fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Các Lý tưởng của Chính thể Chuyên chế

James Peron 

Thành tựu về Bình đẳng Đòi hỏi Xóa bỏ Tự do

Chủ nghĩa xã hội, cùng với các phong trào khác dựa trên chủ nghĩa bình đẳng, thường được nâng lên như một lý tưởng đạo đức. Nhiều người cho rằng xu hướng tiến đến “sự bình đẳng” là điều rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, người ta thường thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội, mặc dù dựa trên một nguyên tắc đạo đức, đã thất bại vì nó đã sử dụng phương tiện phi đạo đức để đạt được cứu cánh.

Nhưng vấn đề là các phương pháp thực hiện những lý tưởng xã hội chủ nghĩa vốn có trong những lý tưởng đó. Bình đẳng, chính cái nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội mà rất nhiều người đưa ra như là đức hạnh cao nhất của nó, chắc chắn sẽ dẫn đến chế độ độc tài. Cựu lí luận gia Marxist David Horowitz nói rằng “các quyền vẫn thường được tuyên bố trước đây trong các luận thuyết của cánh Tả là [những điều] tự mâu thuẫn và tự chuốc lấy thất bại.” Các thành tựu của sự bình đẳng đòi hỏi phải xóa bỏ tự do. Horowitz viết: “Chế độ công bằng xã hội mà cánh Tả mơ ước là một chế độ, do chính bản chất của nó, phải bóp nát tự do cá nhân. Nó không phải là vấn đề về sự lựa chọn phương tiện chính trị đúng (mà vẫn tránh phương tiện chính trị sai) để đạt được cứu cánh mong muốn. [Bởi vì] các phương tiện được bao hàm trong cứu cánh. [Hay trong cứu cánh vốn có các phương tiện rồi.] Các cuộc cách mạng của cánh tả phải bóp nát tự do để đạt được “công bằng xã hội” mà nó mưu cầu. Do đó, đạt được ngay cả cứu cánh ấy là điều bất khả thi. Đây là vòng tròn độc tài toàn trị mà chẳng thể điều chỉnh thành hình vuông được. Chủ nghĩa xã hội không phải là bánh mì mà không có tự do; nó chẳng phải tự do cũng chẳng phải bánh mì.”

Các tính chất hủy diệt của chủ nghĩa xã hội là kết quả của sự mong muốn của nó về sự bình đẳng. Không khó để hiểu được những lý do của điều đó. Trong ‘Hiến pháp về Tự do’, F. A. Hayek[1] đã viết, “Có một điều không đúng sự thật rằng con người được sinh ra bình đẳng; . . . nếu chúng ta đối xử với họ như nhau, kết quả phải là bất bình đẳng ở các địa vị thực tế của họ; . . . [do đó] cách duy nhất để đặt họ ở địa vị bình đẳng sẽ là đối xử với họ một cách khác nhau. Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về vật chất, do đó, không chỉ khác nhau, mà còn mâu thuẫn với nhau nữa.”

Trong thiên hạ có những người với những mức độ thông minh khác nhau, bên cạnh những mức độ khác nhau về học vấn và khả năng. Không phải ai cũng có thể là một nhà vật lý hạt nhân hoặc một bác sĩ y khoa. Và dù sự học có nhiều bao nhiêu cũng không thay đổi được điều đó. Vậy thì làm thế nào để chúng ta đạt được sự bình đẳng về kết quả nếu đó là mục tiêu của chúng ta? Phương pháp duy nhất còn lại là kéo những người tài giỏi nhất xuống. Những người thông minh, do đó, trở thành nạn nhân của bạo lực đám đông kém thông minh nhất trong xã hội. Đây là lý do tại sao Mao có Cách mạng Văn hóa của ông ta. Đây là lý do tại sao Pol Pot đã tấn công những người có học vấn. Đây là lý do tại sao Robert Mugabe ở Zimbabwe đã nhằm vào các chuyên gia da đen và nông dân thương mại da trắng.

