Dr. Martin Luther King
LGT: Đây là bài giảng của Mục sư Martin Luther King tại Nhà thờ Giao ước Mới thuộc hệ phái Baptist, tại thành phố Chicago, bang Illinois, ngày 9 tháng Tư, 1967. Bài giảng này đã trở thành một trong những bài giảng kinh điển về nghệ thuật hùng biện trong cả hai phương diện
văn nói cũng như văn viết. Bài này được Mục sư King thuyết giảng đúng một năm trước khi ông bị ám sát chết vì tranh đấu cho dân quyền của dân da đen tại Hoa Kỳ, vào ngày 4 tháng Tư, 1968, lúc mới 39 tuổi.
***
Bài giảng hôm nay của tôi mang tựa đề: “Ba chiều của một đời sống trọn vẹn.” Các bạn cũng biết ở Hollywood, người ta thường nói, một cuốn phim muốn được trọn vẹn, nó phải có ba chiều. Đúng, buổi sáng hôm nay tôi muốn thưa với các bạn là nếu ta muốn cho đời sống chúng ta được trọn vẹn, nó cũng phải có ba chiều.
Rất nhiều thế kỷ trước đây có một người tên John, bị nhốt trong một ngục thất trên một hòn đảo quạnh quẽ mang tên Patmos. Tôi cũng đã từng bị nhốt tù khá lâu để đủ hiểu được đi tù đơn độc đến chừng nào. Và khi ta bị giam hãm trong tình cảnh như vậy, ta đã bị tước bỏ hết mọi sự tự do, ngoại trừ sự tự do tư tưởng, tự do cầu nguyện, và tự do suy ngẫm. Và khi John bị nhốt trong hòn đảo quạnh quẽ như vậy, ông dõi mắt lên cao và thấy rằng, từ trên trời, có một thiên đàng mới và một trái đất mới đang hạ xuống. Đúng thế, Chương 21 trong sách Khải Huyền mở đầu bằng câu: “Và tôi thấy một trái đất mới và thiên đàng mới, và tôi thấy một ngôi thành thánh, một thành Jerusalem mới, đang từ thiên đàng hạ xuống.”
Và một trong những điều vinh diệu nhất của ngôi thành thánh mà John nhìn thấy là sự trọn vẹn của nó. Nó không cao bên này và thấp bên kia, nhưng trọn vẹn và toàn hảo cả trong ba chiều kích thước. Trong đoạn kinh này, câu thứ 16, John nói rằng: “Chiều dài, chiều rộng và chiều cao của nó đều bằng nhau.” Nói một cách khác, ngôi thành thánh này, ngôi thành mới trong lý tưởng cuả con người không phải là một thực thể bất cân xứng, nhưng toàn vẹn mọi bề. Tôi nghĩ John dùng hình ảnh và ẩn dụ trong chương này và câu này để nói đến một điều gì khác. John nói, rốt cục một cuộc đời đáng sống và là một cuộc đời tốt đẹp nhất là một cuộc đời toàn vẹn mọi bề.
Ta có thể gọi tên cho ba chiều của một đời sống trọn vẹn là chiều dài, chiều rộng, và chiều cao. Chiều dài của đời sống, như ta nói ở đây, là mối quan tâm hướng nội của chúng ta đến phúc lợi của bản thân. Nói cách khác, chính mối quan tâm hướng nội này khiến cho ta tiến tới nhằm đạt được mục tiêu và hoài bão của mình. Chiều rộng của đời sống, như ta nói ở đây, là mối quan tâm hướng ngoại đến phúc lợi của kẻ khác. Và chiều cao của đời sống là hướng lên đến Thượng Đế. Chúng ta phải có đủ ba chiều kích thước này để có được một đời sống trọn vẹn.
Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về chiều dài của đời sống. Đây là một kích thước mà ta quan tâm đến việc phát triển sức mạnh nội tại của mình. Ta cũng có thể gọi đây là chiều ích kỷ của đời sống lo cho quyền lợi bản thân. Nhưng cũng có những tư lợi được coi là lành mạnh và hợp lý. Có một mục sư Do thái giáo rất nổi tiếng đã quá cố, tên là Joshua Leibman, cách đây mấy năm vị mục sư này đã viết một cuốn sách trong đó có một chương mang tựa đề “Hãy yêu bản thân mình đúng cách.” Trong chương này, ông nói, đại khái như thế này, là trước khi bạn có thể yêu người khác một cách đầy đủ, bạn phải biết yêu chính mình đúng cách. Các bạn biết không, có rất nhiều người không biết yêu chính họ đâu. Họ chỉ đi qua cuộc đời mang theo những vết thương sâu đậm, ám ảnh mãi trong tâm hồn. Như thế chiều dài của đời sống có nghĩa là ta phải biết yêu chính ta.
