Richard Ebeling
LGT. Tác giả Richard Ebeling viết bài này vào tháng 11 năm 2014, kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Bá-linh sụp đổ. Năm nay, cũng vào tháng 11, là tháng kỷ niệm 30 năm biến cố Bá-linh, ICEVN giới thiệu bài này cũng là dịp để chúng ta ôn cố tri tân.
Tháng 11 năm nay đánh dấu ngày kỷ niệm thứ 25 sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh. Ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi chính quyền lung lay của cộng sản Đông Đức sụp đổ, Bức tường Bá-linh cũng sụp đổ theo. Những đám đông người tụ tập hai bên bờ tường. Những người dân Đông và Tây Bá-linh leo lên trên bờ tường, và người ta dùng búa tạ và cuốc chim đục thủng Bức tường. Người ta bắt đầu di chuyển tới lui qua Bức tường, thể hiện tinh thần của một sự tự do di chuyển mà không bị những hàng rào chính trị cản lối.
Ôn lại lý do tại sao Bức tường được dựng lên và như thế nào từ lúc bắt đầu, cũng như tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đấu tranh vĩ đại giữa tự do và chuyên chế trong dòng chảy của những biến cố lịch sử của thế kỷ 20, là một việc nên làm.
Phong toả Con người Đằng sau Bức tường Chuyên chế
Ngày 10 tháng Tám, 1961, Nikita S. Khrushchev, Thủ tướng Liên Xô, đến dự buổi tiệc sinh nhật của Thống chế Sergei S. Verentsov tại Moscow. Verentsov là vị chỉ huy chương trình hoả tiễn của Liên Xô-viết. Trong bữa tiệc này Khrushchev thông báo cho những người khách, toàn là những nhân vật tai to mặt lớn của bộ máy chính trị và quân sự hiện diện, là một sự kiện trọng yếu sắp sửa xảy ra.
Khrushchev tuyên bố, “Chúng ta đang đóng cửa thành phố Bá-linh.” “Chúng ta vừa mới dăng những hàng rào dây kẽm gai và Tây phương chỉ còn biết đứng như những con cừu mà nhìn. Và khi chúng đứng đực ra như thế, chúng ta sẽ hoàn tất Bức tường.” Cử toạ hoan hô, vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Thành phố Bá-linh bị chia thành bốn vùng chiếm đóng của quân Đồng Minh khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt tại Âu châu. Nửa phía đông của thành phố thuộc vùng Xô-viết. Nửa phía tây được chia thành ba vùng: Mỹ, Anh, và Pháp, bao bọc chung quanh là vùng Xô-viết chiếm đóng ở Đông Đức.[1] Vùng chiếm đóng gần nhất với Bá-linh thuộc Anh hay Mỹ cách xa 177 km về phía tây. Xô-viết đã thiết lập một nước “cộng hoà nhân dân” trong vùng chiếm đóng của mình—nước Cộng hoà Dân chủ Đức với Đông Bá-linh là thủ đô.
Trong khoảng cuối thập niên 1940 cho đến 1961, hơn 4 triệu người dân Đông Đức và Đông Bá-linh đã lợi dụng tình trạng khá dễ dãi để vượt khỏi vùng Xô-viết ở Bá-linh sang một trong những vùng thuộc Tây phương; họ đã “bỏ phiếu bằng chân” từ bỏ cái “thiên đàng của công nhân” mà Moscow đã hào phóng áp đặt lên đầu họ. Cuộc di cư vĩ đại này khiến cho cả Xô-viết lẫn chính quyền Đông Đức cực kỳ hổ thẹn. Cuộc di cư này cũng tạo ra sự mất mát lớn lực lượng lao động có tay nghề cao cũng như trong những nghể nghiệp chuyên môn.
Chính quyền Xô-viết đã gần như hoàn toàn thành công trong việc giữ bí mật việc phong toả Bá-linh. Ngày thứ Bảy, 12 tháng 8, 1961, 1.573 người dân Đông Đức vượt qua đường ranh ngăn cách Đông và Tây Bá-linh để xin tị nạn và ý nguyện muốn sống ở phương Tây. Nhóm người này là nhóm cuối cùng được tự do vượt lằn ranh phân cách. Chính quyền Xô-viết bắt đầu giăng dây kẽm gai dọc theo Cổng Brandenburg nằm ở trung tâm thành phố, hướng về vùng Tây phương. Và đến 2 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 8, biên giới giữa Đông và Tây Bá-linh bị đóng lại.
