fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Tự do Tư tưởng và Tranh luận

Ta hy vọng rằng, bây giờ không còn là lúc ta phải bảo vệ sự “tự do báo chí,” một trong những bảo đảm che chở chúng ta chống lại một chính quyền thối nát và bạo ngược. Ngày nay, ta không cần phải tranh luận về việc một nhà lập pháp hay một nhà hành pháp mà quyền lợi đi khác với quyền lợi của dân chúng lại có thể áp buộc dân chúng phải tuân theo ý kiến của mình, hay phải đi theo chủ nghĩa này, nghe theo những lời tranh luận kia. Ngoài ra, các nhà tư tưởng trước kia đã viết quá nhiều và quá hay về vấn đề này khiến ta không cần nhấn mạnh đến nó nữa. Tuy rằng luật pháp Anh Quốc về báo chí ngày nay cũng đầy tinh thần nô lệ như dưới triều Tudors, ta không sợ nó trở thành một công cụ đàn áp tự do tranh luận về chính trị, trừ ra trong những lúc hoang mang nhất thời, khi mà các tổng trưởng và các quan toà mất bình tĩnh vì họ sợ một cuộc nổi dậy.[1] Và nói một cách tổng quát, trong một quốc gia theo chế độ lập hiến, ta không sợ chính phủ – dù hoàn toàn hay không hoàn toàn có trách nhiệm với dân chúng – lại thường xuyên kiếm cách kiểm soát sự tự do phát biểu, ngoại trừ khi chính phủ là cơ phận đại diện cho sự bất khoan dung của quần chúng. Bây giờ ta hãy giả sử rằng, chính phủ và dân chúng hợp thành một khối, và chính phủ không bao giờ nghĩ đến việc trở nên một quyền lực áp bức, trừ ra khi làm như vậy, chính phủ cho mình là tiếng nói của dân chúng. Nhưng tôi từ chối không chấp nhận cho dân chúng có cái quyền áp bức đó – dù bởi chính mình hay qua trung gian của chính phủ – bởi vì quyền ấy bất hợp pháp. Một chính phủ tốt nhất hay một chính phủ tồi tệ nhất cũng không có quyền làm như vậy: một loại quyền lực như vậy, khi được sử dụng theo dư luận, sẽ gây nhiều tai hại hơn là khi chống lại dư luận. Nếu tất cả nhân loại – trừ một người – đồng ý trên một quan điểm, họ không có quyền bắt buộc người đó phải giữ im lặng; cũng như người ấy không có quyền bắt buộc tất cả nhân loại phải giữ im lặng nếu người ấy có quyền làm như vậy. Nếu một quan điểm chỉ là sở hữu cá nhân không có giá trị gì đối với người khác; nếu sự việc bị ngăn trở không được phát biểu quan điểm chỉ là một sự tổn hại cá nhân, thì sẽ có một sự khác biệt nếu sự tổn hại ấy xảy ra cho một nguời hay cho nhiều người. Nhưng có một tai hại đặc biệt khi ta ngăn cấm việc phát biểu một quan điểm, vì khi đó dường như nhân loại đã bị mất cướp; hậu thế cũng như thế hệ hiện tại sẽ bị mất mát; những kẻ chống lại quan điểm ấy lại bị mất mát nhiều hơn những kẻ ủng hộ nó. Nếu quan điểm ấy đúng, người ta từ chối không cho họ cơ hội từ bỏ sự sai lầm để lấy sự thật; nếu quan điểm ấy sai, họ mất đi một mối lợi lớn hơn nữa: đó là một nhận thức rõ ràng hơn, một ấn tượng sinh động hơn được tạo nên bởi sự va chạm giữa sự thật và sự sai lầm.

Ta cần phải cứu xét một cách riêng rẽ hai giả thuyết đó; mỗi giả thuyết có một phần lý lẽ riêng biệt của nó. Ta không bao giờ chắc chắn được rằng, quan điểm mà ta cố gắng loại bỏ là một quan điểm sai lầm; và nếu ta chắc chắn như vậy thì sự loại bỏ lại còn tai hại hơn nữa.

Trước hết, có thể rằng, quan điểm mà nhà cầm quyền muốn loại bỏ là đúng. Dĩ nhiên, những người muốn loại nó chối bỏ sự xác thực của nó nhưng họ không phải là không sai lầm. Họ không có quyền thay mặt toàn thể nhân loại để quyết định và loại bỏ sự xét đoán của người khác. Khi những người đó từ chối không nghe quan điểm của người khác, vì họ chắc chắn rằng quan điểm ấy sai, họ đã tự cho rằng sự chắc chắn đó là một sự chắc chắn tuyệt đối. Bóp nghẹt một cuộc tranh luận là tự cho mình không bao giờ sai lầm. Cái lý lẽ thông thường này cũng đủ để kết án một hành động như vậy, vì lý lẽ càng thông thường thì càng tệ hại.

Rủi ro thay cho sự phán đoán khôn ngoan của con người, sự kiện họ có thể sai lầm không được xem nặng khi họ phán đoán về những vấn đề thực tế, khác với khi họ phán đoán về những vấn đề lý thuyết. Tuy rằng mỗi người biết mình có thể lầm lẫn, nhưng ít người cảm thấy phải thận trọng để tránh sai lầm và khó chấp nhận một quan điểm mà mình cho là đúng lại có thể bị sai lầm. Các vị quân vương độc đoán hay những người luôn luôn được tôn vinh một cách vô giới hạn, thường cảm thấy có một sự tin tưởng vững chãi vào các quan điểm của mình về tất cả mọi vấn đề. Đối với những người có chức vụ, đôi khi thấy quan điểm của mình bị tranh cãi, cũng như không quen bị chỉ trích khi sai lầm, thì họ chỉ đặt sự tin tưởng vô giới hạn này vào những quan điểm mà họ chia sẻ với những người thân cận hay thượng cấp: bởi vì một người càng ít tin tưởng vào sự phán xét cá nhân của mình thì lại càng ngấm ngầm tin vào sự không sai lầm của “thế giới” nói chung chung. Và đối với mỗi cá nhân, thế giới là phần có liên hệ đến họ: đảng của họ, môn phái của họ, giáo hội của họ, tầng lớp xã hội của họ; để so sánh, một con người có đầu óc phóng khoáng và tự do, thế giới này trải rộng ra bao gồm cả quốc gia và thời đại của mình. Và niềm tin nơi cộng đồng lớn rộng đó sẽ không bị lung lay chút nào, tuy biết rằng trong những thế kỷ khác, những quốc gia khác, những môn phái khác, những giáo hội khác, những đảng phái khác đã suy nghĩ trái ngược với mình. Nguời đó đã có thể giao phó cho thế giới của mình cái trách nhiệm có những quan điểm đúng đắn so với những thế giới có quan điểm ngược lại; và người đó sẽ không bao giờ phải lo lắng hỏi xem sự may rủi nào đã quyết định làm cho anh ta đặt niềm tin nơi một trong những thế giới kia, cũng như hỏi xem những nguyên nhân đã làm cho anh ta trở nên một tín đồ Thánh giáo ở Anh Quốc có cùng là những nguyên nhân khiến anh ta có thể trở thành một tín đồ Phật giáo hay Khổng giáo ở Bắc Kinh không? Tuy nhiên, như vô số những thí dụ đã chứng minh, các thời đại cũng có thể sai lầm như con người, rằng mỗi thời đại có thể đưa ra những quan điểm mà các thời đại sau cho rằng không những sai lầm mà còn lố bịch. Cũng như vậy, chắc chắn rằng, nhiều quan điểm nay thịnh hành sẽ bị các thời đại trong tương lai từ bỏ, cũng như thời hiện tại từ khước những quan điểm đã thịnh hành trước kia.

Lý luận này có thể sẽ bị phản bác như sau: ngăn cấm truyền bá sự sai lầm không phải là một bảo đảm rằng ta không bao giờ phạm sai lầm; việc này cũng không khác gì một hành động của chính quyền qua sự phán đoán và trách nhiệm của mình. Con người được trang bị sự phán đoán để sử dụng. Ta có thể nào ngăn cấm họ sử dụng nó vì họ có thể sai lầm? Khi ngăn cấm một việc mà họ cho là tai hại đâu phải họ sẽ tự nhận là mình không sai lầm; họ chỉ làm tròn bổn phận chiếu theo lương tâm và niềm tin của họ tuy biết rằng mình có thể sai lầm. Nếu chúng ta không bao giờ hành động theo quan điểm riêng của chúng ta vì sợ phạm sai lầm, đó là chúng ta không chăm lo cho quyền lợi và không làm tròn bổn phận của chúng ta. Một ý kiến phản đối áp dụng cho mọi lề lối cư xử không thể là một ý kiến phản đối thích hợp cho bất cứ lề lối cư xử cá thể nào. Nhiệm vụ của các chính phủ và cá nhân là tạo nên những quan điểm đúng đắn nhất mà họ có thể làm được; họ phải rất thận trong khi làm việc đó; không bao giờ bắt buộc kẻ khác làm theo quan điểm của họ, trừ khi họ chắc chắn rằng họ không bao giờ phạm sai lầm. Nhưng khi họ chắc chắn (những kẻ thích lý luận sẽ nói như thế), không phải vì nghe theo lương tâm mà vì họ hèn nhát khi không hành động theo quan điểm của họ; và họ ngăn cản không cho phổ biến rộng rãi ra ngoài những lý thuyết mà họ cho là nguy hiểm cho nhân loại – cho những thế hệ hiện tại cũng như cho những thế hệ trong tương lai – họ làm như vậy vì trong những thời kỳ u tối trước kia, nhiều dân tộc đã chà đạp những quan điểm mà nay ta cho là đúng. Người ta nói rằng, chúng ta nên đề phòng tránh tái phạm lỗi lầm ấy: nhưng các chính phủ và các quốc gia đã vi phạm nhiều sai lầm trong nhiều vấn đề mà ta không thể chối cãi rằng, chúng nằm trong trách nhiệm của chính quyền: họ đã đưa ra nhiều loại thuế má tai hại cho dân chúng, gây ra những cuộc chiến tranh không chính đáng. Đó có phải là những lý do để không thu thuế nữa hay để không tham dự chiến tranh ngay cả khi bị khiêu khích? Người dân và chính phủ phải hành động theo khả năng tốt nhất của mình. Không thể có một sự chắc chắn tuyệt đối, nhưng có đủ chắc chắn cho các mục đích của đời sống con người. Ta có thể và ta phải thừa nhận rằng, quan điểm của ta là đúng để hướng dẫn việc làm của ta; và ta không còn phải đặt vấn đề khi ta ngăn chận kẻ xấu gây hại cho xã hội khi chúng phổ biến những quan điểm mà ta cho là sai lầm và tai hại.

Tôi xin trả lời rằng, ta đã giả sử quá nhiều. Có sự khác biệt lớn lao giữa việc phỏng đoán một quan điểm là đúng khi đã vượt qua được mọi sự phủ nhận và việc phỏng đoán quan điểm đó đúng để cho nó khỏi bị phủ nhận. Sự tự do hoàn toàn để người khác phản bác và phủ nhận quan điểm của ta chính là điều kiện cho phép ta tưởng chừng như quan điểm ấy đúng để ta có thể hành động: đó là cách hợp lý duy nhất cho phép một người có đầy đủ khả năng tin chắc rằng, mình đúng.

Khi ta cứu xét lịch sử của quan điểm hay tiến trình thông thường của đời sống con người, cái gì cho phép ta quy định rằng, cái này hay cái kia xấu hơn là ta tưởng? Chắc chắn không phải nhờ vào chính sự thông minh của con người; bởi vì, trên một trăm người, chỉ có một người có khả năng phán xét về một vấn đề tế nhị; hơn nữa, khả năng của người này thật là tương đối. Một số đông danh nhân của các thời đại trước đã ủng hộ nhiều quan điểm mà nay ta cho là sai lầm; và họ đã làm hay đã chấp nhận nhiều việc mà nay ta không cho là đúng nữa. Vậy, nói một cách tổng quát, làm sao nhân loại lại có được một số quan điểm và cách cư xử phù hợp với lý trí nhiều hơn là số quan điểm xấu? Nếu có được số lớn ấy – và nếu không có số lượng đó thì nhân loại đã rơi vào một tình trạng vô vọng – đó là nhờ vào một điểm tốt của trí óc con người, nguồn gốc của tất cả những gì đáng kính trọng nơi con người về mặt trí thức cũng như đạo đức: đó là sự hiểu biết ta có thể sửa chửa được những sai lầm. Qua tranh luận và kinh nghiệm – nhưng không chỉ qua kinh nghiệm mà thôi – con người có thể sửa chữa các sai lầm của mình: phải có tranh luận để cho thấy phải rút kinh nghiệm như thế nào. Những quan điểm và cách thực hành sai lầm lần lần khuất phục trước sự kiện và lý luận. Nhưng để tạo ảnh hưởng trên trí tuệ, ta cần phải đưa các sự kiện và lý luận ấy ra. Rất hiếm có sự kiện có khả năng tự phô bày nếu không có những lời dẫn giải để làm nổi bật ý nghĩa của chúng. Vậy nên tất cả sức mạnh và giá trị của sự phán đoán của con người tùy thuộc vào sự kiện những sai lầm của mình được sửa sai: sự việc này chỉ đáng được tin cậy khi người ấy luôn có trong tay tất cả phương tiện để sửa sai. Trường hợp sự phán đoán của một người đáng được tin cậy, vì sao? Vì người ấy có thái độ cởi mở, chấp nhận những lời phê phán chỉ trích các quan điểm và lề lối cư xử của mình; vì người ấy có thói quen lắng nghe tất cả những gì mà người khác chống lại mình; thấy cái gì đúng thì lấy làm lợi cho mình; và tự phô bày – và phô bày cho những người khác – thấy điều sai lầm trong các việc xấu. Bởi vì người ấy cảm thấy rằng, phương cách duy nhất để một con người thấu hiểu cặn kẽ một vấn đề là lắng nghe ý kiến của những người có quan điểm khác nhau, và xem những người khác tra xét vấn đề ấy như thế nào; đó là cách duy nhất mà một người khôn ngoan thu thập kiến thức của mình; và vì tính cách bản chất trí tuệ của mình con người cũng không thể làm khác hơn thế được. Thói quen đều đặn nhằm điều chỉnh và bổ sung quan điểm của mình bằng cách so sánh nó với quan điểm của người khác không phải là dấu hiệu của một sự nghi ngờ hay do dự khi thực hành nó; đó là một bảo đảm duy nhất khiến ta tin tưởng rằng quan điểm của ta là đúng. Thật vậy, một con người khôn ngoan muốn biết tất cả những lời chỉ trích quan điểm của mình thay vì trốn tránh những ý kiến phản đối và những khó khăn, người ấy lại tìm kiếm chúng và không bỏ qua cơ hội nào để so sánh tất cả mọi khía cạnh của vấn đề. Người có quyền lực cho rằng sự phán đoán của mình có giá trị hơn phán đoán của một người khác hay nhiều người khác vì họ đã không trải qua quá trình nói trên.

Ta không đòi hỏi quá đáng khi ta bắt buộc quần chúng – một đám đông hỗn hợp gồm một thiểu số người khôn ngoan và đa số kẻ khờ khạo – phải chấp nhận điều mà những người khôn ngoan – những người tin tưởng vào sự đúng đắn của quan điểm của mình – xét thấy cần thiết để bảo đảm cho sự phán đoán ấy. Giáo hội bất khoan dung nhất, Giáo Hội Thiên Chúa giáo La Mã, ngay cả trong việc phong thánh cũng phải kiên nhẫn chấp nhận sự trình bày của “Luật sư của Quỷ”[2] (Devil’s advocate). Sau khi chết, những người thánh thiện nhất chỉ được hưởng cái danh dự được phong thánh một khi các giới thẩm quyền đã nghe và thẩm định tất cả những lời chống đối của quỷ. Ngay cả nếu ta ngăn cản sự thẩm xét lại triết lý của Newton, thì nhân loại ngày nay không có một niềm tin vững chắc nơi triết lý đó. Niềm tin nơi điều mà ta tin tưởng nhất sẽ bị lung lay nếu thế giới ngưng chứng minh rằng, nó không có cơ sở. Nếu thách thức này không được chấp nhận – hay được chấp nhận nhưng bị thất bại – thì sự vững chắc của niềm tin vẫn còn xa vời. Nhưng chúng ta đã làm hết sức mình so với tình trạng hiện hữu của trí tuệ con người; chúng ta đã không bỏ qua một cơ hội nào để đạt đến sự thật: nếu sân đấu trường vẫn còn rộng mở, chúng ta có thể ước mong nếu có một sự thật tốt hơn, chúng ta sẽ tìm ra nó một khi trí tuệ con người có khả năng lãnh hội sự thật đó. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể đoan chắc rằng, trong thời đại hiện nay, chúng ta đã đến với sự thật ở mức độ gần nhất. Đó là mức độ chắc chắn mà một con người dễ vi phạm sai lầm có thể đạt đến, và đó là phương cách độc nhất để đạt được.

