Chương XII
Trong nghệ thuật quản trị hộ gia đình, ta đã thấy là có ba phần-một là sự điều khiển của chủ nhân đối với nô lệ, phần này đã bàn qua rồi, một phần là vai trò của người cha, và phần thứ ba là vai trò của người chồng. Người chồng và người cha là người có thẩm quyền trên vợ và con. Cả vợ và con là những người tự do trong gia đình, nhưng thẩm quyền của cha đối với con khác với của chồng đối với vợ. Đối với con cái, người cha có quyền như nhà vua đối với thần dân; còn đối với vợ, người chồng có quyền như người lãnh đạo đối với công dân. Dù có nhiều trường hợp ngoại lệ so với trật tự do thiên nhiên sắp đặt, nhưng người nam thì do bản chất thiên nhiên vẫn thích hợp hơn người trong cương vị chỉ huy, cũng như người lớn tuổi và trưởng thành (cả về thể chất và tinh thần) phải khá hơn người trẻ tuổi còn non nớt. Nhưng trong hầu hết các nhà nước do hiến pháp tạo nên, mọi công dân đều là những người vừa cai trị vừa bị trị, vì ý tưởng của nhà nước hiến định ngụ ý rằng mọi công dân đều bình đẳng từ bản chất, và không có gì khác nhau hết. Tuy nhiên, khi có người cai trị và người bị trị, thì người cai trị muốn tạo ra một sự khác biệt về hình thức, danh xưng và chức vị được kính trọng, như giai thoại về cái chậu rửa chân bằng vàng của Amasis.[1] Mối quan hệ giữa người nam và người nữ là mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo chính trị với các công dân, nhưng sự bất bình đẳng vẫn luôn luôn hiện diện. Mối quan hệ giữa cha và con là mối quan hệ của vua với thần dân, uy quyền của người cha xuất phát từ tình yêu thương [đối với con cái] và sự kính trọng tuổi tác của con cái đối với cha mẹ. Do đó, Homer đã rất có lý khi gọi Zeus là “cha của thần thánh và của con người,” vì Zeus là vua của tất cả. Một vị vua đương nhiên phải cao cả hơn thần dân của mình, nhưng nhà vua phải cùng một giống với thần dân, đó cũng là quan hệ giữa người già người trẻ, giữa cha và con.
[1] Amasis là một vị vua nổi tiếng của Ai Cập. Nhờ công hãn mã nên Amasis lên được ngôi vua. Tuy nhiên, vì xuất thân bần hàn, ông không được thần dân nể phục. Amasis có một chiếc chậu bằng vàng dùng để rửa chân, quan khách khi được mời dự tiệc cũng thường rửa chân trong chiếc chậu này. Sau một thời gian, Amasis ra lệnh đập chiếc chậu này ra rồi dùng số vàng đó đúc thành tượng một vị thần, và đem tượng thần để trước ngọ môn. Dân chúng khắp nơi lũ lượt đến chiêm bái. Thấy như vậy, Amasis bèn triệu tập triều đình và nói cho họ biết gốc tích bức tượng đó từ chiếc chậu rửa chân mà ra, cũng giống như ông xuất thân bần hàn, nhưng nay đã thành vua và phải được kính trọng (Herodotus II. 172).