Phần I. Một Câu chuyện Giản Dị Về “Lợi Thế Tương Đối”
Russell Roberts
Tháng 6 năm 2006
Mỗi người trong chúng ta, theo trực giác, đều có chút ít hiểu biết về sức mạnh của sự trao đổi, hay mậu dịch. Nói một cách đơn giản nhất, nếu bạn có một vật mà tôi muốn và tôi có một thứ khác mà bạn cần, và nếu chúng ta trao đổi với nhau thì cả hai đều được thứ mà mình muốn.
Tương tự như vậy, nếu tôi có thể đan áo trong khi bạn không đan được, và bạn có thể trồng được bắp trong khi tôi không thể trồng được thì chuyện trao đổi cái áo tôi đan với bắp bạn trồng là chuyện rất hợp lý. Chúng ta có thể điều đình về gía cả – bao nhiêu trái bắp của bạn mới đổi được cái áo len tuyệt đẹp của tôi – nhưng một khi đã có sự thỏa thuận về gía cả thì bạn sẽ trở nên ấm áp hơn với chiếc áo len mới và tôi cũng sẽ được no bụng hơn với những trái bắp của bạn.
Trao đổi (hay là mậu dịch) có vẻ rất là đơn giản.
Nhưng cách đây gần 200 năm, David Ricardo đã khám phá ra một khái niệm không đơn giản như vậy về trao đổi mà người ta đã đặt tên là “lợi thế tương đối”. Dưới đây là một câu chuyện sẽ giúp chúng ta tìm hiểu những bí ẩn liên quan đến mậu dịch.
Hòn Đảo Châu Báu
Ngày xưa có hai vợ chồng Pete và Pamela Palmer ở thành phố Nữu Uớc đang hưởng trăng mật trên vùng biển nam. Lo lắng vì bầu trời đột nhiên bị mây đen che phủ, vợ chồng Palmers vội vã quay chiếc thuyền nhỏ bé vào bờ, nhưng đã quá trễ. Trận bão nhiệt đới khủng khiếp đã bao phủ hai người. Cơn bão thổi chiếc thuyền của họ ra ngoài biển cách xa khu bến du thuyền mà họ ở nhiều dặm. Chiếc thuyền buồm bị lật úp. Trong lúc vật lộn với cơn mưa bão và các đợt sóng dồn dập, hai người đã may mắn thấy được một dải đất liền, và đã cố sức bơi được đến đó.
Vợ chồng Palmers bắt đầu thám thính hòn đảo nhỏ. Phần lớn chung quanh đảo là những dốc đá thẳng đứng. Chỉ có một phần nhỏ nơi họ tấp vào là có bãi biển và cũng là nơi duy nhất có thể ra biển dễ dàng. Ở trung tâm đảo có một dòng suối nước ngọt. Không có dấu vết nào chứng tỏ có người sinh sống trên đảo cả.
Hai người thu xếp chỗ ngủ đêm ở gần bờ biển để có thể cố gắng bắt cá ban ngày bằng những cây gậy được chuốt nhọn một đầu. Họ tìm những vỏ dừa khô để mang nước ngọt từ ngọn suối giữa đảo về dùng. Họ cố sống qua ngày với cá bắt được từ biển và nước từ suối, chờ ngày dược giải cứu. Nhưng mãi mà vẫn chưa được cứu nguy.
Tình huống không có gì khả quan hết. Pete là một nhà vẽ kiểu chuyên vẽ tranh quảng cáo cho một hãng lớn ở NewYork. Pam làm về kỹ thuật điện toán cùng hãng với chồng. Cả hai người đều không biết cách thức sinh sống ở hoang đảo.
Đi lấy nước ở suối mang về căn lều họ làm tạm bằng lá dừa phải mất nguyên một ngày trời. Cả Pete lẫn Pam mỗi người không ai có thể mang được hơn hai vỏ dừa đựng nước cùng một lúc. Và nếu Pete hay Pam đi bắt cá cả ngày trời thì mỗi người cũng chỉ bắt được nhiều lắm là hai con cá.
Với số lượng cá bắt được quá ít ỏi, vợ chồng Palmers luôn cảm thấy thiếu ăn. Nếu cả hai cùng đi bắt cá thì họ có thể bắt được gấp đôi số cá, nhưng ngược lại, họ lại không có đủ nước uống. Sự thiếu nước đã làm cả hai trở nên chóng mặt, mệt mỏi, làm cho chuyện bắt cá cũng bị ảnh hưởng theo. Họ chỉ còn cách cố gắng sống sót qua ngày để chờ được giải cứu.
