fbpx

Xã Hội Dân Sự

Chính trị đang tiêu diệt Xã hội Dân sự–Nhưng Lòng Biết ơn Có thể Cứu Chúng ta

Thực hành lòng biết ơn là vun trồng hạt giống của xã hội dân sự

Barry Brownstein

Jonah Goldberg, trong cuốn sách Sự tự sát của Tây phương: Sự Tái sinh của của chủ nghĩa Bộ lac, Dân tuý, Quốc gia, và Căn cước Chính trị đang tiêu diệt nền Dân chủ của Mỹ, đã cảnh báo: Xã hội dân sự dường như đang bị suy tàn. Người ta đang mất dần sự kính trọng đối với những điều kiện giúp cho con người phát triển.

Goldberg, một nhà bỉnh bút của tạp chí National Review, định nghĩa xã hội dân sự là “một hệ sinh thái xã hội bao la—gia đình, học đường, nhà thờ, chùa chiền, hội đoàn, thể thao, doanh nghiệp, những cộng đồng địa phương, vân vân—làm trung gian cho đời sống giữa nhà nước và cá nhân.” Goldber nói thêm, “Một xã hội dân sự khoẻ mạnh, chứ không phải nhà nước, làm cho con người trở nên văn minh.”

Theo nghiên cứu của hai giáo sư khoa học chính trị Shanto Iyengar và Sean Westwood, chính trị đảng phái đang hướng dẫn ý thức của người dân Mỹ. Weswood là một giáo sư đang dạy tại Đại học Dartmouth, nói với báo New York Times, “Tinh thần đảng phái, qua một thời gian dài, không được xem là một phần tử xác định ta là ai. Nó không phải là cốt lõi của căn cước của chúng ta. Nó chỉ là một phần phụ của căn cước đó. Nhưng trong thời hiện đại ngày nay, chúng ta xem căn cước đảng phái như một điều giống như giới tính, sắc tộc hay chủng tộc—những đặc tính cốt lõi mà ta dùng để miêu tả mình với người khác.”

Amanda Taub tóm lược những kết quả nghiên cứu của Iyengar và Weswood như sau: “Ngày nay, chính trị đảng phái không còn là [bầu ra những người] mà sẽ cai trị theo ý chúng ta muốn nữa. Họ đã trở thành một đội [banh] ta ủng hộ, và một bộ lạc mà ta cảm thấy là một thành viên.” Khi một đảng chính trị là bộ lạc của ta, Goldberg nhận định, “Công dân của California và New York cũng dính vào những cuộc đấu đá đảng phái ở North Carolina hay Indiana như thể đó là những cuộc đụng độ trong một cuộc chiến lớn hơn.”

Mạng truyền thông xã hội phóng đại chủ nghĩa bộ lạc. Như Goldberg nêu rõ: “Cái nhận thức bộ lạc, đối đầu giữa ta và nó, đang được mạng xã hội làm tăng cường độ, trong cái môi trường mà ta dễ tìm những người đồng-cảm nhưng chỉ là bạn “ảo” ở cách ngàn dặm hơn là chuyện trò thực sự với người hàng xóm của mình.”

Tuy nhiên, Goldberg cũng nhắc ta rằng, “Gia đình, tình bạn, tôn giáo và xã hội dân sự—đó mới là những phương tiện duy nhất mang ý nghĩa tương đồng với một xã hội tự do. Bất kỳ một vị thần nào do nhà nước đẻ ra rốt cuộc chỉ là đồ giả.”

Từ Vô ơn đến Biết ơn

Có một phương thuốc để chữa căn bệnh xã hội dân sự đang bị xói mòn, [và nó] ở ngay đầu ngón tay ta.  Sử dụng phương thuốc này còn ít tốn công hơn là nấu bữa cơm chiều nữa. Phương thuốc này là chuyển dịch tâm thái (mindset).

Trong cuốn sách Cám ơn: Vì sao Thực hành Lòng biết ơn Có thể khiến ta Sung sướng hơn, giáo sư tâm lý học Robert Emmons cho thấy rằng lòng biết ơn “kết nối ta lại với nhau trong mối quan hệ tương hoán” và như thế lòng biết ơn chính là “một trong những viên gạch xây dựng nên xã hội nhân bản và văn minh.”

Kết quả nghiên cứu của Emmons chứng minh rằng “người biết ơn cảm nhận sự hân hoan, nhiệt thành, thương yêu, sung sướng và lạc quan ở mức độ cao hơn, và thực hành lòng biết ơn thường xuyên như là một kỷ luật sẽ bảo vệ con người tránh khỏi những tác động tiêu cực có tính chất phá hoại của lòng ganh ghét, oán giận, tham lam, và cay đắng.”

Tự điển Webster định nghĩa “sự vô ơn” là “sự quên đi, hoặc không đáp trả tương xứng với, sự tử tế mà mình nhận được.” “Sự vô ơn,” Emmons nhận xét, “tất yếu sẽ dẫn đến sự hạn chế và làm cho ý thức bản thân bị thui chột. Những xúc cảm như giận dữ, oán hận, ganh tị và cay cú có khuynh hướng làm hao mòn những quan hệ xã hội.”

