Các hệ thống pháp luật
Nếu ta hỏi điều gì là điều tốt nhất cho tất cả mọi người, và cái điều tốt nhất đó phải là mục tiêu của mọi hệ thống luật pháp, thì ta sẽ thấy rằng nó được gồm trong hai đối tượng chính: tự do và bình đẳng. Tự do, bởi vì tất cả mọi lệ thuộc của cá nhân [vào quốc gia] đều làm giảm sức mạnh của quốc gia, và bình đẳng, bởi vì không có nó thì sự tự do không thể tồn tại.
Tôi đã định nghĩa thế nào là tự do dân sự; còn nói về bình đẳng, ta không nên hiểu bình đẳng nghĩa là ai cũng có quyền thế và giàu có bằng nhau một cách tuyệt đối; nhưng phải hiểu là [kẻ có] quyền lực không được dùng để gây ra bạo lực và chỉ được sử dụng trong khuôn khổ luật pháp và thẩm quyền; còn về sự giàu có thì không công dân nào có thể giàu có đến mức có thể mua kẻ khác và không ai nghèo đến nỗi phải tự bán mình:[1] điều này có nghĩa là người giàu phải sử dụng tiền bạc và địa vị một cách có chừng mực, và người nghèo phải biết giới hạn sự tham lam và ham muốn của mình.
Người ta nói rằng một sự bình đẳng như vậy là một điều hoang tưởng không thể có được trong thực tế. Nhưng nếu không tránh được sự lạm dụng nó không lẽ chúng ta không thử làm ra luật lệ để điều hành nó sao? Chính bởi vì sức mạnh của hoàn cảnh luôn luôn có khuynh hướng phá hủy sự bình đẳng, [cho nên] sức mạnh của luật pháp nên luôn luôn thiên về sự bảo tồn nó.
Nhưng các mục tiêu chung ấy của mọi hệ thống pháp luật cần được thay đổi tùy theo hoàn cảnh địa phương và tánh tình của người dân, và tùy từng trường hợp mà định đoạt một hệ thống luật pháp đặc thù cho nó, một hệ thống không những chỉ là một hệ thống tự nó tốt, nhưng mà còn tốt cho quốc gia. Thí dụ như, nếu đất đai cằn cỗi, hay là có mức độ dân số quá cao thì dân chúng nên quay sang kỹ nghệ và thủ công nghệ, và đổi sản phẩm của họ sản xuất lấy các hàng hoá mà họ thiếu. Nếu đất đai màu mỡ và dân số thấp thì nên chú ý đến canh nông, một nền kinh tế làm tăng dân số, và nên bỏ thủ công nghệ, vì [các ngành nghề này] làm giảm dân số ở vùng quê, lý do là dân thợ thuyền thường dọn về ở các phố phường.[2] Nếu quốc gia chiếm một dải ven biển dài và thuận lợi thì hãy đóng nhiều thuyền bè, tập trung vào thương mại và hàng hải. Quốc gia đó sẽ có một quãng đời ngắn ngủi và huy hoàng. Nếu ven biển chỉ là vùng đá cheo leo thì hãy để nó trong tình trạng sơ khai và dân chúng sống bằng cách bắt cá; họ sẽ sống yên lành hơn, có thể tốt hơn và chắc chắn hạnh phúc hơn. Tóm lại, ngoài những nguyên tắc chung cho tất cả, mỗi dân tộc đều có một nét đặc thù, và theo đó mà đặt ra một nền luật pháp riêng cho chính mình.
Vì thế, thời xưa dân Do Thái và nay dân Ả Rập lấy tôn giáo làm chính; dân Athens thì là văn chương; với dân Carthage và Tyre là thương mại; dân Rhodes chuyên về hàng hải; dân Sparta về chiến tranh, và dân La Mã về đức hạnh. Tác giả cuốn sách “Tinh thần của luật pháp” (The Spirit of the Laws) qua nhiều ví dụ đã cho ta thấy sự tài tình mà nhà làm luật dùng để hướng thể chế về mỗi đối tượng nêu trên. Hiến pháp của một nước chỉ được vững bền và trường cửu khi tuân thủ các nguyên tắc đúng đắn để cho các quan hệ tự nhiên với luật pháp luôn luôn được hài hòa trên mọi điểm, và luật pháp chỉ được dùng để bảo đảm, hỗ trợ và điều chỉnh các liên hệ cho hợp với tự nhiên. Nhưng nếu nhà làm luật nhận thức sai lầm đối tượng của mình, và [lập pháp] trên một nguyên tắc khác hẳn với nguyên tắc tự nhiên của sự vật; nếu nhà lập pháp dựa trên nguyên tắc thiên về sự quy phục thay vì nguyên tắc tự nhiên là tự do, hoặc thiên về của cải thay vì dân số, hoặc thiên về chiến tranh thay vì hoà bình, thì luật pháp sẽ lần lần bị yếu kém đi, hiến pháp sẽ bị thay đổi, và quốc gia sẽ không ngừng bị xáo trộn cho đến khi nó bị hủy hoại hay bị thay đổi, và rồi quy luật tự nhiên không ai chống đỡ nổi sẽ thống trị trở lại.
Ghi chú
[1] Nếu mục đích là làm cho quốc gia được vững chắc thì hãy đem hai thái cực này đến càng gần nhau càng tốt, không để cho có người quá giàu và người quá nghèo; hai thái cực này theo bản chất thì không thể tách rời nhau được, nhưng cùng gây tai hại cho ích lợi chung; một phía sẽ là đồng bọn của sự chuyên chế, còn phía kia là những kẻ bạo ngược. Cả hai luôn luôn đem tự do của dân chúng ra đấu giá: kẻ này mua, kẻ kia bán.
[2] Hầu tước d’Argenson nói: “Một cách tổng quát, bất cứ ngành ngoại thương nào cũng tạo ra một thuận lợi giả tạo cho quốc gia; nó có thể làm giàu cho vài cá nhân, hay ngay cả vài thành phố nhưng quốc gia không có lợi lộc gì và dân chúng cũng không vì đó mà giàu có thêm.”