Một đêm kia lại có một cơn bão khác thổi đến. Trời mưa như thác đổ. Từ những tia sấm chớp sáng trên bãi biển, người ta có thể nhìn thấy hình như có dáng người đang chống chọi với các làn sóng trên mặt biển. Dường như là có hai người dắm tầu khác đang cố bơi vào bờ.
Vợ chồng Palmers vội đến kéo giúp hai người kia lên bờ. Họ là Fred và Felicia Fisher ở San Diego, California, cũng đang đi hưởng tuần trăng mật thì gặp nạn. Cả hai dều mệt lả người và ngã gục ngay dưới chân vợ chồng Palmers.
Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, vợ chồng Palmers bắt đầu hướng dẫn Fred và Felicia về đời sống trên đảo: suối nước, vỏ qủa dừa khô tạm dùng để mang nước, và cây gậy vót nhọn đầu dùng để bắt cá.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, mọi người đều nhận thấy rõ là vợ chồng nhà Fishers có vẻ thích ứng với đời sống trên đảo hơn là vợ chồng Palmers. Với tầm vóc cao lớn hơn, vợ chồng Fishers mỗi người có thể mang một lúc ba vỏ dừa đựng nước thay chỉ có hai vỏ như cặp Palmers. Và họ cũng có vẻ giỏi hơn trong chuyện bắt cá nữa.
Vợ chồng Palmers cũng nhận thấy một chuyện rõ ràng nữa là cặp Fishers không thích giao thiệp chuyện gì với họ nữa. Tất cả những cố gắng của Palmers trong vấn đề gây tình bạn hoặc đề nghị cộng tác đều bị nhà Fishers từ chối. Thế là vợ chồng Palmers lại tiếp tục lao động một mình kiếm sống qua ngày chờ ngày được giải cứu.
Thấm thoát mấy tháng đã trôi qua. Một đêm kia vợ chồng Fishers đang ngồi nướng cá được ướp với rau thơm mà họ đã trồng được nhờ lượng nước ngọt dư ra hằng ngày. Mùi cá nướng thơm ngon kia đã bay sang đến bên phía chỗ ở của vợ chồng Palmers. Pete không thích một chút nào.
Anh chàng làu nhàu, “Hừ, chỉ được có một con cá tí xíu. Anh nghĩ là chúng ta đang bị sụt ký đấy. Trông anh có hốc hác lắm không?”
“Không đâu.” Pam nói dối. Nhưng Pete biết là anh ta đã gầy hẳn đi. Pam cũng biết rằng mình cũng bị xuống cân. Quần áo cô mặc đã trở nên rộng hẳn so với lúc họ mới đến đảo.
Pete nói tiếp, “Mình cần phải có thêm thức ăn, có thêm nhiều chất đạm. Anh đã suy nghĩ mấy hôm nay rồi. Mình có thể có ba cách, nhưng không có cách nào có vẻ ổn thỏa hết.”
Anh tóm tắt ba phương pháp với vợ như sau:
- Cướp của – kiếm cách đánh vợ chồng Fisher rồi cướp một số cá của họ
- Xin xỏ – kêu gọi lòng từ thiện của vợ chồng Fishers để may ra họ cho ít cá
- Đầu tư (để dành) – nhịn ăn hôm nay để dành phần cho ngày mai, hoặc tìm cách làm một cái lưới hay một cái lao để bắt được nhiều cá hơn
Suy lui tính tới một lúc, cả hai vợ chồng đều đồng ý là chuyện đánh cướp không thể nào thực hiện được. Vợ chồng nhà Fishers vừa cao vừa to hơn. Đi xin xỏ cũng không xong vi nhà Fishers không có vẻ muốn giúp đỡ ai hết. Đầu tư hay để dành cũng không dễ dàng gì vì đến khi mà hai người nghĩ ra được cách làm lưới hay một cây gậy tốt hơn để bắt cá thì có lẽ họ cũng đã chết vì đói rồi. Phải làm thế nào bây giờ?
