là điều tự nhiên khi ông ta nhấn mạnh sự hữu hiệu của thị trường trí thức và do đó đưa ra cái nguyên tắc “thắng thì sống”  theo kiểu của phái thắng thế.  Nhưng đối với Samuelson thì không được rõ rệt lắm. Samuelson là một người đưa ra chủ thuyết về sự thất bại của thị trường, vậy mà không hiểu tại sao ông ta lại quá lạc quan về sự tiến triển hữu hiệu của tư tưởng kinh tế. Cũng giống như Stigler, Samuelson là một người bảo vệ chủ chốt cho phái thắng thế. Những cái gì quan trọng trong các tác giả trong quá khứ đều đã được đưa vào nguồn chính của tư tưởng hiện đại. Không có viên ngọc quí nào bị mất đi cả, và bên lề đường của tư tưởng không có những đồng tiền bị rơi vãi một cách phí phạm. Thực vậy, ta có thể giải thích ý của Samuelson một cách hợp lý là Samuelson đi xa hơn tới mức cho rằng về cơ bản tất cả những điểm gì đáng thảo luận trong kinh tế đều đã được ghi vào trong công trình của ông ta (Samuelson).

Nhưng có một lý do rất tốt để chúng ta cần nghiên cứu các tác phẩm cổ điển trong kinh tế chính trị và dùng nó một cách có ích lợi trong việc đào tạo và huấn luyện để trở thành những nhà kinh tế tích cực hoạt động và nghiên cứu, và trên thực tế, là tích cực tham gia vào việc đưa ra những tư tưởng kinh tế. Kenneth Boulding (1971)[4] đã phản biện lại chủ trương của Samuelson một cách tuyệt vời trong bài tiểu luận với tựa đề “Đã có Samuelson rồi thì đâu có cần Smith nữa.” Boulding đứng về lập trường của phái thất thế, đã lập luận rằng chúng ta cần Smith bởi vì Smith là một phần của “cái hiện tại kéo dài.” Trong những tác phẩm của Smith cũng có những lý luận và những  nhận định sáng suốt mà cho tới nay chưa được đưa vào lý thuyết hiện đại, mà nếu được đưa vào thì sẽ giúp ta hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn. Tất cả các tư tưởng ở trong kinh tế cổ điển đã giữ lại cái tiềm năng tiến triển về trí thức cho tới khi các nhận định sáng suốt trong kinh tế cổ điển được khai thác hết. “Thị trường” các tư tưởng không hoàn toàn hữu hiệu, có thể có lỗi lầm, có những nguồn lực trí thức đã bị phí phạm, và quả thực có những viên ngọc trí thức hãy còn chưa được biết tới và cần được khai thác.

Việc sử dụng lịch sử trí thức để áp dụng vào thực tế là một hậu quả tiếp diễn từ ý tưởng cho rằng tất cả những điều gì quan trọng trong quá khứ chưa hẳn là đã được ghi nhận trong hiện tại, và với tư tưởng rằng tìm hiểu và khai thác quá khứ có thể đưa ra các ý niệm mở đường cho việc xây dựng những lý thuyết hữu hiệu cho ngày hôm nay. Khi trở lại những con đường cũ, chúng ta có thể tìm thấy những ngõ cụt, những chỗ bí ở trong trào lưu tư tưởng hiện tại, khiến chúng ta phải ngược lại cái thời điểm sớm hơn khi chúng ta đã lựa chọn con đường đi, và do đó chúng ta có thể nhận được con đường mà đáng lẽ chúng ta đã phải theo.

Vậy thì tại sao chúng ta cần nghiên cứu các tác phẩm cổ điển về kinh tế? Có các lý do tôn cổ – tức là nghiên cứu những tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị tài năng trong quá khứ có thể cho chúng ta một cái nhìn về tài năng mẫn nhuệ của thế hệ trước.  Nhưng nghiên cứu một tác phẩm cũ về kinh tế thì không khác gì được xem lại một phim câm hay xem lại một bản tin truyền hình về một trận đấu baseball cũ.  Nhìn lại quá khứ là một cái gì hay và lãng mạn, nhưng cũng cần phải nhớ rằng cái thế giới mà chúng ta đôi khi chiêm ngưỡng từ xa là ở thời chưa có những hệ thống ống nước ở trong nhà, chưa có phương tiện vận tải hiện đại, chưa có phim có âm thanh, và trong phim cũng chưa có những xảo thuật hay như ngày nay. Thế giới đó cũng không có những cuộc giao đấu thể thao vào ban đêm, chưa có những cái ném banh xoáy, và chưa đặt ra các người đánh banh dự phòng (mặc dầu rằng nếu được phép thì tôi sẽ bỏ hẳn cái luật đưa ra người đánh banh chỉ định).[5] Hiện tại không phải lúc nào cũng tốt hơn quá khứ, nhưng nếu chúng ta có thể có những chuyến đi ngược thời gian thì tôi sẽ không mua vé trừ phi tôi có thể có được cái vé để trở lại thế giới hiện tại một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vậy thì làm sao mà những cuốn sách ở trong quá khứ lại còn có thể làm nẩy ra những sự  tưởng tượng có ích lợi ? Điều này cũng dễ hiểu. Trong quá khứ có những tác phẩm mà từ đó chúng ta có thể học được những tư tưởng quan trọng mà rất ích lợi để đối mặt với những vấn đề khẩn cấp hiện tại của chúng ta. Các sai lầm về trí thức lúc nào cũng xảy ra và các kiến thức thâu thập trong một thời gian nào đó cũng có thể bị mất đi vì thị hiếu  hay là do mốt thời đại đã chi phối cái thế giới của tư tưởng. Chính vì vậy nên hãy còn có những cơ hội thực sự có lợi về mặt kinh doanh trí thức cho những người nghiên cứu để phát hiện hoặc khai thác những tác phẩm của các nhà tư tưởng như Hume, Smith, Mises, Hayek và Buchanan.

© Học Viện Công Dân 2013

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Features/feature2.html

* Peter J. Boettke là Phó Giám Đốc của Viện Kinh Tế Chính Trị James M. Buchanan và Phó Giáo Sư Khoa Kinh Tế tại Đại Học George Mason.

 


[1] Whig: tạm dịch là phe thắng thế; Contra-Whig: tạm dịch là phe thất thế.

[2] Frank Knight (1885-1972), kinh tế gia và là giáo sư Kinh tế tại Đại học Chicago và là một trong những nhà sáng lập trường phái kinh tế Chicago. Những đệ tử nổi tiếng của ông là Milton Friedman người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976, George Stigler, và James Buchanan (Nobel Kinh tế 1986).

[3] George Stigler, kinh tế gia, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1982.

[4] Boulding, Kenneth (1971), “After Samuelson, Who Needs Adam Smith?,” History of Political Economy, 3 (2): 225-237.

[5] Môn thể thao “bóng chày” (baseball) của Mỹ.