Thế nhưng bạn có biết thế nào là yêu chính mình không? Điều đó có nghĩa là ta phải biết chấp nhận mình. Có nhiều người trong đời loay hoay với việc muốn trở thành người khác. Thượng Đế đã cho tất cả chúng ta một điều gì đó đặc biệt. Và ta phải cầu xin Ngài mỗi ngày để giúp cho ta chấp nhận chính mình. Nghĩa là chấp nhận toàn bộ con người của mình. Có rất nhiều người da đen xấu hổ vì màu da của mình. Một người da đen phải đứng lên và nói từ trong tận tâm hồn của mình là: “Tôi là một con người. Tôi có một di sản giàu sang, đáng hãnh diện. Bất kể lịch sử của tôi bị lợi dụng hay đau thương đến đâu, tôi là một người da đen, nhưng là một người da đen đẹp đẽ.” Đó là điều chúng ta phải nói. Chúng ta phải chấp nhận chính mình, và phải cầu xin Chúa hãy giúp ta chấp nhận mình mỗi ngày, hãy giúp ta chấp nhận những dụng cụ của mình.
Tôi nhớ hồi còn học đại học, tôi theo ngành xã hội học. Mọi sinh viên ngành này phải lấy một môn học cần tới môn thống kê. Môn thống kê rắc rối lắm. Bạn phải có đầu óc toán học, phải giỏi hình học, rồi còn phải biết tìm nào là số trung bình cộng (mean), số trung vị (median), rồi số đa vị (mode). Tôi chẳng thể nào quên được mấy cái này. Trong lớp tôi có một người bạn làm mấy thứ này rất giỏi. Anh ta làm bài tập chỉ mất có một tiếng đồng hồ là cùng. Chúng tôi thường làm thí nghiệm chung với nhau, và anh ta chỉ mất có một tiếng là làm xong bài rồi. Thấy vậy tôi cũng cố bắt chước anh ấy để làm bài tập trong một tiếng thôi. Và càng cố làm bài trong một tiếng thì điểm thi của tôi càng tệ. Cuối cùng tôi rút ra được một kết luận thương đau; tôi bèn ngồi xuống và tự nhủ: “Này, Martin Luther King, Leif Cane thông minh hơn mi nhiều.” Đôi khi ta phải chấp nhận sự thật đó, và tự nhủ: “Cane có thể làm bài trong một giờ, còn mi, mi phải mất từ hai đến ba giờ mới làm xong được.” Tôi đã không chịu chấp nhận mình, không chịu chấp nhận những giới hạn của mình, và những dụng cụ Chúa cho mình.
Thế nhưng trong đời ta thường cố làm như thế. Một chiếc xe Ford mà cố làm như một chiếc Cadillac thì thật là lố bịch, nhưng nếu chiếc xe Ford chịu chấp nhận mình là xe Ford, thì nó có thể làm nhiều điều mà chiếc Cadillac không bao giờ làm được; thí dụ như nó có thể đậu vào một chỗ mà chiếc xe Cadillac dềnh dàng không thể vào được. Trong cuộc đời, một số người trong chúng ta là xe Ford, một số khác là Cadillac. Moses nói trong “Cánh đồng cỏ xanh” rằng: “Lạy Chúa, Con chẳng có gì nhiều lắm, nhưng bản thân con là tất cả những gì con có.” Nguyên tắc tự-chấp nhận là nguyên tắc căn bản của đời sống.
Bây giờ hãy nói đến điều khác của chiều dài của cuộc đời: sau khi đã chấp nhận chính mình và các dụng cụ Chúa ban, ta phải tìm xem ta được kêu gọi làm gì. Và khi đã khám phá ra điều kêu gọi đó, ta phải tiến hành làm việc đó với tất cả sức mạnh và năng lực mình có. Và sau khi đã khám phá ra điều Chúa kêu gọi, sau khi đã khám phá ra công việc của đời mình, ta phải tiến hành thực hiện công việc đó thật tốt, tốt đến nỗi người còn sống, kẻ đã chết và ngay cả những kẻ chưa sinh ra cũng không thể nào làm tốt hơn được nữa. Điều này không có nghĩa là mỗi người trong chúng ta phải làm những điều được gọi là vĩ đại, ghi danh sử sách. Rất ít người trong chúng ta sẽ đạt tới tầm cỡ của thiên tài về nghệ thuật hay khoa học; rất ít người đạt tới một số nghề nào đó. Đa số chúng ta sẽ phải hài lòng với công việc hoặc ở ngoài đồng, hoặc trong công xưởng, hay ở ngoài đường. Nhưng ta phải thấy sự cao quý của lao động.
Khi tôi ở Montgomery, Alabama, tôi thường đến một tiệm bán giày, tiệm này tên là Gordon Shoe. Trong hiệu này có một người giúp việc và hay đánh giày cho tôi. Phải nói xem anh chàng này đánh giày quả thiệt là một kinh nghiệm để đời. Anh ta dùng miếng giẻ đánh giày, và bạn biết không, anh ấy có thể làm cho miếng giẻ này bật ra âm nhạc. Tôi thầm nhủ: “Anh chàng này đạt tới bậc Tiến sĩ trong ngành đánh giày.”
