fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Chương III

Lý do chính tại sao lại có nhiều loại chính quyền khác nhau là vì trong mỗi nước có nhiều phần tử khác nhau. Đầu tiên ta thấy tất cả mọi nước đều bắt nguồn từ nhiều gia đình, và trong số đông đảo công dân lại có kẻ giàu người nghèo, có kẻ trung lưu. Kẻ giàu có phương tiện để vũ trang, còn kẻ nghèo thì chỉ là kẻ bạch đinh. Trong số những kẻ bình dân, có người làm nghề nông, có người buôn bán, và có kẻ làm thợ. Còn trong số quý tộc cũng có sự khác biệt về tiền bạc và tài sản, thí dụ số ngựa mỗi nhà có bao nhiêu con dùng để xem nhà ai giàu có hơn ai. Vì thế, vào thời cổ, những nước nào dùng kỵ binh làm sức mạnh, thường theo chế độ quả đầu. Những chế độ này dùng kỵ binh đánh nhau với những nước láng giềng, chẳng hạn như dân Eretria và Chalcis, hay dân Magnesia sống dọc theo sông Maender và các sắc dân khác ở Á châu. Ngoài sự khác biệt về tài sản, còn sự khác biệt về dòng giống và tài năng cùng những khác biệt khác đã được bàn tới trong phần thảo luận về chế độ quý tộc cùng những yếu tố cần thiết cho sự tạo dựng một quốc gia. Trong số những phần tử này, đôi khi tất cả, đôi khi một số ít quần chúng, đôi khi một số đông quần chúng, được dự phần vào sinh hoạt chính trị. Như vậy, hiển nhiên rằng phải có nhiều loại chính quyền khác nhau, vì mỗi nước được tạo thành bởi những phần tử khác nhau. Một hiến pháp chính là cơ cấu của chính quyền mà tất cả công dân được tham dự tùy theo quyền lực của mỗi giai cấp, chẳng hạn như giai cấp giàu có hay nghèo khó, hay theo một số nguyên tắc bình đẳng nào đó cho cả hai giai cấp. Như vậy, ngoài nhiều mô hình chính quyền ra, còn có nhiều hiến pháp khác nhau tùy theo sự khác biệt về giai cấp và nghề nghiệp của dân chúng.

[Tuy nhiên,] có người lập luận rằng, nói chung thì chỉ có hai dạng chính quyền chính mà thôi–cũng giống như khi ta nói về gió thì chỉ có gió đông hoặc gió tây,[1] còn những loại khác chỉ là biến thể–đó là dân chủ và quả đầu. Chế độ quý tộc vẫn thường được coi là quả đầu vì chỉ có một thiểu số ưu tú cầm quyền, và chế độ theo hiến pháp được coi là dân chủ, như ta gọi biến thể của gió đông là đông nam hay đông bắc. Trong âm nhạc cũng tương tự như thế, ta có hai thể: Dorian và Phrygian; sự sắp xếp những thang âm khác nhau cũng chỉ được soạn theo một trong hai thể này. Phân loại chính quyền theo kiểu này rất được ưa chuộng, nhưng trong cả hai trường hợp, theo tôi, cách tốt nhất và chính xác nhất vẫn là phân biệt xem loại nào là đúng đắn và loại nào là hủ bại: trong mô hình đúng đắn loại nào là hủ bại, ta có thể xem chế độ quả đầu là chế độ xấu xa hơn và mô hình dân chủ là loại nhẹ nhàng và dễ dãi hơn.

 


[1] Người Tây phương dùng hai hướng chính là bắc và nam, còn người Việt dùng hai hướng chính là đông và tây, thí dụ, người Việt nói gió đông nam, người Tây phương nói southeast (ghi chú của người dịch: trong nguyên tác dùng hướng bắc nam).