Nhà xã hội học Robert Nisbet lý giải rằng chủ nghĩa bình đẳng là học thuyết căn bản của phong trào chính trị cách mạng. Hơn bất kỳ giá trị nào khác, sự bình đẳng là động cơ chính yếu của chủ nghĩa cực đoan. Không có giá trị nào khác phục vụ một cách hiệu quả như vậy trong việc phân biệt giữa các ý thức hệ khác nhau của hiện tại lẫn của hai thế kỷ đã qua. Thái độ của một người đối với sự bình đẳng trong mớ phức tạp bao gồm những hàng hóa xã hội, văn hóa và kinh tế cho chúng ta thấy [một cách chính xác] gần như hoàn hảo rằng người đó theo phái cấp tiến, tự do (cổ điển), hay bảo thủ.

Mối bận tâm với sự bình đẳng đã thực sự là một biểu hiện thường xuyên của những người cấp tiến ở phương Tây trong một thời gian dài. Niềm say mê sự bình đẳng mà thoạt đầu rất mạnh mẽ vào thời điểm của Cách mạng Thanh giáo là một biểu hiện quan trọng của mỗi cuộc cách mạng lớn ở phương Tây (trường hợp cuộc cách mạng của Mỹ có thể được coi là một ngoại lệ với nhiều điều pha trộn), và sự say mê này đã mang theo nó một sự thôi thúc đã kéo dài hàng thiên niên kỷ trong lòng những người sùng tín niềm say mê ấy hơn [những người say mê khác] dẫn họ tới hành động phá hoại, lật đổ, và hủy diệt bất cứ xã hội nào mà họ thấy có sự bất bình đẳng.

Một xã hội tự do sẽ không thể là một xã hội bình đẳng. Một khi con người được tự do, những lựa chọn mà họ chắc chắn thực hiện sẽ làm thay đổi mức độ giàu có của họ. Thậm chí nếu chúng ta có thể tái phân phối tất cả sự giàu có một cách bình đẳng, một khi bàn tay sắt của sự điều khiển tập trung đã được gỡ bỏ, sự bất bình đẳng sẽ ngay lập tức sinh ra. Hãy tưởng tượng một xã hội hoàn toàn bình đẳng về sự giàu có nhưng đó là nơi mà tất cả mọi người được tự do đưa ra quyết định liên quan đến cuộc sống riêng của họ. Nếu sự giàu có [của mọi người] là như nhau vào lúc 8 giờ sáng, thì nó sẽ trở nên không như nhau vào lúc 8 giờ 1 phút sáng. Một số cá nhân sẽ tiêu tiền của họ, trong khi những người khác sẽ đầu tư nó. Một số sẽ đánh bạc với nó hay mua bánh ngọt. Những người khác sẽ mua lại các dụng cụ để làm việc hoặc trả tiền cho giáo dục, đào tạo. Mỗi sự lựa chọn có nghĩa là phân phối của cải sẽ trở nên dần dần bất bình đẳng hơn. Cách duy nhất để ngăn điều này xảy ra là tước quyền của cá nhân trong việc ra quyết định cho chính mình. Sự hủy diệt tự do là phương pháp duy nhất để thực hiện sự bình đẳng về kết quả.

Vì vậy, mỗi xã hội bình đẳng cuối cùng phải dựa vào cưỡng chế và độc tài để đạt được các mục tiêu của nó. Một số xã hội độc tài ôn hòa hơn những xã hội khác, nhưng phương pháp luôn luôn giữ nguyên. Ngay cả những nhà nước phúc lợi ôn hòa nhất cũng cần đến những chính sách tái phân phối [một cách] cưỡng chế mang tính hệ thống và liên tục.

