fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 12

Chương XII

Trong số những nhân vật đã từng luận về chính quyền, một số chưa từng bao giờ tham chính và sống ẩn dật trong đời tư của họ; hầu như những điều đáng nhắc nhở về đóng góp của họ [cho học thuyết chính trị] đã được nhắc tới rồi. Những người khác là những nhà lập pháp tại nước của họ hay tại các nước ngoài; trong số những người này có người soạn thảo hiến pháp, có người giữ chức vụ trong ngành lập pháp; nhưng cũng có người làm cả hai việc như Lycurgus và Solon chẳng hạn.

Tôi đã bàn qua hiến pháp của Sparta [và Lycurgus]. Còn về Solon, ông được người đương thời coi trọng là một nhà lập pháp giỏi, là người đã chấm dứt sự độc quyền của chế độ quả đầu, giải phóng dân chúng, thiết lập nên  nền dân chủ cổ đại của Athens, và hòa hợp được các phần tử khác nhau của quốc gia.  Theo quan điểm của những người này, [những việc Solon đã làm như thiết lập] Hội đồng Areopagus mang tính chất quả đầu, các quan chức được bầu qua tài năng mang tính chất quý tộc, và tòa án nhân dân[1] mang tính chất dân chủ. Thực sự không phải vậy. Hội đồng và các quan chức được bầu cử đã diễn ra từ trước thời của Solon, và chỉ được Solon giữ lại mà thôi, nhưng chính ông thiết lập tòa án nhân dân, và như thế được coi như dựng lên nền dân chủ cho Athens, và cũng là lý do mà đôi khi ông bị chỉ trích vì khi cho tòa án nhân dân quyền tối cao, ông đã vô hình trung triệt tiêu quyền hành của các cơ cấu khác. Khi tòa án nhân dân trở nên quá mạnh, nhân dân trở nên một quyền lực chuyên chế, và những người kế nhiệm Solon đã chuyển hiến pháp cũ sang thể chế dân chủ hiện nay tại Athens. Ephialtes và Pericles hạn chế quyền lực của Hội đồng; Pericles còn bầy ra cách trả lương cho bồi thẩm, và như thế những kẻ mị dân theo sau cứ tăng thêm quyền lực của dân chủ như ta thấy ngày nay. Tất cả những điều này, dẫu sao, cũng chỉ là kết quả ngẫu nhiên chứ không phải do ý định của Solon. Chỉ vì nhân dân, sau khi đã đạt được vị thế bá chủ trên biển sau trận chiến với Ba Tư, cứ ngỡ mình là vĩ đại và đi theo sự lãnh đạo của những tên mị dân vô giá trị, thành phần mà những giai cấp thượng lưu coi chẳng ra gì. Riêng đối với Solon, ông là người đã tạo cho dân Athens một quyền lực duy nhất là bầu ra các quan chức và buộc quan chức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình; nếu không có quyền này thì người dân sẽ vẫn ở tình trạng nông nô và trở thành kẻ thù của nhà nước. Tuy vậy, Solon vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của quần chúng. Tất cả quan chức đều xuất thân từ dòng dõi quý tộc và có tài sản như giai cấp pentacosio-medimni [có lợi tức từ đất đai từ 500 đơn vị trở lên], hoặc từ giai cấp zeugitae [lợi tức từ 200 đơn vị], hoặc từ giai cấp Hippeis (hiệp sĩ) [có lợi tức từ 300 đơn vị]. Giai cấp thứ tư, Thetes, [có lợi tức dưới 200] là thành phần lao động không được dự phần vào chính trị.

Những nhà lập pháp khác là Zaleucus, người làm luật cho xứ Epizephyrian Locrians [thuộc miền nam nước Ý], và Charondas, người làm luật cho xứ Catana và các xứ khác của Chalcidian thuộc Ý và Sicily. Có người lại cho rằng Onomacritus mới là người đầu tiên có khả năng lập pháp, và ông ta, dù sinh ra tại Locrian, lại được huấn luyện tại Crete về nghệ thuật tiên tri, và Thales là bạn đồng song, và Lycurgus cùng Zaleucus là học trò của Thales, cũng như Charondas là học trò của Zaleucus. Nhưng những điều này không phù hợp với những gì sử sách ghi chép lại.

