fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Ba kiểu Thiếu hiểu biết về Kinh tế

Bạn có biết Cái mà bạn Không biết?

Steven Horwitz

Không có điều gì khiến tôi bực mình hơn là những biểu hiện công khai của sự thiếu hiểu biết về kinh tế.

Tôi biết rằng không phải chỉ có một mình tôi [bực bội về vấn đề này]. Hãy xem vấn đề tại sao các khoản vay cho sinh viên đi kèm với lãi suất 6 hoặc 8 hoặc 10 phần trăm, trong khi một khoản vay thế chấp có thể được thực hiện chỉ với 3 phần trăm lãi suất. (Câu trả lời đó là, đương nhiên thôi, một khoản vay thế chấp có tài sản thế chấp kiểu như một ngôi nhà chẳng hạn, thế nên nó là một khoản vay rủi ro thấp với bên cho vay hơn là một khoản vay cho sinh viên, khoản vay không thế chấp và do đó đòi hỏi một lãi suất cao hơn để bù cho rủi ro cao hơn).

Khi nói sự thiếu hiểu biết về kinh tế, những người ủng hộ tự do kinh tế nhanh chóng nhắc lại bình luận nổi tiếng của Murray Rothbard về chủ đề này:

Chẳng có tội tình gì khi không hiểu biết về các vấn đề kinh tế, cái mà xét cho cùng, là lĩnh vực đặc thù và là cái mà hầu hết mọi người xem là một “khoa học ảm đạm.” Nhưng sẽ là hoàn toàn vô trách nhiệm khi cứ lớn tiếng về các vấn đề kinh tế trong khi vẫn còn mù tịt về chúng.

Sự thiếu hiểu biết về kinh tế có nhiều dạng, và một số kiểu thiếu hiểu biết về kinh tế có thể dễ chấp nhận hơn. Nhưng ý quan trọng nhất trong quan điểm của Rothbard đó là, điều tệ nhất của sự thiếu hiểu biết về kinh tế là không nhận thức được sự thiếu hiểu biết về kinh tế của chính mình. Có những mức độ đáng trách khác nhau cho việc không hiểu biết những điều nhất định về kinh tế, nhưng điều luôn luôn không thể chấp nhận được là không nhận ra rằng có thể mình hiểu biết không đủ để đưa ra ý kiến một cách thuyết phục, cũng như không hiểu những hạn chế về kiến thức kinh tế.

Vậy thì hãy khám phá ba kiểu khác nhau của sự thiếu hiểu biết về kinh tế trước khi ta trở lại với vấn đề nan giải của việc không biết về điều ta không biết.

    1. Điều chưa được thảo luận

Hãy bắt đầu với kiểu ít đáng trách nhất của sự thiếu hiểu biết về kinh tế: không biết những lý thuyết hay kết quả đã được kiểm chứng trong kinh tế học. Những điều này có lẽ không nhiều, nhưng  lại có nhiều người lơ mơ lắm lúc tin là họ biết. Bernie Sanders không hiểu được tại sao các khoản vay không có thế chấp có phân lời cao hơn lại được xếp vào hạng mục này, trong khi đây là điều đã rất rõ ràng trong ngành kinh tế tài chính. Chính sách mạnh tay của Donald Trump (và cũng là của Sanders) vào tự do mậu dịch là một minh chứng nữa cho sự thiếu hiểu biết, trong khi lý thuyết rằng mậu dịch tự do mang lại lợi ích về toàn cục và lâu dài cho các quốc gia giao thương với nhau đã được kiểm chứng rõ ràng trong kinh tế học.

Trump và Sanders, và rất nhiều người khác, những người đưa ra các tuyên bố về kinh tế, nhưng vẫn thiếu hiểu biết về những lý thuyết căn bản như thế, nên phải bị xem là rất đáng trách về sự thiết hiểu biết về kinh tế. Nhưng thiếu sót lớn hơn của những người

phạm phải những sai lầm như trên đó là, họ không biết là họ không biết. Thường thì, họ thậm chí không biết rằng có những thực tế đã được kiểm chứng trong kinh tế mà họ không nhận thức được.

    2. Diễn giải Dữ liệu

Một kiểu thiếu hiểu biết khác về kinh tế, theo tôi thì ít đáng trách hơn, đó là thiếu kiến thức về dữ liệu kinh tế. Theo nhận định của Rothbard, kinh tế là một ngành học chuyên môn đặc thù, và không thể kỳ vọng là những người không chuyên biết hết về những lý thuyết và dữ kiện liên quan. Có rất nhiều dữ liệu kinh tế cần được xem xét, và thường thì những dữ liệu này đòi hỏi sự diễn giải cẩn trọng theo phương pháp thống kê để dễ dàng áp dụng vào những vấn đề thuộc chính sách công. Các nguồn dữ kiện kinh tế cũng được diễn giải theo lý thuyết. Dữ liệu không  biết nói—chúng phải được diễn giải thành một câu chuyện có nguyên nhân và kết quả trong khuôn khổ của lý thuyết kinh tế học.

