Chúng ta Nên LÀM gì đó!
Michael Munger
Giáo sư Munger đậu bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Washington ở St. Louis năm 1984. Sau đó, ông làm chuyên gia kinh tế tại Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ và giảng dạy tại Đại học Dartmouth, Đại học Texas ở Austin và Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill.
Các pháp sư thời xưa biết rằng họ có thể khiến những người nhẹ dạ nghe theo họ (và kiếm bộn tiền) nếu vị pháp sư đó có thể đoán đúng điều gì đó như một cơn bão, hay một kỳ nguyệt thực. “Đêm nay, Sói Đêm sẽ nuốt chửng Nàng Trăng! Nhưng nếu các người trả cho ta nhiều tiền, ta sẽ buộc Sói Đêm nhè Nàng Trăng ra, không sứt mẻ gì!” Tác giả trào phúng P.J. O’Rourke đã sử dụng một phiên bản của câu chuyện đó 20 năm trước, trong cuốn sách Tất cả những rắc rối trên thế giới (All the Trouble in the World), để mô tả những lá thư gây quỹ từ Tổ chức Hòa bình xanh nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhưng hiện nay người ta vẫn làm thế: chỉ thay tình trạng nóng lên toàn cầu, hay chủ nghĩa khủng bố, bằng vấn đề nào đó, và đưa ra một giải pháp thần kỳ mà nhờ đó người ta sẽ cho tiền (hoặc phiếu bầu) .
Phân tích sự kiện này như thể nó hợp với luận lý, lý lẽ đưa ra sẽ như sau:
- X là một vấn đề
- Ta nên làm gì đó
- Z là điều đó
- Do đó, ta nên thực hiện Z
- Nếu Z không giải quyết được X, thì chắc hẳn là ta làm chưa đủ Z, và ta cần làm hơn nữa.
- Nếu bạn không đồng ý rằng ta nên làm Z nhiều hơn nữa, thì thực sự là bạn muốn giữ nguyên X, không thì cũng ghét những người bị ảnh hưởng bởi X.
Hãy hình dung rằng bạn có một cô con gái 6 tuổi và cô bé bị ‘bệnh sốt mê man,’ ngày nay chúng ta gọi là bệnh thương hàn. Đó là năm 1755, và chúng ta vẫn chưa biết nhiều về vi trùng và các triệu chứng sốt. Nhưng bạn yêu con gái mình, và bạn không thể cứ ngồi đó mà nhìn. Bạn gọi cho bác sĩ.
Khi đó, nếu vị bác sĩ thật lòng, ông ta sẽ nói, “Chúng ta không biết nhiều về các triệu chứng sốt. Tốt hơn hết là ta cứ cố gắng làm cho cô bé thoải mái, đắp khăn lạnh cho cô
bé, và đợi cho hết căn bệnh.” Nhưng nếu ông ta nói thế, ông ta sẽ nhanh chóng trở thành cựu bác sĩ [vì không ai mướn nữa]. Bạn lo sợ, nên bạn muốn ông ta làm gì đó.
Làm cái gì đó thời năm 1755 là kết hợp việc lấy máu và thủ thuật ở vùng hậu môn. Thủ thuật ở vùng hậu môn được sử dụng trong phương pháp chữa trị mới mà theo đó loại thần dược mới, thuốc lá, được đưa vào phần ruột dưới bởi vì các thầy thuốc thời đó nghĩ rằng thuốc lá sẽ được hấp thụ nhanh hơn theo cách đó, làm giảm cơn đau nhanh chóng hơn. Đúng rồi, chính xác là điều mà bạn nghĩ đấy: Vị bác sĩ dùng một cái ống để thổi khói thuốc vào qua chỗ… ấy của bệnh nhân.
Sau đó vị bác sĩ – người mà bạn thuê chữa bệnh cho con gái vì ông ta hứa hẹn là sẽ làm gì đó – lấy ra một con dao mổ, và rạch một vết nhỏ trên cổ tay cô con gái bạn. Theo lý thuyết thời đó thì cơn sốt ở chính trong máu, và lấy máu xấu ra là biện pháp điều trị duy nhất mà các bác sĩ thời đó biết làm, ngoài việc thổi khói thuốc lá.
Tất nhiên, con gái bạn không hề đỡ hơn; mà còn tệ đi. Cơn sốt của cô bé vẫn rất cao, nên tên lang băm [nhiệt tình cộng ngu dốt] lấy thêm nửa panh máu nữa. Rồi lại nữa.
Sau đó cô bé chết. Và bạn đổ lỗi cho tay bác sĩ, và ông ta thấy ân hận. Vì lấy máu của con bé như thế vẫn còn chưa đủ.
