fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Chương II

Nhưng trong thực tế, một người công dân được định nghĩa là người có cha mẹ là công dân; nhưng có người đòi điều kiện này phải lâu hơn tới hai hay ba đời ông cha mới được. Đây là một định nghĩa ngắn gọn và thực tế nhưng cũng còn có người đặt thêm vấn đề nữa: Tổ tiên đời thứ ba hay thứ tư trở thành công dân như thế nào? Gorgias, người xứ Leotini, một phần thấy những khó khăn do đòi hỏi này gây ra, một phần muốn mỉa mai, đã nói, “Vữa để xây tường do người thợ hồ tạo ra, và công dân của Larissa là những người do các quan chức tạo nên, vì nghề của họ là tạo ra những người dân xứ Larissa.” Nhưng vấn đề này thực ra rất đơn giản, vì, căn cứ trên định nghĩa vừa nêu ở đoạn trên, [không cần biết tổ tiên mấy đời,] nếu tổ tiên được tham dự vào chính quyền, thì họ là công dân. Định nghĩa này chính xác hơn định nghĩa đòi phải có cha mẹ là công dân, vì câu “con của cha hay mẹ là công dân” không áp dụng được cho những cư dân đầu tiên hay những người đầu tiên thành lập quốc gia.

Còn một vấn đề khó hơn khi xác định công dân là ai; đó là trường hợp của những người trở thành công dân sau một cuộc cách mạng, như Cleisthenes[1] đã làm tại Athens sau khi trục xuất những kẻ cầm quyền bạo ngược. Đó là cho nhập vào các bộ tộc cơ hữu của Athens những ngoại kiều thường trú và cả những kẻ thuộc giai cấp nô lệ. Vấn đề được đặt ra trong trường hợp này không phải là xét xem ai sẽ là công dân, mà là người được coi là công dân có xứng đáng hay không. Lại còn một vấn đề sâu xa hơn liên quan đến nhà nước; đó là khi nào một hành vi được coi là một hành vi của nhà nước, bởi vì một hành vi không chính đáng chẳng phải là một hành vi sai lầm? Nhưng nếu có kẻ giữ một chức vụ nào đó, dù không xứng đáng, ta vẫn gọi y là một quan chức. [Tương tự như vậy,] một công dân được định nghĩa bởi sự kiện người đó giữ một chức vụ trong chính quyền, dù là tư pháp hay lập pháp, thì người đó, theo định nghĩa phải là một công dân. Như vậy, những ai giữ chức vụ trong chính quyền sau khi cách mạng xảy ra, phải được coi là công dân.

 


[1] Cleisthenes là một nhà quý tộc thành Athens và cũng là người lật đổ bạo chúa Hippias. Sau đó Cleisthenes cho nhập thêm những người khác vào bốn bộ tộc cơ hữu của Athens (dựa trên liên hệ gia đình) thành mười bộ tộc dựa theo nơi sinh sống. Những bộ tộc thêm vào này có người là ngoại kiều thường trú, có người thuộc thành phần nô lệ.