Năm  2017, một trận bão đã làm mất điện tại nhiều vùng ở tiểu bang New Hapshire đến gần cả tuần lễ. Những máy phát điện chạy bằng khí đốt và những lò sưởi trở thành hàng bán chạy như tôm tươi, và Bộ Giao thông đã miễn những quy định an toàn để cho những tài xế có thể chở những hàng hoá này tới mức tối đa trên xe tải của họ. Nói chuyện với một người tài xế chở khí đốt tới nhà tôi, tôi mới biết anh ta đã phải làm việc rất dài giờ để giúp cho khách hàng có nhiên liệu. Người tài xế ngượng ngùng nói thêm, “Ông không cần biết những khó khăn của tôi làm gì;” tôi khuyến khích anh nói thêm. Khi anh kể về những khó khăn phải đương đầu, anh nhắc đến mọt người bạn, một trưởng toán thợ điện, chỉ ngủ theo ca, 2 tiếng một ca, trước khi trở lại làm việc. Câu chuyện của anh đã cho tôi có được một cái nhìn ngắn ngủi về thực tế của những người cứu hộ, tôi cảm thấy ân hận vì sự vô ơn của mình. Tôi chỉ chú tâm tới những ý tưởng phàn nàn là sao mà lâu có điện và mạng Internet đến thế.

Những người tài xế và thợ đó thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Nhưng chẳng ai hỏi họ thuộc “bộ lạc” chính trị nào cả.

Emmons viết, “Lòng biết ơn là sự nhận thức rằng ta là người thọ nhận sự tốt lành. Khi biết ơn ta nhớ đến những sự cống hiến của những người khác đã tạo nên cho phúc lợi của ta.” Trong suốt thời gian bị mất điện có phải tôi là kẻ vô ơn, không biết gì về những sự tốt lành đang xảy ra quanh tôi chăng?

Điều Kỳ diệu của Thị trường

Trong một show diễn của Chương trình Simpson, Bart Simpson cầu nguyện trước khi ăn cơm: “Lạy Chúa, chúng con mua tất cả những thức ăn này bằng tiền của chúng con, cho nên không cần phải cám ơn Ngài.”

Phiến diện mà nói thì Bart nói đúng. Nếu nhà Simpson trao đổi $100 tiền lợi tức họ kiếm được lấy thực phẩm ở siêu thị, thì cả nhà Simpson và siêu thị đều có lợi nhờ vào giao dịch này. Những giao dịch cùng-thắng (win-win) là nền móng của thị trường tự do.

Những hãy nhìn sâu hơn chút nữa. Tại sao, ở nước Mỹ hiện đại này, thực phẩm lại quá rẻ và nhiều so với tại Bắc Hàn hay Venezuela? Tại sao những rổ đựng thực phẩm ê hề bày ra trước mắt chúng ta lại là điều khó tưởng tượng nổi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ cách đây vài thế kỷ?

Chúng ta chẳng dính líu gì tới những thế hệ của những doanh gia sống trước chúng ta, những người đã tích luỹ vốn liếng và sử dụng chúng. Chúng ta cũng chẳng dính líu gì đến những sư hy sinh của những nhà lập quốc Mỹ, những người đã để lại cho chúng ta bản Hiến pháp dựa trên những tư tưởng đầy tính cách mạng rằng chúng ta có những quyền bất khả xâm phạm và những quyền này không phải do chính quyền ban phát.

Trong bài diễn văn đọc tại lễ tốt nghiệp của Đại học Ithaca cách đây vài năm, diễn viên nổi tiếng, đồng thời cũng là một kinh tế gia Ben Stein đã nêu ra sự độc đáo của thời đại chúng ta:

Tự do, sự thịnh vượng, sự phong phú, cơ hội là những điều mà nhân loại đã và đang đấu tranh cả đời, và chúng ta chẳng cần phải nghĩ về chúng mỗi ngày mà vẫn có. Đời sống lẽ ra phải xoay quanh lòng biết ơn. Chúng ta là kẻ thừa hưởng một xã hội tự do và phong phú mà hầu hết chúng ta hầu như chẳng làm gì cả để được hưởng xã hội đó.

Nhờ vào ân phúc [của Thượng đế], “chúng ta là kẻ thọ nhận sự giúp đỡ từ những người khác, từ quá khứ đến hiện tại,” Emmons nhắc ta như vậy. Nếu bạn tin vào ân phúc, bạn tin rằng có một mẫu mực của lòng nhân hiệu hữu trên thế giới này, hoàn toàn độc lập với những nỗ lực hay ngay cả với sự hiện hữu của ta.”

Ân phúc là ban cho. Chúng ta có nhận được ân phúc mỗi ngày không?

