fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Chính quyền Kỳ lân

Michael Munger

Vấn nạn của chúng ta là phải đấu với những con kỳ lân.

Những con kỳ lân, dĩ nhiên, là những con thú trong thần thoại; kỳ lân giống như con ngựa có một cái sừng hình xoắn ốc mọc trên trán. Kỳ lân ăn những cây cầu vồng, nhưng nếu cần cả năm không ăn cũng không sao. Kỳ lân có thể chuyên chở những khối lượng hàng hoá vĩ đại mà không mệt mỏi. Và mùi trung tiện của nó thơm như mùi trái dâu tươi tinh khiết, khiến cho ngồi trên cỗ xe do kỳ lân kéo là cả một sự khoan khoái.

Vì tất cả những lý lẽ đó, kỳ lân thực sự là một loài thú lý tưởng, là chìa khoá để cải thiện xã hội và chia sẻ sự thịnh vượng.

Gượm đã, bạn muốn phản đối vì có một sự sai lầm trong lập luận kể trên, bời vì kỳ lân đâu có thật. Thiệt là một lầm lẫn chết người khi bảo rằng kỳ lân là vật hữu dụng khi nó không có thật. Phải thế không?

Dĩ nhiên là không phải thế. Sự hiện hữu của kỳ lân có thể được chứng minh dễ dàng. Nào, bạn hãy nhắm mắt lại. Tưởng tượng ra một con kỳ lân. Một con kỳ lân tôi thấy có màu trắng, sừng màu vàng da cam. Con kỳ lân được vây quanh bởi những chiếc cầu vồng. Sự tưởng tượng của bạn có thể hơi khác của tôi, nhưng khi tôi nói “kỳ lân,” tôi chắc rằng cái hình ảnh con kỳ lân của bạn cũng rất gần giống với con kỳ lân trong tưởng tượng của tôi. Như vậy, kỳ lân thực sự hiện hữu và chúng ta cùng chia sẻ một khái niệm về những con kỳ lân.

Vấn nạn: “nhà nước” là một con kỳ lân

Khi tôi thảo luận về Nhà nước với những đồng nghiệp của tôi tại Đại học Duke, tôi nhận thấy ngay rằng, đối với họ, hầu như không có ngoại lệ, Nhà nước là một con kỳ lân. Tôi theo truyền thống Lựa chọn Công (Public Choice)[1], một lý thuyết chú trọng vào những giá trị của một hành vi nên được đánh giá qua kết quả, hơn là chú trọng vào những quyền tự nhiên. Sự phân biệt này đối với tôi rất quan trọng. Những đồng nghiệp của tôi vẫn thường không ưa các ông bà chính khách, cảm thấy hệ thống dân chủ luộm thuộm và đáng chán, và phản đối sự bạo tàn và sự cưỡng bức quá mức của những cuộc chiến, nào là chiến tranh với ngoại bang, cuộc chiến chống ma tuý, và sự theo dõi người dân của NSA[2]

Nhưng, hầu như không có ngoại lệ, những giải pháp của họ là nới rộng thêm quyền lực của “Nhà nước.” Điều này, theo tôi có vẻ hơi điên điên—một kết luận không hợp lý của những lập luận mà tôi khó lòng chấp nhận.

Nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng họ muốn một loại kỳ lân, một Nhà nước có tài sản, động lực, kiến thức, và khả năng mà họ có thể tưởng tượng ra. Khi tôi nhận ra là chúng tôi đang “ông nói gà, bà nói vịt,” tôi cảm thấy sao mình lại ngốc thế. Chính vì sự nhận thức này—những người ủng hộ mở rộng chính quyền tưởng tượng ra một Nhà nước khác với nhà nước hiện hữu trong thế giới vật chất—điều này là cốt lõi của lập luận do những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển đề ra tối thiểu cũng đến 300 năm.

Một vài thí dụ sẽ giúp làm sáng tỏ thêm điểm này.

Edmund Burke[3] nêu bật sự nguỵ biện kỳ lân thiệt gọn gàng. Vấn nạn không phải là vì có người xấu, hay hệ thống [chính trị] cần được cải cách. Đến kỳ bầu cử kế, chúng ta sẽ có đấng Cứu rỗi xuất hiện! Cuộc cải cách kế tiếp sẽ đưa đến Utopia, một thế giới thiên đường! Không. Không, chúng ta không đi đến đó đâu, và không, nó không hiện hữu đâu.

