fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Câu Chuyện Thiên Linh Chuỗi Trong Kinh Tế Thị Trường

Russell Roberts

Một hôm tôi có chuyện  phải đem mấy tờ hoá đơn cần thiết cho vụ khai thuế tới cho chuyên viên kế toán cuả tôi. Ông ta ở tận St. Louis, mà hạn chót khai thuế ngày 15 tháng Tư lại sắp tới rồi và mấy cái giấy tờ này mà để mất là có chuyện chứ không phải chơi. Để cho ông kế toán viên có dư thời giờ làm việc, tôi muốn xấp hoá đơn này được giao tới cửa nhà ông ta ngay buổi sáng hôm sau.

Vậy thì tôi phải làm gì? Toan tính đầu tiên của tôi là vọt lên một chuyến bay rồi tự tay giao phong bì cho ông kế toán viên là yên chí lớn nhất. Nhưng làm kiểu này thì mắc mỏ quá. Và lại tốn bao nhiêu là thời giờ.

Tôi đã chọn phương cách tốt đẹp thứ nhì. Tôi đi ngay ra phi trường kiếm một người hành khách cũng có việc đi St. Louis. Tôi giải thích cặn kẽ cho bà hiểu rằng chuyện đưa mấy tấm hóa đơn này cho kế toán viên của tôi ngay sáng ngày hôm sau là chuyện tối quan trọng. Cũng may, bà này coi có vẻ lịch sự tử tế. Bà nói rất sẵn lòng giúp tôi. Tôi dán kín phong bì thư lại, và bà ta hứa là sẽ không mở thư ra coi sau khi tôi rời khỏi phi trường.

Có lẽ tôi thật là ngây thơ. Có ngu lắm mới tin một người lạ, giao cho người ta một vật tối ư quan trọng đối với mình, nhưng mà bà đó có vẻ thực thà lắm cơ. Bà nhoẻn miệng cười hoài, nhưng đáng lẽ tôi phải nên hiểu là quân trộm cướp rành nghề cũng có thể học cách cười kiểu đó chứ.

Tôi cảm thấy hơi “lạnh cẳng” khi bà thú thật rằng chắc bà không thể tự mình đem giao lá thư đó được. Bà kẹt công chuyện suốt buổi sáng ngày hôm ấy. Nhưng bà hứa sẽ tìm người khác giao dùm tôi lá thư. Tôi chắc hơi ngây thơ, nhưng chưa tới nỗi ngu. Đưa thư từ kiểu này ớn quá. Tôi chẳng thể nào thấy được mặt mũi mấy người nào đó hứa sẽ giúp tôi? Làm sao mà biết họ có thành thật giống như bà này? Hay là ít nhất tôi nên nói chuyện với họ trên điện thọai?

Bà tử tế nói không sao đâu mà. Bà cam đoan mấy người này cũng tử tế giống bà vậy- loại người không bao giờ mở thư của người khác ra coi. Loại người không ăn cắp số thẻ tín dụng in trên mấy tờ hoá đơn của tôi. Loại người không vứt toẹt cái phong bì gửi gấm đi để khỏi mất công đem giao chi cho phiền phức. Thật đấy, bà  ta nói, mọi chuyện rồi sẽ êm ru. Vả lại, bà ấy cũng chẳng thể nào tiên đoán xác quyết ai trong số bạn quen của bà có thể giúp được nên tôi chỉ có cách ráng hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Chuyện kể nghe thật là điên, nhưng mà lúc đó tôi gấp gáp lắm rồi. Chẳng có cách nào khác để giao lá thư cho kịp. Tôi đã không có sự chọn lựa nào khác.

Tôi đưa tiền cho bà tử tế. Bà ấy chẳng chối từ. Không chừng bà đã từng làm chuyện này nhiều lần rồi.

Tôi ngủ ngon lành tối hôm đó. Tôi thường luôn tin rằng người ta nói chung ai cũng tốt cả.

Thế còn bạn thì sao? Bạn cảm thấy thế nào tối hôm đó, biết rằng cái phong bì tối quan trọng cho vận mệnh của bạn nằm trong tay những người lạ huơ lạ hoắc, những người bạn chưa hề gặp, những người mà bạn chẳng biết sự thành thật hay ẩu tả của họ ra làm sao.