Hãy chọn Lòng Biết ơn

Khi ta cảm nhận sự biết ơn, chúng ta cảm nhận được sự gia tăng hạnh phúc. Nhà tâm lý học Scott Barry Kaufman—trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American, có tựa đề “Sức mạnh của đức tính nào là chỉ dấu của hạnh phúc?”—đã kết luận rằng “Chỉ dấu rõ nhất của hạnh phúc là lòng biết ơn.” Trong số 24 sức mạnh của đức tính, “chỉ có hai chỉ dấu quan trọng và độc lập với những chỉ dấu khác của hạnh phúc là lòng biết ơn và yêu thích học hỏi.”

Nếu lòng biết ơn và lòng yêu thích học hỏi bị thiếu hụt trong đời sống của ta, thì ta có nên ngạc nhiên khi thấy hạnh phúc của mình bị xói mòn?

Goldberg gọi sự tiến bộ đáng ngạc nhiên trong vài thế kỷ qua là Điều Kỳ diệu. Đối với nhiều người, họ chẳng còn biết ơn đến Điều Kỳ diệu nữa, và cũng không còn “lòng yêu thích học hỏi,” vốn là điều kiện để cho Điều Kỳ diệu trở thành hiện thực. Goldberg lập luận, “Ta có thể truy tầm nguồn gốc của những vấn nạn ngày nay là không còn lòng biết ơn đến Điều Kỳ diệu và những định chế hay phong tục đã khiến cho Điều Kỳ diệu xảy ra.”

Nơi nào không có lòng biết ơn, oán trách và phàn nàn liền xuất hiện. Goldberg viết, “Ở nơi nào thiếu vắng lòng biết ơn—và những nỗ lực mà lòng biết ơn đòi hỏi—ở đó sự oán giận và thù nghịch tràn vào.”

Bạn hãy để ý đến ngôn từ của những chính trị gia mà xem, họ chú trọng vào sự thiếu thốn và oán trách. Khi vận may [xảy đến cho ai] được nhắc đến, thế nào cũng có những lời than phiền là [họ] có những sự thuận lợi bất công. Emmons nhận xét như thế này: “Những người thiếu lòng biết ơn luôn luôn bận tâm đến những gánh nặng, đến những tai hoạ, mất mát, và than vãn. Ngôn ngữ của lòng biết ơn đưa tâm trí ta tập trung vào những sự đóng góp tích cực mà những người khác đã tạo ra cho đời sống của chúng ta.”

Liệu ta có ngạc nhiên không khi sự oán trách thay thế cho lòng biết ơn, thì tư tưởng bộ lạc sẽ thay chỗ cho sự tôn trọng quyền của cá nhân? Goldberg viết:

Điều Kỳ diệu dẫn ta đến một cái triết lý là mỗi người sẽ bị phán xét và tôn trọng dựa trên phẩm chất của họ, chứ không phải trên giai cấp hay dòng dõi của tổ tiên. Căn cước chính trị[1] cho rằng mỗi nhóm là một phạm trù bất biến, một bộ lạc vĩnh cửu.

Lòng biết ơn có thể được nuôi dưỡng qua giáo dục và ý thức. Doanh gia Yoshimoto Ishin đã phát triển phương pháp Naikan, cách tập luyện tư duy tự-phản. Naikan có nghĩa là “quan sát nội tâm.” Phương thức Naikan được thực hành qua ba câu hỏi: “Thứ nhất, tôi đã nhận được những gì từ người khác? Thứ hai, tôi đã cho người khác những gì? Và thứ ba, Tôi đã làm phiền hoặc gây khó khăn gì cho người khác?”

Ta hãy ngừng lại và suy ngẫm: Điều Kỳ diệu của đời sống hiện đại có nghĩa là chúng ta nhận được nhiều hơn những gì mà chúng ta sẽ phải trả. Những tặng vật mà ta đang hưởng không phải từ những chính trị gia ban phát. Ta mang nợ rất nhiều người, nam cũng như nữ, còn sống hay đã chết, trên khắp thế giới, những người đã tạo ra Điều Kỳ diệu của thị trường. Với ý thức đó, tâm thái của chúng ta chuyển dịch, lòng biết ơn gia tăng, và  hạt giống của xã hội dân sự được vun trồng.

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân Oct 2019

Barry Brownstein nguyên là giáo sư kinh tế học và lãnh đạo học tại Đại học Baltimore. Ông là tác giả của cuốn sách Tu dưỡng Thuật Lãnh đạo, và thực hiện blog Mindset Shifts

Nguồn: https://fee.org/articles/politics-is-destroying-civil-society-but-gratitude-can-save-us/

[1] Căn cước chính trị (identity politics) là một trào lưu tư tưởng xuất hiện vào khoảng hậu bán thế kỷ 20, trọng tâm của căn cước chính trị cho rằng mỗi nhóm người, họp nhau lại hoặc theo sắc tộc, tôn giáo, hay thành phần xã hội, có khuynh hướng cổ võ cho quyền lợi cá biệt của nhóm mà không cần quan tâm tới quyền lợi hay quan tâm của những nhóm khác. Thành viên của nhóm căn cước chính trị cho rằng họ đã có một lịch sử bị đối xử bất công, và do đó, qua hành động thể hiện căn cước chính trị của nhóm.