fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Các Khái niệm Chính của Chủ nghĩa Duy-Tự do

David Boaz

 

Những khái niệm chính của chủ nghĩa duy-tự do đã được phát triển qua nhiều thế kỷ. Ta có thể tìm thấy những dấu tích đã mờ nhạt này từ thời cổ Trung Hoa, Hy lạp, và Do thái; những khái niệm này được tiếp tục phát triển thành một thứ giống như triết lý duy-tự do hiện đại mà ta có thể thấy trong tác phẩm của những nhà tư tưởng thế kỷ 17 và 18 như John Locke, David Hume, Adam Smith, Thomas Jefferson và Thomas Paine.

Chủ nghĩa cá nhân. Những người theo duy-tự do coi cá nhân là đơn vị căn bản trong sự phân tích [hiện tượng] xã hội. Chỉ có cá nhân mới đưa ra những lựa chọn và chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Tư tưởng duy-tự do nhấn mạnh vào phẩm giá của mỗi cá nhân, điều này dẫn đến quyền và trách nhiệm cá nhân. Sự mở rộng dần dần phẫm giá cho nhiều người hơn—phụ nữ, những người theo tôn giáo khác, chủng tộc khác—là một trong những chiến thắng vĩ đại của chủ nghĩa duy-tự do trong thế giới phương Tây.

Quyền cá nhân. Vì các cá nhân là những tác nhân đạo đức nên họ có quyền được bảo đảm quyền sống, sự tự do và tài sản của họ. Những quyền này không đượcchính quyền hay xã hội ban cho; chúng vốn có trong bản chất của con người. Theo trực giác thì đúng là như vậy, các cá nhân được hưởng sự bảo đảm về các quyền đó; gánh nặng giải thích nên thuộc về những người sẽ tước bỏ những quyền này.

Trật tự tự phát. Một mức độ trật tự cao trong xã hội là cần thiết cho các cá nhân để tồn tại và phát triển thịnh vượng. Thật dễ dàng để cho rằng trật tự phải được áp đặt bởi một cơ quan trung ương, cách chúng ta áp đặt trật tự lên một bộ sưu tập tem hoặc một đội bóng đá. [Tuy nhiên,] cái nhìn sâu sắc của phân tích xã hội theo chủ nghĩaduy- tự do cho thấy trật tự trong xã hội phát sinh một cách tự phát, từ hành động của hàng ngàn hoặc hàng triệu cá nhân phối hợp hành động của họ với người khác nhằm đạt được mục đích của mình. Trong lịch sử loài người, chúng ta đã dần dần chọn ;ựa có sự tự do hơn nhưng vẫn cố gắng phát triển một xã hội có sự tổ chức phức tạp. Các định chế quan trọng nhất trong xã hội loài người—ngôn ngữ, luật pháp, tiền tệ và thị trường—tất cả đều phát triển một cách tự phát, không có sự chỉ đạo tập trung. Xã hội dân sự—mạng lưới phức tạp của các hiệp hội và kết nối giữa con người—là một ví dụ khác về trật tự tự phát; các hiệp hội trong xã hội dân sự được thành lập vì một mục đích, nhưng bản thân xã hội dân sự không phải là một tổ chức và không có mục đích riêng của nó.

Tinh thần Pháp trị. Chủ nghĩa duy-tự do không phải là chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa hưởng lạc. Đó không phải là một tuyên bố rằng “mọi người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và không ai khác có thể nói bất cứ điều gì.” Đúng hơn, chủ nghĩa duy-tự do đề xuất một xã hội tự do theo pháp luật, trong đó các cá nhân được tự do theo đuổi cuộc sống riêng của họ miễn là họ tôn trọng quyền bình đẳng của người khác. Pháp trị có nghĩa là các cá nhân bị chi phối bởi những nguyên tắc có thể áp dụng chung và tự phát phát triển các quy định pháp luật chứ không phải bằng mệnh lệnh tùy tiện; và rằng những quy tắc đó sẽ bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân theo đuổi hạnh phúc theo cách riêng của họ, không nhắm đến kết quả cụ thể nào.