Có lẽ tôi đã nên âu lo nhiều hơn thế. Tôi đưa cho bả bao nhiêu tiền nhỉ. Đưa rẻ mạt hơn cái giá đáng lẽ phải trả nếu tôi tự tay giao phong bì thư -19 đồng đô la. Bà ta đòi có bấy nhiêu thôi mà. Thật ra, nếu bà thực sự giữ lời hứa và giao phong bì thư tận tay ông kế toán viên, chắc là tôi lại có một câu chuyện để kể suốt đời, đấy.

Thật ra, tôi đã không nghĩ đi nghĩ lại chút nào cả. Tôi  đặt lòng tin nơi người đàn bà xa lạ gặp ở phi trường đó. Tôi chưa hề gặp bà ta bao giờ trong đời. Nhưng tôi cảm thấy một cách nào đó, bà ta đã khiến tôi tin.

Mà bà ấy làm thiệt. Tôi gọi ông kế toán viên của tôi ngay sáng hôm sau, đúng ngay tróc, ông ấy nhận đưọc thư của tôi vài phút truớc 10 giờ sáng.

Phép lạ ư? Một điều may mắn cho tôi chăng? Hay là một bài học có nguy cơ khiến tôi trở  thành một kẻ ngây thơ tin tuởng ở những người lạ?

Chẳng điều nào đúng cả… Lòng tin của tôi chẳng phải là một phép lạ, hay là một điều may mắn lạ lùng. Và tôi cũng chẳng ngây thơ như bạn nghĩ đâu.

Cái người lạ mà tôi tin tuởng  trao hết những bí mật tài chánh của tôi đang đứng đằng sau một quầy hàng của công ty FedEx[1] và mặc đồng phục của công ty.

Việc bạn cần, được làm xong một cái rụp, phải không? Bạn đi vô một chi nhánh FedEx, đưa 19 đồng cho một người bạn chưa từng gặp, xong rồi khơi khơi bưóc ra với một cõi lòng phơi phới không lo lắng, biết rằng món đồ của bạn sẽ được chuyển tới nơi vào 10 giờ sáng ngày hôm sau.

Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng người đàn bà đứng đằng sau quầy hàng ấy có thể mở phong bì thư ra để biết tôi gửi những gì  trong đó hay để táy máy xem cho vui. Tôi đã không hề lo ngại rằng bất cứ ông nào, bà nào đụng tay vào cái phong bì  ấy cũng có thể mở ra xem. Tôi đã không lo rằng cả đống người có cơ  hội đụng vào cái phong bì thư của tôi sẽ xăm xoi coi vật bên trong có đáng để ăn trộm không.

Tôi cũng không hề âu lo một giây nào rằng một trong những người có cơ hội cầm vào cái phong bì thư của tôi có thể cho rằng đem giao nó tận tay thì thật là phiền phức quá, vứt  quách đi là xong.

Toàn là những người lạ hoắc tôi chưa bao giờ gặp. Biết dùng chữ nào xác đáng nhất để diễn tả sự hồn nhiên không chút âu lo của tôi? Sự tin tưởng? Niềm tin? Tín nhiệm? Không hiểu nguồn cơn sự yên chí lớn của tôi phát khởi từ đâu khi tôi bỏ lại sau lưng cái phong bì thư đó?

Chẳng phải là sự tin tưởng. Một lô người nối hàng dài chuyền tay nhau cái phong bì thư của tôi, và không có cách nào phỏng vấn từng người để coi họ có đáng tin hay không. Vậy làm sao mà tôi có thể tin tưởng họ được? Tôi chưa bao giờ thấy mặt mấy người đó. Và cũng sẽ chẳng bao giờ gặp họ. Người đàn bà đứng sau quầy hàng trông có vẻ tử tế. Tôi đã phần nào cảm thấy tin đưọc bà ấy. Nhưng thật là sai lầm nếu dùng chữ “tin tưởng” ấy để nói về những người đồng nghiệp của bà đã đem giao phong bì thư của tôi tới St. Louis một cách an toàn. Tôi không thể nói rằng tôi đã tin tưởng những người ấy. Tôi đã chẳng mảy may biết gì về họ.