Điều tôi muốn nói với các bạn sáng ngày hôm nay là, nếu như Chúa bắt ta phải làm người quét đường, hãy quét đường hăng say như thể Michaelangelo đang vẽ tranh, hãy quét đường hăng say như thể Hayden và Beethoven đang soạn nhạc, hãy quét đường hăng say như Shakespear đang làm thơ. Hãy quét đường thật tốt, thật sạch đến nỗi tất cả thiên thần trên trời và con người dưới đất phải dừng lại và thốt lên: “Nơi đây có một người quét đường cao quý đã làm công việc của mình quá tuyệt.”
Nếu không thể làm cây thông trên đỉnh đồi
Hãy làm một bụi cây trong thung lũng – Nhưng
hãy làm bụi cây xanh tốt nhất trên sườn núi.
Hãy làm một bụi cây, nếu không thể thành cây cao bóng cả
Nếu không thể thành đại lộ, hãy là một lối mòn.
Nếu không thể thành mặt trời, thì hãy trở thành tinh tú
Thắng hay thua không đo bằng kích thước.
Dù có là ai hay có là gì thì hãy trở thành điều tốt nhất.
Và khi bạn làm điều này, bạn đã làm chủ được chiều dài của cuộc đời.
Sự thúc đẩy ta đi tới cùng để tự hoàn thành sứ mạng là mục đích của đời sống con người. Nhưng đừng dừng lại ở đây. Các bạn biết không, rất nhiều người trong đời chưa từng đi quá chiều dài này. Họ phát triển năng lực nội tại; họ làm công việc của họ rất tốt. Nhưng bạn có biết là họ đang cố sống như thể trên trái đất này chỉ có họ thôi, còn ngoài ra chẳng có ai cả. Họ dùng mọi người như những phương tiện đưa họ đến nơi họ muốn tới. Ngoài bản thân họ ra, họ chẳng yêu ai hết. Và tình yêu duy nhất mà họ dành cho người khác là thứ tình yêu vị lợi. Họ chỉ yêu những ai mà họ có thể lợi dụng được.
Rất nhiều người không đi qua được chiều thứ nhất của cuộc đời. Họ dùng người khác như những nấc thang để leo lên đến mục tiêu và tham vọng của họ. Những người này rồi cũng chẳng làm được gì tốt trong đời đâu. Họ nghĩ rằng họ đang thành công trong đời, nhưng có một định luật bất biến, tối hậu, mà ta gọi là trọng lực trong thế giới vật lý; đó là: điều gì đi lên ắt phải đi xuống. Ta sẽ gặt những gì ta đã gieo. Chúa đã kiến tạo vũ trụ như thể ấy. Và những ai đi qua cuộc đời này mà không quan tâm đến người khác sẽ trở thành đối tượng và nạn nhân của định luật này.
Vì vậy, tôi phải nói thêm là cần phải cộng thêm chiều rộng vào chiều dài. Chiều rộng của đời sống là mối quan tâm hướng ngoại đến phúc lợi của người khác. Và một người chưa thực sự sống nếu chưa vượt được lên trên những hạn chế chật hẹp của lo lắng cá nhân để vươn tới những quan ngại lớn hơn của cả nhân loại.
Một ngày kia Chúa Jesus có kể một chuyện ngụ ngôn. Tôi chắc các bạn nhớ chuyện này. Có một người đến nói chuyện với Chúa về một vài vấn đề làm anh ta rất bối rối. Rồi cuối cùng đi đến câu hỏi: “Ai là người anh em láng giềng của ta?” Người này muốn tranh luận với Chúa Jesus. Câu hỏi này sẽ đi vào khoảng không nếu ta cứ tranh luận theo triết học hay thần học. Nhưng Chúa Jesus đã rút câu hỏi này từ khoảng không vô nghĩa và đặt nó vào ngay khúc quanh nguy hiểm trên con đường từ Jerusalem đến Jericho. Chúa nói về một người bộ hành bị cướp tấn công trên đoạn đường này. Có hai người đi ngang qua thấy nạn nhân nhưng vẫn tiếp tục đi. Cuối cùng, có một người thuộc giống dân khác đi qua, dừng lại và giúp đỡ cho nạn nhân. Câu chuyện ngụ ngôn kết luận rằng người Samari tốt bụng kia là một người cao quý; ông ta là người tốt vì ông quan tâm tới nạn nhân hơn chính thân mình.
Có nhiều suy diễn tại sao thầy tế lễ và người Lê-vi đi ngang qua mà không dừng lại giúp nạn nhân. Nhiều suy diễn lắm. Có suy diễn cho rằng có thể hai người đó đi lễ và vì đã bị trễ, họ không thể nấn ná để giúp người khác. Có những suy diễn khác lại cho rằng hai người này vì là tu sĩ và giáo luật nói rằng khi đi lễ thì không được đụng vào thân xác người khác trong vòng 24 tiếng trước khi thờ phượng. Cũng có một giả thuyết khác cho rằng hai người này đi đến Jericho để thành lập một tổ chức gọi là Hội Cải tiến đường Jericho cho an toàn.Lại có giả thuyết khác cho rằng hai người này bỏ đi luôn vì muốn giải quyết vấn đề tận gốc rễ hơn là lo cho một nạn nhân đơn độc.