Thật lạ lùng khi người ta chấp nhận những lý luận ủng hộ tự do tranh luận nhưng lại phản đối khi phải đẩy các lý luận ấy đến mức tận cùng; họ làm như vậy mà không thấy rằng nếu các lý luận ấy không đáp ứng với một trường hợp tận cùng, thì chúng không có giá trị gì cả. Thật lạ lùng thấy họ tự cho mình là không sai lầm khi họ nhận thấy cần có tự do tranh luận cho tất cả mọi vấn đề đáng nghi ngờ, nhưng họ cũng cho rằng ta không thể đặt vấn đề với một số nguyên tắc và chủ nghĩa cá biệt vì chúng đã được chứng minh là đúng bởi lý do họ đoan chắc rằng các nguyên tắc và chủ nghĩa ấy là đúng. Nếu chúng ta cho rằng một đề xuất được đưa ra là đúng trong khi có một người nào đó muốn phản đối đề xuất ấy nếu được phép nêu ra nhưng lại bị cấm cản, thì đó cũng như là chúng ta và những người đồng ý với chúng ta là những quan tòa xét xử nhưng lại không chấp nhận nghe lời biện hộ của phe kia.

Ở thời đại hiện nay của chúng ta – một thời đại được mô tả là “thiếu niềm tin nhưng kinh hoàng trước chủ nghĩa hoài nghi” – dân chúng cảm thấy vững tin không hẳn vì quan điểm của họ đúng, nhưng vì quan điểm ấy cần thiết cho họ – nếu một quan điểm muốn được che chở chống lại sự tấn công của quần chúng, thì nó phải dựa trên mức quan trọng của chính nó đối với xã hội chứ không phải dựa trên mức độ đứng đắn. Người ta nói rằng, có một số niềm tin có ích – nếu không nói là cần thiết – cho phúc lợi của xã hội đến mức chính phủ có bổn phận phải duy trì các niềm tin đó cũng như chính phủ phải bảo vệ các quyền lợi khác của xã hội. Đứng trước một việc làm cần thiết như vậy – và đây là một trường hợp nằm trong bổn phận của chính phủ – chỉ cần một chút ít hơn sự không sai lầm cũng đủ bắt buộc chính phủ phải hành động dựa trên quan điểm của mình, một quan điểm được dư luận của nhân loại xác nhận. Người ta cũng thường tranh luận – và còn thường suy nghĩ nhiều hơn nữa – rằng, chỉ có những kẻ xấu mới mong muốn cho các niềm tin ấy yếu kém đi; vậy thì có gì sai đâu khi ta cấm những việc mà chỉ những kẻ xấu muốn làm? Lối suy nghĩ này, khi biện minh cho việc hạn chế tranh luận, làm cho vấn đề liên hệ đến sự lợi ích của các chủ thuyết chứ không phải về sự đứng đắn của chúng; và những người suy nghĩ như vậy tự khen mình là khi làm thế, họ tránh bị buộc tội là những người xét xử quan điểm không phạm sai lầm. Nhưng những người tự mãn ấy không thấy rằng, sự tự cho mình không phạm sai lầm chỉ giản dị là đặt vấn đề không đúng chỗ. Sự lợi ích của quan điểm, chính nó chỉ là một vấn đề về quan điểm: sự lợi ích là một đề tài để bàn cãi, và đòi hỏi được đưa ra tranh luận và phải được tranh luận cũng như một quan điểm vậy. Ta cần phải có một quan toà không phạm sai lầm để xét xử xem các quan điểm có gây tai hại không, xem chúng có đúng không, trừ khi những quan điểm bị lên án có đầy đủ cơ hội để tự bào chữa. Thật sai lầm khi nói rằng, người ta chấp nhận một kẻ dị giáo biện hộ cho sự lợi ích hay sự vô hại của một quan điểm của hắn ta, trong khi lại cấm hắn ta trình bày sự đứng đắn của quan điểm ấy. Sự đúng đắn của một quan điểm là một phần sự lợi ích của nó. Khi muốn biết ta có niềm tin vào một đề xuất hay không, có thể nào ta bỏ qua việc xem xét nó đúng hay sai? Trong quan điểm, không phải quan điểm của kẻ xấu mà là của những người tốt nhất, không có một niềm tin nào trái với sự thật lại có thể xem như thật sự hữu ích: và có thể nào ta ngăn cản những người đó biện hộ khi họ bị kết tội vì không chấp nhận sự lợi ích của một chủ thuyết mà họ tin là sai lầm? Những người chỉ biết chấp nhận quan điểm một cách thụ động, không bao giờ bỏ qua cơ hội để khai thác lời biện hộ ấy, ta không bao giờ thấy họ đề cập đến vấn đề lợi ích, làm như là có thể tách rời hoàn toàn sự lợi ích ra khỏi sự thật; ngược lại, nếu họ đề cập đến lợi ích, trước hết là vì họ xem chủ thuyết của họ là “sự thật,” và họ cảm thấy phải thấu hiểu hay tin tưởng vào chủ thuyết ấy; không thể có một cuộc tranh luận công bằng về vấn đề lợi ích khi mà một phe tự cho mình quyền sử dụng một lý luận quan yếu như vậy và phe kia thì không. Trên thực tế, khi dư luận quần chúng hay luật pháp không cho phép đặt lại vấn đề đúng đắn của quan điểm, thì họ đã một phần nào phủ nhận tính cách lợi ích của nó. Cái mà họ có thể chấp nhận được là làm giảm nhẹ mức độ tối cần thiết của sự lợi ích hay làm giảm nhẹ các mặc cảm tội lỗi khi phải chấp nhận nó.

Để làm sáng tỏ hơn sự tai hại khi ta từ chối nghe những quan điểm mà ta đã kết án từ trước, ta nên hạn chế cuộc tranh luận vào một trường hợp cụ thể. Tôi muốn chọn những trường hợp bất lợi cho tôi nhất, những trường hợp trong đó lý luận chống đối sự tự do tranh luận, cả về sự đúng đắn lẫn sự lợi ích, được xem như là mạnh nhất. Ta hãy thí dụ rằng, đây là một cuộc tranh luận về niềm tin ở Thượng Đế và ở đời sống sau này, hay là về bất cứ những học thuyết đạo đức nào thường được công nhận. Tranh luận trên những đề tài như thế là cho kẻ địch có đầu óc thiên vị một lợi thế to lớn, vì hắn ta sẽ nói rằng (và cũng như nhiều kẻ khác tuy không có đầu óc thiên vị nhưng đã thầm nghĩ như thế): phải chăng đây là những học thuyết mà ta không cho là đủ mức đúng đắn để được luật pháp che chở? Theo ta, phải chăng niềm tin nơi Thượng Đế là một trong những học thuyết mà ta tin là đúng (và ta tự cho mình là không bao giờ sai lầm)? Hãy cho phép tôi lưu ý rằng, sự kiện tin tưởng một quan điểm là đúng – bất cứ một quan điểm nào – không có nghĩa là mình không bao giờ sai lầm. Tôi muốn nói đến việc lấy quyết định về vấn đề ấy thay cho người khác mà không cho họ nghe ý kiến của phe chống đối.

Và tôi tố cáo cũng như bài xích không kém ý của những người muốn ủng hộ những niềm tin thiêng liêng nhất của tôi. Khi một người ngăn cản không cho ta đưa ra những lời bào chữa cho một quan điểm, người ấy đã phạm lỗi tự cho mình là không sai lầm, dù người đó được sự ủng hộ dư luận của quốc gia anh ta hay của những người đương thời. Người ấy đã làm như vậy mặc dù dư biết rằng, quan điểm đó sai lầm và có nhiều hậu quả tai hại – chẳng những tai hại, mà (để dùng những từ mà tôi cực kỳ lên án) còn là vô luân và bất kính. Và thay vì ít nguy hiểm và ít bị chê trách bởi quan điểm bị xem như vô luân và bất kính, đây là một trong tất cả những trường hợp khác mà sự tự cho mình không sai lầm gây nhiều tai hại nhất. Đó chính là những lúc mà con người của một thế hệ đã phạm những lỗi lầm kinh khủng, làm cho hậu thế kinh ngạc và khiếp đảm. Ta có thể đưa ra những thí dụ đáng ghi nhớ trong lịch sử, khi quyền lực của luật pháp được sử dụng để tàn sát những con người tốt nhất và diệt bỏ những chủ nghĩa cao quý nhất; trong thảm kịch này, con người bị thiệt thòi nhất; về phía các chủ nghĩa, một số còn sót lại (như để chế diễu) được đưa ra biện hộ cho lối đối xử tương tự với những kẻ bất đồng ý kiến, hay với lối giải thích thường được công nhận của các chủ nghĩa đó.

Nhân loại cần phải được nhắc nhở rằng, vào thời trước, có một nhân vật tên là Socrates, và rằng, giữa ông ta với chính quyền cũng như với dư luận quần chúng, đã xảy ra một cuộc đụng độ rất đáng ghi nhớ. Sinh ra trong một thời kỳ và trong một xứ sở có nhiều nhân vật vĩ đại, Socrates đã được những người hiểu rõ ông và được thời đại của ông coi là một người đạo đức nhất của thời đó; ngay chúng ta cũng xem Socrates như một người đứng đầu và người mẫu của tất cả các bậc thầy về đạo đức thuộc các thời đại về sau. Socrates cũng là nguồn cảm hứng cao cả của Plato, cũng như của thuyết lợi ích đầy sáng suốt của Aristotle, “I maestri di color che sanno,”[3] Plato và Aristotle là hai nguồn gốc chính của đạo đức học và của toàn thể môn triết học. Socrates, vị thầy được tất cả các nhà tư tưởng lớn của hậu thế công nhận, là một người mà danh tiếng không ngừng gia tăng từ 2000 năm nay và vượt qua danh tiếng của tất cả các nhân vật vĩ đại cùng quê quán. Socrates đã bị các đồng hương kết án tử hình vì tội bất kính và vô đạo đức. Bất kính vì ông không công nhận các vị thần thánh được quốc gia sùng bái. Thật vậy, những kẻ tố cáo ông (xem “the Apologia”[4]) đoan chắc rằng, Socrates không tin vào một vị thần thánh nào. Vô đạo đức vì Socrates đã làm cho giới trẻ trở nên đồi trụy qua các chủ thuyết và bài giảng của ông. Ta có thể tin rằng, tòa án đã thành tâm khi cho rằng Socrates phạm những tội ấy, và đã tuyên án tử hình một người xứng đáng được tôn kính vào bậc nhất của nhân loại.

Bây giờ, chúng ta hãy xét đến một thí dụ khác về lỗi lầm của pháp luật; sau vụ kết án Socrates, ta đừng xem vụ này là tầm thường. Chuyện này xảy ra cách đây hơn 1800 năm tại chỗ Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Một người đã bị kết án tử hình, một người mà đời sống và lời giảng biểu hiệu cho đạo đức cao cả đến nỗi 18 thế kỷ sau đó, đã được sùng kính như là hiện thân của Đức Chúa Toàn Năng. Vì tội gì? Vì tội lăng mạ. Không những các người thời đó đã hiểu lầm vị ân nhân của họ mà còn đối xử với ông như với một nhân vật nghịch đạo phi thường. Ngày nay, ngược lại, chính những người kết án ông lại bị buộc vào tội nghịch đạo đó. Khi những con người thời nay xét lại hai biến cố thảm thương nói trên – nhất là vụ thứ hai – ta có thể nói là ta đã quá bất công khi xét những người bất hạnh liên hệ với vụ án. Nói cho cùng, những người này không phải là những người xấu – họ không tệ hại gì hơn những con người bình thuờng. Trái lại, họ là những người có tình cảm về tôn giáo, về đạo đức, về lòng yêu nước cao nhất trong thời đại và trong cộng đồng của họ; trong mọi thời đại, kể cả thời của chúng ta hiện nay, họ là những con người với một đời sống có thể nói là đáng được kính nể, không gì có thể chê trách được. Vị thầy cả, người đã xé áo quần của mình khi nghe các lời giảng của Chúa Jesus – những lời giảng mà theo quan niệm thời đó đã vi phạm những tội ác đen tối nhất – chắc chắn là đã thành thật khi bày tỏ sự ghê tởm và phẫn nộ của mình chiếu theo các quan niệm về đạo đức và tôn giáo của những người ngoan đạo được kính nể vào thời đó. Tuy nhiên, một số lớn người thời nay, khi rùng mình trước hành vi của vị thầy cả, chắc chắn cũng làm như ông ta nếu họ là những người dân Do Thái sống vào thời đó. Những tín đồ Thiên Chúa giáo Chính Thống nào tin tưởng những kẻ đã ném đá vào những người tử đạo đầu tiên là hung dữ hơn họ thì phải nhớ rằng, Thánh Paul là một trong những người đã ném đá.

Chúng ta hãy nêu thêm một thí dụ nữa, một thí dụ nổi bật nhất khi ta so sánh tầm vóc lớn lao của sự sai lầm với sự khôn ngoan và đạo đức của người gây ra nó. Nếu có một vị vua nào có thể được xem là một vị vua tốt nhất và có đầu óc sáng suốt nhất vào thời của mình, thì đó là Hoàng Đế La Mã Marcus Aurelius.[5] Là vị chúa tể tuyệt đối của thế giới văn minh thời đó, trong suốt cuộc đời của mình, Marcus Aurelius có một cách xử sự công bằng vô song; và tuy được hấp thụ nền giáo dục stoic,[6] ông có một tấm lòng rất nhân hậu. Nếu có một số ít lầm lỗi, đó là do lòng khoan dung của ông; các bài viết của ông, những tác phẩm đạo đức cao cả nhất của thời đại cổ xưa không khác gì các bài giảng tiêu biểu nhất của Chúa Cứu Thế. Nhưng chính con người đó, với một tấm lòng Thiên Chúa giáo tốt hơn các vì vua Thiên Chúa giáo trị vì từ trước trên mọi khía cạnh (trừ ra về khía cạnh giáo điều), chính con người đó đã ngược đãi, hành hạ Thiên Chúa giáo. Là người đứng đầu tất cả các tiến bộ của nhân loại, với một đầu óc thông minh, cởi mở, phóng khoáng, và một cá tính tiêu biểu cho lý tưởng Thiên Chúa giáo qua các bài viết, Marcus Aurelius không thấy được rằng, Thiên Chúa giáo là một điều tốt chứ không phải là điều xấu cho nhân loại dù ông thấu hiểu tường tận các bổn phận của mình. Ông biết rằng, vào lúc đó, xã hội đang ở trong một tình trạng thảm hại. Nhưng dù với tình trạng đó, ông nhận xét và nghĩ rằng, niềm tin vào các vị thần thánh cổ xưa và sự thờ phượng họ giúp cho xã hội bớt tệ hại hơn. Trong vai trò của một người cai trị, ông cho rằng, bổn phận của ông là không thể để cho xã hội bị băng hoại và tan rã; ông cho rằng, nếu ta hủy bỏ các sợi dây ràng buộc đi thì những sợi dây mới làm sao kết hợp xã hội lại được. Tôn giáo mới công khai phá tan các sợi dây cũ; vậy thì, trừ phi bổn phận của ông buộc phải chấp nhận tôn giáo mới đó, ông nhận thấy việc phải làm là ông có bổn phận dẹp bỏ nó. Bởi vì ông không thể nào thấy được thần học Thiên Chúa giáo là đúng hay có một nguồn gốc thiêng liêng, và ông cũng không thể tin được câu chuyện thần kỳ của một vị Chúa bị đóng đinh trên thánh giá; ông cũng không thể tiên đoán đuợc rằng một hệ thống đặt trên một nền tảng mà ông không thể tin được, một ngày kia sẽ là động cơ cho một đổi mới, cho nên một con người hòa nhã nhất, dễ mến nhất trong số các nhà hiền triết đã ra lệnh ngược đãi, hành hạ Thiên Chúa giáo. Theo tôi, đó là một biến cố bi thảm nhất của lịch sử. Ta cảm thấy chua xót khi nghĩ rằng Thiên Chúa giáo trên thế giới sẽ khác biệt như thế nào nếu Thiên Chúa giáo đã trở thành tôn giáo của đế quốc La Mã dưới triều của Marcus Aurelius chứ không phải dưới triều của Constantine.[7] Nhưng ta sẽ bất công và không trung thành với sự thật nếu ta bác bỏ sự kiện rằng, tuy Marcus Aurelius đã kiềm chế sự bành trướng của Thiên Chúa giáo, nhưng ông đã cố gắng làm hết sức mình để ngăn cấm các bài giảng chống Thiên Chúa giáo. Tín đồ Thiên Chúa giáo nào cũng tin chắc rằng, chủ nghĩa vô thần dẫn dắt đến sự tan rã của xã hội. Marcus Aurelius tin chắc rằng, Thiên Chúa giáo cũng dẫn đến hậu quả đó, khi ông, trong tất cả các nhân vật đương thời, là một con người mà ta cho rằng có khả năng nhất để hiểu biết rõ giá trị của Thiên Chúa giáo. Nếu có kẻ nào muốn trừng phạt những người đưa ra những quan điểm khác với quan điểm của mình – trừ ra khi kẻ đó tự cho mình là một con người tốt hơn, khôn ngoan hơn Marcus Aurelius, là một con người thông thái nhất trong thời đại của mình, là một trong những bộ óc cao cả nhất, là một con người sốt sắng hơn trong việc tìm kiếm sự thật và dốc lòng tận tụy hơn cho sự thật đó – thì kẻ này đừng nên cho mình hay quần chúng là không bao giờ sai lầm, như vị Hoàng Đế vĩ đại Antoninus[8] đã làm với một kết quả thảm hại.