Vậy thì dựa vào niềm tin? Nghe có vẻ mơ hồ quá. Nói dựa vào niềm tin chẳng qua là bạn đã từng dùng dịch vụ FedEx và biết chắc rằng công ty này luôn luôn làm tròn nhiệm vụ giao phó. Có một chút niềm tin theo kiểu này. Nhưng mà tôi cũng đã không hề âu lo ngay lần đầu tiên tôi dùng dịch vụ FedEx cơ mà.

Tín nhiệm có lẽ là chữ dùng đúng nhất. Sự tín nhiệm này đến từ sự thông hiểu thế nào là sự phân công trong một nền kinh tế thị trường. Ông Hayek gọi đó là một sự nối dài mối dây hợp tác giữa người với người trong xã hội.

Bạn có thể thấy nền kinh tế thị trường hữu hiệu thế nào nếu bạn thử  so sánh đối chiếu FedEx với một hệ thống làm việc khác, như kiểu bạn tìm một người lạ hoắc lạ huơ ở phi trường, coi bộ dạng khá thành thật, đứng đâu đó gần cổng vào sân bay trên đường đi St Louis. Đây, nói với người lạ ấy. Cầm lấy tiền đây và phong bì thư này. Và đừng có lo lắng gì cả nếu ông/bà cần có người khác tiếp tay để có thể giao phong bì thư này vào mấy dặm cuối chót. Cứ đem phong thư đến một phần đường thôi, rồi đưa thư và chút tiền cho người kế tiếp, tin tưởng rằng  mỗi người kế  tiếp đều hứa sẽ giữ hệ thống dây chuyền ấy không gián đoạn.

Ai dám cho rằng sự tín nhiệm liều mạng này sẽ thành công?

Vậy thì FedEx có gì đặc biệt khác các hệ thống khác? Nhìn ở bề mặt phiếm diện thì chẳng có gì khác cả. Tôi mong và  tin rằng một cách nào đó, đám người lạ ấy sẽ giữ lời hứa và đem giao phong bì thư giùm tôi. Nhưng thực tế lại khác hẳn.

Khi  tôi dùng dịch vụ FedEx, đám người lạ ấy sẽ chịu hậu quả nếu họ không giữ lời hứa với tôi. Có sự kiểm soát vòng tròn thưởng người làm tốt và phạt kẻ dối trá hay thất bại không làm xong việc. Sự kiểm soát vòng tròn này khiến mọi người đều có trách nhiệm về việc mình làm.

FedEx luôn muốn mướn những người thành thật dễ mến, những người thường cười vui vẻ khi bạn nói chuyện với họ. FedEx đuổi những người ăn cắp hay là cứ làm mất hàng do khách gửi hoài. Hệ thống FedEx đề  cao và  tưởng thưởng những người làm việc giỏi. Và sao mà FedEx cố gắng quá mức vậy? Một trong những lý do là họ muốn giữ danh tiếng của công ty. Nhưng tại sao FedEx phải cố sức giữ gìn danh tiếng của công ty làm gì? Cạnh tranh là một trong nhiều câu trả lời. Nhưng mà còn nhiều câu trả lời khác hơn thế nữa.

Dù FedEx có những biện pháp kiểm soát khiến cho nhân viên của họ phải thành thật, những biện pháp này chỉ có hiệu quả tốt nhất khi người ta cảm thấy tội lỗi khi ăn cắp hoặc lười biếng. Như thế, liệu có phải chế độ tư bản hoạt động tốt nhất khi con người thực thà từ bản chất, hay là chế độ tư bản góp phần tạo nên những đức tính nơi con người khiến cho guồng máy thị trường vận hành tốt đẹp? Câu trả lời có lẽ là cả hai.

