fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 4

Chế độ nô lệ

Bởi vì không người nào có một uy quyền tự nhiên trên người khác, và vì lực không tạo nên quyền, chúng ta phải kết luận rằng mọi quyền lực hợp pháp đều được đặt trên các quy ước. Grotius nói rằng, nếu một cá nhân có thể từ bỏ tự do của mình và tự đặt mình làm nô lệ cho kẻ khác, thì tại sao một dân tộc không thể làm thế và trở thành thần dân của một vị vua? Trong câu này có nhiều từ mơ hồ cần phải được giải thích, nhưng ta chỉ nên hạn chế trong từ “từ bỏ.” “Từ bỏ” có nghĩa là “cho” hay “bán” – Một người không tự hiến mình khi làm nô lệ; anh ta tự bán mình, ít ra là để sinh sống. Nhưng một dân tộc thì bán mình vì cái gì? Vua không nuôi dân mà ngược lại dân phải nuôi vua, và theo Rabelais [b], thì vua không sống giản dị. Chẳng lẽ thần dân hiến mạng mình cho vua với điều kiện là của cải của họ cũng bị nhà vua tước hết? Nếu mà như vậy, tôi thấy là họ chẳng còn cái gì để mà giữ lại nữa. Người ta sẽ nói rằng kẻ bạo chúa đem yên ổn xã hội lại cho dân chúng. Cứ cho như vậy đi, nhưng dân hưởng được gì khi nhà vua vì lòng tham vô đáy gây ra chiến tranh, khi những nhũng nhiễu của nền cai trị còn làm khổ người dân hơn là các sự tranh chấp giữa họ với nhau? Họ được lợi lộc gì khi chính sự yên ổn ấy lại là nguồn khổ của họ? Trong tù ngục cũng có thanh bình, nhưng thanh bình kiểu đó có đáng để sống không? Người Hy Lạp bị bọn Cyclops nhốt trong hang cũng sống thanh bình trong khi chờ đợi đến lượt mình bị ăn thịt. Nói rằng một con người tự dâng hiến mình mà không đòi hỏi gì cả là một điều ngu xuẩn không thể tưởng tượng nổi.

Một hành động như thế là bất hợp pháp và vô giá trị vì người làm việc đó không minh mẫn. Nói một dân tộc mà làm như vậy có nghĩa cho họ là những kẻ điên, và sự điên khùng không tạo nên quyền. Ngay cả khi một kẻ có thể từ bỏ tự do của mình, hắn ta cũng không thể đem cho tự do của con cái của hắn. Chúng được sinh ra là những con người tự do. Tự do của chúng thuộc về chúng, không ai có quyền xâm phạm đến. Trước khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành, người cha, nhân danh con cái, có thể đặt ra luật lệ để bảo đảm sự sinh sống, phúc lợi của chúng, nhưng không thể hiến chúng một cách dứt khoát và vô điều kiện. Một sự dâng hiến như vậy là trái với thiên nhiên và vượt qúa quyền làm cha. Vậy nên để hợp pháp hoá một chính quyền độc tài, thì mỗi thế hệ dân chúng phải có quyền chấp nhận hay từ chối chính quyền đó; nhưng, khi có được sự kiện này thì chính quyền đâu còn là độc tài nữa. Từ bỏ quyền tự do là từ bỏ làm người, từ bỏ các quyền của nhân loại, và cả những bổn phận của mình. Kẻ từ bỏ tất cả thì sẽ không có một sự đền đáp nào. Sự từ bỏ như vậy không thích hợp với bản chất của con người.

Tước đoạt tự do khỏi ý chí con người là tước đoạt đạo đức ra khỏi hành động của kẻ đó. Cuối cùng, thật là một quy ước trống rỗng và mâu thuẫn khi ta đặt một bên là quyền uy tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô giới hạn. Đối với một kẻ mà ta có quyền đòi hỏi tất cả, thì rõ ràng là ta không cần có một bổn phận nào đối với kẻ đó cả; và chỉ sự kiện đó thôi, một hành động mà không có sự tương đương và bổn phận tương ứng, thì hành động đó có giá trị gì hay không? Bởi vì kẻ nô lệ có quyền gì đối với tôi khi mà tất cả những gì hắn có đều thuộc về tôi, và ngay cả quyền của nó cũng thuộc về tôi thì cái quyền của tôi chống lại chính tôi là một điều không có ý nghĩa gì hết. Grotius và những người khác tìm thấy trong chiến tranh một nguồn gốc khác của chế độ nô lệ. Theo họ, vì kẻ chiến thắng có quyền giết kẻ bại trận, cho nên kẻ bại trận chuộc lại sự sống bằng tự do của chính mình. Và quy ước này lại hợp pháp hơn nữa vì nó làm lợi cho cả đôi bên. Nhưng rõ ràng rằng cái gọi là quyền giết kẻ chiến bại không phải là kết qủa của chiến tranh. Con người, khi sống tự do thời ban sơ, không có những mối giao tế đều đặn và thường xuyên để tạo nên chiến tranh hay hòa bình; họ không thể tự nhiên mà trở thành kẻ thù.