“Anh nói đến chuyện đánh cướp nghĩ cũng buồn cười thật đấy.” Pam chậm rãi nói. “Cách đó xưa qúa rồi. Em nhớ lúc đi học có một ông thầy dạy về kinh tế đã nói chuyện rất nhiều về vấn đề đánh cướp. Ông ấy bảo rằng trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, đánh cướp là một cách chính để người ta chiếm lấy lợi thế. Anh đánh tên hàng xóm ngất đi rồi lấy đồ đạc dụng cụ của nó. Nhưng đây mới là cái hay của chuyện đánh cướp – ông ấy bảo rằng, ăn cướp chỉ là một hình thức sắp xếp lại các phần của chiếc bánh kinh tế thôi.” [1]
“Đúng rồi,” Pete đồng ý, quên đi tình trạng nan giải của hai người trong chốc lát để nghĩ đến kết qủa của chuyện đánnh cướp. “Ăn cướp của hàng xóm có nghĩa là mình có được thêm và đứa hàng xóm có ít bớt đi. Tổng số hàng hay đồ dùng không hề thay đổi.”
“Nghe thì thấy có vẻ đúng thật đấy, nhưng ông thầy em đã chỉ cho thấy rằng đứa đi cướp thực ra đã làm cho kích thước của chiếc bánh kinh tế, khi được đo lường chính xác, trở nên nhỏ đi.”
Pete hỏi lại,”Đo lường chính xác nghĩa là thế nào?”
“Nếu mình có người hàng xóm có khuynh hướng tấn công mình để chiếm đoạt tài sản thì mình cần phải xây hàng rào cao, khóa cửa kỹ càng, hoặc là đi mua súng để phòng thân, có phải không? Tất cả những điều này đều là các phần tử của chiếc bánh kinh tế, nhưng đó là những hoạt động kinh tế mà mình không thực sự được hưởng thụ. Đó là những điều mình phải làm để có thể giữ gìn và bảo đảm những thứ khác mà mình đang có, hay là những thành phần khác của kinh tế mà mình trực tiếp nhận những lợi nhuận (như cá hay nước uống trong trường hợp này.) Do đó, cái bánh kinh tế thực sự, những phần thực sự giúp ta sung sướng hay thỏa mãn trở thành ít hơn. Hơn nữa, nếu mình nghĩ rằng đứa hàng xóm có thể nhào qua đánh cướp mình thì mình cũng đâu có muốn làm cho cái bánh lớn hơn làm gì? Cũng giống như cái lưới cá mà anh tính làm đấy. Ngay cả nếu như mình có làm được một cái lưới như vậy, trước khi chết đói đi nữa, vợ chồng nhà Fishers có thể sẽ chỉ chờ đến lúc đó để lấy cắp của mình thôi. Vậy thì tội vạ gì mình phải làm. Đó là lý do tại sao chuyện đánh cướp đã làm cho chiếc bánh kinh tế trở nên nhỏ hơn.”
“Hay lắm. Thành ra bây giờ chắc em biết tại sao anh chán nản thế này rồi chứ gĩ? Mình cần phải có một phép lạ mới được, em à. Người ta phải tìm được đến đây để giải cứu mình sớm mới được. Nhưng nghĩ lại, mình đã mất tích ở đây đã lâu lắm rồi mà vẫn không thấy ai đến được đây, anh thấy kiểu này chắc mình phải ở đây tới già luôn.”
“Anh chờ một chút để em nghĩ xem nào…,” Pam vừa suy nghĩ vừa nói.
“Em nói gì?”
“Để xem nào.” Pam im lặng một lúc. “May ra có thể có cách thứ tư.”
“Cách thứ tư à? Em nói thế có nghĩa là thế nào?”
“Đánh cướp, van xin lòng từ thiện, đan lưới cá – tất cả là 3. Nhưng mình có thể có cách thứ tư. Em học cách này trong một lớp kinh tế hồi còn đi học.”
“Vậy thì hay qúa.” Pete nói một cách không tin tưởng lắm.. ” Để anh đoán nhé. “Giả sử như mình có thêm nhiều cá nhé!” Pete lắc đầu chán nản. Anh cũng đã học qua một lớp về kinh tế trong trường. Nhưng thấy chẳng có điều gì lợi ích ngoại trừ một mớ lý thuyết và một số giả thuyết trên trời dưới đất không thực tế chút nào cả. Kinh tế gia thường toàn là những người không thực tế.
“Anh đoán gần đúng đó.” Pam trả lời. Cô cầm một nhánh cây và bắt đầu vẽ một số hình trên cát. Cô nhìn kỹ những dấu hình đó, xoá hết đi, rồi lại bắt đầu lại từ đầu.