“Thành công” và “Thất bại” của Bức tường
Hai ngày sau, ngày 15 tháng 8, Bức tường Bá-linh bắt đầu được xây dựng bằng gạch và bê-tông và mất hai năm mới xong. Khi hoàn tất, Bức tường dài 28 dặm (45 km), cao 9 bộ (2,7 m), có kẽm gai giăng trên đầu tường. Vệ binh Đông Đức trang bị súng tiểu liên sẵn sàng bắn hạ ngay những ai toan tính vượt biên. Cách Bức tường khoảng 200 thước là vùng đất được đặt mìn và có có chó canh gác.
Dù thế, trong suốt 28 năm Bức tường hiện hữu, trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1989, đã có khoảng 5.000 người đã tìm cách vượt tường, chui tường tìm tự do. Một số trốn qua ngả ống cống dưới Bức tường. Một số đào đường hầm—đường hầm dài nhất có chiều dài hơn 150 m qua đó 57 người đã vượt thoát sang Tây Bá-linh năm 1964.
Một phụ nữ đã may những bộ quân phục Xô-viết cho ba người bạn mặc giả làm lính Nga, và lái xe đi qua trạm kiểm soát, chở theo phụ nữ này trốn trong xe. Một cung thủ đã dùng cung tên bắn một sợi dây cáp từ một toà nhà ở Đông Bá-linh và đu dây vượt qua Bức tường sang phía tự do.
Một số khác làm những quả khí cầu hay những máy bay thô thiển dùng động cơ xe đạp để bay qua Bức tường. Một số khác bơi qua những đoạn sông hay những con kinh nằm giữa Đông và Tây Bá-linh.
Những Người Buôn lậu Tự do
Cũng đã có một dịch vụ buôn lậu người sang phía tự do, có đăng quảng cáo trên báo tại Tây Đức đàng hoàng. Một trong những công ty này có tên là Aramco, có trụ sở tại Zurich, Thuỵ sĩ, quảng cáo về “phương pháp kỹ thuật hiện đại” đưa người vượt biên. Giá của công ty này cũng thuộc vào loại phải chăng từ 10 đến 12 ngàn Mỹ kim một người, nếu đi cả gia đình sẽ có “giá sỉ,” tiền bạc được thanh toán qua một trương mục bằng số tại một ngân hàng Thuỵ sĩ. Nếu cuộc vượt biên thất bại, công ty này sẽ hoàn lại gần như toàn bộ số tiền cho người đã bảo trợ cuộc vượt biên.
Chính quyền Đông Đức đã dán những tấm bảng “truy nã” thuộc về phía Đông Đức của Trạm Kiểm soát Charlie, treo giá 500.000 Đức-mã cho cái đầu của Hans Ulrich Lenzlinger, Giám đốc của Aramco. Những tấm bảng truy nã này miệt thị Lenzlinger là “kẻ buôn người.” Tháng Hai 1979, có kẻ đã đạt được tiền thưởng này, vì Lenzlinger đã bị bắn nhiều phát vào ngực và chết tại nhà riêng tại Zurich.
Lenzlinger không phải là nạn nhân duy nhất của những toan tính vượt biên. Trong suốt 28 năm Bức tường hiện hữu, 80 người đã chết khi tìm cách vượt qua bờ tây của Bức tường. Hơn 100 người khác mất mạng dọc theo những điểm khác trên biến giới kiên cố của Đông Đức.
Một trong những vụ sát nhân vô nhân đạo nhất xảy ra vào tháng Tám, 1962. Peter Fechter, một thợ nề 18 tuổi, bị bắn trọng thương khi tính vượt qua Bức tường. Trong 50 phút anh ta rên rỉ kêu cứu cho đến khi chết vì mất máu trước sự quan sát của những người lính và ký giả bên phía tây của trạm kiểm soát. Chỉ đến khi anh ta chết hẳn vệ binh Đông Đức mới kéo xác về.
Bức tường Bá-linh đã trở thành biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh và sự phân chia thế giới thành hai nửa, một nửa tự do và nửa kia nằm dưới sự chuyên chế toàn diện và tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại của con người. Không có điều gì có thể vượt qua được Bức màn Sắt— làm bằng hàng rào kẽm gai, bãi mìn, những tháp canh trang bị súng liên thanh—cắt ngang trung tâm châu Âu từ biển Baltic tới biển Adriatic, nếu không có sự cho phép của những ông chủ Xô-viết ở Moscow.
Bức tường đối với Quyền Di chuyển
Bức tường Bá-linh là hình ảnh thu nhỏ của một tư tưởng của thế kỷ 20, tư tưởng đó là, cá nhân chỉ là tài sản của nhà nước. Đàng sau Bức tường, chính quyền Đông Đức chỉ thị người dân phải sống ở đâu, làm việc chỗ nào, sản vật nào được sử dụng, nỗi vui và sự giải trí nào được cho phép. Nhà nước quyết định người dân được đọc những gì, xem những gì, và nói những gì. Người dân không thể rời khỏi đất nước—dù là để thăm viếng hay ra đi vĩnh viễn—trừ phi điều đó phục vụ cho mục đích và quyền lợi của những chủ nhân chính trị.