Chiến tranh được gây ra bởi những tương quan giữa những sự vật chứ không phải giữa người với người. Và bởi vì trạng thái chiến tranh không thể nẩy ra từ các liên hệ cá nhân đơn giản, mà từ những liên hệ vật chất, cho nên, chiến tranh riêng tư hay giữa người này với người kia, không thể nào xảy ra trong trạng thái thiên nhiên, là nơi không có quyền sở hữu liên tục, hoặc trong trạng thái xã hội nơi mà tất cả mọi thứ đều được đặt dưới quyền uy của luật pháp. Các trận đánh tay đôi, tay ba, các cuộc đấu kiếm là những hành động không tạo thành một trạng thái chiến tranh; còn đối với các cuộc chiến giữa các lãnh chúa, được Vua Louis IX của Pháp cho phép và sau đó bị Phong trào Hoà Bình của Chúa cấm chỉ [c], chỉ là những lạm dụng của chế độ phong kiến, một chế độ tự bản chất đã là một hệ thống phi lý, trái nghịch với các nguyên tắc của luật tự nhiên và đi ngược với mọi nguyên tắc chính trị tốt đẹp.

Do đó, chiến tranh không phải là một quan hệ giữa người và người, mà là giữa quốc gia và quốc gia; các cá nhân chỉ trở thành kẻ thù một cách tình cờ, không với tính cách con người, cũng không phải với tính cách công dân mà như là những người lính; [3] không phải với tính cách những thành viên của hai quốc gia mà chỉ là những người tự vệ. Sau rốt kẻ thù của quốc gia này chỉ là quốc gia khác chứ không phải là con người; bởi vì không thể có một tương quan thiết thực giữa những sự vật khác nhau hoàn toàn về bản chất. Xa hơn nữa, nguyên tắc này phù hợp với các điều luật đặt ra từ trước đến nay và được những quần chúng văn minh thi hành. Các lời tuyên chiến là những lời đe dọa không phải chỉ nhắm vào chính quyền của một nước, mà còn vào dân chúng của nước đó. Một ngoại nhân, dù là Vua, cá nhân hay một dân tộc mà đi ăn cướp, giết người hay bắt cầm tù dân chúng của một nước khác mà không tuyên chiến với nhà cầm quyền nước đó, thì đó không phải là kẻ thù mà chỉ là kẻ cướp. Ngay cả trong một cuộc chiến thật sự, kẻ cầm quyền đứng đầu phe chiến thắng có thể chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về công sản của phe bại trận, nhưng vẫn phải tôn trọng đời sống và của cải riêng tư của người dân nước chiến bại; đó cũng là vì ông ta tôn trọng các quyền mà trên đó ông đã xây dựng quyền của mình. Mục đích của chiến tranh là tàn phá quốc gia thù nghịch, những người bên này có quyền giết những người bảo vệ phía bên kia khi họ cầm súng trong tay, nhưng khi mà vũ khí đã được đặt xuống và người ta đã đầu hàng thì họ không còn là kẻ thù hay là công cụ của kẻ thù nữa. Họ chỉ là những con người và ta không có quyền gì trên mạng sống của họ. Một đôi khi người ta có thể tiêu diệt một quốc gia mà không cần giết một người dân của nước đó. Và chiến tranh không cho ta quyền gây nên những thiệt hại không cần thiết để đạt lấy mục tiêu.

Các nguyên tắc này không phải là nguyên tắc do Grotius đặt ra; cũng như không phải được đặt trên căn bản uy tín của các thi sĩ; nhưng chúng phát xuất từ bản chất của thực tế và trên căn bản của sự hợp lý. Quyền xâm chiếm không có một căn bản nào ngoài cái quyền của kẻ mạnh nhất. Nếu chiến tranh không cho phép kẻ xâm lược giết kẻ bại, thì quyền bắt họ làm nô lệ không thể đặt căn bản trên một quyền hạn không có. Không ai có quyền giết kẻ thù, trừ khi kẻ thù không chịu đầu hàng, (và do đó trở thành kẻ nô lệ chiến bại); do đó, kẻ thắng không thể viện lý là đã tha chết để bắt kẻ bại làm nô lệ. Như thế là một sự trao đổi không công bằng, khi bắt kẻ nô lệ phải mua mạng sống bằng sự mất tự do của mình, trong khi kẻ chiến thắng không có quyền gì trên mạng sống đó. Hiển nhiên đây là một cái vòng lẩn quẩn nếu đặt cơ sở quyền sống chết trên quyền nô lệ, và quyền nô lệ trên quyền sống chết.