Pete cũng nhìn theo chăm chú những dấu hình Pam vẽ trên cát. Một số hình trông giống hình con cá, và một số khác là những hình tròn. Rõ ràng là những dấu hình này có rất nhiều ý nghĩa với Pam. Sau một lúc, cô gật gù nói một mình, “May ra thì có thể được đấy.”
“Lớp học kinh tế kiểu gì vậy? Kinh tế học Ai Cập chăng? Những dấu hình này có vẻ giống chữ viết của Ai Cập đấy…”
“Không phải đâu. Đây là một nguyên tắc của kinh tế học. Anh đề cập đến chuyện đánh cướp làm em mới sực nhớ ra một bài học rất hay trong một lớp về kinh tế học.”
“Điều đó là cái gì? Có phải là cứ giả sử rằng những cái rắc rối của cuộc đời thật không xảy ra cho tiện tính toán?”
“Không đâu. Đó là cái khái niệm về lợi thế tương đối – một đóng góp lớn rất quan trọng của David Ricardo về các lý thuyết kinh tế.”
“Anh cũng có nghe nói tới cái khái niệm này rồi, Pam. Nhưng nó có liên hệ tới tình trạng hiện tại của mình đâu?”
“Có chứ. Mình sẽ bắt đầu trao đổi với nhà Fishers, và chuyện trao đổi ấy sẽ cứu sống mình.”
Cô tiếp tục vẽ thêm vài dấu hình nữa và bàn với chồng những điều cô đang nghĩ. Pete thấy những phân số và tỷ số Pam vẽ ra chẳng hợp với khẩu vị anh tí nào, nhưng anh cũng nắm được đại ý. Tuy ý kiến của Pam còn có qúa nhiều điều không có lợi có thể xảy ra, nhưng cuối cùng anh cũng xiêu lòng. Anh nghĩ thầm rằng Pam có thể đúng… Có thể lắm….
Sáng hôm sau, Pam và Pete dành nguyên ngày đi lấy nước từ con suối ở giữa đảo, và mỗi người mang về được hai vỏ dừa đầy nước. Về lại đến bãi biển nơi mà họ vẫn bắt cá và nghỉ hằng ngày thì đã trễ rồi, không còn đủ thì giờ đi bắt cá nữa.
Pete cứ lo sợ rằng hai vợ chồng sẽ chết đói sớm nếu cứ phải đi lấy nước mà không bắt được cá ăn như thế này. Nhất là lúc mà họ đang cần phải ăn thêm nhiều chất đạm để có thêm sức. Nhưng anh cũng tin tưởng ở Pam.
Họ xếp hai vỏ dừa đựng nước ở gần chỗ ngủ rồi mang hai vỏ dừa nước khác qua cho vợ chồng Fishers, đang ngồi ngắm hoàng hôn ngoài bãi biển.
“Chào anh chị, không biết anh chị có muốn có thêm một ít nước không?” Pam hỏi.
“Muốn lắm chứ,” Felicia Fisher trả lời. Cô nghĩ bụng, có thêm một ít nước dùng thì cũng tốt lắm. Cô có thể dùng để trồng thêm rau, hay có thể dùng để tắm mà không phải lội bộ đến suối nước để lấy thêm.
“Vậy thì hai người muốn gì?” Fred Fisher hỏi thẳng.
“Chúng tôi muốn trao đổi. Hai vỏ dừa nước lấy 4 con cá.”
“4 con cá!” Fred giận dữ đứng dậy, “4 con cá! Anh có biết là chúng tôi chỉ có bắt được 6 con cá trong ngày thôi không? Nếu tôi đưa cho anh 4 thì…”
“Anh bắt được đến 6 con cá mỗi ngày cơ à? Thế thì tốt quá. Thế là…”
Fred Fisher cắt ngang,”Nếu chúng tôi đồng ý nghĩa là chúng tôi chỉ còn lại hai con cá. Một mình tôi ăn ba con cá mỗi ngày mà hẵn còn đói, huống chi… Thôi, đi chỗ khác chơi đi anh bạn”
Sau khi đi được một quãng để biết chắc là vợ chồng Fishers không nghe được, Pam có một sáng kiến.
“Hãy để lại hai vỏ dừa nước này cho nhà Fishers làm qùa đi.”
“Em điên rồi hả?”