Chính quyền hạn chế. Để bảo vệ các quyền, cá nhân thành lập chính quyền. Nhưng chính quyền là một định chế nguy hiểm. Những người theo chủ nghĩa duy-tự do có ác cảm lớn với sự tập trungquyền lực, vì như Lord Acton đã nói, “Quyền lực có xu hướng làm tha hóa và quyền lực tuyệt đối đưa đến tha hoá tuyệt đối.” Vì vậy họ muốn phân chia và hạn chế quyền lực, và điều đó có nghĩa đặc biệt để hạn chế chính quyền, nói chung thông qua một hiến pháp bằng văn bản liệt kê và giới hạn quyền lực mà nhân dân giao cho chính quyền. Chính quyền hạn chế là ý nghĩa chính trị căn bản của chủ nghĩa duy-tự do, và những người theo chủ nghĩa duy-tự do chỉ ra sự thật lịch sử rằng đó là sự phân tán quyền lực ở châu Âu—nhiều hơn các nơi khác trên thế giới—dẫn đến tự do cá nhân và duy trì sự tăng trưởng kinh tế.

Thị trường tự do. Để tồn tại và phát triển, các cá nhân cần phải tham gia vào các hoạt động kinh tế. Quyền tài sản bao gồm quyền trao đổi tài sản theo thoả thuận giữa các bên. Thị trường tự do là hệ thống kinh tế của các cá nhân tự do, và thị trường là điều cần thiết để tạo ra của cải. Những người theo chủ nghĩa duy-tự do tin rằng mọi người sẽ vừa tự do hơn vừa, hơn thế nữa, thịnh vượng hơn nếu sự can thiệp của chính quyền vào các lựa chọn kinh tế của người dân được giảm thiểu tối đa.

Đức hạnh của sự sản xuất. Phần lớn động lực cho chủ nghĩa duy-tự do ở thế kỷ thứ mười bảy là một phản ứng chống lại các vua chúa và quý tộc sống nhờ vào sức lao động sản xuất của người khác. Những người theo chủ nghĩa duy-tự do bảo vệ quyền của người dân được giữ thành quả lao động của họ. Nỗ lực này đã phát triển thành sự tôn trọng phẩm giá của công việc và sản xuất và đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, những người bị coi thường bởi giới quý tộc. Những người theo chủ nghĩa duy-tự do đã phát triển một phân tích giai cấp tiền Marxist phân chia xã hội thành hai giai cấp cơ bản: những người tạo ra của cải và những người dùng vũ lực tước đoạt những của cải này. Chẳng hạn, Thomas Paine đã viết: “Có hai tầng lớp riêng biệt trong quốc gia, những người nộp thuế và những người nhận và sống nhờ tiền thuế.” Tương tự như vậy, Jefferson đã viết vào năm 1824, “Chúng ta có nhiều bộ máy chính quyền hơn mức cần thiết, quá nhiều ký sinh trùng sống trên sức lao động của người cần mẫn làm việc.” Những người theo chủ nghĩa duy-tự do hiện đại bảo vệ quyền của những người sản xuất được giữ những gì họ kiếm được, chống lại một tầng lớp mới các chính trị gia và các quan chức mà sẽ tịch thu thu nhập của họ để chuyển chúng cho những người không làm ra của cải.

Sự hài hòa tự nhiên của lợi ích. Những người theo chủ nghĩaduy- tự do tin rằng có một sự hài hoà tự nhiên về quyền lợi giữa những người yêu hoà bình, có năng suất lao động trong một xã hội công bằng. Kế hoạch cá nhân của một người—có thể liên quan đến việc kiếm việc làm, khởi nghiệp kinh doanh, mua nhà, v.v. — có thể xung đột với kế hoạch của người khác, vì vậy thị trường khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi kế hoạch của mình. Nhưng tất cả chúng ta đều phát đạt nhờ hoạt động của thị trường tự do, và không cần phải xảy ra xung đột giữa nông dân và thương nhân, giữa nhà sản xuất và nhà nhập cảng. Chỉ khi chính quyền bắt đầu trao phần thưởng trên cơ sở áp lực chính trị thì chúng ta mới thấy mình dính líu đến xung đột phe nhóm, bị thúc đẩy phải tổ chức và tranh giành với các nhóm khác để giành một phần quyền lực chính trị.