Biết rằng không thể nào binh vực cho việc trừng phạt những quan điểm vô tôn giáo mà không biện minh cho Marcus Aurelius, những kẻ chống lại tự do tín ngưỡng, khi bị dồn vào đường cùng, có khi phải chấp nhận hậu quả này; đồng ý với ông Johnson, họ nói rằng, những kẻ ngược đãi tôn giáo đã làm đúng; rằng, sự thật phải chịu đựng sự ngược đãi như là một thử thách và sự thật luôn luôn thắng bởi vì các sự trừng phạt bằng luật pháp luôn luôn tỏ ra bất lực khi chống lại sự thật, dù thành công khi chống đối các sai lầm tai hại khác. Đó là những lý luận đáng chú ý để biện hộ cho sự bất khoan dung tín ngưỡng mà ta không thể bỏ qua.

Một thuyết cho rằng, ngược đãi sự thật có thể biện minh được với lý do sự ngược đãi đó không gây tai hại cho sự thật; ta không nên kết án thuyết ấy là cố ý thù nghịch với sự chấp nhận những sự thật mới; nhưng ta cũng không thể ngợi khen sự rộng lượng mà thuyết ấy đã dành cho những nhân vật đem sự thật mới đến cho nhân loại. Phát hiện cho thế giới biết một việc được quan tâm nhất mà trước đó thế giới không hề biết đến; chỉ ra cho thế giới biết điều sai lầm về một vấn đề tôn giáo hay thế tục, đó là một việc làm quan trọng nhất mà một con người có thể làm cho đồng loại; và trong vài trường hợp, như trong trường hợp của các tín đồ Thiên Chúa giáo thời sơ khởi hay của các Nhà Cải Cách Tôn Giáo vào thế kỷ 16, thì các người theo ông Johnson tin rằng, những việc làm đó là những món quà quý giá nhất mà ta có thể tặng cho nhân loại. Nếu ta ngược đãi, đối xử với các vị ân nhân của nhân loại như đối xử với những tội phạm xấu xa nhất, thì đó không phải là một sự lầm lẫn hay một sự bất hạnh mà nhân loại phải ăn năn hối hận, phải phết tro lên mặt, mà đó là lề lối thường tình của cuộc đời. Vẫn theo thuyết ấy, người đưa ra sự thật phải làm theo phương cách của dân Locrians:[9] người muốn đề nghị một đạo luật mới phải ra trình diện với một sợi dây thừng quấn quanh cổ; nếu đại hội quần chúng sau khi nghe đề nghị ấy mà không chấp thuận, thì người đó phải bị thắt cổ chết. Ta không thể cho rằng, những kẻ chấp nhận cách đối xử như vậy với các vị ân nhân của mình đã đánh giá cao các lợi ích mà những vị đó đem đến; và tôi tin rằng, một cách nhìn như vậy chỉ xảy ra với một số người quan niệm những sự thật mới chỉ cần thiết ở một thời kỳ trước kia, nhưng vào thời này thì ta đã có đầy đủ rồi.

Nhưng, thật vậy, khẳng định rằng sự thật luôn luôn thắng sự ngược đãi là một trong những điều dối trá mà con người thích lập đi lập lại cho đến khi nó trở thành một chuyện tầm thường – là một sự kiện mà kinh nghiệm bác bỏ. Lịch sử đầy dẫy những thí dụ, trong đó, sự thật bị ngược đãi và bóp nghẹt; và nếu nó không bao giờ bị loại bỏ, nó sẽ còn kéo dài sự sống qua nhiều thế kỷ. Chỉ trong lãnh vực tôn giáo, phong trào Cải Cách Tôn Giáo đã nổi dậy ít nhất 20 lần trước Luther, và nó đã bị dìm vào im lặng. Arnauld de Brescia, Fra Dolcino, Savonarola đều bị bịt miệng. Các dân Albigeois, Vaudois, Lollards, Hussites đều bị đàn áp. Ngay cả sau Luther, bất cứ ở chỗ nào mà sự ngược đãi kéo dài, sự đàn áp đã thành công. Tại Tây Ban Nha, Ý, Flanders, Áo, đạo Tin Lành bị nhổ rễ; ngay tại Anh Quốc, nếu Hoàng Hậu Mary sống, hoặc Hoàng Hậu Elizabeth từ trần thì đạo Tin Lành cũng sẽ chịu cùng số phận. Sự ngược đãi thắng thế ở tất cả mọi nơi, trừ ra ở chỗ nào mà những người dị giáo quá mạnh để bị đàn áp một cách hữu hiệu. Thiên Chúa giáo đã có thể bị bứng khỏi đế quốc La Mã: không một con người biết lẽ phải nào mà không tin điều đó. Thiên Chúa giáo đã có thể bành trướng và chiếm ưu thế chỉ vì sự ngược đãi có tính cách rời rạc, ngắn hạn, và giữa các cuộc đàn áp lại có những thời gian dài, trong đó, sự truyền giáo gần như được tự do. Nếu ta nghĩ rằng – sự thật thuần khiết nhất chứ không phải sự sai lầm – tự nó có sức mạnh tiềm tàng để vượt qua ngục tù, giàn hỏa thiêu, thì đó là ta suy nghĩ theo một thứ tình cảm ủy mị, vu vơ. Thường thì con người không có nhiều lòng nhiệt thành với sự thật hơn là với sự sai lầm; và một biện pháp trừng phạt vừa đủ dựa trên pháp luật hay trên áp lực của xã hội cũng đủ để ngăn chận sự phổ biến của cả hai. Cái thuận lợi chính của sự thật nằm ở chỗ này: khi một quan điểm được xét là đúng, người ta có thể cố gắng dập tắt nó một lần, hai lần hay nhiều lần hơn; nhưng với thời gian, sẽ có nguời khám phá và đưa nó trở lại; khi nó tái xuất hiện vào một thời kỳ với những hoàn cảnh thuận tiện giúp nó thoát khỏi sự đàn áp, sau đó nó có đủ sức mạnh để đối đầu với những sự ngược đãi tiếp theo. Có người nói rằng, vào thời đại này, chúng ta không kết án tử hình bất cứ ai đưa ra những ý kiến mới mẻ nữa; chúng ta không như ông cha ta: họ đã chém giết các nhà tiên tri; chúng ta lại xây lăng cho những người đó. Thật vậy, chúng ta không còn giết những kẻ dị giáo, và những luật lệ mà ta chấp nhận hiện nay cũng không đủ sức mạnh để dập tắt những quan điểm xấu xa nhất. Nhưng chúng ta hãy khoan tự khen rằng, chúng ta đã thoát khỏi vết nhơ của sự ngược đãi bằng pháp lý. Các sự trừng phạt về tư tưởng – hay ít nhất là về việc phát biểu tư tưởng – vẫn còn hiện hữu trong luật pháp. Và ngay vào lúc này, còn có khá nhiều vụ xảy ra để ta có thể sợ rằng, một ngày kia, những sự trừng phạt như thế có thể xảy ra nhiều hơn nữa. Năm 1857, tại tòa án mùa hè ở Cornwall, một người bất hạnh[10] – người có một tư cách không thể chê trách được về mọi phương diện – đã bị kết án 21 tháng tù về tội đã phát biểu và viết trên một cánh cửa những chữ bị cho là xúc phạm đến đạo Thiên Chúa. Một tháng sau đó, tại tòa án Old Bailey, hai người trong hai trường hợp khác nhau[11] đã bị từ khước không cho làm thành viên của bồi thẩm đoàn, với lý do họ đã tuyên bố họ không có niềm tin vào tôn giáo nào cả; và một trong hai người đó đã bị quan tòa và một trong những luật sư mắng nhiếc thậm tệ. Cũng vì lý do đó, một người thứ ba, một du khách ngoại quốc,[12] nạn nhân của một vụ cướp giật, đã bị tòa từ chối xét xử. Lý do của vụ từ khước được căn cứ trên một án thuyết rằng, một con người không có niềm tin nơi Chúa (hay ở bất cứ thần thánh nào) và không tin ở một đời sống sau này thì không được chấp nhận làm nhân chứng tòa án; điều này có nghĩa như là đặt người bị cướp ngoài vòng pháp luật và không được hưởng sự che chở của luật pháp. Việc này có hai hậu quả tai hại: những người bị kết án vừa kể có thể bị cướp hay bị hành hung mà kẻ phạm tội có thể không bị trừng phạt nếu chỉ có họ hay những người cùng quan điểm làm chứng; không những vậy, bất cứ ai khác cũng có thể bị cướp hay bị hành hung mà kẻ phạm tội không bị trừng phạt nếu những người bị kết án kể trên là những người làm chứng. Luật lệ này căn cứ trên việc cho rằng, lời tuyên thệ của một người không tin vào một đời sống sau này là không có giá trị; điều này chứng tỏ rằng, những kẻ tin vào việc ấy quá ngu dốt về lịch sử (bởi vì các sự kiện lịch sử đã chứng minh phần đông những kẻ ngoại đạo vào bất cứ thời nào cũng là những người có danh dự và chính trực đáng kính nể); ngoài ra, trên thế giới này, có biết bao nhiêu người nổi tiếng về đức hạnh được biết – ít nhất là bởi bạn bè thân thiết của họ – là những người không có tín ngưỡng. Thêm nữa, luật lệ trên tự hủy vì tự cắt khỏi nguồn gốc của mình. Với cớ rằng, những người vô đạo là những người nói dối, luật lệ trên lại chấp nhận lời chứng của những kẻ vô đạo khác, sẵn sàng nói dối và từ khước lời chứng của những ai chịu sự lăng nhục của quần chúng vì đã công khai công nhận theo một tín ngưỡng bị ghét bỏ hơn là chấp nhận nói dối. Một luật lệ lố bịch như vậy chỉ có thể tồn tại được vì nó là một biểu hiệu cho lòng căm thù, một tàn tích của sự ngược đãi, một sự ngược đãi đặc biệt dành cho những kẻ đã chứng minh rằng, họ không đáng nhận lãnh bất hạnh đó. Luật lệ này và cái chủ thuyết kèm theo nó xúc phạm không ít đến người có đạo hơn là người vô đạo. Bởi vì, nếu người không tin tưởng nơi một đời sống sau này, chắc chắn phải là một người nói dối, thì ta có thể nói rằng, chỉ có ai sợ phải xuống địa ngục mới ngăn cản được những người nói dối, nếu nó có thể ngăn cản được việc gì. Chúng ta tin sẽ không xúc phạm đến các tác giả của luật lệ trên và những kẻ tiếp tay với họ khi ta giả sử rằng, quan niệm của họ về lòng nhân ái Cơ Đốc giáo xuất phát từ lương tâm của họ. Thật ra, đấy chính là những tàn tích của một sự ngược đãi mà ta có thể cho rằng không xuất phát từ ý muốn của con người, mà như là một thí dụ của sự yếu kém tinh thần thường xảy ra trong trí óc của người dân Anh Quốc; họ lấy làm thích thú khi chấp nhận một nguyên tắc xấu, nhưng trong thực tế, họ không tệ đến nỗi đem nguyên tắc xấu đó ra thực hiện. Rủi thay, với tình trạng tinh thần như vậy, không có một sự bảo đảm nào rằng những ngược đãi pháp lý tồi tệ nhất xảy ra trong vòng thế kỷ qua sẽ không tiếp tục xảy ra nữa. Trong thời đại chúng ta, bề mặt phẳng lặng của đời sống hằng ngày thường bị xáo trộn bởi những toan tính làm sống lại những tệ hại của quá khứ trong lúc cùng đưa ra những lợi ích mới. Giờ đây, cái được khoe khoang như là sự hồi phục của tôn giáo luôn luôn chỉ là sự sống dậy của niềm tin mù quáng trong những trí óc hẹp hòi, kém văn hóa. Và khi mà lòng bất khoan dung sống âm ỉ như một chất men mạnh mẽ trong giới trung lưu của nước này, chỉ cần một ít sự việc nhỏ nhen để thúc đẩy họ ngược đãi những kẻ mà họ không bao giờ ngừng xem như là những đối tượng đáng bị ngược đãi.[13]Chính những việc ấy – những quan điểm mà con nguời nuôi dưỡng, những tình cảm được ưa chuộng mà họ đưa ra đối với những người chối bỏ niềm tin mà họ cho là quan trọng – đã ngăn cản không cho quốc gia này trở thành một nơi, trên đó, trí tuệ được tự do phát triển. Đã từ lâu rồi, điều nguy hại chính của sự trừng phạt theo luật pháp là làm trầm trọng thêm sự trừng phạt của xã hội. Trừng phạt này thực sự có hiệu quả, và có hiệu quả đến nỗi ở Anh Quốc, người ta ít dám đưa ra những quan điểm bị xã hội cấm đoán nhiều hơn ở các nước khác, nơi mà người ta dám đưa ra những quan điểm có thể bị pháp luật trừng trị. Đối với tất cả mọi người – trừ những người mà tình trạng tài chính giúp họ không bị lệ thuộc vào người khác – thì quan điểm về việc này cũng có hiệu quả như là luật pháp; con người bị nhốt tù hay không kiếm được miếng ăn thì cũng chẳng khác gì nhau. Những ai đã cầm chắc đuợc miếng ăn và không chờ đợi ân sủng nào từ kẻ cầm quyền, từ những cơ quan công quyền hay từ quần chúng, thì những người đó không có sợ hãi gì mà không đưa ra bất cứ quan điểm nào, trừ ra khi họ có thể bị khinh miệt hay bị gièm pha; và khi họ làm như vậy, họ cũng chẳng can đảm gì cho lắm. Ta cũng không cần phải tỏ lòng thương hại những kẻ đó. Tuy chúng ta không gây nhiều đau khổ như xưa cho những ai không đồng chính kiến với chúng ta, chúng ta vẫn gây đau khổ cho chính chúng ta nhiều như trước kia. Socrates đã bị tử hình, nhưng triết lý của ông đã vươn lên như mặt trời và chiếu sáng cả bầu trời tri thức. Tín đồ Công giáo bị ném cho sư tử ăn nhưng Thiên Chúa giáo đã trở nên một cây cổ thụ uy nghi và rậm rạp, vượt qua những cây già nua hơn và yếu kém hơn và bóp nghẹt chúng trong bóng mát của mình. Lòng bất khoan dung thuần túy có tính cách xã hội của chúng ta không giết hại ai, không bứng bỏ đi quan điểm nào, nhưng nó thúc đẩy con người che giấu quan điểm của mình, và không có cố gắng nào để phổ biến các quan điểm ấy. Ngày nay, các quan điểm dị biệt không chiếm ưu thế cũng như không mất ảnh hưởng từ thập niên này qua thập niên khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác; nhưng không bao giờ chúng sáng chói lên, chúng tiếp tục âm ỉ trong giới hạn thu hẹp của các nhà tư tưởng và các nhà bác học, nơi mà chúng nẩy sinh ra; và cứ như vậy, chúng không bao giờ soi sáng các vấn đề tổng quát với một luồng ánh sáng mà các thế hệ sau này có thể nhận xét xem là đúng hay mập mờ. Và như vậy cứ kéo dài một trạng thái rất hợp ý với một số người, vì trạng thái này kềm giữ tất cả mọi quan điểm có ưu thế trong một sự yên tĩnh giả tưởng; ta không phải phạt vạ ai, không phải bỏ ai vào ngục tù và tuyệt đối không cấm cản những kẻ không cùng chính kiến và mắc bịnh thích suy nghĩ được lý luận. Đó là một kế hoạch vô cùng tiện lợi để duy trì sự yên ổn trong giới trí thức và giữ cho mọi việc được tiếp tục diễn tiến tốt đẹp. Nhưng cái giá phải trả cho loại yên ổn đó là phải hy sinh tất cả sự can đảm về tinh thần của tri thức con người. Khi làm như vậy, xẩy ra một tình trạng, trong đó, những bộ óc năng động nhất và tò mò nhất cho rằng, tốt hơn hết là nên giữ cho mình những nguyên tắc và lập trường tổng quát vào những niềm tin của họ; và khi phải phát biểu nơi công cộng, họ cố gắng làm cho những lời kết luận của họ càng phù hợp càng tốt với các tiêu đề mà họ phủ nhận trong thâm tâm chính họ; một tình huống như vậy ngưng tạo ra những con người thành thật và can đảm, những trí óc thông minh đầy luận lý và mạch lạc đã từng làm đẹp thế giới tri thức từ trước đến nay. Những con người do tình huống đó tạo ra, hoặc là những kẻ chỉ biết nghe những chuyện tầm thường, hoặc là những kẻ theo cơ hội chủ nghĩa: các lý lẽ của họ về tất cả các vấn đề lớn, thay đổi hầu thích ứng với những cử tọa khác nhau; họ không phải là những người biết tự thuyết phục mình. Những ai muốn tránh phải là một trong hai loại người nói trên thì phải làm gì? Họ nên giới hạn những suy nghĩ và sở thích của họ vào những lãnh vực mà khi phát biểu, họ không cần phải đưa ra những nguyên tắc; có nghĩa là một số vấn đề thực tiễn tự chúng có thể tìm ra phương pháp giải quyết được, với điều kiện là trí tuệ con người phải mạnh mẽ hơn và mở mang hơn; nhưng các vấn đề ấy sẽ không được giải quyết một khi ta bỏ rơi yếu tố cần thiết để gia tăng sức mạnh và mở mang trí tuệ con người, để trí tuệ có thể hướng đến những suy đoán tự do và táo bạo về những đề tài cao cả nhất.