Chủ nghĩa xã hội dân chủ

Chủ nghĩa xã hội dân chủ không là ngoại lệ. Trong một bài báo cho tạp chí Free Inquiry, số mùa thu 1989, Giáo sư Kai Nielsen đã đưa ra luận điểm rằng trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, “quyền lực và sức mạnh được chia sẻ.” Mọi người đều có cơ hội bình đẳng, ít nhất là theo nghĩa “một người, một phiếu bầu.” Kết quả là, ông nói, “tạo ra sự bình đẳng lớn hơn về điều kiện.” Nhưng điều này là không đúng. Thiểu số hầu như không được hưởng lợi từ một biểu quyết của đa số. Điều này đúng cho người da đen ở miền Nam Hoa Kỳ thời luật Jim Crow còn được áp dụng[2] và cũng đúng như vậy vào ngày hôm nay cho người da trắng ở Zimbabwe. Ít nhất dưới chủ nghĩa tư bản, một số doanh nhân “tham lam” sẵn sàng bán cho tôi những hàng hoá tôi cần. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội dân chủ, tôi phải thuyết phục đa số đồng bào mình về tính hữu ích của việc đáp ứng nhu cầu hoặc mong muốn của tôi. Khơi gợi những mong muốn ích kỷ của một doanh nhân “tham lam” dễ dàng hơn nhiều so với khơi gợi các xung động vị tha của phần đông dân chúng.

Nielsen cho rằng “một xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ bình đẳng hơn so với một xã hội tư bản chủ nghĩa,” và tôi nghi ngờ rằng ông đúng. Nhưng có hai cách để tạo ra một xã hội bình đẳng. Một là nâng tất cả mọi người lên đến mức cao nhất; hai là hạ tất cả mọi người xuống đến mức thấp nhất. Cách thứ nhất đã chứng minh là khá khó nắm bắt, trong khi cách thứ hai có vẻ dễ đạt được hơn nhiều. Các chương trình Chia Sẻ-sự-Giàu Có (Share-the-Wealth) chắc chắn cuối cùng ở thành kế hoạch Chia Sẻ-sự-Nghèo Khó (Share-the-Poverty).

Những người chống chủ nghĩa tư bản nói rằng thực tế thị trường tự do sản xuất ra những phần thưởng bất bình đẳng chứng tỏ nó kém cỏi-nếu không muốn nói là xấu xa. Nhưng trong một xã hội mà sự tự do tư tưởng được cho phép, một số người sẽ tư duy hiệu quả hơn và hợp lý hơn một số người khác. Liệu khả năng tư duy không đồng đều có là điều sai lầm hơn so với khả năng kinh tế không đồng đều hay không? Là một vấn đề của thực tế, phần lớn các bất bình đẳng về sự giàu có là do sự bất bình đẳng về khả năng tư duy. Mỗi người đều có quyền bình đẳng để suy nghĩ, và quyền bình đẳng để lao động, nhưng chúng ta không thể đảm bảo một kết quả như nhau mà không hạ khả năng của những người tài giỏi nhất xuống các tiêu chuẩn của những người kém cỏi nhất.

Những người xã hội chủ nghĩa quá giảo hoạt khi biện giải qua loa những cách thức mà chủ nghĩa xã hội hạn chế tự do cá nhân. Nielsen viết: “Chủ nghĩa xã hội cấm những hành vi tư bản chủ nghĩa-hay ít nhất là hầu hết những hành vi tư bản chủ nghĩa-giữa những người trưởng thành có sự đồng thuận. Mà điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là nó hạn chế mua và bán. Nó chẳng nói gì cả về các quyền tự do thực sự thiết yếu, ấy là, các quyền tự do dân sự, như tự do ngôn luận, tư do bầu cử, tự do hành động, hay tự do lương tâm, và các quyền tự do tương tự.”