Nhưng bạn biết không, khi tôi suy ngẫm về câu chuyện ngụ ngôn này, tôi nghĩ có thể có một lý do khác, khi tôi dùng trí tưởng tượng của tôi. Rất có thể hai người này đi tránh qua bên kia đường vì họ sợ. Đường Jericho là đoạn đường nguy hiểm. Tôi đã đi qua đường này nên tôi biết, và sẽ không bao giờ quên được. Cách đây không lâu, tôi và nhà tôi đi thăm Đất Thánh. Chúng tôi mướn một chiếc xe và lái từ Jerusalem xuống Jericho, một đoạn đường chỉ có 16 dặm. Tôi nói cho bạn nghe, đó là một con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, rất thích hợp cho bọn cướp ra tay. Tôi nói với nhà tôi: “Bây giờ anh mới hiểu tại sao Chúa Jesus lại dùng con đường này trong câu chuyện ngụ ngôn.” Khi bạn rời Jerusalem, bạn ở cao độ 2200 bộ (khoảng 670 m) trên mặt nước biển; khi bạn xuống đến Jericho cách đó 16 dặm, bạn ở cao độ 1200 bộ (khoảng 366 m) dưới mặt nước biển. Trong thời của Chúa, con đường này được mệnh danh là Con đường Máu. Thành ra khi tôi nghĩ về thầy tế lễ và người Lê-vi, tôi nghĩ rằng họ sợ.
Họ cũng giống như tôi. Một ngày kia tôi đi thăm bố tôi ở Atlanta. Nhà cụ cách nhà tôi khoảng ba, bốn dặm và muốn đến đó phải đi qua đường Simpson. Khi tôi về nhà vào ban đêm–quý bạn ơi, tôi nói cho quý bạn nghe, đường Simpson là một con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Bên lề đường có một anh chàng đưa tay vẫy tôi dừng lại. Tôi cảm thấy là người này cần giúp đỡ; tôi biết là người này cần giúp đỡ. Nhưng lúc đó tôi không biết được điều này. Và thú thực với các bạn, tôi đi luôn. Tôi không dám mạo hiểm như vậy.
Tôi muốn nói với các bạn sáng ngày hôm nay là câu hỏi đầu tiên thầy tế lễ hỏi cũng là câu đầu tiên tôi hỏi trên đoạn đường Jericho ở Atlanta, tức là đường Simpson. Câu hỏi đầu tiên mà người Lê-vi hỏi là: “Nếu tôi dừng lại để giúp người này, thì việc gì sẽ xảy đến cho tôi?” Nhưng người tốt bụng Samari đi đến và đảo ngược câu hỏi. Không phải là “điều gì sẽ xảy đến cho tôi nếu tôi dừng lại để giúp người này?” mà là “điều gì sẽ xảy đến cho anh ta nếu tôi không dừng lại giúp anh ấy?” Đó mới chính là lý do khiến người Samari trở nên tốt và cao quý. Người này trở nên cao quý vì đã sẵn lòng chịu rủi ro cho nhân loại; người này đã sẵn lòng đặt câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra cho người này?” chứ không phải “điều gì sẽ xảy ra cho tôi?”
Đó là điều Chúa cần hôm nay: những người đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại nếu tôi không giúp đỡ? Điều gì sẽ xảy ra cho Phong trào Dân Quyền nếu tôi không tham gia? Điều gì sẽ xảy ra cho thành phố của tôi nếu tôi không đi bầu? Điều gì sẽ xảy ra cho người bệnh nếu tôi không đi thăm viếng?” Đó là điều Chúa sẽ phán xét con người trong cuộc phán xét cuối cùng.
Vâng, sẽ có một ngày, nhưng câu hỏi không phải là “ngươi được bao nhiêu phần thưởng trong đời,” hay là “ngươi được bao nhiêu người mến chuộng?” Không phải câu hỏi đó đâu. Câu hỏi trong ngày đó cũng chẳng ăn nhập gì đến việc bạn có bằng Tiến sĩ hay chẳng có sĩ gì hết. Chẳng ăn thua gì tới việc bạn đi học ở trường đại học Morehouse hay bạn đi học ở “trường đại học đời.”[1] Câu hỏi ngày hôm đó chẳng phải là “ngôi nhà của ngươi đẹp đến chừng nào?” Câu hỏi ngày hôm đó chẳng phải là “ngươi đã tích lũy được bao nhiêu tiền của trong chứng khoán và cổ phiếu?” Câu hỏi ngày hôm đó chẳng phải là “chiếc xe ngươi đi hiệu gì?” Câu hỏi ngày hôm đó là: “Ngươi đã làm gì cho người khác?”