Điều đó nói lên rằng, trong thế giới Internet, rất nhiều dữ liệu cơ bản về kinh tế có thể tìm thấy và không khó để tìm. Vấn đề là ở chỗ nhiều người cho rằng những sự việc như trong tiền lệ là hiển nhiên đúng mà không thấy nhu cầu phải xác minh lại chúng bằng cách kiểm tra dữ liệu trên thực tế. Chẳng hạn, Bernie Sanders vẫn khăng khăng rằng người Mỹ thường làm việc 50-60 giờ mỗi tuần. Chắc chắn là có một số người làm việc như vậy, nhưng xét về hướng đi dài hạn, số giờ làm việc trung bình hàng tuần đang giảm, trung bình hiện tại là khoảng 34 giờ mỗi tuần. Tuổi thọ tăng lên và những năm làm việc giảm xuống tính từ lúc đi học cho đến lúc về hưu cũng có nghĩa là giảm đi số giờ làm việc trong một đời người và tăng thời giờ nhàn tản cho người Mỹ trung bình. Những số liệu này có thể dễ dàng tìm thấy trên đầy các website.

Vấn đề của việc diễn giải theo thống kê có thể được xem xét cùng với dữ liệu về sự bất bình đẳng về kinh tế, nơi mà người ta làm sai khi lấy những tấm ảnh tĩnh về sự phân phối thu nhập quốc nội cho người giàu và người nghèo để làm bằng chứng cho tình trạng đi xuống về mức sống của người nghèo hay khả năng vươn lên và thoát nghèo của họ.

Những người muốn đưa ra ý kiến về những vấn đề như vậy có thể, một lần nữa, được bỏ qua cho sự thiếu hiểu biết về toàn bộ dữ liệu trong một chuyên ngành đặc thù, nhưng nếu họ đã chọn tham gia vào chủ đề này, họ nên nhận thức rõ những hạn chế của mình, gồm cả hạn chế về khả năng diễn giải dữ liệu về vấn đề họ đang bàn luận.

    3. Trường phái Tư tưởng Khác nhau

Kiểu thứ ba về sự thiếu hiểu biết về kinh tế, và là kiểu ít đáng trách nhất, là không biết rằng có những cách nhìn đa chiều trong kinh tế học. Có nhiều trường phái tư tưởng trong kinh tế học, và nhiều vấn đề thực nghiệm, và dữ kiện lịch sử có một sự đa dạng về các cách giải thích. Vậy nên một bộ phim như The Big Short rõ ràng đã đưa ra ý tưởng rằng khủng hoảng tài chính và cuộc Đại Suy thoái là do thiếu sự điều tiết có lẽ là có sức thuyết phục với những người chưa từng nghe nói đến một cách lý giải khác đổ lỗi cho sự kết hợp của chính sách của Cục Dự trữ Liên bang và việc can thiệp không phải lối của chính phủ vào thị trường nhà đất mới chính là vấn đề. Thông thường, người ta ngày càng có thể đưa ra những luận điểm tương tự về cuộc Đại Suy thoái và sự khác nhau

giữa các cách giải thích theo trường phái Haykeian và Keynesian về chu trình kinh doanh.

Những vấn đề liên quan đến các trường phái tư tưởng là ví dụ tuyệt vời cho quan điểm của Rothbard về bản chất chuyên môn của kinh tế học và những điều mà ta không mong là những người không chuyên sẽ biết được.Thực ra, sẽ là phi thực tế khi trông đợi những người không phải là chuyên gia kinh tế có thể biết được tất cả các kiểu lý luận đưa ra bởi các trường phái tư tưởng khác nhau.

Sự kết hợp của Thiếu hiểu biết và Kiêu ngạo

Có một kiểu thiếu hiểu biết trong số các kiểu thiếu hiểu biết về kinh tế—và cũng là kiểu bị bỏ sót bởi chính các nhà kinh tế học lão luyện—là cái mà ta có thể gọi là “sự khiêm nhượng về nhận thức,” hay [còn gọi là] sự sẵn sàng thừa nhận rằng sự hiểu biết của ta bị hạn chế. Những người không phải là nhà kinh tế học thường không có khả năng nhận thức được họ biết ít như thế nào về kinh tế học, còn các nhà kinh tế học thì thường không có khả năng chấp nhận rằng họ còn biết rất ít về kinh tế.

Sự “thông tuệ” về kinh kế không chỉ là thông hiểu các vấn đề lý thuyết cũng như sự kiện. Nó còn là sự thấu hiểu sâu hơn về nhiều lối giải thích đa dạng về những lý thuyết và sự kiện và sự khiêm tốn khi đứng trước những hạn chế của chúng ta trong việc áp dụng kiến thức vào việc cố gắng quản lý một nền kinh tế. Những nhà kinh tế học thông minh nhất là những người biết được những hạn chế của sự thông tuệ về kinh tế.

Những nhà bình luận khi đưa ra quan điểm về các vấn đề kinh tế, dù cho đó là ứng viên tổng thống hay người dùng Facebook, ít nhất cũng đã có thể cho thấy họ có thể có những định kiến hay điểm mù nhận thức dẫn đến việc sử dụng dữ liệu hay những hệ thống lý giải mà các chuyên gia có thể không đồng ý.

Kiểu tệ hại nhất của sự thiếu hiểu biết về kinh tế và cũng là kiểu thiếu hiểu biết tệ hại nhất trong tất cả các loại thiếu hiểu biết: không biết là mình thiếu hiểu biết.

Vũ Văn Duy chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân October 2017

Về tác giả: Steven Horwwitz là Giáo sư Kinh tế học Charles A. Dana tại Đại học St. Lawrence và là tác giả của cuốn sách Hayek’s Modern Family: Classical Liberalism and the Evolution of Social Institutions.

Nguồn: http://fee.org/freeman/3-kinds-of-economic-ignorance/