Việc sử dụng từ “đơn giản” trong đoạn trên là xúc phạm. Bạn được nói rằng bạn có tự do ngôn luận nhưng không phải là tự do mua và bán. Các phương tiện sản xuất chủ yếu sẽ nằm trong tay nhà nước. Bạn có thể nói những gì bạn muốn, nhưng bạn phải đến cơ quan nhà nước để mua giấy, mực in, và báo in mà bạn cần để phổ biến những suy nghĩ của bạn cho người khác. Bạn có quyền tự do đi lại nhưng có lẽ qua một hãng hàng không, đường sắt, hoặc dịch vụ xe buýt của nhà nước và rồi chỉ khi nó không xung đột với một số kế hoạch tập trung được quyết định một cách dân chủ. Bạn sẽ được tự do thực hiện các quyền tự do dân sự của bạn miễn là bạn không sử dụng các nguồn lực để làm như vậy. Nếu bạn sử dụng các nguồn lực thì bạn phải đến cơ quan nhà nước để xin phép.

Thậm chí trong một xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ, sự thực hiện các quyền về phương diện vật chất là cần thiết, nhưng nguồn lực vật chất nằm trong tay nhà nước. Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ dường như tin rằng con người là những linh hồn tách rời thể xác, những người có thể đạt được “những giá trị cao hơn” của họ trong một thế giới phi vật thể. Trong mọi xã hội tư bản chủ nghĩa, báo chí, tờ rơi, và sách vở xã hội chủ nghĩa có rất nhiều. Dưới chủ nghĩa tư bản, một người xã hội chủ nghĩa không buộc phải có được sự đồng ý của đa số để xuất bản chương trình nghị sự của mình. Điều này không đúng đối với những người tư bản chủ nghĩa, và những người bất đồng chính kiến khác, trong thiên đường xã hội chủ nghĩa.

“Nhng sự tự do thiết yếu”

Giáo sư Nielsen cũng lộ ra sự bất bình đẳng vốn có của chủ nghĩa xã hội khi ông nói rằng mọi người vẫn có thể thực hiện “các quyền tự do thực sự thiết yếu.” Ông không nói câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng nhưng không được hỏi, đó là: thiết yếu cho ai? Giống như những người xã hội chủ nghĩa ở khắp mọi nơi, Nielsen cho chúng ta biết rằng một số quyền tự do quan trọng hơn các quyền tự do khác, và ông cùng những người xã hội chủ nghĩa cùng hội cùng thuyền sẽ quyết định cho chúng ta các quyền tự do nào là thực sự quan trọng. Nhưng nếu bạn không đồng ý với Nielsen? Chẳng hạn như nếu bạn nghĩ rằng quyền bán sức lao động của bạn quan trọng hơn quyền tự do ngôn luận?

Nielsen đã trả lời câu hỏi đó: “Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ai có thể mua và bán sức lao động.” Bởi vì ông giáo sư không coi trọng quyền bán sức lao động, bạn sẽ bị cấm bán sức lao động của mình bất chấp là bạn muốn bán. Nielsen có được quyền bất bình đẳng để áp đặt hệ thống giá trị của mình lên bạn. Xã hội của ông sẽ là xã hội mà bạn phải coi trọng các quyền tự do “cạnh tranh” theo như mong muốn của ông. Chủ nghĩa bình đẳng xã hội chủ nghĩa sớm trôi vào cơn ác mộng Orwell nơi “một số con vật được bình đẳng hơn những con vật khác.”

Sự bất bình đẳng vốn có của chủ nghĩa xã hội cũng được bộc lộ khi Nielsen nói với chúng ta: “Với hoạch định hợp lý [trong chủ nghĩa xã hội] hơn là hoạch định có thể có trong chủ nghĩa tư bản và với một nền kinh tế được cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của con người, chủ nghĩa xã hội có thể nâng cao phúc lợi của con người hơn chủ nghĩa tư bản.” Nhưng để có “hoạch định hợp lý” và một nền kinh tế “được cơ cấu,” phải có ai đó hoạch định và cấu trúc. Ai sẽ có quyền đó? Và sẽ thế nào nếu bạn không muốn “được hoạch định” và “được cơ cấu” theo ý tưởng tuỳ tiện của một ai đó?