Bây giờ tôi có thể nghe được có người nói rằng: “Thưa Chúa, con làm nhiều điều trong đời lắm. Con làm công việc trong nghề của con rất tốt; thế giới vinh danh con vì đã làm tốt công việc của mình. Con làm nhiều điều lắm. Con đi học và rất chăm chỉ học hành, thưa Ngài. Con tích lũy được nhiều tiền bạc lắm, thưa Ngài.” Dường như tôi có thể nghe được lời của Chúa Hằng Sống là: “Khi ta đói, ngươi không cho ta ăn. Khi ta đau yếu, ngươi không đến thăm viếng. Khi ta rách rưới, ngươi không cho áo mặc. Khi ta bị giam hãm trong tù, ngươi đã chẳng quan tâm. Hãy tranh xa khỏi mặt ta. Ngươi đã làm gì cho anh em?” Đó chính là chiều rộng của đời sống.
Đi trên chiều rộng của đời sống, chúng ta phải biết rằng không có gì cao quý hơn là làm được một điều gì đó cho tha nhân. Và đây là con đường tôi chọn để đi cho hết những ngày trong đời của tôi. Đó là điều tôi quan tâm. John và Bernard, nếu hai vị tình cờ có mặt trong những ngày sau cuối vào lúc mà tôi sắp sửa qua sông Jordan,[2] tôi xin hai vị nói với mọi người yêu cầu của tôi như thế này: Tôi không cần một đám ma linh đình. Thực ra, tôi cũng không cần có lời điếu văn dài hơn một phút. Tôi hy vọng là tôi đã sống trọn vẹn trong những ngày còn lại của tôi––tôi không biết tôi sẽ được sống bao lâu, và tôi cũng chẳng để tâm đến điều đó––nhưng tôi hy vọng tôi có thể sống trọn vẹn để vị mục sư có thể đứng lên và nói rằng: “Anh ấy là người trung tín.” Thế thôi, thế là đủ rồi. Đó là bài giảng tôi muốn được nghe: “Tốt thay, hỡi môn đồ trung tín và tử tế của ta. Ngươi đã kiên trung; ngươi đã lo toan cho kẻ khác.” Đó là điều tôi muốn làm từ thời điểm này cho đến hết những ngày còn lại. “Kẻ nào cao quý nhất trong các ngươi sẽ là tôi tớ cho ngươi.” Tôi muốn trở thành tôi tớ. Tôi muốn trở thành chứng nhân của Chúa, để làm một điều gì đó cho người khác.
Xin cũng nhớ là khi chúng ta làm một điều gì cho người khác thì cũng nhờ đó mà ta có được những gì ta có. Đó là nhờ ở người khác. Đừng quên điều đó. Chúng ta nối kết với nhau trong đời sống và trên quả đất này. Ta có thể nghĩ rằng ta có được những gì ta có là do ở ta. Nhưng bạn có biết không, trước khi bạn đi đến nhà thờ sáng nay, bạn đã lệ thuộc vào hơn nửa trái đất này rồi đấy. Bạn thức dậy, đi vào nhà tắm, cầm lấy cục xà-bông do một người Pháp làm ra, rồi bạn với lấy miếng bọt biển để kỳ lưng, vật này do một người Thổ nhĩ kỳ đưa đến; rồi bạn cầm lấy chiếc khăn tắm, chiếc khăn này do một người ở vùng đảo Thái bình dương đem lại. Rồi bạn xuống bếp để ăn sáng. Bạn lấy một ly cà phê do một người ở Nam Mỹ rót cho bạn. Hoặc là bạn muốn uống trà, chén trà của bạn do một người Tàu rót. Hay bạn muốn uống một chút cocoa, ly đó do một người ở Tây Phi-châu rót cho bạn. Nếu bạn muốn ăn một miếng bánh mì, miếng bánh đó do một nông dân nói tiếng Anh làm ra, đó là chưa kể đến người làm bánh. Trước khi ăn xong bữa ăn sáng, bạn đã lệ thuộc vào hơn nửa quả đất này rồi. Đó là cách Chúa kiến tạo trái đất này. Cho nên, hãy quan tâm đến người khác vì chúng ta lệ thuộc vào những người khác.
Nhưng khoan hãy dừng ở đây. Rất nhiều người đã làm chủ được chiều dài và chiều rộng của đời sống, nhưng họ dừng lại ở đó. Để đời sống được trọn vẹn, ta phải vượt lên trên lợi ích cá nhân. Ta phải vượt lên trên cả nhân loại và vươn lên thật cao để với tới Chúa của vũ trụ này, Đấng mà mục đích đời đời không thay đổi.