Ngay cả khi ta giả thiết rằng có cái quyền kinh khủng là được tàn sát quân thù, tôi vẫn cho rằng một nô lệ bắt được trong cuộc chiến hay một dân tộc bị chinh phục không có bổn phận phải thần phục mà chỉ phải tuân lời vì bị cưỡng bức. Bằng cách áp đặt ách nô lệ thay vì lấy mạng sống, kẻ chiến thắng không cho kẻ nô lệ một đặc ân gì cả: thay vì giết ngay kẻ chiến bại để chẳng được hưởng lợi lộc gì, kẻ chiến thắng giết hắn lần mòn bằng cách lợi dụng sức lao động của kẻ chiến bại. Nhưng làm như vậy, kẻ chiến thắng, ngoài cái “quyền của sức mạnh,” không có một quyền uy gì đối với kẻ nô lệ; và tình trạng chiến tranh vẫn tồn tại giữa họ. Mối quan hệ giữa họ là kết qủa của chiến tranh và quyền sử dụng chiến tranh không hàm ý tạo nên một hiệp ước hòa bình. Kẻ thắng và người bại hiển nhiên đã cùng nhau thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận này không chấm dứt tình trạng chiến tranh mà chỉ kéo dài nó mà thôi. Vậy nên, dù ta xét vấn đề này dưới khía cạnh nào chăng nữa, quyền đặt ách nô lệ là vô giá trị; không những nó bất hợp pháp mà còn phi lý và vô nghĩa. Các từ ngữ ”nô lệ” và “quyền” mâu thuẫn và phủ định lẫn nhau. Thật là điên rồ khi một người nói với người khác hay nói với dân chúng: “Chúng ta hãy làm một thỏa ước hoàn toàn thiệt thòi cho anh và hoàn toàn lợi lộc cho tôi; tôi sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến bao lâu tôi muốn và anh cũng sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến khi nào tôi muốn chấm dứt nó mới thôi.”

 

Chú thích

[3] Người La Mã am hiểu và tôn trọng luật chiến tranh hơn bất cứ dân tộc nào, nhiều khi cứng nhắc đến nỗi không công dân nào được gia nhập quân đội nếu không công khai tuyên bố ý định chống quân thù. Khi đạo quân của chàng Cato dưới quyền chỉ huy của Popilius bị thua trận và phải tái-phối trí, bố của Cato viết thư cho Popilius yêu cầu rằng nếu muốn con ông tiếp tục chiến đấu trong quân ngũ, thì Popilus phải bắt quân sĩ tuyên thệ lại, vì lời tuyên thệ lúc đầu đã bị huỷ bỏ khi thua trận, và như thế chàng Cato không thể cầm vũ khí chiến đấu. Cụ Cato cũng cấm con giao chiến nếu chưa tuyên thệ trở lại. Tôi biết là nhiều người sẽ dùng cuộc bao vây Clusium và các sự kiện khác trong lịch sử La Mã để phản bác tôi, nhưng tôi chỉ dùng luật lệ và tập quán La Mã làm dẫn chứng. La Mã là một nước ít vi phạm những luật lệ do họ đặt ra hơn bất kỳ nước nào, và chưa có nước nào có luật lệ tuyệt hảo như họ.

[b] François Rabelais (1484-1553): xuất thân là một tu sĩ dòng Francisco, sau trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu thực vật và bác sỹ y khoa. Rabelais chuyên về thể văn châm biếm và hài hước; tác phẩm Gargantua và Pantagruel được liệt vào hàng danh tác thế giới và ảnh hưởng tới các nhà văn lừng danh khác như Cervantes, tác giả của Don Qui-xote. Các tác phẩm văn chương châm biếm của Rabelais đã từng bị Giáo hội La Mã cho vào Danh mục các sách bị cấm.

[c] Phong trào Hòa bình của Chúa (The Pax Dei) là một phong trào quần chúng bắt nguồn từ miền nam nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ 10 sau đó lan sang các nước Tây Âu và kéo dài mãI đến thế kỷ 13. VÌ các cuộc chiến tranh thời Trung Cổ giữa các lãnh chúa tạo nên biết bao hoang tàn và bất ổn trong đời sống và xã hội các nước này đến nỗi quần chúng và Giáo hội cùng thiết lập các ủy ban Hòa bình nhằm thiết lập các luật lệ về chiến tranh và ổn định xã hội. Tại một vài nước, các Liên minh Hòa bình phải thành lập lực lượng dân quân do các tu sĩ chỉ huy để bảo vệ hòa bình hoặc ngăn cản chiến tranh giữa các lãnh chúa. Theo Richard Landes: http://www.bu.edu/mille/people/rlpages/paxdei.html