Ngoài ra còn có Philolaus, người xứ Corinth, là nhà lập pháp của xứ Thebes. Nhân vật Philolaus thuộc dòng dõi Bacchiadae và là tình nhân của Diocles, nhà vô địch chạy bộ Olympic (kỳ thứ bảy năm 752 B.C.) Diocles đã phải bỏ xứ Corinth vì muốn tránh tình yêu trái luân thường của bà mẹ Halcyone dành cho ông nên sang sinh sống tại Thebes, Philolaus cũng đi theo sang Thebes và hai người sống với nhau cho đến cuối đời. Mộ của hai người còn tồn tại cho đến nay, truyền thuyết cho rằng trước khi chết hai người để di chúc xây mộ theo hai hướng khác nhau; ngôi mộ của Diocles xoay về hướng đối nghịch với Corinth vì ông không muốn nhìn thấy Corinth nữa. Mộ của Philolaus được xây theo hướng ngược lại. Đó là lý do tại sao họ đến sống tại Thebes, và Philolaus trở thành nhà lập pháp cho xứ này. Một trong những luật lệ Philolaus làm ra là luật giới hạn nhân số trong gia đình.[2]

Luật lệ do Charondas lập ra không có gì đặc biệt, ngoại trừ luật trừng phạt những kẻ làm chứng gian. Ông là nhà lập pháp đầu tiên lên án việc làm chứng gian và luật lệ ông đặt ra còn chính xác và được diễn tả chi tiết hơn cả luật lệ của các nhà làm luật hiện đại.

(Đặc tính của luật Phaleas là sự bình quân hóa tài sản; của Plato là thiết lập cộng đồng chung vợ, con, tài sản, phụ nữ dùng bữa ăn chung, và luật về uống rượu, theo đó kẻ tỉnh táo sẽ làm chủ buổi tiệc rượu, và quân lính phải được huấn luyện để sử dụng vũ khí thuần thục cả hai tay).

Draco cũng làm luật, nhưng luật lệ ông làm ra đều hợp với hiến pháp hiện hành nên không có gì đáng nói tới, ngoại trừ các hình phạt thật nặng cho các tội phạm.

Pittacus[3] cũng là một nhà lập pháp chứ không phải là nhà lập hiến. Ông đưa ra một đạo luật rất đặc biệt là nếu người say phạm tội , thì sẽ bị phạt nặng hơn người tỉnh. Ông không chấp nhận lý do bào chữa là vì say nên người ta phạm tội, mà cho rằng người say thì dễ phạm tội hơn là người tỉnh.

Androdamas của xứ Rhegium là nhà làm luật cho dân Chalcidian thuộc xứ Thrace. Một số những luật lệ này liên quan đến án mạng và quyền thừa kế của phái nữ; ngoài ra không có gì đặc biệt.

Tới đây chúng ta hãy ngừng việc khảo sát những hiến pháp khác nhau đã từng được thực thi hay do các nhà lý luận đề ra.


[1] Thẩm phán của tòa án nhân dân do dân bầu ra theo lối rút thăm chính là hình thức dân chủ.

[2] Philolaus muốn hạn chế nhân số trong gia đình tương ứng với tài sản mà gia đình đó sở hữu. Có lẽ Philolaus nhớ tới những điều Aristotle chỉ trích Phaleas (chương VII) về việc bình quân tài sản của các hộ gia đình mà không để ý tới mức sinh sản của từng hộ. Một gia đình càng đông con thì tài sản chia cho chúng càng ít đi.

[3] Pittacus là một trong Thất Hiền của Hy Lạp: Solon, Thales, Pittacus, Cleobulus, Bias, Myson, và Chilon.