Rất nhiều người đã bỏ qua kích thước thứ ba này. Điều đáng để ý là rất nhiều người bỏ qua chiều thứ ba này mà còn không biết là họ đang quên lãng nó. Họ bận rộn với những điều khác. Các bạn biết không, có hai hạng người không tin có thần thánh. Họ theo chủ thuyết Vô Thần. Một loại theo vô thần trên lý thuyết; họ là những người ngồi suy tư và đi đến một kết luận là không có Thượng Đế. Loại thứ hai là những người vô thần thực tiễn; đây là loại người sống cuộc đời như thể Thượng Đế không hiện hữu. Có nhiều người xác nhận sự hiện hữu của Thượng Đế qua môi miệng, nhưng lại phủ nhận Ngài qua đời sống của họ. Những người này thừa máu tín lý, nhưng lại thiếu máu hành động. Họ phủ nhận sự hiện hữu của Chúa bằng chính đời sống của họ và tiếp tục bận bịu với những điều khác. Họ bận rộn với việc làm cho trương mục ngân hàng được to lên; họ bận rộn với việc mua căn nhà thật đẹp, mà chúng ta cũng nên có. Họ quá bận tâm đến việc có được một chiếc xe đẹp đến nỗi, trong vô thức, họ đã quên mất Chúa. Có những người quá bận bịu với việc ngắm nhìn ánh sáng nhân tạo của thành phố đến nỗi quên luôn cả việc dậy sớm để ngắm nhìn ánh sáng của vũ trụ và suy ngẫm về ánh sáng này––xuất phát từ chân trời phương đông mỗi buổi sáng và đi qua bầu trời với sự chuyển động hài hòa cuả một ban nhạc giao hưởng và vẽ muôn màu lên trên bầu trời xanh biếc––một thứ ánh sáng con người không bao giờ có thể tạo ra. Họ quá bận rộn ngắm nhìn các căn nhà chọc trời ở Chicago hay tòa nhà Empire State của New York mà quên đi có những ngọn núi vĩ đại đang chạm môi đến bầu trời và dường như đang phơi những đỉnh cao ra tắm nắng trên nền trời xanh thẳm––những điều mà loài người không bao giờ làm được. Họ trở nên quá bận rộn với những suy tư về radar, về vô tuyến truyền hình đến nỗi họ quên nghĩ đến các vì sao đang trang điểm cho thiên đàng như những ngọn đèn treo đong đưa trong vô tận, những ngôi sao lấp lánh như những cây kim bạc cắm vào chiếc gối nhung xanh thẫm nguy nga của bầu trời. Họ quá bận tâm suy nghĩ đến những tiến bộ của con người mà quên không nghĩ đến nhu cầu cần có quyền năng của Chúa trong lịch sử. Rốt cục lại, họ sống ngày này qua ngày khác mà không biết rằng Chúa không có mặt trong đời sống của họ.
Hôm nay tôi nói với các bạn là chúng ta cần có Chúa. Con người hiện đại có thể biết nhiều điều lắm, nhưng kiến thức của nó không thể loại trừ sự hiện hữu của Ngài. Sáng hôm nay, tôi muốn mói với các bạn là Chúa hiện diện ở đây. Một số các nhà thần học đang cố cho rằng Thượng Đế đã chết. Và tôi cũng đã và đang hỏi họ về điều này, vì nó làm cho tôi rất khó chịu, là Chúa chết rồi mà tôi lại không có được cơ hội đi đám tang của Ngài. Họ cũng không thể cho tôi biết Chúa đã chết vào ngày nào nữa. Họ cũng không thể cho tôi biết viên Pháp Y nào đã khám nghiệm và tuyên bố Chúa đã chết. Họ cũng chịu, không chỉ cho tôi biết Chúa được chôn ở chốn nào.
Các bạn thấy đó, khi tôi nghĩ về Chúa, tôi biết tên của Ngài. Ngài đã nói trong Cựu Ước: “Này Moses, ta muốn ngươi hãy đi ra, và nói cho dân sự biết là “Đấng Hằng Hữu phái ngươi đi.” Ngài nói để làm rõ thêm, “Cho dân sự biết Họ và Tên của ta là một, ‘Ta là Đấng Hằng Hữu.’ Hãy nói cho rõ.” Và chỉ có Chúa là đấng duy nhất trong vũ trụ mà có thể nói rằng “Ta là Đấng Hằng Hữu” và đặt dấu chấm hết sau đó. Mỗi người trong chúng ta ngồi đây và tự nhủ rằng: “Tôi hiện hữu vì có cha mẹ tôi; tôi hiện hữu vì hội đủ một số điều kiện của môi trường; tôi hiện hữu vì có được một số điều kiện di truyền của cha mẹ; tôi hiện hữu nhờ có Chúa.” Nhưng chỉ có Chúa là đấng duy nhất có thể nói: “Ta Hằng Hữu” và ngừng ở đó. “Ta là Đấng Hằng Hữu.” Và Ngài tới và ở lại với chúng ta. Đừng để cho bất cứ ai khiến chúng ta cảm thấy là ta không cần tới Chúa.