Những người xã hội chủ nghĩa cho chúng ta biết rằng dưới chủ nghĩa tư bản, có hai giai cấp: những nhà tư bản và những người lao động. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội cũng có hai giai cấp: các nhà hoạch định và những người được hoạch định. Dưới chủ nghĩa tư bản, các nhà tư bản cạnh tranh cố gắng mua sức lao động của bạn, và bạn có quyền lựa chọn một trong số họ để làm việc cho. Và nếu bạn không thích bất cứ ai trong số họ, bạn có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Dưới chủ nghĩa xã hội, có một người chủ, và bạn không có sự lựa chọn. “Sự lựa chọn” duy nhất mà bạn có dưới chủ nghĩa xã hội là sống theo các giá trị của những người xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế, chúng ta thậm chí không thể dùng từ “sự lựa chọn” trong bối cảnh này vì một sự lựa chọn đòi hỏi phải có nhiều con đường, và phải có sự tự do để lựa chọn trong số chúng.

Trong một xã hội tự do, không ai hành động để ngăn cản những người xã hội chủ nghĩa thiết lập xã hội “lý tưởng” của mình. Nhưng trong thế giới của Nielsen, những người xã hội chủ nghĩa sẽ ngăn cản những người tự do chủ nghĩa thiết lập xã hội của họ. Nói cách khác, không có sự bình đẳng về quyền dưới chủ nghĩa xã hội. Những người xã hội chủ nghĩa, giống như tất cả những kẻ độc tài, cuối cùng kết thúc với việc ban phát một quyền: quyền sống theo các giá trị, các mong muốn, và các kế hoạch của họ.

Kế hoạch tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội sẽ “được đạt đến một cách dân chủ”, Nielsen nói. Nhưng cách thức làm sao mà điều này có thể được thực hiện lại bị lờ đi một cách hân hoan. Cũng bị lờ đi là câu hỏi cơ bản về lý do tại sao đa số có quyền hoạch định một cách dân chủ cuộc sống của bạn. Nếu đa số trong một xã hội xã hội chủ nghĩa dân chủ có quyền áp đặt ý chí của mình lên thiểu số chỉ đơn giản vì nó là đa số, thì trong tình huống cụ thể đó, đa số có các quyền mà thiểu số không có. Một lần nữa chúng ta phải đối mặt với sự bất bình đẳng về quyền, vậy mà những người xã hội chủ nghĩa nói với chúng ta rằng có chủ nghĩa bình đẳng dưới chủ nghĩa xã hội.

Giáo sư Nielsen kết thúc luận điểm với một lời kêu gọi cho quyền áp đặt các giá trị của ông. “Một cam kết tự chủ là một cam kết tự định hướng; những hạn chế lớn nhất sẽ là những hạn chế về tự do dân sự, nhưng chủ nghĩa xã hội không đề cập tới chúng. Chủ nghĩa xã hội đề cập tới sự tự do mua và bán, bao gồm cả mua và bán sức lao động. Điều này hầu như không ảnh hưởng đến những người sống cuộc sống tự định hướng, nhưng ngay cả khi nó ảnh hưởng, nó sẽ có nghĩa là đánh đổi sự tự do nhỏ hơn để lấy sự tự do lớn hơn.”

Tôi không đồng ý. Tôi không phân chia các quyền tự do của tôi thành “nhỏ hơn” hay “lớn hơn”. Tôi thấy tự do là bất khả phân. Giống như hầu hết những người xã hội chủ nghĩa, Nielsen không coi trọng tự do kinh tế. Vì vậy, nó là một sự tự do “nhỏ hơn”. Chủ nghĩa bình đẳng của ông có nghĩa là ông có thể đánh đổi các quyền tự do mà bạn và tôi coi trọng bởi vì ông không coi trọng các quyền tự do đó. Chúng ta sử dụng những tiêu chuẩn của ai để phân loại các quyền tự do của chúng ta? Chúng ta có quyết định điều này một cách dân chủ? Tự do dân sự có nên được quyết định bởi một cuộc bỏ phiếu của đám đông? Hay chúng ta lại quay về với Nielsen và các đồng nghiệp của ông và để họ quyết định cho chúng ta?