Việc này có liên quan gì đến các tay pháp sư, việc quyên tiền và các vấn nạn hiện nay? Trong tất cả những trường hợp này, ai đó đều hứa hẹn sẽ làm gì đó để giải quyết một vấn đề (có vẻ là) cấp thiết lắm. Hãy xem một bài bình luận bất kỳ nào đó của Paul Krugman. Không riêng gì bài nào, tất cả các bình luận ở cột op-ed mà ông Tiến sĩ Krugman từng viết đều đi theo chính xác một công thức như nhau. Thất nghiệp là một vấn nạn. Chúng ta nên làm gì đó. Bơm tiền để kích thích kinh tế (hay tung tin về một cuộc tấn công của người ngoài hành tinh) là điều đó. Chúng ta nên cố thử bơm những khoản kích thích lớn. Nếu chúng ta đã thử, mà biện pháp đó không hiệu quả, thì là ta đã làm chưa đủ. Và nếu bạn không cho rằng việc “bơm tiền kích thích” là ngu xuẩn, và rằng thuyết hệ số nhân trong kinh tế học có chút giá trị hơn kiểu chữa sốt bằng cách tháo máu cho “các chất độc hại” chảy ra, thì rõ là bạn ghét những người thất nghiệp! (Tôi từng gặp sự phản ứng như thế, chính những lời lẽ như thế, từ người khác trong các bữa tiệc tối.)
Và đó không phải là ví dụ duy nhất. Nghèo đói là một vấn nạn ở châu Phi. Chúng ta nên làm gì đó. Viện trợ nước ngoài, dựa trên những dự án xây dựng khổng lồ, là cái đó. Chúng ta nên xây các hồ đập và đường xá. Khi việc đó không mang lại hiệu quả, thì là vì chúng ta chi tiền chưa đủ. Bạn phản đối ư, giống như nhà kinh tế học đến từ Đại học
New York, Tiến sĩ Bill Easterly đã lặp đi lặp lại, rằng giải pháp này khiến mọi thứ tồi tệ hơn bằng việc bóp chết doanh nghiệp địa phương và tạo nên sự phụ thuộc vào viện trợ? Bạn sẽ bị nói rằng rõ là bạn ghét những người nghèo ở châu Phi.
Một ví dụ thú vị gần đây là việc “cải cách” thực đơn nhà hàng. Vấn đề là béo phì (chúng ta vẫn gọi nó là một “bệnh dịch,” dù chẳng thể lây truyền!). Chúng ta nên làm gì đó. Việc đòi in lại tất cả thực đơn và danh mục thực phẩm trong đó yêu cầu ghi tổng lượng ca-lo là cái đó. Nhưng thành ra lại gây tốn kém mà những đòi hỏi giấy tờ, chữ nghĩa rườm rà lại không có hiệu quả nào mà có thể đo đếm được. Hễ mà bạn mở miệng nói thế, bạn sẽ bị nói là ghét người nghèo, người béo, hay Nàng Trăng.
Và rồi cứ thế. Chúng ta đã không thực sự tiến xa lắm tính từ thời thế kỷ 18. Chúng ta hiện nay cũng chỉ ở trình độ hiểu biết làng nhàng về các vấn đề thuộc chính sách kinh tế vĩ mô như các bác sĩ thời đó hiểu biết về các triệu chứng sốt. Điều tốt nhất mà ta có thể hy vọng là “biện pháp” mà ta thực hiện sẽ không giết chết bệnh nhân ngay lập tức. Với sự thiếu hiểu biết của chúng ta, điều tốt nhất có thể làm thường chẳng gì khác ngoài cố gắng khiến cho các triệu chứng bệnh bớt gây đau đớn chút ít.
Nhưng, giải pháp là gì? Đừng tập trung quá nhiều vào thực tế rằng các giải pháp đưa ra không có hiệu quả. Thay vào đó, hãy công nhận tiền đề: “Đúng, X (nghèo đói, thất nghiệp, giáo dục trì trệ) là một vấn đề, các vị nói đúng. Chúng tôi công nhận điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng giải pháp của các vị sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Nếu các vị thực sự muốn giải quyết Vấn đề X, thì nghiên cứu cho thấy rằng, chúng ta nên làm Y.”
Tất nhiên, điều đó có nghĩa là chính các vị sẽ cần phải nghiên cứu vấn đề trước đã. Các vị sẽ cần những ví dụ về tự do được gia tăng, mở cửa thị trường, và tôn trọng tự do tư tưởng và nhân phẩm của con người có thể thực sự phát huy hiệu quả ra sao.
Điểm mấu chốt là các vị phải tránh vướng vào việc tranh luận về những giải pháp theo chính sách của người ta. Thay vào đó, các vị sẽ cần đưa ra những giải pháp của chính các vị, nhấn mạnh tính hiệu quả của thị trường tự do và quyền tự do trong việc loại trừ các vấn nạn xã hội. Trong bài tới trên blog của tôi, tôi sẽ cố đưa ra một số ví dụ. Nhưng trong khi chờ đợi, việc cần ghi nhớ là: Hãy dừng việc tấn công giải pháp mà bạn cho là ngu xuẩn. Hãy công nhận tiền đề rằng X là một vấn đề. Rồi sau đó chuyển chủ đề sang giải pháp của bạn. Bạn sẽ thực sự thuyết phục được thêm rất nhiều người với cách tiếp cận vấn đề như thế.
Vũ Văn Duy chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân December 2017
Nguồn: http://www.learnliberty.org/blog/we-should-do-something/