fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 11

  Chương XI

Tới đây chúng ta đã bàn khá đủ về lý thuyết tích lũy tài sản, và sau đây sẽ bàn về phần thực tiễn ứng dụng của lý thuyết này. Các vấn đề tương tự như vấn đề này rất đáng bàn luận về phương diện triết lý, nhưng về phương diện thực tiễn thì lại đáng chán và không hào hứng gì lắm khi thảo luận. Các phần hữu ích của nghệ thuật tích lũy tài sản gồm có: thứ nhất là kiến thức về gia súc-nuôi loại nào thì có lợi nhất, nên nuôi ở đâu, và nuôi như thế nào-thí dụ, loại ngựa nào, loại trâu bò nào hay các loại gia súc nào là loại có khả năng mang lại lợi nhuận. Ta nên biết loài nào có giá hơn, và loài gia súc nào có giá nhất trên loại đất đai đặc thù nào đó, vì có loài sinh sản tốt hơn trên vùng đất này, loài khác trên vùng đất khác. Thứ hai là nghề nông, [để xem với vùng đất nào thì] làm vườn hay làm ruộng có lợi hơn, và còn nào là nuôi ong hay nuôi cá, hoặc các loại gia cầm nào có lợi cho con người. Đây là sự phân chia đúng đắn của nghệ thuật tích lũy tài sản và cần được nghiên cứu trước.

Còn về nghệ thuật tích lũy tài sản kia, tức là việc trao đổi hàng hóa, cũng chia làm nhiều loại; sự phân chia đầu tiên và quan trọng bậc nhất là thương mại (gồm có ba hoạt động-cung cấp tàu thuyền (vận chuyển đường thủy), vận chuyển hàng hóa (đường bộ), và trưng bày hàng hóa ra khuyến mãi-những hoạt động này khác nhau, có loại có lời hơn, có loại lại an toàn hơn); loại thứ hai là cho vay lấy tiền lời; và loại thứ ba là làm thuê lấy tiền. Loại thứ ba này gồm có những người thợ thủ công làm nghề chuyên môn, và những người không có nghề chuyên môn cho thuê sức lao động.

Ngoài ra còn một hoạt động tích lũy tài sản thứ ba nữa, hoạt động này nằm giữa thương mại và hoạt động tự nhiên đầu tiên. Hoạt động này cũng liên quan đến trao đổi; đó là các kỹ nghệ khai thác tài nguyên thiên nhiên, như khai thác khoáng sản hoặc khai thác lâm sản. Mặc dù hoạt động này không đem lại thực phẩm nhưng cũng đem lại lợi nhuận. Nghệ thuật khai thác khoáng sản tự nó cũng chia làm nhiều ngành vì có nhiều loại khoáng sản trong lòng đất. Tôi đã bàn một cách tổng quát về các loại nghệ thuật tích lũy của cải; khi thực hành có lẽ sẽ cần phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ hơn, nhưng bàn rộng về đề tài sẽ làm một số người chán ngán. [Nói vắn tắt,] những nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng là những nghề ít may rủi nhất: nghề nguy khó nhất là những nghề có thể mang lại thương tích, nghề hạ tiện nhất là những nghề lao động chân tay, và nghề tầm thường nhất là những nghề không đòi hỏi sự xuất sắc. Nhiều người đã viết về các đề tài này, như Chares người xứ Paros và Apollodorus người xứ Lemnos đã viết về cách canh tác ruộng bắp và vườn nho và ô-liu; các đề tài khác cũng có nhiều người viết; ai muốn tìm hiểu thêm về các đề tài này có thể tham khảo các sách vở nói trên. Ta cũng nên thu thập các câu chuyện còn rải rác về gương thành công của những người tạo dựng được tài sản; điều này rất có ích cho những người xem trọng nghệ thuật làm giàu. Thí dụ như giai thoại về Thales,[1] một triết gia người xứ Miletus, đã sáng chế ra một phương pháp làm ra nhiều tiền, phương pháp ai cũng áp dụng được hết, nhưng ai cũng cho là Thales sáng chế ra vì ông nổi tiếng là người khôn ngoan. [Lúc đầu,] ai cũng thấy Thales là người nghèo khổ, và chế diễu sự vô ích của triết học. Giai thoại kể rằng nhờ vào khả năng xem thiên văn, từ mùa đông năm trước Thales đã biết rằng mùa hè sang năm ô-liu sẽ được mùa, cho nên với chút ít tiền dành dụm được ông đã đặt cọc thuê hết tất cả các máy ép dầu ô-liu trong vùng Chios và Miletus mà chẳng có ai thèm để ý và cạnh tranh. Khi đến mùa thu hoạch, ô-liu quả nhiên được mùa và nhu cầu ép dầu tăng vọt; đến lúc đó Thales mới cho thuê lại các máy ép dầu theo giá mình định và kiếm được thật nhiều tiền. Do đó, Thales đã chứng minh cho cả thế giới biết là các triết gia có thể làm giàu một cách dễ dàng, nhưng đó không phải là hoài bão của họ. Giai thoại này được truyền tụng để minh chứng cho sự khôn ngoan của Thales, nhưng như tôi đã nói, cách thức làm giàu của ông ai cũng áp dụng được hết, và đó không gì khác hơn là tạo ra sự độc quyền. Phương thức này cũng được các thị-quốc áp dụng khi thiếu tiền; họ tạo ra sự độc quyền cung cấp [hàng hóa]. Có một thương nhân xứ Sicily [cư ngụ ở Syracus] có rất nhiều tiền nên mua hết tất cả sắt trong các mỏ sắt; sau đó khi thương nhân các nơi đến mua sắt, vì là người bán duy nhất, và không cần phải tăng giá lên nhiều thương nhân này cũng kiếm lời được 200 phần trăm. Khi Dionysus, vua xứ Syracus, biết chuyện này bèn đuổi người thương gia này ra khỏi Syracus nhưng cho mang theo hết của cải, vì Dionysus nghĩ rằng thương nhân này đã nghĩ ra một cách kiếm nhiều tiền nhưng cách thức này làm thiệt hại cho quyền lợi của Syracus. Thương gia này cũng khám phá ra phương cách của Thales và cả hai đã tính toán để tạo sự độc quyền cho chính họ. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng cần biết đến các điều này, vì một nước vẫn thường thiếu hụt tiền bạc và [nhà nước] cần đến những phương thức kiếm tiền này còn hơn các chủ gia đình (tư nhân) nữa. Đó là lý do một số người hoạt động chính trị chú tâm đến các vấn đề tài chánh.


[1] Thales (624-546 BC)là một triết gia trong nhóm Thất Hiền Hy Lạp. Ông cũng là người đề ra định lý Thales trong Hình học về tương quan giữa các cạnh của hai tam giác đồng dạng. Thất Hiền gồm có: Thales, Solon, Chilon, Pittacus, Bias, Cleobulus, và Periander.