Hoà bình. NHững người theo chủ nghĩa duy-tự do luôn luốn đấu tranh chống lại hiểm hoạ lâu đời của chiến tranh. Họ hiểu rằng chiến tranh mang lại chết chóc và huỷ diệt trên diện rộng, làm đổ vỡ gia đình và đời sống kinh tế, và trao thêm quyền lực cho giai cấp cai trị—điều này có lẽ giải thích tại sao những người cai trị không chia sẻ tình cảm mong muốn hoà bình của người dân. Những người tự do, nam cũng như nữ, đã thường phải bảo vệ xã hội của họ chống lại sự đe doạ từ bên ngoài, nhưng trong suốt lịch sử, chiến tranh vẫn thường là kẻ thù chung của những người yêu cần mẫn làm ăn và yêuchuộng hoà bình trên mọi phía của cuộc xung đột.

… Có lẽ đây là lúc thích hợp để nhìn nhận rằng độc giả rất có thể nghi ngờ rằng chủ nghĩa duy-tự do chỉ là một mô hình tiêu chuẩn của những tư tưởng hiện đại—chủ nghĩa cá nhân, tài sản tư, chủ nghĩa tư bản, bình đẳng trước pháp luật. Thực ra, sau nhiều thế kỷ đấu tranh trí tuệ, chính trị và đôi khi bạo lực, những nguyên lý cốt lõi của chủ nghĩa duy-tự do đã trờ thành cấu trúc căn bản của tư tưởng chính trị hiện đại và của chính quyền hiện đại, ít nhât là ở Tây phươg và đang gia tang tại các nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, cần phải nêu thêm ba điểm: thứ nhất, chủ nghĩa duy-tự do không chỉ là những nguyên tắc tự do tổng quát này. Chủ nghĩa duy-tự do áp dụng những nguyên tắc này một cách đầy đủ và nhất quán, hơn nhiều so với hầu hết các nhà tư tưởng hiện đại và chắc chắn hơn bất kỳ chính quyền hiện đại nào. Thứ hai, trong khi xã hội của chúng ta nhìn chung vẫn dựa trên quyền bình đẳng và Chủ nghĩa tư bản, mỗi ngày đều có những ngoại lệ mới đối với những nguyên tắc đó được tạo ra ở Washington và ở Albany, Sacramento và Austin[1] (chưa kể London, Bonn, Tokyo và ở nơi khác). Mỗi chỉ thị mới của chính quyền lấy đi một chút tự do của chúng ta và chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận trước khi từ bỏ bất kỳ quyền tự do nào. Thứ ba, xã hội tự do vốn có tính đàn hồi, có thể chịu đựng được nhiều gánh năng mà vẫn phát triển, nhưng sức đàn hồi đó không phải là vô tận. Những người tuyên bố rằng họ tin vào các nguyên tắc tự do nhưng lại càng ngày càng cổ võ cho việc tịch thu của cải do những người cần mẫn sản xuất ra, càng ngày càng giới hạn những sự tương tác tự nguyện, càng ngày càng có những ngoại lệ cho quyền sở hữu và pháp trị, càng ngày càng chuyển giao quyền lực từ xã hội sang cho nhà nước, vô hình trung tham gia vào sự phá hoại chí tử nền văn minh của chúng ta./.

Nông Duy Trường  chuyển ngữ

©Học Viện Công Dân, January 2024

 

Bài này trích từ Chương 1, “Thời đại Tự do Sắp tới,” Chủ nghĩa Duy-tự do: Sách Khai tâm, tác giả David Boaz (New York: The Free Press, 1998). See also www.libertarianism.org.

David Boaz là Phó chủ tịch điều hành của Viện Cato.

Nguồn: https://www.cato.org/commentary/key-concepts-libertarianism#

[1] Albany là thủ đô của tiểu bang New York, Sacramento là thủ đô của tiểu bang Clifonia, và Austin là thủ đô của tiểu bang Texas.