“Không đâu.” Một lần nữa, Pam giải thích cho chồng nghe ý định của mình. Thế là trong khi vợ chồng Fishers ngồi ngắm cảnh hoàng hôn thì cặp Palmers để lại hai cái vỏ dừa nước trước căn lều của nhà Fishers. Ngày hôm sau họ cũng làm như vậy. Rồi hôm sau nữa Đến hôm thứ ba thì lúc đó trời đã tối. Họ phải đi chậm rãi hơn – hai người đã qúa mệt vì đói.
Nhưng đến ngày thứ ba, sau khi vừa để lại nước cho nhà Fishers như hai hôm trước, Felicia đã ra gặp họ.
“Đây này,” vừa nói, cô ta đưa cho Pam bốn con cá đã được gói trong lá cho tươi.
“Lấy mà ăn đi. Anh chị vậy mà khôn hơn chúng tôi đấy.”
Nhà Fishers tiếp tục trao đổi như thế hằng ngày, 4 con cá đổi lấy 2 vỏ dừa nước. Hóa ra cả hai nhà đều có lợi trong chuyện trao đổi này. Nhờ trao đổi mà cả hai nhà Palmers và Fishers đều thay đổi cách sinh hoạt hàng ngày trên đảo của họ.
Sau khi chuyện trao đổi trên được thực hiện, cả hai vợ chồng Fishers đều đi bắt cá hết; hai người mỗi ngày đã bắt được đến 12 con cá. Sau khi chia với nhà Palmers 4 con cá để lấy 2 vỏ dừa nước, họ vẫn còn dư đến 8 con cá, nhiều hơn đến hai con so với trước lúc chuyện trao đổi xảy ra. Tuy là họ có ít hơn 1 vỏ dừa nước, nhưng hai vỏ dừa nước cũng đã đủ dùng rồi. Vườn rau thơm không còn nữa, nhưng được ăn 8 con cá không có rau thơm vẫn tốt hơn là chỉ được ăn 6 con cá với rau thơm.
Hai vợ chồng Palmers đều đi lấy nước hằng ngày. Sau khi chia cho nhà Fishers hai phần nước, họ sẽ có được 4 con cá, nhiều hơn hai con so với lúc trước khi họ chưa trao đổi được với nhà Fishers.
Lợi thế tương đối
Câu chuyện trên đây về sự thay đổi những hoạt động hằng ngày của hai cặp Palmers và Fishers đã nói lên cái lợi thế tương đối của nhà Fishers trong chuyện bắt cá. Mặc dù cả hai đều khá hơn nhà Palmers về chuyện xách nước lẫn chuyện bắt cá, Fishers thực ra đã có lợi thế một cách tương đối hơn so với Palmers trong việc bắt cá. Nên chú ý ở đây về khái niệm “tương đối”. Khái niệm này chỉ có thể được áp dụng trong những điều kiện hoặc môi trường mà chúng ta có thể so sánh và đối chiếu kết quả giữa hai hay nhiều nhóm cùng làm những công việc tương đương. Trong một môi trường hoặc hoàn cảnh mà mọi người đều sinh hoạt giống như một đại gia đình êm ấm với nhau – không có tranh giành hay cạnh tranh lẫn nhau – thì cái khái niệm lợi thế tương đối này không có ý nghĩa gì cả.
Nhưng cái bản chất rắc rối trong ý nghĩa của khái niệm “lợi thế tương đối” lại dẫn ta đến một sự lẫn lộn sau đây, như khi người ta nói rằng “bài học của lợi thế tương đối là hãy làm những gì mình làm giỏi nhất,” hay là “bài học của lợi thế tương đối là hãy làm những gì mình làm ‘tương đối’ giỏi.” Hai câu này thực sự nghĩa là gì? Làm sao mà chúng có thể được áp dụng một cách tổng quát trong nền mậu dịch quốc tế gồm nhiều quốc gia, hàng hóa và dịch vụ?
Để có thể đơn giản hóa bài học về lợi thế tương đối này, bạn có thể nghĩ thế này: có hai cách để vợ chồng Palmers có thể có cá ăn, một cách trực tiếp và một cách gián tiếp. Cách trực tiếp là chính họ đi bắt cá lấy. Cách gián tiếp là đi lấy nước về để đổi lấy cá. Cách nào thì tốt hơn? Tùy theo cách nào “rẻ tiền”, hay là có lợi hơn. Nếu nhà Palmers đi bắt cá lấy mà ăn thì họ sẽ có được 4 con cá mỗi ngày, nhưng lại không có nước uống. Nếu họ trao đổi với nhà Fishers thì họ có thể vẫn có được 4 con cá, mà lại còn được thêm hai phần nước nữa. Rõ ràng là cách gián tiếp có lợi hơn cho nhà Palmers.