Hệ thống phân công này chạy ngon lành đến độ chúng ta hiếm khi để ý tới hoặc trân quý sự hữu hiệu của nó. Nhân viên FedEx luôn vui vẻ tươi cười sau quầy chờ tôi mang bọc hàng hay bì thư tới gửi đi St Louis. Một người không quen biết giao báo tới cửa nhà tôi đều đặn mỗi buổi sáng. Tôi không hề biết ông hay bà ta mặt ngang mũi dọc ra làm sao. Bao nhiêu người lạ chế xe cho tôi đi, dệt quần áo cho tôi mặc, và làm thuốc trụ sinh chữa cho vợ tôi bệnh sưng phổi mùa đông vừa qua. Một hàng một dẫy những người lạ cùng nhau làm việc trong một phòng thí nghiệm ở một thành phố nào đó đã phát minh ra món thuốc trụ sinh ấy.

Chúng ta chẳng mấy khi để tâm suy nghĩ về điều này. Một cách  tự nhiên chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào những người chúng ta không hề gặp và chẳng thể kiểm soát sự thành thật, đáng tin cậy, hay cách làm việc hữu hiệu của họ. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, sự nối dài mối dây hợp tác giữa người với người này đáp ứng sự mong đợi của chúng ta rằng những sản phẩm và dịch vụ  luôn luôn có sẵn ở đó chờ khi chúng ta cần đến.

Chúng ta hiểu vai trò của sự cạnh tranh trong sự duy trì hệ thống thương mại này. Có được  sự chọn lựa  giúp ta có trách nhiệm và nâng cao giá phải trả cho sự thất bại. Nhưng chúng ta thường không thể hiểu hay không để ý tới sự hợp tác hữu hiệu giữa những người xa lạ nhau nhưng hành vi tương hợp của họ trong và ngoài phạm vi công ty của họ đã phục vụ chúng ta như thế nào.

Lạ lùng làm sao, sự trông cậy vào những người xa lạ lại tốt hơn sự trông cậy nơi bạn bè. Chúng ta không có đủ bạn hữu làm việc cho ta nếu ta muốn hưởng mức sống đầy những nhu cầu cần được thỏa mãn về vật chất lẫn tinh thần. Trông cậy vào bạn bè hay gia đình sẽ hạ thấp mức sống của chúng ta xuống mức lúc nào cũng cần được trợ giúp. Tự làm lấy hết mọi thứ để sống còn là đi trên con đường đưa tới nghèo khổ bần cùng.

Trông nhờ vào kẻ lạ làm việc cho mình cũng khiến cho bạn bè được chuyên tâm vào chuyện làm bạn với ta mà thôi và được làm những gì bạn hữu làm cho nhau một cách tốt đẹp nhất. Tôi không muốn mua một bờ vai bán ở quầy hàng với giá  rẻ mạt để dựa vào đó mà khóc. Tôi muốn bằng hữu và gia đình làm những điều đó vì họ yêu thương tôi. Và bạn bè cùng gia đình tôi có nhiều thời giờ hơn để chia sẻ vui buồn với tôi chính là nhờ ở mối dây nối dài sự hợp tác giữa người với người trong chốn thị trường mua bán đó, và khiến tôi không trông mong bạn bè và gia đình phải may quần áo cho tôi mặc hay là lắp ráp một cái xe hơi cho tôi đi.

Trông nhờ vào kẻ lạ còn tạo nên một mạng lưới diệu kỳ của sự cộng tác mà chính nó là nền kinh tế thị trường. Một thế giới mà sự phân công và chuyên ngành-kết quả của sự buôn bán trao đổi cộng với niềm tin được củng cố bởi vòng tròn kiểm soát của giá cả, lợi nhuận, và sự cạnh tranh–khiến tôi có thể gửi được một gói hàng từ Washington tới St Louis với giá tiền bằng khoảng một giờ làm việc của một công nhân Mỹ hạng trung bình.

Có 19 đô la thôi mà mua được biết bao nhiêu sự yên tâm tin tưởng. Và sự hợp tác kỳ diệu này thành công mặc dù đa số chúng ta không cảm nhận và không biết nó làm việc ra sao. Nhưng biết trân quí sự kỳ diệu ấy cũng có thể giúp ta ghi nhớ giá trị của hệ thống giá cả và lợi nhuận nối kết tạo nên kinh tế thị trường.

© Học Viện Công Dân 2009

Nguồn: http://www.hoover.org/publications/digest/2939501.html