Người nào cho rằng, sự dè dặt nêu trên của những người có quan điểm dị biệt không phải là một việc xấu thì phải thấy rằng, vì sự dè dặt đó cho nên các quan điểm dị biệt không bao giờ được đem ra tranh luận một cách sâu rộng và thẳng thắn. Vậy nên, những quan điểm không đứng vững sau một cuộc tranh luận sâu rộng và thẳng thắn cũng không biến mất, ngay cả khi chúng bị ngăn cấm không đuợc phổ biến. Nhưng không phải là tri thức của những con người dị biệt đó bị thiệt hại nhiều nhất khi các cuộc nghiên cứu, sưu tầm của họ bị ngăn cấm vì chúng đưa ra những kết luận không phù hợp với lề lối chính thống. Những người bị thiệt hại nhất là những người không có quan điểm dị biệt: sự mở mang trí tuệ của họ bị hạn chế, lý luận của họ bị nhụt đi vì sợ phải đưa ra những quan điểm dị biệt. Ai có thể ước lượng được sự mất mát lớn lao của nhân loại khi vô số các bộ óc thông minh, đầy hứa hẹn lại tỏ ra e dè, không dám tìm kết luận cho một loạt những sáng kiến táo bạo, đầy sức sống và độc lập vì sợ đi đến một kết luận có thể bị kết án là chống tôn giáo hay vô luân? Trong số những người đó, đôi khi cũng có người ngay thẳng, tận tâm, với trí óc nhạy cảm, tinh tế; suốt đời họ đã từng vật lộn với một trí tuệ mà họ không thể kềm giữ trong im lặng được; họ đã làm hết mọi cách để hoá giải các đòi hỏi của lương tâm và lý trí của họ với lề lối chính thống; và nhiều khi họ đã thất bại. Không thể nào làm một nhà tư tưởng lớn mà lại không nhận thấy rằng, bổn phận trước tiên của mình là phải để cho dòng tư tưởng của mình dẫn đến một kết luận, bất cứ loại kết luận nào. Sự thật được lợi từ những sai lầm của một người có suy nghĩ độc lập sau khi đã nghiên cứu và chuẩn bị vấn đề hơn là từ những quan điểm được cho là đúng chỉ vì những người ấy không dám suy nghĩ. Tự do tư tưởng không phải là cần thiết chỉ để đào tạo nên những nhà tư tưởng lớn. Trái lại, tự do tư tưởng cũng cần thiết, nếu không nói là cần thiết hơn, cho những con người bình thường để giúp họ đạt đến mức trí tuệ mà họ có khả năng đạt tới được. Đã có, và có thể sẽ có, nhiều nhà tư tưởng lớn trong một bầu không gian nô lệ tri thức. Nhưng không bao giờ và sẽ không bao giờ có được một dân tộc có tri thức năng động trong bầu không gian đó. Nhất thời, khi một dân tộc tiến gần đến loại tri thức năng động đó, ấy là khi sự sợ hãi phải đưa ra những suy đoán không chính thống đã bị dẹp bỏ. Ở nơi nào có một sự thỏa thuận ngầm rằng, không nên tranh luận về các nguyên tắc, ở nơi nào người ta cho rằng, phải ngưng tranh luận về các vấn đề lớn lao của nhân loại, thì ở đó, người ta không có hy vọng tìm ra loại sinh hoạt tri thức có tầm vóc rộng lớn đã làm cho một số thời kỳ của lịch sử nổi tiếng. Trong các cuộc tranh luận, khi người ta né tránh những vấn đề rộng lớn và hệ trọng có thể gây sôi nổi, thì không bao giờ trí tuệ của một dân tộc có thể thoát ra khỏi các nguyên tắc cơ bản; không bao giờ trí tuệ đó nhận được sự thôi thúc để giúp những con người có trí tuệ trung bình tiến đến vị trí xứng đáng của những con người biết suy nghĩ. Châu Âu đã có được những thời kỳ, trong đó, trí tuệ đã được kích động: thời kỳ thứ nhất xảy ra ngay sau thời kỳ Cải Cách (Reform); thời kỳ thứ hai, tuy rằng chỉ hạn chế ở miền Lục Địa và trong giới trí thức, đã nẩy nở trong hậu bán thế kỷ 18 khi có phong trào triết học thuần lý;[14] thời kỳ thứ ba ngắn ngủi hơn, xảy ra vào lúc tri thức bị khuấy động tại Đức trong thời đại của Goethe[15] và Fichte.[16] Nếu xét về đặc tính của các quan điểm được đưa ra, ba thời kỳ ấy rất khác nhau; nhưng chúng lại giống nhau ở điểm là, trong suốt thời gian chúng xảy ra, sự đàn áp của nhà cầm quyền bị phá bỏ. Trong mỗi thời kỳ, nền độc tài tri thức cũ kỷ bị loại bỏ và không được thay thế bởi một thứ mới hơn. Sự kích thích được tạo ra trong các thời kỳ ấy đã góp phần xây dựng một Châu Âu như ta thấy hiện nay. Mỗi sự tiến bộ nhỏ nhặt nhất trong trí óc con người và trong các thể chế, hẳn đã bắt nguồn từ một trong ba thời kỳ đó. Trong khoảng thời gian gần đây, các nhận xét cho thấy rằng, những kích thích trong ba thời kỳ đó đã tiêu mòn: và chúng ta không thể mong mỏi có một sự bắt đầu mới mẻ nào cho đến khi chúng ta khẳng định lại sự tự do tư tưởng của chúng ta.

Bây giờ, chúng ta hãy đề cập đến phần thứ hai của cuộc tranh luận. Bỏ đi giả thuyết cho rằng, các quan điểm mà ta chấp nhận có thể sai, chúng ta hãy cho rằng, các quan điểm ấy là đúng; và chúng ta hãy đánh giá các phương cách được sử dụng để ủng hộ các quan điểm ấy khi sự thật về chúng không được tranh luận một cách tự do và công khai. Tuy một con người khó chấp nhận một quan điểm mà ta ủng hộ mạnh mẽ có thể bị xem là sai, ta cũng phải cảm thấy lay chuyển bởi ý kiến cho rằng, dù quan điểm ấy có đúng đến đâu chăng nữa, người ta sẽ xem nó như là một giáo điều chết chứ không phải là một sự thật sống nếu ta không đưa nó ra để tranh luận một cách toàn diện, thường xuyên và không sợ hãi.

Có một hạng người (may thay là bây giờ số người đó đã ít hơn trước kia) cho vậy là đủ rồi, nếu có người nào tin tưởng một cách mù quáng vào một quan điểm họ cho là đúng, dù không cần biết đến nguồn gốc cơ bản của nó và cũng không thể bảo vệ nó trước những lời phê phán nông cạn nhất. Những con người như vậy, một khi được chính quyền truyền cho những giáo điều, đương nhiên họ nghĩ rằng, nếu cho phép mọi người tranh luận về những giáo điều ấy thì chỉ đem lại kết quả xấu. Ở chỗ nào mà ảnh hưởng của họ thắng thế, bằng một cách khôn ngoan, họ làm cho các quan điểm đó không thể bị chối bỏ, tuy rằng chúng vẫn có thể bị chối bỏ một cách hấp tấp và ngu dốt; bởi ta hoàn toàn khó ngăn chận được một sự tranh luận, và ngay khi một cuộc tranh luận bắt đầu, các tư tưởng không dựa vào một nền móng thực sự bền vững sẽ dễ dàng tan biến đi trước một lý luận yếu kém nhất. Bây giờ chúng ta hãy gạt bỏ khả năng đó đi, và hãy cho rằng, quan điểm đứng đắn tồn tại trong trí óc chúng ta, nhưng dưới tình trạng của một định kiến, một tin tưởng độc lập với cuộc tranh luận và là một chứng cớ chống đối với cuộc tranh luận: đấy không phải là cung cách mà một con người có lý trí nắm giữ sự thật. Đấy không phải là hiểu biết sự thật. Một quan điểm về sự thật như vậy chỉ là thêm một mê tín tình cờ dính liền với các từ ngữ nêu lên sự thật.

Nếu trí thông minh và óc phán đoán của con người cần được trau dồi – một điều mà tín đồ theo đạo Tin Lành không phủ nhận – thì làm thế nào để rèn luyện các năng khiếu ấy một cách đúng đắn, nếu không phải là trên những sự việc liên hệ đến họ được coi như cần thiết để họ có ý kiến? Nếu sự rèn luyện trí thông minh là một ưu tiên, thì sự thấu hiểu các căn bản của các quan điểm là một việc tốt. Dù ta có suy nghĩ ra sao chăng nữa về vấn đề mà ta cần phải có nhận xét đúng đắn, ít nhất ta phải có khả năng bảo vệ các suy nghĩ của chúng ta đối với những lời chỉ trích tầm thường nhất. Nhưng có người sẽ nói rằng: “Phải dạy cho người ta biết những điều căn bản của những quan điểm của họ. Không phải là người ta không bao giờ được nghe tranh luận về các quan điểm mà người ta lập đi lập lại các quan điểm ấy như một con vẹt. Những người học hình học, không những phải học thuộc lòng các định lý, mà họ còn phải hiểu các định lý ấy và phải biết cách giải chúng nữa; và thật lố bịch nếu ta nói rằng, những người đó không biết đến các căn bản của hình học vì họ chưa bao giờ nghe ai phủ nhận các định lý ấy hay tìm cách loại bỏ các định lý ấy.” Chắc hẳn là như vậy, và một sự giảng dạy như vậy đúng cho một môn như là toán học; không ai có thể đưa ra một điều gì để phản bác được. Nét đặc thù của môn toán học là tất cả các lý luận đều nằm về một phía. Không có ý kiến phản đối cũng như không có trả lời cho ý kiến phản đối. Nhưng, đối với những vấn đề có thể tạo ra những quan điểm khác biệt, sự thật tùy thuộc vào sự thăng bằng giữa hai nhóm lý luận chống đối nhau. Ngay cả trong lãnh vực triết lý tự nhiên, cũng luôn luôn có một sự giải thích khác cho cùng một sự việc: một thuyết cho địa cầu là trung tâm và một thuyết cho mặt trời là trung tâm; một thuyết ủng hộ chất gây cháy và một thuyết ủng hộ dưỡng khí; và ta phải chứng minh rằng, tại sao thuyết này không thể đúng; và cho đến khi việc này được chứng minh và ta biết nó được chứng minh như thế nào, thì chúng ta không hiểu các căn bản của những quan điểm đó. Nhưng nếu chúng ta quay về với những vấn đề vô cùng rắc rối hơn như đạo đức, tôn giáo, chính trị, giao tế xã hội và các vấn đề liên hệ đến đời sống, ta nhận thấy rằng, ba phần tư các lý luận dành cho mỗi quan điểm được tranh luận là dùng để gạt bỏ các lý luận thuận lợi cho phía kia. Một trong những nhà hùng biện danh tiếng nhất thời cổ kể lại rằng, ông ta luôn luôn nghiên cứu đề tài của địch thủ cũng kỹ lưỡng – nếu không phải là hơn – như chính đề tài của mình. Những gì mà Cicero đã làm để gặt hái thắng lợi trước toà án, phải được tất cả những ai muốn đạt đến sự thật của một vấn đề bắt chước. Kẻ nào chỉ biết đến các lý luận của mình là không thấu đáo vấn đề. Có thể các lý luận của người đó hay ho và không ai có thể gạt bỏ chúng. Nhưng nếu ông ta không có khả năng gạt bỏ những lý luận của phe kia và cũng không biết đến các lý luận đó, thì ông ta không có cơ sở để chọn quan điểm này hay quan điểm kia. Sự lựa chọn hợp lý duy nhất của ông ta là ngưng phán đoán; và nếu ông ta không bằng lòng với giải pháp ấy, thì hoặc ông ta để cho một người có quyền lực hướng dẫn ông ta, hoặc theo cách người ta thường làm nhất là chọn theo phe mà mình thích nhất. Nhưng cũng không phải ông ta chỉ nghe những lý luận của địch thủ được trình bày bởi những vị thầy của mình theo phương cách của họ với những lý lẽ phản bác. Đây không phải là cách tốt nhất để đánh giá các lý luận của địch thủ hay để cho trí óc thực sự ghi nhận chúng. Người đó phải nghe các lý luận ấy ngay từ miệng của những người đã đặt niềm tin nơi chúng, những người biết bảo vệ chúng một cách thành thật và với nhiều cố gắng nhất. Người đó phải biết các lý luận ấy dưới những dạng đáng tin cậy nhất và chúng phải được trình bày một cách thuyết phục nhất; người đó phải nhận thấy toàn bộ sức mạnh của các khó khăn mà vấn đề phải đương đầu và giải quyết. Nếu không như vậy, người đó sẽ không bao giờ thật sự đạt được phần sự thật có khả năng đối đầu và loại bỏ các khó khăn đó. Đấy là trường hợp của 99% những người mang tiếng là có văn hóa, ngay cả những ai có khả năng trình bày quan điểm của mình một cách lưu loát. Kết luận của họ có thể đúng, nhưng cũng có thể sai: không bao giờ họ tự đặt mình vào vị trí của những người suy nghĩ khác họ và tự hỏi xem những người ấy có thể nói gì. Và như vậy, thật sự mà nói, họ không biết đến học thuyết mà họ đưa ra. Họ không biết đến những phần của thuyết đó, những phần cần thiết để giải thích và biện hộ cho phần còn lại; họ không quan tâm đến sự kiện rằng, hai sự việc có thể chống đối nhau nhưng có thể hoà hợp nhau; hay rằng, hai lý lẽ cùng có vẻ mạnh ngang nhau, nhưng ta có thể chọn cái này thay vì cái kia. Những người như vậy xa lạ với sự thật có thể là yếu tố quyết định trong phán đoán của một người sáng suốt; những người biết được cái phần sự thật ấy là những người công bằng và vô tư liên hệ với cả hai phe của cuộc tranh luận, và đã cố gắng thu nhận các lý luận dưới dạng thuyết phục nhất. Cách rèn luyện trí óc này trở nên cần thiết cho sự hiểu biết thật sự về các vấn đề đạo đức và các vấn đề của con người cho đến nỗi, nếu ta không có địch thủ để tranh luận, thì ta phải tạo chúng ra trong trí tưởng tượng và cung cấp cho chúng những lý luận mạnh mẽ nhất mà một luật sư tài giỏi của phía chống đối có thể đưa ra được.