Trước khi kết luận, tôi muốn nói rằng chúng ta phải tìm kiếm Chúa. Ta được tạo nên vì Chúa, và chúng ta sẽ không thể yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài. Tôi nói với các bạn sáng nay rằng đó là nhờ ở đức tin cá nhân mà tôi tiếp tục tiến bước. Tôi không lo gì đến tương lai. Ngay cả vấn đề sắc tộc, tôi cũng chẳng lo lắng gì. Một ngày nọ tôi đi Alabama và tôi bắt đầu suy nghĩ về tình trạng tại Alabama, nơi chúng tôi đã hoạt động quá vất vả, nhưng vẫn có thể bầu ra lại những người như Wallace. Ở ngay tiểu bang quê tôi là Georgia, chúng tôi cũng có một tên thống đốc bệnh hoạn tên là Lester Maddox. Và cả đống thứ lung tung khác dễ làm cho ta bị nhầm lẫn. Nhưng những điều này không làm tôi lo lắng. Vì Thượng Đế, đấng mà tôi thờ phượng là một thượng đế có cách để nói với các vị vua và ngay cả thống đốc: “Hãy ngồi yên, và biết rằng Ta là Thượng Đế.” Và Chúa vẫn chưa trao lại vũ trụ này cho Lester Maddox và Lurleen Wallace kia mà.[3] Tôi đọc được ở đâu đó một câu như thế này: “Trái đất này và của cải của nó là của Tạo Hóa, và tôi tiếp tục đi tới bởi vì tôi tin ở nơi Ngài.” Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi biết ai là người nắm giữ tương lai đó. Và nếu Ngài hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta, hãy tiếp tục tiến bước.
Tôi nhớ có lần đi Montgomery, Alabama và có một kinh nghiệm muốn chia sẻ với các bạn. Lúc đó đang giữa cuộc tẩy chay xe buýt, chúng tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi thật phi thường. Chúng tôi thường trìu mến gọi là Dì Pollard. Năm đó Dì đã 72 tuổi mà vẫn còn làm việc. Khi cuộc tẩy chay xảy ra, Dì đi bộ mỗi ngày hai buổi đi làm. Một hôm có người hỏi Dì có muốn đi quá giang không, Dì trả lời “không.” Người tài xế bỏ đi, xong nghĩ sao lại dừng lại và hỏi: “Thế bộ Dì không mỏi chân à?” Dì trả lời: “Có chứ, chân tôi mỏi, nhưng tâm hồn tôi được an nghỉ.”
Dì là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi còn nhớ đã trải một tuần thật khó khăn. Nào là điện thoại hăm dọa cả ngày lẫn đêm, và tôi bắt đầu dao động, mất tự tin và can đảm. Sau tuần đó có buổi lễ và họp tối thứ Hai mà tôi không bao giờ quên được; tôi đi lễ mà vừa nản chí, vừa sợ, vừa phân vân không biết chúng tôi có thắng được cuộc đấu tranh này hay không. Khi tôi đứng lên trình bày đêm hôm đó, những điều tôi nói thiếu sức mạnh và năng lực. Dì Pollard sau đó gặp tôi và nói: “Con trai, có chuyện gì vậy? Tối nay con nói không đủ sức thuyết phục.”
Tôi trả lời: “Đâu có chuyện gì đâu, dì Pollard, con vẫn bình thường.”
Dì nói: “Mi không dấu được ta đâu. Có chuyện gì phải không?” Rồi Dì nói tiếp: “Bộ đám da trắng làm gì mi hả?”
Tôi nói: “Không có chuyện gì đâu, Dì Pollard ạ!”
Cuối cùng Dì nói với tôi: “Lại đây, để ta nói cho con nghe điều này thêm một lần nữa, và ta muốn con nghe cho rõ.” Dì nói: “Ta đã nói với con là mọi người đồng lòng với con. Ngay cả nếu mọi người không đồng lòng với con, thì Chúa ở cùng con.” Rồi bà kết luận: “Chúa sẽ lo lắng, gìn giữ cho con.”
Từ ngày hôm đó, tôi đã chứng kiến nhiều điều, tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm từ sau đêm đó ở Montgomery, Alabama. Từ sau hôm đó Dì Pollard đã chết. Sau lần đó tôi đã xém chết dưới tay của một phụ nữ da đen bị loạn trí. Từ hôm đó, nhà tôi bị ném bom ba lần. Từ hôm đó tôi đã sống mỗi ngày với tính mạng bị đe dọa. Kể từ hôm đó tôi đã có nhiều đêm trằn trọc, hoang mang. Nhưng lần nào cũng vậy, qua những phút ngả lòng, tôi vẫn nghe được tiếng Dì Pollard: “Chúa sẽ gìn giữ con.” Do đó, hôm nay tôi có thể đối diện với bất kỳ người nào với đôi chân vững vàng trên đất và ngẩng cao đầu vì tôi biết rằng khi mình làm đúng, Chúa sẽ chiến đấu thay cho chúng ta.