Bạn cố thuyết phục tôi, một cách vô ích, rằng chính quyền là tốt, nhưng cái tôi thấy chỉ là sự Lạm dụng. Điều này! Chính Điều này là sự lạm dụng! Hỡi Thượng đế, xin Ngài, người đã cho phép Lầm Lỗi được xảy ra trên tất cả những quyền lực lập pháp do con người tạo ra. Ai cũng thấy rằng Con người có những nhiệt tình không thể cai quản, khiến cho cần phải có [một sức mạnh] chống lại Bạo lực mà họ đối xử với nhau. [Vì thế] Họ chỉ định những Nhà cai trị trên tất cả vì lý do này, nhưng một sự khó khăn khác tệ hơn và khó hiểu hơn là làm sao để chống lại khi họ bị Nhà cai trị đó lạm dụng?

Adam Smith nói như thế này trong tác phẩm Tài sản của Quốc gia:

Chính cái hệ thống chính quyền, cái tình trạng người dân bị đặt trong đó, là cái tôi muốn khiển trách, chứ không phải tính cách của những người vận hành hệ thống đó. Họ hành động vì cái tình trạng tự nhiên điều khiển họ làm như vậy, và những người mà lớn tiếng phản đối ầm ĩ nhất có lẽ chính họ cũng chẳng hành xử khá hơn.

Smith đang nói về những nhân viên của Công ty Đông Ấn trong đoạn này. Nhưng tuệ kiến của Smith có tính chất tổng quát: Sự thất bại của một hệ thống của một tổ chức thường nảy sinh từ những khuyến lệ (incentive), lý lẽ của hành động, hay từ sự bất nhất tiềm ẩn trong hệ thống. Những người làm việc trong hệ thống đó có lẽ hành động hầu như giống những người khác nếu họ cũng làm việc trong hệ thống đó. Như thế, mặc dù đúng là ta có thể tưởng tượng ra một Nhà nước hành xử một cách khác hẳn, nhưng không có con người thực sự nào có thể làm việc trong hệ thống đó có thể làm được những điều mà những kẻ duy-chính phủ (statist)[4] tưởng tượng ra.

Gần đây hơn, Ludwig von Mises và F. A. Hayek nhận định vấn nạn kỳ lân khá khéo léo. Trong Những vấn đề về nhận thức luận trong Kinh tế học, Mises nói:

Hầu như không có người nào quan tâm đến những vấn nạn xã hội lại không bị dẫn dắt bởi ao ước được thấy có những cải cách được ban hành. Trong hầu hết tất cả mọi trường hợp, trước khi đi vào nghiên cứu khoa học, người đó đã quyết định sẵn rồi những cải cách nào họ muốn thực hiện. Chỉ có một số ít có đủ sức mạnh để chấp nhận sự thật rằng những cải cách đó bất khả thực hiện và rút ra những bài học từ đó. Đa số thấy rằng hy sinh trí khôn của mình dễ hơn là hy sinh giấc mộng hão huyền. Họ không thể chấp nhận rằng cái thiên đường ảo tưởng của họ lại bị rơi rụng xuống trên cõi trần với những nhu cầu không thể cải biến của sự hiện hữu của nhân sinh. Điều mà họ khao khát là có một thực tế khác với cái thực tế ta có trên đời này…Họ ao ước được tự do trong một vũ trụ mà trật tự của vũ trụ đó họ không chấp thuận.

Có lẽ cái phiên bản nổi tiếng nhất và đả phá mạnh nhất về “mặt trái của kỳ lân” là của Hayek, khi ông viết trong Sự Kiêu ngạo Chết người rằng “cái nhiệm vụ lạ lùng của kinh tế học là chứng minh cho ta thấy là sự hiểu biết của ta nông cạn xiết bao về những điều mà ta tưởng rằng mình có thể thiết kế.”

Phép thử Munger

Tôi thấy rằng mô tả vấn nạn này là “vấn nạn kỳ lân” rất hữu ích khi tranh luận,  chỉ vì nó phơi bày cái nhược điểm chí tử trong lập luận của những ngừi duy-chính phủ. Nếu các bạn muốn cổ võ cho việc sử dụng những con kỳ lân làm động cơ cho phương tiện di chuyển công cộng, điều quan trọng là những con kỳ lân đó phải thực sự hiện hữu trên thực tế chứ không phải trong trí tưởng tượng của bạn. Những người đó sẽ thấy ngay lập tức tại sao dựa vào những con vật tưởng tượng sẽ là vấn đề của phương tiện di chuyển công cộng trong thực tế.

Nhưng có lẽ họ sẽ không thấy ngay tại sao “Nhà nước” mà họ có thể tưởng tượng ra lại là một con kỳ lân. Do đó, để giúp họ, tôi đề nghị (hơi thiếu khiêm nhượng một tí) dùng một phép thử gọi là Phép thử Munger.

    1. Trước hết, viết xuống một lập luận mà bạn muốn Nhà nước làm, và bạn muốn Nhà nước có toàn quyền làm việc đó.
    2. Đọc lại lập luận bạn mới viết. Gạch bỏ những chỗ bạn viết “Nhà nước” và thay vào bằng tên của một “chính khách mà bạn thực sự biết, thực sự hiện hữu trong hệ thống bầu cử chính trị có cử tri và những nhóm lợi ích.”
    3. Sau khi làm xong việc đó và đọc lại mà bạn vẫn cảm thấy còn tin vào lập luận của mình, thì lúc đó ta có thể tranh luận.

