fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 10

 

Sự lạm dụng quyền hành và
khuynh hướng thoái hóa của chính quyền

Vì ý chí riêng tư luôn luôn chống đối với ý chí tập thể nên chính quyền luôn luôn hành động chống đối Hội đồng Tối cao. Sự chống đối này càng tăng thì cơ cấu chính trị càng thay đổi; và vì trong trường hợp này không có một ý chí đoàn thể nào khác để chống lại với ý chí của nhà cầm quyền hầu tạo ra một thế cân bằng, sớm hay muộn nhà cầm quyền sẽ đi đến tình trạng phải loại bỏ Hội Đồng Tối Cao và phá vỡ khế ước xã hội. Đây là một nhược điểm cố hữu và không thể tránh được đã có từ khi hình thành cơ cấu chính trị và không ngừng có khuynh hướng phá hoại nó, cũng như tuổi già và tử thần phá hoại thân thể con người.

Có hai đường lối theo đó chính quyền thoái hoá: khi chính quyền thu hẹp lại hay khi quốc gia tan rã.

Chính quyền thu hẹp lại khi nó từ một số đông qua một số ít, nghĩa là từ chế độ dân chủ qua chế độ quý tộc, và từ chế độ quý tộc qua chế độ quân chủ. Đó là xu hướng tự nhiên của nó;[1] nếu nó đi từ số ít đến số nhiều, thì có thể nói rằng có sự nới lỏng; nhưng tiến trình ngược đó không thể xảy ra được.

Thật vậy, chính quyền không bao giờ thay đổi hình thức trừ khi sinh lực của mình yếu đi và trở nên quá suy nhược để giữ lại hình thức cũ. Nếu chính quyền cùng một lúc nới rộng phạm vi và để cho luật lệ của mình trở nên lỏng lẻo, thì sức mạnh của nó sẽ trở nên số không, và sự tồn vong của nó lại còn mỏng manh hơn nữa. Vậy thì cần thiết phải nâng cao sinh lực lên và xiết chặt lại những luật lệ đã bị lỏng lẻo; nếu không quốc gia sẽ đổ nát.

Quốc gia có thể tan rã theo một trong hai trường hợp:

Thứ nhất, khi người cầm quyền không cai trị quốc gia theo luật pháp và cướp quyền của Hội Đồng Tối Cao. Lúc đó một sự thay đổi đáng kể xảy ra: quốc gia chứ không phải chính quyền thu hẹp lại; tôi muốn nói là đại quốc gia bị tan rã, và một quốc gia khác được thành lập trong nó, chỉ gồm có các thành viên của chính quyền. Đối với dân chúng, họ chỉ là những người chủ bạo ngược. Thành ra khi mà chính quyền cướp lấy Quyền Tối thượng [của Hội đồng Tối cao], khế ước xã hội bị tan vỡ và mọi công dân đương nhiên lấy lại sự tự do tự nhiên của mình; và lúc đó họ bị bắt buộc chứ không có nghĩa vụ phải tuân lệnh.

Trường hợp này cũng xảy ra khi các thành viên của chính quyền riêng rẽ cướp chánh quyền mà đáng lẽ họ phải cùng với nhau phục vụ; đây là một sự vi phạm luật pháp lớn lao, và kết quả là càng xáo trộn hơn nữa. Có thể nói lúc đó có bao nhiêu quan chức là có bấy nhiêu nhà cầm quyền, và quốc gia bị phân tán như chính quyền [đã bị manh múm], hoặc bị hủy hoại, hoặc thay đổi hình thức.

Khi quốc gia bị tan rã, sự lạm quyền của chính phủ, bất cứ dưới hình thức nào, cũng được gọi chung là tình trạng vô chính phủ. Để phân biệt, dân chủ biến chất thành chính quyền quần chúng (ochlocracy), và nền quý tộc biến thành nền chính trị tập đoàn(oligarchy); và tôi có thể thêm rằng nền quân chủ biến thể thành nền chuyên chế (tyranny); nhưng danh từ cuối này mơ hồ và cần phải được giải thích.

Theo nghĩa thông thường, một kẻ chuyên chế là một ông vua cai trị bằng bạo lực và không đếm xỉa đến công lý và luật pháp. Theo đúng nghĩa, kẻ chuyên chế là một người tự cho mình quyền hành của một vị vua, mà chính ra ông ta không có cái quyền đó. Xưa kia người Hy Lạp hiểu chữ “kẻ chuyên chế” như vậy; họ áp dụng danh từ đó lẫn lộn cho các nhà cai trị, cả tốt cũng như xấu, khi những người này sử dụng quyền hành không hợp pháp.[2] Vậy thì nhà chuyên chếkẻ cướp quyền là hai danh từ đồng nghĩa.