Trong thế kỷ 19, một sự chiến thắng vĩ đại của chủ nghĩa tự do cổ điển là huỷ bỏ được một trong những sự giới hạn cổ đại về quyền của cá nhân trên đời sống, sự tự do, và tài sản chân chính của họ. Điều này bao gồm quyền tự do đi lại mà không bị chính quyền vô cớ ngăn cản hay kiểm soát.
Vào thuở xưa không những sự vận chuyển khó khăn đã hạn chế sự đi lại của người ta từ vùng này hay lục địa này sang vùng khác, mà còn cộng thêm với những chướng ngại vật về vật chất là những rào cản về thuế khoá, thuế cầu đường, thông hành, và chế độ nông nô khiến cho đại đa số người dân bị ràng buộc bởi đất đai do giai cấp đặc quyền chinh trị nắm giữ.
Những nhà kinh tế và tư tưởng tự do cổ điển của đầu thế kỷ 19 đã dùng lý luận để tháo gỡ những ràng buộc đó trên sự tự do của con người. Nguyên tắc chinh của lập luận này cho rằng con người có quyền sở hữu chính thân thể của mình. Nhà kinh tế học cổ điển John R. McCulloch đã trình bày như sau trong thập niên 1820:
Trong tất cả những loại tài sản mà con người có thể sở hữu, khả năng sử dụng trí tuệ cùng với sức lực của cơ thể là tài sản đặc thù của người đó; và đó là những điều y phải được hưởng thụ, nghĩa là để sử dụng, tuỳ theo ý thích…miễn hồ không làm hại tới ai và mang lại lợi ích lớn nhất cho người đó.
Một hệ luận của cái quyền tự làm chủ tâm trí và cơ thể của con người và sử dụng những cơ năng này trong việc phát huy những mục đích cá nhân và ôn hoà là cái quyền di chuyển đến những nơi mà người đó tin rằng sẽ cải thiện được đời sống của họ. Khi thế kỷ 19 tiến bước, những sự hạn chế tự do di chuyển dần được tháo gỡ. Sổ thông hành hầu như được huỷ bỏ trên những nước chính yếu ở Âu châu và Bắc Mỹ, và những rào cản pháp lý về di cư và nhập cư hầu như hoàn toàn bị huỷ bỏ tại những nước đó.
Hàng chục triệu người, vì hoàn cảnh cá nhân và sự tài trợ tư nhân, đã từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi tìm cơ hội cho đời sống tốt đẹp hơn ở những nước hay ở những lục địa theo ý họ. Sự tự do đi lại của con người tương ứng với sự tự do mậu dịch về hàng hoá và tư bản. Vào khoảng 60 triệu người đã lợi dụng được cơ hội của phong trào tự do di chuyển trong khoảng thời gian 1840 đến 1914, trước khi Đệ nhất Thế chiến bắt đầu; một nửa trong số 60 triệu người này đã đến Mỹ để bắt đầu một đời sống mới trong một xã hội tự do.
Những rào cản của tự do
Nhưng vì Đệ nhất Thế chiến, các chinh quyền lại áp dụng thông hành và những hạn chế khác đối với tự do di chuyển. Cùng với sự trỗi dậy của những ý thức hệ chuyên chế trong những năm sau Thế chiến I, tự do di chuyển bị huỷ bỏ. Chủ nghĩa cộng sản, phát-xít, và quốc-xã cùng hoạt động trên một tiền đề cho rằng cá nhân phải phục tùng, sống, và lao động nhằm thăng tiến quyền lợi của nhà nước. Giống như một “đồ vật” thuộc quyền sở hữu của chinh quyền, cá nhân phải ở yên một chỗ, hoặc bị cưỡng bách di chuyển đến nơi chốn nào đó dưới mệnh lệnh tàn bạo của quyền lực chinh trị.
Ngay cả bên ngoài những hệ thống toàn trị của thế kỷ 20, những hàng rào cản người nhập cư đã trở thành một luận cứ cho sự trỗi dậy và phát triển của những nhà nước phúc lợi và can thiệp hoạt động kinh tế. Khi chính quyền tác động đến đường hướng sản xuất, chịu trách nhiệm về cả số lượng và loại công việc trong xã hội, và là gia trưởng độc đoán trong việc tái phân phối tài sản và lợi tức hưu bổng, y tế, thất nghiệp, nhà cửa, và giáo dục, thì tất yếu rằng chính quyền đó sẽ quan tâm đến nhóm người nào hay những cá nhân nào được coi là “xứng đáng” được nhập cư vào nước đó.
