Mortimer J. Adler, Ph.D.
Bổn phận cư xử công bằng với những người chung quanh đòi hòi một cá nhân phải hết sức tránh làm điều gì gây ra tổn thương cho họ, như tước đoạt những thứ họ cần có để tạo nên cuộc sống tốt cho bản thân. Nói như vậy nghe tiêu cực hơn là tích cực. Theo mặt tích cực, nghĩa vụ của một con người bao gồm những hành động giúp cho sự mưu cầu hạnh phúc của người khác được thuận tiện hoặc dễ dàng hơn, bằng cách giúp đỡ họ đạt được những thứ họ cần nhưng chẳng thể đạt được trong phạm vi khả năng của họ.
Liệu công lý có buộc chúng ta phải có hành động tích cực lẫn tiêu cực đối với tha nhân không? Có phải chúng ta vừa có trách nhiệm mang ích lợi đến cho đồng loại, đồng thời có trách nhiệm tránh làm tổn thương họ không? Sự hiểu biết của tôi về sự khác biệt giữa tình thương và công lý khiến tôi trả lời là “Không.” Chúng ta cư xử một cách nhân từ đối với những người chúng ta xem là bạn là do tình thương, chứ không phải là vì công lý.
Những bổn phận mà công lý đòi hỏi chỉ buộc ta phải tôn trọng quyền lợi của người khác, hay nói khác đi, công lý buộc ta không được gây tổn thương đến người khác bằng cách lấy đi những thứ họ cần. Ngược lại, không giống như công lý, tình yêu thương không bao gồm việc mang lại cho người khác những thứ thuộc về họ– những thứ thuộc quyền tự nhiên của họ. Tình thương gồm có trao đến cho người khác nhiều hơn cái họ đáng có – là tương trợ họ để họ có được những gì họ không thể tự đạt được một mình, tức là ta đi xa hơn là tôn trọng quyền lợi của họ.
Khi ta nhận thức rằng người bạn hay người thân của mình chính là bản ngã thứ hai của mình, ta sẽ hành động một cách tích cực để mang lại lợi ích tối đa cho người ấy, như ta làm cho chính bản thân mình. Cũng giống như một người đức hạnh sẽ sống một đời sống tốt lành cho chính mình và không làm điều gì phương hại đến bản thân và danh dự cá nhân của họ, thì người đó cũng sẽ không làm điều gì phương hại đến bạn mình, và còn làm hơn thế nữa để giúp bạn mình đạt được hạnh phúc như thể đang làm cho chính bản thân. Đây là ý nghĩa của lời bình phẩm khôn ngoan sâu sắc rằng nếu tất cả con người là bạn, thì không cần có công lý. Tuy nhiên, ngay cả khi mọi người cùng là thành viên của một cộng đồng, không phải tất cả đều là bạn, do đó công lý là sự kiềm chế cần thiết nhằm tránh không cho người này gây tổn thương cho người khác.
Với một cộng đồng có tổ chức, hoặc một chính quyền, bổn phận hành xử công bằng đối với thành viên hoặc dân chúng bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Một chính quyền công bằng sẽ tận sức bảo đảm những quyền tự nhiên của mọi người dân. Nói cách khác, trách nhiệm của chính quyền là không gây tổn thương cho bất cứ người dân nào. Hơn thế nữa, theo khía cạnh công lý, chứ không theo mặt nhân đạo, một chính quyền công bằng có bổn phận tích cực là phát huy phúc lợi cho dân chúng. Nói thế nghĩa là gì?
Thế nghĩa là, trước tiên, chính quyền có bổn phận duy trì và phát huy cái tốt chung trong một cộng đồng – một cộng đồng tốt đẹp – nơi dân chúng tham gia và chia sẻ những điều tốt đẹp thiết yếu để tạo dựng đời sống tốt cho bản thân. Thêm nữa, bổn phận này có nghĩa là một chính quyền công bằng phải giúp đỡ người dân đạt được những điều tốt thật sự mà tự họ không thể đạt được. Như tổng thống Lincoln đã nhận xét, một chính quyền nên mang lại cho người dân những gì mà tự sức riêng của họ không thể đạt được.
Đây là lập lại điều đã nêu trên về mục đích của sự liên kết giữa người và người, đặc biệt trong một cộng đồng chính trị. Mục đích của nhà nước là giúp đỡ người dân không phải chỉ để sống, mà còn là sống tốt; nhà nước, bởi vì bản chất của nó, là phương tiện để đạt được cái cứu cánh này, và phương tiện chỉ phục vụ cứu cánh khi nào nhà nước đẩy mạnh phúc lợi cho dân bằng cách bảo tồn hòa bình và trợ giúp dân chúng giành được những thứ họ cần nhưng không thể đạt được bằng sự cố gắng riêng rẽ của từng cá nhân. Tôi xin được nói thêm một điểm nữa.
Bởi vì một cá nhân, về phương diện công lý, có bổn phận đóng góp cho cái tốt chung của cộng đồng nơi người đó sinh sống, và vì cái tốt đó không những liên quan đến sự hòa bình trong cộng đồng mà còn đến những khía cạnh khác của phúc lợi chung; do đó, một cá nhân khi thực thi bổn phận này đã đóng góp một cách tích cực cho cái tốt chung và cho cả bản thân nữa. Điều này chứng minh cho điều tôi đã nêu ở trên, rằng về phương diện công bằng, một cá nhân không có bổn phận, phải hành động tích cực cho ích lợi của người khác.
Nói cách khác, những hành vi tích cực mà một người giúp đỡ cho bạn bè hay người thân của mình, là hành động trực tiếp khởi từ tình thương. Tuy nhiên những việc tốt mà người đó làm để giúp những người không thân quen với mình trong cộng đồng, là hành động gián tiếp khởi từ cái bổn phận công bằng của một thành viên trong một cộng đồng, bổn phận mang lại ích lợi cho cả cộng đồng chung hưởng. Một lần nữa, tôi phải nhắc lại rằng mọi điều nêu trên được đặt trong những “điều kiện lý tưởng.” Ta không nên kỳ vọng người ta làm được một việc mà vào thời điểm nào đó là một việc bất khả thi; không có gì đáng trách về đạo đức khi ta thất bại vì không làm được điều bất khả thi. Và dĩ nhiên, điều này nêu lên câu hỏi cốt yếu rằng điều gì là khả thi và điều gì là bất khả thi.
© Học Viện Công Dân 2011