Để gọi những điều dị biệt này bằng những danh từ khác nhau, tôi gọi kẻ tiếm quyền của nhà vua là kẻ chuyên chế (tyrant), và kẻ cướp quyền của Hội đồng Tối cao là kẻ bạo ngược (despot). Kẻ chuyên chế là người tự phong mình lên [cầm quyền] một cách trái luật pháp nhưng vẫn cai trị theo luật pháp; kẻ bạo ngược là người tự đặt mình lên trên luật pháp. Như thế, kẻ chuyên chế không thể là kẻ bạo ngược, nhưng kẻ bạo ngược luôn luôn là người chuyên chế.

© Học Viện Công Dân 2007

Ghi chú:

[1] Sự hình thành chậm chạp và sự tiến triển của Cộng Hoà Venice trên các vùng nước mặn là một ví dụ đáng chú ý của tiến trình này; và thật là đáng ngạc nhiên thấy rằng, sau hơn 1200 năm, dân Venitians dường như đang còn ở giai đoạn thứ hai, mà họ đã đạt đến với sự xiết chặt các ủy ban (Serrar di Consiglio) năm 1198. Còn các vị Quận Công thì dù “Bản nghiên cứu vê tự do của Venice” (Scrutiny into the liberty of Venice) có nói gì đi nữa thì bằng cớ rành rành đã chứng minh rằng họ không phải là Hội đồng Tối cao.

Một trường hợp có thể được nêu ra để chống lại ý kiến của tôi. Đó là việc Cộng Hòa La Mã đã theo một tiến trình ngược lại, đi từ quân chủ qua quý tộc, và từ quý tộc đến dân chủ. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Chính quyền đầu tiên do Romulus đặt ra là một chính phủ hỗn hợp, và sau đó trở thành một chế độ chuyên quyền. Bởi những lý do đặc biệt, quốc gia bị diệt vong, y như một trẻ sơ sinh đôi khi chết đi trước khi thành niên. Sự trục xuất bọn Tarquins là thời gian thật sự đánh dấu sự hình thành của nền cộng hoà. Nhưng ngay từ đầu, nó không được bền vững vì không loại bỏ giới quý tộc (patriciate) nên mục đích không được hoàn tất. Vì như vậy, nền quý tộc cha truyền con nối, cái dạng cai trị hợp pháp tệ hại nhất vẫn chống đối với nền dân chủ. Và như Machiavelli đã chứng minh chính quyền chỉ được thành lập với sự thiết lập các quan bảo vệ dân (tribunate): chỉ lúc đó mới có một chính quyền và nền dân chủ thật sự . Thật vậy, dân chúng khi đó không những là Hội Đồng Tối Cao mà còn là những quan chức và những quan toà; nguyên lão thượng viện chỉ là một tòa lệ thuộc có bổn phận kềm chế hay là tập trung công việc của chính quyền; và ngay cả các quan chấp chính tối cao (consul), tuy rằng là những nhà quý tộc La Mã, những quan chức tối cao, những vị tướng trong thời chiến tranh, thì ngay tại La Mã chỉ là những thống đốc của dân chúng.

Từ điểm này, chính quyền đi theo khuynh hướng tự nhiên và thiên mạnh mẽ về phía nền quý tộc. Chúng ta có thể nói rằng nền quý tộc La Mã tự đào thải mình, và nền quý tộc không còn đuợc tìm thấy trong cơ cấu các quý tộc La Mã như là ở Venice hay Genoa, nhưng ở trong cơ cấu của nguyên lão thượng viện. Cơ cấu này gồm có các nhà quý tộc La Mã và các người thường dân, và ngay cả trong cơ cấu của các quan bảo vệ dân (tribunes), mà tại đó họ bắt đầu chiếm một vai trò tích cực. Vì tên gọi không ảnh hưởng đến việc làm, và khi mà dân chúng có những ngưòi cầm quyền làm việc cho mình thì dù rằng các nhà cấm quyền ấy có mang tên gì chăng nữa chính quyền ấy vẫn là chính quyền quý tộc.

Sự lạm dụng của nền quý tộc (aristocracy) dẫn đến nội chiến, và các vị trong tam đầu chế: Sulla, Julius Caesar và Augustus thật sự trở nên những vì vua; và sau rốt dướI thời chuyên chế của Tiberius quốc gia bị giải thể. Vậy lịch sử La Mã xác nhận thay vì phủ định những gì tôi đã nói trước.

[2] “Vì tất cả các kẻ đó được gọi là và được xem là những người chuyên chế, những kẻ cầm quyền vĩnh viễn trong một quốc gia đã được biết đến tự do” (Cornelius Nepos, Life of Miltiades). Thật vậy Aristotle (trong cuốn Ethics, Book VIII, chapter X) phân biệt kẻ chuyên chế và vì quân vương như sau: kẻ chuyên chế cầm quyền vì lợi ích riêng tư của mình, và vị quân vương trị vì chỉ vì lợi ích của thần dân; nhưng nói chung, ngoài việc tất cả các nhà văn Hy Lạp hiểu danh từ kẻ chuyên chế theo một nghĩa khác (như là trong cuốn Hiero của Xenophon), nhưng cũng theo tiêu chuẩn của Aristotle, ngay từ thưở khai sinh lập địa ta thấy không có một vị vua nào cả.