Với nhà Fishers thì ngược lại. Mặc dù họ vẫn khá hơn nhà Palmers trong chuyện mang nước, nhưng nếu họ chỉ đi bắt cá thôi, rồi dùng cá để đổi lấy nước của nhà Palmers thì cuối cùng họ vẫn có đủ nước dùng, và vẫn còn được nhiều cá hơn là nếu họ vừa phải đi bắt cá, vừa đi lấy nước. Do đó, nhà Fishers đã áp dụng cách trực tiếp là đi bắt cá lấy. Chỉ có như thế thì cả hai nhà Palmers và Fishers đều có lợi trong chuyện trao đổi.
Khi người khác tới đảo để giải cứu hai gia đình đắm tầu thì họ chỉ thấy một nhà thì giỏi về bắt cá, nhà khác đi lấy nước. Sự việc này cũng tương tự như tình trạng tôi đã giới thiệu từ lúc đầu của bài giảng này – nếu bạn trồng bắp giỏi còn tôi có thể đan áo đẹp thì chúng ta nên trao đổi với nhau. Nhà Fishers đã đổi một ít cá họ bắt được để lấy nước dùng mà nhà Palmers đã mang về. Nhưng người ta chỉ nhìn thấy được những sự việc đang xảy ra trước mắt, mà đã không biết rõ được thực sự chuyện gì đã xảy ra.
Cho dù có người nào đó có khám phá ra được cái lịch sử của hòn đảo đi nữa họ cũng có thể hiểu lầm về sức mạnh của sự chuyên môn hóa. Chúng ta thường nghĩ rằng cứ làm một việc gì lâu ngày và thường xuyên thì sẽ trở thành “chuyên môn” về chuyện đó. Thế nhưng trong trường hợp trên đây chẳng có ai trên đảo trở nên giỏi hơn, hay trở nên “chuyên môn” về chuyện họ làm cả.
Vậy thì số cá bắt được trở thành nhiều hơn là do từ đâu vậy? Ngay cả trong một môi trường đơn giản nhất như là ở Hòn đảo Châu báu này, nơi chỉ có hai gia đình trao đổi lẫn nhau sản phẩm của mình, cái thực chất của vấn đề cũng không phải đơn giản như vậy. Thế thì chúng ta có thể rút ra được bài học gì trong cái khái niệm về lợi thế tương đối trong đời sống thực sự trên thế giới, nơi có hàng triệu người trong chúng ta cùng muốn trao đổi hàng triệu sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau, không những trong cùng một nước mà với cả những quốc gia khác; trong một môi trường nơi mà thay vì sắp xếp hay bố trí lại các công việc làm khác nhau thì người ta đã hủy bỏ hoặc thành lập ra những công việc mới lúc cần thiết, nơi mà những điều kiện trao đổi không được điều đình bởi hai thành phần trực tiếp nói chuyện với nhau trong hoàn cảnh tuyệt vọng, mà lại bị chi phối bởi tình hình thị trường?
Thế thì phải chăng bài học giản dị về lợi thế tương đối của Ricardo chỉ là một thí dụ hay ho trong sách giáo khoa để thầy giáo dựa trên đó mà ra những câu hỏi rắc rối trong bài thi?
Tôi sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi này trong phần tiếp sau đây.
——-
[1] Tổng sản lượng kinh tế thường được biểu diễn theo đồ thị hình tròn như chiếc bánh (pie chart).
© Học Viện Công Dân 2008
Russell Roberts – giáo sư về kinh tế ở đại học George Mason, và cũng là người chủ bút có tiếng của Tủ Sách về Kinh Tế và Tự Do. Ông cũng là tác giả cuốn sách, “Sự Chọn Lựa: Truyền thuyết về Tự Do Mậu dịch và Chế Độ Bảo Hộ Kinh tế” (The Choice: A Fable of Free Trade and Protectionism, 3rd edition (Prentice Hall, 2006).
Nguồn:http://www.econlib.org/library/Columns/y2006/Robertscomparativeadvantage.html
Library of Economics and Liberty