Thao tác này vui lắm, bạn tin tôi đi. Khi có ai đó nói rằng, “Nhà nước phải có toàn quyền trên hàng trăm ngàn binh lính vũ trang hạng năng, có quyền sử dụng sức mạnh cưỡng chế,” bảo họ gạch chữ kỳ lân (“Nhà nước”) đi và thay thế vào đó, thí dụ, bằng “George W. Bush” xem họ nghĩ như thế nào?

Nếu có ai đó nói, “Nhà nước nên có thẩm quyền chọn chương trình tài trợ và thuế khoản nào để thay đổi nhằm tạo ra khuyến lệ cho những người đang xét xem nên sử dụng nguồn năng lượng nào,” bảo họ gạch chữ “Nhà nước” đi và thay vào bằng “tên của một ông nghị sĩ đại diện tiểu bang mà nhiên liệu hoá thạch và cồn làm từ bắp ngô là lợi tức chính của tiểu bang.” Lúc đó xem có còn lá ý tưởng tốt hay không?

Còn nữa, “Nhà nước nên tạo ra những luật lệ nhằm quy định liên quan đến việc bán những xe chạy bằng điện có hiệu suất cao.” Đổi “Nhà nước” bằng “một dân biểu bang Michigan hay những bang sản xuất xe hơi chạy bằng xăng lập ra những quy định cho hãng xe điện Tesla.” Ôi, chắc là không ổn rồi.

Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta tốn quá nhiều thì giờ cãi nhau với đối phương của mình về con kỳ lân của họ. Nghĩa là, chúng ta bảo rằng con kỳ lân/Nhà nước tự bản chất là ác hại, và không thể bị thuần hoá theo phương thức thích hợp với tự do. Chính sự hiện hữu của kỳ lân trong tâm trí là mục tiêu của lập luận của chúng ta.

Vấn đề là, dĩ nhiên, con kỳ lân mà họ tưởng tượng là một loài khôn ngoan, nhân hậu, và toàn năng. Bảo với họ rằng sự tưởng tượng của họ sai rồi là điều vô ích, họ chẳng thèm nghe đâu! Chừng nào mà chúng ta còn khăng khăng bảo rằng đối phương của ta đã nhầm lẫn về những thuộc tính của “Nhà nước”—mà tự bản chất đã không tồn tại, ít nhất không theo kiểu các tay duy-chính phủ tưởng tượng—thì chúng ta sẽ mất đi sự chú ý của nhiều người đồng cảm, những người  chủ yếu quan tâm đến hậu quả.

Tóm lại, xin mượn Haykek để thay lời, cái nhiệm vụ lạ lùng của phong trào tự do là thuyết phục công dân rằng đối phương của ta là những người lý tưởng, bởi vì họ tin vào những con kỳ lân. Họ hiểu rất ít về cái Nhà nước mà họ tưởng là họ có thể thiết kế.

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Aug 2019

Tác giả: Michael Munger là giám đốc chương trình triết học, chính trị, và kinh tế của Đại học Duke. Ông cũng là cựu chủ tịch của Public Choice Society.

Nguồn: https://fee.org/articles/unicorn-governance/

[1] Chọn lựa Công là một ngành học áp dụng lý thuyết và phương pháp kinh tế nhằm phân tích những hành xử chính trị, vốn thuộc lãnh vực của ngành khoa học chính trị (political science). Tiền đề của Chọn lựa Công là những hành vi của con người được hướng dẫn bởi lợi ích cá nhân (self-interest), và điểm quan trọng là những động lực của những người tham gia vào tiến trình chính trị cũng không khác gì động lực của những người khác trong những lãnh vực khác. Chọn lựa Công, nói một cách đơn giản, là chuyển những tác nhân hành động bằng lý trí từ lãnh vực kinh tế sang lãnh vực chính trị.

[2] NSA (National Security Agency) là một trong những cơ quan tình báo của Mỹ, nhiệm vụ của NSA là thu thập tình báo trên toàn thế giới qua nhiều phương tiện, phổ thông nhất là qua phương tiện điện tử và vệ tinh.

[3] Edmund Burke (1729-1797) là một triết gia, một chính khác lỗi lạc người Anh gốc Ái nhĩ lan, sinh tại Dublin, thủ đô của Ái nhĩ lan. Ông được coi như là người đặt nền móng cho chủ nghĩa bảo thủ hiện đại.

[4] Statism (chủ nghĩa duy chính phủ) chủ Trương tập trung quyền lực kinh tế, chính trị vào chính quyền trung ương, và chính quyền có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn nạn trong nước.