“Đêm dù có đen tối hơn, đấu tranh dù khó khăn hơn. Hãy giữ lòng bền đỗ cho những gì thẳng ngay.” Dường như tôi có thể nghe được tiếng nói, trong buổi sáng hôm nay, đang bảo tất cả chúng ta: “Hãy đứng lên vì những điều phải. Hãy đứng lên vì điều chính đáng. Ta sẽ ở cùng ngươi cho đến ngày tận thế.” Vâng, tôi đã thấy sấm chớp, tôi đã nghe sét nổ, tôi đã cảm được sự cám dỗ tìm cách chế ngự linh hồn của tôi. Nhưng tôi nghe được tiếng Jesus nói với tôi là hãy kiên trì chiến đấu. Ngài hứa sẽ chẳng bỏ rơi tôi, chẳng để tôi đơn độc. Không, không bao giờ bỏ tôi đơn độc. Và tôi tin tưởng điều này. Hãy vươn tay ra và tìm chiều rộng (cao?) của đời sống.[4]
Bạn sẽ chẳng thể nào định nghĩa được Thượng Đế bằng những thuật ngữ triết học. Loài người qua bao thời đại đã tìm cách trò chuyện với Ngài. Plato nói rằng Ngài là Kiến Trúc Sư Toàn Hảo. Aristotle gọi Ngài là Động Lực Bất Biến. Hegel gọi Ngài là Toàn Thể Tuyệt Đối. Rồi có người tên là Paul Tillich, gọi Ngài là Tự-Tính. Ta không cần biết những từ ngữ đao to búa lớn đó là gì. Có thể chúng ta phải tìm biết và phát hiện ra Ngài theo một cách khác. Một ngày nào đó, ta đứng lên và nói rằng: “Tôi biết Ngài vì Ngài là hoa huệ trong trũng.” Ngài là ánh sao Mai rực rỡ. Ngài là đóa hồng của Sharon. Ngài là lưỡi búa trong thời Babylon. Rồi thì một lúc nào đó, ta nên vươn tay ra và nói: “Ngài là tất cả của đời tôi. Ngài là cha, là mẹ, là anh, chị, em tôi. Ngài là bạn của những kẻ không có bạn.” Đó là Thượng Đế của vũ trụ. Và nếu ta tin nơi Ngài, thờ phượng Ngài, thì một điều gì đó sẽ xảy ra trong đời chúng ta. Bạn sẽ được mỉm cười khi những người chung quanh đang khóc. Đó là quyền năng của Chúa.
Hãy đi ra buổi sáng hôm nay. Hãy yêu chính mình, một tình yêu lành mạnh và hợp lý. Đó là mạng lệnh ta phải làm. Đó là chiều dài của đời sống. Rồi sau đó hãy yêu anh em ta như thể chính mình ta. Đó là mạng lệnh ta phải làm. Đó là chiều rộng của đời sống. Và trước khi dứt lời tôi sẽ cho bạn biết có một điều răn đầu tiên, lớn hơn cả mọi điều, đó là: “Hãy yêu Chúa của ngươi với tất cả tấm lòng, bằng tất cả linh hồn, và bằng tất cả sức mạnh.” Nhà tâm lý học sẽ nói thêm rằng hãy yêu bằng tất cả cá tính của mình. và khi bạn làm điều đó, bạn sẽ có được chiều rộng (cao?) của cuộc đời.
Khi bạn đạt được cả ba chiều kích thước này lại với nhau, bạn có thể bước đi mà không bao giờ mệt mỏi. Bạn có thể nhìn lên và thấy các ngôi sao ban mai đang ca hát với nhau, và các thiên sứ đang reo vui. Khi bạn có được cả ba chiều trong đời của chính mình, sự phán xét sẽ rơi xuống như nước chảy, và sự chính trực sẽ như một dòng suối mạnh mẽ tuôn chảy.
Khi bạn đạt được cả ba chiều kích thước này lại với nhau, chiên con sẽ nằm chung với sư tử.
Khi bạn đạt được cả ba chiều kích thước này lại với nhau, bạn nhìn lên và mọi thung lũng sẽ được đề cao, mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp; những nơi gồ ghề sẽ được san bằng, những nơi cong queo sẽ được làm thẳng ra; và vinh quang của Thiên Chúa sẽ được hiển lộ cho mọi người chiêm ngưỡng.
Khi bạn đạt được cả ba chiều kích thước này lại với nhau, bạn sẽ làm cho người khác những gì bạn muốn được làm cho mình.
Khi bạn đạt được cả ba chiều kích thước này lại với nhau, bạn sẽ nhận ra rằng từ một dòng máu chung, Chúa đã tạo ra loài người sinh sống trên trái đất.
© Học Viện Công Dân 2011
Nguồn:
http://www.drmartinlutherkingjr.com/thethreedimensionsofacompletelife.htm
[1] Trong nguyên tác, MLK dùng lối “chơi chữ” là Morehouse (một đại học tư, rất nổi tiếng tại Mỹ, dành cho nam sinh viên Da Đen, được thành lập năm 1867 tại Atlanta, Georgia) và No House. MLK tốt nghiệp cử nhân ngành Xã hội học tại Morehouse năm 1948 (19
tuổi).
[2] Vượt sông Jordan (Kinh thánh Cựu ước: Joshua 3: 14-17) có nghĩa là khởi đầu hành trình đi vào đất hứa.
[3] Lester Maddox (1915-2003) là thống đốc của Georgia từ 1967-1971; Lurleen Wallace (1926-1968) là vợ của thống đốc George Wallace của tiểu bang Alabama (nhiệm kỳ I: 1963-1967). Vì hiến pháp Alabama không cho phép thống đốc làm hai nhiệm kỳ
(4 năm) liên tiếp, Lurleen ứng cử vào chức vụ này và đắc cử thống đốc Alabama năm 1966.
[4] Nguyên tác đăng trên mạng là chiều rộng, lẽ ra phải là chiều cao (chú thích của người dịch).