Khả năng sản xuất-đó là để lao động, vì có thể không có sản xuất mà không có lao động-phải được hoạch định cho một xã hội xã hội chủ nghĩa để còn là xã hội chủ nghĩa. Nếu các nhà hoạch định lập kế hoạch kinh tế hợp lý, họ phải có khả năng chỉ đạo lao động-điều này mâu thuẫn với sự tự do hành động mà Nielsen ca ngợi. Làm thế nào họ có thể hoạch định nền kinh tế nếu mọi người được tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình? Nếu các nhà hoạch định cần các kỹ sư, nhưng thay vào đó, mọi người muốn theo đuổi triết học, các nhà hoạch định sẽ cần sức mạnh để đóng cửa các lớp triết học và chuyển các giáo sư tương lai vào các khóa học kỹ thuật. Nếu họ không có sức mạnh đó, làm thế nào họ có thể hoạch định nền kinh tế? Nếu họ không có quyền lựa chọn các mưu cầu trí tuệ của chúng ta, vậy thì điều gì sẽ xảy ra với sự tự do tư tưởng? Sau hết, nền kinh tế phải được cơ cấu để đáp ứng “các nhu cầu của con người,” theo nghĩa tập thể, lại không phải là các nhu cầu của cá nhân.

Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội dân chủ bảo vệ các quyền tự do dân sự là một ảo tưởng chỉ có thể đạt được bằng họng súng. Lỗ hổng chết người trong chủ nghĩa xã hội có hai phần: thứ nhất, tính tự phụ vốn có trong mong muốn hoạch định cuộc sống của người khác; thứ hai, sức mạnh cần thiết để áp đặt hoạch định đó lên các đối tượng không chấp nhận sự áp đặt. Đây không phải là một công thức cho sự tự do mà cho chế độ độc tài. Những điều kinh hoàng bạo ngược đã được chứng kiến trong thế kỷ vừa qua dưới chế độ độc tài của các trí thức Mác-xít không trái với mục tiêu lý tưởng của họ. Các phương pháp và các mục tiêu được gắn với nhau một cách mật thiết. Thực tế độc tài là kết quả trực tiếp của những mục tiêu lý tưởng. Dù con người có thể ước muốn điều gì đi nữa, sự thật vẫn là, những người tự do sẽ không bao giờ bình đẳng và những người bình đẳng sẽ không bao giờ tự do.

Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Dec 2015

James Peron là chủ tịch của Viện Moorfield Storey, một học viện độc lập chuyên nghiên cứu về sự bình đẳng của các quyền trước phát luật, sự dung thứ xã hội và tự do dân sự. Peron viết cho rất nhiều tạp chí uy tín như Tạp chí Wall Street (ấn bản Âu châu), Reason, và Johannesburg Star. Peron còn là tác giả cuốn sách “Zimbabwe: Cái chết của một ước mơ,” và tiểu thuyết City Limits. Peron là biên tập viên cho hai website “Hôn nhân và Bình đẳng” và Storey Institute blog.

 

Nguồn: http://fee.org/freeman/the-ideals-of-tyranny/

 


[1] Frederick Hayek là một nhà kinh tế học, cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cổ điển bao gồm các quyền tự do dân sự, tự do chính trị, chính quyền dân chủ pháp trị, và tự do kinh tế. Ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1974.

[2] Luật Jim Crow là luật phân biệt chủng tộc của bảy tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ theo chế độ nô lệ (gồm có South Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Tezxas, và Louisiana). Luật này được đưa ra trong thời kỳ tái thiết hậu Nội chiến (1865) và kéo dài mãi tới 1965. Theo luật Jim Crow, người da đen được xem là “bình đẳng, nhưng phân biệt” (separate but equal)., họ không được đi chung xe công cộng, các công thự, và trường học công. (Jim Crow là một diễn viên da trắng giả làm da đen và nhại giọng cùng bộ điệu của người da đen trong những màn biểu diễn để chế giễu người da đen. Không hiểu vì sao từ Jim Crow được dùng để chỉ những đạo luật này).