Sự gia tăng và phát triển của nền kinh tế theo quy định, nói một cách khác, đã tạo ra luận cứ cho những rào cản tự do di dân; những bức tường pháp lý và chinh trị đó còn cao hơn Bức tường Bá-linh rất nhiều, ngăn cản người ta di chuyển một cách tự do và không bị hạch sách từ nơi này sang nơi khác trên thế giới. Cái sổ thông hành mà mỗi một người chúng ta bị bắt phải nộp đơn xin, mang theo người khi đi du lịch ngoài lãnh thổ quốc gia, và chúng ta phải xuất trình khi về lại, cho thấy rõ ràng rằng chúng ta, thực ra, là những thần dân ở dưới – chứ không phải công dân ở trên – cái quyền lực chinh trị đang kiểm soát chúng ta.
Kinh tế gia người Đức về thị trường tự do, Wilhelm Röpke, đã nói rằng:
Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa tập thể hiện đại đã, bởi vì hạn chế sự di trú, có lẽ đã gần trở thành “nhà nước nô lệ”…Con người hầu như không thể bị hạ thấp hơn như một cái bánh xe trong bộ máy đồng hồ của nhà nước quốc gia tập thể khi sự tự do di chuyển bị tước bỏ…Với cảm giác rằng bây giờ mình đã trở thành tài sản của quốc gia, cả hồn lẫn xác, chúng ta sẽ dễ dàng bị khuất phục trước nhà nước nông nô mà những chính quyền theo chủ nghĩa quốc gia và tập thể đòi hỏi.
Câu nói thế giới mỗi ngày càng trở nên nhỏ bé hơn đã thành một sáo ngữ. Những phương tiện giao thông toàn cầu cải thiện chất lượng và giảm thiểu thời gian du hành giữa bất kỳ khoảng cách nào trên thế giới. Kỹ thuật điện toán — mạng Internet và email — đã khiến cho hầu như mọi điều được viết, nói, hay chụp ảnh trở thành đơn giản và chuyển đi trong chớp mắt qua một cái nhấp chuột. Mạng lưới đang được mở rộng của thương mại, mậu dịch, và thị trường tiền tệ đang gia tăng biến thế giới trở thành một thị trường duy nhất cho thương mại và văn hoá.
Nhân ngày kỷ niệm lần thứ 25 Bức tường Bá-linh sụp đổ, chúng ta nên nhớ rằng Bức tường là biểu tượng của sự chuyên chế trong đó cá nhân được dán nhãn hiệu là tài sản của nhà nước. Con người không những chỉ bị kiểm soát mọi điều người đó làm và nói ngoài công cộng, mà mọi cử động đều bị nhòm ngó, chỉ huy hay hạn chế.
Tự do trong mọi hình thức—nói, viết, hội họp, và thờ phụng theo ý của mỗi người; theo đuổi bất cứ nghề nghiệp, hay hoạt động kinh doanh theo sở thích hay khi có cơ hội; và đi lại, thăm viếng, sinh sống và làm việc ở nơi mà những ước muốn dẫn họ mưu cầu một đời sống tốt đẹp hơn—là những điều quý giá.
Lịch sử của Bức tường Bá-linh và cái ý thức hệ tập thể chống lưng cho nó nhắc cho ta nhớ rằng sự mất mát bất kỳ một sự tự do nào cũng là điều hệ trọng khi chúng ta xác định hướng đi nào – hoặc là hướng về sự tự do cá nhân và doanh nghiệp tự do nhiều hơn, hoặc là để chính quyền chỉ huy và kiểm soát nhiều hơn – chúng ta muốn đất nước của chúng ta tiến bước trong thế kỷ 21.
Nông Duy Trường chuyển ngữ, 22 November 2019
© Học Viện Công Dân, 2019
Tác giả: Richard Ebeling
Tiến sĩ Richard Ebeling hiện đang là Giáo sư môn Đạo đức học và Lãnh đạo Doanh nghiệp Tự do tại Học viện The Citadel ở Charleston, South Carolina. Ông cũng là tác của những cuốn sách được xếp hạng “best-selling” về chính trị, tài chính và chính quyền. Ông được giải “Franz Cuhel Award for Excellence in Free Market Education” và “Liberty in Theory: Lifetime Award” cho những cống hiến trong lãnh vực thăng tiến Chủ nghĩa tự do cổ điển.
Nguồn: http://www.epictimes.com/11/16/2014/the-berlin-wall-and-the-spirit-of-freedom/
[1] Thành phố Bá-linh, thủ đô của Đức, nằm trong vùng kiểm soát của Liên Xô-viết, và sau này trở thành nước Đông Đức.