Để làm giảm sức mạnh của các suy nghĩ ấy, ta hãy giả sử một kẻ thù của tự do tư tưởng cho rằng, toàn thể nhân loại không cần thiết phải biết và thấu hiểu tất cả những lý luận mà các nhà triết học và thần học đã đưa ra để ủng hộ hay bác bỏ các quan điểm của loài người. Rằng, một con người bình thường không cần phải biết vạch ra những sai lầm và những ngụy biện của một địch thủ khéo léo; rằng, chỉ luôn luôn cần có một người nào đó có khả năng làm việc ấy, hầu bảo đảm không có sự ngụy biện nào mà không thể bị bác bỏ để cho những con người thiếu chỉ dẫn không bị sai lầm. Rằng, những con người có đầu óc giản dị một khi biết được các căn bản hiển nhiên của những sự thật đã được khắc sâu vào tâm trí của họ, họ có thể tin tưởng nơi một giới thẩm quyền về các việc còn lại và rằng, khi họ biết họ có hiểu biết và tài năng để giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải, họ có thể tin chắc tất cả các khó khăn ấy đã hay sẽ được giải quyết bởi những người đã được huấn luyện đặc biệt cho công việc này.

Có người dễ dàng chấp nhận một sự hiểu biết không cần sự thật. Ngay cả về điểm này, nếu ta chấp nhận tất cả những gì mà những người đó đòi hỏi thì những lý luận có sức thuyết phục nhất bênh vực tự do tranh luận cũng không bị suy kém đi; và ngay cả thuyết này cũng công nhận nhân loại phải được bảo đảm tất cả những ý kiến phản đối phải nhận được những lời giải đáp thích đáng. Nhưng làm sao để trả lời, nếu người ta không biết được những câu hỏi? Hay làm sao biết được các lời giải đáp có vừa ý hay không, nếu những người chống đối không có cơ hội cho biết các lời giải đáp ấy chẳng vừa ý? Nếu không phải là quần chúng, ít nhất, các nhà triết học và thần học có nhiệm vụ giải quyết các khó khăn ấy dưới những dạng rối ren nhất; và việc này không thể thực hiện được, nếu các khó khăn ấy không được trình bày một cách tự do dưới một dạng thuận lợi nhất. Giáo hội Thiên Chúa giáo giải quyết vấn đề đầy rắc rối này theo phương cách của mình. Giáo hội phân chia rõ ràng hai loại người: những người được phép tự thuyết phục mình thu nhận các giáo thuyết và những người chấp nhận các giáo thuyết ấy mà không cần cứu xét. Giáo hội không cho phép cả hai nhóm nhận điều này hay điều kia. Nhưng các giáo sĩ – hay ít nhất là những ai được giáo hội tin cậy – được phép hay được xem như xứng đáng làm quen với những lý luận của phe đối thủ để có thể trả lời; những người này có thể đọc các sách của phe dị giáo; trong khi đó, những người thế tục có thể làm như vậy nếu có phép đặc biệt, một phép khó mà xin được. Cách cư xử này cho thấy rằng, sự hiểu biết vấn đề của phe đối thủ là một lợi thế cho những người giảng dạy, nhưng đồng thời lại tìm đủ mọi phương cách thích ứng để ngăn chận không cho những người khác biết đến vấn đề này; sự việc này giúp cho giới tinh hoa có một hiểu biết rộng lớn hơn quần chúng, tuy rằng không cho họ nhiều tự do tri thức. Chính bằng phương cách này mà giáo hội thành công trong việc tạo nên cái ưu thế về tri thức để thực hiện mục tiêu đòi hỏi của mình; bởi vì một sự hiểu biết thiếu tự do không bao giờ tạo nên một trí óc khoáng đạt và tự do, nhưng nó có thể tạo nên một luật sư tài giỏi cho mục tiêu của mình. Nhưng phương cách này bị các quốc gia theo đạo Tin Lành chối bỏ bởi vì giáo dân Tin Lành – ít nhất là trong lãnh vực lý thuyết – cho rằng trách nhiệm lựa chọn tôn giáo là trách nhiệm của mỗi cá nhân và không thể giao trọng trách ấy cho các người giảng dạy. Ngoài ra, trong tình trạng hiện nay trên thế giới, trên thực tế, không thể nào những tài liệu, sách vở mà những nguời có học dùng đến lại không thể nằm ngoài tầm tay của những người ít học. Nếu các vị thầy của nhân loại biết tất cả những gì mà họ phải biết, thì tất cả mọi thứ phải được viết ra và phổ biến một cách tự do.

Tuy nhiên, khi các quan điểm được lãnh hội đúng, và nếu sự vắng mặt của tự do tranh luận không gây tai hại gì khác ngoài việc không cho con người biết được những nguyên tắc của các quan điểm đó, thì ta có thể nghĩ rằng, đây không phải là một việc tai hại về mặt tinh thần mà chỉ là một sự tai hại về mặt tri thức; sự tai hại này không ảnh hưởng đến giá trị của các quan điểm xét về ảnh hưởng của chúng trên cá tánh con người. Tuy nhiên, sự vắng mặt của tự do tranh luận không những làm quên đi những nguyên tắc cơ bản mà nhiều khi cũng bỏ qua chính ý nghĩa của các quan điểm ấy. Các từ ngữ dùng để nói lên quan điểm ngưng gợi lên các ý nghĩ, hay chỉ nói lên một phần nhỏ các ý nghĩ mà quan điểm muốn đưa ra từ lúc ban đầu. Thay vì một quan điểm mạnh mẽ và một niềm tin sống động, nay chỉ còn có vài câu được học thuộc lòng; và nếu người ta còn giữ lại được một chút ý nghĩa, thì đấy chỉ là cái vỏ bề ngoài: thực chất tinh tế đã biến mất. Một giai đoạn lớn của lịch sử nhân loại chứa đầy sự kiện ấy đã không được nghiên cứu và nghiền ngẫm một cách nghiêm chỉnh.

Sự kiện này đã có mặt trong gần tất cả các lý thuyết về luân lý và về các niềm tin tôn giáo. Đối với những vị khai sáng và những tín đồ thời khởi thủy, các lý thuyết và niềm tin ấy đầy ý nghĩa và sức sống. Ý nghĩa đó trở nên mạnh mẽ hơn – và ngay cả gây nhiều ý thức hơn – chừng nào mà ta tranh đấu để cho các lý thuyết và các niềm tin ấy chiếm được ưu thế so với các lý thuyết và niềm tin khác. Cuối cùng, ý nghĩa đó hoặc thay thế và trở nên một quan điểm chung hoặc ngưng tiến triển; nó giữ vững vùng đất chiếm được nhưng ngưng không lan rộng nữa. Khi mà một trong hai sự việc đó trở nên hiển nhiên, cuộc tranh luận về vấn đề liên hệ suy giảm đi và dần dần biến mất. Lý thuyết ấy, nếu không được xem như là một quan điểm được công nhận, thì ít nhất cũng là một trong những phần được công nhận của quan điểm; những người có quan điểm đó thường thường được xem như là thừa hưởng nó, chứ không phải đã lựa chọn nó; và người ta không còn lưu ý đến sự chuyển đổi từ quan niệm này qua quan niệm kia, một sự kiện hiếm xảy ra vào thời nay. Thay vì luôn luôn cảnh giác để tự vệ chống với thế giới hoặc để chinh phục thế giới như đã xảy ra vào lúc ban đầu, những nguời này trở nên thụ động, không màng nghe những lý luận chống lại tín ngưỡng của họ, cũng như những lý luận thuận lợi cho tín ngưỡng ấy. Chính vào thời điểm này mà thường xảy ra sự suy sụp về sinh khí của một lý thuyết. Ta thường nghe các vị giảng dạy giáo lý than phiền rằng, khó có thể duy trì nơi các tín đồ một nhận thức sinh động của một sự thực mà họ công nhận trên danh nghĩa; nhận thức đó cần phải xuyên thấm vào những cảm xúc và ảnh hưởng thật sự trên các hành vi của họ. Khó khăn đó đã không xảy ra khi mà người ta còn phải tranh đấu để cho tín ngưỡng có chỗ đứng; vào lúc đó, ngay cả các tín đồ yếu kém nhất cũng biết và cảm thấy tại sao họ phải tranh đấu, và thấu hiểu sự khác biệt giữa tôn giáo của họ và các tôn giáo khác. Trong mọi tôn giáo, chính vào thời điểm đó, ta có thể gặp một số người đã nhận thức được các nguyên tắc căn bản về tôn giáo của họ dưới mọi dạng của tư tưởng; họ đã đánh giá và cân nhắc các nguyên tắc đó dưới tất cả mọi khía cạnh quan trọng, và họ cũng cảm nhận được một cách sâu sắc ảnh hưởng của các nguyên tắc đó trên cá tính của họ: một ảnh hưởng được tạo nên trong một trí óc thấm nhuần tín ngưỡng đó. Nhưng, một khi tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác, một khi nó được thu nhận một cách thụ động chứ không do chủ động, một khi trí óc không còn bị bắt buộc trả lời những câu hỏi mà tín ngưỡng đặt ra, thì người ta có khuynh hướng quên hết mọi việc liên hệ đến tín ngưỡng để chỉ còn nhớ đến những công thức hay chỉ còn chấp nhận tín ngưỡng một cách uể oải, thờ ơ; người ta làm như không cần phải chấp nhận tín ngưỡng với một ý thức sáng suốt, hay thử thách nó qua kinh nghiệm của đời sống. Chính vì thế mà tín ngưỡng không còn liên hệ gì đến đời sống nội tâm của con người. Rồi thì xuất hiện những trường hợp – quá nhiều vào thời này để trở thành đa số – trong đó, dường như tín ngưỡng không còn nằm trong tâm trí nữa, và trở nên cứng ngắc, tê liệt đối với tất cả những ảnh hưởng khác nhằm đến những phần cao cả nhất của bản chất con người; một sự tê liệt được biểu lộ bằng cách từ chối mọi niềm tin mới mẻ sống động, đóng vai trò của một tên lính gác có trách nhiệm giữ cho trí óc và trái tim được trống trải.

Đến mức nào, những giáo điều có khả năng tự tạo cho mình một ấn tượng sâu sắc trong trí óc con người, và đến mức nào, các giáo điều ấy có thể lưu lại trong trí óc như là những niềm tin chết, không bao giờ có mặt trong trí tưởng tượng, cảm xúc và trí thông minh của con người? Ta có thể thấy mức độ đó khi xem xét đa số các tín đồ Cơ Đốc giáo tin tưởng vào các giáo điều của họ như thế nào. Khi đề cập đến Cơ Đốc giáo, ở đây, tôi muốn nói đến tất cả những gì do các giáo hội và giáo phái đưa ra: những châm ngôn, những lời giáo huấn chứa đựng trong Tân Ước. Tất cả những ai tự cho mình là tín đồ Cơ Đốc giáo xem chúng linh thiêng và chấp nhận chúng như những điều luật. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng, không đến một phần ngàn tín đồ hướng dẫn hay đánh giá các hành vi của mình theo các điều luật ấy. Cái gương mẫu họ theo là những tục lệ của xứ sở, của giai cấp hay giáo phái của họ. Người tín đồ tin rằng, một bên, có một số châm ngôn về đạo đức được sự hiểu biết khôn ngoan và không bao giờ lầm lẫn truyền lại những điều luật để mình tuân theo, và bên kia là một số phán đoán, lề lối thực hành, áp dụng trong đời sống thường ngày; các phán đoán và lề lối ấy lúc thì hoà hợp nhiều hay ít với một số châm ngôn nói trên; hay có lúc lại đối kháng với những châm ngôn khác nữa. Toàn bộ các phán đoán, lề lối ấy là một thỏa hiệp giữa niềm tin Cơ Đốc giáo và những quyền lợi, những mời mọc của đời sống vật chất hằng ngày. Người tín đồ tỏ lòng tôn kính đối với gương mẫu thứ nhất; đối với gương mẫu thứ hai, họ tỏ lòng phục tùng thật sự. Tất cả tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng, những kẻ nghèo, những kẻ hèn kém và tất cả những ai bị hất hủi là những người được ban phước; rằng, con lạc đà chui qua lỗ kim dễ hơn người giàu lên thiên đàng; rằng, họ không nên phán xét người khác vì rồi mình sẽ bị kẻ khác phán xét; rằng, họ không được chửi rủa; rằng, họ phải yêu thương đồng loại như yêu thương chính mình; rằng, nếu có ai lấy áo choàng ngoài của mình thì mình nên cởi áo trong cho họ luôn; rằng, họ không nên nghĩ đến ngày mai; rằng, muốn trở nên hoàn hảo, họ nên bán hết những gì mình có để phân phối cho kẻ nghèo. Họ không dối trá khi nói rằng, họ tin vào tất cả những giáo điều ấy; họ tin chúng như người ta tin vào những lời khen ngợi, nhưng người ta không bao giờ tranh luận về những lời khen. Nhưng trong ý thức rằng, niềm tin sống ấy có mục đích hướng dẫn cách cư xử của con người, họ chỉ tin các giáo điều ấy trong lúc thực hành chúng. Toàn bộ những giáo điều ấy được sử dụng nhằm đánh mạnh vào địch thủ; và phải hiểu rằng, ta nên đưa chúng ra (khi nào có thể) để chứng minh cho những hành động được xem là đáng khen ngợi của chúng ta. Nhưng nếu có kẻ nào nhắc nhở họ rằng, để thực hành những châm ngôn ấy, họ cần phải làm một số lớn công việc mà họ không bao giờ nghĩ đến, thì kẻ đó được xếp vào hạng những kẻ không đuợc mến chuộng vì muốn tỏ ra mình tốt hơn người khác. Các giáo điều không có ảnh hưởng gì trên các tín đồ bình thường và không phải là một sức mạnh trên trí óc của họ. Thông thường, họ tỏ vẻ kính trọng khi nghe đọc các giáo điều ấy; nhưng đối với họ, những từ ngữ này không có ý nghĩa gì cả, và không gây được cảm xúc nào để thấm nhuần vào trí óc họ; và để giúp các từ ngữ ấy phù hợp với ý nghĩa của giáo điều khi cần biết cách cư xử, họ nhìn vào ông A, ông B để xem những người này có thể hướng dẫn họ đi xa đến mức nào trong việc tuân theo lời dạy của Đấng Kytô.

Bây giờ chúng ta có thể chắc chắn rằng, đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo thời khởi thủy thì khác. Nếu không như vậy, không bao giờ Cơ Đốc giáo có thể chuyển từ tình trạng một giáo phái ít người biết đến của dân Do Thái bị khinh miệt đến vị trí một quốc giáo của Đế quốc La Mã. Khi các kẻ địch của tín đồ Cơ Đốc giáo nói rằng “hãy xem các tín đồ Cơ Đốc giáo yêu thương nhau như thế nào” (một nhận xét mà bây giờ không ai nói nữa), những tín đồ ấy có một cảm xúc mạnh mẽ về niềm tin hơn là bây giờ. Và có lẽ đó là lý do tại sao Cơ Đốc giáo ngày nay ít phát triển hơn, và sau 18 thế kỷ, tôn giáo ấy chỉ hạn chế với dân Âu Châu. Ngay với cả những tín đồ theo đạo một cách nghiêm túc, tuân theo giáo điều một cách nghiêm chỉnh và gắn bó với giáo điều hơn là người khác, thường xảy ra sự kiện là phần tương đối sinh động nhất của trí óc họ cũng bị chận lại bởi Calvin[17] hay Knox[18] hay bởi một người nào đó có tính tình gần giống như họ. Các lời dạy của Chúa Cứu Thế tồn tại một cách thụ động trong trí óc họ, không có một ảnh hưởng nào ngoài việc nghe những lời dễ thương và êm dịu ấy. Hẳn nhiên, có nhiều lý do để giải thích tại sao các giáo điều dùng riêng biệt cho một giáo phái lại có thể có nhiều sống động hơn là các giáo điều được áp dụng chung cho tất cả các giáo phái được công nhận, và tại sao các vị thầy giảng dạy lại phải tốn nhiều công phu hơn để giữ cho các giáo điều ấy sống động. Nhưng có một lý do chắc chắn là, các giáo điều riêng biệt nói trên được đem ra tranh luận nhiều hơn, và thường xuyên chống đối với những người phản đối chúng. Khi không còn thấy kẻ địch trên chiến trường, thì thầy trò nằm ngủ tại trạm gác của mình.

Nói một cách tổng quát, sự kiện nêu trên xảy ra đối với tất cả mọi thuyết cổ xưa trong các lãnh vực liên hệ đến sự thận trọng và hiểu biết về đời sống, cũng như về đạo đức và tôn giáo. Trong mọi ngôn ngữ và mọi nền văn học, người ta thấy có một số nhận xét về đời sống và cách xử sự trong đời sống ấy, những nhận xét mà mọi người đều biết, lập đi lập lại hay là chấp nhận một cách dễ dãi, những nhận xét mà người ta cho là hiển nhiên; và người ta chỉ thấy mặt thật của chúng khi kinh nghiệm đau thương biến chúng thành hiện thực. Đã bao lần, một con người trải qua đau khổ vì tai hoạ hay thất vọng bỗng nhiên nhớ lại một câu ca dao hay tục ngữ bình dân quen thuộc và nghĩ rằng, nếu mình đã hiểu được ý nghĩa của các câu ấy thì đã có thể tránh được những đau khổ xảy ra. Thật ra, có nhiều lý do khác ngoài sự thiếu tranh luận: có nhiều sự thật mà ta không hiểu được toàn vẹn ý nghĩa cho đến khi ta đã sống qua. Nhưng đáng lẽ ta có thể hiểu được ý nghĩa của các sự thật ấy nhiều hơn nếu ta có thói quen nghe các người biết những sự thực ấy tranh luận và cho thấy cái gì là đúng, cái gì là sai; và khi ta hiểu được theo cách ấy thì sự hiểu biết in sâu vào trí óc ta hơn. Khuynh hướng tai hại của nhân loại là bỏ qua một việc ngay khi không còn lý do để nghi ngờ nữa: đó là nguồn gốc của một nửa các sai lầm ta phạm phải. Một nhà văn cùng thời đã phát biểu rất hay về “giấc ngủ say sưa của một quan điểm đã được quyết định.”

Nhưng mà sao (câu hỏi này có thể được đặt ra)? Phải chăng, sự không đồng ý của tất cả mọi người là điều kiện cần thiết để ta có thể thật sự hiểu biết? Phải chăng, một phần của nhân loại cần phải kiên trì trong sai lầm để cho phần kia hiểu được sự thật? Một niềm tin có đúng và sống động không ngay khi nó được mọi người chấp nhận và nếu còn có một nghi ngờ nào trong một đề nghị, thì ta không bao giờ có thể hiểu và cảm nhận nó được sao? Một sự thật có biến đi không khi mà toàn thể nhân loại đồng ý chấp nhận nó? Cho đến ngày hôm nay, có phải người ta nghĩ rằng, mục tiêu tối hậu và thành quả tốt nhất về sự tiến bộ của trí thông minh là đoàn kết mọi người trong việc nhìn nhận tất cả các sự thật quan trọng và trí thông minh có tồn tại không khi mà nó chưa đạt được mục đích? Các thành quả của một cuộc chinh phục có biến mất không trước một chiến thắng toàn vẹn?

Tôi không khẳng định một điều như vậy. Với sự tiến bộ của nhân loại, số lượng các lý thuyết không cần phải được tranh luận hay không còn bị nghi ngờ, sẽ luôn luôn gia tăng; và hạnh phúc của nhân loại hầu như có thể được đánh giá qua số lượng và tầm quan trọng của các sự thật không còn được tranh luận nữa. Sự chấm dứt của một cuộc tranh luận trên từng điểm là một trong những sự kiện cần thiết trong quá trình củng cố quan điểm: một sự củng cố bổ ích đối với một quan điểm đúng cũng nguy hiểm và tai hại khi quan điểm sai lầm. Tuy rằng các khoảng cách giữa các loại quan điểm khác nhau dần dần thu hẹp lại và trở nên cần thiết trong cả hai trường hợp – vừa không thể tránh được, vừa không thể thiếu được – ta lại không bắt buộc kết luận rằng, tất cả các hệ quả đều phải tốt. Tuy sự mất mát của một yếu tố quan trọng giúp cho sự lãnh hội thông minh và sống động của sự thật – sự cần thiết phải giải thích hay bảo vệ sự thật trước những kẻ chống đối – không thể so sánh được với sự lợi ích khi tất cả mọi người công nhận sự thật đó, nhưng sự mất mát này không phải là một trở ngại nhỏ. Ở đâu mà sự thật không được giải thích và bảo vệ, tôi mong các bậc thầy của nhân loại cố gắng tìm ra một cái gì để trám vào chỗ trống đó – một phương cách hầu nêu lên những khó khăn của vấn đề trong trí óc của các môn sinh, y như là đang có một địch thủ bất đồng ý kiến thúc bách họ thay đổi lập trường.

Nhưng thay vì tìm ra những phương cách để hoàn thành mục đích ấy, các bậc thầy đã đánh mất những gì mà họ đã có trước kia. Các phép biện chứng của Socrates mà Plato đã tài tình sử dụng trong các mẩu đối thoại của ông là một trong những phương cách ấy. Phép biện chứng chủ yếu là một cuộc tranh luận tiêu cực về các vấn đề lớn của triết học và của đời sống. Với một tài khéo tuyệt vời, nó nhằm thuyết phục những ai chỉ tiếp nhận những khía cạnh tầm thường của quan điểm được chấp nhận rằng, họ không thông hiểu vấn đề đó; rằng, cho đến bây giờ, họ không tìm thấy ý nghĩa dứt khoát nào cho các thuyết mà họ đưa ra; bởi vậy, khi họ nhận ra được sự thiếu hiểu biết của mình, họ có thể tự kiếm cho mình một niềm tin vững chắc dựa trên một nhận thức rõ ràng cả về ý nghĩa lẫn tính cách hiển nhiên của các thuyết ấy. Vào thời Trung Cổ, các cuộc tranh luận tại trường học cũng có mục đích gần như vậy. Người ta muốn kiểm soát xem các môn sinh có chắc chắn hiểu được quan điểm của mình không, và bằng một tương quan cần thiết, có hiểu quan điểm của người chống đối không; và các môn sinh phải có khả năng bảo vệ các nguyên tắc về quan điểm của người này cũng như bác bỏ các nguyên tắc về quan điểm của người khác. Các cuộc tranh cãi như thế thật sự có một nhược điểm không thể nào sửa chữa được: đó là các chủ đề được viện đến đều được lấy ra từ giới có thẩm quyền chứ không phải từ lý trí; cho nên, trong vai trò huấn luyện trí óc, các cuộc tranh cãi đó, trên mọi phương diện, thua xa phép biện chứng hùng mạnh đã tạo nên trí thông minh của Những đồ đệ của Socrates;[19] nhưng, trí óc của con người thời nay chịu ảnh hưởng của các phép biện chứng lẫn các cuộc tranh cãi nói trên nhiều hơn là người ta công nhận; và các phương pháp giáo dục ngày nay không có gì để thay thế cho hai phương thức đó. Những ai đã thâu nhận được những hiểu biết của mình qua thầy dạy hay qua sách vở, không bị bắt buộc phải biết cả hai mặt của một vấn đề ngay cả khi họ thoát được ám ảnh hay sự quyến rũ của việc học thuộc lòng. Vậy nên, thật hiếm hoi khi có người biết được cả hai mặt của vấn đề, ngay các nhà tư tưởng lớn cũng vậy; và khi bảo vệ quan điểm của mình, phần lý luận yếu kém nhất là câu ta đưa ra để trả lời cho đối thủ. Thói quen ngày nay là làm giảm giá trị của luận lý tiêu cực – loại luận lý có mục đích phơi bày những yếu kém của lý thuyết và những sai lầm về mặt thực hành mà không đưa ra những sự thật tích cực. Một sự chỉ trích tiêu cực như vậy thật sự chỉ có thể dẫn đến một kết quả hết sức nghèo nàn; nhưng nếu ta muốn sử dụng nó như là phương cách để thu lượm một hiểu biết tích cực hay một nhận thức có giá trị, ta không thể đánh giá nó quá cao; và cho đến khi con người được huấn luyện một cách có hệ thống để sử dụng loại chỉ trích ấy, ta không thể có nhiều nhà tư tưởng lớn và một mức trung bình rất thấp về trí thông minh trong các lãnh vực suy đoán, ngoại trừ toán học và vật lý học. Về bất cứ môn nào khác, không một quan điểm nào đáng được gọi là kiến thức trừ khi người đưa ra quan điểm bị bắt buộc hay tự mình tuân theo một quá trình tri thức, nghĩa là người ấy phải có một cuộc tranh luận sôi động với những kẻ chống đối. Vậy nên, thật vô lý nếu ta từ chối một điều lợi cần thiết tự động đến với chúng ta, trong khi sẽ gặp nhiều khó khăn để tạo ra điều lợi đó khi thiếu nó! Nếu có kẻ đặt vấn đề với một quan điểm được chấp nhận hay có ý muốn làm như vậy trong trường hợp luật pháp và dư luận cho phép, thì ta phải cám ơn họ, ta phải mở rộng trí óc để đón nhận các lời lẽ của họ; và ta phải vui mừng vì đã có những người làm cho chúng ta những gì đáng lẽ chúng ta phải bỏ nhiều công sức để làm, chừng nào ta còn quan tâm đến sự chính xác hay sức sống động của các nhận thức của mình.

Chúng ta còn phải đề cập đến một trong những nguyên nhân chính giúp làm cho sự đa dạng về quan điểm có lợi cho chúng ta, và tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhân loại đạt đến một trình độ phát triển tri thức mà hiện nay còn ở rất xa tầm tay của chúng ta. Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ xét đến hai khả năng: một là, quan điểm được chấp nhận có thể sai, và vì thế, quan điểm kia đúng; hai là, nếu quan điểm được chấp nhận là đúng, thì sự mâu thuẩn giữa quan điểm đúng và quan điểm sai, xét ra, thật là cần thiết để có một sự lĩnh hội rõ ràng và một cảm nghĩ sâu đậm về sự thật. Nhưng có một tình trạng thường xảy ra, khác với hai tình trạng nói trên: đó là khi hai thuyết đối nghịch nhau cùng chia sẻ sự thật thay vì cái này đúng, cái kia sai; nên một quan điểm đứng ngoài lề trở nên cần thiết để cung cấp phần sự thật còn thiếu cho quan điểm được chấp nhận. Những quan điểm được ưa chuộng về những vấn đề nằm ngoài tầm nhận thức của tri giác thường là đúng, nhưng chúng ít khi hay không bao giờ là tất cả sự thật. Chúng là một phần của sự thật, khi là một phần lớn, khi là một phần nhỏ, nhưng là một phần được phóng đại, bị bóp méo và tách rời khỏi những sự thật mà đáng lẽ phải theo sát và hạn chế chúng. Mặt khác, các quan điểm dị biệt thường thường là những sự thật bị loại bỏ và bị lãng quên; chúng thoát khỏi sự ràng buộc, hoặc kiếm cách hòa giải với sự thật chứa đựng trong quan điểm chung, hoặc đối kháng với sự thật đó như là một kẻ địch và đồng thời khẳng định tự cho mình là sự thật toàn bộ và độc nhất. Cho đến nay, trường hợp sau là một trường hợp xảy ra thường xuyên vì lẽ rằng, trí óc con người luôn luôn cho một bên là luật và bên kia thuộc trường hợp đặc biệt. Từ đó, trong các cuộc đổi thay quan điểm, một phần sự thật lắng xuống trong khi phần kia nổi lên trên mặt. Ngay cả sự tiến bộ, đáng lẽ phải được xem là một sự tăng trưởng thường xuyên, lại chỉ đem một phần sự thật không trọn vẹn để thay thế cho một sự thật khác. Sự cải thiện chính trong việc này là phần sự thật mới cần thiết hơn, thích nghi hơn cho các nhu cầu của thời gian đó hơn là phần sự thật mà nó thay thế. Sự thiên vị của các quan điểm có ưu thế là như vậy, ngay cả khi chúng dựa trên một nền tảng đúng đắn; mọi quan điểm chứa đựng một phần nhỏ sự thật bị quan điểm chung loại bỏ, được xem là có giá trị dù với bao nhiêu sai lầm và xáo trộn chứa đựng trong đó. Không một kẻ ôn hoà nào cứu xét những vấn đề của nhân loại lại cảm thấy bị bắt buộc phải căm phẫn vì những người tìm ra sự thật – những sự thật mà không có họ thì chúng ta đã bỏ qua – lại bỏ qua một số sự thật mà chúng ta nhận thấy. Thay vào đó, kẻ ấy sẽ nghĩ rằng, chừng nào mà sự thật được ưa chuộng còn bị thiên vị thì một sự thật không được ưa chuộng cũng nên có những người thiên vị ủng hộ, vì ít ra những người này là những người tích cực nhất, thích hợp nhất để ép buộc kẻ khác có sự miễn cưỡng chú ý xem một mảnh kiến thức như là toàn bộ kiến thức. Vậy nên,vào thế kỷ thứ 18, các nghịch biện của Rousseau đã gây một cú sốc bổ ích khi chúng nổ tung giữa đám người có học thức cũng như những người vô học; tất cả say sưa ngưỡng mộ cái được gọi là nền văn minh, các sự kỳ diệu tân tiến của khoa học, của văn chương, của triết học; họ khuếch đại các sự khác biệt giữa con người thời cổ và con người tân tiến thời nay trong mục đích đề cao chính họ. Các phát biểu của Rousseau phá tan khối quan điểm một chiều và bắt buộc các thành phần của nó liên hợp lại dưới một hình thức tốt hơn, với sự bổ sung của những thành phần khác. Không phải các quan điểm hiện hữu hoàn toàn nằm xa cách sự thật hơn các quan điểm của Rousseau; ngược lại, chúng gần hơn; chúng chứa đựng nhiều sự thật tích cực hơn và ít sai lầm hơn. Tuy nhiên, trong thuyết của Rousseau, có một số lớn những sự thật mà quan điểm được ưa chuộng mong có; những sự thật này trộn lẫn vào dòng quan điểm của Rousseau và lưu lại như lớp phù sa khi cơn lụt đã qua. Cái giá trị cao cả của nếp sống bình dị, các hậu quả gây suy yếu, gây mất tinh thần do các trở ngại, các hành động đạo đức giả của một xã hội giả tạo, đó là những tư tưởng không bao giờ vắng mặt trong trí óc của những người có kiến thức từ khi Rousseau đưa thuyết của mình ra; và một ngày nào đó, chúng sẽ có ảnh hưởng, tuy rằng vào lúc này, chúng phải được khẳng định mạnh mẽ bằng những hành động, vì trong vấn đề này, chữ nghĩa đã gần như mất hết sức mạnh của chúng.

Lại nữa, trong lãnh vực chính trị, người ta thường nhận thấy có một đảng phái thiên về trật tự hay về sự ổn định, và đảng kia muốn tiến bộ hay cải cách; cả hai đều là những yếu tố cần thiết cho một đời sống chính trị lành mạnh, cho đến khi đảng này hay đảng kia mở rộng tầm nhìn trí thức của mình để trở thành một đảng thiên về trật tự lẫn về tiến bộ vì đã phân biệt được cái gì nên giữ và cái gì phải bỏ. Mỗi phương cách suy nghĩ rút tỉa những lợi ích của mình từ những thiếu sót của cái kia; nhưng trong phạm vi rộng lớn, chính sự đối kháng nhau đã giúp giữ chúng trong các giới hạn của lý trí và sự ôn hoà. Nếu con người không thể phát biểu một cách tự do, không thể ủng hộ hay bảo vệ một quan điểm về tất cả những vấn đề rộng lớn của đời sống thực tế với cùng một mức độ tài ba và nghị lực – như là những quan điểm thuận lợi cho nền dân chủ hay quân chủ, cho quyền sở hữu hay sự công bằng, cho sự hợp tác hay ganh đua, cho sự xa hoa hay tiết chế, cho xã hội tính hay cá nhân tính, cho tự do hay kỷ luật, thì không thể nào cả hai yếu tố nêu trên đạt được kết quả mong muốn; không thể nào có được một mức cân bằng ở cán cân: phải có một bên đi lên và một bên đi xuống. Sự thật trong các vấn đề thực tế lớn của đời sống, cốt yếu là một sự kết hợp và hoà hợp giữa các vấn đề đối nghịch nhau; vậy nên rất ít có trí óc nào đủ rộng lớn và không thiên vị để thực hiện việc hoà giải ấy một cách đứng đắn nhất; sự việc này phải được thực hiện một cách mạnh mẽ qua sự đấu tranh giữa các địch thủ đứng dưới hai lá cờ đối nghịch nhau. Trong bất cứ vấn đề lớn lao nào được nêu trên đây, nếu có một quan điểm không chỉ đáng được dung nạp mà còn đáng được khuyến khích và ủng hộ, thì đó lại là một quan điểm ít được ủng hộ vào một thời gian và ở một địa điểm nào đó. Đó là quan điểm, vào ngay lúc này, đại diện cho các quyền lợi bị quên lãng, cho khía cạnh phúc lợi của những người đang chỉ được hưởng một phần nhỏ của những gì họ đáng lẽ phải có. Tôi nhận thức rằng, trong nước ta, không có một sự bất khoan dung nào đối với sự khác biệt về quan điểm trong các vấn đề nêu trên. Tôi đã nêu chúng ra với nhiều thí dụ để cho thấy tính chất phổ thông của sự kiện rằng, trong tình trạng hiện nay của trí óc con người, chỉ có sự đa dạng về quan điểm mới có thể giúp cho tất cả mọi khía cạnh của sự thật có một cơ hội đồng đều. Khi có những người không chia sẻ sự đồng lòng của thế giới về một vấn đề, ngay cả khi thế giới nắm phần đúng, những người bất đồng ý kiến ấy vẫn có cái gì đáng được chúng ta lắng nghe, và sự thật có thể bị mất mát khi họ giữ im lặng.

Nhưng có người phản đối rằng “Có một số nguyên tắc được chấp nhận chứa đựng nhiều hơn một nửa sự thật, đặc biệt về những vấn đề cao cả và quan trọng nhất. Thí dụ như đạo đức Cơ Đốc giáo chứa đựng tất cả sự thật về đạo đức; và nếu có ai giảng dạy một đạo đức khác thì người ấy hoàn toàn sai lầm.” Vì lẽ đây là một trong những trường hợp thực tế quan trọng nhất, ta không có cơ hội nào thích hợp hơn để thử thách lời nhận xét tổng quát nói trên. Nhưng trước khi tuyên bố đạo đức là gì, hay không phải là gì, ta phải xét xem đạo đức Cơ Đốc giáo có nghĩa là gì? Nếu đó là đạo đức được nêu ra trong sách Tân Ước, tôi tự hỏi rằng, nếu có một người nào đó tự tìm hiểu đạo đức Cơ Đốc giáo qua sách Tân Ước, thì người đó có cho rằng đạo đức Cơ Đốc giáo đã được trình bày, hay có ý muốn được xem như là một thuyết đầy đủ, trọn vẹn về đạo đức không? Sách Phúc Âm luôn luôn nhắc đến một nền đạo đức đã có từ trước, và giới hạn các lời giáo huấn vào những điểm đặc biệt; dựa vào những điểm ấy, đạo đức đó sẽ được sửa đổi hay thay thế bởi một đạo đức khác, khoan dung hơn và cao cả hơn; hơn nữa, đạo đức nêu trong Phúc Âm luôn luôn được diễn tả bằng những lời lẽ tổng quát, thường không thể giải thích sát theo nghĩa đen, theo từng chữ; và nó chứa đựng nhiều gợi cảm của chất thơ và tính hùng biện hơn là sự chính xác của lời lẽ trong luật pháp. Ta không bao giờ có thể rút ra từ đó một thuyết đạo đức mà không phải bổ khuyết từ những phần lấy trong sách Cựu Ước – nghĩa là từ một hệ thống quả thực được viết một cách công phu nhưng thô sơ về nhiều phương diện và chỉ nhắm riêng cho những dân tộc mọi rợ. Thánh Phao-lô, là kẻ thù ra mặt của sự diễn giải đạo đức Cơ Đốc giáo theo đường lối Do Thái giáo, và khi làm như vậy, ông hoàn thành đuờng lối của Thầy của ông ta – ông cũng cho rằng, có một nền đạo đức từ thời trước; đó là đạo đức của người Hy Lạp và người La Mã; và lời khuyên bảo của ông cho tín đồ Cơ Đốc giáo là nên thích nghi với các nền đạo đức cổ xưa, ngay đến việc làm như có vẻ chấp nhận chế độ nô lệ. Cái mà người ta gọi là đạo đức Cơ Đốc giáo – nhưng đúng hơn nên gọi là đạo đức thần học – không phải là sản phẩm của Đấng Ky-tô hay của các Thánh Tông Đồ; nhưng nó có nguồn gốc vào một thời gian sau đó, vì lẽ nó được xây dựng nên bởi giáo hội Cơ Đốc giáo của năm thế kỷ đầu tiên; và tuy rằng, các tín đồ Cơ Đốc giáo tân tiến và các tín đồ đạo Tin Lành chấp nhận đạo đức ấy một cách dè dặt, họ đã không sửa đổi nó nhiều như người ta mong đợi. Thật ra, trong một phần lớn, họ chỉ cắt bỏ đi những phần đã được thêm thắt vào trong thời Trung Cổ: mỗi giáo phái trám các chỗ trống bằng những phần thích nghi hơn với cá tính và khuynh hướng của họ. Tôi là người cuối cùng chối bỏ rằng, nhân loại mang ơn lớn lao đối với nền đạo đức Cơ Đốc giáo ấy và với các bậc Thầy của thời tiền khởi; nhưng tôi không ngại nói rằng, trong nhiều điểm quan trọng, nó không hoàn chỉnh và có tinh thần thiên vị; và rằng, nếu những tư tưởng không được nền đạo đức ấy thừa nhận đã không góp phần tạo nên lối sống và cá tính của dân Châu Âu, thì tình trạng của nhân loại sẽ tệ hại hơn là tình trạng hiện nay. Đạo đức Cơ Đốc giáo, như ta gọi nó, chứa đựng tất cả những đặc tính của sự đối kháng: phần lớn đó là sự phản kháng chống lại tà giáo. Lý tưởng của đạo đức Thiên Chúa giáo chứa đựng nhiều tiêu cực hơn là tích cực, nhiều thụ động hơn là chủ động; nó là một sự Ngây Thơ hơn là Cao Thượng, một sự Kiêng Dè Tội Lỗi hơn là sự cố gắng mãnh liệt đi Tìm Cái Tốt; như người ta đã nhận xét rất đúng, trong các điều luật, các lời răn “chớ nên …” nhiều hơn các lời răn “nên …” một cách quá đáng. Vì ghê sợ sự say đắm nhục dục, đạo đức Cơ Đốc giáo xem sự khổ hạnh như là một vị thần, và sự khổ hạnh dần dần được chấp nhận như là một điều luật. Nó đưa ra niềm hy vọng lên thiên đàng và mối đe doạ xuống địa ngục như là một động cơ được chọn lọc và thích nghi cho một đời sống có đức hạnh – về điều này, các động cơ ấy còn kém xa các động cơ của các bậc Thầy vào thời cổ; và nó làm tất cả những gì có thể làm được để in sâu vào đạo đức con người một cá tính đặc biệt ích kỷ bằng cách tách rời các cảm xúc về bổn phận có sẵn trong mỗi con người ra khỏi các quyền lợi của đồng loại, trừ khi có một mối lợi lộc riêng tư khiến ta tìm đến đồng loại. Nó cốt yếu là một chủ thuyết về sự tuân phục đầy thụ động; nó khắc sâu vào đầu óc con người sự phục tùng đối với tất cả mọi quyền bính đã được thiết lập. Tuy nhiên, ta không nên tích cực tuân theo các quyền bính đó khi chúng sai ta làm những gì mà tôn giáo cấm đoán; nhưng ta không được chống đối và nổi loạn chống các quyền bính ấy cho dù chúng làm hại ta đến đâu chăng nữa. Và trong khi đó, với các nước lớn Đa Thần, bổn phận của người dân đối với Quốc gia chiếm một phần không cân xứng và lấn áp quyền tự do cá nhân; cái bổn phận quan trọng ấy chỉ được đề cập đến một cách hiếm hoi trong đạo đức Cơ Đốc giáo. Chính trong kinh Coran chứ không phải trong Tân Ước mà ta đọc thấy câu châm ngôn sau đây: “một người cai trị nào mà bổ nhiệm một người vào một chức vụ khi trong nước có một người xứng đáng hơn cho chức vụ ấy, thì người cai trị đó có tội với Thượng Đế và với Quốc gia.” Trong đạo đức ngày nay, tư tưởng và bổn phận đối với công chúng không đến từ Cơ Đốc giáo mà từ nguồn gốc Hy Lạp và La Mã. Cũng như vậy, trong đạo đức cá nhân của chúng ta, tính hào hiệp, tâm hồn cao thượng, phẩm cách cá nhân, ngay cả ý thức danh dự, tất cả đều không đến từ phần giáo dục tôn giáo mà cốt yếu từ phần giáo dục con người; và không bao giờ các đức tính tốt ấy lại có thể là thành quả của một thuyết đạo đức trong đó chỉ có sự tuân phục là có giá trị.

Tôi không bao giờ có ý cho rằng, các khuyết điểm ấy đương nhiên gắn bó với đạo đức Cơ Đốc giáo dù nó được quan niệm như thế nào chăng nữa, hay những thiếu sót mà nó cần bổ sung thêm để trở thành một thuyết đạo đức đầy đủ, trọn vẹn không thể nào dung hoà được với nó; và tôi cũng không có ý nghĩ như vậy đối với các thuyết và các lời dạy của chính Đức Ky-tô. Tôi tin rằng, các lời dạy của Đức Ky-tô là tất cả; rằng, chúng hiển nhiên nói lên những gì mà chúng muốn nói; rằng, chúng không thể hoà hợp với bất cứ những gì mà một nền đạo đức toàn diện đòi hỏi; rằng, ta có thể đưa thêm vào đạo đức ấy tất cả những gì tốt đẹp nhất; và khi ta làm như vậy, ta không gây thiệt hại lớn lao nào cho bản chất của nó, khác với những kẻ đã có ý muốn rút ra từ các lời dạy của Đức Ky-tô một cách cư xử thực tế. Nhưng mặt khác, tôi cho rằng, không có gì trái ngược khi ta tin các lời dạy nói trên chỉ chứa đựng hay chỉ muốn chứa đựng một phần sự thực; rằng, trong các lời dạy, Vị Sáng Lập Cơ Đốc giáo đã có ý bỏ qua nhiều thành phần quan trọng của một nền đạo đức cao cả nhất, và Giáo Hội Cơ Đốc giáo đã hoàn toàn loại bỏ các thành phần vừa kể trong hệ thống đạo đức được xây dựng trên các lời dạy ấy. Và như vậy, tôi cho rằng, đó là một sai lầm khi ta khăng khăng muốn tìm kiếm trong thuyết đạo đức Cơ Đốc giáo một lề lối cư xử trọn vẹn mà tác giả không muốn thừa nhận và đưa ra áp dụng, nhưng không có những chi tiết đầy đủ. Tôi cũng tin tưởng rằng, những thuyết hẹp hòi này đang trở nên một mối hại lớn trong thực tế, vì chúng làm suy giảm rất nhiều các giá trị của sự huấn luyện và giáo dục về đạo đức mà nhiều người với thành ý tốt đang muốn khuyến khích. Tôi rất sợ, nếu ta muốn đào tạo một trí óc và những cảm xúc chỉ dựa trên mô hình tôn giáo và loại bỏ các tiêu chuẩn thế tục (người ta gọi chúng như thế vì không có từ nào hay hơn); các tiêu chuẩn thế tục này đã cùng chung sống và bổ sung cho đạo đức Cơ Đốc giáo, thu nhận một phần tinh thần đạo đức Cơ Đốc giáo cũng như san sẻ một phần tinh thần của nó cho đạo đức Cơ Đốc giáo; nếu ta loại bỏ các tiêu chuẩn thế tục, thì kết quả sẽ là – và việc này đang xảy ra – ta sẽ đào tạo một loại cá tính thấp kém, hèn hạ, đê tiện; con người, với cá tính này, sẽ tự mình quy phục cái mà hắn ta cho là Ý Chí Tối Thượng, nhưng lại không có khả năng tự nâng cao mình lên để đạt đến hay để giao cảm với Đấng Tối Cao. Tôi tin rằng, những nền đạo đức khác biệt với nền đạo đức xuất xứ từ nguồn gốc Cơ Đốc giáo phải sống chung với nhau để tạo sự tái sinh của nền đạo đức nhân loại; và hệ thống Cơ Đốc giáo phải chấp nhận rằng, trong tình trạng bất hoàn hảo của trí óc con người hiện nay, các quyền lợi của sự thật đòi hỏi phải có một sự đa dạng về quan điểm. Không cần thiết phải nói rằng, khi ta không chấp nhận các sự thật về đạo đức thiếu sót trong Cơ Đốc giáo, thì con người phải bỏ qua bất cứ những sự thật nào hiện diện trong đó. Một định kiến như vậy hay một sai lầm như vậy, khi nó xảy ra, là một điều vô cùng tai hại, nhưng đó cũng là một tai hại không phải lúc nào ta cũng tránh được, mà phải được xem như một cái giá phải trả để được một lợi ích vô giá. Ta phải chống với kỳ vọng của một phần sự thật, muốn trở nên toàn bộ sự thật; và nếu có một phản ứng nào làm cho những người chống đối ấy trở nên thiên vị thì việc này cũng tai hại như sự thiên vị, nhưng cần phải chấp nhận nó. Nếu tín đồ Cơ Đốc giáo muốn dạy cho những nguời theo các tôn giáo khác phải xử sự công bằng với Cơ Đốc giáo, thì tự họ phải công bằng với các tôn giáo khác. Ta không giúp ích gì cho sự thật nếu ta nhắm mắt làm ngơ trước sự kiện mà tất cả những ai có một chút kiến thức về lịch sử văn học đều biết, đó là một phần lớn những lời dạy cao cả nhất, có giá trị nhất về đạo đức xuất xứ không chỉ từ những người không biết về Cơ Đốc giáo, mà còn từ những người đã biết nhưng từ bỏ niềm tin Cơ Đốc giáo.Tôi không có ý nói rằng, sự sử dụng vô giới hạn tự do phát biểu tất cả mọi quan niệm sẽ chấm dứt tính cách bè phái trong lãnh vực tôn giáo hay triết lý. Mỗi khi những con người với khả năng trí thức hạn hẹp cho một sự thật là đúng, họ liền công bố và phổ biến nó, và ngay cả áp dụng nó, như thể không có một sự thật nào khác trên thế gian, hay ít nhất là không có một sự thật nào khác có thể giới hạn hay thay đổi sự thật họ đưa ra. Tôi công nhận rằng, ngay cả một sự tranh luận tự do nhất cũng không thể ngăn cản được tính bè phái trong quan điểm; và thường khi, trái lại, chính sự tranh luận ấy lại làm cho tính bè phái gia tăng và trở nên trầm trọng hơn; lý do là người ta càng chối bỏ sự thật một cách dữ dội hơn khi người ta không nhận thấy nó trước, và nó được đưa ra bởi những kẻ mà ta xem là địch thủ. Sự va chạm về quan điểm có một ảnh hưởng bổ ích không phải trên người ủng hộ nhiệt thành, mà trên người khán giả điềm tĩnh và vô tư. Người ta không sợ một cuộc đụng độ dữ dội giữa các phần của sự thật, nhưng sự loại bỏ lặng lẽ một phần sự thật là một điều tai hại lớn lao: ta luôn luôn có hy vọng khi người ta bị bắt buộc nghe cả hai phía; chỉ khi mà người ta nghe một phía, đó là lúc những sai lầm trở thành định kiến, và sự thật không còn tạo nên ảnh hưởng nữa vì bị phóng đại, và trở nên sai lầm. Thật hiếm khi ta thấy một quan toà đưa ra một phán quyết sáng suốt trong một vụ án sau khi chỉ nghe lời biện hộ của một luật sư; cũng như vậy, sự thật chỉ được phơi bày khi mọi khía cạnh, mọi quan điểm tượng trưng cho một phần sự thật được đưa ra, được bênh vực và được lắng nghe.

Vì lợi ích tri thức của nhân loại (các lợi ích khác tùy thuộc vào lợi ích này), bây giờ chúng ta công nhận sự cần thiết của tự do tư tưởng và tự do ngôn luận qua bốn lý do khác biệt được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, một quan điểm bị loại bỏ có thể là một quan điểm đúng. Nếu ta phủ nhận điều này, ta tự cho là mình không bao giờ sai lầm.

Thứ hai, ngay cả khi quan điểm bị loại bỏ là một quan điểm sai, trong nhiều trường hợp, nó có thể chứa đựng một phần sự thật; và bởi vì quan điểm chung hay quan điểm có ưu thế về bất cứ vấn đề gì hiếm khi là, hay không bao giờ là sự thật đầy đủ, trọn vẹn; chỉ có một sự tranh luận giữa các quan điểm đối nghịch nhau mới cho ta cơ hội để tìm ra phần còn lại của sự thật.

Thứ ba, trong trường hợp quan điểm được chấp nhận không những đúng mà còn là sự thật đầy đủ, trọn vẹn, người ta sẽ xem nó như một loại định kiến; người ta không thể hiểu hay không cảm nhận được những căn bản của nó trên mặt lý trí nếu không có một cuộc tranh luận mạnh mẽ và nghiêm chỉnh về nó.

Và không chỉ có vậy; điều thứ tư là ý nghĩa của chính quan điểm sẽ có nguy cơ bị mất đi, yếu kém đi, hay ảnh hưởng quan trọng của nó trên cá tính và cách cư xử của con người sẽ bị loại bỏ đi: giáo điều sẽ trở nên một lời tuyên bố có tích cách hình thức, không gây một hiệu quả nào; nó là một chướng ngại vật ngăn cản sự nẩy sinh mọi niềm tin chân chính và chân thành căn cứ trên lý trí và kinh nghiệm cá nhân.

Trước khi chấm dứt đề tài về tự do tư tưởng, ta nên lưu ý đến những người nói rằng, ta có thể phát biểu một cách tự do về mọi quan điểm, với điều kiện phải cư xử một cách có chừng mực và không được vượt quá các giới hạn của một cuộc tranh luận công bằng. Ta có thể nói một cách dông dài về việc không thể nào đặt ra một cách chắc chắn các giới hạn đó; bởi vì nếu tiêu chuẩn là mức độ xâm phạm cảm nhận được bởi những người có quan điểm bị chỉ trích, thì kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, sự xúc phạm đã xảy ra ngay khi có một sự chỉ trích mạnh mẽ và hùng hồn; những người bị xúc phạm sẽ tố cáo mọi địch thủ đã gây bối rối cho họ là không biết tiết chế. Nhưng, nhận xét này, tuy quan trọng trên mặt thực tế, lại phải đương đầu với một sự phản đối quan trọng hơn. Không ai nghi ngờ rằng, cách bảo vệ một quan điểm, dù là một quan điểm đúng, có thể bị chê trách và bị phê bình một cách nghiêm khắc và chính đáng. Nhưng ta khó mà chứng minh được phần lớn các xúc phạm loại đó, trừ khi kẻ đưa ra những lời xúc phạm tự tố cáo mình một cách vô tình. Sự xúc phạm lớn nhất là ngụy biện trong lúc tranh luận: loại bỏ một số sự kiện hay lý lẽ, bóp méo các dữ kiện, hay trình bày sai lầm các quan điểm của phe đối nghịch. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn tiếp tục xảy ra – ngay cả trên một cường điệu lớn – một cách không ác ý bởi những người không được xem là ngu dốt hay bất tài; ta khó có thể kiếm ra những lý do để tố cáo các xúc phạm nêu trên là vô đạo đức; ngay cả luật pháp cũng không được xem là có lý do để can thiệp vào lối cư xử gây nhiều tranh luận như vậy. Còn về cái thường được xem như một cuộc tranh luận thiếu tiết chế, nghĩa là với những lời công kích dữ dội, lời mỉa mai, lời chỉ trích cá nhân …, người ta dễ chấp nhận sự lên án lối cư xử đó nếu ta đề nghị cấm cả hai phe sử dụng chúng; nhưng việc ấy chỉ hạn chế sử dụng chúng đối với quan điểm chiếm ưu thế. Nếu có ai sử dụng chúng chống lại một quan điểm có thiểu số ủng hộ, người ấy chẳng những không bị chê trách mà còn đuợc khen ngợi vì đã tỏ lòng nhiệt thành, chân thật và lòng phẫn nộ chính đáng. Các loại chỉ trích nêu trên còn gây nhiều tai hại hơn nữa khi chúng được sử dụng để chống những người không có khả năng kháng cự và các lợi thế bất công mà một quan điểm đạt được từ một cuộc tranh luận như vậy gần như luôn luôn thiên về phía những quan điểm được chấp nhận. Sự xúc phạm tai hại nhất trong cuộc tranh luận là sự kết án các địch thủ của mình là những người nguy hiểm và vô đạo đức. Những người dễ là nạn nhân của những vu khống như vậy là những kẻ thường đưa ra những quan điểm không được ưa chuộng, vì thường thường họ thuộc về thiểu số ít oi, và không có nhiều ảnh hưởng; và ngoài họ ra, không ai muốn lưu ý đến việc xét xử ra sao cả. Nhưng trong tình huống này, người ta từ chối không cho những người chỉ trích quan điểm chiếm ưu thế sử dụng loại vũ khí ấy; chính bản thân của những người này sẽ bị nguy hiểm khi làm như vậy; và nếu họ cứ làm, thì sẽ có một hậu quả trái ngược với mục tiêu tranh đấu của họ. Nói chung, các quan điểm ngược với các quan điểm thường được chấp nhận chỉ được người ta nghe khi chúng được trình bày với những lời lẽ nhã nhặn, và phải tránh mọi điều xúc phạm không cần thiết: làm như vậy, các quan điểm nói trên không đi trật đường lối mà cũng không mất một phần ảnh hưởng nào; trong khi đó, nếu các quan điểm chiếm ưu thế sử dụng lời lẽ phỉ báng thậm tệ, thì việc này sẽ làm cho người ta không dám đưa ra những ý kiến chống đối, và ngay cả làm cho người ta không nghe người trình bày các quan điểm đó. Đó là lý do tại sao, vì lợi ích của sự thật và của sự công bằng, mà ta phải hạn chế sự sử dụng lời lẽ phỉ báng khi bênh vực quan điểm chiếm ưu thế hơn là khi bênh vực quan điểm chống đối; và ví dụ như phải lựa chọn, ta cần thiết phải tránh chỉ trích sự thiếu niềm tin hơn là chỉ trích tôn giáo. Hiển nhiên, cả luật pháp lẫn giới cầm quyền không thể can thiệp vào cuộc tranh luận này; và vào bất cứ lúc nào, việc kết án một quan điểm phải được xác định bởi những hoàn cảnh của mỗi trường hợp cá biệt; dù đứng ở phía nào, ta phải lên án tất cả những ai thiếu ngay thẳng, thâm hiểm, có niềm tin mù quáng hay không có tính khoan dung trong lúc tranh luận; nhưng khi làm như vậy, ta không nên suy luận rằng, các tật ấy không thuộc về phía anh ta chọn, ngay cả khi anh ta đứng về phía nghịch; và ta phải kính trọng bất cứ ai, dù người này có quan điểm nào đi chăng nữa, nếu anh ta có đủ bình tĩnh và chân thành để nhận thấy địch thủ và những quan điểm của địch thủ mà không phóng đại mọi việc để làm mất uy tín của địch thủ cũng như không giấu giếm bất cứ việc gì gây lợi, hay có thể gây lợi cho địch thủ. Đó là đạo đức thực sự của một cuộc tranh luận công khai; và nếu đạo đức ấy thường bị vi phạm, tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng, có nhiều người bút chiến nghiên cứu vấn đề này, và có một số lớn lao hơn nữa cố gắng noi theo đạo đức đó.

[1] Những dòng này vừa được viết lên khi, hình như để nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn, xảy ra Vụ án Báo chí của Nhà nước năm 1858. Tuy nhiên, sự can thiệp trái phép vào quyền tự do thảo luận công cộng này không làm cho tôi phải sửa một chữ nào trong tiểu luận này, cũng như không làm suy yếu đi niềm tin của tôi rằng, ngoại trừ những trường hợp có sự khủng hoảng xảy ra, cái thời kỳ mà những cuộc thảo luận chính trị bị trừng phạt trên đất nước chúng ta đã qua rồi. Vì, trước nhất, những sự truy tố của chính quyền không ráo riết cho lắm, và thứ hai là những cáo buộc này chưa bao giờ là những truy tố về chính trị. Sự vi phạm bị truy tố không phải vì là những điều chỉ trích các định chế, hay về các hành vi của những người cai trị, nhưng là vì đã truyền bá cái điều mà bị chính quyền coi là phi đạo đức, tức là sự hợp pháp của hành vi “Giết bạo chúa.”

Nếu những lập luận trong chương này có chút giá trị gì, thì cần phải có một sự tự do trọn vẹn để tuyên xưng và thảo luận, như là một vấn đề về niềm tin đạo đức, bất cứ một thuyết nào, dù người ta có cho là thuyết đó phi đạo đức đến đâu đi nữa. Do đó, thật là không thích hợp và đúng chỗ để khảo sát trong phần này xem cái lý thuyết “Giết Vua” có đáng được mang cái danh hiệu đó không. Tôi sẽ tự hài lòng với điều mà người ta thường nói là chủ đề này từ xưa tới nay là một trong những vấn nạn về đạo đức còn được tranh cãi: hành vi của một công dân đánh đổ một tên tội phạm (bạo quân), một kẻ đã tự cho mình đứng trên luật pháp và đã tự đặt mình ra khỏi sự trừng phạt hay kiểm soát của luật pháp; hành vi này đã được toàn thể các quốc gia và những thức giả thông tuệ nhất xem như không phải là một tội phạm, mà là một hành động của đức hạnh đáng được ca tụng và hành động đó, dù đúng hay sai, không phải là một hành vi ám sát mà là một cuộc nội chiến. Như thế, tôi cho rằng sự xúi giục hành động đó, trong một trường hợp đặc biệt, có thể là một chủ đề đáng để trừng phạt, nhưng chỉ khi có một hành động công khai nào được thực hiện theo sau, và tối thiểu phải có một mối quan hệ khả tín được xác lập giữa hành vi và sự xúi giục này. Ngay cả trường hợp này cũng không phải là một chính quyền ngoại quốc mà là chính quyển của chính mình bị tấn công, và đó cũng đủ lý do để vận dụng quyền tự vệ, mới có tư cách hợp pháp để trừng phạt những sự tấn công trực tiếp vào sự tồn tại của chính quyền đó (Mill).

[2]Luật sư của Quỷ (advocates diaboli) là một người được Giáo hội chính thức giao cho vai trò phản biện và đưa ra những lập luận đối nghịch với những lập luận và dữ kiện dùng để phong thánh cho những người thánh thiện. Phương pháp này được áp dụng trong nhiều trường hợp khác bên ngoài Giáo hội hầu bảo đảm có được những ý kiến đa diện.

[3]“I maestro di color che sanno” có nghĩa là “bậc thầy của những người hiểu biết.” Đây là danh xưng của Dante Alighieri dùng để chỉ Aristotle, người mà Dante rất ngưỡng mộ và coi như bậc thầy của mình (trong tác phẩm Divine Comedy, phần Inferno, đoạn IV ). (ND).

[4]Apologia là một đối thoại có nghĩa là biện giải do Plato trước tác, dùng lời của thầy mình là Socrates để tự bào chữa trước những cáo buộc của những kẻ ganh ghét đã quy tội ông làm hư hỏng thanh niên và báng bổ thần thánh của Hy-lạp. (ND).

[5]Marcus Aurelius (Marcus Annius Verus) (121 – 180): Hoàng Đế La Mã, con nuôi của Antoninus Pius. Ông là một triết gia Stoic nổi tiếng. Ông nêu nhân sinh quan trong cuốn Meditation. Ông đưa ra nhiều cải tổ, thành lập nhiều cơ quan từ thiện, nhưng đàn áp dữ dội các tín đồ Thiên Chúa giáo. (ND).

[6]Stoicism : Thuyết triết lý do triết gia Hy Lạp Zeno de Citium (334 – 262 trước công nguyên), ông đề xướng Stoicism là một hệ thống siêu hình học, nhấn mạnh trên sự tương ứng giữa thiên nhiên và con người. Hiểu biết của con người là một tổng thể, và muốn đạt đến đó, ta phải chế ngự các xúc cảm, đam mê của ta. Sau này, các triết gia như Epictatus và Marcus Aurelius nhấn mạnh trên khía cạnh đạo đức. Một con người stoic phải chịu đựng gian khổ, nghịch cảnh một cách kiên cường. (ND).

[7] Constantine I “Đại Đế” (280 – 337): vị Hoàng Đế La Mã đầu tiên theo Thiên Chúa giáo (306 – 337). Ông trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo vào năm 312. Qua chỉ dụ Milan (313), ông chấp nhận sự truyền bá Thiên Chuá giáo trên đế quốc La Mã. (ND).

[8]Antoninus Pius (86 –161) : Hoàng Đế La Mã từ 138 đến 161. Ông là người đỡ đầu cho nghệ thuật, khoa học và đã đưa ra nhiều cải tiến trong các lãnh vực luật pháp và xã hội. Khi đế quốc La Mã ngự trị Anh Quốc, ông đã cho xây bức trường thành chạy dài từ sông Forth đến sông Clyde. (ND).

[9] Locrians : dân vùng Locris, một vùng nằm ở miền Trung Hy Lạp cổ xưa. (ND).

[10]Thomas Pooley bị tòa Đại hình Bodmin, July 31, 1857, tuyên án. Nhưng vào tháng 12 năm đó được Nhà Vua tha bổng (ghi chú của Mill).

[11] Đó là George Jacob Holyoake, August 17, 1857và Edward Truelove, July, 1857 (ghi chú của Mill).

[12] Đó là Baron de Gleichen bị tòa Marlborough Street Police từ chối xét xử, ngày August 4, 1857 (ghi chú của Mill).

[13] Nhân cuộc nổi dậy của lính Sepoy, ta nhận thấy có một sự bộc phát của những cảm xúc mạnh mẽ có tính cách khủng bố trộn lẫn với sự phô bày rộng rãi của những nét xấu nhất của cá tính dân tộc ta: ta có thể rút được một lời cảnh cáo mạnh mẽ từ đó. Những lời điên cuồng của những kẻ quá khích hay những lang băm thốt lên từ bục giảng có thể không đáng để chúng ta chú ý; nhưng các thủ lãnh trong đảng Phúc Âm đã nêu lên những nguyên tắc trong việc cai trị dân Ấn Độ và dân Hồi Giáo: theo các thủ lãnh đó, ta chỉ dùng công quỹ để tài trợ cho các trường học giảng dạy Thánh Kinh, và chỉ tuyển dụng làm công chức những người thực sự hay giả vờ là những tín đồ Cơ Đốc Giáo. Một vị Thứ Trưởng, trong một bài diễn văn trước cử tri, đã tuyên bố vào ngày 12 tháng 11, 1857: “Sự khoan dung của chính phủ đối với tín ngưỡng của họ (họ là 100,000,000 thần dân Ấn Độ), một sự mê tín mà họ gọi là tôn giáo, có hậu quả làm chậm trễ sự áp đặt uy thế của Anh Quốc và cản trở sự tăng trưởng tốt lành của Cơ Đốc giáo. Sự khoan dung là nền móng quan trọng của tự do tín ngưỡng ở nước này; nhưng, chúng ta không thể để cho họ lạm dụng danh từ khoan dung quý giá ấy.” Theo như ông ta hiểu, đó là một sự tự do toàn diện cho tất cả mọi người, một tự do tín ngưỡng cho những tín đồ Cơ Đốc giáo có cùng những niềm tin cơ bản. Việc đó có nghĩa là một sự khoan dung đối với tất cả những giáo phái Cơ Đốc giáo tin tưởng ở một sự hoà giải độc nhất. Tôi muốn lưu ý đến sự kiện rằng, một con người được xem như là xứng đáng đảm nhận một chức vụ quan trọng trong chính phủ của quốc gia này, dưới một chính quyền tự do, lại đưa ra một chủ thuyết, theo đó, tất cả những ai không tin tưởng nơi tính cách thiêng liêng của Đấng Ky-tô thì không được hưởng sự khoan dung. Sau khi nghe những lời ngu ngốc như vậy, có ai còn có thể tin được rằng, sự đàn áp tôn giáo đã qua rồi? (ghi chú của Mill)

[14]Phong trào triết học thuần lý còn được gọi là Chủ nghĩa Lý tưởng Đức quốc (German Idealism). Triết gia tiêu biểu của phong trào này là Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831). (ND).

[15]Goethe Johann Wolfgang von (1749 – 1832) là một thi sĩ, một nhà văn và một nhà soạn kịch danh tiếng của Đức. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là Faust, 1808», Những nổi buồn của Werther, 1774, Wilhem Meister, 1796 – 1829. (ND).

[16]Fichte Johann Gottlich (1762 – 1814): Triết gia người Đức, môn sinh của Kant và thầy của Schelling. Ông đưa ra một hệ thống triết học dẫn đến một chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối, trong đó, cái tôi là trên hết. (ND).

[17]Jean Calvin (1509 – 1564) là một nhà thần học người Pháp. Ông đã truyền bá đạo Tin Lành cải cách tại Pháp và Thụy Sĩ. Tại Geneva, Calvin đã đặt ra một chính phủ do một giáo hội Trưởng Lão rất khắc khe điều khiển. Theo Calvin, quốc gia có quyền và bổn phận phải giúp đỡ giáo hội. Các lời giảng dạy trong Thánh Kinh quan trọng hơn truyền thống của giáo hội; các lễ phước có giá trị nhưng không cần thiết; và số mệnh con người cũng đã được định sẳn từ trước. (ND).

[18]John Knox (1505 – 1572) là một nhà truyền giáo Tô Cách Lan. Ông là thành lập viên của giáo hội Trưởng Lão Tô Cách Lan. Thoạt tiên, ông là một linh mục Thiên Chúa giáo, nhưng ông cải qua đạo Tin Lành vì ảnh hưởng của Wishart. Khi bị đày qua lục địa Âu Châu, ông trở thành một cộng tác viên của Calvin. Trong hai cuốn sách Confession of Faith (1560) và Book of Discipline (1560), ông chống đối và từ khước quyền hành của Đức Giáo Hoàng và cấm đoán việc hành lễ Mi Sa. (ND).

[19]Tức là những người học trò (chính thức cũng như không chính thức) sử dụng phương pháp biện luận và triết học của Socrates. (ND).